Thông tin

ẢNH HƯỞNG CỦA CỤ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

ĐỐI VỚI NHÂN DÂN BẾN TRE

 

HIẾN PHÁP LỮ MINH CHÂU

 

Các nhà sư Lê Khánh Hòa, Lê Khánh Thông ở Ba Tri đề xướng phong trào chấn hưng Phật giáo ít nhiều có ảnh hưởng của cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 01 tháng 7 năm 1822 tại Sài Gòn - Gia Định, cha là cụ Nguyễn Đình Huy, mẹ là Trương Thị Thiệt. Cụ lớn lên ở Gia Định, thi đỗ tú tài và dạy học nên thường được gọi là cụ Đồ Chiểu. Trên đường ra Huế thi Hương hay tin mẹ mất, cụ khóc mẹ rồi sinh bệnh mù mắt. Nỗi đau mất mẹ cộng với nỗi đau bị hồi hôn, cụ sống cuộc đời ẩn dật, chỉ làm thơ, dạy học, hốt thuốc.

Vốn xuất thân từ gia đình Nho học nên cụ muốn dùng thơ văn để phổ truyền đạo đức. Tác phẩm Lục Vân Tiên ra đời được mọi tầng lớp nhân dân tiếp nhận rất nồng nhiệt. Người đời lấy gương trung, hiếu, tiết, nghĩa trong truyện để giáo dục mình và dạy dỗ con cháu. Ảnh hưởng của tác phẩm khắp cả Nam kỳ lục tỉnh và sau này lan rộng ra đến cả nước. Đặc biệt ở Bến Tre, người dân đa số thuộc làu và phổ biến bằng lối nói thơ Vân Tiên. Tác phẩm không chỉ giúp cho người đọc giải trí mà qua đây người đọc tỉnh trí sống theo gương hạnh của nhân vật chính diện và lấy gương các nhân vật phản diện để răn dạy người đời theo luật nhân quả của Phật đạo. Có tác giả mượn câu chuyện trong tác phẩm để soạn ra tuồng cải lương giúp cho ảnh hưởng càng thêm sâu rộng. Chỉ qua tác phẩm Lục Vân Tiên, nhân dân Bến Tre rất ngưỡng mộ tác giả Nguyễn Đình Chiểu.

Cụ tiếp tục sáng tác cuốn Dương Từ Hà Mậu bàn sâu về đạo Phật, đạo Thiên Chúa và đạo Nho. Mấy ngàn câu thơ cụ tập trung nói về ba mối đạo này. Trong đó, cụ đề cao Nho giáo. Nhưng cụ muốn cho con người có trách nhiệm đối với xã hội nhơn quần. Cụ để cho Dương Từ Hà Mậu thông gia với nhau rất hòa ái.

Sau cùng cụ viết tác phẩm Ngư Tiều Y thuật vấn đáp. Càng trải nghiệm cuộc sống cụ nhìn thấy mối quan hệ giữa các tôn giáo rất tốt đẹp. Cụ muốn đạo Phật, đạo Nho, đạo Thiên Chúa đồng hợp tác với nhau để xây dựng xã hội cho ngày càng tốt đẹp. Cụ viết:

Xưa nay hễ Đạo là đường,

Đường đi nào phải một phương hiệp hòa

Nhằm bảo vệ đạo đức thuần phong mỹ tục của dân tộc, cụ muốn cho nhân dân giữ lấy truyền thống tốt đẹp nên cụ tập trung chủ đề đạo đức đối với các tác phẩm của mình. Cụ viết:

Thà đui mà giữ Đạo nhà,

Còn hơn có mắt ông cha không thờ

Trước họa xâm lăng của thực dân Pháp, cụ chuyển hướng ngọn bút sang cổ vũ tinh thần yêu nước. Cụ viết văn tế các nghĩa sĩ vì nước hy sinh như: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa dân lục tỉnh, thơ điếu Phan Tòng, Trương Định,

Với tinh thần bất khuất trước giặc ngoại xâm, cụ Nguyễn Đình Chiểu trở thành ngọn cờ đầu của dòng văn thơ yêu nước lúc bấy giờ. Qua các bài văn tế đã thức tỉnh nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Cụ viết:

Sống đánh giặc thác cũng đánh giặc

Linh hồn theo giúp cơ binh

Chết thì ưng đình miếu phụng thờ… Rồi khi giặc đến thì cụ nguyện không đội Trời chung với giặc “Nắng sương nay há đội Trời chung” nhưng trước thực trạng thế giặc ngày càng hung bạo, đất nước lần lượt rơi vào tay kẻ xâm lược, cụ tỏ thái độ bất hợp tác với giặc và có tấm lòng giữ Đạo rất kiên quyết. Nhân tổng kết sau mười mấy năm chống giặc nhiều nghĩa sĩ hy sinh trong đó có người em ruột của cụ. Nguyễn Đình Chiểu viết bài văn tế nghĩa dân lục tỉnh có đoạn mang ý nghĩa rất sâu sắc:

Man mác trăm chiều tâm sự

Sống những mong trả nợ cho đời

Phôi pha một mảnh hình hài

Thác rồi bỏ làm phân cho đất

Tỉnh trưởng Bến Tre đến chiêu dụ, cụ từ chối quyết liệt, tỏ rõ tinh thần yêu nước thương dân. Trong bài Ngựa Tiêu Sương cụ viết:

Ngựa nghĩa còn cưu nhà nước cũ

Làm người bao nỡ phụ quê hương

Rồi vận nước gặp buổi dương cùng, cụ viết thơ khóc các anh hùng nghĩa sĩ. Nhân Phan Thanh Giản tử tiết được nhân dân ca ngợi:“Vĩnh Long có cặp rồng vàng - Nhứt Bùi Hữu Nghĩa nhì Phan tuẫn thần” thì cụ Nguyễn Đình Chiểu dành hai bài thơ rất xúc động. Cụ viết:

Hữu thiên lục tỉnh tồn vong sự

An đắc thung dung tựu nghĩa thềm

Cụ còn nói rõ: “Phan học sẽ hết lòng mưu quốc

Có lúc thấy đạo đức cũng xuống cấp, cụ viết bài Tham Đạo có hai câu gây xúc động lớn đối với xã hội:

Chở bao nhiêu Đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

Lúc sắp từ giã cõi trần, trong tác phẩm cuối đời là Ngư Tiều Y thuật vấn đáp với hình tượng rất cao siêu là Kỳ Nhân Sư tự xông đôi mắt cho mù để giữ Đạo.

Sự đời đã khuất đôi tròng mắt

Lòng Đạo xin tròn một tấm gương

Cụ kết thúc với bài U Yên sấm rất nhiệm mầu:

Năm quí đua cờ pháo ngựa qua,

Hai vua một gánh gởi vai bà.

Trời Nam có thể cây sơn cấm,

Đất Bắc còn vàng gót đính ba.

Con thú một sừng binh mới gặp,

Cái người một mắt đá chưa ra.

Bao giờ nhựt nguyệt vầy gương sáng,

Bốn bể âu ca hợp một nhà”.

Cụ Nguyễn Đình Chiểu ước mơ có một thế giới đại đồng loài người sống yêu thương cùng hát bài ca thái bình an lạc! Đây là tư tưởng tấm lòng của Nguyễn Đình Chiểu.

Tính từ năm 1858, giặc Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam ở Đà Nẵng, đến năm 1859 chúng đánh vào Gia Định rồi xuống Cần Giuộc và sau đó chiếm hết Nam kỳ lục tỉnh rồi cả nước Việt Nam thì ngay từ đầu Nguyễn Đình Chiểu viết bài Chạy giặc và tiếp tục đấu tranh cho đến khi từ giã cõi đời. Ngọn cờ yêu nước của cụ Nguyễn Đình Chiểu có tác dụng rất tích cực đối với nhân dân Bến Tre nói riêng, Việt Nam nói chung.

Qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc và kiến quốc, cụ Nguyễn Đình Chiểu được nhân dân kính trọng yêu mến tôn thờ. Các nhân vật trong tác phẩm của cụ đã đi vào đời rất sinh động cả nhân vật chính diện lẫn phản diện.

Tấm gương của cụ Nguyễn Đình Chiểu trở thành biểu tượng đẹp của lòng yêu thương con người. Trước hết là người trong gia đình và tỏa rộng ra xã hội.

Cụ nói rõ tấm lòng ưu thế mẫn thời của một bậc chí sĩ thương dân yêu nước. Đối với người bịnh cụ dạy:

Thấy người đau tưởng mình đau,

Bịnh còn chữa được thuốc dành cho không

Hoặc: “Đứa ăn mày cũng Trời sanh

Cụ răn dạy rất nghiêm khắc đối với ngành y. Cụ đào tạo nhiều học trò trở thành người hữu ích cho xã hội. Tác dụng cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu đối với xã hội thật không thể tổng kết trọn vẹn được. Đặc biệt, đối với tôn giáo, Cụ Đồ mong muốn người tu phải có trách nhiệm đối với xã hội. Viết tác phẩm Dương Từ Hà Mậu dành riêng cho phần tôn giáo trong đó có Phật giáo. Cụ đến Ba Tri tiếp tục dạy học, hốt thuốc làm thơ nhằm làm cho xã hội ngày một tốt hơn. Ngay lúc bấy giờ cần chấn hưng Phật giáo thì cụ quan niệm rất rộng mở.

Đạo Tiên, Đạo Phật, Đạo Nho,

Cớ sao lại cứ bo bo Đạo Trời

Các nhà sư Lê Khánh Hòa, Lê Khánh Thông ở Ba Tri đề xướng phong trào chấn hưng Phật giáo ít nhiều có ảnh hưởng của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Cụ nói rõ luật nhân quả qua các tác phẩm của mình. Cụ muốn diệt thói gian tà thông qua tác phẩm của mình qua các nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình của từng thời đại.

Ngày nay, Bến Tre xây dựng đền thờ cụ rất trang nghiêm, lấy ngày sinh của cụ làm ngày tổ chức Lễ hội Văn hóa của tỉnh để tỏ lòng biết ơn và tôn kính, noi gương một bậc hiền tài của đất nước.

Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu và thơ văn cụ sẽ sống mãi trong lòng người dân Bến Tre!

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 24
    • Số lượt truy cập : 6131246