Thông tin

ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO PHẬT (TỊNH ĐỘ TÔNG)

TRONG SỰ HÌNH THÀNH MỘT SỐ TÔN GIÁO

NỘI SINH Ở NAM BỘ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX

 

ThS. NGUYỄN VĂN QUÝ(*)

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Mỗi tôn giáo không thể thiếu các thành tố như kinh sách, cơ sở thờ tự và đối tượng thờ phụng của tín đồ tôn giáo ấy và đạo Phật cũng vậy, đó chính là Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng). Đạo Phật trong quá trình phát triển cũng trải nhiều thăng trầm, và ở mỗi nơi, mỗi thời điểm, đạo Phật đều có những phương thức uyển chuyển để thích nghi với môi trường, với phong tục, tập quán của nơi nó truyền đến. Do đó, đạo Phật cũng trở lên đa dạng hơn, phong phú hơn và cũng phức tạp hơn với sự xuất hiện nhiều hệ phái, tông phái... Thậm chí, ngay trong phương pháp tu hành, đôi khi cũng có sự dị biệt, điều này dường như không quá quan trọng, bởi cốt làm sao dẫn dắt hành giả chứng ngộ được chân lý tối thượng…

Nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Phật giáo Việt Nam là sự kết hợp giữa Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông,… Tuy nhiên, cũng khó phân tách một cách rõ ràng đâu là Thiền tông, đâu là Mật tông và đâu là Tịnh Độ tông nếu không xem xét chúng trên các bình diện khác nhau, chẳng hạn như lịch sử, lịch sử tư tưởng của từng tông phái, giáo lý, phương pháp tu tập, đối tượng thờ phụng được biểu tượng hóa thành tượng thờ trong các cơ sở thờ tự,... Nhưng rõ ràng là, Tịnh Độ tông đã và đang có một vị trí quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Ở bài viết này, chúng tôi chỉ nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của Tịnh Độ tông trong việc hình thành một số tôn giáo nội sinh ở Nam bộ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trên ba bình diện chính là giáo lý, phương pháp tu tập và đối tượng thờ phụng của các tôn giáo này. Do vậy, các khía cạnh khác như lịch sử tư tưởng, lịch sử du nhập, lịch sử truyền thừa, nghi lễ hay cách bài trí tượng thờ của Tịnh Độ tông và một số tôn giáo nội sinh là đối tượng được tìm hiểu sẽ không đề cập trong bài viết này.

2. TÔN GIÁO NỘI SINH Ở NAM BỘ: NGUYÊN NHÂN HÌNH THÀNH

Cho đến nay, việc đi tìm những nguyên nhân hay điều kiện cho sự hình thành các tôn giáo nội sinh(1) ở Nam bộ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã được các thế hệ học giả quan tâm nghiên cứu và đã có những đánh giá khách quan, thỏa đáng trên các bình diện khác nhau như lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội và tất nhiên là có cả tôn giáo. Chẳng hạn, học giả Lê Anh Dũng cho rằng sự hình thành các tôn giáo nội sinh ở Nam bộ chủ yếu do năm yếu tố tạo nên, đó là: địa lý thiên nhiên Nam bộ; làng Nam bộ; tính dân tộc và đa tín ngưỡng của Nam bộ; cá tính người Nam bộ và nhu cầu tâm linh người Nam bộ. Theo sự phân tích trên năm yếu tố này, tác giả có lý khi cho rằng địa lý tự nhiên Nam bộ đã tạo cho người dân nơi đây có “tính mở” hơn so với người ở Bắc bộ. Họ ít bị ràng buộc bởi những qui ước, những lệ làng như người dân vùng châu thổ Bắc bộ và trên bình diện đời sống văn hóa tinh thần, người Nam bộ đa tín ngưỡng, tôn giáo, bởi đây là nơi hội tụ của nhiều tộc người Việt, Khmer, Chăm… Những tộc người này đến Nam bộ trong những thời điểm khác nhau và vì thế, trong quá trình sinh sống, họ không chỉ có sự giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau về văn hóa tinh thần mà còn có sự giao lưu với các dân tộc bên ngoài như Mã Lai, Xiêm La, Java(2). Còn nhóm tác giả Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh trong công trình nghiên cứu của mình đã nêu lý do vùng đất Nam bộ lại đa tín ngưỡng, đó là “thời gian dài hơn hai trăm năm, bắt đầu từ thế kỷ XVII sang nửa cuối thế kỷ XIX này, cũng là thời gian lắm chinh chiến, loạn ly. Bao nhiêu người tị nạn dưới làn tên mũi giáo. Bao nhiêu gia đình tan tác, cha lìa vợ con, vợ xa chồng… đi khai hoang nơi “biên địa” đã là một sự đánh cuộc với đời, phải chấp nhận rủi ro nhiều hơn nữa. Trong khung cảnh vậy, người dân Nam Bộ tự nhiên phải tin tưởng vào sự hên, xui, may, rủi. Và để khỏi bị xui, bị rủi thì phải khấn vái, cầu xin sự phò hộ độ trì của trời Phật, thần linh, tổ tiên ông bà và cả những người “khuất mặt”. Nam bộ là mảnh đất của nhiều tôn giáo nhiều tín ngưỡng một phần là vì thế”(3). Còn học giả Đinh Văn Hạnh khi nghiên cứu về đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt ở Nam bộ đã cho người đọc thấy được người Nam Bộ rất cởi mở, phóng khoáng, dân chủ, rạch ròi mà quyết liệt. Hẳn nhiên, cá tính này không phải một lúc mà có được, nó phải được hun đúc trong suốt quá trình khai hoang lập ấp ở vùng đất này. Và tác giả cho rằng đây “là điều kiện để họ cũng như các tộc người khác dễ dàng giao lưu văn hóa (accuturation), ảnh hưởng lẫn nhau”(4).

Tuy nhiên, có thể thấy, xét trên phương diện lịch sử thì dường như đây là nguyên nhân, điều kiện chủ yếu cho sự ra đời của các tôn giáo nội sinh ở Nam bộ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đó là thời kỳ đất nước ta bị thực dân Pháp thống trị, lại thêm sự bóc lột áp bức của tầng lớp địa chủ phong kiến đã khiến cho đời sống nhân dân ta rất cơ cực. Không khí chính trị lại càng trở lên ngột ngạt khi Pháp và Nhật ra sức tranh giành ảnh hưởng tại Việt Nam. Các phong trào yêu nước của nhân dân ta bị triều đình Huế và thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, tầng lớp trí thức rơi vào trạng thái bế tắc. Người dân Nam bộ mất phương hướng và khủng hoảng niềm tin sâu sắc. Ở phương diện này, không thể không nói đến sự ra đời của các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ từ nửa cuối thế kỷ XIX có sự gắn bó mật thiết với phong trào chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Những phong trào này có xu hướng dựa vào sự hỗ trợ của thần linh, điều này phản ánh sự thật, đó là “vấn đề tâm lý sợ địch là có thực, chênh lệch vũ khí, các chí sĩ sử dụng ma thuật, phù thủy để nghĩa quân chỉ có giáo mác mà không ngại… tuy cuối cùng và thực chất đó là tư tưởng phong kiến, nhưng vẫn là tư tưởng vì nước thương dân. Người ta ủng hộ cuộc bãi công của phu xe thổ mộ chống công ty xe buýt của tư bản Pháp thì cũng không có lý do gì mà không dở nón trước nhưng người đeo bùa mà cầm giáo mác xông lên giết giặc Pháp”(5) và GS. Trần Văn Giàu còn có nhận xét rất tinh tế về vùng “đồng bằng sông Cửu Long là mảnh đất hết sức màu mỡ và cũng là miếng đất sản sinh nhiều đạo khá lạ lùng, mê tín dị đoan hết sức phổ biến”(6). Như thế, bối cảnh lịch sử vùng đất Nam bộ đã đem đến sự hẫng hụt về tâm thức tôn giáo, khi mà tình trạng khủng hoảng ý thức hệ Nho giáo ngày càng mờ nhạt ở vùng đất hoang vu nhưng lại rất màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Sự hụt hẫng này biểu hiện trong tâm thức, hành động của người dân đến đây ngay từ buổi ban đầu khai hoang lập ấp, họ tin vào thầy phù thủy và sợ quỷ thần và rồi từ đây, trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người dân Nam bộ cũng trở lên vô cùng phong phú và phức tạp. Theo nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng: “Hành trang tôn giáo của lưu dân vào đất mới có đủ tam giáo và đạo thờ tổ tiên, ông bà. Tuy nhiên, Nho giáo vốn không sâu sắc đối với đa số lưu dân ít học, về sau lại tỏ ra bất lực đối với cuộc xâm lăng của thực dân Pháp, nên Phật giáo và Đạo giáo nổi trội cùng với ma thuật cổ truyền trộn lẫn với nhau”(7). Như thế, chúng ta có thể thấy, ngoài sự hiện diện của tam giáo, thì còn rất nhiều các tôn giáo nội sinh được hình thành và phát triển như đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài, Hòa Hảo… và cũng có những tôn giáo thành hình rồi tàn lụi như đạo Dừa, đạo Nằm… Mặt khác, trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người dân Nam bộ trải qua thời gian đã có sự giao thoa giữa các tộc người. Những vị thần, ông độ mạng, bà mụ sanh, bà chúa, quan ông… đan cài, xen lẫn với Tam giáo khiến cho đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người dân Nam bộ thời kỳ này trở lên vô cùng đa dạng và phong phú và cũng phản ánh đặc điểm tâm lý trong giao tiếp, ứng xử của người Nam bộ, đó là tinh thần phóng khoáng, cởi mở, nhưng cũng rất sâu đậm trong việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Đạo Phật với tinh thần bình đẳng, từ bi hỷ xả và giải thoát từ lâu đã là điểm tựa đời sống tâm linh của người dân Nam bộ. Tuy tình hình Phật giáo từ cuối thế kỷ XIX rơi vào suy thoái, nhưng cũng chính từ lúc này bắt đầu hình thành phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, đây “là hệ quả tất yếu từ sự khủng hoảng của tôn giáo này, được bộc lộ rõ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ XX”(8).

Trong các tôn giáo nội sinh ở Nam bộ, trên cơ sở phân loại của Nguyễn Huy Lai về các tôn giáo truyền thống ở Việt Nam, theo GS,TS. Đỗ Quang Hưng thì từ giữa thế kỷ XIX, các tôn giáo mới xuất hiện trên vùng đất này phần lớn được phân loại thành hai nguồn là “dòng Tiên tri Nam Bộ” và “Thiên Địa Hội” (hội kín)(9). Thuật ngữ, các tôn giáo mới ở đây được chúng tôi hiểu là các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ hình thành từ nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và GS. Trần Văn Giàu có sự phân loại những hiện tượng ông Đạo là “dòng tiên tri tản mạn”, còn các đạo Cao Đài, Hòa Hảo hay Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương là “dòng tiên tri lớn”(10). Ở đây, chúng tôi xem xét ảnh hưởng của Tịnh Độ tông trong sự hình thành một số tôn giáo nội sinh ở Nam bộ chủ yếu là ở “dòng tiên tri lớn” này.

Đối với Phật giáo Việt Nam, vào những năm cuối thế kỷ XIX, nhất là những năm đầu thế kỷ XX, làn sóng chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của tín đồ Phật tử trong cả nước. Nhưng về cơ bản, tư tưởng Phật giáo Việt Nam thời kỳ này vẫn là sự tiếp nối tư tưởng Thiền tịnh song tu từ thế kỷ XVI, XVII, và còn có sự hỗn dung Tam giáo (Nho, Đạo, Phật) cùng kết hợp với tín ngưỡng  dân gian “nhưng vẫn không rời khỏi nền Phật giáo Thiền tông…”(11). Đối với Tịnh Độ tông, từ khi du nhập, mà bằng chứng rõ ràng nhất là sư Đàm Hoằng (? – 455), một vị cao tăng Trung Quốc tu hành Tịnh Độ tông đến chùa Tiên Sơn, Việt Nam tu tập và truyền bá pháp môn này được chép trong Cao tăng truyện của Huệ Hạo(12), và đến nay  “tuy chưa có tư liệu nào cho thấy ở Việt Nam có sơn môn/ tổ đình Tịnh độ, nhưng có hai đặc điểm nổi bật là Phật học thay cho Phật giáo và tân Phật giáo thay cho cổ Phật giáo(13). Chẳng hạn như việc hiện đại hóa việc truyền đạo bằng cách tổ chức xuất bản sách báo, trong đó nổi bật nhất vẫn là truyền bá tư tưởng Tịnh độ. Bằng chứng là Tâm Minh Lê Đình Thám thuyết giảng trong 6 số tạp chí Viên Âm, thành bài Pháp môn Tịnh độ mà nội dung cơ bản là “…tư tưởng Thiền Tịnh song tu, nhưng thiên về Tịnh hơn Thiền. Sự canh tân thể hiện ở chỗ quay về Phật giáo dân gian vốn đậm tư tưởng Tịnh độ (với việc thờ A Di Đà và Quán Thế Âm), nhưng nâng cao về mặt lý luận một bước…”(14) hay báo Đuốc Tuệ xuất bản trong hai năm từ

1941 đến 1942, báo Phương Tiện từ năm 1949 đến năm 1950 đã dành hẳn một chuyên mục Tôi tu Tịnh độ, so sánh pháp môn Tịnh độ dễ tu dễ chứng hơn với các pháp môn khác để thuyết phục mọi tu hành theo pháp môn này. Điều đặc biệt chính là Tâm Minh đã vận dụng pháp môn Tịnh độ vào xã hội đương thời và luận bàn tính tất yếu cho việc vận dụng này. Ngoài Viên Âm còn có các tạp chí như tờ Từ Bi Âm, Tiếng Chuông Sớm… và nhiều hệ phái đã nhân danh Tiểu thừa, Đại thừa, Thiền tông, Tịnh độ,… dẫn đến cuộc tranh luận giải thích giáo lý Phật giáo, tuy không đưa ra một tư tưởng Phật giáo mới nào, nhưng với sự hoạt động mạnh mẽ của Cư sỹ và trí thức Phật giáo đã khiến cho tư tưởng Tịnh độ nổi trội. Và còn phải kể đến Hội Phật giáo tương tế, Hội Lưỡng xuyên Phật học, An Nam Phật học, Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học... đã đưa nhiều chủ đề xoay quanh giáo lý Phật giáo được đưa ra bàn luận. Hình ảnh nhà sư trẻ Thiện Chiếu(15) với những hành động, việc làm làm nức lòng các nhà tu hành ở Nam bộ bấy giờ. Như vậy, qua cuộc vận động chấn hưng Phật giáo không chỉ cho thấy sự kết hợp có ý thức giữa đạo và đời của Phật giáo Việt Nam mà còn cho thấy sự ảnh hưởng, tính nhập thế tích cực của Phật giáo Đại thừa nói chung và Tịnh Độ tông nói riêng trên các phương diện, quan niệm về về cứu khổ cứu nạn trong một bối cảnh lịch sử nhất định.

3. ẢNH HƯỞNG CỦA TỊNH ĐỘ TÔNG TRONG MỘT SỐ TÔN GIÁO NỘI SINH Ở NAM BỘ

Như trên đã nói, từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều tôn giáo nội sinh được khai mở, trong đó có một số tôn giáo được kiến lập dựa trên nền tảng giáo giáo lý, phương pháp tu tập của Tịnh Độ tông nhưng được giáo chủ các tôn giáo này đơn giản hóa hơn để phù hợp với nhân dân Nam bộ lúc bấy giờ. Vì sao có hiện tượng này, một mặt đây là kết quả của phong trào chấn hưng Phật giáo trong một bối cảnh lịch sử nhất định của con người và vùng đất Nam bộ và một mặt mang ý nghĩa sâu xa hơn đó là “quả” của hơn 2.000 năm truyền bá đạo Phật vào Việt Nam. Mặt khác, như L.Cadière cho rằng: “Các dân tộc Viễn Đông, đặc biệt là người Việt Nam, là người mang đậm tâm thức tôn giáo”(16) và ông cho rằng: “Nếu quan niệm tôn giáo là niềm tin và thực hành ảnh hưởng đến cách ứng xử theo lẽ phải của cuộc đời, đến một thế giới siêu nhiên, thì ta thấy người Việt Nam có cái đức tính đó ở mức độ cao”(17). Như vậy, có thể thấy, kể cả những người theo tôn giáo độc thần, nhưng tâm thức tôn giáo của họ vẫn là phiếm thần/đa thần và ở Nam bộ, các tôn giáo nội sinh một mặt gắn bó chặt chẽ với nền sản xuất nông nghiệp, mặt khác lại biểu hiện tinh thần chống thực dân Pháp cao độ và thường có sự kết hợp nhiều loại hình tôn giáo tín ngưỡng khác nhau, trong đó đạo Phật, hay một tông phái của đạo Phật là Tịnh Độ tông có ảnh hưởng sâu sắc trong sự hình thành một số tôn giáo này.

Cần thiết phải nêu ngắn gọn về tông phái này. Tịnh Độ tông là một tông phái thuộc Phật giáo Đại thừa do Huệ Viễn (333-416) người Trung Quốc sáng lập vào thế kỷ thứ V. Nền tảng giáo lý và phương pháp tu tập được kiến lập trên ba bộ kinh tạng, đó là A di đà kinh, Vô lượng thọ kinh và Quán vô lượng thọ kinh(18). Nội dung giáo lý của tông phái này thể hiện đầy đủ tinh thần Giới, Định, Tuệ của đạo Phật. Trong đó, 48 nguyện của Phật A Di Đà là giáo lý cốt lõi, nó thể hiện sự cứu độ, lòng từ bi vô lượng của Phật A Di Đà và hai trợ thủ của ngài là Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Đó còn là sự thiết lập cõi Tịnh Độ(19)  với những phẩm, bậc khác nhau(20)  để chúng sinh thấy mà có niềm tin tuyệt đối trên con đường tu tập hướng đến Tây phương Cực lạc. Phương pháp tu tập được nêu rất rõ trong kinh A di đà kinh Vô lượng thọ, chỉ ra con đường thực hành niệm Phật (vì thế còn được gọi là pháp môn Niệm Phật, hay pháp môn Tịnh Độ)(21), thiền quán hay tu tạo phước huệ hồi hướng vãng sinh Tịnh Độ. Như vậy, trong giáo lý và phương pháp tu tập và thờ phụng của Tịnh Độ tông không chỉ đơn thuần cứu rỗi tinh thần con người nhờ Phật lực, mà còn đòi hỏi sự nỗ lực của chính bản thân người tu hành có tinh thần hướng thượng, làm việc thiện vì con người và cũng là vì chính bản thân người tu hành. Do vậy, có thể thấy, ý nghĩa thiết thực của người tu hành pháp môn Tịnh Độ là thực hành niệm Phật ngay trong đời sống này để sớm xa lìa điều ác, giữ tâm tính trong sạch,… đó cũng là những gì giáo lý, phương pháp tu tập mà Tịnh Độ tông định hướng cho người tu hành.

Bửu Sơn Kỳ Hương (BSKH) do Đoàn Minh Huyên sáng lập vào năm 1849 trong một hoàn cảnh lịch sử xã hội đặc biệt. Khi đó, miền Tây Nam Bộ đang trong thời kỳ khai phá, cư dân từ khắp nơi đổ về, chiến tranh, loạn lạc, bệnh tật xảy ra liên miên… Đoàn Minh Huyên không chỉ chữa bệnh cho nhân dân trong vùng mà còn giảng giải khiến cho bệnh nhân, rồi người thân của bệnh nhân biết điều nhân nghĩa, hiếu kính cha mẹ, kính Phật… Sự phát triển của BSKH từ Châu Đốc, Long Xuyên rồi đến vùng Sa Đéc, Vĩnh Long có thể chia làm ba thời kỳ gắn liền với Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy Tây An), Trần Văn Thành (Đức Cố Quản), Phật Trùm, Đức Bổn Sư (Ngô Lợi), Sư Vãi Bán Khoai và Huỳnh Phú Sổ. Với giáo lý được giản lược từ đạo Phật, đơn giản hoá hình thức tụng niệm và kết hợp chặt chẽ với sự tu thân theo tinh thần Nho giáo. Hơn nữa, BSKH còn khuyến người tâm dưỡng tính theo tinh thần Tứ ân… Trong đó, ân Tam bảo biểu thị rõ nhất sự tham gia của phương pháp tu hành Tịnh Độ trong việc thành lập tôn giáo này. Ngoài ra, chúng ta còn thấy yếu tố Tịnh Độ trong sự thờ phụng tại mỗi nhà, ngoài ban thờ tổ tiên còn ngôi thờ Tam bảo chỉ đơn giản là một tấm trần điều. Rõ ràng, BSKH không phải là một tông phái của Phật giáo, song dùng giáo lý Phật giáo nhưng đơn giản theo cách của người sáng lập, tín đồ chỉ cần niệm Phật tại gia mà không cần xuất gia, không cần những nghi thức cầu kỳ, với Tứ ân, nó là một tôn giáo nhập thế, một tôn giáo yêu nước và có ảnh hưởng lớn ở Nam Bộ từ khi nó được thành lập.

Tứ Ân Hiếu Nghĩa (TÂHN) còn gọi là đạo Lành, gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa do Ngô Lợi sáng lập vào năm 1867 tại xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang ngày nay. Sau khi thành lập TÂHN, năm 1870, Ngô Lợi chính thức quy y và tự xưng là Bổn Sư rồi thu nạp tín đồ. Năm 1876, ông dẫn tín đồ vào núi Tượng khai hoang và truyền đạo. TÂHN còn là một phong trào yêu nước dưới hình thức tôn giáo để che mắt thực dân Pháp. TÂHN lấy pháp môn niệm Phật làm trọng, và chú trọng phát triển Phật giáo dưới hình thức Cư sĩ và chú tâm nhiều hơn đến việc thờ phụng, bố thí, thành tâm niệm Phật mong cầu giảm được tội và nghiệp chướng mới được vãng sinh. Ngô Lợi thường dạy:

Một lòng giữ vẹn tứ ân

Phụng thờ khuya sớm ân cần đừng sai

Gắng công niệm Phật hôm mai

Trì tâm thì đặng thiếc mài nên kim.

Việc tu nhân được thể hiện qua sự thành kính “Tứ đại trọng ân” và Tứ trọng ân như BSKH, đơn giản là TÂHN được kiến lập trên nền tảng của BSKH. Nhưng đạo TÂHN còn chịu ảnh hưởng của các tôn giáo khác như Nho giáo, Đạo giáo và đặc biệt là tư tưởng và phương pháp tu tập của Tịnh Độ tông, điều này biểu hiện rõ nhất là các tín đồ lấy kinh A di đà để tụng niệm hàng ngày và qua sự thờ phụng, bài trí ban thờ trong nhà của tín đồ.

Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam (TĐCSPHVN) được Nguyễn Văn Bồng sáng lập vào năm 1934. Nguyễn Văn Bồng sinh năm 1886, tại xã Tân Mỹ, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, và được chị nuôi dạy và cho học chữ Nho. Khi rảnh rỗi, ông thường nghiên cứu Phật pháp, đặc biệt là phép Thật tướng niệm Phật, một phương pháp tu hành được Phật tử ưu chuộng thuộc Tịnh Độ tông. Năm 25 tuổi, sau khi lập gia đình, ông chữa bệnh cứu người. Năm 33 tuổi, tức năm 1919, ông du hóa khắp nơi và dùng y đạo để chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời truyền bá Phật pháp. Năm 1934, ông chính thức thành lập TĐCSPHVN, mượn chùa Hưng Long làm Hội quán. Sau đó ông cùng môn đệ xây dựng Hội quán trung ương Tân Hưng Long Tự ở Chợ Lớn. Môn đồ suy tôn ông là Tông sư. Năm 1950, ông đề xướng tôn chỉ tu hành Phước Huệ song tu, dùng y đạo để cứu người và năm 1958, ông viên tịch.

Ngay từ đầu thành lập TĐCSPHVN đã theo pháp môn tu tập của TĐT nhằm qui tụ những người theo đạo Phật nhưng là tín đồ tu tại gia, tức Cư sĩ như tên gọi của nó. Giáo lý của TĐCSPHVN không được Tông sư Minh Trí chủ trương xây dựng, mà ông dùng các kinh tạng chủ yếu thuộc TĐT như kinh A di đà, kinh Vô lượng thọ, kinh Quán vô lượng thọ, và cả phẩm Phổ môn trong kinh Hoa Nghiêm… để truyền bá giáo lý và giảng dạy cho môn đệ tùy theo trình độ tu học. Bên cạnh đó, Tông sư còn cho xuất bản những kinh sách để cho cư sĩ học hỏi thêm như Phu thê ngôn luận, Phật học vấn đáp, Giới luật, Kiến tánh, Phước huệ song tu… Trong phương pháp tu hành, TĐCSPHVN chủ trương theo Tịnh Độ tông. Tông sư Minh Trí dạy môn đệ chuyên pháp môn niệm Phật, đi, đứng, nằm, ngồi đều thực hiện theo phương pháp Trì danh niệm Phật nhằm đạt đến nhất tâm bất loạn. Theo Tông sư, việc thực hành pháp môn niệm Phật tuần tự theo ba cấp độ và là quá trình cầu vãng sinh Cực lạc, từ “Phương tiện hữu dư Tịnh Độ” đến “Thật báo trang nghiêm Tịnh Độ” và cao nhất là “Thường quang Tịnh Độ”, và cũng vì thế, theo quan niệm của TĐCSPHVN, tín đồ sau khi nhập đạo, phát tâm niệm Phật mà chưa đạt đến nhất tâm bất loạn vẫn được vãng sinh. Trong nghi thức thờ cúng, TĐCSPHVN có sự thống nhất: tại mỗi ngôi chùa hay hội quán ở chính điện thờ Phật A Di Đà hoặc Phật Thích Ca Mâu Mi, phía sau thờ Bồ tát Quán Thế Âm và ở nhà hậu thờ các vị tiền bối có công với đạo, với đất nước. Đặc biệt là TĐCSPHVN rất chú trọng y đạo của nhà Phật bằng cách lập nhiều phòng thuốc nam mang tên Phước Thiện để cứu nhân độ thế. Theo ông, làm như vậy gọi là “phước huệ song tu”, mới gọi là người có cái nhìn đại cuộc hơn cái nghiệp riêng của cá nhân mình.

Như vậy, có thể thấy Tịnh Độ tông là nền tảng hình thành TĐCSPHVN, và ngay ở tên gọi cũng hàm ý mong cầu Tịnh Độ. TĐCSPHVN là hội của những cư sĩ tại gia, có lẽ vì thế giáo chủ Minh Trí chọn phương pháp tu hành Tịnh Độ và lấy niệm Phật để làm căn bản. Hơn nữa, ông cũng không muốn môn đồ của mình là người xuất gia, mà mong muốn họ hoằng dương Phật pháp ngay trong cuộc sống thường nhật của mình. Có lẽ vì thế mà ngoài kinh tạng Tịnh Độ tông, ông và môn đệ còn xuất bản một số kinh sách, đề xuất lễ bái Lục phương, trì danh niệm Phật sao cho phù hợp với trình độ tu tập của từng người và tâm thức của người dân lúc bấy giờ. 

Phật giáo Hòa Hảo do Huỳnh Phú Sổ khai sáng vào năm 1939. Ông sinh năm 1920 tại làng Hòa Hảo, tỉnh Châu Ðốc. Thuở nhỏ, ông thường đau yếu nên chỉ theo học hết bậc tiểu học. Năm 1939, sau khi cùng thân phụ thăm viếng các am động ở vùng Thất Sơn, Tà Lơn thì ông thành lập PGHH. Ngay từ đầu, PGHH với phương pháp chữa bệnh đơn giản nhưng hiệu nghiệm, cùng những lời giảng đạo dễ hiểu nên khá nhiều người tin theo PGHH.

Cũng như BSKH, TÂHN, TĐCSPHVN, PGHH lấy giáo lý của đạo Phật làm căn bản, bởi đa phần tín đồ là nông dân, do đó giáo chủ Huỳnh Phú Sổ cũng chủ trương hướng sự tu hành tại gia, phát triển ngay trong gia đình mỗi tín đồ. Tín đồ PGHH không bắt buộc phải xuống tóc vào chùa, họ vẫn sinh hoạt tại gia đình như mọi thành viên khác, nhưng trong cuộc sống lại theo giáo lý của đạo Phật. Tôn chỉ tu hành của PGHH là “Học Phật Tu Nhân”, khuyên mọi người phải luôn gắng thực hành Tứ ân (ân tổ tiên cha mẹ; ân đất nước; ân Tam bảo và ân đồng bào nhân loại)(22), học theo giáo lý đạo Phật mà tu sửa mình, làm tròn trách nhiệm của mình trong cõi mình đang sống, để sau này vãng sinh Tịnh Độ. Bên cạnh đó, PGHH còn chủ trương không xây chùa đúc tượng, không dâng cúng Phật xôi, chè hay đốt vàng mã, mà chú trọng khuyên mọi người làm từ thiện. Như vậy, có thể thấy PGHH không chủ trương hình thức, lễ nghi bề ngoài mà hướng con người chú trọng tu hành theo giáo lý Phật giáo. Do đó, trên ban thờ không có tượng Phật mà chỉ là một tấm vải gọi là Trần Dà. Tấm Trần Dà tượng trưng cho sự hòa hợp của nhân loại và biểu trưng cho màu sắc đạo Phật. Dưới bàn thờ Phật là ban thờ Cửu Huyền Thất Tổ, tức là nơi thờ ông bà cha mẹ đã khuất. Phía trước nhà tín đồ có một ban thờ lộ thiên, gọi là Thông thiên, là nơi để tín đồ dâng nước, hoa và hương để cúng Phật với niềm tin sâu sắc rằng mình sẽ được cảm thông với mười phương Phật. PGHH quan niệm, nước là biểu trưng cho sự trong sạch, hoa biểu trưng cho sự tinh khiết còn hương dùng xua tan mùi uế trược. Mỗi ngày, tín đồ PGHH làm lễ cúng Phật ít nhất hai lần vào buổi sáng và tối. Vào các ngày mùng 1 và 15 hàng tháng, đặc biệt là những ngày vía chư Phật, tín đồ PGHH đến chùa hay hội quán làm lễ và nghe giảng pháp. Khi hành lễ, các tín đồ không dùng chuông mõ mà chỉ thành tâm niệm Phật, nếu ai đó có việc mà không đến được thì quay về hướng tây niệm Phật. Vì vậy, việc thờ phụng ở nhà hay đến chùa và hội quán ở PGHH rất đơn giản, các tín đồ chỉ đọc sấm giảng do giáo chủ Huỳnh Phú Sổ soạn và niệm Phật A Di Đà với mục đích tĩnh tâm và cầu sinh Tịnh Độ.

Nhìn chung, ngay từ ban đầu thành lập, Giáo chủ PGHH đã lấy pháp môn Tịnh Độ làm căn bản và chính ông đã tự xưng mình là bậc “sinh như tri”, được thọ mệnh với Phật A Di Đà và Phật Thích Ca Mâu Ni. Giáo lý cơ bản của PGHH là những lời sấm kệ do chính giáo chủ Huỳnh Phú Sổ biên soạn cho thấy đây là sự tiếp thu, nâng cao tư tưởng của BSKH sao cho phù hợp với tâm thức nhân dân Nam bộ thời bấy giờ. Do đó, trong giáo lý của đạo này còn có sự kết giữa TĐT với triết lý Nho, Đạo để hình thành nền tảng giáo lý học Phật tu nhân mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, phù hợp với tâm thức người dân Nam bộ nên PGHH đã trở thành một trong bốn tôn giáo lớn ở Việt Nam.

4. ĐÔI LỜI TẠM KẾT

Sự xuất hiện nối tiếp nhau của các tôn giáo nội sinh ở Nam bộ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khá nhiều, đó là chưa kể những ông đạo, hay Thiên địa hội. Ngoài ra, mặc dù Nho giáo trong bối cảnh tàn lụi nhưng vẫn in đậm trong thế ứng xử, ăn sâu vào tâm thức tâm hồn mỗi người dân và Đạo giáo cũng vậy, vẫn len lỏi trong cộng đồng người Hoa, người Việt, và luôn là nguồn cảm hứng cho bùa chú, những phương pháp chữa bệnh dân gian. Hơn nữa, những tôn giáo có nguồn gốc “phương Tây”, trong đó Kitô giáo sau một thời gian dài vấp phải nhiều ngáng trở xong đã hiện diện trong một bộ phận không nhỏ tầng lớp nhân dân, và tôn giáo này đến này như đã trở thành tôn giáo “truyền thống”. Còn đạo Tin Lành mới du nhập những năm đầu thế kỷ XX, nhưng nó đã và đang có những ảnh hưởng đến sinh hoạt của các tôn giáo khác. Đối với Phật giáo, như trên chúng tôi đã minh chứng, vẫn là một tôn giáo phổ biến nhất ở Nam bộ trong thời kỳ này. Khi phong trào chấn hưng Phật giáo nở rộ, Tịnh Độ tông đã có những ảnh hưởng lớn hơn, sâu sắc hơn đến sự hình thành một số tôn giáo nội sinh như chúng tôi đã minh chứng trên ba phương diện quan trọng của một tôn giáo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Ban trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo (2012), Sấm giảng giáo lý Phật giáo Hòa Hảo của Đức Huỳnh Giáo chủ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

2. Lê Anh Dũng (1996), Lịch sử đạo Cao Đài: thời kỳ tiềm ẩn 1920 – 1926, Nxb Thuận Hóa, Huế.

3. Đại sư Ưu Đàm (Thích Minh Thành dịch), Liên tông bảo giám, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

4. Trần Văn Giàu (1973), Lịch sử tư tưởng, Về hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, Tập I, Hà Nội.

5. Trần Văn Giàu (1996), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng táng 8, Tập I, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6. Đinh Văn Hạnh (1999), Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt ở Nam Bộ, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

7. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

8. PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb Tôn Giáo và Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

9. Đỗ Quang Hưng chủ biên (2001), Tôn giáo và mấy vấn đề tôn giáo Nam Bộ. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

10. Tuệ Nhật (dịch), Kinh A di đà yếu giải, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

11. Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh (1992), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

12. Nguyễn Quốc Tuấn (2012), Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

13. Tạ Chí Đại Trường (1989), Thần, người và đất Việt, Văn nghệ xuất bản – Califonia – USA77.

14. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2006), Thiện Chiếu, nhà sư – chiến sỹ cách mạng, Nxb Tôn giáo, HN.

15. GS. Đặng Nghiêm Vạn, Lý luận về tôn giáo và Tình hình tôn giáo ở Việt Nam,  Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

 


(*). ThS. Nguyễn Văn Quý, phòng Nghiên cứu Phật giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

1. Trong các công trình nghiên cứu tôn giáo thường phân chia các tôn giáo thành ba loại hình chính là: Tôn giáo Nguyên thủy, tôn giáo dân tộc, tôn giáo thế giới. Tôn giáo Nguyên thủy được hiểu là những tôn giáo ra đời trong thời kỳ nguyên thủy, bắt nguồn từ những quan niệm sơ khai của con người về bản thân mình và thiên nhiên xung quanh, thể hiện niềm tin của con người đối với các lực lượng siêu nhiên; Tôn giáo dân tộc là những tôn giáo phổ biến trong nội bộ một tộc người, một quốc gia và tôn giáo thế giới là những tôn giáo phổ biến ở nhiều tộc người và quốc gia trên thế giới. Cũng có cách phân chia tôn giáo thành hai loại là tôn giáo thờ nhiên thần và tôn giáo thờ nhân thần; hay tôn giáo đa thần và tôn giáo độc thần. Như vậy, chúng ta có thể thấy, tiêu chí phân loại khác nhau đã dẫn đến kết quả không thống nhất. Ở bài viết này, chúng tôi theo quan điểm của TS. Lý Hùng Hiếu dựa trên hai tiêu chí là nguồn gốc hình thành và đối tượng thờ cúng. Theo đó, tác giả dựa trên tiêu chí nguồn gốc hình thành đã chia các tôn giáo ở Việt Nam thành hai loại là: Tôn giáo nội sinh và tôn giáo ngoại sinh; theo đối tượng thờ cúng chia thành hai loại là: tôn giáo đa thần và tôn giáo độc thần. Xin xem chi tiết trong: Lý Hùng Hiếu (2013), “Tổng quan về tôn giáo của cư dân Nam Bộ”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn sự chuyển đổi tôn giáo của các dân tộc thiểu số vùng Nam Bộ, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, tr. 11-32.

2. Xin xem: Lê Anh Dũng (1996), Lịch sử đạo Cao Đài: thời kỳ tiềm ẩn 1920 – 1926, Nxb Thuận Hóa, Huế.

3. Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh (1992), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 254.

4. Đinh Văn Hạnh (1999), Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt ở Nam Bộ, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr29

5. Trần Văn Giàu (1973), Lịch sử tư tưởng, Về hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, Tập I, Hà Nội, tr378.

6. Trần Văn Giàu (1996), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng táng 8, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 508.

7. Xin xem trong: Đỗ Quang Hưng chủ biên (2001), Tôn giáo và mấy vấn đề tôn giáo Nam Bộ. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 24-25.

8. Nguyễn Quốc Tuấn (2012), Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr53-63.

9. Xin xem trong:Đỗ Quang Hưng chủ biên (2001), Tôn giáo và mấy vấn đề tôn giáo Nam Bộ, Sđd, tr. 248.

10. Tạ Chí Đại Trường (1989), Thần, người và đất Việt, Văn nghệ xuất bản – Califonia – USA77, tr351-359.

11. PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb Tôn Giáo và Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr. 524.

12. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập I, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.749].

13. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Sđd, tr. 711.

14. PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Sđd, tr. 558.

15. Xin xem thêm: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2006), Thiện Chiếu, nhà sư – chiến sĩ cách mạng, Nxb Tôn giáo, HN.

16. GS. Đặng Nghiêm Vạn, Lý luận về tôn giáo và Tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 48.

17. Đỗ Quang Hưng chủ biên (2001), Tôn giáo và mấy vấn đề tôn giáo Nam Bộ, Sđd, tr48.

18. Ba bộ kinh này còn được gọi là Tịnh Độ tam kinh.

19. Đại sư Ưu Đàm tổng kết và trình bày thành mười loại Tịnh Độ. Đó là Tịnh Độ trong kinh Di Đà, kinh Quán vô lượng thọ, kinh Duy Ma, Phạm Võng, Tịnh Độ của cõi trời Ma hê thủ la, Tịnh Độ được trình bày trong kinh Niết bàn, Tịnh Độ được biến hiện ba lần trong kinh Pháp Hoa, Tịnh Độ được hiển bày trên hội Linh Sơn, Tịnh Độ duy tâm và Tịnh Độ của Phật Tỳ lô giá na cư trú. Nhưng đối với TĐT, trong cõi Tịnh Độ do Phật A Di Đà làm giáo chủ còn chia thành nhiều cõi khác nhau, như Thường tịch quang Tịnh Độ; Thật báo trang nghiêm Tịnh Độ; Phương tiện hữu dư Tịnh Độ; Phàm thánh đồng cư Tịnh Độ…. Do vậy, người tu hành pháp thuộc Tịnh Độ tông có nhiều hơn sự lựa chọn cho mình về cõi nào phù hợp nhất, bởi không phải tín đồ nào cũng có sự tu tập, hành trì như nhau, lại càng không có người nào tu hành Tịnh Độ có phước huệ như nhau. Xin xem: Đại sư Ưu Đàm (Thích Minh Thành dịch), Liên tông bảo giám, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr 177-180.

20. Xét trên phương diện thực tiễn thì TĐT đáp ứng đầy đủ mọi ý nguyện của nhiều tầng lớp người tu tập. Ba bậc Thượng, Trung và Hạ đều có đặc điểm chung là phải phát nguyện cái tâm Bồ đề và một lòng niệm Phật A Di Đà. Nhưng trong quá trình tu tập, nhận thức và công hạnh của mỗi hành giả khác nhau nên có những sự khác biệt. Thường thì, bậc Thượng dành cho hàng xuất gia. Bậc này gồm ba phẩm (phẩm Thượng thượng, phẩm Thượng trung và phẩm Thượng hạ); Bậc Trung dành cho người phụng trì trai giới, hồi hướng công đức, hiếu dưỡng cha mẹ, chuyên niệm danh hiệu Phật. Bậc này gồm ba phẩm (Phẩm Trung thượng, phẩm Trung trung và phẩm Trung hạ); và bậc Hạ dành cho người biết sám hối tội lỗi sau khi đã lỡ lầm, biết tinh tấn tu hành. Bậc này gồm ba phẩm (Phẩm Thượng hạ, phẩm Trung hạ và phẩm Hạ hạ). Trong ba bậc chín phẩm ấy thì có năm phẩm (Phẩm Thượng thượng, phẩm Thượng trung và phẩm Thượng hạ, phẩm Trung thượng, phẩm Trung trung) là kết quả của sự tu tập nguyện được vãng sinh về Cực lạc. Còn bốn phẩm sau, có những người chưa từng nghe về Tịnh Độ, hay nói cách khác là chưa lưu ý đến Phật pháp, nhưng họ hiếu thuận cha mẹ, sống nhân từ (phẩm sáu), thậm chí còn tạo nhiều trọng tội (ba phẩm còn lại)… nhưng nhờ gặp người thiện tri thức, phát được tín tâm trong lúc lâm chung cũng được vãng sinh.

21. Có nhiều phương pháp niệm Phật như: Quán tượng niệm Phật:Quán tưởng niệm Phật:Trì danh niệm Phật:Tham cứu niệm Phật:Thật tướng niệm Phật: Trong thực tế, người tu hành pháp môn Tịnh Độ thường hay chọn phương pháp Trì danh niệm Phật vì đây là phương pháp dễ nhất, thích hợp với mọi trình độ, mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, trước hết, đối với TĐT dù phương pháp tu tập có khác nhau nhưng có những yêu cầu bắt buộc chung, gọi là “điều kiện” tu tập. Những điều kiện này là tiên quyết để một hành giả có được những tinh tấn trong quá trình tu tập của mình. Đây được gọi là “ba món tư lương” không thể thiếu, đó là Tín, Nguyện và Hạnh. Ba điều kiện này không thể thiếu bất kỳ một điều kiện nào trong quá trình tu tập Tịnh Độ. Bởi nếu thiếu, người tu hành không thể vãng sinh Cực lạc. Vì thế, Tín, Nguyện và Hạnh được người tu hành Tịnh Độ gọi là “mầm nhân chân thực của đạo nhất thừa, nó sẽ tạo ra quả mầu nhiệm của đạo nhất thừa, tức la bốn cõi Tịnh Độ. Gây được nhân, thời quả tất theo nhân mà mọc ra. Cho nên dùng cái tâm tín và nguyện với cái việc trì danh làm tôn chỉ của bộ kinh này”. Xin xem thêm: Tuệ Nhật (dịch), Kinh A di đà yếu giải, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr 38.

22. Ban trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo (2012), Sấm giảng giáo lý Phật giáo Hòa Hảo của Đức Huỳnh Giáo chủ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr169-223.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 37
    • Số lượt truy cập : 6953859