Thông tin

ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG CÔNG CUỘC

MỞ ĐẤT PHƯƠNG NAM THỜI CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU

 

NGUYỄN HỮU NGUYÊN*

 

Thời kỳ trị vì của chúa Nguyễn Phúc Chu chỉ kéo dài 34 năm (1691-1725) nhưng đã tạo ra bước ngoặt lớn trong tiến trình lịch sử Việt Nam, đó là công cuộc mở rộng đáng kể lãnh thổ quốc gia về phương Nam, đồng thời phát triển mạnh mẽ Phật giáo ở Đàng Trong.

Công cuộc mở đất phương Nam thời Nguyễn Phúc Chu

Trước khi nói về quá trình Nam tiến của phong kiến Việt Nam nói chung và của thời chúa Nguyễn Phúc Chu nói riêng, chúng ta cần nhận thức rõ một số khái niệm như "xâm lược", "thôn tính" và  "mở mang bờ cõi" trong thời đại phong kiến.

"Xâm lược hay xâm chiếm" là hành động của một quốc gia tiến hành cuộc chiến tranh nhằm đánh chiếm một phần hay toàn bộ lãnh thổ của một quốc gia khác rồi đặt ách cai trị hoặc sát nhập vào lãnh thổ của mình.

"Mở mang bờ cõi và thôn tính" là hành động của một quốc gia dùng nhiều biện pháp tổng hợp, bao gồm: quân sự, sức ép ngoại giao, hôn nhân chính trị, di dân khai hoang… nhằm xác lập chủ quyền của vùng lãnh thổ mới trên một vùng đất của quốc gia khác hoặc trên những vùng đất chưa có chủ quyền rõ ràng.

Như vậy khái niệm "mở mang bờ cõi" có thể bao gồm cả một phần hành động quân sự như chiến tranh xâm lược. Vì vậy, về lý luận cần nhận thức rõ đặc trưng của thời đại phong kiến là: biên giới quốc gia chưa ổn định do chưa có công pháp quốc tế về lãnh thổ và biên giới, do đó sự xâm lấn lãnh thổ giữa các nước là không thể tránh khỏi và thực chất đó là quá trình chọn lọc tự nhiên, trong đó các chủ thể mạnh hơn thường dùng biện pháp quân sự để chinh phục các vùng đất khác để mở rộng lãnh thổ và thống nhất cả về kinh tế, hành chính và văn hóa nhằm hình thành một quốc gia thống nhất và rộng lớn hơn. Quá trình ấy diễn ra rất tự nhiên trong phương thức sản xuất phong kiến. Khi xã hội loài người chuyển lên phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mới hình thành công pháp quốc tế. Đến lúc ấy, không gian lãnh thổ và biên giới mới được coi là ổn định và được quốc tế công nhận chủ quyền quốc gia. Đó là thuộc tính của thời đại phong kiến và thực tế lịch sử cho thấy hiện tượng này diễn ra phổ biến trên khắp thế giới, điển hình như lịch sử Trung Hoa thời Tần Thủy Hoàng, Xuân Thu, Tam quốc… -thực chất là các cuộc xâm lược, thôn tính lẫn nhau nhằm thâu tóm lãnh thổ của các lân quốc nhỏ, để hình thành Trung Quốc rộng lớn như ngày nay. Lịch sử thời đại phong kiến Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy. Vì vậy trong tư duy nghiên cứu lịch sử cổ, trung đại không nên né tránh những hành động quân sự nhằm chiếm thêm đất đai để mở mang bờ cõi của các triều đại phong kiến Việt Nam, vì nó là thuộc tính của một hình thái kinh tế-xã hội phong kiến, không nằm trong khái niệm "xâm lược" của lịch sử hiện đại.

 Quá trình Nam tiến của Đại Việt diễn ra từ TK XI đến TK XIX đã mở rộng gấp 3 không gian lãnh thổ so với trước thế kỷ X. Quá trình đó có hai thời kỳ lớn:

Thời kỳ thứ nhất: Từ TK XI đến cuối TK 17 (bao gồm thời nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ và đầu nhà Nguyễn), các triều đại phong kiến Việt Nam đã dùng nhiều biện pháp: quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế để thôn tính toàn bộ lãnh thổ của Chiêm Thành, mở mang bờ cõi từ vùng Quảng Bình vào đến Bình Thuận ngày nay.

Thời kỳ thứ hai: Từ cuối TK 17 đến giữa TK XIX, các Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn cũng dùng nhiều cách thức, trong đó dùng biện pháp di dân khai hoang lập ấp là chủ yếu, đã thôn tính một phần lãnh thổ mà Chân Lạp chiếm của Phù Nam trước đây (Nam bộ ngày nay) và sát nhập vùng Tây Nguyên để hoàn chỉnh lãnh thổ Việt Nam cho đến ngày nay.   

Như vậy có thể nói: công cuộc mở mang bờ cõi của Đại Việt không hoàn toàn là một cuộc chiến tranh xâm lược nhưng cũng không hoàn toàn loại trừ biện pháp quân sự nhằm thống nhất thành một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa. Tiến trình đó phản ánh những quy luật phát triển tự nhiên của thời đại phong kiến.

Riêng thời kỳ hơn 30 năm của chúa Nguyễn Phúc Chu, công cuộc mở mang bờ cõi diễn ra như sau: Nguyễn Phúc Chu nối nghiệp chúa năm 1691, khi ấy lãnh thổ Đại Việt đã mở đến Khánh Hòa ngày nay. Hai năm sau khi lên ngôi (1693), Chúa Nguyễn Phúc Chu cho võ tướng Nguyễn Hữu Cảnh đem quân tiến chiếm vùng đất Bình Thuận ngày nay.

Từ trước đó, vào đầu TK 17, bằng nhiều con đường, một số lưu dân người Việt từ Đàng Ngoài đã vào sinh sống ở vùng Đồng Nai, Bà Rịa, Sài Gòn. Từ năm 1623 chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã tạo mối quan hệ ngoại giao để vua Chân Lạp cho lập trạm thuế quan ở Sài Gòn. Đến năm 1658, chúa Nguyễn Phúc Tấn lại dùng biện pháp ngoại giao để Chân Lạp chấp nhận quyền làm ăn sinh sống của người Việt ở vùng Đồng Nai, Bà Rịa, Sài Gòn. Đến năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần đã xử lý khôn khéo đối với nhóm người Hoa Minh Hương từ bỏ nhà Thanh bằng cách cho người đưa họ vào vùng Đồng Nai, Mỹ Tho với danh nghĩa là cư dân của Đại Việt.

Đó là những tiền đề pháp lý và cơ sở kinh tế-xã hội để sau 7 năm trị vì (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh từ vùng Bình Thuận kinh lý vào Nam, thành lập các đơn vị hành chính ở vùng Đồng Nai, Sài Gòn, Bà Rịa-thực chất đó là hành động xác lập chủ quyền lãnh thổ của Đại Việt ở vùng đất mới.

Trước sức mạnh của Đại Việt và sự suy yếu của Chân Lạp, năm 1708, Mạc Cửu và nhóm người Hoa ở vùng Hà Tiên, Rạch Giá, Phú Quốc đã tự nguyện sát nhập vùng đất này vào lãnh thổ của Đại Việt.

Trên thực tế, dưới thời Nguyễn Phúc Chu, Đại Việt chưa kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ Nam bộ ngày nay, nhưng đã đặt chân vững chắc ở hai khu vực quan trọng thuộc miền đông và miền tây Nam bộ (vùng Đồng Nai-Bà Rịa-Sài Gòn thuộc miền đông và Hà Tiên- Rạch Giá-Phú Quốc thuộc miền tây). Từ hai bàn đạp quan trọng này, các triều đại tiếp sau lần lượt xác lập chủ quyền lãnh thổ ở các vùng còn lại của Nam bộ. Đến năm 1830, Vua Minh Mạng đã sáp nhập Tây Nguyên vào Đại Việt. Đó là mốc lịch sử đánh dấu sự khẳng định chủ quyền biên giới và lãnh thổ của Việt Nam trong thời đại phong kiến và ổn định cho đến ngày nay.

Từ những nét khái lược về quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam của Đại Việt, ta thấy một đặc điểm nổi bật là: các Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn đã dùng biện pháp khuyến khích di dân khai hoang lập ấp và gây sức ép ngoại giao là chủ yếu, biện pháp quân sự chỉ mang tính chất hỗ trợ (sử sách chỉ ghi lại hai trận đánh đáng kể xảy ra ở vùng Bà Rịa (Mô Xoài) và ở vùng Tân An-Gò Công). Điều đó chứng tỏ vùng đất Nam bộ thời đó chưa có chủ nhân chính thức và chưa được xác lập chủ quyền rõ ràng nên Đại Việt không cần phải tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược.

Chúa Nguyễn Phúc Chu và sự  phát triển Phật giáo ở Đàng Trong

Nguyễn Phúc Chu nối nghiệp chúa năm 1791-khi mới 17 tuổi. Sử liệu xác nhận Chúa là người có tư chất rất thông minh và nét nổi bật nhất trong tính cách là lòng nhân ái và rất tôn sùng đạo Phật. Đó là hai yếu tố cơ bản làm nên nghiệp chúa vẻ vang của Nguyễn Phúc Chu.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã phát triển đến đỉnh cao từ thời Lý-Trần, dòng tư tưởng nhân văn đó được lưu truyền qua nhiều thời đại, với nhiều hình thức và mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung đã trở thành hệ tư tưởng chủ yếu của người Việt. Đó là giá trị tư tưởng Phật giáo nhập thế, không chấp tướng, đặt quốc gia xã tắc lên trên hết, “cư trần lạc đạo”.

Theo sử liệu xưa thì Phật giáo đã du nhập vào Nam bộ từ TK thứ IX nhưng chưa phải của người Việt (nguồn gốc của Phật giáo Nam tông). Đến năm 1620, bằng con đường ngoại giao, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã đưa 40 ngàn hộ người Việt vào làm ăn sinh sống ở Thủy Chân Lạp-trong đó có một số là các tu sĩ Phật giáo Bắc tông, nên đến năm 1664 đã xuất hiện ngôi chùa Long Thiền ở Đồng Nai. Đến năm 1679, trong số người Hoa mà chúa Nguyễn cho đưa vào Nam bộ cũng có một số là tu sĩ Phật giáo.

Theo sử liệu xưa, trước khi Nguyễn Phúc Chu nối nghiệp chúa, Phật giáo ở Đàng Trong đã phát triển một mức độ nhất định, nhưng chưa có cương lĩnh rõ ràng, chưa có người lãnh đạo lớn, nên chúa Nguyễn Phúc Chu đã có những chủ trương cụ thể nhằm phát triển Phật giáo Đàng Trong:

Chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho mời một vị cao tăng của Phật giáo Trung Hoa là hòa thượng Thạch Liêm, vừa làm cố vấn trị quốc, vừa làm cố vấn chấn hưng Phật giáo Đàng Trong. Sau này hòa thượng Thạch Liêm đã nhận xét về Đàng Trong thời đó như sau: Thần dân trong nước thảy đều quy y tam bảo, thật là một quốc gia ưa muốn điều lành… Đó là thành quả phát triển Phật giáo rất quan trọng, vì không chỉ dành cho giới tu sĩ hay giới trí thức và tầng lớp trên, mà mọi tầng lớp nhân dân đều thấm nhuần những giá trị đạo đức của Phật giáo. Đó cũng là truyền thống "Phật giáo của toàn dân" từ thời Lý-Trần.

Bản thân chúa Nguyễn Phúc Chu chắc cũng chịu ảnh hưởng nhiều của  những lời khuyên mà hòa thượng Thạch Liêm đã nêu ra: ...cần phải đem việc quốc gia trên giới thanh lý chỉnh tề, không một người nào chưa được yên sở, không một việc nào chưa được thỏa  đáng… nên thanh lý oan ngục, thả tù bị giam cầm, chẩn cấp kẻ nghèo thiếu, khởi dụng kẻ yếm trệ, bác bỏ điều cấm nghiêm khắc, thương xót kẻ buôn bán, tri ân cho thợ thầy… Những lời khuyên ấy là sự cụ thể hóa những giáo lý nhân từ, bao dung, độ lượng của Phật giáo.

Những thành quả phát triển Phật giáo Đàng Trong của chúa Nguyễn Phúc Chu được tìm thấy trong sử liệu gồm có: Chúa đã cho trùng tu chùa Thiền Lâm ở phủ Dương Xuân-biến một ngôi chùa ba gian lợp lá thành ngôi chùa năm gian, 32 cột và bốn mặt cửa lớn. Năm 1710, Chúa cho đúc chuông lớn của chùa Thiên Mụ (nặng 3285 cân). Năm 1714, Chúa cho mua 1.000 quyển kinh Phật và phát hành rộng rãi, đồng thời tổ chức những đợt phát chẩn cho người nghèo, có đợt kéo dài hàng tháng. Năm 1715, chúa cho trùng tu chùa Kính Thiên, năm 1721 lập chùa Giác Hoàng… Nhìn chung, thời kỳ Nguyễn Phúc Chu, ở Nam bộ chưa có nhiều ngôi chùa lớn. Tuy nhiên đã có nhiều tu sĩ theo bước chân Nam tiến của Đại Việt vào lập chùa tu hành như: Thiền sư Linh Nhạc Phật Ý (1725-1822) lập chùa Đại Giác thuộc Đồng Nai-Đại Phố. Thiền sư Đạt Bổn từ Quy Nhơn vào lập "Kim Chương tự" rất nổi tiếng ở Gia Định. Thiền sư Viên Quang trụ trì chùa Giác Lâm ở Gia Định từ năm 1774. Những thiền sư này có vai trò quan trọng trong việc phát triển Phật giáo của người Việt ở Đàng Trong, đồng thời đã tạo cơ sở, tiền đề cho Phật giáo Nam bộ phát triển mạnh hơn ở thời các Chúa Nguyễn sau đó. Đến năm 1776, khi Chúa Nguyễn rời Phú Xuân vào Sài Gòn-Gia Định thì người Việt ở Nam bộ đã có cơ sở kinh tế-xã hội khá vững chắc- đó là cộng đồng người Việt đông đảo, sống hòa thuận với cư dân bản địa và tư tưởng Phật giáo ngấm sâu vào các tầng lớp cư dân.

Ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo trong công cuộc mở đất phương Nam

Nguyễn Phúc Chu nối nghiệp chúa khi tuổi còn rất trẻ (17 tuổi), thời gian trị vì cũng không dài (34 năm) và lúc đó các chúa Nguyễn còn đóng đô ở Phú Xuân, nên chưa có điều kiện xây dựng nhiều công trình kiến trúc phật giáo to lớn ở vùng đất Nam bộ. Tuy nhiên, Nguyễn Phúc Chu là người có tư chất thông minh, nhân từ và rất mộ đạo, nên đã làm được những điều quan trọng hơn việc xây chùa, đó là đã đưa ra những chủ trương chấn hưng truyền thống Phật giáo nhập thế và bao dung của thời Lý - Trần, để truyền bá tư tưởng Phật giáo sâu rộng cho toàn dân.

Nguyễn Phúc Chu là người mộ đạo và cố vấn trị quốc là một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, nên các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội và mở mang bờ cõi đều có sự ảnh hưởng nhất định của tư tưởng Phật giáo với những biểu hiện cụ thể như sau:

Về cách thức mở mang bờ cõi: như trên đã trình bày, trong suốt quá trình chinh phục vùng đất Nam bộ, Phong kiến Việt Nam chủ yếu dùng biện pháp di dân khai hoang lập ấp và các hoạt động ngoại giao mà không phải tiến hành cuộc chiến tranh quy mô quân sự lớn nên hầu như không có những cuộc tàn sát, đốt phá đối với người dân bản địa. Biện pháp quân sự chỉ được dùng rất hạn chế nhằm đánh đuổi quân đội của đối phương khi chúng quay lại đe dọa cuộc sống của người dân. Chính vì thế mà đến ngày nay vẫn còn nhiều phum, sóc của người Khmer chung sống hòa bình xen kẽ với các làng xóm của người Việt. Phải chăng tư tưởng Phật giáo của Chúa Nguyễn Phúc Chu là yếu tố cơ bản tạo ra một cuộc chinh phục vùng đất rộng lớn nhưng lại ít sử dụng bạo lực.

Về phát triển kinh tế ở Nam bộ, các Chúa Nguyễn đã ban hành những chính sách quản lý rất rộng rãi như: khuyến khích những người giàu có đưa dân từ Đàng Ngoài vào khai phá, những người nông dân tự do được thỏa sức khai phá đất hoang và được công nhận quyền tư hữu ruộng đất, chính quyền chỉ thu thuế nông nghiệp và thương nghiệp với mức khá thấp. Những chính sách ấy đã tạo động lực lớn cho nông dân ra sức khai hoang lập ấp. Phải chăng đó là sự kế thừa và vận dụng quan điểm "Khoan sức cho dân", cũng là kinh nghiệm xây dựng sức mạnh đất nước, được vận dụng từ tư tưởng nhận đạo của Phật giáo thời Lý-Trần. 

Về quản lý và phát triển xã hội: mặc dù Phật giáo có vị trí chủ đạo, nhưng không độc tôn và không áp đặt, mà cùng tồn tại hiền hòa với Phật giáo Nam tông của người Việt, Nam tông của người Khmer, Hoa tông, Khất sỹ… và sau này còn có Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Ki tô giáo và nhiều tín ngưỡng dân gian khác ở Nam bộ. Những ngôi chùa Miên, chùa Việt, thất Cao đài, nhà thờ Cơ đốc, Tin lành…có ở khắp nơi trên vùng đất Nam bộ không phải là ngẫu nhiên, mà đó là biểu hiện của tư tưởng bao dung độ lượng của Phật giáo, đã ngấm sâu vào từng người dân Nam bộ, tạo ra khả năng dung nạp văn hóa rất rộng mở và tự nhiên.

Tóm lại, thời gian trị vì của Chúa Nguyễn Phúc Chu tuy không dài, nhưng di sản tinh thần và vật chất mà Người để lại trong lịch sử Việt Nam rất to lớn, trong đó nổi bật nhất là phát triển Phật giáo Đàng Trong và mở đầu công cuộc chinh phục vùng đất Nam bộ rộng lớn. Hai sự nghiệp to lớn đó có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên quá trình mở mang vùng đất Nam bộ tiến triển nhanh chóng, nhưng không dùng nhiều bạo lực quân sự.



* Tiến sĩ, Ban PGVN, VNC Phật học Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6794979