Thông tin

ÁP DỤNG CHÁNH KIẾN VÀO ĐỜI SỐNG VÀ TU TẬP

ÁP DỤNG CHÁNH KIẾN VÀO ĐỜI SỐNG VÀ TU TẬP

 

HUỲNH VĂN ƯU

 

 

Dù cuộc sống ngày nay nhân loại đã từng bước hoàn thiện đời sống, kiến thức, trình độ khoa học… giúp con người có thể ngồi một chỗ vẫn biết được mọi việc diễn ra trên thế giới; có thể hưởng mọi thứ mà họ cần, con người có thể khám phá lòng đại dương sâu hàng trăm mét, biết được thiên hà cách xa trái đất (tính bằng năm ánh sáng). Nhưng con người luôn vẫn thấy lo âu, sợ hãi bởi chúng ta chưa học được cách chế ngự bản thân của chúng ta. Dần dần và chắc chắn, chúng ta tiến đến tai họa triền miên tận gốc rễ. Đạo đức xã hội dù nỗ lực, vẫn không thể giải quyết rốt ráo những tệ nạn của cuộc sống. Để góp phần đem lại an lạc cho đời, đạo đức Phật giáo hướng đến giải quyết những nỗi khổ tinh thần, mang lại hạnh phúc cho cõi nhân sinh. Đạo đức Phật giáo lấy Bát Chánh Đạo làm trung tâm cho con đường chuyển hóa những hành vi bất thiện của mình cũng như xây dựng xã hội. Trong Bát chánh Đạo, Chánh kiến đóng giai trò quan trọng, không những thế, Phật giáo còn lấy phần nầy làm trung tâm, hay nói cách khác, Chánh kiến là nền tảng căn bản của đạo đức Phật giáo.

Chánh kiến là việc thấy nghe biết một cách thẳng ngay, công minh, đúng với sự thật khách quan. Sự nhận xét không bị tập quán, thành kiến, dục vọng ngăn che hay làm sai lệch. Chánh kiến còn là sự sáng suốt, hợp lý, đúng với thực tướng vạn pháp. Phật nói, khi ta hiểu lý nhân quả không còn nghi ngờ, tức là Chánh kiến, tức là thấy biết tất cả mọi hành động lành hay dữ sẽ cho ra kết quả tốt hay xấu của mình. Khi chúng ta biết tạo tác của ta chịu ảnh hưởng nhân quả, nghiệp báo đời quá khứ, nên hiện tại phải nỗ lực tu hạnh lành để chuyển hóa nghiệp xấu ác nhẹ bớt. Ai biết như thế là Chánh kiến.

Chánh tri kiến về nhân quả giúp cho hành giả thực tập sống chuẩn, không rơi vào chủ nghĩa hoài nghi, phán đoán, không trở thành nạn nhân của các cú lừa vì thiếu kiến thức. Ai rơi vào những vụ bị lừa đều là người chưa có Chánh tri, Chánh kiến về nhân quả. Sống trong Chánh kiến chúng ta có thể hạn chế tối đa các rủi ro trong kinh tế, giảm thiểu tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đảm bảo được an toàn hạnh phúc ở mức độ cao nhất. Ở lãnh vực giáo dục gia đình, học đường, hay bất kỳ một lãnh vực nào khác trong xã hội, những bậc làm cha mẹ hay bất cứ ai cũng cần áp dụng Chánh kiến để có được sự hiểu biết chân chánh. Chính từ đây mới có tư duy, hành động tốt đẹp, đây là tấm gương tốt nhất cho hàng con cháu, thế hệ trẻ noi theo. Chính điều tốt đẹp nầy là nền tảng để chọn cho mình nghề nghiệp thuần lương cùng một tâm hồn trong sáng, thanh cao, nhằm tạo một đời sống tốt đẹp cho chính mình và xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Chánh tri kiến còn là tầm nhìn tận gốc rễ vấn đề để hành giả khỏi rơi vào lầm lạc khổ đau, khác với cách nhìn khủng hoảng, thì không có năng lực giải quyết vấn đề sẽ tìm cách đào tẩu khỏi thế giới thực tại, dẫn đến trình trạng thất bại, khổ đau; biết bao người thân bại danh liệt chỉ vì tham đắm dục vọng mê mờ không nhận ra thực tại là vô thường biến đổi nên không tránh khỏi thế gian chê cười khi hậu quả xấu đưa đến. Người không Chánh kiến thấy khổ đau là khổ đau, khi gặp thất bại ngồi đó ôm sầu buồn thảm, nhìn trước mặt toàn là bóng tối, bế tắc trong cuộc sống; còn người có Chánh tri kiến thấy khổ đau là chính nó, vô thường, không, vô ngã. Truy nguyên gốc rễ biết phiền muộn mà diệt trừ.

Thôi còn chi nữa mà mong

Đời người thôi thế là xong một đời

Giận duyên tuổi phận tơi bời

Cầm dao nàng đã toan bề quyên sinh

Nghĩ đi nghĩ lại một mình

Một mình thì chớ hai mình thì sao?

Sau nầy sinh tử thế nào

Truy nguyên chẳng kẻo luỵ vào song thân (Nguyễn Du)

Sự tác ý chân chánh sẽ hướng dẫn hành giả sống đúng với chánh pháp, biết lựa chọn nghề nghiệp mang lại lợi ích yên vui cho mình cho người. Ý thức được điều nầy, hành giả sẽ sớm hoàn thiện một phần con đường  đạo đức giải thoát. Như vậy, một người có Chánh kiến hiểu được vị trí của họ trong vũ trụ huyền nhiệm nầy và cư xử đúng pháp, người ấy sẽ tiến bộ về đạo đức tâm linh. Chánh kiến mở lối hành giả đến chứng ngộ Duyên khởi Tánh và Tứ Đế. Như vậy, Chánh kiến đã đóng vai trò rất quan trọng trong tu tập Bốn chân đế. Trên cơ sở nầy, chúng ta có thể nói Chánh kiến đi hàng đầu trong mọi pháp môn.

Cuộc đời đi tìm chân lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một tấm gương về Chánh kiến cho chúng ta học hỏi. Trải qua sáu năm tu khổ hạnh, Người nhận ra đó không phải là con đường giải thoát. Quan niệm tu khổ hạnh là sai lầm, vì sự khổ hạnh sẽ làm cho thân thể kiệt sức nên khó giữ được tâm thanh tịnh, nên phiền não phát sinh. Và điều nầy làm cho người tu hành không thể đạt đến giác ngộ tuyệt đối. Nhờ vào kinh nghiệm tu hành đã trải qua và sự nhận thức sáng suốt Đức Phật đã đi đến con đường giác ngộ khổ đau. Đây là bài học quý giá trên bước đường tu tập và giúp chúng ta đạt được sự sáng suốt trong từng hành động, lời nói, suy nghĩ trong cuộc sống, không chấp trước, khéo vượt qua đó là chân giác ngộ. Cũng trong hơn hai ngàn năm trước, khi Đức Phật tĩnh tọa dưới cội Bồ-đề từ sự quán chiếu thâm sâu về tương duyên và biến dịch của vạn hữu, Đức Phật đã thành tựu được tri kiến như thật về vạn pháp trong thế gian. Tri kiến siêu việt giúp Ngài trừ những triền phược, hoài nghi để từ đó thành tựu được quả vị giác ngộ tối thượng. Cũng trong thời gian nầy, Đức Phật giảng dạy hầu hết các pháp thoại về tri kiến của Ngài và đó được xem là nền tảng cho mọi nhận thức theo quan điểm Phật giáo trên con đường giải thoát khổ đau. Đức Phật là đấng đầy đủ mười đức hiệu trong đó có hai đức hiệu “Chánh biến tri” và “Thế gian giải” (hiểu thấu mọi chúng sinh ở thế gian), không những Ngài thấy biết khắp hết mà Ngài còn thấy suốt cả quá khứ, vị lai và hiện tại. (Nói về Chánh kiến, cách đây hơn 2.500 năm Đức Phật đã nhìn trong bát nước thấy tám muôn ngàn vi trùng, nên Ngài bảo các đệ tử hãy lấy khăn lọc nước mà uống).

Còn sự thấy biết ở thế gian có Galilei (1564-1642) từng bị coi là tội phạm, nhà bác học bị buộc phải từ bỏ ý kiến cho rằng trái đất này quay, để thoát tội tử hình và giữ được lập trường, đành nói theo ý của tòa để lấy mạng sống, nhưng vừa ra khỏi tòa, ông đã bực tức nói to: “Dù sao trái đất vẫn quay”. Galilei là người hết sức vĩ đại biết nhường một bước để tiếp tục công trình nghiên cứu khoa học giúp ích cho đời. Phần đông các nhà trí thức, hiền nhân, triết học, chí sĩ xưa nay đa số đều tự ái, tự cao, ngã chấp thà chết chớ không khuất phục, lập trường kiên định của Galilei đến nay vẫn còn nguyên giá trị về Chánh kiến: “Dù sao trái đất vẫn quay”. Tư tưởng nhà bác học dũng cảm đã trở thành chân lý mọi thời đại, người đời sau luôn nhớ ơn kính trọng và không quên học hỏi. Trên bước đường tu tập Chánh kiến trong Bát Chánh đạo còn giúp chúng ta chuyển hóa tham, sân, si, thù hận và ích kỷ để kiến tạo một xã hội không còn lo âu, sợ hãi, nhân loại sẽ sống trong một thế giới bình yên, hạnh phúc, giàu đẹp. Rất nhiều bậc vĩ nhân đã áp dụng Chánh tri kiến của Phật đà làm kim chỉ nam cho đời sống bản thân, quốc gia và xứ sở của họ để hướng về Chân Thiện Mỹ; trong đó tiêu biểu có Đại đế Asoka ở Ấn Độ cách đây hơn 2.200 năm, cho đến những nhà khoa học lừng danh nhất thế giới như nhà vật lý Albert Einstein ở thế kỷ XX.

Còn nói về sự tu tập để thoát khỏi khổ đau, luân hồi thì Chánh kiến chính là con đường ấy, vô thường nhanh chóng, phải thấy biết như vậy. Từ đó, phải thật sự có tâm xuất ly lục đạo luân hồi, ra khỏi tam giới. Siêu vượt luân hồi, đây mới thật sự Chánh kiến giác ngộ. Tuy nhiên, Chánh kiến giác ngộ nầy cũng chỉ được một nửa mà thôi. Nếu tin niệm Phật thành Phật thì sự Chánh kiến giác ngộ nầy mới thật sự viên mãn. Đây cũng là con đường ngắn nhất, dễ nhất.

Trong Giới kinh thường nói kẻ phá giới Phật vẫn có biện pháp cứu được, nhưng mất Chánh kiến, Phật không còn cách nào cứu nổi. Những người kia tuy phá giới, nhưng không phá Chánh kiến. Vì sao? Vì họ tin Tam Bảo sâu xa, vẫn còn cứu được. Nói về người phá giới nhưng chẳng phá Chánh tri, Chánh kiến, chẳng phải là tà tri, tà kiến. Chánh kiến đó là nhân để giải thoát, họ sẽ được cứu, được vãng sanh, không chỉ vãng sanh mà lắm khi vãng sanh phẩm vị còn cao nữa kia! Qua kinh điển, chúng ta thấy vua A-Xà-Thế, chẳng hạn theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, vua từng giết cha, hại mẹ, theo Đà-bà-đạt-đa phá hoại Tăng đoàn, tạo tội ngũ nghịch, thập ác. Đề-bà-đạt-đa đọa địa ngục, còn vua lúc lâm chung mới sám hối, niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ, Phật bảo nhà vua là thượng phẩm trung sanh, thật là ngoài sức tưởng tượng của chúng ta! (nan tín dị hành).

Nói về sự thấy biết thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc Chánh đẳng, Chánh giác thấy biết được con đường giải thoát sanh tử của chúng sanh vào thời mạt pháp thì rất khó. Ai chẳng muốn đoạn trừ phiền não? Ai chẳng muốn thanh tịnh tâm? Nhưng vì căn cơ của chúng ta thực hành không nổi những hạnh tu, như nhất tâm bất loạn, đoạn trừ phiền não… chắc chắn chúng ta không đạt được. Dần dà, chúng ta bị hạn cuộc bởi những điều kiện ấy, nên việc vãng sanh dường như trở thành mờ mịt. Đức Phật là bậc toàn giác từ bi khi Ngài nói kinh A-di-đà đến khi gần kết thúc, Ngài nhiều lần ân cần khẩn thiết phó chúc pháp môn niệm Phật cho Ngài Xá-lợi-phất: “Ông hãy khuyên chúng sanh phải chuyên xưng danh hiệu A-di-đà Phật. Về sau, vào thời mạt pháp, đối với hàng phàm phu tạo tội sống trong đời ác năm trược, thì chỉ có pháp môn nầy mới được cứu độ”.

Trong phần cuối của Quán kinh, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni lấy những nội dung chính tổng kết lại, rồi giao phó cho Ngài A-nan,  chỉ lấy một hạnh niệm Phật, tức là xưng danh hiệu “Nam-mô A-di-đà Phật. Phó chúc cho A-nan cũng chính là bảo Ngài truyền thừa cho tất cả chúng sanh chúng ta. Bọn phàm phu chúng ta chỉ cần xưng niệm sáu tiếng “Nam-mô A-di-đà Phật” là lập tức từ nhiều đức Phật mười phương đến hộ niệm. Vì vậy, bộ kinh nầy còn gọi là kinh Hộ niệm. Đây cũng là bản nguyện của Đức Phật Di-đà, Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Nếu tôi thành Phật, mười phương chúng sanh, xưng danh hiệu Tôi, dưới đến mười tiếng, nếu không vãng sanh thì Tôi không thành Chánh giác. Hiện Đức Phật A-di-đà đã thành Phật rồi, nên biết bản nguyện chân thật không hư. Chúng sanh niệm Phật chắc chắn được vãng sanh. Trong kinh Vô Lượng Thọ còn có bốn câu “kệ bản nguyện thành tựu” do Đức Phật Thích Ca Mâu-ni đích thân đặt tên cho nguyện thứ 18 là bản nguyện:

Sức bản nguyện Di-đà

Nghe danh muốn vãng sanh

Đều đến cõi Cực Lạc

Tự được bất thoái chuyển.

Như Lai chọn pháp yếu dạy chúng ta niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà. Phải niệm như thế nào? “Chuyên lại chuyên”. Chúng ta niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” chẳng phải do một vị pháp sư nào đó dạy mà chính Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đích thân đến chỉ dạy “Dạy niệm Di-đà chuyên lại chuyên”, đồng thời cũng chính là bản nguyện mà Đức Phật A-di-đà đích thân vì chúng ta mà lập nên.

Thời gian trôi nhanh, mạng sống giảm dần, mới đấy đã hết năm, xuân về Tết đến, nhìn lại một năm trôi qua ta đã làm được gì, thấy được gì, nghĩ gì. Đây là vấn đề quan trọng trên bước đường tu tập Chánh kiến. Như lúc còn đi học ở các bậc phổ thông thì chúng ta học đầy đủ các môn, nhưng đến đại học thì chúng ta phải học chuyên ngành phù hợp với nguyện vọng yêu thích mới đạt kết quả tốt nhất. Cũng vậy, bấy lâu nay trên bước đường tu học Phật, ta biết có nhiều pháp môn của Phật đà (84 ngàn pháp môn). Giờ thì chúng ta phải chọn pháp môn nào phù hợp với căn cơ của mình thì dễ thành công hơn. Đó cũng là Chánh kiến trên bước đường tu tập “Chuyên lại càng chuyên”.

Xin chúc các bạn đồng tu gần xa một mùa xuân An-lạc, ý nguyện viên mãn trên bước đường giải thoát khổ đau về lại quê nhà Tây Phương, Cực Lạc. Để đạt đến thành tựu viên mãn trên đường về cõi Tây Phương, Cực Lạc, chúng ta còn phải trang bị ba món tư lương và tấm lòng thiết tha Tin sâu, Nguyện thiết, Hành thâm Bản nguyện Đức Di Đà cứu độ:

Tin nhận Di-đà cứu độ

Chuyên xưng Di-đà Phật danh

Nguyện sanh Di-đà Tịnh độ

Độ khắp mười phương chúng sanh.

 Đó là biết y giáo phụng hành lời dạy của Đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật và Bản nguyện Đức Phật A-di-đà Phật.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 40
    • Số lượt truy cập : 6784579