Thông tin

ÁP DỤNG CHÁNH MẠNG VÀO ĐỜI SỐNG VÀ TU TẬP

 

HUỲNH VĂN ƯU

 

 

Theo Phật học phổ thông, Chánh mạng là sự sinh sống, việc mưu sinh chánh đáng bằng nghề nghiệp lương thiện, không hại người, hại vật; sống Chánh mạng, còn dạy con người không tham lam, ích kỷ… Trái với Chánh mạng là Tà mạng, sống lừa dối gian trá… Để thực hành tốt Chánh mạng còn phải sống và làm việc đúng pháp luật, phù hợp với truyền thống dân tộc, tiêu dùng thông minh đúng nhu cầu, không lãng phí tiền của, thời gian gia đình và xã hội. Tài sản làm ra cần phải chia sẻ, giúp đỡ người khác để tạo nhiều công đức về sau… Chánh mạng còn là nỗ lực một nghề lương thiện, đó là mạng sống chân chánh. Nhưng để có cuộc sống lương thiện cần phải có tầm nhìn, suy nghĩ cùng nhiều nhân duyên hỗ trợ mật thiết để có cuộc sống thiện lành trên bước đường tu tập Bát Chánh đạo và tiến lên con đường giải thoát của Đạo Phật.

Để thực hành cuộc sống Chánh mạng trong đời sống hàng ngày, chúng ta cần tránh xa lợi ích bất chánh trước mắt, gây nhiều tội lỗi, làm tổn hại xã hội, và băng hoại tình người. Vì lòng tham lợi dưỡng đã đánh đổi quá nhiều sự mất mát về môi trường. Đó là thải chất bẩn xuống sông suối, ao hồ, biển cả. Ở nông thôn vứt rác, chai lọ thuốc trừ sâu xuống kênh rạch, nhà máy xay lúa xả trấu xuống sông, công nghiệp cơ khí như máy cán tôn, thép thải khói bụi độc vào không khí, xả chất độc xuống ao hồ… người dân vô ý thức đem mọi chất dơ bẩn ném xuống sông rạch, ai nấy tha hồ quăng ném như hố rác vô tội vạ. Ở thành phố, nơi công trường thì lượng chất thải bẩn càng nhiều hơn, nguy hại cao hơn, muốn khôi phục môi trường là chuyện lâu dài, mất nhiều năm chưa hẳn được, vậy mà lâu lâu nghe báo đài loan tin chỗ nầy, chỗ kia, công ty nầy, công ty nọ xả chất thải làm thiệt hại lớn đến môi trường (đừng vì kinh tế mà làm tổn hại môi sinh; kinh tế hôm nay không có ngày mai có, còn mất môi trường phải tính đến chục năm, trăm năm). Con người sống nhờ ăn uống và hít thở không khí, vậy mà người ta vì cái lợi của riêng mình mà xem thường mạng sống người khác, thật buồn và đáng thương cho người vô tình gieo rắc chướng nghiệp ngày càng sâu nặng!

Còn về đời sống văn hóa hiện nay, nguyên nhân khủng hoảng phần nhiều do người cầm bút có tư tưởng nghiêng lệch, bất chấp đúng sai, thiện ác, hoặc vì lợi dưỡng tham sân, danh vọng chi phối nên viết lên những trang sách có tư tưởng ô nhiễm, tai hại cho thế hệ mai sau. Người có tâm đạo (Chánh mạng) họ sẽ nâng niu trang trọng ý tưởng viết lên những điều tốt đẹp, ích nước, lợi nhà bằng lời hay ý đẹp, ca ngợi sự thật người tốt việc tốt, nội dung lành mạnh, xây dựng tình đoàn kết, thắp sáng tình yêu thương, chuyển hóa lòng người từ xấu thành tốt. Ở môi trường giáo dục, áp dụng Chánh mạng vào cuộc sống bằng hành động chân chánh thẳng ngay, luôn tạo điều kiện cho các em biết yêu thương chia sẻ, đưa các em vào nề nếp học tập văn, thể, mỹ, biết sống đoàn kết, giữ gìn của chung, nêu gương tốt người xưa, việc tốt người tốt hiện tại để các em học tập và noi theo. Được như thế vấn đề đạo đức xuống cấp của tuổi trẻ không còn nỗi lo ngại, lại được một xã hội lành mạnh, ổn định hiện hữu mọi nơi.

Chánh mạng trong đời sống là phải sống một cách chân thật, sống có ý nghĩa không làm hại cho đời, sống bằng đôi tay cần cù siêng năng, trí tuệ chân thật của mình, biết sống tôn trọng và chia sẻ, đóng góp cho cộng đồng xã hội. Khác với Chánh mạng là Tà mạng, sống bất chánh, lười biếng, trộm cướp gây nhiều tai hại bất ổn cho cộng đồng (Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm. Còn một đêm ăn cướp thì sao?). Nay chúng ta còn nghe nói câu: “Hy sinh đời bố củng cố đời con”, đó đều là Tà mạng đầy gian tham. Trong cuộc sống cho dù không tôn giáo, nhưng sống không thể thiếu tình người.

Còn trong tâm linh, cúng sao, giải hạn, cầu thần, gọi quỷ lừa dối người, buôn bán thì chế biến độc hại gây đau bệnh, chết chóc, làm ít hưởng nhiều. Đặc biệt, người ăn không ngồi rồi, lười lao động mà muốn mưu cầu lợi ích cho mình, thậm chí muốn chiếm đoạt tài sản của người khác,... Đó là việc làm Tà mạng, Tà mạng thì rất vi tế bất cứ địa vị, nghề nghiệp gì đều có ở mọi lúc mọi nơi như cảnh chen lấn nhau trên đường phố, vượt đèn đỏ; trong trường học, phụ huynh muốn con mình hơn con người khác, rồi tìm mọi cách để hơn, có vậy mới nở mặt nở mày với thiên hạ, bà con, rồi nhờ thầy cô với ý tà (chạy chọt) quà biếu nâng điểm đều là Tà mạng. Mầm xấu nầy không những làm hỏng thầy cô mà còn gây tổn hại cho tương lai của thế hệ trẻ khi trưởng thành, lớn lên khi ra đời nhất định sẽ rơi vào vết xe đi trước, rồi cũng lo lót chạy chức, chạy quyền, nay còn chạy điểm tránh sao cho khỏi tệ nạn xã hội (Có nhân ắt có quả). Đó chỉ đưa ra vài ví dụ điển hình trong cuộc sống để thấy tai hại cho việc làm ích kỷ tư lợi cá nhân và thấy đó để hồi tâm hoán cải để cuộc sống bớt khổ thêm vui, tăng phước giảm nghiệp.

Người sống Chánh mạng bất cứ làm công việc gì, nghề nghiệp nào, phải dẹp hết lòng tham, nên giữ tâm ngay thẳng, thanh sạch để có cuộc sống an vui, phước báu miên viễn. Nói chung với tất cả nghề nghiệp gì cũng cần phải trải lòng chân thật, hãy sống thanh tịnh tâm giúp cho mọi người vui thì thấy lòng mình cũng vui, còn gì quý hơn.

Chánh mạng còn phải có lòng từ bi để chúng sinh sống yên ổn, từ bi trong nhà Phật là lòng thương yêu rộng lớn vô biên, không chỉ dành cho con người, loài vật mà thương đến cả cây cỏ hoa lá, yếu tố căn bản là bản thân mọi người phải có Chánh kiến để thấy sự thật, như việc phá rừng giết thú làm mất môi trường sống của chúng, cây xanh còn tạo môi trường đẹp, là dưỡng khí cho con người và còn hàng triệu loại động thực vật đang sinh sống, rừng điều hòa không khí, giảm lũ lụt và hạn hán, giữ độ phì nhiêu của đất. Bảo vệ cây xanh là bảo vệ chính mình và bảo vệ trái đất, sống Chánh mạng trồng cây gây rừng, kiến thiết lại những vùng bị tàn phá, đồng thời lên án và ngăn chặn phá rừng. Bởi (rừng) cây xanh cho dưỡng khí trong lành để con người hấp thụ, nếu thiếu dưỡng khí thì sự sống khó khỏe mạnh, rồi con người sẽ đi đến đâu, về đâu, mới nghĩ đến đây mà thấy tứ chi rụng rời, tâm thần tán loạn như vừa lọt xuống hố sâu vực thẳm.

Cuộc sống bao la, lòng tham vô đáy, từng sát na, từng động tĩnh sáu căn đem đến bao điều mê mờ làm cho sáu trần không chế ngự nổi, nên kẻ phàm phu tham sân đắm nhiễm phải trôi lăn nhiều đời nhiều kiếp luân hồi sinh tử. Để ra khỏi lục đạo luân hồi, Đức Phật đem Bát Chánh đạo để giáo hóa chúng sanh trên bước đường tu tập trong cuộc sống, từ thấp đến cao rồi mới chỉ dạy con đường giải thoát. Để học và hành làm theo lời Phật dạy, ngoài việc học kinh điển, không gì hơn bằng học những mẩu chuyện mà Đức Phật đã thực hành. Nay nói về Chánh mạng, ta không thể nào quên câu chuyện tiền thân đức Phật và người anh Đề Bà Đạt Đa, hai người cùng làm một nghề, sự kinh doanh chân thật của Bồ tát (Phật Thích Ca sau này) khiến cho Đề Bà Đạt Đa hiềm khích đức Phật vì mất một chuyến làm ăn. Trong kiếp sống quá khứ đó hai người buôn bán phế liệu, hai người chia nhau mỗi người đi một hướng, Đề Bà Đạt Đa gặp gia đình nghèo, có người già và một người con gái, đem tô cũ ra bán, Đề Bà Đạt Đa biết đây là tô vàng rất quý, giá bằng cả gia tài của mình chưa chắc mua được, nhìn sơ qua Đề Bà Đạt Đa liệng xuống đất nói, đồ cũ vứt đi, bán không ai mua đâu, nói rồi bỏ đi với ý định sẽ trở lại mua với giá chẳng đáng gì. Vài hôm sau, đức Phật đi qua, hai mẹ con bà lão cũng đem cái tô này định đổi lấy món đồ khác, đức Phật nhìn thấy biết ngay đây là món đồ quý, đức Phật nói đây là món đồ quý, tôi đem hết gia tài mới đổi lấy được. Nghe Phật nói, hai mẹ con bà lão khốn khổ mừng quá, vậy mà ông hôm trước nói đây là món đồ bỏ đi. Đức Phật biết Đề Bà Đạt Đa chớ không ai khác, đức Phật mua xong vội kêu thuyền qua sông, sợ Đề Bà Đạt Đa gây sự khó dễ. Quả đúng như lời Phật đoán, Đề Bà Đạt Đà trở lại gặp hai mẹ con bà lão. Nghe câu chuyện bán cái tô cũ, Đề Bà đạt Đa tức giận căm gan, xé quần áo, vứt bỏ đồ đạc chạy theo đức Phật, nhưng đã trễ, cơn nóng tuôn ra cửa miệng, tim ông vỡ làm đôi và ngã xuống chết ngất. Như thế, Đề Bà Đạt Đa đã bị hủy diệt bởi kinh doanh không chân thật; Bồ tát trở nên giàu có từ việc bán được tô vàng mà người mua một cách chân thật. Ngài sống cuộc đời còn lại làm các việc thiện và luôn giúp đỡ người. Sự trung thực của Bồ tát đã giúp Ngài có những kiếp sống trong tương lai tốt đẹp, dần dần Ngài đạt quả vị Phật, trái với việc làm bất thiện của Đề Bà Đạt Đa cũng đưa ông đến cuộc sống tương lai tương ưng. Đề Bà Đạt Đa tiếp tục kình chống tranh chấp với đức Phật. Trong kiếp cuối cùng của đức Phật, sau khi Ngài giác ngộ, Đề Bà Đạt Đa còn cố gắng âm mưu giết Phật có lời kể rằng: (khi đó mặt đất mở ra ông rơi xuống địa ngục).

Trên đây là bài học đức Phật dạy chúng ta trên bước đường tu tập Bát Chánh đạo trong đời sống, còn đường về Tây phương Cực Lạc thì Phật Thích Ca giới thiệu chúng sanh niệm Phật A Di Đà. Ngài khuyên chúng ta nên niệm đức Phật A Di Đà nhất định vãng sanh Tịnh độ, mau chứng Bồ-đề. Chẳng những Phật Thích Ca do niệm Phật nên thành Phật, mà chư Phật trong ba đời mười phương đều do Niệm Phật Tam Muội vì thế được thành Phật. Do đó, kinh Nguyệt Đăng Tam muội nói: “Tất cả chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại trong mười phương ba đời đều học pháp Niệm Phật, mau chóng chứng đắc đạo Giác ngộ Vô thượng. Thế nên biết, chư Phật trong ba đời đều do niệm Phật được thành Phật. Chúng con y giáo phụng hành.

- Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật: Vị Bổn sư chỉ dạy con niệm Phật.

- Nam Mô A Di Đà Phật: Vị đạo sư tiếp dẫn con về Tây phương Tịnh độ.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 86
    • Số lượt truy cập : 6952526