Thông tin

ÁP DỤNG CHÁNH NGỮ VÀO ĐỜI SỐNG VÀ TU TẬP

 

HUỲNH VĂN ƯU

 


 

Người xưa thường nói: “Bệnh tùng khẩu nhập, Họa tùng khẩu xuất”, bệnh do thức ăn từ miệng vào, họa do từ miệng phát ra, nên người trí luôn bảo vệ thân, đức Phật còn dạy thêm: Người trí bảo vệ thân mạng, bảo vệ cả lời nói, tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ. Thật vậy trong cuộc sống muốn được bình yên phải bảo vệ khẩu nghiệp, còn phải biết lắng nghe văn, tu, tư mới phát sinh tuệ giác chân thật. Bởi chánh ngữ là lời nói không tạo nghiệp bất thiện mà tạo các nghiệp lành, trái với chánh ngữ là tà ngữ, là nói dối, tráo trở, thô ác… Chánh ngữ là chi phần thứ ba trong Bát chánh đạo, đó là từ bỏ nói dối, phù phiếm. Về mặt tích cực, đức Phật dạy cần phải tu tập để có lời nói hòa hợp, dịu dàng, có ý nghĩa, trên bước đường tu tập, thực hiện được lời dạy nầy, ta sẽ được nhiều người quý mến và được họ lắng nghe điều ta nói trong môi trường thân thiện và xây dựng. Vậy để áp dụng chánh ngữ vào đời sống và tu tập chúng ta cần phải thận trọng lời nói, suy nghĩ kỹ và làm theo lời đức Phật dạy khi nói với người khác: 1/Đúng thời hay phi thời. 2/ Chân thật hay không chân thật. 3/ Nhu nhuyễn hay thô bạo. 4/ Có lợi ích hay không lợi ích. 5/ Với tâm từ hay tâm sân.

Điều quan trọng là trên bước đường tu tập là phải điều phục tâm, chuyển hóa ba nghiệp thân, khẩu, ý thành mười thiện nghiệp (Thân có 3: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; Ý có 3: Không tham, sân, si; Khẩu có 4: Không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời thêu dệt, không nói thô ác. Như vậy, trong mười thiện nghiệp, khẩu chiếm đến 4, đủ thấy lời nói rất quan trọng, cũng rất đáng sợ: “Như Lai chọn ngữ độ nhân thiên, Chánh ngữ phàm phu tinh tấn chuyên, Họa phúc vô môn tùng khẩu nhập, Cẩn ngôn, cẩn hạnh, cẩn tâm thiền”.

Người xưa từng dạy: “Khẩu khai thần khí tán, Thiệt động thị phi sanh”, mở miệng ra nhiều lời sẽ tổn thần khí, lưỡi động thường nói lời phải trái, hơn thua, đẹp xấu, khen chê để rồi phải tranh đấu, mạ lị lẫn nhau khiến sanh ra lắm chuyện thương tâm. Do vậy mà người đời cũng thường nhắn nhủ: “Trăm năm vật đổi sao dời, Một câu quý giá muôn đời còn ghi, Mở lời trước phải xét suy, Rằng ta cất tiếng ích chi chăng là!”. Khi chúng ta nói chuyện, trước tiên phải lấy chữ tín làm đầu, làm sao có thể nói lời lừa gạt, gian trá, vọng ngữ cho được. Muốn có lời nói thiện lành, chúng ta giữ tâm thanh tịnh không biến nhiễm, sống với lòng lân mẫn, từ tâm, với nội tâm không sân hận. Dù bị rơi bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho tâm không thốt ra lời thô lỗ, luôn giữ tâm từ ái, còn phải biết nuôi dưỡng tâm sao cho rộng như đất, hạnh lành như không gian, sâu như sông lớn, dịu mềm như da thuộc. Dù gặp hoàn cảnh khó khăn trắc trở luôn tâm niệm: “Tâm ta không hề dao động, miệng ta không hề thốt ra hận thù, tâm ta luôn đối với người bằng từ bi”. Bởi: “Gian xảo ngữ, uế ô từ. Thị tỉnh khí, thiết giới chi” (Nói gian trá, lời dơ bẩn, tập khí xấu phải trừ bỏ).

Để có lời chánh ngữ ứng dụng vào đời sống, chúng ta phải tu tập cải hóa nhiều lắm, phải biết nhìn, biết lắng nghe mới có tư duy đúng, lúc đó, ta mới có lời nói đúng, đây là cả quá trình chớ không phải ngày một ngày hai mà có được, nên chớ nói tùy tiện, nói thiếu suy nghĩ. Nếu không phải chính mắt mình trông thấy, không nên vội vàng nói cho người khác biết. Khi chưa chắc chắn hiểu rõ sự việc, đừng nên tuyên truyền cho mọi người biết. Việc không tốt, đừng nhận lời, nếu nhận lời thì quá sai lầm. Bầu trời có thể bao dung hết thảy, rộng lớn vô biên, ung dung tự tại. Mặt đất có thể chịu đựng hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi. Con người sống ở thế gian nầy không nên xem thường hành vi và lời nói người khác, dẫu là người thân cũng không cưỡng cầu mà phải dùng tâm lương thiện, từ ái giúp đỡ, an ủi bởi do họ mê hoặc, tùy thuận phiền não, tập khí, tạo tác, đủ thứ bất thiện, nên thường xuyên sống trong cảnh khổ nạn.

Trong xã hội ngày nay, có lẽ chỉ có cha mẹ đối với con cái là còn có tâm thương yêu, còn có ái ngữ. Thầy cô đối với học trò cũng chưa chắc có, giữa bạn bè càng khó hơn. Xã hội hiện nay, vọng ngữ đã trở thành thói quen, mục đích là để bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng lại không nghĩ đến quyền lợi của mình rốt cuộc được bao nhiêu? Vô cùng có hạn mà sự tổn thất lại quá lớn. Cho dù bạn nói vọng ngữ có thể được cả trái đất này, bạn vẫn không thể tránh khỏi tam giới. Điều nầy, nếu bạn đem so sánh thì tổn thất quá lớn. Cho nên, chúng ta dù sống trong thế giới bi thảm, luân lý, đạo đức gần như mất hết, nhưng chúng ta được xem là may mắn, vì trong đời quá khứ có tu nên được chút thiện căn, phước đức. Đời nầy có nghe được Phật pháp, còn biết tâm tu hành, đây là điều vô cùng hy hữu khó gặp. Cho nên, dù xã hội có ra sao đi nữa, chúng ta sống bên nhau hãy nói năng thận trọng, luôn tu tập. Phật dạy chúng ta một nguyên tắc vô cùng quan trọng, đó chính là sống thành thật, nói thành thật, làm thành thật, không vọng ngữ. Nói năng phải có chừng mực, nhất định phải nhìn xem hình trạng hiện thực chung quanh, để người nghe không sinh hiểu lầm. Lời nói thành thực là điều mà người thế gian tin tưởng và tôn trọng. Đây cũng là điều cổ nhân thường nói: “Tu hành bắt đầu từ không vọng ngữ”. Lợi ích lời nói thành thật, là được người khác tin. “Phàm xuất ngôn, tín vi tiên, trá dữ vọng, hề khả yên” nên họ luôn trích dẫn lời nói của bạn, cách nói của bạn ra để làm chứng. Giống như chúng ta thường hay trích dẫn kinh điển, lời của Đại đức xưa để làm chứng, vì họ không vọng ngữ được chư Thiên xưng tán: “Phát ngôn thành chứng, Thiên Nhân kính ái”.

Những lời trên mới nghe qua ai cũng nhận ra được và ai cũng có thể làm được,  nhưng tìm lời nói thật giữa xã hội náo nhiệt nầy quả không dễ. Còn tu tập ở Thánh điển, nghe thuyết giảng thì nghiệp chướng sâu nặng tuy nghe giảng kinh thuyết pháp nhiều chẳng những không thể liễu giải, mà còn lắm phen nghe lầm lời Phật dạy, hiểu lầm ý nghĩa. Lúc chúng ta khai kinh kệ, niệm “Nguyên giải Như Lai chân thực nghĩa”. Như Lai là Chân như bản tánh, hễ nói đến “Như Lai” thì đều là từ tự tánh mà nói. Họ hiểu lầm chân thật của Như Lai, hiểu cong quẹo ý nghĩa chân thật của đức Như Lai. Nguyên do ngôn ngữ của Phật và hết thảy các kinh do đức Phật nói đều từ trong chân tâm tự tánh tự nhiên lưu lộ, chẳng thêm vào mảy may phân biệt, tưởng tượng nào, còn chúng ta thì dùng tâm phân biệt, suy xét. Như Lai chân thật nghĩa là không có nghĩa, có nghĩa thì là phàm phu. Như Lai chân thật nghĩa là: Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác ngộ. Không có dấu vết, là cái gì, là cái tự tánh của bạn, là chân tâm của bạn, bạn cùng chư Phật Như Lai không hai, không khác, đó chính là nghĩa chân thật. Do đó, Phật không mê người, Phật không gạt người.

Qua minh chứng trên, ở thế gian nầy tìm một lời chân thật để có hướng tu tập giải thoát quả không dễ. Kinh điển vi diệu có nhiều, pháp môn thì cao siêu, ý nghĩa thâm sâu mà căn cơ phàm phu nông cạn, tội chướng sâu dày, nói nhiều năm tu hành trì giới, nhưng năm giới giữ cũng không trọn. Nay có pháp môn đặc biệt thù thắng của đức Phật Di-đà không bỏ ai, Ngài không chê một người nào tội hay không tội. Đức Phật nói: “Niệm, ghi nhớ, tin ưa muốn sanh về nước Tôi thì Tôi liền chứng nhận cho”, chứ Ngài đâu có nói chỉ rước những người thiện, còn người ác không rước. Trong Niệm Phật tông yếu của Pháp Nhiên Thượng nhân, Ngài nói: “Bổn nguyện danh hiệu của Phật A-di-đà thì dù cho kẻ tiều phu, người chài lưới, hạ tiện vô trí, không biết một chữ chăng nữa mà tin rồi xưng niệm thì tất nhiên vãng sanh. Nếu có thể dùng trí huệ để lìa sanh tử thì Pháp Nhiên nầy hà tất bỏ Thánh đạo môn mà vào Tịnh độ môn! Người tu Thánh đạo môn thì tột cùng trí huệ để lìa sanh tử. Người tu Tịnh độ môn thì trở lại ngu si để vãng sanh.

Trên bước đường tu tập, may thay, chúng ta còn được đức Phật Thích Ca Mâu Ni thương xót chỉ dạy niệm Phật, đức Phật A Di Dà tiếp dẫn. Chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni đích thân đến chỉ dạy. Kinh A-di-đà là bộ kinh không ai hỏi mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự nói, đồng thời cũng chính là bản nguyện mà đức Phật A-di-đà đích thân vì chúng ta là lập nên. Phát 48 nguyện chỉ dạy chúng sanh niệm Phật. “Chuyên lại chuyên”, hai chữ “chuyên” là ân cần khẩn thiết dạy chúng ta “Bạn nhất định phải chuyên niệm Phật, tuyệt đối không được đi chệch. Nói một lần vẫn chưa đủ, Phật chưa yên tâm, Ngài nói lần thứ hai, rồi lại lần thứ ba, ba lần dặn đi dặn lại chúng ta “Niệm danh hiệu A-di-đà đã chuyên rồi lại phải chuyên hơn nữa nghe!”... Bộ kinh A-di-đà chỉ có hơn một nghìn tám trăm chữ, nhưng có tới ba mươi sáu lần đức Phật Thích Ca Mâu Ni gọi tên Xá-lợiphất, từ bi và tha thiết vô cùng: Này Xá-lợi-phất…, Nầy Xálợi-phất…, Nầy Xá-lợi-phất… Còn trong 48 nguyện của Phật A-di-đà nhắc đến “nghe danh hiệu tôi”, “xưng danh hiệu tôi” chiếm 14 nguyện, không có nguyện nào nói quán tướng hảo Tôi, quán pháp thân Tôi. Bởi vì những việc đó không phải là Dị hành đạo, danh hiệu mới là bản nguyện của Phật A-di-đà. Niệm Phật ắt được vãng sanh, đó là bản nguyện chân thật không hư dối, đức Phật không bao giờ gạt chúng ta. Tin đức Phật A-di-đà là tin ở thệ nguyện, nếu chúng ta không tin thì chẳng phải là đệ tử của Phật. Đức Phật đích thân bảo chứng cho chúng ta, Ngài nói niệm Phật nhất định vãng sanh, nếu không vãng sanh thì không thành Phật, nay Phật đã thành Phật rồi mà chúng ta không vãng sanh sao! Miệng niệm Nam-mô A-di-đà Phật, một tiếng, mười tiếng, một đời, lập tức được công đức vô thượng, đây chính là kim khẩu Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong kinh Vô Lượng Thọ, mà cũng để dạy chúng ta xưng danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật, vạn đức chảy vào tâm thức, tất cả công đức trở thành tất cả của chúng ta. giống như trưởng giả bố thí chỉ viết tấm chi phiếu, chúng ta tiếp nhận, chính là của chúng ta. Chúng ta tiếp nhận danh hiệu xưng niệm thì gọi là “nương nguyện lực Phật”, có thể đạt được tất cả công đức vô thượng của Phật.

Chúng ta nói tin Phật là tin điều gì ở Phật? Tin đức Phật A-di-đà đương nhiên cũng tin đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài chỉ dạy chúng ta trong ba bộ kinh Tịnh độ; và trong kinh Đại tập, Phật dạy thời mạt pháp chỉ có nương vào đới nghiệp vãng sanh của pháp môn Tịnh độ mới dễ dàng và chắc chắn sẽ thành tựu lớn nữa. Do đó,  chúng ta phải tuân thủ theo lời giáo huấn của Phật Thích Ca, mới xứng đáng là đệ tử của Ngài. Nỗ lực niệm Phật, y chiếu theo ba kinh một luận của Tịnh độ mà tu học, tương lai lâm chung, nhất định chúng ta sẽ đạt được kết quả thù thắng. Lời Phật nói không hề dối gạt chúng sinh. Chẳng những Phật Thích Ca không nói dối mà mười phương tất cả chư Phật đều tán thán, hoằng dương.

Trên bước đường tu tập, khi nhìn thấy người nói và làm việc thiện, chúng ta phải lập tức học theo họ. Cho dù chúng ta vẫn còn kém họ rất xa, nhưng bây giờ chúng ta bắt đầu dần dần sẽ theo kịp họ. Chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa hai chữ “tu hành” phải vận dụng công phu tu học của chính mình vào sinh hoạt thường nhật, vào công việc, vào sự giao tiếp thông thường phải khéo dùng lời chánh ngữ mới đạt được lợi ích thù thắng nơi Phật pháp, nói nhiều lời, không bằng nói ít vài câu, phải nói lời chân thật, không bóp méo sự thật (Như bệnh dịch viêm phổi Corona đầu năm Canh Tý 2020 rất nguy hại đến đời sống cả thế giới, không nên giấu sự thật và cũng không bóp méo đưa thông tin sai sự thật, tung tin giả gây hoang mang đời sống xã hội, phải phát ngôn chuẩn mực (chánh ngữ) để kịp thời chủ động tìm giải pháp phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng).

Người nói nhiều chuyện thế gian, đắm chấp tranh luận thế gian, dù lý luận, cảnh giới có đi đến đâu thì tín tâm chẳng thanh tịnh, chi bằng bớt lời tranh luận, thị phi để tâm thêm vào câu niệm Phật thì xa lìa được nghiệp chướng trói buộc đến được cảnh giới cực lạc liễu thoát sanh tử luân hồi. Khi nói còn phải tùy theo nhân duyên, có những lời chẳng nên nói mà nói bừa, nói hoài nên gặp phải nhiều chướng nạn hệ lụy, như bây giờ ta thường nói là bị người khác phê bình, công kích. Nói năng là cả một nghệ thuật lớn, nhất định phải hiểu rõ. Người tu học cần phải hiểu rõ lời Phật dạy: “Chẳng tìm lỗi người khác, chẳng nêu lỗi người khác”, đây là căn bệnh lớn nhất hiện thời là nói đến lầm lỗi người khác, hễ chạm mặt nhau là nói xấu, thân khẩu, ý không thanh tịnh thì việc tu học khó thành, Lục tổ từng nói: Nếu ai chân thật tu đạo, chẳng thấy lỗi thế gian”.

Đã biết “thế sự” rất rộng, trong thế sự có tà lẫn chánh. Thế sự là mọi chuyện trong lục đạo, ưa thích bàn nói vượt ra ngoài không gian nhưng vẫn còn trong luân hồi lục đạo. Thế sự có chánh, có tà. Tà là đọa ba ác đạo, chánh là ba thiện đạo. Chi bằng hết lòng hết dạ nghe lời Phật dạy, nhất định không được hoài nghi. Phật giáo dạy người không nói dối mà phải nói lời chánh ngữ. Nói dối là giới trọng của nhà Phật. Vậy Phật sao có thể nói dối chúng ta? Điều nầy tuyệt đối không thể có. Phật nói thế cực lạc ở Tây phương nhất định là chân thật, đây là trường học, tất cả chúng ta là học sinh, trì danh là môn học, được vãng sanh thành Phật là sự nghiệp  sau cùng là sinh tử đại sự. Thành Phật là thành tựu trí tuệ, viên mãn cứu cánh, là trí huệ, vô sở bất tri, vô sở bất năng, sau đó chúng ta mới có đủ khả năng ở trong hư không pháp giới để trợ giúp tất cả chúng sinh, giúp họ phá trừ mê hoặc, đạt được giác ngộ, hiểu về chân tướng vũ trụ và nhân sinh. Đó là việc vô cùng ý nghĩa. Vậy chúng ta phải khẩn thiết niệm Phật cầu sanh về Tây phương Cực lạc. Tín, Nguyện, Hạnh một lòng không gián đoạn, niệm Phật chuyên lại càng chuyên. Chuyên niệm A-di-đà Phật nhất định sẽ thành Phật. Phàm phu chúng ta có thể làm được, nếu không làm được, đức Phật sẽ không tuyên dương pháp môn nầy. Vì vậy, chúng ta đối với pháp môn niệm Phật, không hoài nghi, không xen tạp, tranh thủ không gián đoạn. Khi đã thành tựu, chúng ta có cơ hội tiếp cứu vô lượng vô biên chúng sanh, trong đó có cha mẹ vô lượng kiếp của chúng ta. Đối với chúng ta, Phật không đòi hỏi điều kiện mà tự nguyện, bình đẳng, vô điều kiện tiếp dẫn chúng ta về Tây phương. Việc của chúng ta là an tâm niệm Phật, còn việc vãng sanh là để Phật lo.

Tin nhận Di-đà cứu độ

Chuyện xưng Di-đà Phật danh

Nguyện sanh Di-đà Tịnh độ

Độ khắp mười phương chúng sanh

Nam-mô A-di-đà Phật.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6920626