Thông tin

ÁP DỤNG CHÁNH TINH TẤN VÀO ĐỜI SỐNG VÀ TU TẬP

 

HUỲNH VĂN ƯU

 


 

Tinh tấn là chuyên cần siêng năng làm việc có lợi cho mình, cho người. Tinh tấn còn được hiểu là sự siêng năng cần mẫn, không ngừng nghỉ, là những nỗ lực hướng đến mục đích cao thượng an vui và hạnh phúc; Nơi đó không vì quyền lợi cho mình mà loại trừ quyền lợi của người khác. Nếu một người để tâm vào một việc làm bất thiện hại người, hại cho xã hội, đó là bất thiện… đó là tà tinh tấn. Tinh tấn trong đạo Phật, là Phật tử phải thông suốt bốn cốt lõi Chánh tinh tấn mà đức Phật đã giảng được thâu tóm qua bài kệ:

Không làm các điều ác

Dấn thân các việc lành

Giữ động cơ thanh tịnh

Là tinh hoa Phật dạy.

Theo đức Thế Tôn, nền tảng của Chánh tinh tấn còn gọi là Tứ Chánh cần, bao gồm bốn phương pháp hành trì như sau:

- Thứ nhất, niệm ác chưa sanh đừng phát sanh.

- Thứ hai, niệm ác sinh rồi đem đoạn tận.

- Thứ ba,niệm thiện chưa sanh nên phát sanh

- Thứ tư,niệm thiện sanh rồi nên tăng trưởng.

Đức Phật luôn dạy rằng không một ai có thể giải thoát hoặc giác ngộ giùm chúng ta. Bản chất của Chánh tinh tấn đơn giản là thực tập, đó là một tuyên ngôn về khả năng thực sự của con người. Hình ảnh dưới cội Bồ-đề, đức Phật đã thệ nguyện: “Nếu không chứng đạo quả Vô thượng Bồ-đề, giải quyết được luân hồi sinh tử, thì dù nát thịt xương tan Ta cũng không rời khỏi chỗ ngồi nầy”. Cho nên suốt 49 ngày đêm bằng sức đại hùng đại lực. Ngài kiên định ngồi thiền dưới cội Bồ-đề chiến thắng tất cả ma quân và cuối cùng đại trí tỏa sáng, chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là bài học sâu sắc, gần gũi nhất về bốn cốt lõi Chánh tinh tấn mà Phật tử phải vận dụng để chuyển hóa mọi nghịch cảnh, chướng duyên cho dù nó ẩn tàng dưới bất cứ hình thức nào.

Dòng đời vẫn tuôn trào bất tận, cỗ thời gian vẫn hủy diệt một cách âm thầm, con người sống giữa cuộc đời đã bao lần vấp ngã, bao lần đau thương và bao lần sa nước mắt khi nhìn một ngày vắng lặng trôi qua, và trong dòng chảy vô tận kia với những điều tưởng chừng như đơn giản, nhỏ bé ấy, nhưng kỳ thực đó là chất liệu của cuộc sống, là tiền đề giúp ta khôn lớn trưởng thành. Cuộc đời đâu dễ dàng như ta tưởng, đâu đơn giản như sáng nắng chiều mưa, ngày sáng đêm đen, khi Đông tàn Hạ nhiệt, mà nó là chuỗi ngày dài đau khổ với những thử thách khôn cùng. Bởi thế chúng ta sống ở đời phải tạo dựng cho mình một nghị lực vững vàng, sẵn sàng đối phó với những chướng duyên trần cảnh, phải biết can đảm vượt qua khó khăn gian khổ cuộc đời, hãy tự an ủi rằng: “Ta chỉ là một giữa muôn người đau khổ”. Hiểu được như thế để khi chúng ta gặp nghịch cảnh mà không chùn bước:

Gian nan luyện chí con người

Khổ đau là một nụ cười nở hoa

Trong công việc không đủ nghị lực tinh tấn mọi việc sẽ không thành công, từ bác nông phu, anh công nhân, kỹ nghệ gia…..từ việc nhỏ đến việc lớn thiếu tinh tấn thì sự nghiệp không thành. Mỗi khi con ma lười biếng nhập vào ai, người ấy tốt sẽ thành xấu, hiền lành trở nên hung dữ, sáng suốt biến thành ngu mê. Ngược lại tinh tấn đến với ai, người ấy hư hóa nên, xấu trở thành tốt. Nên tinh tấn và lười biếng chống nhau như tối và sáng, như trắng với đen.

Trên bước đường tu học, chúng ta cần phải tinh tấn để đoạn trừ phiền não, lấy nên bỏ hư, tránh chỗ tối đến chỗ sáng bằng cách thường kiểm soát ba nghiệp, sáu thời sớm tối, cho đến một giờ một khắc, một niệm, một Sát-na, hành giả phải kiểm soát ba nghiệp được như vậy mới gọi là tinh tấn. Sống trăm tuổi mà giải đãi không tinh tấn chẳng bằng sống chỉ một ngày mà hăng hái tinh tấn “Nhược nhân thọ bách tuế đãi nọa bất tinh tấn; Bất như sinh nhất nhật lịch lực hành tinh tấn: (Ai sống trăm năm; Lười biếng không tinh tấn; Không bằng sống một ngày; Tinh tấn tận lực minh PC 112).

Đối với các em học sinh, sinh viên là thế hệ tương lai, sống trong nền kinh tế Hội nhập đòi hỏi các em phải có năng lực thực sự, các em hãy tinh tấn mạnh dạn lên, tiến về phía trước, đừng chạy trốn khổ đau, như một triết gia từng nói: “Cuộc đời là một trường học vĩ đại mà phần lớn con người học được những bài học cần thiết qua yếu tố khổ đau”.Vậy chúng ta hãy dũng cảm đặt chân lên những con đường đầy chông gai hiểm trở để bước tiếp những bước chân còn lại. Vì sống là đi chớ không dừng, nếu một lúc nào đó dừng lại là vô tình phản bội bản thân ta, hãy mạnh dạn đứng lên như người chiến sĩ xông pha trận mạc để đạt mục đích “Ca khúc khải hoàn”.

Trong mọi hoàn cảnh, trong mọi công việc, cũng như tu học Phật pháp, chúng ta luôn tinh tấn, không chùn bước, buông lơi, đừng thấy chông gai rồi rẽ sang đường khác, đừng để sa nước mắt nhìn một ngày trôi qua. Hãy sống với chính mình, sống thật ý nghĩa và sống với chánh pháp, hãy dung hòa niềm vui hạnh phúc với khổ đau để sống đúng với vai trò người Phật tử “Ngày nay đi qua; Đời sống ngắn lại, hãy nhìn cho kỹ;Ta đã làm gì? Đại chúng hãy cùng tinh tấn;Thiền tập hết lòng; Sống cho sâu sắc và thảnh thơi; Đừng để tháng ngày trôi đi oan uổng”.

Chúng ta là hạng phàm phu, bị mê mờ che lấp sâu dầy, cần phải nỗ lực Tinh tấn mạnh mẽ để hướng về phía trước cao thượng. Trong Bát Chánh đạo, tuy Chánh tinh tấn đứng vào chi thứ sáu, nhưng Chánh tinh tấn rất quan trọng, bởi tinh tấn là cốt tủy cho sự học tập và hành động trong mọi công việc, lĩnh vực, mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống. Những nỗ lực mạnh mẽ nầy hoàn toàn phù hợp với giáo lý Phật dạy. Chánh tinh tấn chính là nguồn năng lượng dung nạp để giúp ta hoàn tất các bước trên con đường đi đến hạnh phúc. Chánh tinh tấn giúp ta chế ngự được lo âu, căng thẳng, sợ hãi và oán hận… Với Chánh tinh tấn duy trì và không xao lãng, luôn thực hành. Hãy Tinh tấn làm được như lời Phật tuyên thuyết:

Dẫu ta có khô đi!

Dẫu cho da thịt ta có tan rã

Dẫu thân ta có trở thành một bộ xương khô

Ta cũng không đứng lên khỏi chỗ ngồi thiền,

nếu không đạt được giác ngộ”.

Trên bước đường tu tập, chúng ta nguyện thiết tha được như vậy, bọn ma lười, quỷ phóng túng phải khiếp đảm chạy dài. Hằng ngày năng tập được đức Tinh tấn mãnh liệt, chúng ta sẽ thấy giữa đời không có việc gì khó, các bạn “Thích là được, muốn là thành”. Khi đạt được ước muốn rồi, điều cần nhớ là tài năng luôn phải được đạo đức định hướng và dẫn dắt thì mới xứng đáng bậc hiền tài. Tài mà không hiền thì dẫn đến vô phước, vô phần, đôi khi còn trở nên cực kỳ nguy hiểm

Phàm điều gì hễ có đi là phải có đến. Mà tinh tấn là tinh chuyên đi tới theo chiều hướng thiện lành, lợi ích và an toàn, nên kết quả cũng toàn tốt đẹp và an lạc. Đem Chánh tinh tấn áp dụng vào cuộc sống và học tập, như người học trò tinh tấn sẽ thành tài đạt đức; Người thợ tinh tấn sẽ thành một tay kỹ xảo… Phật tử hằng tinh tấn sẽ được đức hạnh đầy đủ, phước huệ viên thành, người (niệm Phật tinh tấn chuyên càng thêm chuyên nhất định sẽ được về Cực lạc).  Phần lớn tất cả sự thành công trên đường tu thân sửa mình đều do Tinh tấn quyết định. Bao nhiêu vị Hiền Thánh, bao nhiêu bậc Giác ngộ đều do từ lò Tinh tấn mà nên.

Đức Phật của chúng ta là tấm gương sáng, Ngài sống trong lâu đài điện ngọc, muốn chi mà không có. Vậy tại sao Ngài lìa bỏ gia đình vào con đường tu khổ hạnh chi cho khổ sở, rồi phải đi hết con đường tu tập nầy đến con đường tu tập khác, hết thầy nầy đến thầy khác. Khi thành bậc Chánh giác rồi, sao không tự tại an vui, lại đi giáo hóa cho ngoại đạo để cho họ làm khó dễ, thậm chí còn bị mắng chửi, nhưng vẫn quyết chí hướng đến điều mình muốn không phải Tinh tấn sao? Người đời biếng nhác thì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nếu hàng xuất gia mà biếng nhác thì không thể vượt qua bể khổ sinh tử.

Do đó biết rằng tất cả kết quả tốt đẹp đều phát sanh từ hạnh Tinh tấn. Nói cho cùng, người tu hành không Tinh tấn, chẳng khác gì kẻ muốn vượt qua bể rộng mà không có thuyền bè, do đó cần phải Tinh tấn. Vì Tinh tấn là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy ta thành đạt mau chóng trong tu tập và cuộc sống. Không có Tinh tấn dù hành giả có sáng suốt bao nhiêu, có nhân từ đức hạnh bao nhiêu, hành giả cũng khó làm được việc gì có lợi cho mình, cho xã hội. Cho nên, lời dặn cuối cùng của đức Thế Tôn với các đệ tử trước khi Ngài từ giã cõi đời để nhập Niết-bàn là: “Hỡi các đệ tử hãy Tinh tấn lên để được Giải thoát”. Đây cũng là lời khuyên dạy nhắn nhủ cho chúng ta. Là kẻ hậu học, nghiệp chướng sâu dầy còn làm nhiều việc lắm, nên cần phải Tinh tấn nhiều hơn để làm điều thiện lành giúp cho xã hội ngày một an vui, phát triển, chúng sanh thoát khỏi khổ nạn luân hồi, mỗi ngày làm được việc lành sẽ cảm thấy vui hơn với lời nguyện hàng ngày ta thường trì tụng.

“Nguyện đem công đức nầy

Hồi hướng khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo.

Nam-mô A-di-đà Phật.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 38
    • Số lượt truy cập : 6794838