Thông tin

ÁP DỤNG CHÍNH TƯ DUY VÀO ĐỜI SỐNG VÀ TU TẬP

 

HUỲNH VĂN ƯU

                   


 

Chánh tư duy là chi phần thứ hai trong Bát Chánh Đạo, có nghĩa là sự suy nghĩ chân chánh. Tư tưởng đúng lẽ phải bằng sự ý thức của chính mình phù hợp với thực tế cuộc sống, đây là tiếng nói bên trong gọi là tư duy. Chánh tư duy còn là sự suy nghĩ, nhận xét một cách chân chính và những phát hiện mang đến lợi ích an lạc cho mình, cho người. Trái với Chánh tư duy là Tà tư duy (còn gọi là Tà chí), tức là chỉ cho những suy tư nghĩ ngợi của lòng tham dục, sân nhuế, ác hại, buông lung…Vậy để có Chánh tư duy người học Phật phải hành trì, tu tập như thế nào để tiêu trừ 3 độc tố tham sân si, không để chúng len lỏi vào đời sống cho dù dưới bất cứ hình thức nào. Lẽ tất nhiên để chuyển hóa tâm thức đó không phải một sớm một chiều mà cả quá trình “mài giũa” bền bỉ. Cho nên trên bước đường tu tập Chánh tư duy còn phải biết xét những hành vi lỗi lầm, những ý nghĩ xấu xa để sám hối nhằm chuyển hóa tham, sân, không bị sai khiến bởi vô minh, để đưa đến giác ngộ giải thoát là trí tuệ. Nhờ có trí tuệ mới nhận thức được như thật các pháp là Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã. Những thành trì kiên cố từ bao đời nay ngăn chặn chúng sinh không thể giải thoát giác ngộ bởi vô minh, tham ái, chấp thủ, nay đều sụp đổ hoàn toàn với sức công phá mãnh liệt bởi trí tuệ Vô lậu. Để có Chánh tư duy, chúng ta phải kết hợp Văn, Tu, Tư, dù có nghe, có tu mà không Tư duy, quán chiếu thì làm sao phát sinh được trí huệ, có trí tuệ mới soi sáng được mọi sự vật, nhờ vậy mới biết cách buông xả tham lam, sân hận, si mê mà chuyển  hóa thành trí tuệ từ bi rộng lớn mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống xã hội. Chánh tư duy còn để suy ngẫm về mười điều thiện và mười điều ác. Do có sự Tư duy như vậy, ta nhất định sống trong mười điều lành, loại trừ mười điều ác, chúng ta mới lìa tham dục và ác pháp. Còn bằng Tà tư duy, chấp ngã, vì lợi ích cá nhân chỉ gây ra đau khổ, tội ác, bất ổn cho người và xã hội.

Xã hội xưa nay đủ mọi thành phần, giai cấp… không thiếu Tà tư duy và Chánh tư duy đan xen nhau gây bất ổn xã hội. Cũng theo cách tư duy nầy, trong sách Kiều Văn Tiêu Lục của Lê Quý Đôn có câu chuyện rằng: Một hôm trời mưa to, học trò còn nán lại, nhân đó thầy Đàm Thận Huy ra vế đối cho các cậu học trò:

Vế đối ra: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” (Mưa dù không xích khóa, cũng có thể giữ chân khách ở lại).

- Nguyễn Giản Thanh đối: “Sắc bất ba đào, dị nịch nhân” (Sắc đẹp dù chẳng phải sóng gió, cũng dễ làm cho người ta chìm đắm). Thầy nhận xét: Câu đối nầy thật hay, thật chỉnh, văn khí có thể đậu trạng nguyên, nhưng về sau coi chừng việc sắc dục làm hại sự nghiệp. Quả nhiên, Nguyễn Giản Thanh sau này làm quan đến Lễ Bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện. nhưng vì say đắm cô gái đẹp nên ô danh bại giá.

- Nguyễn Chiêu Huấn đối: “Nguyện hữu loan cung bất xạ nhân” (Trăng có cung loan mà không bắn người). Thầy đánh giá: Câu này kém sắc sảo, nhưng tỏa ra khí chất hiền hòa, sau nầy sẽ làm nên, cuộc sống chu toàn, ắt là quan thanh liêm, bởi bản chất suy nghĩ trong tâm hiền thiện rất được lòng dân. Thầy Đàm Thận Huy thích câu của Nguyễn Chiêu Huấn có ý trung hậu, ông bèn gả con gái cho học trò hiền lành nầy. Về sau, ông đỗ Bảng nhãn, tuy kém một bậc nhưng là một quan tốt, gia đình, con cháu đề huề ai cũng mến thương.

Lại có một trò (khuyết danh) lên tiếng: “Phẫn bất uy quyền dị khủng nhân” (Cục cứt chẳng có quyền uy cũng khiến người ta sợ). Thầy cho rằng người đối câu nầy về sau tuy rất giàu nhưng lại keo  kiệt, bủn xỉn. Kết quả đúng như vậy, ông ta giàu nhất vùng, nhưng ai ai cũng chê là hạng thô lỗ, bỉ ổi. Qua thí dụ trên, quả rõ về Chánh tư duy và Tà tư duy có thể khiến đau khổ hay hạnh phúc.

Cuộc sống muôn màu, nhiều lãnh vực, con người đa mưu nhiều chước, tư duy vô cùng tận, trong phạm vi nhỏ bài viết, chúng tôi chỉ nêu lên sự bất ổn quanh cuộc sống hàng ngày đó là vệ sinh môi trường sông gạch, đường phố, rác thải, túi nilông, lớn hơn chút là bảo vệ rừng… Nếu ai cũng nghĩ xả rác ra đường, vứt chất bẩn xuống sông rạch là ô nhiễm môi trường, làm mất vệ sinh, hại sức khỏe, mất thẩm mỹ thì hay biết mấy. Biết phá rừng là làm mất dưỡng khí, là gây lũ lụt, hạn hán, muôn loài không nơi nương tựa, sát hại chết chóc mất lòng từ bi thương người, thương vật, nhưng họ vẫn làm. Buồn thay! Con người không có tư duy tích cực xả bỏ lòng ích kỷ mà luôn chấp chặt vào tâm tham lam, hèn kém không thể vượt qua, hoặc có lúc giác thì tư duy đúng, mê thì mặc kệ (sống chết mặc bây) nên tác hại môi trường, sức khỏe ngày càng xấu thêm.

Trên bước đường tu tập, nên hướng về hạnh nguyện Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, chúng ta mới có một cách nhìn toàn diện, viên mãn, xả bỏ để giải thoát. Thời trẻ còn theo cha ra cày ruộng khi thấy côn trùng bị đất xới lên chim bay đến ăn, Ngài có cái nhìn khác đời thường, tư duy về cái chết giữa con vật yếu bị con vật lớn mạnh ăn thịt; khi lớn lên đến bốn cửa thành, Ngài cũng tư duy về sanh, lão, bệnh, chết, hai cái nhìn nầy đều nói lên lòng từ bi muốn cứu vớt chúng sanh; đến khi ngồi bên cội Bồ đề, Ngài tư duy tham thiền định nhập định 49 ngày đạt quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh giác; rồi 45 năm hoằng pháp độ sinh, lúc nào Ngài cũng hướng về cứu khổ chúng sinh, nên được tôn xưng là bậc Đạo sư của trời người. Đức Phật luôn gieo vào lòng chúng ta tư duy chân chánh để an lạc và thoát khỏi khổ đau. Với tám vạn bốn ngàn pháp môn Đức Phật chỉ dạy, từng bậc tu chứng, từ phàm lên Thánh, từ Thánh đến Phật, quyết không vượt ngoài tuần tự kể trên. Chúng sinh thời mạt pháp phiền não và nghiệp chướng quá nặng, làm sao thực hành nổi để giải thoát? May thay! Đức Thế Tôn luôn tư duy nhớ nghĩ đến chúng sinh đã có huyền ký trước. Chúng sinh: “Chỉ nương theo pháp môn niệm Phật mà thoát khỏi luân hồi”. Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói: “Tất cả chư Phật mười phương ba đời đều học pháp niệm Phật, mau chóng chứng đắc đạo giác ngộ giải thoát”. Nên biết, chư Phật trong ba đời đều do niệm Phật được thành Phật. Kinh Lăng già cũng nói: “Chư Phật mười phương ba thời, pháp thân và báo thân đều xuất phát từ Vô lượng thọ trong thế giới Cực Lạc”. Thế nên, thế giới Cực Lạc là nhà gốc của chư Phật. Chư Phật đều lấy thế giới Cực Lạc làm đại bản doanh, như thế, chúng ta đương nhiên phải nghĩ về nhà chư Phật ở thế giới Cực Lạc rồi. Lại nữa, người niệm Phật, trong Quán kinh, được Thế Tôn ca ngợi: “Nếu người niệm Phật thì phải biết người nầy là hoa Phân-đà-lợi trong loài người, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí là người bạn tốt của họ, sẽ ngồi trên đạo tràng, sanh vào nhà chư Phật. Trong kinh A-di-đà, đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhiều lần khuyên chúng ta phát nguyện, nguyện sanh về nước kia (Nước Cực Lạc của A-di-đà Phật). Đức Bổn sư đã từ bi thương xót chúng ta biết sau nầy căn cơ thấp kém không sao tu các pháp môn thượng căn, thượng trí nên đức Phật nói Pháp môn Niệm Phật để cứu giúp chúng sinh. Suốt cuộc đời Ngài từ lúc nhỏ đến ngày nhập Niết bàn, Ngài luôn đau đáu tư duy lo chúng sinh chỉ mong sao chúng sinh thoát khỏi luân hồi đạt đến giác ngộ giải thoát.

Hơn nữa, trong kinh Bi hoa còn nói: Chúng sinh ở thế giới Ta-bà phiền não sâu nặng, chuyên tạo ác, chúng sanh như thế nầy đã bị cõi Tịnh độ “Một nghìn bốn trăm Đức Phật” đại biểu cho tất cả chư Phật quá khứ ở thế giới Ta-bà bỏ rơi, ngay cả chư Phật đại bi cũng không cứu được, chỉ có nguyện mà Phật A-di-đà đã phát ra, gọi là “Bi nguyện siêu thế”, thì A-di-đà muốn cứu. Đức Phật A-di-đà nói: “Tôi muốn thiết lập một Tịnh độ Cực Lạc, có thể dung nạp các bạn, chúng sanh mười phương, nếu không vãng sanh thì Tôi không thành Chánh giác. Chỉ có duy nhất Phật A-di-đà không bỏ chúng ta, khiến ta được vãng sanh. Chỉ có Phật A-di-đà là vua trong các đức Phật, phát ra bi nguyện siêu thế không thể nghĩ bàn, thông qua năm kiếp tư duy, triệu tải vĩnh kiếp tu hành thiết lập thế giới Cực Lạc và phát 48 lời thệ nguyện chủ động vô điều kiện, bình đẳng cứu độ. Đây là cội nguồn căn bản chuyên tu niệm Phật của chúng ta, chỉ có Phật A-di-đà vì chúng ta phát 48  nguyện  đều là bản nguyện thì nguyện thứ 18 là vua trong bản nguyện, vua trong bản nguyện nầy chỉ nói duy nhất niệm Phật. Nguyện thứ 18 nói: Chúng sanh mười phương, cho đến mười niệm, nếu không được vãng sanh thì Tôi không thành Chánh giác. Và kệ thành tựu của nguyện thứ 18 nói: “Sức bản nguyện Phật ấy. Nghe danh muốn vãng sanh.Thảy đều đến nước kia. Tự được bất thoái chuyển”.

Theo lời nguyện nầy lúc còn tại thế, đức Phật đã khuyên phụ vương (vua Tịnh Phạn). Trong kinh Bảo Tích có đoạn: Phụ vương Tịnh Phạn bạch Phật: Bạch Thế Tôn: Làm sao tu hành để được đạo của chư Phật?- Đức Phật đáp: Tất cả chúng sanh đều là Phật. Nay phụ vương nên niệm Phật A-di-đà ở thế giới Tây phương, thường năng tinh tấn thì sẽ được đạo của Phật. Phụ vương lại hỏi: Bạch Thế Tôn, tại sao tất cả chúng sanh đều thành Phật? - Đức Phật đáp: Tất cả chúng sinh không dao động, không lấy bỏ, không tướng mạo, không tự tánh, phụ vương nên ở trong pháp Phật ấy mà an trụ tâm mình, đừng tin nơi người khác. Khi ấy vua Tịnh Phạn và bảy vạn người dòng họ Thích nghe nói về pháp nầy, ai nấy đều tin hiểu hoan hỷ tỏ rõ vô sinh nhẫn. Trong 45 năm thuyết giáo Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni dùng cả vạn pháp môn. Trong đó duy nhất có pháp môn Tịnh độ Đức Bổn sư thường giảng nhiều lần. Trừ ba kinh Tịnh độ ra, mọi lúc giảng, Phật đều nhắc đến Tây phương Cực Lạc thế giới. Người Nhật Bản đã soạn bộ Tịnh Độ Toàn Thư, họ đã kiểm trong Đại Tạng Kinh, tìm thấy trong đó có tổng cộng hơn hai trăm bản kinh luận giới thiệu Tây phương Cực Lạc thế giới. Bởi thế cổ đức nói: “Thiên kinh vạn luận”, xứ xứ chỉ quy” (Ngàn kinh vạn luận đâu đâu cũng chỉ quy Tịnh độ). Cứ đây mà xét, đủ thấy pháp môn niệm Phật rất thích hợp và lợi ích cho chúng sinh. Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni đã nói trong kinh Đại Tập Nguyệt Tạng rằng: “Thời mạt pháp, ức ức người tu hành hiếm có người đắc đạo. Duy chỉ có pháp môn niệm Phật sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật mới ra khỏi luân hồi.

Là con Phật: Hãy suy nghĩ kỹ! Hãy suy nghĩ kỹ! Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật A Di Đà một đời, nhiều kiếp tư duy chỉ mong cứu chúng sinh thoát khỏi luân hồi khổ đau. Đã là con Phật, chúng ta không dám trái lời Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni dạy và cũng thuận theo Bản nguyện cứu độ của Đức Phật A-di-đà, chúng ta phải vâng lời tinh tấn học tập tư duy của các Ngài để trước cứu độ mình sau cứu độ chúng sinh. Như chúng ta biết Phật pháp có tám mươi bốn ngàn (84.000) pháp môn bởi chúng sanh có tám mươi bốn ngàn căn bệnh, mỗi người trong chúng ta có một bệnh khác nhau, vì vậy phải tự tìm thuốc cho mình. Thuốc bất luận quý tiện, thuốc nào trị lành bệnh là thuốc hay. Pháp cũng thế, tất cả các pháp đều là pháp của Phật, cứu độ bình đẳng vô điều kiện, pháp nào hợp với mình để giác ngộ giải thoát là diệu pháp, là pháp số một của mình. Cho nên chúng ta phải tư duy kỹ càng chọn cho mình pháp môn thích hợp, chọn  xong, cố gắng quyết chí hạ thủ công phu, nhất môn thâm nhập trường thời huân tu. Nếu chọn Pháp môn Niệm Phật phải có lòng tin sâu, nguyện thiết, hành thâm, đi, đứng, nằm ngồi phải Quyết Tâm Lão Thật Niệm Phật một đời chắc chắn Vãng Sanh.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 58
    • Số lượt truy cập : 6946734