Thông tin

ASIBANDHAKAPUTTASUTTA - KINH NGHIỆP QUẢ

 

PAÑÑAVARA TUỆ ÂN

 

 

Một thời đức Thế Tôn trú ở Nālandā, tại rừng Pāvārikaṁba. Lúc ấy, thôn trưởng Asibandhakaputta đến gặp Đức Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ đức Thế Tôn rồi tìm nơi hợp lẽ kế bên để ngồi, rồi thôn trưởng Asibandhakaputta bạch đức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch đức Thế Tôn, các vị Bà-la-môn trú đất phương Tây, mang theo bình nước, đeo vòng hoa huệ (sevāla), nhờ nước được thanh tịnh. Những người thờ lửa, khi một người đã chết, đã mệnh chung, họ nhấc bổng và mang vị ấy ra ngoài (uyyāpenti), kêu tên vị ấy lên, và dẫn vị ấy vào Thiên giới. Còn Ngài, bạch đức Thế Tôn, là bậc Arahán, Chánh Ðẳng Giác, Ngài có thể làm như thế nào cho toàn thể chúng sinh, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên cõi thiện, cõi trời và cõi người này?

- Này vị trưởng thôn, ông hãy bình tĩnh và kiên nhẫn trả lời Như Lai nhé.

Ông nghĩ thế nào về việc một kẻ sát sinh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một hội chúng đông đảo, tụ tập lại, chắp tay đi khắp nơi cầu khẩn, tán dương rằng: “Mong cho vị này khi nào chết sẽ được sinh lên cõi thiện, cõi trời và cõi người!”. Ông nghĩ thế nào? Này vị trưởng thôn, người ấy do việc cầu khẩn của đại chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chắp tay đi khắp nơi cầu khẩn, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy liệu có được sinh lên cõi thiện, cõi trời và cõi người này không?

- Thưa không được, bạch đức Thế Tôn.

- Lại nữa, vị trưởng thôn, có người lấy một tảng đá lớn ném xuống hồ nước sâu. Rồi một đám người đông đảo, tụ tập lại, chắp tay đi khắp nơi và nói rằng: “Hãy đứng lên, tảng đá lớn! Hãy nổi lên, tảng đá lớn! Hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!”. Ông nghĩ thế nào, vị trưởng thôn, tảng đá lớn ấy do việc cầu khẩn của đại chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chắp tay đi khắp nơi cầu khẩn thì có thể trồi lên, hay nổi lên, hay trôi dạt vào bờ không?

- Thưa không được, bạch đức Thế Tôn.

- Cũng vậy, này trưởng thôn, người nào sát sinh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một hội chúng đông đảo, tụ tập lại, chắp tay đi khắp nơi cầu khẩn, tán dương rằng: “Mong cho vị này khi nào chết sẽ được sinh lên cõi thiện, cõi trời và cõi người!”. Nhưng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung thì sẽ bị đọa vào cõi dữ, súc sinh, đọa xứ, địa ngục.

Ông nghĩ thế nào, này trưởng thôn? Nếu như một người từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không tham lam, không sân hận, có chánh tri kiến. Rồi một hội chúng đông đảo, tụ tập lại, chắp tay đi khắp nơi cầu khẩn, trù ẻo rằng: “Mong cho vị này khi nào chết sẽ đọa vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!”. Ông nghĩ thế nào, này trưởng thôn, người ấy do nhân cầu khẩn của quần chúng đông đảo ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chắp tay đi khắp nơi cầu khẩn, sau khi thân hoại mạng chung, có thể bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục hay không?

- Thưa không thể, bạch đức Thế Tôn.

- Lại nữa, vị trưởng thôn, có người nhận chìm một chậu sữa đông (sappi) hay một chậu dầu vào trong một hồ nước sâu rồi đập vỡ chậu ấy thành từng mảnh vụn và chìm xuống nước. Còn sữa đông hay dầu thì vẫn nổi bên trên. Rồi một hội chúng đông đảo, tụ tập lại, chắp tay đi khắp nơi cầu khẩn, và nói: “Hãy chìm xuống, này sữa đông và dầu! Hãy chìm sâu xuống, này sữa đông và dầu. Hãy chìm xuống tận đáy, này sữa đông và dầu!”. Ông nghĩ thế nào, này trưởng thôn, sữa đông ấy, dầu ấy, có do nhân cầu khẩn của đám người đông đảo ấy, do nhân tán dương, do nhân chắp tay đi khắp nơi cầu khẩn của đám đông ấy nên bị chìm xuống, hay chìm sâu xuống, hay đi xuống tận đáy không?

- Thưa không thể, bạch đức Thế Tôn.

- Cũng vậy, này trưởng thôn, có người từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không tham lam, không sân hận, theo chánh tri kiến. Rồi một hội chúng đông đảo, tụ tập lại, chắp tay đi khắp nơi cầu khẩn, nguyền rủa rằng: “Mong rằng người này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đọa vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!”. Nhưng người ấy sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sinh lên cõi thiện, cõi trời và cõi người.

Khi nghe nói vậy, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch đức Thế Tôn:

- Thật là vi diệu, bạch đức Thế Tôn! Thật là vi diệu, bạch đức Thế Tôn!

Bạch Ngài, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được đức Thế Tôn dùng nhiều cách dẫn dụ, giải thích.

Kính bạch đức Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Kính mong đức Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6057638