Thông tin

BA HỆ THỐNG HỘ PHÁP CHÙA VIỆT

VÀ BA PHẠM VI ĐỘNG CƠ THỰC HÀNH PHÁP

 

DAVIS LE

 

Trong bộ sách “Giải thoát trong lòng tay1 một bộ luận ngữ được coi là tinh túy của truyền thống Lamrim (Bồ Đề thứ đệ đạo luận - giai trình giải thoát) phái Gelupa2 hay còn gọi Hoàng Mao (mũ vàng) của Tây Tạng, chúng tôi thấy có những đoạn giải thích về hệ thống Hộ pháp tương ứng với các mức độ động cơ của người thực hành Phật pháp và nó tương tự đến lạ lùng với các hệ thống Hộ pháp thường thấy ở chùa Việt. Sau đây, chúng tôi xin phân tích về các hệ thống hộ pháp trong chùa Việt tương ứng với 3 mức độ động cơ khi thực hành trên với trình tự từ nhỏ đến lớn.

1. Thập đin Diêm vương và tranh tội, tái động…

Theo Từ điển Phật học onlie thì Diêm vương, Yama là thủy tổ của thế giới ma quỷ, tổng quản cõi u minh, chủ thần của địa ngục. Hán dịch: song (đôi), song thế, gia chỉ, tĩnh tức, bình đẳng... Song nghĩa là cả hai anh em (gái) đều là chúa ngục, anh coi việc đàn ông, em coi việc đàn bà, cho nên cũng gọi Song vương. Song thế nghĩa là chịu khổ và hưởng vui. Gia chỉ nghĩa là ngăn chặn không cho tội nhân tạo nghiệp ác nữa. Tĩnh tức nghĩa là sau khi tội nhân nghe vua Diêm la chỉ bảo, biết rõ tội lỗi của mình mà lòng được bình an thanh thản. Bình đẳng nghĩa là tấm gương chiếu soi tội lỗi người ta rất bình đẳng, không thiên vị ai. Trong rất nhiều tên gọi của Diêm ma vương, tên Diêm la vương được người đời biết đến rộng rãi và thông dụng hơn cả. Trong sách “Giải thoát trong lòng tay” thì ghi về tính biểu pháp của vị này như sau:“Ông là chúa tể của Pháp thuộc Phạm Vi NhỏÔng vua Pháp Yama (Diêm Vương) biểu trưng tính vô thường của mọi tái sanh; ông cũng phân loại các hạng người theo Luật nhân quả và theo tội phước người ta đã làm. Nếu ta nương tựa vị thần hộ pháp này, ta sẽ dễ dàng phát triển thực chứng vào Phạm Vi Nhỏ - nghĩa là thực chứng về vô thường, nhân quả,...”3. Giải thích thích thế nào là động cơ thuộc phạm vi nhỏ, sách cũng viết “Giả sử bốn người cùng đọc một chuỗi thần chú Tara. Người thì có động lực là tâm bồ đề, người động lực là sự từ bỏ, người thứ ba mong có tái sinh tốt đẹp, và người cuối cùng chỉ cầu mong đời này được sống lâu, khỏe mạnh, vân vân. Mặc dù họ tụng giống nhau, mà quả báo họ lại được rất khác nhau rất xa… Sự tụng chú của người thứ ba không giúp cho tri kiến hay giải thoát, mà chỉ giúp cho khỏi tái sanh vào cõi thấp xấu. Đấy là Pháp thuộc phạm vi Nhỏ4. Cũng cần nói thêm rằng nói “nhỏ” đây là nói tương đối với phạm vi khác như Bồ đề tâm… chứ còn so sánh với các động cơ tầm thường của thế gian, thì cái gọi là “nhỏ” ở đây vẫn lớn hơn rất rất nhiều.

Ở đây, chúng ta thấy bên Tây Tạng sử dụng Diêm La (Yama) như một vị Hộ pháp để nhấn mạnh việc khuyên con người ta tin vào nhân quả, nghiệp báo, giúp họ có động cơ thực hành nhằm không tái sinh vào các cõi xấu, ác… Điều này cũng giống như kinh sách Hiển giáo Đại Thừa, theo kinh Quán Phật Tam Muội Hải, quyển 5 và luận Nhị thập duy thức, thì vua Diêm la hóa hiện vào trong địa ngục để dạy bảo tội nhân biết rõ tội nghiệp của họ. Những hình phạt mà họ phải chịu và tên địa ngục trong đó họ đang ở, theo luận Du già sư địa, quyển 58, thì Bồ tát hóa hiện là chúa địa ngục để dạy bảo tội nhân, kinh Đại thừa đại tập Địa Tạng thập luân, quyển 1 và kinh Đại phương quảng thập luân, quyển 1, thì nói Bồ tát Địa Tạng dùng sức thệ nguyện bền chắc không thể nghĩ bàn hóa hiện làm Phạm thiên, Tự tại thiên, thân cầm thú, thân ngục tốt ở địa ngục, thân Diêm la vương... để cứu độ tất cả chúng sinh.

Cả hai nền Phật giáo đều sử dụng Diêm vương trong các chùa của mình, tuy nhiên Tây Tạng thì nhấn mạnh đến cái khía cạnh “động cơ” trước khi bắt tay vào thực hành, tức là trước khi bắt tay vào bất cứ việc gì hay các việc có hình thức tôn giáo như cúng dàng, tụng kinh… họ đều được yêu cầu kiểm tra động cơ chính mình trước khi làm, thậm chí hàng ngày họ tưởng các vị hộ pháp này và để nhớ ra cái động cơ mà mình cần trước khi làm việc gì. Đối với Việt Nam của chúng ta thì đa phần mọi người đi lễ chùa, sau đó mới chiêm bái đến thứ tự các tôn tượng mà chúng ta đôi khi quên mất khía cạnh biểu pháp của các tượng Diêm vương.

Diêm vương trong tạo hình Tây Tạng là vị thần hộ pháp có đầu của bò cũng tương tự như tại Ấn Độ; tại Việt Nam thường tạo hình mười vị vua với mũ áo cân đai với tên gọi khác nhau như: Tần Quảng vương, Sở Giang vương, Tống Đế vương, Ngũ Quan vương, Diêm La vương, Biện Thành vương, Thái Sơn vương, Đô Thành vương, Bình Đẳng vương, Chuyển Luân vương. Việc chia ra 10 vị này cũng cho thấy dấu ấn của Trung Hoa. Ngoài ra, hệ tranh tượng cùng chủ đề còn có tranh Thập điện Diêm vương hay có nơi còn gọi tranh tội mà nổi tiếng như bộ tại chùa Trăm Gian, huyện Chương Mĩ, thành phố Hà Nội, chủ đề miêu tả đa dạng hơn tượng mười vua. Bên cạnh các vua, tranh còn miêu tả thêm cả các phán quan, tội nhân chịu phạt. Một loại hình biểu hiện sinh động nhất của chủ đề này trong chùa Việt là động Diêm vương hay tái động xuất hiện ở chùa miền Bắc nổi tiếng như chùa Trầm, chùa Láng, chùa Đại Bi, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đây là một hệ thống tượng nhỏ đặt xung quanh ngọn núi trên một vòm động mô tả các cảnh giới Phật, Bồ tát, La hán, chư Thiên ở trên đến nhân loại… và các cửa điện địa ngục của Diêm vương.

Ở đây, thì lại thấy cách thể hiện của người Việt có phần đa dạng, sinh động hơn so với Tây Tạng, nhưng thường được nhận thức thiên về nghệ thuật điêu khắc hơn khía cạnh ý nghĩa.

 


 

2. Đa Văn Thiên Vương - Vaishravana

Trong truyền thống Tây Tạng giải thích về hộ pháp này như sau: “Trong Phạm Vi Trung Bình, người ta phải thực hành cốt yếu ba môn học tăng thượng mà nhất là tăng thượng Giới. Đại vương Vaishravana đã hứa trước Phật sẽ bảo hộ Luật tạng và sự trì Giới. Nếu người ta nương tựa vị thần hộ pháp này, thì sẽ phát triển được những phần ấy của đạo lộ trong dòng tâm thức của mình”5. Động cơ thực hành thuộc phạm vi trung bình ở đây được giải thích là tạo ra nhân để giải thoát ra khỏi sinh tử.

Cũng theo sách trên có hai truyền thống khẩu quyết tại Tây Tạng liên hệ tứ thiên vương thuộc bốn hướng. Một truyền thống đặt họ trên tòa chính, truyền thống kia cho họ đứng trên gối mây ở dưới tòa chính. Truyền thống thứ nhất xem họ như những hình tượng phi phàm; truyền thống thứ hai xem họ như những vị trời thế tục. Truyền thống Tây Tạng chú trọng đến việc quán tưởng và niềm tin nên được khuyên hãy đặt bốn tảng đá ngoài phòng mình và tưởng tượng đó là Tứ thiên vương. Hoặc cũng chỉ có thể đặt một tảng đá biểu tượng cho bốn vị thiên vương. Hoặc quán tưởng một tảng đá duy nhất là Vaishravana. Người ta nói làm những phép quán ấy rất có lợi, vì bạn sẽ không bị một chướng ngại nào cả, và giới của bạn sẽ được thanh tịnh. Nếu bạn ở trong một tu viện lớn, thì có thể bất tiện nếu để ngoài cửa phòng bốn tảng đá. Vậy bạn, có thể quán bốn bức tường ngoài phòng bạn là Tứ thiên vương.

Tứ Thiên vương được thờ tự khắp thế giới Phật giáo từ thế kỷ II TCN. Bốn vị xuất hiện ở bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc như người canh giữ các thánh tích Phật giáo Ấn Độ (như bảo tháp Sanchi); ở Trung Á và Trung Quốc, vào thế kỷ thứ VIII, Tứ Thiên vương được thờ tự như những đấng bảo vệ Phật pháp và hộ trì các vị vua chúa tôn sùng đạo Phật chống lại các thế lực xâm lăng. Ở Nhật Bản, vào thế kỷ thứ VI, thái tử mộ đạo Shotoku (Thánh Đức) đã xây điện Shitenno-Ji để thờ Tứ Thiên vương và sau đó, nhiều điện thờ khác được dựng lên ở khắp các tỉnh để họ có thể quan phòng sự an nguy của lãnh thổ và mùa màng. Thực tế này bắt nguồn từ tín ngưỡng Tứ Thiên vương pháp của Phật giáo: Pháp tu tứ thiên vương làm bản tôn, là phép tu nguyện trừ tai ách, cầu được phước đức. Tứ thiên vương là thiện thần hộ pháp. Vì thệ nguyện diệt trừ nạn giặc của Tứ Thiên vương sâu nặng, nên khi quốc nạn thường tu phép này (theo Đà-la-ni tập kinh 11). Thực tế lịch sử phổ biến ở các quốc gia Phật giáo dẫn trên đã lý giải việc các triều đại Việt Nam tôn thờ vị Thiên vương làm thần Hộ quốc: Lê Đại Hành (980): Sóc Thiên thần vương; Lý Thái Tổ: Xung Thiên thần vương; Trùng hưng năm đầu: Dũng Liệt đại vương; năm thứ 4, gia phong hai chữ: Chiêu Ứng; năm Hưng Long 21, gia phong hai chữ: Uy tín (Xung Thiên Dũng Liệt Chiêu Ứng Uy tín Đại vương)…6. Mặt khác, tín lý hộ quốc đó cũng làm cho vị Thiên vương chủ quản phương Bắc có được hành trạng của một anh hùng chống ngoại xâm.

Trong tứ vị Thiên vương, theo quan niệm Phật giáo thì vị Thiên vương chủ quản phương Bắc là Vaisravana (Tỳ Sa Môn Thiên vương/ Đa Văn Thiên vương) là vị đứng đầu và chỉ có Vaisravana được thờ riêng. Tín lý này chỉ ra sự đồng nhất Vaisravana và Sóc Thiên vương (sóc: phương Bắc), vị Thiên vương duy nhất được thờ tự ở nhiều đỉnh núi thiêng, đền thờ thiêng ở các vùng đất cổ miền Bắc, từ thời Tiền Lê đến các triều Lý, Trần7. Theo Việt điện u linh, vị Thiên vương này được thờ làm thần đặt bài vị bên tả ở chùa Kiến Sơ; và sau đó, được Lý Thái Tổ sai thợ đắp tượng thần, lại “sai đắp 8 pho tượng đứng hầu” - đó là 8 Yaksha, bộ hạ lưu xuất của Vaisravana8, theo mô tả này thì đền thần này sau biến thành đền Phù Đổng cạnh chùa Kiến Sơ ngày nay.

Như vậy, tín ngưỡng Tứ Thiên vương nói chung hay Đa Văn Thiên vương nói riêng tại chùa Việt được thờ với 2 dạng:

- Thứ nhất là thờ làm 4 hộ pháp tại chùa mà chúng tôi thấy mật độ rất phổ biến tại các chùa cổ như chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Nành (Ninh Hiệp, Hà Nội), chùa Thầy, chùa Láng…

- Thứ hai là thờ đền riêng cạnh chùa như đền Gióng Phù Đổng cạnh chùa Kiến Sơ, đền Gióng Sóc Sơn cạnh chùa Non Nước, đền Gióng Bộ Đầu - Thường Tín cũng cạnh chùa… Đặc điểm của các vị này là vừa là Hộ pháp cổ vừa bị dân gian hóa thành thần thánh bản địa.

Hầu như tất cả tượng Tứ Thiên vương hay Đa Văn Thiên vương, Sóc Thiên vương tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều mặc giáp trụ. Giải thích về điều này, thì “tượng trong trang phục áo giáp trụ còn gọi là áo “nhẫn nhục” nhằm chống lại dục vọng ham muốn của con người như “tham, sân, si, ái, ố, hỉ, nộ”9, sự biểu kiến này tương đồng với ý nghĩa bảo hộ cho Luật tạng và sự trì giới đã nói ở phần đầu trong chùa Tây Tạng. Trong truyền thống của Việt Nam, thì không nói rõ đây là các hộ pháp siêu việt hay thế tục, nhưng qua việc bị biến thành Thánh Gióng bản địa, thì dường như đa phần coi họ như các vị trời thế tục.

3. Khuyến Thin và Đại Hắc Thiên

Động cơ thực hành Phật pháp phạm vi thứ 3 là lớn hơn cả được coi là xuất phát từ tâm Bồ Đề. Đây là chủ đề quan trọng bậc nhất của Đại Thừa. Là động cơ tuyệt vời nhất để thực hành, nên tại Tây Tạng và Việt Nam cũng như nhiều nơi khác người ta đều khuyến tấn nhau phát Bồ đề tâm, chúc nhau Bồ đề tăng trưởng.Trong truyền thống Tạng truyền, thì vị hộ pháp đại diện cho động cơ này là Mahakala hay còn gọi là Đại Hắc Thiên, một hóa thân của đấng Đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ tát, ý nói hành giả sẽ nhanh chóng phát triển tâm từ và tâm bi. Trong 3 vị hộ pháp, thì Đại Hắc Thiên được tôn vinh hơn so với Diêm Vương và Đa Văn Thiên vương “tòa sen của ba ngài cao thấp khác nhau, tòa của Mahàkala cao nhất”10. Điểm này để nhấn mạnh sự cao cả của động cơ mà ngài đại biểu. Tại Việt Nam, thì Đại Hắc Thiên rất hiếm khi xuất hiện, nhưng ở điểm đại diện Bồ đề tâm và được tôn vinh nhất, đặc biệt trong các hộ pháp, thì lại rất tương đồng với ngài Khuyến Thiện của chùa Việt miền Bắc, vị này có tượng pháp lớn nhất chùa và cũng là hộ pháp đặc trưng, phổ biến nhất của chùa cổ Việt Nam.

Ngài Khuyến Thiện thường được mô tả tay cầm viên ngọc và hoành biển của chùa cũng đề chữ ‘Bát Hải Cầu Châu’, ý nói sự tích của ngài vào biển lớn tìm ngọc như ý. Đây được cho là tiền thân của đức Phật có tên Thiện Hữu hay La Đắc. Sự tích này lưu truyền trong dân gian chưa rõ trích từ kinh nào, nhưng hình ảnh La Đắc lương thiện thích bố thí đến hết cả kho tàng và quyết định ra biển tìm ngọc báu của Long vương, thì rất giống với một tiền thân của Phật tên Maha Sà Ca Phàn (Đại Thí) trong kinh Hiền Ngu, phẩm 39 “Đại Thí tát biển”. Ở đây, ngài Đại Thí công tử thuộc dòng Bà La Môn, gia đình giàu có, Ngài bản tính thuần lương, thấy dân chúng vì mưu sinh mà tạo nhiều ác nghiệp, nên rất rộng lượng bố thí cho dân để họ không phải làm ác. Khi thấy vì sự bố thí của mình mà kho tàng của cha mẹ cũng sắp cạn kiệt, ngài bèn quyết định vào biển lớn để tìm ngọc báu của Long vương về làm mưa tuôn ra của cải vật thực khiến dân chúng không vất vả mưu sinh từ đó thích hành Thập thiện. Trên đường đi tìm ngọc gian nan, ngài gặp rất nhiều chướng ngại như rắn độc, quỷ la sát, độc long, nhưng vẫn vượt qua dễ dàng bằng cách nhập từ bi quán khiến chúng trở nên thân thiện và không hại ngài.

Đến 3 Long cung, thì cả 3 Long vương đều tự nguyện dâng ngọc báu cho ngài và đều khen ngợi ngài có động cơ cao cả sau quyết thành Phật.

“- Đại sĩ có lòng Từ rộng lớn cứu giúp nạn khổ và có ý chí mãnh liệt chắc chắn thành Phật. Tôi nguyện làm một đệ tử trí tuệ.

- Đại sĩ có lòng Từ bi cứu giúp quần sinh, tâm rộng lớn ấy chắc chắn thành Phật. Ta nguyện làm đệ tử học pháp thần túc.

- Đại sĩ thệ nguyện rộng lớn, lòng tự cứu tế bao la, thương xót các quần sinh, không màng khó nhọc, chắc chắn sẽ thành Phật. Tôi nguyện làm một đệ tử tổng trì”11.

Đây cũng là hình ảnh của tâm Bồ đề thành Phật để giải thoát chúng sinh, của đại từ đại bi, vô ngã vị tha giống như hóa thân Quán Âm hộ pháp Đại Hắc Thiên như trên đã nêu.

Nói đến Khuyến Thiện cũng tức nói đến bộ đôi Khuyến Thiện, Trừng Ác hay hai ông Thiện, Ác trong chùa Việt. Đây là khuyên những người tới chùa cố gắng tăng trưởng phần thiện trong mỗi cá nhân. Hình ảnh ngài Thiện đi vào biển lớn tìm ngọc, theo tôi cũng như chúng ta phải tìm trong tâm mình xem cái gì trân quý nhất? Đó chính là tâm Bồ đề. Việc thiện lớn cũng là việc xuất phát từ động cơ tốt đẹp lớn lao và động cơ đó là Bồ đề tâm.

4. Kết luận

Cả hai nền Phật giáo Tây Tạng và Việt Nam cũng như nhiều nơi khác đều sở hữu một hệ thống hộ pháp đa dạng và được gửi gắm nhiều tính biểu pháp trong đó. Tuy nhiên, tại Việt Nam nơi ảnh hưởng nhiều của văn hóa dân gian, thì các thánh tượng hộ pháp thường được ghi nhận giá trị về vật chất, mỹ thuật, niên đại hoặc giải thích chung chung theo khía cạnh làm lành tránh dữ. Những sự so sánh của bài viết trên đây nhằm làm người ta chú ý hơn đến động cơ thực hành Phật pháp, một thứ rất quan trọng hàng đầu khi tiến hành một việc được coi là thiện hay đúng pháp. Việc phân chia tương đối các mức độ phạm vi của động cơ gắn với các vị hộ pháp đại biểu cũng làm cho Phật tử hiểu thêm về thứ lớp trên con đường tu hành của chúng ta, qua đó cũng biến các tượng trong chùa Việt trở nên gần gũi hơn thay vì là những vị thần đôi khi được hiểu là biệt lập bên ngoài chúng ta thì có thể trở thành giáo cụ trực quan nhắc nhở chúng ta, nhìn lại tâm mình trước khi làm việc gì và những hình ảnh này còn được hiểu là một cái gì đó thuộc về bên trong mỗi chúng ta.

 


1. Một bài giảng khúc chiết về con đường đạt đến giác ngộ (Liberation in the Palm of Your Hand- Aconcise discourse on the path to enlightenment) Pabongka Rinpoche- Edited by Trijang Rinpoche,Translated by Michael Richards, Việt dịch: Thích Nữ Trí Hải, Nxb Tổng hợp TP.HCM.

2. Là phái Phật giáo phổ biến tại Tây Tạng còn gọi là tông Hiền Nhân, một trong hai đại diện quan trọng nhất của phái hiện nay là đức Dalai Lama thứ 14, tông này do Đại sư Tông Khách Ba S(1357-1419) sáng lập và được coi là kế thừa của phái Kadampa được truyền bởi Đại sư Atisa(982-1054) từ Ấn Độ đến Tây Tạng.

3. “Giải thoát trong lòng tay” Pabongka Rinpoche, Việt dịch Thích Nữ Trí Hải, Nxb Tổng hợp TP.HCM trg 273.

4. “Giải thoát trong lòng tay” sđd, trg 238-239.

5. “Giải thoát trong lòng tay”, sđd, trg 273.

6. Từ người anh hùng làng Gióng đến thần Hộ quốc Sóc Thiên Vương/ Tỳ Sa Môn Thiên Vương, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyệt san Giác ngộ, giacngo.vn 27/9/2014.

7. Theo Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí, quyển hạ (A.2883/TVKH). Dẫn lại từ Việt điện u linh, bản dịch của Trịnh Đình Rư, H, 1960, tr. 65.

8. Mecher McArthur, Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo, bản dịch của Phan Quang Định, NXB. Mỹ Thuật, H, 2005.

9. Biểu tượng hộ pháp Khuyến Thiện – Trừng Ác trong các ngôi chùa Bắc Bộ Việt Nam (TS. Ðặng Thị Phong Lan), tapchivanhoaphatgiao.com 19/8/2021

10. “Giải thoát trong lòng tay”, sđd, trg 273.

11. Tham khảo kinh Hiền Ngu, phẩm 39, Đại Thí tát biển, dịch giả Thích Trung Quán, Nxb Tôn giáo.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6294229