BẠCH THẠCH TỪ QUANG TỰ Ở PHÚ YÊN
HỮU CHÍ
Chùa Đá Trắng
Tổ đình Sắc tứ Từ Quang còn có tên chùa Đá Trắng hay Bạch Thạch Từ Quang tự là ngôi chùa cổ hơn 200 năm tuổi, tọa lạc trên vùng đá toàn màu trắng nằm về phía Bắc cầu Nhơn Mỹ thuộc thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, giáp Quốc lộ 1A cách thành phố Tuy Hòa khoảng 40km. Đây là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất của vùng đất Phú Yên có giá trị về mặt tôn giáo, văn hóa, lịch sử xã hội. Cảnh sắc tôn nghiêm lạ thường, khí thiêng sông núi tụ hội. Trong quá khứ, chùa Đá Trắng trở thành căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa, là điểm tụ hội của văn thân yêu nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Đá Trắng trở thành căn cứ cách mạng vững chắc, góp phần làm nên những thắng lợi hào hùng của quân và dân Phú Yên.
Không thấy tài liệu ghi chép lại các vị trụ trì thời trước.
Theo Đại lão Hòa thượng Thích Đồng Giải, nguyên Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củng Sơn, trụ trì chùa Linh Đài (xã Hòa Đa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), tổ đình Sắc tứ Từ Quang do Hòa thượng Luật Truyền khai sáng vào năm 1797 dưới triều vua Quang Toản nhà Tây Sơn. Trước đó vào năm 1793, Thiền sư đã dựng lên thảo am và ở đấy dịch kinh Hoa Nghiêm. Bốn năm sau, thiền sư mới kiến tạo thành ngôi chùa lớn có mái lá đồ sộ, bề thế nhất nhì ở Phú Yên lúc bấy giờ.
Ngài Pháp Chuyên - Luật Truyền - Diệu Nghiêm (1738-1810) là người nối pháp đời thứ 36 của dòng Lâm Tế Chúc Thánh, một bậc quảng bác đa văn trước tác nhiều kinh luận. Kế theo, có 9 vị sư tổ khác không rõ pháp danh nối nhau trụ trì. Năm Nhâm Dần (1842), dưới thời vua Thiệu Trị, chùa được sửa quy mô, có bia ghi chép sự tích. Năm Kỷ Sửu (1889), chùa được vua Thành Thái ban sắc tứ.
Nằm ở độ cao gần 100m so với mặt nước biển, lại tọa lạc ngay đỉnh núi Xuân Đài, mặt hướng về biển Đông, địa thế chùa Đá Trắng thật hiếm có.
Đường lên chùa Đá Trắng hiện nay đã tráng bêtông xi măng với độ dốc khoảng 10%, dài hơn 1km, rộng khoảng 4m, xe con chạy lên đến sân chùa. Từ đỉnh dốc có thể phóng tầm mắt bao quát cả vùng sơn thủy hữu tình. Lưng chùa hướng về phía Bắc dựa vào dãy núi Xuân Đài. Mặt trước chùa hướng về phía Nam, nhìn ra sông Cái (sông Ngân Sơn) và sông Nhân Mỹ bao bọc tựa một dải lụa bạc lấp lánh ánh trời. Đứng ở sân chùa có thể nhìn bao quát cả một vùng sông núi xanh biếc. Những cụm đá màu trắng nhấp nhô ẩn hiện trong những chòm cây um tùm càng làm tăng thêm vẻ cổ kính, thâm nghiêm. Ba mặt còn lại là triền núi thoai thoải đổ về hướng Đông với những lùm bụi nhỏ, cỏ xanh tạo cảm giác cho du khách thập phương như đang đứng nhìn ngắm một thảo nguyên thu nhỏ trong những bức danh họa cổ điển lúc trời quang mây tạnh, nắng hanh nhẹ. Xa xa, phía Đông Nam là đầm Ô Loan. Gần hơn, dòng sông Cái loáng bạc chảy qua cầu Phường Lụa, ôm lấy ngọn núi Sơn Chà sừng sững giữa đồng.
Cổng chùa và đặc biệt là khu vườn mộ tháp còn nguyên vẹn, thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc cổ. Với quy mô lớn nhỏ, cao thấp khác nhau, tất cả các bảo tháp đều được trang trí hoa văn, phù điêu và tượng thú một cách tinh xảo. Từ tượng hổ đến tượng nghê, kỳ lân… đều toát lên sức mạnh phi thường trong nhiều tư thế khác nhau. Khu mộ tháp cổ là phần quan trọng hình thành chỉnh thể độc đáo toàn cảnh chùa Đá Trắng. Bên cạnh đó, những phiến đá lát lớn tạo nên con đường từ Quốc lộ 1A lên cổng chùa cũng có một ý nghĩa đáng kể về mặt xây dựng. Vườn chùa có tất cả 8 ngôi tháp xây dựng trên khu đất rộng ở phía Tây. Trong số đó có một ngôi thật đồ sộ, những ngôi tháp khác nhỏ hơn nhưng không kém phần tráng lệ. Nhưng tấm bia của mộ tháp trải qua thời gian đã mòn phai nhiều, không còn nhìn rõ chữ khắc càng tôn vẻ thiêng liêng cổ.
Năm 1929, chùa bị hỏa hoạn, công trình kiến trúc cổ xưa bị thiêu rụi, trong chùa chỉ còn lại quả đại hồng chung nặng 330 cân, được xem như bảo vật của chùa. Trên đại hồng chung còn ghi rõ kích thước và trọng lượng. Đại hồng chung này do Hòa thượng Pháp Ngữ đặt đúc tại kinh đô Phú Xuân năm 1915, vào năm Duy Tân thứ 9. Sau đó, chùa được đông đảo bà con Phật tử khắp các tỉnh miền Trung quyên góp xây dựng lại tương tự theo nguyên mẫu chùa cũ. Kể từ khi được xây dựng đến nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Cổng chùa là công trình có từ thời nhà Nguyễn, có kiến trúc khá độc đáo vì không phải là dạng tam quan như đa phần các ngôi chùa Việt khác.
Chính điện chùa có ba gian hai chái, nằm trên nền cao khoảng một mét, có bốn lối dẫn lên, hai lối phía trước và hai lối hai bên.
Đến chùa Đá Trắng, du khách không chỉ say mê với những câu chuyện lịch sử mà còn được biết đến một loại sản vật rất ngon, từng được mang tiến Vua, đó chính là xoài. Với tổng diện tích khoảng 5.000m2, xung quanh chùa là một vườn xoài rất nổi tiếng, mang vị đặc trưng đã đi vào những giai thoại thú vị được lưu truyền trong nhân gian và thơ ca Phú Yên như một đặc sản quý hiếm, một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của con người nơi đây.
Điều đặc biệt là nếu trồng ngoài khuôn viên chùa, xoài sẽ không thể có những đặc điểm tương tự. Xoài tượng chùa Đá Trắng quý và hiếm đến mức có giai đoạn, quan huyện lệnh cắt cử sai nha canh dưới từng gốc xoài, ghi chép, thu hái. Những người làm công việc này được miễn thuế thân.
Hiện nay, tại chùa Đá Trắng chỉ còn lại 4 cây xoài đã già cỗi nằm ở 4 góc chùa. 4 cây thì có đến 3 cây đã lâu không ra trái, còn một cây có khi đậu trái, có khi không. Trong vườn chùa cũng có khá nhiều cây xoài, nhưng đó là giống từ nơi khác, không phải loại xoài tiến Vua tuyệt hảo. Trước nguy cơ tuyệt chủng của xoài Đá Trắng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên đang nỗ lực tìm cách lưu giữ và nhân giống xoài tiến Vua quý hiếm trên.
“Rủ lên Đá Trắng ăn xoài
Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì…”
Tương truyền, những lần dừng chiến thuyền ở vịnh Xuân Đài trên đường hành quân đánh nhau với quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã có dịp thưởng thức đặc sản vùng này và tỏ ra ưa thích xoài Đá Trắng. Vị ngọt thanh của nó không ở đâu có được. Vì vậy, dưới triều Gia Long, cùng với bòn bon Quảng Nam, xoài Đá Trắng của Phú Yên trở thành “Nhị bảo ngự thiện”. Vào dịp Tết Đoan ngọ hàng năm, tỉnh Phú Yên phải mang dâng nhà vua từ 1.000 đến 2.000 trái xoài.
Kỳ thực, xoài Đá Trắng không nhiều. Giống như tương ở chùa Thiên Thai, rất hiếm. Hai câu ca trên chỉ là một lối nói ẩn dụ mà thôi. Theo lời sư thầy Thích Đồng Quang hiện trụ trì chùa Đá Trắng, vườn xoài ở đây xuất hiện trước khi dựng chùa. Nếu như các giống xoài khác đều ra hoa màu vàng thì xoài Đá Trắng ra hoa màu trắng, trái nhỏ, vỏ mỏng, cùi ngọt thanh, hương thơm bay xa, chín để được lâu. Xoài được ủ cẩn thận vào giỏ tre lót lá thầu đâu (sầu đông), làm sao lúc ngựa chở đến Huế thì cũng vừa chín vàng da. Nhà vua sẽ mở tiệc ngự thiện, thưởng thức xoài và chia lộc cho các quan đại thần.
Năm 2014, nhân ngày Lễ hội hằng năm do chùa Đá Trắng tổ chức, đồng bào Phật tử về chùa tham dự, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã xét, công nhận và công bố xoài Đá Trắng là Cây di sản Xoài ngự.
Đông đảo đồng bào Phật tử khắp nơi về tham dự vào ngày Lễ hội
mồng 10 và 11 tháng Giêng hằng năm tại chùa Đá Trắng.
Một yếu tố quan trọng làm nên danh tiếng của chùa Đá Trắng là vườn xoài đặc sản bao quanh chùa, đã đi vào thơ ca Phú Yên như là một sản phẩm đặc trưng của mảnh đất này:
“Xoài Đá Trắng, Sắn phường Lụa”.
Chùa Đá Trắng được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1997.
Bình luận bài viết