Thông tin

BÀI HỌC CUỘC SỐNG: VÀI LỜI BÀN VỀ CÂU CHUYỆN

“NIÊU CƠM NHAN HỒI”1

 

Thượng tọa THÍCH MINH TRÍ

 


 

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử.

Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ... Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.

May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo... Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi - một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất - phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.

Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống… thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ… Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh… rồi từ từ đưa cơm lên miệng…

Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài... ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”.

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về... Nhan Hồi lại luộc rau... Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ...

Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.

Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước...

Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy... cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?”.

Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”.

Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”.

Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch”.

Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”.

Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó, con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi... nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em...

Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi... bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và... thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”.

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”.

Lời bàn:

Cổ nhân thường nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Có những sự việc, vấn đề được truyền khẩu từ người này sang người khác, hoặc được thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thoáng qua ta tưởng đó là những sự việc, vấn đề được tường thuật, miêu tả đúng như hiện tượng và bản chất của chúng, khiến ta bị phan duyên theo nó, rồi nhận định chủ quan, không “như lý tác ý”. Từ đó, ta phán xét, xử lý vấn đề đó không thấu tình đạt lý.

Dân gian cũng hay nói “tam sao thất bổn” nhằm mục đích răn dạy mọi người, rằng có những sự việc, vấn đề được loan truyền qua lăng kính, góc nhìn của người này, người kia chưa hẳn đã đúng như thật với hiện tượng và bản chất ban đầu của chúng. Vì vậy, cổ nhân khuyên ta nên “một thấy”, nên tận mắt chứng kiến một sự việc, vấn đề nào đó. Việc “thực mục sở thị” giúp ta có cái nhìn, nhận định, phán xét khách quan về nó chuẩn xác hơn gấp nhiều lần so với việc chỉ nghe lại từ miệng người khác hoặc từ thông tin một chiều.

Trong câu chuyện kể trên, đức Khổng Tử, người được xưng tụng là “Bậc thầy tiêu biểu của muôn đời”2, không chỉ “nghe” mà còn “thấy” một trong hai trò yêu của mình là Nhan Hồi “ăn vụng”. Vậy mà ngài vẫn còn bị mắc sai lầm khi vội tưởng rằng “Học trònhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư?”. Chỉ đến khi hiện tượng cũng như bản chất “ăn vụng thầy, vụng bạn” của Nhan Hồi được phơi bày công khai, thì đức Khổng Tử mới “vỡ vạc thông suốt3, rằng “Thế ra trên đời này có nhữngviệc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật!”.

Sở dĩ lúc đầu đức Khổng Tử đưa ra nhận xét sai lầm về hành vi “ăn vụng” của Nhan Hồi là do ngài tuy đã “tai nghe, mắt thấy” nhưng ngài chưa nghe và thấy bằng chánh kiến, chánh tư duy. Sau khi bình tâm nghe và thấy Nhan Hồi trình bày rõ sự việc, ngài mới ngộ ra rằng để hiểu đúng, phán xét khách quan hiện tượng và bản chất của một sự việc, vấn đề nào đó, ta cần phải có cái thấy đúng (chánh kiến) và cái suy nghĩ đúng (chánh tư duy).

Qua câu chuyện “Niêu cơm Nhan Hồi”, ta có thể đúc rút những bài học cuộc sống như sau:

1/ Đừng vội tin ngay điều gì nếu chỉ mới nghe thoáng qua từ khẩu truyền của ai đó. Bởi vì điều đó có thể bị “tam sao thất bổn”, nó được kể lại, được miêu tả lại không đúng như hiện tượng và bản chất ban đầu của nó.

2/ Không nên nhận định, phán xét một sự việc, vấn đề nào đó khi ta chưa có cái thấy đúng (chánh kiến), cái suy nghĩ đúng (chánh tư duy) và sự cảm thông về hiện tượng và bản chất của nó.

3/ Hãy “nhìn chúng sinh, muôn loài bằng đôi mắt từ ái4 cùng với chánh kiến, chánh tư duy để quán chiếu, phân tích, nhận định, phán xét hiện tượng và bản chất của một sự việc và vấn đề như nó đang là mà đức Phật đã dạy trong kinh Tăng Nhất A Hàm(Anguttara Nikaya):

“Đừng tin điều gì chỉ vì nghe người ta nói như thế.

Đừng tin vào các truyền thống chỉ vì chúng được lưu truyền qua nhiều đời.

Đừng tin điều gì chỉ vì đó là dư luận trong quần chúng.

Đừng tin điều gì chỉ vì thấy nó được ghi chép trong kinh điển của tôn giáo mình.

Đừng tin điều gì chỉ vì căn cứ vào uy tín của các bậc thầy hay tiền bối của mình.

Nhưng sau khi quán sát và phân tích, thấy điều gì phù hợp với lý trí và đưa đến sự tốt lành, đem lại lợi ích cho cá nhân và cho tất cả, hãy chấp nhận điều đó và thực hành theo nó.

Do not believe in anything simply because you have heard it.

Do not believe in traditions because they have been handed down for many generations.

Do not believe in anything because it is spoken and rumoured by many.

Do not believe in anything simply because it is found written in your religions books.

Do not believe in anything merely on the authority of your teachers and elders.

But after observation and analysis when you find that anything agrees with reason and is conducive to the good and benefit of one and all then accept it and live up it”.

 

Chùa Phúc Lâm, mùa An cư năm Quý Mão – 2023

 


1. Năm 1994, nhà giáo, cư sĩ Quang Lộc - Phạm Phú Thành trao cho tôi câu chuyện “Niêu cơm Nhan Hồi” được photocopy từ báo Văn nghệ Quân đội. Năm 2008, trong thời gian hỗ trợ biên tập và duyệt bài đăng cho website Hoa Linh Thoại, trang tin của sinh viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh khóa VI, tôi đã đánh máy vi tính câu chuyện này để đăng trên trang tin này. Sau đó, câu chuyện này được nhiều trang tin đăng lại trên internet. Nay, tôi viết vài lời bàn bày tỏ những suy nghĩ thô thiển mang tính cá nhân về câu chuyện này.

2. Nguyên văn chữ Hán là 萬世師表 (Vạn thế sư biểu) – nguồn: https://toihoclichsu.com/van-the-su-bieu-khong-tu-5029.html. Trong khi đó, Đức Phật Thích-ca, giáo chủ đạo Phật, được xưng tán là 天人之道師 (Thiên nhân chi đạo sư), nghĩa là “bậc thầy của chư thiên và loài người.” - Kinh nhật tụng của Phật giáo Việt Nam.

3. Nguyên văn chữ Hán là 豁然貫通 (Khoát nhiên quán thông) – Từđiển Hán Việt của Thiều Chửu.

4. Nguyên văn chữ Hán là 慈眼視眾生 (Từ nh.n thị chúng sinh) – KinhPháp Hoa, phẩm Phổ Môn.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 163
    • Số lượt truy cập : 7076630