Thông tin

BÀI HỌC NÀO CHO CHÚNG TA HÔM NAY?

 

NGA PHẠM

 


 

Đối mặt với thiên tai, đại dịch

Lại một mùa Phật đản trở về trên quê hương chúng ta trong bối cảnh nhiễu nhương của thế sự. Không chỉ chiến tranh vẫn còn tiếp diễn đâu đó ở Syria, Lybia và một vài nơi khác, hay nỗi e sợ khủng bố rình rập mà năm nay tình hình có phần nghiêm trọng hơn. Từ cuối năm ngoái, tình trạng cháy rừng nhiều nơi đặc biệt là ở Australia đã kéo dài mấy tháng trời, thiêu rụi hàng triệu ha, giết gần một tỷ sinh vật... rồi nạn cào cào đe dọa châu Phi, nhưng chúng ta cũng đang “khốn khổ” vì Covid 19, hay còn gọi là “dịch viêm đường hô hấp do virus Corona”. Đến nay, hơn nửa địa cầu bị dịch, người chết đã vượt số ngàn. Nhưng dịch bệnh vẫn còn đang tiếp tục khó lường, mà vaccine thì chưa tìm ra hay mới chỉ thử nghiệm bước đầu.Vì đâu nên nỗi? Bài học nào đức Phật để lại cho chúng ta?

Bài học về khổ đế

Khổ đế xác định rằng cuộc đời là khổ, một sự thật mà không ai có thể chối cãi. Sự khổ trong thế gian là vô cùng, nhưng căn cứ vào kinh điển, có thể thấy khổ được nhìn theo hai cách. Xét về tác động của khổ lên toàn bộ thế gian, mà ta có thể nói là nhìn theo vũ trụ quan, sự khổ có mặt dưới ba hình thức là hoại khổ, hành khổ và khổ khổ. Về tác động của khổ lên từng chúng sinh một, cụ thể là chúng sinh thuộc loài người, điều mà từ đó giúp ta có thể nói là nhìn theo nhân sinh quan, khổ được thể hiện ở tám hình thức khác nhau, từ những khổ vì sinh lão bệnh tử đến nỗi khổ vì sự hoạt động của năm ấm.

Thiên tai hay đại dịch là một thực tại. Là Phật tử, chúng ta không né tránh, sẵn sàng đối diện sự thật. Chúng ta không biết vì chủ quan hay vì lý do gì đó mà các quan chức chính quyền Vũ Hán giấu bớt thông tin ban đầu đi để rồi khi nó bùng phát thì đã quá trễ! Hành vi giấu giếm ấy phải xem là phạm tội về mặt lương tâm và cả pháp lý.

Bài học về tập đế

Hiểu về khổ đế phải hiểu cả nguyên nhân của nó hay còn gọi là Tập đế.

Mỗi một sự viêc hay sự kiện trong đời này đều có nhân duyên. Nguyên nhân khổ đau của con người không chỉ từ bên ngoài mà còn từ bên trong nữa. Ai cũng có thể vin vào Khổ đế rồi nói kiếp người mong manh, tấm thân tứ đại này rồi cũng thành cát bụi nhưng tại sao khi sống không nhìn nó tích cực hơn: Sống vui, sống khỏe, sống mạnh mẽ?... Đại dịch xảy ra tất phải có nguyên nhân. Người ta có thể nêu ra hàng loạt nguyên nhân theo sự suy đoán chủ quan của mình: Do thói quen ăn thịt  động vật, cụ thể loài dơi hay rắn... hay do phòng thí nghiệm để “sổng” ra con virus ấy theo thuyết âm mưu là có kẻ “chế tạo” ra nó (!). Cho đến nay, vẫn không ai biết nguyên nhân thực sự. Dù con virus này từ đâu ra thì chúng ta cũng đang là nạn nhân của nó. Nhưng nguyên nhân chính là chúng ta đã không thấu suốt ý  nghĩa của tương tức, tương sinh giữa con người với nhau và giữa con người với thiên nhiên hay môi trường.

Bài học về ý nghĩa tương sinh, tương tức

Trong “Meditation XVII”, John Donne viết: “Cái chết của bất kỳ ai cũng gây nên mất mát trong tôi, vì tôi thuộc về loài người”. Ông cũng nhấn mạnh con người không phải là một hải đảo tự thân, mỗi con người là một mảnh của đại lục. Tôi nhớ ai đó nói tiếng đập cánh của con bướm bên này đại dương cũng gây ra xao động không khí bờ bên kia. Điều đó không có gì mới nếu ta hiểu giáo lý duyên khởi “cái này có nên cái kia có” (this is because that is). Chúng ta hành động thế nào thì môi trường và thiên nhiên đáp trả chúng ta như vậy. Có ai thắc mắc vì sao Đà Lạt nóng lên nhiều hay Phú Quốc bị ngập nước mà không thấy rằng hơn 11.000 ha nhà kính phủ khắp Đà Lạt hay Phú Quốc bị “bê tông hóa” từng giờ từng ngày. Tương tự, TP. Hồ Chí Minh bị triều cường hay ngập nước triền miên cũng vì lý do đó. Còn Hà Nội, không khí ngày một ô nhiễm, nếu không phải vì con người thì do ai. Trái và phải, trên và dưới, cha và con phải đợi nhau để xuất hiện đồng thời. Đây là giáo lý đạo Phật về sự sáng tạo của vũ trụ (Buddhist genesis).

Hiểu về duyên khởi khiến chúng ta sống có trách nhiệm, có hiểu biết, có thương yêu, biết được rằng hành động của mỗi cá nhân sẽ tác động ra sao đối với cộng đồng và ngược lại.

Thiền sư Nhất Hạnh dạy rằng “… trong giáo lý đạo Bụt cơn giận có tính hữu cơ, tình thương cũng có tính hữu cơ, khổ đau và hạnh phúc cũng có tính hữu cơ. Chúng tương tức với nhau như hoa và rác. Người làm vườn bằng phương thức hữu cơ không thấy rác là kẻ thù của mình, bởi vì người đó thấy rõ về tương tức. Người đó biết rằng có thể dùng rác làm phân bón cho cây và rác được chuyển hóa thành hoa. Ông ta không có quan điểm nhị nguyên, vì vậy ông ta bình an với hoa và bình an với rác. Ông ta biết rằng không có rác thì không có những đóa hoa xinh đẹp” (Buddha Mind, Buddha Body).

Khi ta đã chấp nhận tính chất bất nhị của thực tại, ta sẽ trở thành bất bạo động một cách tự nhiên. Ta thấy không cần phải đàn áp xua đuổi cơn giận và nỗi sợ của ta nữa, bởi vì cơn giận ấy và nỗi sợ ấy là chính ta, chứ không phải kẻ thù của ta. Nếu chúng ta có chánh niệm, có khả năng tiếp xúc sâu sắc với những mầu nhiệm thì Tịnh độ có mặt trong ta. Sự thật là Tịnh độ luôn có mặt đó. vấn đề là chúng ta có mặt cho cõi Tịnh độ hay không. Khi nhìn sâu, chúng ta biết rằng hạnh phúc không thể có được nếu không có hiểu biết và thương yêu.

Trong cơn đại dịch hiện nay, chúng ta thấy chúng sinh đang chịu chung cộng nghiệp. Tuy nhiên, biệt nghiệp của chúng ta đóng góp rất nhiều vào cái cộng nghiệp chung ấy. Chúng ta hiểu rằng con người và môi trường tương quan lẫn nhau (interdependent). Ví dụ, chúng ta hay nghe là cây nến. Cây nến không chỉ hiến tặng ánh sáng mà còn hiến tặng sức nóng, hương thơm, hơi nước và cả khí carbonic. Cây nến hiến tặng cho môi trường chung quanh, đồng thời tạo ra môi trường cho nó. Ánh sáng cây nến phát ra chiếu sáng lại cây nến. Nếu có nhiều cây nến thì ánh sáng chung gọi là cộng biểu (collective manifestation). Phải phân biệt y báo và chánh báo. Y báo liên quan đến môi trường, cảnh vật xung quanh con người. Chánh báo là phần cá nhân dựa trên suy nghĩ hành động và lời nói nhưng cũng mang tính chung vì phụ thuộc môi trường ta đang sống. Nhìn vào một khu rừng, chúng ta ý thức rằng cây cối đang cung cấp oxy cho ta và ta thấy ta là khu rừng, là cây cối vì không có rừng ta không thở được. Công viên trong thành phố là buồng phổi của ta, của chung mọi người nếu không có nó, ta không đủ dưỡng khí để thở. Môi trường chúng ta sống là cộng biểu tất cả mọi người, nhưng chính bản thân ta cũng là cộng biểu, dù ta có biệt nghiệp của riêng mình. Cộng nghiệp luôn có trong ta, vì ta có tất cả tính chất môi trường mình đang sống, thế nên phải thấy đóng góp tốt cho y báo là thay đổi biệt nghiệp của mình.

Bài học về an lạc trong đời sống

Từ những nhận thức trên, chúng ta hiểu về sự thật thứ ba là Diệt đế.

Hạnh phúc như chúng ta biết là kết quả của thương yêu và hiểu biết. Đôi khi nó chỉ đơn giản là một lời động viên khi mình đang thất vọng, một ly nước khi mình đang khát, một cơn mưa trong ngày nắng hạn. Như người ta thường nói hạnh phúc là khi khổ đau vắng mặt. Ví dụ như hạnh phúc của học sinh hôm nay là được yên tâm đến trường, với hàng chục ngàn người bệnh là thoát khỏi cái chết.

Vui thay chúng ta sống

Không bệnh giữa ốm đau

Giữa những người bệnh hoạn

Ta sống không ốm đau

(Pháp cú 198)

Không đau yếu là một trong những niềm vui tối thượng như có bạn trung hậu, như Niết bàn...

Không bệnh lợi tối thượng,

Biết được tiền tối thượng

Thành tín đối với nhau

Là bà con tối thượng

Niết bàn, lạc tối thượng

(Pháp Cú 204)

Nhận thức đầy đủ về điều này tạo nên một sự tự tín, một sự lạc quan vững chãi trong mỗi chúng ta. Ở đây, nhân loại không chỉ phải tìm ra nguyên nhân đại dịch để dập tắt nó, mà còn phải ngăn ngừa những hiểm họa tương tự trong tương lai, trong đó các quốc gia phải thành tín với nhau, không che giấu...

Đức Phật đã dạy ta về lý nhân quả. Chúng ta biết trong vật lý, luật lực và phản lực là không thể loại trừ. Điều đó cũng đúng trong mối quan hệ giữa người với người. Nếu ta hành động với lòng tốt, ta sẽ nhận lại lòng tốt. Nếu ta hành động với ác ý, ta sẽ nhận lại điều ác ý. “Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được” (Pháp cú 161).

Đừng làm cho người khác những gì ta không thích. Hạnh phúc chẳng phải là số  phận mà là sự lựa chọn. Hãy cẩn thận với tư tưởng vì chúng sẽ trở thành lời nói. Hãy cẩn thận với lời nói vì chúng sẽ trở thành hành động. Hãy cẩn thận với hành động vì chúng sẽ trở thành thói quen. Hãy cẩn thận với thói quen vì chúng sẽ hình thành tính cách của bạn. Hãy cẩn thận với tính cách vì nó sẽ hình thành số phận của bạn và số phận của bạn chính là cuộc đời bạn. Và hãy nhớ, không có tôn giáo nào cao hơn Sự thật.

Kinh Tứ Niệm Xứ dạy ta là chỉ nên tinh tấn chánh niệm tỉnh giác đối với thực tại thân - tâm - cảnh, không tham sân với nó, không nương tựa, không dính mắc bất cứ điều gì trong thực tại. Đây là thái độ tốt nhất mà mỗi người nên sống trong từng giây phút giữa cuộc đời đầy những biến đổi bất ngờ, cho dù có tận thế hay không. Hãy sống trong chánh niệm, trở về với thực tại hiện tiền, tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha. Mọi chuyện đều ứng xử theo lý tùy duyên, cho các pháp tự vận hành. Tùy duyên thuận pháp, theo ý chúng tôi, không chỉ là sự thụ động chờ đợi mà ta cần chủ động dấn thân vào thực hành thiện nghiệp theo “Tứ chánh cần” và “Bát chánh đạo”, và luôn tinh tấn trong ý nghĩa tương tức tương sinh.

Có như vậy mới vững tâm trước những biến động thực tại do dịch bệnh hay những tai họa khác gây ra. Con đường thoát ấy nằm ngay trong những tai họa hôm nay khi đã có người khỏi bệnh. Các nhà khoa học cũng sẽ sớm tìm ra giải pháp, hay đưa ra phác đồ điều trị, phòng ngừa. Nhân loại sẽ vượt qua cơn đại dịch lần này, nhưng để tiến đến một xã hội hay cộng đồng tôn trọng môi trường sinh thái, thoát khỏi những tai kiếp tương tự, từng con người phải thay đổi biệt nghiệp của mình, góp phần xoay chuyển cả cộng nghiệp đang có nhiều vấn đề hôm nay.

Phật đã từng căn dặn chúng sanh: “Làm sao vui cười, có gì thích thú, khi ở trong cõi đời luôn luôn bị thiêu đốt. Ở trong chỗ tối tăm bưng bít, sao không tìm tới ánh quang minh?” (Pháp cú 143).

Để thoát khỏi mê lầm, tam độc, chúng ta phải tự mình đứng lên, rũ bùn chứ cầu chi Thượng đế hay tha lực, vì đạo Phật chủ trương “tự thắp đuốc soi đường mà đi”.

Nhân mùa Phật đản, thiết nghĩ, những lời dạy ngàn xưa vẫn còn nguyên giá trị.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 103
    • Số lượt truy cập : 6920575