BÀI HỌC
BÀI HỌC "TỪ BI" TRONG CHƠN LÝ
TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG
LIÊN HIẾU
Một góc Tịnh xá Ngọc Ban, Buôn Ma Thuột
‘Từ bi là căn bản của đạo Phật’, câu nói này được Bồ-tát Long Thọ khẳng định trong Luận Đại Trí Độ. Từ bi, dù theo quan điểm truyền thống Phật giáo nào: Nam truyền, Bắc truyền hay Khất sĩ, luôn được xem là yếu tố căn bản nhất để đạt đến mục đích giải thoát. Kinh tạng nhấn mạnh ‘chư Phật, Thế Tôn lấy Đại bi làm thể’, Luận tạng khẳng định ‘Phật tâm chính là Đại bi tâm’, trong pháp hành ‘Từ và Bi’ là hai chi phần đầu tiên trong bốn tâm vô lượng mà đệ tử Phật cần phải tu tập. Hơn nữa, Từ bi còn là một trong mười pháp Ba-la-mật mà một vị Bồ-tát cần phải thực hành để thành tựu Phật quả. Có thể nói bài học Từ bi có giá trị rất lớn trong cuộc sống hiện tại của mỗi người dù là Tăng hay tục. Vì có Từ bi nên mới có khoan dung tha thứ, có lo lắng thương yêu, có nuôi dưỡng dạy bảo, nhưng không mong cầu đáp trả. Bàng bạc trong Bộ Chơn lý, Tổ sư Minh Đăng Quang cho chúng ta thấy vì lòng Từ bi nên Ngài dấn thân hành đạo, vì lòng Từ bi nên Ngài chủ trương hạnh trì bình khất thực, phương châm ‘nên tập sống chung tu học’ cũng dựa trên nền tảng Từ bi, do Từ bi mà pháp Lục hòa được thành tựu trọn vẹn. Trong bài viết này, chúng tôi không có ý phân tích chi tiết các khía cạnh của hai chữ ‘Từ bi’, mục đích chính xoay quanh các vấn đề liên quan đến pháp hành Từ bi được Tổ sư áp dụng trong suốt những năm tháng hành đạo của Ngài.
Từ bi trong Tứ ý pháp
Năm 22 tuổi, sau khi tỏ ngộ ý pháp nhiệm mầu ‘thuyền Bát-nhã’ tại đầu gành bãi biển Mũi Nai, Hà Tiên, Tổ sư bắt đầu du phương hoằng hóa từ miền quê xa xôi hẻo lánh thuộc hai miền Đông, Tây Nam bộ đến các khu thị thành như Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa... đâu đâu cũng in dấu chân hóa độ của Tổ sư. Hình ảnh nhà Sư với bình bát trên tay, tấm y bá nạp đắp hở một bờ vai, điềm đạm bước chân trần trên các nẻo đường đã gây sự chú ý của nhiều người. Đầu tiên, trên bước lữ hành, lẻ loi chỉ có một mình Ngài, nhưng lần lượt trải qua các xứ, với đạo phong khả kính, Ngài được nhiều người mến mộ, xin thọ giới quy y xuất gia làm khất sĩ. Với tâm nguyện độ sanh bắt nguồn từ lòng Từ bi, thúc giục Ngài không một phút giây ngừng nghỉ, khi thì dạy đạo cho chư Tăng Ni đệ tử, lúc thì thuyết pháp cho bá tánh cư gia. Lần theo bước chân Tổ sư từ thuở khai tông lập đạo, hoằng truyền và xiển dương giáo pháp với đại nguyện thực hành Tứ y pháp, chúng ta cảm nhận được trọn vẹn đức Từ bi mà Ngài đã ban rải trong nhân gian dưới hóa thân Bồ-tát giáng trần.
Trong quyển Luật Nghi Khất Sĩ phần nói về Tứ y pháp: Nhà Sư phải lượm những vải bỏ mà khâu lại thành y áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được dùng; nhà Sư phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ bằng lá một cửa thì được ở... Mới đọc vế thứ nhất, người đọc có thể cho đó là một sự áp đặt, bởi vì: “Nhà Sư phải lượm những vải bỏ mà khâu lại thành y áo, phải nghỉ dưới cội cây…”. Tuy nhiên, nếu để ý vế thứ hai: “nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được dùng; nhưng có ai cúng lều, am nhỏ bằng lá một cửa thì được ở”1. Với liên từ ‘nhưng’ ở vế thứ hai cho thấy Tứ y pháp không phải là những điều luật áp đặt, bắt buộc các đệ tử phải hành đúng y như vậy, mà Tứ y pháp là ‘một cánh cửa đóng mở tùy duyên’. Giả sử, nếu không có vế thứ hai, thì có lẽ ngày nay Tăng, Ni sẽ rất vất vã trong vấn đề y áo, và hệ phái Khất sĩ sẽ không có một ngôi đạo tràng Tịnh xá nào vì ‘nhà Sư phải nghỉ dưới cội cây’ thì đâu cần phải xây Tịnh xá. Tổ sư vì lòng từ bi, tùy duyên hóa độ, nếu vị khất sĩ nào chỉ hành vế đầu của Tứ y pháp sẽ rơi vào cực đoan, nếu dạy người hành là không có lòng từ bi. Hành đúng lời Tổ dạy là theo con đường Trung đạo, là đạo của chư Phật.
Từ bi được biểu hiện qua hạnh trì bình khất thực
Chư Tăng Myanmar đi khất thực
Hạnh trì bình khất thực được Tổ sư xác định là pháp hành của chư Phật trong quá khứ, Ngài dạy: “Chư Phật ba đời đều là khất sĩ cả, nếu không làm du Tăng khất sĩ để xin ăn tu học thì dễ gì đạt đến đạo quả Vô thượng sĩ ngày mai”2. Ngược dòng lịch sử, theo lời thỉnh cầu của vua Tịnh Phạn, hai năm sau ngày giác ngộ, Đức Thế Tôn đã trở về thành Ca-tỳ-ta-vệ cùng với hội chúng Tỳ-kheo, và trong buổi sáng hôm ấy Đức Phật đã dẫn đầu Tăng chúng trì bình khất thực ngay nơi cố hương của Ngài. Hình ảnh Đức Thế Tôn dung dị trong chiếc y phấn tảo, tay ôm bình bát, đầu trần chân đất hoá duyên trên đường phố đã truyền đến tai vua Tịnh Phạn. Với lòng tự tôn của bậc Đế vương, vua Tịnh Phạn cảm thấy xấu hổ nên vội vàng đi gặp Đức Phật. Khi đến nơi, vua yêu cầu Đức Phật vào hoàng cung để vua cúng dường, Đức Phật từ tốn đáp: “Phụ vương theo chân mạng đế vương nên sống trong đền đài cung điện, tận hưởng thú vui ở thế gian. Nhưng Như Lai theo hạnh của chư Phật, ba đời chư Phật luôn giữ hạnh trì bình khất thực. Hạnh trì bình khất thực mang lại lợi lạc và phước báo cho nhiều người, cả người cho và người nhận”3. Noi gương Đức Từ phụ, Tổ sư đã khơi lại hình ảnh khất thực của Phật Tăng xưa, đồng thời biểu hiện tâm từ bi của bậc xuất trần Đại sĩ. Bởi vì, người xuất gia đi khất thực không chỉ đơn thuần là nhận vật thực, mà còn là cách tạo duyên cho mọi người có cơ hội thấy được hình ảnh giải thoát, biết phát khởi tâm cúng dường, gieo duyên lành với Tam bảo: “Pháp khất thực dạy người bố thí, cùng dạy mình chân lý không tham”4.
Thật vậy, hạnh khất thực giúp vị khất sĩ dứt trừ tâm tham sân si và tánh tự cao ngã mạn. Hằng ngày, tay ôm bình bát hóa duyên từ nhà này sang nhà khác không phân biệt tôn giáo, giai cấp, địa vị xã hội, mà chỉ một lòng thực hành theo lời Phật dạy. Tùy tín tâm của thí chủ, dở ngon, nhiều ít… vị khất sĩ luôn vui lòng thọ nhận, không khen cũng không chê, không khó chịu bực mình. Nếu gặp phải người chê bai, chỉ trích, vị khất sĩ cũng hoan hỷ chấp nhận với tâm từ, tâm bi. Do vậy mà các bất thiện pháp không có cơ hội phát sanh, tánh tự cao, ngã mạn cũng được mài dũa dần dần. Vả lại, khất thực không phải là hành động hèn kém xúc phạm đến phẩm giá con người, mà là sự bài trừ, đem chỗ dư bù vào chỗ thiếu, trao đổi chan hòa cho nhau để học đạo rồi truyền bá giáo lý trong khắp chúng sanh, đó là sống theo chơn lý của vũ trụ. Trong ý nghĩa này, có thể nói những vị Khất sĩ du hóa khắp nơi vừa khất thực gieo duyên, vừa lập lại thăng bằng trong xã hội, đồng thời nhắc nhở những người con Phật luôn nhớ đến lời dạy của Đức Thế Tôn: “Ba đời chư Phật đều trì bình khất thực”.
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, con người dường như lúc nào cũng vội vã và bị cuốn hút theo cơn lốc của vật chất, của công nghệ thông tin, thêm vào đó là nạn giả Tăng Ni đi khất thực. Thế nên, hình ảnh của vị khất sĩ ‘một bình bát đất du hành khắp nơi’ dường như cũng mất dần theo năm tháng. Những năm gần đây, trong những ngày lễ lớn cũng như trong các khóa tu, chư Tôn Đức Tăng Ni các Tự viện đã cố gắng lập lại hình ảnh trì bình khất thực của Phật Tăng xưa. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những gì thoáng qua, mong sao hình ảnh vị khất sĩ với bình bát trên tay, với tấm y giải thoát ngày ngày hiện hữu trên khắp nẻo đường từ thôn quê đến thành thị. Một hay hai vị khất sĩ có thể không ảnh hưởng gì, nhưng nếu một đoàn thể xuất gia trong màu huỳnh y giải thoát, mỗi ngày đều có mặt giữa những rộn ràng của cuộc sống đời thường thì dù cho ai đó không biết đạo, không hiểu đạo, có một ngày nào đó họ cũng sẽ cảm thấy hoan hỷ, cũng sẽ khởi tín tâm. Hoan hỷ, tín tâm là những thiện pháp, pháp thiện tăng thì pháp ác sẽ giảm dần. Đời sống trì bình khất thực của chư Tăng, Ni tại Myanmar là một minh chứng cụ thể. Đất nước Myanmar ngày nay tuy vẫn còn nghèo, nhưng mỗi ngày người dân vẫn có thể cúng dường vật thực đủ cho trên 500.000 Tăng, Ni yên tâm tu học.
Sống chung tu học dựa trên nền tảng Từ bi
Mở đầu Chơn lý Hòa bình, Tổ sư dạy: “Người đời chia rẽ từng nhóm khối xã hội, gia đình, cá nhân tự kỷ, do đó mới có họa chiến tranh”5. Ngài giải thích thêm: nếu chúng sanh ở trong một xứ nào mà có đạo đức, có giới luật, có tu học sống chung với nhau thì không còn có sự ganh ghét hiềm tỵ, vị kỷ đối với nhau nữa. Người người giúp đỡ lẫn nhau nên không còn ai thiếu ăn, thiếu mặc. Mọi người đều hiểu biết cho nhau, trao đổi, chia xẻ cùng nhau nên không còn ai buồn rầu, đói khổ mà chết. Đây gọi là bình yên bên ngoài, bình yên lâu dài mãi mãi6. Dựa trên tinh thần hòa hợp cộng trú của Tăng đoàn, Tổ sư chủ trương mọi người nên tập sống chung tu học với phương châm: “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, và cái linh là phải tu chung”7. Nguyên lý: sống chung, học chung và tu chung như một mệnh đề bất khả phân ly, được Tổ sư lặp đi lặp lại nhiều lần và có sự tương quan duyên hệ lẫn nhau, bởi ‘ta là tất cả, tất cả là ta, ta sống cho tất cả, tất cả sống cho ta’. Chính vì nguyên lý tương quan, tương duyên này, Tổ sư nhắc nhở: “Nào ai có thể tự sống riêng biệt lấy mình, mà không cần nhờ nơi tất cả? Chính thân ta đây, đã do biết bao người tạo sanh và nuôi dưỡng, một điểm tinh cha, một chút huyết mẹ, hòa hiệp thành hình, từ lúc lọt lòng, đã chịu ơn muôn loại: thức ăn, sự mặc, chỗ ở, thuốc men, các việc nhu cầu”8.
Theo Tổ sư, sống chung tu học để nung đúc, để rèn luyện, để tăng trưởng cái sống, cái biết, cái linh. Đây chính là một hình thức cụ thể hóa tinh thần Lục hòa mà chư Phật đã giáo huấn tự ngàn xưa: ‘Thân cùng nhau hòa hiệp ở chung, miệng không tranh đua cãi lẫy, ý ưa nhau không trái nghịch, giới luật đồng cùng nhau tu theo, kiến thức riêng chỉ giải cho nhau, và tứ sự chia đồng với nhau’. Nên nói, ‘sống chung’ không chỉ đơn thuần là ở chung với nhau tại một trú xứ, mà là Thân, Khẩu và Ý của mỗi người đều phải hòa hợp với nhau, có hòa hợp thì mới có an vui, giải thoát. Thế nên, có thể nói mấu chốt để mọi người sống hòa hợp tại một trú xứ chính là tâm Từ bi, là tình thương không phân biệt, không có điều kiện. Nói theo Kinh Từ Bi là ‘thương yêu tất cả chúng sanh như người mẹ hiền yêu thương đứa con một của mình’. Từ bi là yếu tố tiên quyết, là chất keo kết dính mọi người đến với nhau. Nếu không có từ bi, không có tình yêu thương chân thật, không phân biệt, không thiên vị, thì sẽ không có hòa hợp; có chăng chỉ là trên bề mặt mà thôi, nói theo thế gian là ‘bằng mặt mà không bằng lòng’. Tổ sư giải thích: “Tình thương là đạo ân nghĩa, là sự sống chung, trong sạch, cao thượng hơn hết, là từ bi bát ái đại đồng trong vũ trụ và là chơn lý của vạn vật muôn loài”9. Trong bất kỳ một tổ chức nào, muốn được đoàn kết an vui, đòi hỏi mỗi thành viên phải biết yêu thương, nhường nhịn, chia sẻ lẫn nhau, nhất là người đứng đầu trong tổ chức ấy. Hãy áp dụng lời Tổ dạy ‘sống chung, học chung và tu chung’ vào cuộc sống tu tập hằng ngày, để cho hoa trí tuệ ngày mỗi đâm chồi trổ lộc, để hình ảnh vị khất sĩ mãi sáng ngời giữa nhân gian.
Từ bi nên lắng nghe, chấp nhận và không trách người
Từ bi hiện hữu giữa cuộc đời ví như dòng nước cam lồ chan hòa khắp tất cả làm cho chúng sanh thấm nhuần tươi mát, là thần dược xoa dịu khổ đau của thế nhân, là chất keo hàn gắn những rạn vỡ tình người, xua tan những hiềm hận oán thù, đưa chúng sanh thoát kiếp phù du, hướng đến Niết-bàn an lạc. Đức Đạt-lai Lạt-ma, người nổi tiếng với tâm từ vô lượng, trong một buổi nói chuyện với người Đức về chủ đề Từ bi, sau thời pháp có một thính giả đứng lên hỏi Ngài: “Thưa Ngài, Ngài giảng về Từ bi, giả sử ngay giờ phút này trong hội trường có một người nào đó rút súng ra bắn Ngài thì Ngài sẽ nghĩ như thế nào?”. Đức Đạt-lai Lạt-ma im lặng vài giây rồi đáp: “Nếu ngay giờ phút này có ai đó rút súng ra bắn tôi, tôi sẽ tự hỏi: ‘Tại sao tôi lại có mặt ở nơi này để cho người đó phạm tội sát nhân”. Các bậc trí giả là vậy, trong những tình huống xấu nhất, nguy hiểm nhất, thậm chí có thể tổn hại đến tánh mạng nhưng các Ngài vẫn không trách người, vẫn luôn mong cho mọi người được bình an.
Trong Chơn lý Tánh Thủy, lòng Từ bi được Tổ sư ví như nước: “Nước bao giờ cũng thấm nhuần trong đất, làm cho đất dính liền, không đến nỗi phải khô khan ra bụi. Cũng như giáo lý thánh hiền lúc nào cũng từ bi thương xót kẻ lợi danh ác quấy, ban bố dạy khuyên, cảm hóa lần lần”10. Tổ sư giải thích rõ về đặc tính của nước sau đó liên hệ đến tâm tánh của con người, Ngài dạy: Nước bao giờ cũng mát, dù cho có bị đốt hay bị nấu thì sau đó nó cũng mát trở lại. Người quân tử cũng vậy không bao giờ sân hận, dù cho có bị ai gây gỗ hay trêu chọc. Qua bài Tánh thủy, Tổ sư gián tiếp nhắc nhở mọi người nên biết lắng nghe, biết chấp nhận và không nên trách người. Hãy như nước luôn hòa quyện vào trong lòng đất, và do đặc tính hòa quyện này nên không một ai có thể chém giết hay đánh đập được nước. Người có lòng từ bi cũng vậy, không ai có thể làm tổn hại hay làm xao xuyến tâm vị ấy được. Có thể nói tâm từ bi, tha thứ và chấp nhận không chỉ giúp con người hoàn thiện nhân cách mà còn tác động đến thế giới và muôn vật quanh mình, tạo thành một tiềm lực mát mẻ vô lượng toát ra từ người ấy. Hình ảnh Đức Phật cảm hóa được voi say, hóa độ được những người hung ác là một minh chứng về sự tỏa sáng của tâm Từ bi vô lượng.
Từ bi là con đường cho người tu học bước lên, là phương tiện để tiến tu, là mảnh đất để vun trồng cội phước. Con đường càng rộng rãi, phương tiện càng tinh xảo, mảnh đất càng phì nhiêu thì hoa trái trí tuệ càng nẩy nở và thăng tiến nhanh hơn. Trái với lòng từ bi là tánh nóng giận, là tâm sân hận. Đây là một trong ba độc tố căn bản nhất gây ra khổ đau cho mình và người, Đức Phật dạy: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”. Hơn nữa, khi nóng giận ít ai làm chủ được lời nói và hành động của mình, nhân gian có câu: ‘No mất ngon, giận mất khôn’. Từ bi giúp con người rèn luyện được nhân cách, nâng cao cảnh giới nhân sanh, điều tiết được các mối quan hệ giao tiếp, có tác dụng thúc đẩy xã hội tiến bộ tích cực trong nhiều phương diện, khiến cho mọi người luôn thương yêu hòa hợp lẫn nhau.
Tài liệu tham khảo
Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý tập I & III, Nhà xuất bản Tôn giáo Hà Nội, 2009.
Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật Nghi Khất Sĩ, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2004.
Phạm Kim Khánh dịch, Đức Phật và Phật Pháp, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1989.
1. Luật Nghi Khất Sĩ, tr. 215.
2. Chơn lý I, tr. iv.
3. Phạm Kim Khánh dịch, Đức Phật và Phật pháp, tr. 138-139.
4. Chơn lý Hòa Bình, quyển III, tr. 380.
5. Chơn lý Hòa Bình, quyển III, tr. 349.
6. Sđd, tr. 366.
7. Sđd, tr. 353.
8. Sđd, tr. 349-350.
9. Sđd, tr. 192.
10. Chơn lý Tánh Thủy, quyển I, tr. 432.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết