Thông tin

BÀI KINH GIẢNG CHO KEVAṬṬA KEVAṬṬA-SUTTA - DN.11

(Dīgha Nikāya / Trường Bộ Kinh)

Tiếp theo Từ Quang 46

 

HOANG PHONG chuyển ngữ

 

 

 

Sự Chú tâm và Cảnh giác

"Vậy người tỳ-kheo phải làm thế nào để phát huy sự chú tâm (mindfullness / chánh niệm) và sự cảnh giác (alertness / sự tỉnh táo)? Mỗi khi bước tới hay lùi lại, thì người tỳ-kheo thực thi động tác đó với tất cả sự cảnh giác (chú ý vào động tác đó của mình). Mỗi khi nhìn ra phía trước hoặc nhìn chung quanh..., mỗi khi gập chân tay hay duỗi chân tay..., mỗi khi mặc áo ngoài, khoác thêm áo choàng và ôm chiếc bình bát..., khi ăn, uống, nhai hoặc nếm..., khi tiểu tiện, đại tiện..., khi bước đi, đứng lại hay ngồi xuống, đi ngủ, thức giấc, nói năng hoặc giữ yên lặng, thì người tỳ-kheo luôn thực thi các động tác đó (các cử chỉ đó) với tất cả sự cảnh giác (ý thức và chú tâm vào từng cử chỉ và hành động đó của mình với tất cả sự tỉnh táo). Đấy là cách mà người tỳ-kheo phát huy sự chú tâm (mindfulness / chánh niệm) và sự cảnh giác (alertness / sự tỉnh táo, hoàn toàn ý thức được những gì đang xảy ra trên thân thể và trong tâm thần mình. Ý thức được là mình đang hít vào hay thở ra cũng là cách mang lại cho mình sự tỉnh táo).

Sự hài lòng

Vậy sự hài lòng của người tỳ-kheo là như thế nào? Tương tự như một con chim, dù đang bay về đâu cũng vậy, thì gánh nặng duy nhất [trên người] chỉ là đôi cánh. Cũng vậy người tỳ-kheo hài lòng với bộ quần áo trên thân và chiếc bình bát trên tay mỗi khi cần đến. Dù phải đi đến phương trời nào, người tỳ-kheo cũng chỉ mang theo với mình những vật dụng tối thiểu. Đấy là sự hài lòng của người tỳ-kheo.

Loại bỏ các Chướng ngại

"Người tỳ-kheo, nhờ vào sự kết hợp cao quý đó của đạo đức (ba cấp bậc đạo đức), nhờ vào sự thận trọng cao quý đó đối với các cửa ngõ của các cơ quan giác cảm (sự tiết độ và cảnh giác đối với ngũ giác và tâm thần), nhờ vào sự hài lòng cao quý đó (bộ quần áo trên người và chiếc bình bát trên tay), sẽ biết chọn cho mình một chốn ở tĩnh mịch (xa cảnh phồn hoa): trong một khu rừng, dưới bóng mát một cội cây, nơi vùng núi non, nơi thung lũng, trong một chiếc hang nơi lưng chừng đồi, một bãi tha ma, một nơi sáng sủa giữa một khu rừng âm u, một nơi hoang dã, một khung cảnh rộng lớn hoặc chỉ đơn giản cạnh một đống rơm. Sau khi khất thực và ăn xong, người tỳ-kheo ngồi xuống tréo hai chân vào nhau, giữ thân người thật thẳng, hướng sự chú tâm của mình vào lãnh vực thứ nhất (đây là cách chuẩn bị của người tỳ-kheo nhằm tạo cho mình các điều kiện cần thiết và cụ thể trước khi khởi sự hành thiền. Sau khi tạo được các điều kiện trong môi trường bên ngoài thì sau đó sẽ bắt đầu phát huy một thể dạng tâm thần thuận lợi bằng cách loại bỏ các thể dạng khuấy động - "ngũ triền cái"- trong tâm thức mình).

"Loại bỏ mọi hình thức thèm muốn (covetousness) đối với thế giới, người tỳ-kheo an trú trong sự tỉnh giác không một thoáng thèm muốn nào. Người tỳ-kheo loại khỏi tâm thức mình mọi sự thèm muốn ("tham dục cái"). Loại bỏ mọi ác ý và các sự giận dữ, người tỳ-kheo an trú trong trong sự tỉnh giác, không một thoáng ác ý ("sân hận cái"), luôn nghĩ đến sự an vui của tất cả chúng sinh. Người tỳ-kheo loại khỏi tâm thức mình mọi ác tâm và các sự giận dữ. Loại bỏ sự lười biếng (sloth / uể oải) và đờ đẫn (torpor / mệt mỏi, lờ đờ, ngái ngủ / "hôn trầm - thụy miên cái"), người tỳ-kheo an trú trong sự tỉnh giác, không một thoáng lười biếng hay đờ đẫn, luôn phát động sự chú tâm, cảnh giác, mang lại cho mình sự sáng suốt. Loại bỏ sự bồn chồn (restlessness / áy náy) và sự lo âu (anxiety / băn khoăn, lo lắng / "trạo cứ - hối quả cái"), người tỳ-kheo an trú trong sự bình lặng, không một thoáng xao động trong nội tâm. Loại bỏ sự lưỡng lự (uncertainty / hoang mang, không vững tâm / "hoài nghi cái"), người tỳ-kheo an trú trong sự vững tâm không một thoáng lưỡng lự, mang lại cho mình một tâm thần bén nhạy. Người tỳ-kheo loại khỏi tâm thức mình mọi sự lưỡng lự (trên đây là năm thứ "chướng ngại" có thể xảy ra trong lúc chuẩn bị hành thiền: lười biếng, đờ đẫn, bồn chồn, lo âu, lưỡng lự. Kinh sách Hán ngữ gọi chung năm thứ chướng ngại ấy là "ngũ triền cái", gồm "tham dục cái", "sân hận cái", "hôn trầm - thụy miên cái", "trạo cứ - hối quả cái", "hoài nghi cái". Người tu hành không hành thiền giảng các thuật ngữ tiếng Hán cho những người thế tục không hành thiền về "ngũ triền cái", thì chẳng khác gì như cùng nhau tìm vào một khu rừng rậm, thế nhưng không ngồi xuống để tĩnh tâm mà chỉ thấp thỏm, lo âu, bồn chồn, sợ hãi và nghi ngại, nhìn quanh xem có năm loài thú dữ đang rình rập mình hay không. "Ngũ triền cái" không phải là các thái độ tâm thần trong cuộc sống mà là các chướng ngại trong việc hành thiền).

"Thí dụ một người nào đó vay một số tiền để đầu tư vào việc thương mại. Công việc làm ăn thành công. Sau khi hoàn trả số tiền đã vay, lợi tức còn lại người này dùng để chiều chuộng vợ, trong trường hợp đó ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Trước đây tôi có vay một số tiền để buôn bán, việc làm ăn trôi chảy. Nay, tôi đã trả hết nợ, tiền còn lại tôi dùng để chiều chuộng vợ. Nhờ vậy, người ấy tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc (xin nhắc lại bài kinh này Đức Phật giảng cho một người thanh niên đánh cá, một người chủ gia đình còn trẻ. Cách giảng rất dễ hiểu hoàn toàn dựa vào các hình ảnh ẩn dụ phù hợp với người nghe).

"Hãy lấy một thí dụ khác, chẳng hạn một người nào đó ngả bệnh, đau đớn và bệnh trạng trầm trọng. Người này bỏ ăn, cơ thể bạc nhược. Thế nhưng, sau một thời gian, thì bình phục, người này ăn uống trở lại, sức khỏe hồi phục. Ý nghĩ sau đây sẽ có thể đến với người ấy: "Trước đây tôi ngả bệnh... Nay tôi đã bình phục. Tôi biết đói, ăn uống rất ngon và tôi đã tìm lại được sinh lực trước đây'. Nhờ vậy, người ấy tìm được niềm vui và hạnh phúc.

"Hãy lấy một thí dụ khác, chẳng hạn một người nào đó bị tù. Sau một thời gian thì được thả, người này giữ được sự lành lặn, sức khỏe vẫn còn tốt, gia sản còn nguyên. Ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Trước đây tôi từng bị tù. Nay tôi đã được thả ra, hoàn toàn lành lặn và khỏe mạnh, gia sản vẫn còn nguyên'. Nhờ đó, người ấy tìm được niềm vui và hạnh phúc.

"Hãy nêu lên một thí dụ khác, chẳng hạn một người nào đó rơi vào cảnh nô lệ, làm thân tôi đòi, không còn tự do, không đi đâu được theo ý muốn của mình. Sau một thời gian, thì được trả tự do, người này nhờ đó đã thoát khỏi cảnh nô lệ. Ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Trước đây tôi là một kẻ nô lệ... Nay tôi đã thoát khỏi hoàn cảnh nô lệ đó, tôi hoàn toàn tự do, không còn làm thân tôi đòi cho kẻ khác, tôi tìm lại được sự tự chủ, tôi có thể đi đâu tùy ý tôi'. Nhờ đó, người ấy tìm được niềm vui và hạnh phúc.

"Hãy nêu lên một thí dụ khác, chẳng hạn một người nào đó vận chuyển tiền bạc và hàng hóa, men theo một con đuờng trong một vùng hoang vắng. Sau một thời gian [đầy lo sợ], thì người này ra thoát khỏi vùng hoang vắng đó, an toàn và lành lặn, của cải còn nguyên. Ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Trước đây tôi từng vận chuyển tiền bạc và hàng hóa, tôi men theo một con đường trong một vùng hoang vắng. Nay, tôi đã ra thoát khỏi vùng hoang vắng đó, an toàn và lành lặn, chẳng mất mát một thứ gì cả'. Nhờ đó, người ấy tìm được niềm vui và hạnh phúc.

"Cũng tương tự như vậy, khi năm thứ chướng ngại ("ngũ triền cái") chưa được loại bỏ ra khỏi con người mình, thì người tỳ-kheo có thể xem các thứ ấy chẳng khác gì như một món nợ, cảnh ốm đau, chốn ngục tù, kiếp nô lệ hay sự nguy hiểm trên một đoạn đường trong một nơi hoang vắng. Thế nhưng, sau khi năm thứ chướng ngại ấy đã được loại bỏ khỏi con người mình, thì người tỳ-kheo sẽ có thể xem các thứ ấy như một món nợ đã trả xong, sức khỏe đã hồi phục, cảnh lao tù đã chấm dứt, sự tự do đã tìm lại được, đã đi qua đoạn đường trong một nơi hoang vắng. Nhờ đó, người tỳ-kheo sẽ cảm thấy một niềm hân hoan hiện lên với mình. Đối với bất cứ ai cũng vậy, khi cảm nhận được niềm hân hoan, thì sự vui sướng cũng sẽ hiện lên với người ấy. Với sự vui sướng hiện lên trong tim, thân xác của người tỳ-kheo nhờ đó cũng sẽ trở nên an bình hơn. Với thân xác an bình, người tỳ-kheo sẽ cảm nhận được sự thích thú. Với sự cảm nhận thích thú đó, tâm thức của người tỳ-kheo sẽ trở nên tập trung hơn (trên đây là cách Đức Phật giảng về "ngũ triền cái" bằng các thí dụ cụ thể. Sau khi loại bỏ được năm thứ chướng ngại tâm thần, thì người tỳ-kheo sẽ phát huy được sự chú tâm dễ dàng hơn, giúp mình hòa nhập vào bốn thể dạng jhānas / thiền-na - tức là bốn thể dạng lắng sâu của tâm thức bắt đầu từ sự sung sướng vui thích đến thể dạng phẳng lặng, thanh thản, trong sáng và sâu kín nhất của tri thức mình).

Bốn thể dạng Jhāna / Thiền hay Thiền-na

"Sau khi loại bỏ (seclude / tránh khỏi) được [các sự thèm khát] dục tính, loại bỏ được các ý nghĩ tai hại (unskillfull qualities / các sự sinh hoạt lầm lẫn, kém sáng suốt trong tâm thần), thì người tỳ-kheo sẽ có thể hòa nhập và an trú trong thể dạng jhāna thứ nhất: Trong thể dạng đó sẽ hiện lên niềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự từ bỏ [các sự thèm khát dục tính và các tư duy tai hại], đồng thời niềm hân hoan và vui sướng đó cũng được đi kèm với một sự suy nghĩ tập trung (directed thought / sự suy nghĩ không xao động hướng vào một sự cảm nhận nào đó) và một sự thẩm định (evaluation / sự nhận định, một sự ý thức minh bạch). Người tỳ-kheo thấm nhuần, hòa nhập, làm ngập tràn và lan rộng bên trong thân thể mình một niềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự từ bỏ. Điều đó cũng tương tự như một người giúp việc tắm rửa rành nghề hay tập sự, rắc bột tắm (bột xà-phòng) vào một chiếc chậu bằng đồng, sau đó vừa rẩy nước vừa nhào nặn, và cứ tiếp tục như thế cho đến khi tạo được một nắm bột tắm hoàn toàn thấm nước từ bên trong và cả bên ngoài, nhưng không hề nhỏ giọt. Cũng tương tự như vậy, người tỳ-kheo thấm nhuần, hòa nhập, làm ngập tràn và lan rộng bên trong thân thể mình một niềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự từ bỏ (các sự thèm khát dục tính và các ý nghĩ tai hại). Trong toàn thân thể của người tỳ-kheo không có một nơi nào là không thấm đượm niềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự từ bỏ đó.

"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy (Đức Phật không dạy các tỳ-kheo làm phép lạ để thu phục thật nhiều người theo sự mong muốn của người chủ gia đình trẻ tuổi Kevaṭṭa, mà sự giảng dạy của Ngài là đạo đức và sự giải thoát, là những gì mà người tu tập phải tự thực hiện cho chính mình và bởi chính mình. Bước đầu tiên trên con đường thực hiện, đó là biến mình từ một con người thèm khát, hoang mang, đờ đẫn, hận thù, lo sợ, thèm khát dục tính và các ý nghĩ tai hại, trở thành một con người hân hoan và vui sướng. Điều đó, tự nó cũng đã là một phép lạ).

"Tiếp theo đó và sau khi sự suy nghĩ tập trung (directed thought) và sự thẩm định (evaluation) (hai thể dạng vận hành của tri thức ở cấp bậc jhāna thứ nhất) lắng xuống, thì người tỳ-kheo sẽ hòa nhập và an trú bên trong thể dạng jhāna thứ hai: Niềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự tập trung, một sự hợp nhất (unification) của sự tỉnh giác (awareness) thoát khỏi sự suy nghĩ tập trung và thẩm định (directed thought & evaluation / suy nghĩ và xét đoán), một sự vững tin trong nội tâm (internal assurance). Người tỳ-kheo thấm đượm, hòa nhập, làm tràn ngập và tỏa rộng trong toàn thân thể của mình một niềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự tập trung [tâm thần]. Điều đó, cũng tương tự như một hồ nước được một mạch nước ngầm phun lên làm ngập nước, ngoài ra không có một con suối nào rót thêm vào đó, dù [nước được mang lại] từ hướng Đông, hướng Tây, hướng Bắc hay hướng Nam, cũng không có các cơn mưa lũ thay nhau rót xuống từ trời cao. Do vậy, chỉ có một nguồn nước mát duy nhất phun lên từ đáy hồ, thấm đượm, hòa nhập, lan tràn và tỏa rộng làm cho hồ ngập tràn nước mát, không có một nơi nào trong hồ không bị thâm nhập bởi nước mát... [Cái hồ ấy] cũng tương tự như thân xác [của người tỳ-kheo] ngập tràn bởi niềm hân hoan và vui sướng. Trong toàn thân thể đó, không có một nơi nào là không thấm đượm niềm hân hoan và vui sướng, phát sinh từ sự tập trung ("chánh niệm", xin nhắc lại: trong thể dạng jhāna thứ nhất niềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự "từ bỏ", trong thể dạng jhāna thứ hai, niềm hân hoan và vui sướng phát sinh từ sự "tập trung tâm thần").

"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.

"Tiếp theo đó, sau khi niềm hân hoan và sự vui sướng (trong jhāna thứ hai) lắng xuống, thì người tỳ-kheo sẽ an trú trong thể dạng thanh thản (aquanimous), tỉnh thức (mindful) và bén nhạy (alert), và cảm nhận được sự vui thích (pleasure) trên toàn thân thể mình. Người tỳ-kheo hòa nhập và an trú bên trong jhāna thứ ba mà những người Cao Quý (các bậc thành đạt và giác ngộ) khẳng định: 'Đó là thể dạng mà người tỳ-kheo thường trú sau khi thực hiện được sự thanh thản và tỉnh giác'. Người tỳ-kheo thấm đượm, hòa nhập, làm ngập tràn và tỏa rộng trong toàn thân thể của mình sự vui sướng toát ra (divested) từ niềm hân hoan đó. Điều đó, cũng tương tự như một hồ sen, trong đó một số hoa đâm chồi và mọc lên trong nước, ngập tràn bởi nước, một số khác vượt lên khỏi mặt nước và nở rộ, tất cả đều thấm đượm, hòa nhập, ngập trong nước, thấm ướt nước mát, từ rễ đến chóp hoa, không có một chỗ nào trên các cánh hoa ấy lại không thấm ướt nước mát; đối với người tỳ-kheo [trong lúc hành thiền] cũng vậy... toàn thân thể mình đều thấm đượm sự thích thú phát sinh từ niềm hân hoan.

"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.

"Và tiếp theo đó, với sự buông bỏ sự thích thú và cả đớn đau - tương tự như trường hợp trên đây đối với sự tan biến của niềm hân hoan và các mối đau buồn - người tỳ-kheo hòa nhập và an trú bên trong jhāna thứ tư: Tinh khiết (purity), thanh thản (equanamity) và tỉnh giác (mindfulness / tỉnh thức, "chánh niệm"), không thích thú cũng không đớn đau. Người tỳ-kheo ngồi yên lặng, toàn thân ngập tràn bởi sự tỉnh thức (awareness / sáng suốt, minh mẫn) tinh khiết và rạng ngời. Điều đó, cũng tương tự như một người ngồi xuống và phủ một tấm khăn trắng lên toàn thân mình, từ đầu đến chân, khiến không có một chỗ nào trên thân thể không được che kín bởi tấm khăn trắng. Cũng tương tự như vậy, người tỳ-kheo ngồi xuống, thấm đượm toàn thân mình bởi một sự tỉnh thức tinh khiết và rạng ngời. Không có chỗ nào trên thân thể không thấm đượm bởi sự tỉnh thức tinh khiết và rạng ngời.

"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.

Sự hiểu biết sâu xa

"Với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng ngời, không một vết ô nhiễm, không sơ hở, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh (imperturbability / bình thản, không xao động, thăng bằng, không xao xuyến), người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết và quán thấy. Người tỳ-kheo nhận biết: 'Thân xác này của tôi được khoác lên một hình tướng, được cấu tạo bởi bốn thành phần căn bản (đất, nước, lửa, khí), sinh ra từ một người mẹ và một người cha, lớn lên nhờ cơm cháo, phải gánh chịu sự đổi thay (vô thường), sự va chạm (sự cọ sát với môi trường), các áp lực (trong cuộc sống), sự tan rã (ốm đau, già nua) và phân tán (cái chết). Và cái tri thức này của tôi thì được chống đỡ (phải chịu đựng và phấn đấu) tại nơi này và liên hệ (liên quan) với nơi này (phấn đấu với môi trường và sự sống, liên hệ với sự sinh hoạt của xã hội xuyên qua "cái tôi" của mình). [Điều đó cũng] tương tự như một viên ngọc bích (beryl) tuyệt đẹp, sắc nước thật tinh khiết - viên ngọc gồm tám mặt cắt, mài bóng, rạng rỡ, trong suốt, hoàn hảo về mọi mặt, và hơn thế nữa từ bên trong viên ngọc lại còn có thêm các đường gân màu biếc, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, màu nâu - và một người có cặp mắt tinh xảo, cầm viên ngọc trên tay [để ngắm nghía] và suy nghĩ như thế này: 'Đây quả là một viên ngọc bích có sắc nước thật tinh khiết, gồm tám mặt cắt, mài bóng, rạng rỡ, trong suốt, hoàn hảo về mọi mặt. Hơn thế nữa, bên trong viên ngọc lại còn có thêm các đường gân màu biếc, màu vàng, màu đỏ, màu nâu. Cũng tương tự như vậy - với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, không một vết ô nhiễm, không một khuyết điểm, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh - người tỷ kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết và quán thấy. Người tỳ-kheo nhận thấy: 'Thân xác này của tôi được khoác lên bởi một hình tướng, được cấu tạo bởi bốn thành phần, sinh ra từ một người mẹ và một người cha, lớn lên nhờ cơm cháo, phải gánh chịu sự đổi thay, sự va chạm, các áp lực, sự tan rã và phân tán. Và cái tri thức này của tôi thì được chống đỡ tại nơi này và liên hệ với nơi này'.

"Điều đó (sự ý thức đó, sự hiểu biết đó) tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.

Thân xác được tạo tác bởi tâm thần

"Với tâm thức tập trung đó, tinh khiết, minh mẫn, không một vết ô nhiễm, không một khuyết điểm, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh, người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào một thân xác được tạo tác bởi tâm thần (a mind-made body / một thân xác được tạo tác bởi tâm thần. Ý nghĩa của câu này rất quan trọng: trên đây chúng ta thấy một tâm thức sáng suốt nhận thấy thân xác là một thứ "hình tướng gồm bốn thành phần căn bản, sinh ra từ một người mẹ và một người cha, lớn lên nhờ cơm cháo, gánh chịu mọi áp lực từ môi trường đến sự sống. Tâm thức gán cho cái tổng thể "hình tướng" đó một "danh xưng" gọi là "cái tôi"). Từ cái thân xác đó người tỳ-kheo lại tạo ra một thân xác khác (bám víu vào "cái tôi" đó, vào sự "hiện hữu" đó, tức là những gì do tâm thức tạo ra, thì sự bám víu đó vào cái "hình tướng" đó, vào "cái tôi" đó sẽ đưa đến sự hình thành của một "hình tuớng" khác mang một "cái tôi" khác. Nói một cách khác thì "cái tôi" này của thân xác này sẽ làm phát sinh ra một "cái tôi" khác của một thân xác khác: "cái tôi" này tự nó tạo ra môt "cái tôi" khác cho chính nó trong một thân xác khác: Đó là sự tái sinh, và đó cũng là sự vận hành của nguyên lý tương liên: "Cái này có cái kia sinh ra"), được khoác lên bởi một hình tướng, được tạo ra bởi tâm thức (như vừa được giải thích trên đây: Thân xác này là do tâm thức trước đây của mình tạo ra cho mình, và tâm thức hiện tại này của mình lại đang tiếp tục tạo ra một thân xác khác cho mình trong tương lai), đầy đủ không thiếu sót một thành thành phần nào, các khả năng (faculties / phẩm chất, chức năng) của chúng cũng không kém hơn (trung thực với những gì do tâm thức tạo ra cho nó bởi chính nó). Điều đó cũng tương tự một người nào đó rút một cọng sậy ra khỏi lớp vỏ bọc ngoài của nó. Ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Đây là lớp vỏ bọc ngoài, đây là cọng sậy. Lớp vỏ là một thứ, cọng sậy là một thứ khác, thế nhưng [thật ra thì] cọng sậy được rút ra từ lớp vỏ của nó. Hoặc một người nào đó rút một thanh kiếm ra khỏi bao kiếm, và ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Đây là thanh kiếm, đây là bao kiếm. Thanh kiếm là một thứ, bao kiếm là một thứ khác, thế nhưng [thật ra thì] thanh kiếm được rút ra từ bao kiếm của nó'. Hoặc một người nào đó kéo một con rắn ra khỏi lớp da lột của nó, và ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Đây là con rắn, đây là lớp da lột. Con rắn là một thứ, da lột là một thứ khác, thế nhưng [thật ra thì] con rắn được kéo ra khỏi lớp da lột của chính nó'. Cũng tương tự như vậy - với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng ngời, không một vết ô nhiễm, không một khuyết điểm, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh - người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào một thân xác được tạo tác bởi tâm thức. Từ cái thân xác đó (tạo ra bởi tâm thức) người tỳ-kheo lại [tiếp tục] tạo ra một thân xác khác, được khoác lên bởi một hình tướng [khác] tạo ra bởi tâm thức, đầy đủ không thiếu sót một thành phần nào, các khả năng của chúng cũng không kém hơn (trên đây Đức Phật giảng về hiện tượng tái sinh bằng các hình ảnh cụ thể).

"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.

Các quyền năng siêu phàm

"Với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, minh mẫn, không một vết ô nhiễm, không một khuyết điểm, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động đuợc sự điềm tĩnh, người tỳ-kheo đưa tâm thức đó hướng thẳng vào các cách thức [vận hành] trong lãnh vực quyền năng (power / sức mạnh) siêu phàm. Người tỳ-kheo có thể vận dụng (wield / lèo lái, biểu dương, sử dụng) các thể dạng (manifolds / các khía cạnh, các hình thức) của quyền năng siêu phàm đó. [Chẳng hạn như] từ một hóa thành thật nhiều, từ thật nhiều hóa thành một. Người tỳ-kheo hiện ra. Người tỳ-kheo biến mất. Người tỳ-kheo đi xuyên qua các bức tường, các thành lũy, núi non... không một khó khăn nào, tương tự như đi ngang một nơi trống trải. Người tỳ-kheo chui xuống mặt đất và ngoi lên khỏi mặt đất, tương tự như lặn hụp trong nước. Người tỳ-kheo đi trên mặt nước không bị chìm, tương tự như thong dong trên mặt đất. Người tỳ-kheo ngồi tréo hai chân thế nhưng bay lượn trong không trung, tương tự như một con chim với đôi cánh. Người tỳ-kheo dùng tay với được mặt trời và cả mặt trăng, vuốt ve và nắm thật chặt. Người tỳ-kheo tạo ra các tác động phát sinh từ thân xác mình, liên quan đến tận các cõi Brahmā. Điều đó cũng tương tự như một người thợ đồ gốm khéo tay, hay người thợ phụ, có thể tạo ra bất cứ một thứ bình chậu nào theo ý mình từ đất sét mà mình đã nhào nặn kỹ lưỡng, hoặc một người thợ điêu khắc ngà voi khéo léo, hay một người thợ phụ, đẽo gọt bất cứ đồ vật gì bằng ngà voi theo ý mình, từ những chiếc ngà voi đã được chọn lựa cẩn thận, hoặc một người thợ kim hoàn rành nghề, hay một người thợ phụ, tạo ra những vật bằng vàng theo ý mình từ những mảnh vàng đã đuợc chuẩn bị cẩn thận. Cũng tương tự như vậy - với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không một khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh - người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào các cách thức [vận hành] thuộc lãnh vực quyền năng siêu phàm... Người tỳ-kheo tạo ra các động tác phát sinh từ thân thể mình liên hệ đến tận các cõi Brahmā.

"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.

Lắng nghe được các âm thanh

"Với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, phát động được sự điềm tĩnh, người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào các thành phần thính giác (các âm thanh, các âm hưởng) thiêng liêng. Nhờ vào các thành phần thính giác thiêng liêng (các âm thanh mầu nhiệm), đã được tinh khiết hóa, vượt lên trên khả năng của con người [bình dị] - người tỳ-kheo nghe thấy được cả hai thể loại âm thanh: Thiêng liêng và [cả lãnh vực] con người, từ thật xa hay thật gần. Điều đó cũng tương tự như một người đi trên một con đường cái nghe được (phân biệt được) tiếng phát ra từ một chiếc trống nhỏ một mặt (kettle-drum / timbale / trống một mặt), tiếng trống cơm, tiếng tù và làm bằng vỏ ốc (conch shell), tiếng chũm chọe, tiếng trống to. Người tỳ-kheo có thể nhận biết được: 'Đây là tiếng trống nhỏ một mặt, đây là tiếng trống cơm, đây là tiếng tù và bằng vỏ ốc, đây là tiếng chũm chọe, đây là tiếng trống lớn. Cũng tương tự như vậy - với tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không một khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh - người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào các thành phần thính giác (các âm thanh, các âm hưởng) thiêng liêng. Nhờ vào các thành phần thính giác thiêng liêng, đã được tinh khiết hóa, vượt lên trên khả năng của con người [bình dị] - người tỳ-kheo nghe thấy được cả hai thể loại âm thanh: Thiêng liêng và [cả lãnh vực] con người.

"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.

(Những gì trên đây cho thấy một người tỳ-kheo sau khi đạt được thành quả nhờ vào phép thiền định và xuyên qua bốn cấp bậc lắng sâu của tâm thức, sẽ đạt được các khả năng siêu phàm, thế nhưng không phải là để dừng lại đấy, mà phải nhìn thấy và đi xa hơn, dù rằng các khả năng ấy "tự chúng cũng đã là các phép lạ". Bởi vì đấy chỉ là các kết quả tự nhiên và thứ yếu, không phải là mục đích của sự giảng dạy. Xin nhắc lại trên đây trước khi giải thích về phép lạ là gì thì Đức Phật cho biết là "tự mình hiểu được và thực hiện được các phép lạ ấy bởi chính mình", độc giả có thể xem lại câu này bằng các chữ in đậm trong cuối phân đoạn mở đầu của bài kinh, trước khi Đức Phật giải thích thế nào là ba thứ phép lạ. Phân đoạn trên đây và các phân đoạn tiếp theo dưới đây Đức Phật sẽ giải thích thật rõ ràng và chi tiết các quyền năng siêu phàm - các "phép lạ" - mang lại từ sự giảng dạy là như thế nào).

Đọc được Tâm thần của người khác

"Với một tâm thức cô đọng, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ không một vết ô nhiễm, không khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh, người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết bên trong tâm thức của người khác. Người tỳ-kheo nhận biết được [sự hiểu biết bên trong] tri thức của người khác, của các cá thể khác, vận dụng tri thức của mình để hoà nhập (encompassed / nhập chung, bao trùm) vào tri thức đó [của kẻ khác]. Người tỳ-kheo nhận biết được tâm thức đam mê [của kẻ khác] đúng là 'một tâm thức đam mê' (không sai lầm), một tâm thức không đam mê [của kẻ khác] đúng là 'một tâm thức không đam mê'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức thù ghét (aversion / ác cảm, ghét bỏ) đúng là ‘một tâm thức thù ghét', một tâm thức không thù ghét đúng là ‘một tâm thức không thù ghét'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức mang ảo giác đúng là ‘một tâm thức mang ảo giác', một tâm thức không mang ảo giác đúng là 'một tâm thức không mang ảo giác'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức kỷ cương (restricted / khắt khe) như là một tâm thức kỷ cương, một tâm thức bất nhất (scattered / lỏng lẻo, hời hợt, rời rạc) như là một tâm thức bất nhất. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức cởi mở đúng là 'một tâm thức cởi mở'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức thiếu cởi mở như là 'một tâm thức thiếu cởi mở'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức lỗi thời (surpassed mind / lạc hậu) như là một tâm thức lỗi thời, một tâm thức không lỗi thời đúng là ‘một tâm thức không lỗi thời'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức tập trung đúng là 'một tâm thức tập trung'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức thiếu tập trung như là 'một tâm thức thiếu tập trung'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức buông xả (released mind / thanh thản, bình lặng, không vướng mắc, không xao động) đúng là ‘một tâm thức buông xả'. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức thiếu buông xả đúng là 'một tâm thức thiếu buông xả'. Cũng tương tự như vậy, một thiếu nữ hay - một thanh niên - thích làm đẹp nhìn vào gương mặt mình, phản chiếu từ một tấm gương thật sạch hay từ một bát nước trong, và nhận thấy gương mặt mình mang nhược điểm (blemisched / khiếm khuyết, không vừa ý) nếu [thật sự] có nhược điểm, hoặc không mang nhược điểm nào nếu [thật sự] không có nhược điểm nào (Đức Phật nêu lên một thí dụ cụ thể về cách đọc nội tâm của kẻ khác). Cũng tương tự như vậy - với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, phát động được sự điềm tĩnh - người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết của tri thức người khác. Người tỳ-kheo nhận biết được sự tỉnh giác (awareness / sự hiểu biết, sự tỉnh thức hay tri thức) của người khác, của các cá thể khác, và hòa nhập (hội nhập, bao trùm) sự tỉnh giác (tri thức) đó [của người khác] cùng với sự tỉnh giác (tri thức) của chính mình. Người tỳ-kheo nhận biết được một tâm thức đam mê đúng là ‘một tâm thức đam mê', một tâm thức không đam mê đúng là ‘một tâm thức không đam mê'..., một tâm thức buông xả đúng là một tâm thức buông xả, và một tâm thức không buông xả đúng là ‘một tâm thức không buông xả'.

"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.

Nhớ lại được các tiền kiếp

"Với một tâm thức cô đọng, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh, người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết về sự nhớ lại các thể dạng tiền kiếp (theo nhà sư Thanissaro Bhikkhu cho biết thì nghĩa từ chương của chữ "tiền kiếp" / past lives là previous homes / "các ngôi nhà trước đây" của mình). Người tỳ- kheo nhớ lại khung cảnh của các kiếp sống quá khứ (manifold past lives), chẳng hạn như một lần sinh, hai lần sinh, ba lần sinh, bốn, năm, mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, một trăm, một ngàn, một trăm ngàn, thật nhiều kappa (kappa là tiếng Pali, mỗi kappa là một chu kỳ thời gian thật dài tương quan với một chu kỳ chuyển động và tan biến của vũ trụ, gồm chung trong đó dòng tiến hóa và suy thoái của tất cả chúng sinh. Chữ kappa được dịch sang tiếng La-tinh là aeon, kinh sách Hán ngữ gọi là kiếp hay kiếp-ba) liên quan đến sự co rút của vũ trụ, thật nhiều kappa liên quan đến sự trương nở của vũ trụ, thật nhiều kappa liên quan đến sự co rút và sự trương nở của vũ trụ [và nói lên]: 'Trong các khoảng thời gian đó, tôi từng mang tên như thế này, tôi thuộc vào bộ tộc này, mang hình tướng như thế kia. Thức ăn của tôi gồm những thứ như thế này, các cảm nhận thích thú và đớn đau của tôi từng hiện ra với tôi như thế này hay như thế kia, sự chấm dứt sự sống của tôi là như thế đó. Sau khi tình trạng ấy biến mất tại nơi kia, thì tôi hiện ra tại nơi này'. Đấy là cách mà người tỳ-kheo nhớ lại vô số kiếp sống quá khứ của mình xuyên qua các cảnh huống đã từng xảy ra với thật nhiều chi tiết. Điều đó cũng tương tự như một người phải từ bỏ ngôi làng này để đến một ngôi làng khác, và sau đó từ một ngôi làng khác lại chuyển sang một ngôi làng khác nữa, và sau cùng thì trở về ngôi làng nơi sinh trưởng của mình trước kia. [Trong trường hợp đó] ý nghĩ sau đây có thể hiện lên với người tỳ-kheo: 'Tôi đi từ ngôi làng này của tôi (nơi sinh trưởng của tôi) để đến ngôi làng kia. Nơi đó tôi từng đứng trong ngôi làng đó như thế này, tôi từng ngồi trong ngôi làng đó như thế kia, tôi ăn nói theo cách này, tôi giữ yên lặng theo cách kia. Từ ngôi làng đó tôi lại quay về nhà'. Cũng tương tự như vậy - với một tâm thức cô đọng, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh - người tỳ-kheo đưa tâm thức ấy của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết về sự nhớ lại các thể dạng tiền kiếp... qua các cảnh huống đã từng xảy ra cùng với thật nhiều chi tiết.

"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.

Sự biến mất và hiển hiện của các chúng sinh

"Với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không một khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh, người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết về sự biến mất và hiển hiện của các chúng sinh. Người tỳ-kheo - với đôi mắt thiêng liêng, đã được tinh khiết hóa, vượt lên trên [khả năng thị giác] của con người [bình dị] - sẽ trông thấy được chúng sinh qua đời và hiển hiện trở lại, và nhận thấy họ thấp kém hay cao cả, xinh đẹp hay xấu xí, giàu sang hay nghèo đói, tất cả đều tùy thuộc vào kamma / nghiệp của họ: 'Các chúng sinh ấy - nếu có một cung cách hành xử thiếu đạo đức trong các lãnh vực thân xác, ngôn từ và tâm thức, [chẳng hạn như] phỉ báng những người cao quý, mang các quan điểm sai lầm và hành động dưới sự chi phối của các quan điểm sai lầm - thì sau khi chết, thân xác bỏ lại, thì sẽ hiển hiện trở lại trong một hoàn cảnh thiếu thốn, với phần số tồi tệ, trong một cảnh giới thấp kém, nơi địa ngục. Thế nhưng các chúng sinh ấy nếu có một cung cách hành xử đạo đức trong các lãnh vực thân xác, ngôn từ và tâm thức, không hề phỉ báng những người cao quý, mang các quan điểm đúng đắn, hành xử phù hợp với các quan điểm đúng đắn, thì sau khi chết, thân xác bỏ lại, sẽ hiển hiện trở lại trong một hoàn cảnh thuận lợi, nơi các cõi thiên nhân'. Cũng vậy người tỳ-kheo - với đôi mắt thiêng liêng, đã được tinh khiết hóa, vượt lên trên [khả năng thị giác] của con người [bình dị] - sẽ trông thấy được sự qua đời và hiển hiện trở lại của các chúng sinh, và nhận biết được tại sao họ lại rơi vào hoàn cảnh thấp kém hay cao cả, xinh đẹp hay xấu xí, giàu sang hay nghèo đói, tất cả đều tùy thuộc vào kamma / nghiệp của họ. Điều đó cũng tương tự như một người đứng trên chỗ cao nhất của một ngôi nhà to lớn trong một khu phố nơi trung tâm [thành phố], có đôi mắt tinh tường, trông thấy được những người bước vào ngôi nhà, rời khỏi ngôi nhà, đi dạo trong các con đường trong khu phố, hoặc ngồi trong khu phố. Ý nghĩ sau đây sẽ có thể hiện lên với người ấy: 'Các người ấy bước vào ngôi nhà, rời khỏi ngôi nhà, đi dạo trong các con đường trong khu phố, hay ngồi xuống trong khu phố. Cũng vậy - với một tâm thức tập trung, đã được tinh khiết hóa, rạng rỡ, không một vết ô nhiễm, không một khiếm khuyết, linh hoạt, uyển chuyển, vững chắc, phát động được sự điềm tĩnh - người tỳ-kheo đưa tâm thức đó của mình hướng thẳng vào sự hiểu biết về sự qua đời và hiển hiện của các chúng sinh. Người tỳ-kheo - với đôi mắt thiêng liêng, đã được tinh khiết hóa, vượt lên trên [khả năng thị giác] của con người [bình dị] - sẽ trông thấy được chúng sinh qua đời và hiển hiện trở lại, và nhận biết được tại sao họ lại rơi và hoàn cảnh thấp kém hay cao cả, xinh đẹp hay xấu xí, giàu sang hay nghèo đói, tất cả đều tùy thuộc vào kamma / nghiệp của họ...

"Điều đó tự nó cũng đã là một phép lạ mang lại từ sự giảng dạy.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6920045