Thông tin

BÀI KINH GIẢNG CHO KEVAṬṬA

KEVAṬṬA-SUTTA - DN.11

(Dīgha Nikāya / Trường Bộ Kinh)

 

HOANG PHONG

 


 

LỜI MỞ ĐẦU CỦA NGƯỜI CHUYỂN NGỮ

Bài kinh Kevaṭṭa-Sutta là một bài kinh dài giảng cho một người thế tục trẻ tuổi tên là Kevaṭṭa khi người này đến xin đức Phật chỉ định một vị tỳ-kheo trong Tăng đoàn thực thi các phép lạ để thu phục được nhiều người hơn. Thế nhưng, đức Phật khẳng định là Ngài không hề dạy các tỳ-kheo của mình làm phép lạ, mà chỉ giảng dạy họ phải làm thế nào để biến mình từ một con người bình dị trở thành một con người cao quý hơn, đưa mình đến sự Giải thoát cuối cùng và sự Giác ngộ tối thượng. Sự giảng và học hỏi đó, tự nó cũng đã là một phép lạ. Đấy là nội dung của toàn bộ bài kinh, và cũng là "kim chỉ nam" giúp chúng ta theo dõi bài kinh rất phong phú, khúc triết, nhưng cũng rất phức tạp này.

Thật vậy, bài kinh vừa dài vừa chi tiết này được thuyết giảng hoàn toàn bằng phương pháp ẩn dụ, dựa vào các hình ảnh quen thuộc và cụ thể trong cuộc sống của một cá thể và trong khung cảnh sinh hoạt của xã hội nói chung. Sở dĩ, đức Phật sử dụng phương pháp giảng dạy cụ thể và thiết thực đó có thể là vì người nghe là một thanh niên thế tục, tuy nhiệt tình và ngưỡng mộ đức Phật, thế nhưng có thể là chưa có một số kinh nghiệm hiểu biết cần thiết khả dĩ giúp mình nắm bắt các ý niệm trừu tượng và cao siêu.

Trong phần đầu của bài kinh, đức Phật giải thích phép lạ là gì, và sau đó thì nêu lên các thói tục cùng các sự sinh hoạt xã hội mang tính cách sai lầm và dị đoan nhằm giúp người tỳ-kheo ý thức được những gì nên làm và không nên làm, và sau cùng là các giai đoạn và các cấp bậc luyện tập sâu sắc và cao siêu hơn đưa mình đến sự Giải thoát. Hơn thế nữa và xa hơn nữa, bài kinh còn được chấm dứt bằng một câu chuyện thật dí dỏm, nêu lên một thắc mắc mà không ai giải đáp được, kể cả các vị Thiên nhân trên các cõi Trời. Sự dí dỏm đó đã khiến nhà sư Thanissaro Bhikkhu cho rằng bài kinh này là một trong số các bài kinh ý nhị và khôi hài nhất trong kinh điển nòng cốt của Phật giáo cổ xưa. Học giả cư sĩ Piya Tan cũng nhận thấy điều đó và cho rằng bài kinh này thuộc vào thể loại kinh sách khôi hài khá hiếm hoi trong lãnh vực tôn giáo nói chung. Thật vậy, cách thuật chuyện và các hình ảnh ẩn dụ dí dỏm đã khiến bài kinh Kevaṭṭa-Sutta trở thành một trong các bài kinh độc đáo nhất trong kinh điển Pali.

Bản kinh khá dài, có nhiều đoạn trùng hợp với các bản kinh khác, vì vậy một số dịch giả đã cắt bớt một số đoạn trong kinh và chuyển người đọc sang các bài kinh khác để xem các đoạn đã bị cắt bớt. Điều đó, có thể làm gián đoạn sự liên tục và mạch lạc của toàn bộ bài kinh. Do vậy, bản chuyển ngữ dưới đây sẽ giữ nguyên đúng với bản gốc bằng tiếng Pali. Việc chuyển ngữ được dựa vào bản dịch tiếng Anh của nhà sư Thanissaro Bhikkhu và một bản dịch tiếng Pháp, nhưng không thấy nêu tên dịch giả. Tuy bản dịch tiếng Pháp này cũng được dựa vào bản tiếng Anh của nhà sư Thanissaro Bhikkhu, thế nhưng đầy đủ hơn và sử dụng một vài thuật tiếng Pháp khác hơn so với các thuật ngữ tiếng Anh trong bản dịch của nhà sư Thanissaro Bhikkhu. Hai cách diễn đạt khác nhau giữa hai ngôn ngữ khác nhau về một ý niệm chung, đôi khi cũng có thể giúp sự hiểu biết trở nên phong phú hơn. Ngoài ra, bản chuyển ngữ tiếng Việt dưới đây cũng được đối chiếu với một số các bản dịch tiếng Anh khác, nhất là các bản dịch của hai học giả Rhys Davids và Piya Tan.

***

Bài kinh giảng cho Kevaṭṭa

Kevaṭṭa-Sutta (DN.11)

 

Tôi từng được nghe như vầy, lúc đó đấng Thế Tôn đang ngụ tại thị trấn Nālandā (một đô thị thuộc đế quốc Magadha / Ma Kiệt Đà. Tại nơi này, vào thế kỷ thứ II sau Tây lịch, tức là khoảng tám thế kỷ sau khi đức Phật giảng bài kinh này, lần đầu tiên một tu viện Đại thừa được thiết lập. Dần dần, sau đó tu viện được mở rộng thêm và trở thành Đại học Nālandā, và cũng là đại học đầu tiên của Phật giáo. Vị trụ trì thứ hai của đại học này vào thế kỷ thứ III là nhà sư nổi tiếng Nāgārjuna / Long thụ) trong khu vườn xoài Pāvārika. Vào lúc đó có một người chủ gia đình (một người thế tục, một cư sĩ) tên là Kevaṭṭa tiến về phía đấng Thế Tôn, khi đến gần thì vái chào Ngài và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì người người chủ gia đình này cất lời hỏi đấng Thế Tôn như sau: "Thưa Thế Tôn [thị trấn] Nālandā này thật hùng mạnh, phồn thịnh và đông dân, nhiều người đặt hết lòng tin nơi đấng Thế Tôn. Tuy thế vẫn tốt hơn nếu đấng Thế Tôn có thể yêu cầu một vị tỳ-kheo biểu dương một phép lạ trong lãnh vực sức mạnh tâm linh (psychic power), thể hiện từ thể dạng cao siêu nơi con người [bình dị] của mình, thì điều đó sẽ thu phục được nhiều người thán phục đấng Thế Tôn hơn tại thị trấn Nālandā này".

 


 

Sau khi lời thỉnh cầu đó được nêu lên, thì đấng Thế Tôn nói với người chủ gia đình Kevaṭṭa như sau: "Này Kevaṭṭa, ta không hề giảng dạy các tỳ-kheo bằng cách nói lên: ‘Này các tỳ-kheo, hãy thực thi các phép lạ trong lãnh vực sức mạnh tâm linh trước những người thế tục ăn mặc quần áo trắng (ý nói những người thế tục ăn mặc quần áo trắng là những người sang trọng, trong khi đó những người khất thực khiêm tốn, ăn mặc quần áo khâu bằng những mảnh vải mà người khác vứt bỏ, thì họ nào có quyền năng gì để phô bày phép lạ trước những kẻ cao sang)'".

Lần thứ hai... Lần thứ ba, người chủ gia đình Kevaṭṭa vẫn cứ [khăng khăng] lặp lại lời thỉnh cầu ấy của mình với đấng Thế Tôn: "Tôi không hề có ý tranh luận với đấng Thế Tôn, mà chỉ muốn nói lên một điều là: Nếu đấng Thế Tôn có thể yêu cầu một người tỳ- kheo biểu dương một phép lạ thuộc lãnh vực sức mạnh tâm linh, thể hiện từ thể dạng cao siêu nơi con người [bình dị] của mình, thì điều đó sẽ thu phục được nhiều người thán phục đấng Thế Tôn hơn tại thị trấn Nālandā này".

Lần thứ ba, đấng Thế Tôn cũng lại trả lời người chủ gia đình: "Này Kevaṭṭa, ta không hề giảng dạy các tỳ-kheo bằng cách nói lên: ‘Này các tỳ-kheo hãy biểu dương một phép lạ thuộc lãnh vực sức mạnh tâm linh trước những người thế tục ăn mặc quần áo trắng'".

“Vậy, này Kevaṭṭa, ta sẽ nêu lên ba thể loại phép lạ mà ta trực tiếp hiểu biết được và thực hiện được bởi chính ta. Vậy ba phép lạ ấy là gì? Đấy là phép lạ thuộc lãnh vực sức mạnh tâm linh, phép lạ thuộc lãnh vực thần giao cách cảm và phép lạ thuộc lãnh vực giảng dạy”.

Phép lạ thuộc lãnh vực Sức mạnh Tâm linh

"Vậy phép lạ thuộc lãnh vực sức mạnh tâm linh là gì? Đấy là trường hợp một người tỳ-kheo biểu dương (wield / thực thi, vận dụng, thể hiện) các thể dạng sức mạnh tâm linh. [Chẳng hạn như] người tỳ-kheo từ một nhân dạng duy nhất biến thành vô số nhân dạng khác nhau; [hoặc] từ thật nhiều nhân dạng hóa thành một nhân dạng duy nhất. Người tỳ-kheo hiện ra. Người tỳ-kheo biến mất. Người tỳ-kheo đi xuyên qua các bức tường, các thành lũy, núi non, tương tự như đi ngang một nơi trống không. Người tỳ-kheo chui xuống đất và ngoi lên khỏi mặt đất cứ như là lặn hụp trong một bể nước. Người tỳ-kheo đi trên mặt nước nhưng không bị chìm, tương tự như thong dong trên mặt đất bằng. Người tỳ-kheo ngồi tréo hai chân, thế nhưng bay lượn trong không trung chẳng khác gì như một con chim vỗ cánh. Người tỳ-kheo đưa tay, vuốt ve và nắm chặt mặt trời và cả mặt trăng. Người tỳ-kheo tạo ra các động tác từ thân thể mình nhưng liên hệ đến tận các cõi Brahmā (là các cõi Trời trong Ấn giáo, kinh sách Hán ngữ gọi là các cõi Phạm Thiên. Ấn giáo nêu lên vô số các vị Thiên nhân thuộc các cấp bậc khác nhau, mang các chức năng khác nhau, ngự trị trên các cõi Trời khác nhau. Trong số họ có ba vị lớn nhất và vị cao nhất là vị Đại Brahmā / "Phạm Thiên Vương" và cũng là "Vị Sáng tạo ra Thế giới" / Creator of the world, hai vị còn lại là Vhisnu / Tỳ Thấp Nô và Shiva / Thấp Bà. Trong kinh sách Phật giáo thường thấy nói đến các cõi Brahmā, các vị Phạm Thiên cũng như vô số các nhân vật huyền thoại khác trong Ấn giáo. Phật giáo được hình thành trong một xã hội ảnh hưởng nặng nề bởi Ấn giáo cùng với các kinh điển Veda / Vệ đà, do đó đã phải vay mượn một số thuật ngữ và các huyền thoại trong tín ngưỡng này để mang giáo lý mới mẻ của mình đến gần hơn - và cũng có thể là dễ hiểu hơn chăng - đối với quảng đại quần chúng? Nêu lên các điều trên đây là nhằm hy vọng có thể giúp một số người đọc theo dõi dễ dàng hơn câu chuyện trong phần kết thúc bài kinh, nêu lên một người tỳ-kheo ngao du trên khắp các cõi Trời để tham vấn các vị Thiên nhân về một thắc mắc nan giải của mình).

"Đối với một người sẵn có đức tin và niềm tin bên trong chính mình (nói chung là những người dễ tin) thì sẽ trông thấy người tỳ- kheo [quả đúng thật] là đang biểu dương các hình thức sức mạnh tâm linh... (mỗi khi độc giả nhận thấy có ba chấm ở cuối câu, thì đấy có nghĩa một số chữ hay một số câu đã được cắt bớt nhằm tránh sự lặp đi lặp lại) đang tạo được các động tác phát sinh từ thân thể [bình dị] của mình nhưng liên hệ đến tận các cõi Brahmā (người tỳ-kheo tạo được các hành động siêu phàm mà chỉ có các vị Thiên nhân trên các cõi Trời mới có thể làm được). [Sau đó] người này (người dễ tin và có đức tin) lại thuật lại chuyện ấy với một người không có đức tin cũng chẳng có một niềm tin nào (nói chung là những người không tin các phép lạ) bằng cách nêu lên: 'Điều ấy chẳng phải là đáng kinh ngạc hay sao? Quả là cả một quyền năng (power) to lớn, một năng lực (prowess / khả năng, tiềm năng) phi thường của con người suy tư đó (contemplative / tức là người tỳ-kheo đứng ra thực hiện phép lạ). Ngay đang trong lúc này, tôi vẫn có thể hình dung được người tỳ-kheo ấy đang biểu dương các hình thức sức mạnh tâm linh..., tạo được các tác động từ thân thể [bình dị] của mình nhưng liên hệ đến tận các cõi Brahmā'.

"Sau đó, người không có đức tin cũng chẳng có niềm tin nào (nhưng đã được nghe nói về các phép lạ đó) lại thuật lại các chuyện ấy với một người khác có đức tin và có niềm tin (một người dễ tin) như sau: 'Này bạn, có một sự quyến rũ (charm / duyên dáng, hấp dẫn) gọi là sự quyến rũ Gandhāri (tên gọi của một phụ nữ huyền thoại trong Ấn giáo, hoàng hậu của vua Dhṛtarāṣṭra, sinh ra một trăm con) và người tỳ-kheo này đã mượn (lợi dụng) sự quyến rũ đó để tạo ra các hình thức sức mạnh tâm linh..., tạo ra các động tác từ thân thể [bình dị] của mình nhưng liên hệ đến tận các cõi Brahmā'. Vậy, Kevaṭṭa nghĩ thế nào về chuyện ấy? Chẳng phải đấy chỉ là chuyện mà một người không có đức tin cũng chẳng có một niềm tin nào, nói với một người sẵn có đức tin và niềm tin hay sao?' (một người không có đức tin cũng chẳng có niềm tin nào, thuật lại một câu chuyện về phép lạ mà mình không tin với một người sẵn có đức tin và niềm tin, thì câu chuyện sẽ có thể hóa thành sự thật đối với người này. Một người tin và một người không tin đối với một câu chuyện nào đó sẽ có thể đưa đến các sự tranh cãi giữa hai người, và từ các sự tranh cãi đó sẽ có thể đưa đến hiềm khích và xung đột giữa họ với nhau).

"Quả đúng là như vậy, thưa Thế Tôn, [thật ra] người ấy cũng chỉ [đơn giản] nói ra những gì mà mình muốn nói" (người thuật chuyện chỉ thuật lại những gì mình trông thấy hay nghe thấy, tin hay không tin là do người nghe, tất cả tùy thuộc vào đức tin hay không có đức tin của người này).

"Này Kevaṭṭa, khi đã trông thấy được các sự bất lợi đó đối với phép lạ trong lãnh vực sức mạnh tâm linh, thì chính ta cũng cảm thấy xấu hổ (ashamed), kinh sợ (repelled) và nhàm chán (disgusted) các phép lạ trong lãnh vực sức mạnh tâm linh.

Phép lạ thuộc lãnh vực Thần giao cách cảm

"Vậy, phép lạ thuộc lãnh vực thần giao cách cảm (telepathy) là gì? Đấy là trường hợp một người tỳ-kheo đọc được tâm thần, các biến cố tâm thần (các sự sợ hãi, lo âu, sung sướng, đau buồn...), các tư duy cùng các cung cách suy nghĩ của người khác, của các cá thể khác [và nói lên]: ‘Đấy chính là những gì mà bạn đang suy nghĩ, đấy là tâm thần của chính bạn'.

"Sau đó, một người sẵn có đức tin và niềm tin bên trong chính mình đọc được tâm thần... của người khác... Người này, sau đó lại thuật lại chuyện ấy với một người khác không có đức tin cũng chẳng có một niềm tin nào, bằng cách nói lên: ‘Chẳng phải là đáng kinh ngạc (awesome) hay sao? Quả là một điều lạ lùng (astounding)! Con người suy tư ấy (người tỳ-kheo ấy, người tu tập ấy) hàm chứa một quyền năng (power) to lớn, một năng lực (prowess) phi thường! Ngay đang trong lúc này, tôi cũng có thể hình dung được con người ấy đang đọc được tâm thần... của người khác...'.

"Sau đó, người không có đức tin cũng không có một niềm tin nào thuật lại chuyện ấy với một người sẵn có đức tin và có niềm tin, bằng cách nêu lên: ‘Có một sự quyến rũ gọi là sự quyến rũ Maṇikā (là tên gọi của năm cỗ xe Vimāna / "Thiên xa" trong huyền thoại Ấn giáo, các cỗ xe đó do chính vị Brahmā / Phạm Thiên Vương sáng chế ra. Các cỗ xe này thật to lớn, làm toàn bằng vàng dát ngọc, dùng để ngao du trong không trung), người tỳ-kheo mượn sự quyến rũ (thu hút, tưởng tượng) đó để đọc tâm thần... của các kẻ khác... (gợi lên sự thích thú va say mê của các kẻ khác để hình dung ra ý nghĩ và sự ước mơ của họ)'. Vậy, Kevaṭṭa nghĩ thế nào? Chẳng phải đấy chỉ là chuyện mà một người không có đức tin cũng chẳng có một niềm tin nào, thuật lại với một người sẵn có đức tin và niềm tin hay sao?" (người không tin thuật lại một chuyện mà mình không tin cho một người dễ tin, thì người này sẽ tin là có thật).

"Quả đúng là như vậy, thưa Thế Tôn, người ấy cũng chỉ [đơn giản] nói ra những gì mà mình muốn nói (tin hay không tin là chuyện của người nghe. Đức Phật không trực tiếp nói ra điều đó mà chỉ nêu lên sự kiện đó dưới hình thức một câu hỏi để Kevaṭṭa tự hiểu).

"Này Kevaṭṭa, khi đã trông thấy được sự trở ngại đó của phép lạ trong lãnh vực thần giao cách cảm, thì chính ta cũng cảm thấy kinh sợ (horrified), bị chê cười (humiliated / khinh miệt) và nhàm chán (disgusted) trước các phép lạ trong lãnh vực thần giao cách cảm".

Phép lạ thuộc lãnh vực Giảng dạy

"Vậy phép lạ thuộc lãnh vực giảng dạy (instruction / giáo huấn, giáo dục, hướng dẫn) là gì? Đấy là trường hợp một người tỳ-kheo nêu lên một sự giảng dạy [đại loại] như sau: ‘Hãy suy nghĩ theo chiều hướng này, không nên suy nghĩ theo chiều hướng kia. Hãy nhìn vào mọi sự vật theo đường hướng này, không nên nhìn vào mọi sự vật theo đường hướng kia. Hãy gạt bỏ chuyện này, nên tìm thấy sự hài hòa và an trú bên trong chuyện kia'. Này Kevaṭṭa, đấy gọi là phép lạ của sự giảng dạy.

"Chẳng hạn như trường hợp một vị Tathagata (Như Lai) xuất hiện trong thế giới này, xứng đáng, ngay thật, tự mình đạt được sự giác ngộ (đức Phật tự nói đến chính mình nhưng nêu lên ở ngôi thứ ba). Vị ấy thuyết giảng Dhamma (Đạo Pháp), tuyệt vời từ đoạn đầu, tuyệt vời trong đoạn giữa, tuyệt vời ở cả đoạn cuối. Vị ấy nêu cao một cuộc sống thánh thiện về tất cả mọi mặt và cả sự tinh anh sâu xa trong cuộc sống đó, một cuộc sống hoàn toàn hoàn hảo, tinh khiết một cách khác thường.

"Một người chủ gia đình hay người con trai của người chủ gia đình (một người con đã trưởng thành nhưng chưa lập gia đình, vẫn còn sống với cha mẹ) sau khi được nghe Dhamma đã phát động được lòng tin (conviction / niềm tin, sự tin tưởng) nơi vị Tathagata ấy và tự nghĩ rằng: ‘Cuộc sống trong khung cảnh gia đình quả là một con đường chật hẹp, đầy bụi bặm. Cuộc sống thoát ly gia đình sẽ mở ra cho mình một bầu không gian rộng lớn hơn nhiều. Sống trong gia đình thật hết sức khó tạo được cho mình một kiếp sống thánh thiện hoàn toàn hoàn hảo và tinh khiết, sống trong gia đình chẳng khác gì như sống trong một vỏ sò bóng loáng (sống trong gia đình dù tiện nghi và sung túc, thế nhưng chẳng khác gì như một con ốc thu mình trong chiếc vỏ chật hẹp, dù chiếc vỏ có bóng loáng và xinh đẹp đến đâu cũng vậy). Vậy thì tại sao tôi lại không cạo tóc, cạo râu, khoác lên người chiếc áo màu nghệ, thoát khỏi khung cảnh gia đình để trở thành một kẻ (phiêu bạt) không nhà?'.

"Thế rồi, một thời gian sau đó, người ấy (người chủ gia đình hay người con trai trong gia đình) từng được nghe Dhamma do một vị Tathagata thuyết giảng đã buông bỏ cái đống của cải của mình, dù cái đống đó to lớn hay nhỏ nhoi; lánh xa vòng ràng buộc họ hàng, dù cái vòng ràng buộc đó rộng lớn hay hạn hẹp; cạo tóc, cạo râu, khoác lên người chiếc áo màu nghệ, rời bỏ cuộc sống gia đình biến mình trở thành một kẻ không nhà.

"Thế rồi, sau khi đã rời bỏ gia đình, người ấy bắt buộc phải tuân thủ giới luật nơi tự viện, phải nhận thấy các mối nguy hiểm phát sinh từ các sự lầm lỗi do mình tạo ra, dù nhỏ nhoi cách mấy. Nhằm giúp mình bảo toàn đạo đức, người ấy phải luôn canh chừng các cửa ngõ của các cơ quan giác cảm (lục giác và tâm thần), phải biết lắng sâu trong sự chú tâm tỉnh giác (mindfulness / chánh niệm) và sự cảnh giác (alertness / tỉnh táo, cẩn trọng), và phải luôn cảm nhận được sự hài lòng.

(Sau khi giải thích thế nào là ba thể loại phép lạ, thì đức Phật nêu lên sự giảng dạy gồm ba cấp bậc từ thấp đến cao. Cách trình bày về ba cấp bậc này rất chi tiết và khá dài dòng. Nhà sư Thanissaro Bhikkhu đã cắt bỏ phân đoạn này vì toàn bộ phân đoạn này đã được nêu lên trong một bài kinh khác mang tựa là Samaññaphala Sutta / "Các Kết quả mang lại từ Cuộc sống Suy tư" / kinh sách Hán ngữ gọi là "Sa Môn Quả" thuộc Trường Bộ Kinh, DN-2. Nhà sư Thanissaro Bhikkhu chuyển người đọc sang bài kinh này để đọc phân đoạn đã bị cắt bỏ. Một số nhà sư và các học giả khác cũng đã cắt bỏ phân đoạn này trong các bản dịch của họ. Thật vậy, sự dài dòng và chi tiết trong phân đoạn này có thể làm phân tâm khiến người đọc khó nhận thấy sự mạch lạc của toàn bộ bài kinh. Tuy nhiên - như đã được nói đến trong phần mở đầu trên đây - thiết nghĩ chúng ta cũng nên cố gắng theo dõi đầy đủ bài kinh, bởi vì các chi tiết trước hết cũng có thể giúp chúng ta ý thức được từng hành động và các xu hướng của mình trong cuộc sống, và sau đó cũng có thể giúp chúng ta hình dung được phần nào sự sinh hoạt xã hội trong thung lũng sông Hằng cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm. Vì lý do đó, bản chuyển ngữ dưới đây sẽ giữ nguyên toàn bộ bài kinh đúng theo bản gốc bằng tiếng Pali, nhằm giúp độc giả theo dõi toàn bộ bài kinh, không cần phải tìm các bài kinh khác để xem thêm).

Giáo huấn thuộc cấp bậc thứ yếu về Đạo đức

"Vậy người tỳ-kheo phải làm những gì để kiện toàn đạo đức? Không được tước đoạt sự sống, không được sát hại. Người tỳ-kheo trong cuộc sống phải biết đặt chiếc gậy xuống, đặt con dao xuống, phải nhân từ, phát lộ lòng thương cảm vì sự an lành của tất cả chúng sinh. Điều đó, cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

"Tránh hành động không lấy những gì mà người khác không cho, người tỳ-kheo không lấy những gì mà người khác không cho mình. Tránh không lấy những gì không cho, người tỳ-kheo chỉ nhận những gì mà người khác cho mình. Người tỳ-kheo không sinh sống bằng các phương tiện gian xảo, mà phải [sống] phù hợp với một cái tôi đã được tinh khiết hóa. Điều đó cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

"Không lập gia đình, người tỳ-kheo chọn cuộc sống độc thân. Không như dân cư trong làng, người tỳ-kheo tránh các hành vi dục tính. Điều đó, cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

"Tránh nói dối, người tỳ-kheo không nói những lời giả dối. Người tỳ-kheo chỉ nói sự thật, tôn trọng sự thật, kiên quyết và tín cẩn. Người tỳ-kheo không phải là một kẻ lừa dối trong thế giới. Điều đó, cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

"Tránh những lời gây chia rẽ, người tỳ-kheo không gieo rắc sự bất hòa. Người tỳ-kheo nghe những gì tại nơi này, không thuật lại tại nơi khác khiến gây ra hiềm khích giữa những người tại nơi này với những người tại nơi khác. Người tỳ-kheo nghe những gì tại nơi này, không lặp lại tại nơi khác, khiến gây ra hiềm khích giữa những người tại nơi khác với những người tại nơi này. Nhằm hòa giải giữa những người bất hòa, hàn gắn giữa những người hiềm khích, người tỳ-kheo quý trọng sự hòa hợp, tìm thấy niềm vui trong sự hòa hợp, nói lên những lời mang lại sự hòa hợp. Điều đó, cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

"Tránh những lời phỉ báng, người tỳ-kheo không nhục mạ. Người tỳ-kheo nói những lời hòa nhã, hiền hòa, êm tai, đi thẳng vào tim [người nghe]. Người tỳ-kheo nói những lời lễ độ, khả ái, dịu dàng đối với tất cả mọi người. Điều đó, cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

"Tránh cách ăn nói vô bổ, người tỳ-kheo không ba hoa vô tích sự. Người tỳ-kheo ăn nói đúng lúc, nêu lên những điều xác thực, phù hợp với mục đích [mà mình muốn nói] (ăn nói ngay thẳng), phù hợp với Dhamma (Đạo Pháp), phù hợp với Vinaya (Giới luật). Người tỳ-kheo nói những lời mà người khác thích nghe, phù hợp với hoàn cảnh, hữu lý, ngắn gọn, thích nghi với mục đích [mà mình muốn nêu lên]. Điều đó, cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

"Người tỳ-kheo tránh không làm phương hại đến các hạt giống và sự sống của cỏ cây.

"Người tỳ-kheo chỉ ăn mỗi ngày một lần, tránh không ăn cơm chiều, cũng không ăn vặt.

"Người tỳ-kheo tránh không nhảy múa, ca hát, chơi đàn, nghe nhạc, không tham dự các buổi trình diễn.

"Người tỳ-kheo không đeo vòng hoa, không xức nước hoa, không dùng mỹ phẩm.

"Người tỳ-kheo tránh không dùng giường cao, ghế cao, tiện nghi và sang trọng.

"Người tỳ-kheo không được phép nhận vàng và tiền bạc.

"Người tỳ-kheo không nhận ngũ cốc chưa nấu chín (tránh không hủy hoại mầm mống của của các hạt ngũ cốc)..., thịt sống..., đàn bà và phụ nữ..., dê, trừu... gà, vịt, heo,... voi, trâu bò, ngựa đực, ngựa cái..., ruộng vườn, gia sản.

"Người tỳ-kheo không nhận đưa tin..., tránh việc thương mại, mua bán bằng cách cân thiếu, giả mạo kim khí, hoặc dùng các quả cân không đúng..., không vi phạm các hành vi tham nhũng, lừa dối và lường gạt.

"Ngưòi tỳ-kheo không chặt tay chân, không hành quyết, không giam cầm kẻ đạo tặc, kẻ cướp, kẻ hành hung (sự trừng phạt thuộc lãnh vực luật pháp, người tu hành không xen vào các việc xét xử và trừng trị bất cứ ai)". Điều đó, cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

Giáo huấn thuộc cấp bậc trung bình về Đạo đức

"Tuy vậy cũng có các vị đạo sĩ và những người Bà-la-môn (nói chung là những người tu hành theo các tín ngưỡng khác) sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường (tức là sống bằng cách khất thực), thế nhưng lại thường gây ra tai hại cho các hạt mầm và sự sống của cỏ cây - chẳng hạn như các loài thảo mộc phát triển nhờ vào rễ, vào thân, vào cành, vào chồi, vào mầm. Người tỳ-kheo tránh không gây ra tai hại cho các hạt mầm và sự sống của cỏ cây. Điều đó, cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo (cách nay hơn 25 thế kỷ thung lũng sông Hằng là cả một khung cảnh hoang vu, rừng rậm khắp nơi, thế nhưng đức Phật vẫn khuyến kích những người bước theo con đường của Ngài hãy biết thương yêu sự sống, thương yêu từng cọng cỏ, từng hạt mầm. Ngài vừa là người vạch ra Con Đường cho nhân loại nhưng cũng là một nhà sinh thái tiên phong, một người bảo vệ thiên nhiên, luôn nghĩ đến sự sống của tất cả chúng sinh và của cả cỏ cây trên hành tinh nhỏ bé và chật hẹp này).

"Tuy vậy, cũng có các đạo sĩ và những người Bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại thích tiêu dùng các thứ tích trữ (gom góp, cất giấu, dành riêng cho mình, không chia xẻ với kẻ khác), chẳng hạn như: thức ăn tích trữ, thức uống tích trữ, quần áo tích trữ, xe cộ (xe bò, xe ngựa...) tích trữ (dùng riêng, không cho kẻ khác mượn), giường gối tích trữ, nước hoa tích trữ. Người tỳ-kheo tránh không tích trữ và tiêu dùng các thứ của cải đại loại như vậy. Điều đó, cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo (người tỳ-kheo khất thực vừa đủ ăn, không được phép để dành sang ngày hôm sau).

"Tuy vậy, cũng có các đạo sĩ và các người Bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại thường hay say mê (addicted) các buổi trình diễn, chẳng hạn như: Nhảy múa, ca hát, tấu nhạc, diễn kịch, ngâm thơ, vỗ tay, đánh trống, thích nghe tiếng chũm chọe, xem đèn kéo quân, các màn nhào lộn, ảo thuật, đấu voi, đấu ngựa, đấu trâu, đấu bò, đấu dê, đấu gà, đấu chim cút, các màn đấu gậy, đánh võ, đô vật, các trò chơi cầm quân tập trận, cách đóng các vai trò (các cấp bậc chỉ huy trong đoàn quân hay trong cuộc sống chẳng hạn), cách giàn trận, duyệt binh. Người tỳ-kheo tránh không tham dự các buổi trình diễn đại loại như vậy. Điều đó, cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

"Tuy vậy, cũng có các đạo sĩ và các người Bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại say mê các trò chơi vô bổ, chẳng hạn như chơi cờ xếp theo tám hàng hay mười hàng, chơi cờ ngoài trời (cờ người), nhảy cò cò (nhảy ô), bắn bi, xúc xắc, múa gậy, ném bóng, đá bóng, thổi còi, kéo các chiếc xe nhỏ dùng làm đồ chơi, nhảy cóc (leap-frog, còn gọi là nhảy cừu / saute-mouton), xếp chong chóng (quay trong gió), chơi với các chiếc xe (đồ chơi), chơi với các dụng cụ đo lường, bắn cung tên, đoán các hình vẽ trong không trung (do người khác dùng ngón tay để vẽ trong không khí), đoán các ý nghĩ của người khác, nhại những người tật nguyền. Người tỳ-kheo tránh các trò chơi vô bổ và vô nghĩa đại loại như vậy (ngày nay các trò chơi tinh xảo và phức tạp hơn nhiều, chẳng hạn như các trò chơi điện tử). Điều đó, cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

"Tuy vậy, cũng có các đạo sĩ và các người Bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại say mê bàn ghế sang trọng và tiện nghi, chẳng hạn như - giường rộng, đục đẽo hình dạng thú vật, khăn trải giường dệt bằng lông thú thật dài, khăn trải giường khâu bằng các mảnh vải đủ màu, khăn trải giường bằng len trắng, khăn trải giường bằng len thêu hoa hoặc hình dạng thú vật, chăn đắp nhồi bông, khăn trải giường viền tua chung quanh, khăn trải giường bằng lụa dát ngọc; thảm lót bằng len, thảm lót lưng voi, lưng ngựa hoặc lót ghế xe, dùng thảm bằng da hươu, da nai, giường có màn che, giường có gối màu đỏ để tựa lưng hay gác chân. Người tỳ-kheo tránh không dùng các đồ đạc sang trọng và tiện nghi đại loại như vậy. Điều đó, cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

"Tuy vậy, cũng có các đạo sĩ và các người Bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại có thói quen sử dụng nước hoa, mỹ phẩm cùng các sản phẩm làm gia tăng thêm vẻ đẹp của mình - chẳng hạn như xoa bóp thân thể, xoa dầu, tắm nước thơm, xoa nắn chân tay, soi gương, bôi kem, đeo vòng hoa, xức nước hoa, xoa phấn lên mặt, bôi đen mi mắt, đeo vòng tay, băng đô (headband / vòng kẹp tóc), gậy cầm tay chạm trổ, chai đựng nước uống được trang trí, đeo kiếm, dùng các vật che nắng cầu kỳ, dùng dép thêu thùa, khăn quấn đầu, trang sức quý giá, phất trần (đuổi ruồi, phủi bụi) làm bằng lông đuôi bò yak, áo khoác trắng với viền áo thêu thùa. Người tỳ-kheo tránh không sử dụng các vật đại loại như vậy. Điều đó, cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

"Tuy vậy, cũng có các đạo sĩ và các người Bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại say mê thảo luận về các vấn đề tầm thường, chẳng hạn các chuyện về vua chúa, trộm cắp, các bộ trưởng trong chính quyền; các đạo quân, còi báo động, các trận chiến; thực phẩm, các thức uống; quần áo, đồ đạc trong nhà, vòng hoa, nước hoa; họ hàng thân thuộc, xe cộ; làng mạc, phố xá, tỉnh lỵ, đồng quê; phụ nữ, các vị anh hùng; chuyện ngoài đường, các chuyện thêu dệt, các chuyện về người chết; các chuyện linh tinh, nguyên nhân tác tạo ra thế giới và đại dương (bàn cãi về các vấn đề viển vông, những chuyện quá khứ hoặc tương lai), tranh luận để tìm hiểu xem các sự vật hiện hữu hay không hiện hữu. Người tỳ-kheo tránh không tranh luận về các vấn đề tầm phào đại loại như vậy. Điều đó, cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

"Tuy vậy, cũng có các đạo sĩ và các người Bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại say mê tranh luận về những chuyện chẳng hạn như: 'Bạn có hiểu gì về học thuyết này hay giáo lý kia hay không? Tôi là người thấu triệt được học thuyết này và cả giáo lý kia. Làm thế nào mà bạn lại có thể thấu triệt được học thuyết này và cả giáo lý kia? Cách tu tập của bạn sai rồi. Cách tu tập của tôi mới là đúng. Tôi luôn vững tin. Bạn còn hoang mang lắm. Những gì bạn nêu lên trước tiên, thật ra phải nêu lên sau cùng. Những gì bạn nêu lên sau cùng, đúng ra phải nêu lên trước nhất. Những gì mà bạn phải để ra thật nhiều thì giờ để suy nghĩ, thì ngay từ đầu đã là sai lầm rồi. Học thuyết của bạn đã bị lật đổ. Bạn đã đuối lý. Bạn chỉ cố gắng vớt vát những gì có thể gọi là giáo lý của bạn mà thôi; nếu có thể thì bạn hãy cố gắng thoát ra khỏi học thuyết ấy của bạn. Người tỳ-kheo tránh không tranh luận về những chuyện đại loại như vậy. Điều đó, cũng là thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

"Tuy vậy, cũng có các vị đạo sĩ và các người Bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại có thói quen mang thông điệp và đảm trách các việc ủy thác của một số người khác, chẳng hạn như: Vua chúa, quan lại, tướng tá, các vị giáo sĩ, các người chủ gia đình hoặc các người trẻ tuổi, mỗi khi họ sai bảo: ‘Hãy đến nơi này, hãy đến nơi kia, hãy mang thứ này đến nơi này, hãy đến lấy vật ấy tại nơi kia. Người tỳ-kheo tránh không mang thông điệp, cũng không nhận lãnh các việc ủy thác của những người như vừa kể. Điều đó, cũng là thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

"Tuy vậy, cũng có các vị đạo sĩ và các người Bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng họ lại sử dụng mánh khóe, thuyết phục, xúi giục, khinh thường những người cúng dường ấy, duy nhất chỉ nghĩ đến việc vơ vét họ tối đa. Người tỳ-kheo tránh không sử dụng các mánh khóe, cũng không thuyết phục người bố thí [một cách không chính đáng nhằm mục đích thúc giục họ cấp dưỡng các tiện nghi vật chất cho mình]. Điều đó, cũng thuộc thành phần đạo đức của người tỳ-kheo.

Giáo huấn thuộc cấp bậc cao về Đạo đức

"Tuy vậy, cũng có các vị đạo sĩ và các người Bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng họ lại có một cuộc sống sai lầm, nhờ vào các xảo thuật đê hèn (các phương tiện tầm thường, đê tiện, hạ cấp. Trong bản dịch của Thanissaro Bhikkhu các chữ này là "animal" arts, có nghĩa là các "nghệ thuật", các "xảo thuật" hay các sự "khéo léo" hạ cấp, đê tiện), chẳng hạn như:

- Xem tướng chân tay (đoán vận mạng dựa vào các dấu hiệu trên chân tay / chiromancy, palmistry);

- Đoán điềm (omen) và giải đoán các hiện tượng (sign);

- Giải đoán các biến cố trên trời (sao băng, sao chổi...);

- Giải đoán các giấc chiêm bao;

- Xem tướng dựa vào các hình thù (các dị tướng tốt và xấu) trên thân thể;

- Đoán điềm dựa vào các vết chuột cắn trên vải;

- Xem tướng dựa vào hình thù của sọ;

- Cúng dường lửa, cúng dường một chiếc muôi (ladle / thìa hay muổng lớn dùng để múc canh hay múc cháo), cúng dường trấu (husk / vỏ thóc lúa), bột gạo, gạo, mỡ, dầu;

- Cúng dường những gì thoát ra từ miệng mình;

- Xem các đầu ngón tay để tiên đoán những gì sẽ xảy ra;

- Xem phong thủy (geomancy);

- Trừ ma, ếm quỷ nơi nghĩa địa;

- Ếm bùa;

- Xem đất (tìm mạch nước ngầm, đá quý...);

- Luyện rắn, bào chế thuộc độc, luyện bồ cạp, chuột, chim, quạ;

- Tiên đoán tuổi thọ;

- Làm phép phù hộ;

- Đoán vận mệnh (xem tử vi).

Người tỳ-kheo tránh không tạo cho mình một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn đại loại như vậy.

"Tuy vậy, cũng có các đạo sĩ và các người Bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại có một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn, chẳng hạn như: Xét đoán xem các viên ngọc sẽ mang lại may mắn hay xui xẻo, giá trị quần áo, giá trị các chiếc gậy (staff / các chiếc gậy cầm tay biểu trưng cho uy quyền), cung kiếm, giáo mác; xét đoán phụ nữ, con trai, con gái, nam nô lệ, nữ nô tỳ xem họ có xứng đáng hay không; xác định voi, ngựa, trâu, bò cái, dê cái, cừu đực, gà vịt, chim cút, kỳ đà (lézard), thỏ, rùa, cùng các thú vật khác xem có đúng là giống tốt hay không.

Người tỳ-kheo tránh không tạo cho mình một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn đại loại như vậy.

"Tuy vậy, cũng có các đạo sĩ và các người Bà-la-môn sống nhờ vào thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại có một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn, chẳng hạn như tiên đoán:

- Các vị chỉ huy (ruler / lãnh đạo) sắp tiến quân;

- Các vị chỉ huy sắp tiến quân hay sẽ lui binh;

- Các vị chỉ huy phe bên ta sẽ tấn công và quân sĩ phe bên kia sẽ tháo chạy;

- Các vị chỉ huy phe bên kia sẽ tấn công và quân sĩ phe bên ta sẽ tháo chạy;

- Các vị chỉ huy phe bên ta sẽ thắng trận, các vị chỉ huy phe bên kia sẽ bại trận;

- Các vị chỉ huy phe bên kia sẽ thắng trận, các vị chỉ huy phe bên ta sẽ bại trận;

- Theo cách này tất sẽ chiến thắng, theo cách kia tất sẽ bại trận.

Người tỳ-kheo tránh không tạo cho mình một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn đại loại như vậy.

"Tuy vậy, cũng có các đạo sĩ và các người Bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại có một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn, chẳng hạn như tiên đoán:

- Nguyệt thực sẽ xảy ra;

- Nhật thực sẽ xảy ra;

- Thiên hà sẽ bị che khuất;

- Sẽ có một hành tinh (chẳng hạn mặt trăng) bị che khuất bởi một hành tinh khác to lớn hơn;

- Mặt trời, mặt trăng vận hành thuận lợi;

- Mặt trời, mặt trăng vận hành bất thuận lợi;

- Các vì sao vận hành thuận lợi;

- Các vì sao vận hành bất thuận lợi;

- Các chòm sao báo hiệu các điều thuận lợi;

- Các chòm sao báo hiệu các điều bất thuận lợi;

- Sẽ xảy ra một trận mưa sao băng;

- Sẽ xảy ra hiện tượng bừng sáng ở chân trời (ánh hồng ở chân trời lúc rạng đông trước khi mặt trời ló dạng?);

- Động đất sẽ xảy ra;

- Sấm sét sẽ xảy ra dù lúc đó bầu trời không có mây;

- Sẽ xảy ra các hiện tượng mọc lên hay lặn xuống, hiện tượng tối sầm hay tỏa sáng của mặt trời, mặt trăng và các vì sao;

- Các hậu quả phát sinh từ hiện tượng nguyệt thực..., hoặc từ các hiện tượng mọc lên, lặn xuống, tối sầm hay rực sáng của mặt trời, mặt trăng và các vì sao.

Người tỳ-kheo tránh không tạo cho mình một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn đại loại như vậy.

"Tuy vậy, cũng có các đạo sĩ, các người Bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại có một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn, chẳng hạn như tiên đoán:

- Sắp xảy ra mưa lũ; sắp xảy ra hạn hán;

- Sắp được mùa, sẽ đói kém;

- Sắp được thanh bình và yên ổn hoặc tai ương sẽ xảy ra;

- Bệnh dịch sẽ lan tràn; bệnh dịch sẽ chấm dứt.

- Hoặc họ cũng có thể sinh sống bằng các phương tiện tính toán tiền nong (cho người khác), làm thơ, giảng dạy nghệ thuật hoặc giảng dạy triết học (theo Thanissaro Bhikkhu, thì triết học ở đây là học thuyết Lokāyata, một triết thuyết rất phổ biến vào thời bấy giờ, mô tả về thế giới, nói chung là giới "trí thức ba hoa" dùng sự "hiểu biết" của mình làm phương tiện sinh nhai).

Người tỳ-kheo tránh không tạo cho mình một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn đại loại như vậy.

"Tuy vậy, cũng có các đạo sĩ và những người Bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thết tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại có một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn, chẳng hạn như:

- "Tiên đoán ngày tốt, ngày xấu trong các việc cưới hỏi, ly dị; các ngày thuận lợi để đòi nợ, hùn vốn hoặc cho vay; tâm sự để thu hút kẻ khác hoặc khiến kẻ khác lánh xa mình; hoặc để chăm sóc (an ủi) các phụ nữ sẩy thai hoặc phá thai; thốt lên những câu thần chú (spell / bùa mê) làm đớ lưỡi người khác, khiến người khác cứng hàm, hai tay không cử động được, hai tai không nghe thấy gì cả (một hình thức thôi miên để sai khiến kẻ khác); hoặc tìm câu trả lời qua ánh mắt của một vị thần linh trong một tấm gương, hoặc của một cô bé gái hay một người đồng bóng (spirit medium); thờ phụng Mặt trời, tôn vinh vị Đại Thiên Vương (Great Brahmā), phun lửa từ miệng mình, cầu khẩn vị Nữ thần may mắn.

Người tỳ-kheo tránh không tạo cho mình một cuộc sống sai lầm nhờ vào các xảo thuật đê hèn đại loại như như vậy.

"Tuy vậy, cũng có các đạo sĩ và các người Bà-la-môn sống nhờ thực phẩm [do người thế tục] thành tâm cúng dường, thế nhưng lại sống một cuộc sống sai lầm nhờ các xảo thuật đê hèn, chẳng hạn như:

- Hứa sẽ hiến dâng lễ vật cho các vị thần linh để hồi đáp lại sự ân sủng của họ; [sau đó thì] giữ đúng những lời hứa ấy; thờ thần linh ma quỷ (demonology);

- Bày các phép bùa chú để bảo vệ nhà cửa (xem phong thủy...);

- Làm gia tăng sức cường dương (virility) hoặc khiến tạo ra bất lực (impotence / liệt dương);

- Bày các thủ tục lễ lạc tại các nơi chuẩn bị xây cất;

- Phong thánh (consecrating / ban phép) các nơi xây cất (cúng thổ thần, thổ địa trước khi khởi công);

- Làm phép súc miệng; làm lễ tắm (tấy uế tội lỗi, các sự ô nhiễm,...);

- Hiến tế lửa (dâng lửa để cúng dường là nghi lễ của Ấn giáo);

- Uống thuốc gây nôn để tẩy uế từ dưới, từ trên và cả trong đầu; nhỏ thuốc vào tai, vào mắt; tri bệnh xuyên qua lỗ mũi; xoa dầu; [hoặc] cấm xoa dầu; phẩu thuật; uống thuốc bào chế từ rễ cây; bó chỗ đau bằng thuốc làm bằng các loài thảo mộc.

Người tỳ-kheo tránh không tạo cho mình một cuộc sống tồi tệ nhờ các xảo thuật đại loại như vậy.

"Sau khi đã thực hiện được trọn vẹn nền tảng đạo đức (ba cấp bậc đạo đức) thì người tỳ-kheo, xuyên qua sự cẩn trọng (restrain / tiết độ, thận trọng, ý thức được từng hành động của chính mình) mang lại từ nền tảng đạo đức đó, sẽ không còn phải đối đầu với một mối hiểm nguy nào, dù trong bất cứ cảnh huống nào. Điều đó, cũng tương tự như một vị vua oai hùng đã đánh thắng được quân thù, không còn e sợ quân thù tấn công mình dù là từ hướng nào. Đối với người tỳ-kheo cũng vậy, khi đã thực hiện được trọn vẹn nền tảng đạo đức cho mình thì sẽ không còn gặp phải một mối hiểm nguy nào, dù trong bất cứ cảnh huống nào. Nhờ vào sự kết hợp cao quý đó của đạo đức (ba cấp bậc đạo đức), thì từ bên trong chính mình người tỳ-kheo sẽ cảm nhận được một niềm vui sướng hiện lên từ sự hoàn hảo của chính mình.

Đấy là cách mà người tỳ-kheo thực hiện được trọn vẹn nền tảng đạo đức cho mình.

Sự thận trọng đối với các cơ quan giác cảm

“Vậy người tỳ-kheo phải canh chừng các cửa ngõ của các cơ quan giác cảm như thế nào (xin mạn phép nhắc lại một điểm rất quan trọng: Đối với giáo lý Phật giáo tâm thần cũng là một cơ quan cảm giác tương tự như các cơ quan giác cảm khác. Một cá thể do đó sẽ gồm có sáu cơ quan giác cảm, mỗi cơ quan giác cảm là một cửa ngõ: ngũ giác là năm cửa ngõ mở vào thế giới hiện tượng bên ngoài, tâm thần là cửa ngõ thứ sáu mở vào thế giới nội tâm, đối tượng tiếp xúc của cửa ngõ tâm thần là tư duy, xúc cảm, tác ý, các sự diễn đạt, hình dung, tưởng tượng, v.v.). Khi trông thấy một hình tướng bằng mắt thì người tỳ-kheo sẽ không bám víu vào đó và xem đó như là một chủ đề (theme, tạo ra các tác ý, các sự gợi ý, các sự diễn đạt nói chung) hoặc các chi tiết (các sự nhận xét hay đánh giá) nào cả (có nghĩa là ý thức được sự cảm nhận của mắt về một hình tướng nào đó, thế nhưng không diễn đạt hay giải thích hình tướng đó qua bất cứ một khía cạnh nào cả) - bởi vì nếu người tỳ-kheo không giữ được sự thận trọng đối với mắt - thì các sự tệ hại và dại dột, chẳng hạn như các sự thèm khát và đớn đau, sẽ không khỏi xảy ra với mình. Khi nghe thấy một âm thanh bằng tai... (như đã được ghi chú trên đây - nhưng cũng xin nhắc lại - mỗi khi thấy ba chấm liên tiếp, thì đấy là cách cắt bớt một số chữ hoặc một số câu nhằm tránh sự lập đi lập lại. Cách lập đi lập lại giúp việc học thuộc lòng được dễ dàng hơn, thế nhưng ngày nay chúng ta đã có chữ viết, do đó lập đi lập lại không còn cần thiết nữa) Khi ngửi thấy một mùi bằng mũi... Khi nếm thấy một vị bằng lưỡi... Khi nhận thấy một cảm giác qua sự đụng chạm với thân thể (sờ mó chẳng hạn)... Khi nhận biết được một ý nghĩ nhờ vào khả năng trí thức (intellect), thì người tỳ-kheo sẽ không bám víu vào đó và xem đó như là một chủ đề (để suy nghĩ và gợi ý) hay các chi tiết (các sự diễn đạt và giải thích) nào cả - bởi vì nếu người tỳ-kheo không giữ được sự thận trọng đối với khả năng trí thức - thì các sự tệ hại và dại dột chẳng hạn như sự thèm khát và đớn đau sẽ không khỏi xảy ra với mình. Khi đã thực hiện được cho mình sự thận trọng cao quý đó đối với các chức năng của các cơ quan giác cảm, thì từ bên trong chính mình người tỳ-kheo sẽ cảm thấy một niềm vui sướng hiện lên từ sự hoàn hảo đó của chính mình.

“Đấy là cách mà người tỳ-kheo thực hiện được trọn vẹn sự thận trọng (cảnh giác) đối với các cửa ngõ của các cơ quan giác cảm của mình.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6709624