Thông tin

BÀI KINH PHƯƠNG NAM

BÀI KINH PHƯƠNG NAM

 

THÍCH THIỆN ĐẠO

Giá trị đạo đức con người lấy hiếu tâm làm nền tảng. Hiếu được xem như là cách cư xử trong các mối quan hệ gia đình xã hội. Hiếu có tầm mức quan trọng trong quá trình hình thành một nhân cách, chính đức Phật cũng đã xác định quả vị tối thắng mà Ngài đã đạt được bằng lời tự thuật: “Ta nhiều đời nhiều kiếp làm con thì nhân từ hiếu thuận, làm vua thì thương yêu giúp đỡ dân, làm dân thì hòa thuận kính nhường” (kinh Bồ Tát Diệm Tử).

Hiếu thuận chính là một trong những đức tính cao cả của một vị Phật. Dưới cái nhìn của đức Phật, hiếu không chỉ giới hạn trong phạm vi con cháu đối với cha mẹ, ông bà, mà còn là mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành phần trong xã hội. Trong phạm vi gia đình, mối quan hệ cư xử đó gọi là hiếu thảo; trong phạm vi quốc gia xã hội gọi là tận tụy, trung thành; trong phạm vi bạn bè gọi là thành tín thủy chung; với những người tài đức mô phạm thì gọi là cung kính tôn trọng. Tinh thần này đã khẳng định tính nhân bản của đạo Phật là lấy con người làm đối tượng hoàn thiện, và vì con người mà phục vụ như kinh Pháp Hoa đã xác định: “Ta vì đại sự nhân duyên là khai ngộ và chỉ đường chúng sanh đạt được tri kiến Phật, tức là Phật chủng trí”.

Truyền thống văn hóa lễ hội Vu lan, rằm tháng Bảy xá tội vong nhân, đức Phật dạy người Phật tử ngoài bổn phận nhớ ơn và trả ơn ông bà cha mẹ mình, đặc biệt biết hướng thiện thân nhân cha mẹ trở về con đường lành để khỏi bị quả khổ trầm luân đọa lạc, còn phải biết hướng đến cộng đồng trên tinh thần vô ngã vị tha, đa sanh phụ mẫu, thương người như thể thương thân, để trả ơn, cầu nguyện, cứu giúp. Truyền thống lễ hội này mang đậm nét giáo dục nhân văn, nhằm mở rộng tầm nhìn của chúng ta về một thế giới duyên khởi, một cuộc sống được hình thành tồn tại trên các mối quan hệ mật thiết vô thỉ vô chung giữa các thế hệ nối tiếp. Cho nên sự hiện hữu của ta bây giờ, không chỉ mới có bây giờ mà đã hiện hữu từ nhiều kiếp, gắn bó từ lâu đời theo định luật nhân quả duyên sinh. Hiện tại, chúng ta hiện hữu, nghĩa là chúng ta đang có ông bà cha mẹ kiếp này, cũng như nhiều đời nhiều kiếp ta hiện hữu, nghĩa là ta cũng đã có ông bà cha mẹ ở nhiều kiếp trước, nhưng do trôi lăn trong sanh tử nên ta không nhận ra mối quan hệ thân thiết đó.

Đức Phật qua con mắt trí tuệ bằng sự chứng ngộ tự thân, đã nhìn rõ sự luân chuyển đổi thay đó qua phần mở đầu của kinh Báo ân cha mẹ. Ở đây, đức Phật đã cụ thể hóa tinh thần Đa sanh phụ mẫu tức mối quan hệ giữa các thế hệ qua cử chỉ tự thân của Ngài:

"Bây giờ Phật lại lên đường

Cùng hàng đại chúng Nam phương tiến hành

Đáo bán lộ rành rành mắt thấy

Núi xương khô bỏ đấy lâu đời

Thế Tôn bèn vội đến nơi

Lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng…”.

Ngài A Nan và đại chúng rất ngạc nhiên trước thái độ cung kính của đức Phật đối với đống xương vô chủ. Để giải tỏa nghi tình này, đức Phật đã ân cần giải thích thái độ của Ngài, qua đó Ngài đã dạy chúng ta về quan niệm Đa sanh phụ mẫu một cách sâu sắc:

“Đống xương dồn dập bấy lâu

Cho nên trong đó biết bao cốt hài

Chắc cũng có ông bà cha mẹ

Hoặc thân ta, hoặc kẻ sanh ta

Luân hồi sanh tử tử sanh

Lục thân đời trước thi hài còn đây

Ta lễ bái kính người tiền bối

Và ngậm ngùi vì nhớ kiếp xưa…”

Chính vô minh nghiệp lực, vì chấp ngã ích kỷ nên chúng ta chỉ biết có cha mẹ đời này, và không hề biết gì về mối quan hệ luân hồi sanh tử nhiều kiếp khác. Đức Phật đã từng dạy rằng do nhân duyên nghiệp báo nên có thể một kiếp nào đó ta là cha mẹ là anh em, ở một kiếp khác là vợ chồng cha con, hoặc kiếp này là thân bằng quyến thuộc, kiếp khác là oan gia trái chủ, kiếp này mang họ Trần, họ Nguyễn, kiếp nọ là họ Đặng, họ Lê… Sự luân hồi này nào ai biết được, nào ai tỏ tường…?

Khi chưa tỏ ngộ sự luân hồi vay trả, trả vay, chúng ta cứ dửng dưng với những biến chuyển trong kiếp sống con người, nhưng khi đã tường tận gốc ngọn, chúng ta hổ thẹn về sự tăm tối mê muội của ta. Khi ta cư xử vô tình vô cảm với một người, biết đâu rằng ta đang vô tình với con ta kiếp trước, thô bạo làm đau khổ người khác, biết đâu rằng ta đang bất kính với cha mẹ ta. Ta có tình có nghĩa với người bên cạnh, biết đâu rằng ta đang đền ơn trả nghĩa với cha mẹ ta…

Từ đó suy ra, trong một cuộc sống phức tạp, đạo đức suy vi như hiện nay, chúng ta có thể tỉnh táo chiêm nghiệm, quán sát để có sự hiểu biết và hành xử hợp lẽ tốt đẹp, không gây đau lòng nhau.

Cảnh tượng:

Nhà kia lỗi đạo, con khinh bố

Cảnh nọ chanh chua, vợ mắng chồng”.

Chính là cảnh oan gia đối đầu, vay trả trả vay theo luật luân hồi nhân quả. Luân lý đạo đức thế gian chỉ ổn định phần ngọn, còn gốc rễ của vấn đề là phải am tường luật nhân quả, nắm bắt sâu sắc tinh thần Đa sanh phụ mẫu trong Hiếu Kinh để gây nhân lành hiếu thuận, từ hòa trung nghĩa, tạo quả tốt muôn đời.

Giáo dục tinh thần Đa sanh phụ mẫu, đức Phật muốn thiết lập cho chúng ta một quan điểm hành xử nhân bản lợi ích, giúp chúng ta biết tôn trọng, nhường nhịn, yêu thương giúp đỡ nhau, thấu suốt sợi dây chằng chịt trong kiếp nhân sinh. Trong tác phẩm Khuyến phát Bồ đề tâm, Tổ Tỉnh An cũng đã nêu rõ ý nghĩa Đa sanh phụ mẫu như sau: “Ta với chúng sanh từ nhiều kiếp lâu xa đến giờ, nhiều lần thay đổi làm cha mẹ lẫn nhau…, nay hai bên đầu chẳng biết nhau. Ta thường thấy những người lúc nhỏ xa cha mẹ quá lâu, khi khôn lớn cũng quên mặt mũi dung mạo, huống là những kẻ có nhân duyên thân thích với ta đời trước, bây giờ mỗi người mỗi họ đâu dễ gì nhận biết. Sự này, lý này phi kinh luận của Phật thì không dễ gì biết rõ ràng. Cho nên các vị Bồ tát thường coi con sâu con kiến là thân thuộc nhiều đời trong quá khứ”.

Trong kinh Pháp Hoa, Ngài Thường Bất Khinh Bồ tát gặp ai cũng cung kính xem như là một vị Phật, chính là thể hiện tinh thần Đa sanh phụ mẫu, ai cũng từng là cha mẹ của nhau: Đáng kính đáng trọng biết ngần nào! Đây cũng còn thể hiện con mắt trí tuệ siêu việt, nhận biết tất cả chúng sanh đều có giác tánh Bồ đề. Một trong vô số công đức tụ hội thành 32 hảo tướng của đức Phật, đó chính là tâm hiếu thuận với tất cả chúng sanh được biểu hiện qua tướng Nhục Kế vô Kiến đảnh, và được chúng sanh tôn xưng là Tứ Sanh Chi Từ Phụ.

Ý nghĩa của lễ hội Vu lan là nhớ ơn và trả ơn, là cứu khổ là giải thoát ngục tù xiềng xích, là khai mở con đường hướng thiện tự tâm, làm lợi lạc chúng sanh. Còn phân biệt là còn ngục tù, còn thân sơ là còn trói buộc, còn chấp ngã là còn xiềng xích. Mỗi người trong chúng ta từ bao đời kiếp đã bị vây hãm trong ngục tù ngã chấp, làm khô cạn dòng suối yêu thương nhân nghĩa, che mờ tâm Bồ đề hiếu thuận.

Bài kinh Phương Nam ngắn gọn nhưng chứa đựng tinh thần Đa sanh phụ mẫu sâu sắc, dạy ta biết nhớ ơn trả ơn, xem oán thân bình đẳng, không thân sơ thương ghét, là bài kinh đánh thức tình người hiếu thuận nhằm xây dựng trong tâm thức mỗi người chúng ta một nhận thức nhân bản sâu sắc về các mối quan hệ con người để lấp dần hố hầm ngăn cách và tháo gỡ xiềng xích khổ đau mà chúng ta đã trói buộc nhau từ bao đời kiếp. Trong ý nghĩa đó, Vu lan được tôn vinh là lễ hội tình người, lễ hội ân nghĩa, lễ hội đổi mới hồi sinh, chia sẻ và cứu giúp.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6799037