Thông tin

BÀI PHÁT BIỂU HỘI THẢO KHOA HỌC

“HÒA THƯỢNG KHÁNH HÒA VÀ PHONG TRÀO

CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM”

 

Kính thưa: .....................................................................

- Chủ tọa Hội thảo;

- Quí vị Học giả, các nhà nghiên cứu;

- Quý Chư tôn giáo phẩm, Chư tôn đức Tăng, Ni

cùng toàn thể quý đại biểu.

Trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân Bến Tre quyết tâm thi đua thực hiện phong trào Đồng khởi mới để vượt qua những khó khăn phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, góp phần tạo ra diện mạo mới trên quê hương Bến Tre “Xứ dừa” - Quê hương Đồng khởi. Người dân Bến Tre rất tự hào về vùng đất ba dãy dừa xanh ngút ngàn, quê hương giàu truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa, vùng địa linh nhân kiệt, có những người con ưu tú cống hiến xuất sắc cho đời, được người đời tôn vinh vì đã làm rạng danh quê hương, đất nước. Trong đó phải kể đến Hòa thượng Khánh Hòa, Người đi đầu trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Với ý nghĩa đó, hôm nay Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre và Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức Hội thảo khoa học “Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam và truyền thống Bến Tre” được tổ chức tại chùa Viên Minh, thành phố Bến Tre. Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre rất cảm kích khi được chọn là nơi tổ chức Hội thảo khoa học lớn trên địa bàn của tỉnh. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bến Tre, tôi xin gửi đến quý Chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Phật học, quí học giả, các nhà nghiên cứu; Quý chư tôn đức Ban Trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre và quý Tăng, Ni cùng Quí đại biểu tham dự Hội thảo khoa học hôm nay lời chào mừng và lời chúc tốt đẹp nhất, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Kính thưa quý vị đại biểu!

Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có diện tích 2.360km2, với dân số khoảng 1,387 triệu người. Bến Tre tiếp giáp với các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Thế mạnh của Tỉnh là kinh tế vườn và kinh tế biển.

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có 9 tôn giáo được nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với 501 cơ sở thờ tự; 1984 chức sắc; 2006 chức việc và hơn 230 ngàn tín đồ, chiếm 16,67% dân số toàn tỉnh. Trong đó, Phật giáo có 256 cơ sở thờ tự, 523 chức sắc và 119.000 tín đồ chiếm phân nửa tổng số tín đồ các tôn giáo khác cộng lại. Có lẽ vì là cái nôi của cụ Tổ - Hòa thượng Lê Khánh Hòa - người có công đầu trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, nên Phật giáo có phần hưng thịnh hơn các tôn giáo khác tại Bến Tre.

Thật vậy, ngày nay khi đến xã Phú Lễ, huyện Ba Tri (xưa là thôn Phú Lễ, tổng Bảo Trị, hạt Bến Tre) thì ai cũng biết đến Hòa thượng Lê Khánh Hòa và đặc biệt trong giới phật tử cũng như các chư Tăng, Ni Phật giáo cũng đều biết đến Hòa thượng, biết đến ông là người khởi xướng đầu tiên trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX với mục tiêu là: Chỉnh đốn Tăng già; Kiến lập Phật học Đường; Diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Qua các tài liệu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và những đóng góp quan trọng trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam và lòng yêu nước, ủng hộ cách mạng của Hòa thượng Lê Khánh Hòa cho thấy Hòa thượng là người có tố chất rất thông minh, tấm lòng từ bi, bác ái và ý chí kiên cường, quyết tâm tu học theo con đường phật pháp, đồng thời luôn yêu nước nồng nàn, tích cực tham gia bàn luận các hoạt động yêu nước chống ngoại xâm.

Đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Lê Khánh Hòa là người có công rất lớn, thông qua các hoạt động của Hòa thượng Lê Khánh Hòa cùng với các nhà sư yêu nước tiến bộ đã thấy rõ vai trò và sự quyết tâm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, bằng những phong trào hoạt động do Hòa thượng Lê Khánh Hòa sáng lập như: Chủ tịch “Nam kỳ nghiên cứu phật học hội”, “Lưỡng xuyên phật học”, chủ bút tạp chí “Từ âm bi”; tạp chí “Phật học duy tâm”, … đã quy tựu được rất nhiều vị cao tăng, trí thức phật giáo nổi tiếng Nam kỳ, nhân sĩ trí thức yêu nước trong công cuộc chất hưng Phật giáo Việt Nam. Tại Chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre nơi Hòa thượng Lê Khánh Hòa trụ trì đã tổ chức nhiều hoạt động truyền giảng giáo lý, phật pháp, đào tạo môn sinh, mở rộng tầm hoạt động, từ những hoạt động tích cực tiếng tăm của Hòa thượng Lê Khánh Hòa ngày càng vang xa và trở thành người có uy tín lớn trong Phật giáo Nam kỳ và Trung kỳ thời bấy giờ.

Với lòng kính trọng một vị cao tăng uyên thâm về triết học Phật giáo, có công xây dựng giáo hội; Năm 1951, Hội tăng già giáo hội và Lục hòa phật tử suy tôn Hòa thượng Lê Khánh Hòa làm Tổ của Phật giáo Miền Nam.

Đối với nhân dân và cách mạng Hòa thượng Lê Khánh Hòa là người rất thương dân và hết lòng ủng hộ cách mạng, tại Chùa Tuyên Linh, nơi Hòa thượng Lê Khánh Hòa trụ trì đã cùng với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh mở lớp dạy học, khám và bốc thuốc trị bệnh miễn phí cho nhân dân và thường xuyên đàm luận việc nước giữa Hòa thượng Lê Khánh Hòa với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và các vị cao tăng yêu nước như: Sư Đôn Hậu, Sư Thiện Chiếu, Sư Huệ Quang, …. Năm 1928, Mật thám Pháp phát hiện những hoạt động chống Pháp tại Chùa Tuyên Linh, để bảo vệ những người yêu nước, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã bí mật đưa cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc rời Chùa Tuyên Linh đến ở tại Chùa Hòa Long thuộc Cao Lãnh, Đồng Tháp. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, Hòa thượng Lê Khánh Hòa kêu gọi phật tử và nhân dân ủng hộ chính quyền cách mạng, tham gia xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng trong buổi đầu thành lập. Năm 1946 thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Bến Tre, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã tập hợp tăng, ni, phật tử huấn thị “Quốc gia khuynh nguy, thất phu hữu trách. Nước nhà đã độc lập mà người Pháp muốn đô hộ nước ta lần thứ hai. Các con là thanh niên, là sinh viên hãy cởi áo cà sa khoát chiến y lao ra trận mạc. Nếu ai muốn tu chờ nước nhà độc lập hãy trở lại tu hành. Hôm nay, thầy tuyên bố xả giới cho các con hãy lên đường cứu nước”. Tại ngôi bổn tự Chùa Tuyên Linh được Hòa thượng Lê Khánh Hòa sử dụng làm cơ sở hoạt động cách mạng, bảo vệ, nuôi giấu cán bộ cách mạng thời bấy giờ và sau này tiếp nối sự nghiệp Hòa thượng Lê Khánh Hòa, các vị trụ trì đều luôn thể hiện tinh thần yêu nước và Chùa Tuyên Linh vẫn tiếp tục là cơ sở cách mạng của tỉnh Bến Tre trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược. Năm Đinh Hợi (1947), lâm bệnh nặng, biết mình không qua khỏi, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã cẩn thận sắp xếp lại tổ chức trong đạo, căn dặn học trò và tín đồ tham gia vào cuộc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, niệm phật cầu mong đất nước được độc lập, Cụ Hồ mạnh khỏe, sống lâu.

Qua tiểu sử về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Hòa thượng Lê Khánh Hòa cho thấy 70 năm tuổi đời, 49 năm hành đạo, ông là người luôn có ý chí, quyết tâm tu thân, hành đạo rất tích cực và sáng tạo, hết lòng vì công cuộc chất hưng Phật giáo Việt Nam đồng thời là tấm gương cao đẹp về tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm, hết lòng bảo vệ cán bộ, ủng hộ cách mạng vì độc lập, tự do của đất nước và dân tộc. Tại bổn tự Chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre nơi Hòa thượng Lê Khánh Hòa trụ trì từ năm 1907 đã được Bộ Văn hóa – Thông tin quyết định công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Được biết trong thời gian qua, quý học giả, các nhà nghiên cứu cũng như Quý Chư tôn giáo phẩm Phật giáo đã dành nhiều thời gian, công sức trong việc thu thập nhiều tài liệu quý báu có liên quan đến Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã đóng góp trong Hội thảo lần thứ nhất Về Hòa thượng Lê Khánh Hòa, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong Hội thảo tại Bến Tre hôm nay, tôi mong muốn rằng Quý học giả, các nhà nghiên cứu, quý Chư tôn giáo phẩm Phật giáo tiếp tục cung cấp nhiều thông tin, tư liệu, bảo vật có liên quan đến Hòa thượng Lê Khánh Hòa nhiều hơn nữa, nhằm làm sáng tỏ thêm về những cống hiến xuất sắc của Hòa thượng đối với việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam và truyền thống yêu nước, thương dân, ủng hộ cách mạng của Hòa thượng lúc bấy giờ. Mong rằng cuộc khảo sát và Hội thảo khoa học về Hòa thượng Khánh Hòa tại Bến Tre của quý Chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Phật học, quí học giả, các nhà nghiên cứu đạt kết quả tốt đẹp nhất. Qua Hội thảo khoa học lần này, nhất định sẽ làm phong phú thêm giá trị những công trình nghiên cứu Khoa học về đóng góp lớn lao của Hòa thượng Lê Khánh Hòa trong phát triển Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, đồng thời ảnh hưởng sâu sắc và để lại dấu ấn rõ nét trong sự phát triển phật giáo Việt Nam hiện nay. Đó là sự tri ân sâu sắc nhất đối với danh tăng Việt Nam, đối với Hòa thượng Lê Khánh Hòa; đồng thời cũng hiểu thêm nhiều điều về truyền thống lịch sử, văn hóa và con người Bến Tre.

Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo tỉnh nhà kính chúc quý Chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Tôn giáo,Viện Nghiên cứu Phật học, quí học giả, các nhà nghiên cứu, cùng các tăng ni phật tử, quý đại biểu luôn mạnh khỏe, mọi điều viên mãn, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 30
    • Số lượt truy cập : 6495129