Thông tin

BÀI TRÍ TƯỢNG THỜ TẠI CHÙA PHẬT TÍCH NĂM 1937

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG*

 

Tương truyền chùa Phật Tích (tọa lạc ở sườn phía Nam núi Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) được dựng từ thời Lý1.

Mùa thu, tháng 9 năm Bính Ngọ, Long Chương Thiên Trị năm thứ nhất 1066, vua Lý Thánh Tông sai Lang tướng là Quách Mân xây dựng một cây tháp cao tại chùa. Sau khi tháp đổ mới lộ ra ở trong đó bức tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh nguyên khối được dát ngoài bằng vàng. Để ghi nhận sự xuất hiện kỳ diệu của bức tượng này, xóm Hỏa Kê (gà lửa) cạnh chùa đổi tên thành thôn Phật Tích.

Năm Chính Hòa thứ bảy đời vua Lê Hy Tông, năm 16862, chùa được xây dựng lại với quy mô rất lớn, có giá trị nghệ thuật cao và đổi tên là Vạn Phúc tự. Người có công trong việc xây dựng này là bà Trần Ngọc Am - đệ nhất cung tần của chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng3, khi Bà đã rời phủ Chúa về tu ở chùa này. Bà chẳng những có công lớn đại trùng tu chùa mà còn bỏ tiền cùng dân 13 thôn dựng đình.

Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), địa phương tiến hành sửa chữa chùa4.

Năm 1937, chùa bị xuống cấp theo thời gian, trong chùa có nhiều chỗ đổ nát, chính quyền Pháp giao cho trường Viễn Đông Bác Cổ, Hà Nội lập kế hoạch sửa sang lại chùa5.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, tới tháng 8 năm 1945 việc trùng tu chùa vẫn chưa được tiến hành.

 Năm 1948, khi quân Pháp tái chiếm Bắc Bộ, chùa bị tiêu thổ kháng chiến. Năm 1949, quân Pháp lại nã pháo vào khu vực chùa làm hỏng nhiều tượng và bia.

Khi hòa bình lập lại (1954) đến nay, chùa Phật Tích được khôi phục dần. Năm 1959, Bộ Văn hóa cho tái tạo lại 3 gian chùa nhỏ làm nơi đặt pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý giá.6

Tháng 4 năm 1962, nhà nước công nhận chùa Phật Tích là di tích lịch sử - văn hoá.

Năm 1991, chùa được xây dựng lại với kiến trúc đơn giản hiện có, gồm 7 gian tiền đường dùng vào việc đón tiếp khách, 5 gian Tam bảo thờ chư Phật, Bồ Tát, tượng đức A Di Đà bằng đá, 8  gian nhà Tổ và 7 gian nhà thờ thánh Mẫu.

I. Bài trí tượng thờ tại chùa Phật Tích hiện nay

1. Bên phải chùa là miếu thờ Đức chúa tức bà Trần Thị Ngọc Am là đệ nhất cung tần của chúa Trịnh Tráng tu ở chùa này, có câu đối “Đệ nhất cung tần quy Phật địa. Thập tam đình vũ thứ tiên hương”. Ghi nhận công lao trùng tu chùa và góp tiền cùng dân thôn dựng đình.

2. Bên trái chùa là nhà Tổ đệ nhất thờ Chuyết Chuyết Lý Thiên Tộ7.

3. Giữa chùa là pho tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh ngồi thiền định trên tòa sen, cao 1,85 m. Trên bệ và trong những cánh sen, có những hình rồng và hoa lá đặc trưng cho thời Lý.

4. Chính điện có các tượng Tam Thế, Tam Tôn, các ban thờ: Quan Âm Chuẩn Đề, Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Quan Thế Âm, vua Lý Thành Tông

5. Chùa còn có tượng 18 vị La Hán, bốn vị Thiên vương, hai vị Hộ Pháp.

Trừ tượng Phật A di đà, tượng Thiền sư Chuyết Chuyết ra, những tượng còn lại đều được làm từ năm 2008 đến nay.

II. Cách bài trí tượng thờ ở chùa Phật Tích năm 1937

Tháng 8 năm 1937, trên số 66 tuần báo Đuốc Tuệ - cơ quan hoằng pháp của Hội Phật giáo Bắc Kỳ đăng bài của Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật về cách bài trí tượng thờ tại năm chùa lớn và cổ ở Bắc Kỳ là chùa Bà Đá (Hà Nội), Liên Phái (Hà Đông), Phật Tích, Bách Môn (Linh Cảm tự, Bắc Ninh) và chùa Bằng (Báo Quốc tự, Hà Đông).8

Sơ đồ bài trí tại chùa Phật Tích như sau:

 

 

 

Chùa được kiến trúc theo kiểu "nội công ngoại quốc". Nhìn từ chùa ra, bài trí ở các hạng mục như sau (chú thích của Nguyễn Trọng Thuật):

A.Chính điện

1, 2, 3: Tượng Tam thế

4: Tượng Thích Ca Thế Tôn làm bằng đá, hình dáng người Ấn Độ

5: Tượng Ca Diếp

6: Tượng A nan da

7: Tượng Di Lặc

8: Tượng Phổ Hiền cưỡi voi

9: Tượng Văn Thù cưỡi sư tử

10: Tượng Thích Ca sơ sinh

11. Tượng Đế Thích

12: Tượng Phạm Thiên.

13: Tượng bốn vị Thiên Vương

14: Hương án

15: Tượng Quan Âm Tống Tử

16, 17: Hai tượng Quan Âm toạ sơn

18: Tượng A Di Đà

19: Tượng Quán Thế Âm

20: Tượng Đại Thế Chí.

21: Tượng Thánh Tăng

22: Tượng Thổ Địa thần

23, 24: Tượng 18 vị La Hán (mỗi bên 9 vị).

25: Tượng hai vị Hộ pháp.

B. Nhà Hậu đường

1. Các tượng của người lập Hậu

2. Tượng Quan Công

3. Tượng vua nhà Lý

4. Tượng ông Nguyễn Đồng Khoa

5. Tượng một vị Tổ trông rất linh hoạt

6. Tượng các Tổ (4 vị)

7. Bia

8. Tượng một bà lão đội khăn. Tương truyền là bà bán trầu nước ở chùa ấy, rồi sau được lập hậu.

C. Nhà thờ Tổ

1:    Khám thờ Tổ đệ nhất, bỏ cốt làm tượng

2, 3: Tám (8) tượng Tổ

4, 5:  Sáu (6) tượng Tổ

Chú thích của tác giả bài viết:

A. Tại chính điện

Số 4,5,6 là tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh. Ở đây tượng Thích Ca Thế Tôn làm bằng đá, hình dáng người Ấn Độ theo chúng tôi đó chính là tượng Phật bằng đá xanh lộ dưới chân tháp năm 1066 mà lâu nay ta vẫn gọi là Phật A Di Đà. Có lẽ Nguyễn Trọng Thuật ghi như trên là đúng vì ở hàng dưới là tượng Di Đà Tam Tôn (7, 8, 9). Nhưng cũng không rõ vì sao ở dưới lại có bộ ba A Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí nữa (18,19,20).

Số 21: là tượng Thánh Tăng, ở Việt Nam thường là A nan dà.

Số 22: Tượng Thổ Địa thần chính là tượng Đức ông (Cấp Cô Độc). 

B. Tại  Hậu đường

- Các tượng của người lập Hậu: có 3 người nhưng Nguyễn Trọng Thuật không ghi danh tính.

- Tượng Quan Công: tức Quan Vũ, tự Vân Trường – một vị tướng nổi tiếng trung nghĩa của Lưu Bị thời Tam quốc (từ năm 220 - 280), Trung Quốc. Ngài đã từng hiển linh ở núi Ngọc Tuyền thụ giới với ngài Thiên Thái Trí Giả học thiền ở Thần Tú Thiền sư. Cho nên trong chùa có đặt tượng thần giữ gìn giúp đỡ chùa mà được hưởng cúng tế. 0932345457

- Tượng vua nhà Lý: chính là vua Lý Thánh Tông

- Tượng ông Nguyễn Đồng Khoa, một vị quan làm đến tước Công thời Lê - Trịnh có nhiều công đức với chùa. Khi về trí sĩ, ông xuất gia, thụ Sa di giới tại chùa Phật Tích. Khi mất ông được lập tháp (nhỏ và thấp hơn so với các tháp Tổ khác) và có tượng thờ tại chùa.

- Tượng một vị Tổ trông rất linh hoạt: chưa rõ danh tính ngài và thời gian ngài trụ trì. Có ý kiến cho rằng đó là tượng Bồ đề Đạt ma tức Tổ Tây - người sáng lập dòng thiền Đại thừa Trung Hoa? Nhưng chúng tôi ít thấy chùa nào thờ Sơ tổ thiền tông tại nhà Hậu đường.

- Tượng 4 Tổ: Nguyễn Trọng Thuật không ghi danh tính các vị này.

- Bia: chữ bị mờ không đọc được. Có thể đây là Vạn Phúc Đại thừa tự bi mà năm 1949 bị đạn pháo quân Pháp bắn gày 1/2 bia. Bia ghi lại cảnh chùa sau lần xây dựng lại năm 1686? mà bản dập do Viện Viễn Đông Bác Cổ lưu giữ, sau này giao lại cho Viện Hán Nôm? dịch có đoạn: “... Trên đỉnh núi mở ra một tòa nhà đá, bên trong sáng như ngọc lưu ly. Điện ấy đã rộng lại to, sáng sủa lại kín. Trên bậc thềm đằng trước có bày mười con thú lớn bằng đá, phía sau có Ao Rồng, gác cao vẽ chim phượng và sao Ngưu, sao Đẩu sáng lấp lánh, lầu rộng và tay rồng với tới trời sao, cung Quảng vẽ hoa nhụy hồng…”.

- Tượng bà lão đội khăn: Nguyễn Trọng Thuật không ghi danh tính và công nghiệp của bà. Theo chúng tôi, có lẽ đây là tượng bà Trần Thị Ngọc Am người có công đại trùng tu chùa.

C.  Nhà thờ Tổ

- Khám thờ Tổ đệ nhất: tức ngài Chuyết Chuyết Lý Thiên Tộ. Ông mất tại đây năm 1644, thọ 55 tuổi, hiện nay chùa còn giữ được pho tượng của Chuyết công đã kết hỏa lúc đang ngồi thiền.

- Tám tượng Tổ và sáu tượng Tổ: cộng là 14 tượng Tổ không rõ danh tính và thời gian trụ trì chùa Phật Tích.

Nhận xét

Theo chúng tôi: Bài trí tượng thờ tại chùa Phật Tích cơ bản thực hiện vào thời Lê - Trịnh (Chiêu Tổ Khang Vương Trịnh Căn (1682-1709), được bổ sung thời Nguyễn Thiệu Trị (1841-1847) khi tiến hành sửa chữa chùa (ví dụ: các tượng như Quan Công? một số Tổ từ 1686 - 1846). Và, lập tượng các Tổ từ 1846 tới trước năm 1937?

Tới năm 1937, tổng số tượng các Tổ thờ tại Nhà thờ Tổ và nhà Hậu đường là 20 vị kể cả đệ nhất Tổ là Thiền sư Chuyết Chuyết. Tuy nhiên so với 40 tháp ở vườn tháp (thường là tháp các Tổ - vị trụ trì chùa) thì còn thiếu nhiều tượng các Tổ.

Kết luận

Năm 1991, có lẽ do điều kiện kinh phí khó khăn nên diện tích các hạng mục công trình trong chùa được xây dựng đều hẹp, một số tượng thờ bị mất mát nên cách bài trí tượng thờ ở chùa hiện nay khác nhiều so với cách bài trí tượng thờ năm 1937 đã nêu ở trên.

Ngày 11 tháng 10 năm 2008 Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã cùng chùa tổ chức lễ khởi công trùng tu, tôn tạo Di tích Lịch sử - văn hoá chùa Phật Tích với kinh phí nhiều chục tỷ đồng do Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hoá Trung ương thi công, gồm: Tứ trụ, gác chuông, toà Tam bảo, nhà tổ Đệ nhất, phủ Mẫu…theo mẫu kiến trúc chùa Phật Tích thời Lê.

Được biết, tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội còn lưu giữ bộ có 5 ảnh chụp cảnh chùa Phật Tích năm 1929 và 1937. Thiết nghĩ những người có trách nhiệm nên tham khảo các bức ảnh này trong xây dựng chùa mới và bài trí các tượng thờ trong chùa giống như cách bài trí năm 1937 sau khi cân nhắc loại bỏ những tượng Đó cũng là làm trang nghiêm cảnh chùa, sớm đưa chùa Phật Tích – núi Lạn Kha trở thành danh thắng.



* Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

1 Chương Phật giáo thời Lý, sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, do Nguyễn Tài Thư chủ biên, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1988 cho rằng chùa được dựng năm 1057. Có tài liệu viết: chùa được dựng vào khoảng thế kỷ VII-X, Theo chúng tôi vớí chi tiết khi xây tháp cao tại chùa lộ tượng Phật bằng đá xanh thì có lẽ chùa Phật Tích được dựng trong thời gian từ thế kỷ VII – X, chùa từng bị hỏng nặng (nên tượng Phật bị chôn vùi) rồi được dựng lại chăng?.

2 Trên tuần báo Đuốc Tuệ số 66 ra 1/8/1937, Nguyễn Trọng Thuật cho rằng chùa được trùng tu vào năm 1687 niên hiệu Chính Hoà thứ tám.

3 Thanh Tổ Nghi vương Trịnh Tráng (1572 - 1653), lên ngôi Chúa từ 1623 - 1653).

4 Tuần báo Đuốc Tuệ, số 66 ra 1/8/1937.

5 Báo đã dẫn.

6 Theo ông Nguyễn Quang Khải, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ phụ trách công tác tôn giáo UBND tỉnh Bắc Ninh – người nhiều năm nghiên cứu khảo sát các chùa ở Bắc Ninh cho biết: năm 1949, đạn pháo quân Pháp bắn trúng tượng Phật A di đà tại chùa Phật Tích làm đứt cổ, rơi đầu, một cụ già trong thôn đã ôm đầu tượng về cất giữ, sau này gắn lại.

7 Thiền sư Chuyết Chuyết (1590 – 1644) người tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ngài sang hoằng pháp tại nước ta năm 1633. Ngài trụ trì chùa Phật Tích, su sang trụ trì chùa Bút Tháp (Nhạn Tháp) thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngài mất tại chùa Bút Tháp nhưng nhục than lại đưa về chùa Phật Tích bó cốt làm tượng. Khi mất được vua Lê phong là Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư. Tượng của Ngài vỡ làm nhiều mảnh, năm 1993, tượng được Viện Khảo cổ khôi phục như hiện nay.

8 Sơ đồ bài trí tượng thờ tại năm chùa này được Trần Trọng Kim đưa vào phần phụ lục cuốn sách Phật Lục,  do Đuốc Tuệ xuất bản tháng 6 năm 1940 sau ngày Nguyễn Trọng Thuật mất (26/2/1940).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 83
    • Số lượt truy cập : 6952523