BÀI TỪ NGUYỄN LANG QUY CÓ PHẢI DO THIỀN SƯ KHUÔNG VIỆT VIẾT?
BÀI TỪ NGUYỄN LANG QUY
CÓ PHẢI DO THIỀN SƯ KHUÔNG VIỆT VIẾT?
VIÊN NHƯ
Nghiên cứu về bài từ này, hiện nay ta không có tài liệu nào khác ngoài Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) và Thiền Uyển tập anh (TUTA), còn các bản trong Việt sử tiêu án, Lĩnh Nam chích quái, Lịch triều hiến chương loại chí v.v.. cũng chủ yếu chép ra từ ĐVSKTT của Ngô Sĩ Liên mà thôi. Chính vì vậy cần tìm hiểu về chữ nghĩa của bài từ này và hoàn cảnh ra đời của nó cặn kẽ, sau đó xâu chuỗi các sự kiện cũng như lời lẽ của các bên cùng với không gian lịch sử lúc bấy giờ, từ đó chúng ta mới xem xét nội dung bài từ này có nằm trong dòng chảy tư tưởng của thời đại và con người lúc bấy giờ hay không. Bởi vì từ trước đến nay, đa số người viết về bài từ này đều có chung nhận định rằng đây là bài từ mà Khuông Việt thay mặt triều đình nước Việt viết để tiễn Lý Giác về Bắc với ngôn từ chứa đựng tình cảm thắm thiết. Sở dĩ, họ suy nghĩ như vậy là vì vin vào lời giải thích của Khuông Việt trả lời Lê Hoàn về bài thơ mà Lý Giác tặng Pháp Thuận. Theo ĐVSKTT thì Khuông Việt đã trả lời Lê Hoàn rằng "Đây nó muốn tôn kính Bệ hạ cùng với chúa nó không khác". Có thể từ lý do này mà người đời sau nghĩ rằng Lý Giác có cảm tình với nước Việt, từ đó bình giảng các bài thơ liên quan con người này theo hướng tích cực. Sự thật có như thế không? Bài từ Ngọc Lang quy có phải do Khuông Việt viết?
Ta biết rằng trong chuyến đi sứ sang Nam Việt của Lý Giác lần hai năm 987 có ba sự kiện được ghi lại trong chính sử:
1 – Cuộc đối đáp văn thơ trên sông Sách giữa người chèo đò (Pháp Thuận và Lý Giác).
2 – Bài thơ Lý Giác tặng Pháp Thuận.
3 – Bài từ Khuông Việt thay mặt vua quan nước Việt viết tiễn Lý Giác về Bắc.
Để nghiên cứu về bài từ Nguyễn Lang quy, trước hết ta hãy tìm hiểu xem những gì đã xảy ra trước đó cho đến khi Lê Hoàn sai Khuông Việt soạn bài từ tiễn Lý Giác.
Về câu chuyện đối đáp văn thơ trên sông Sách :
Năm (987), nhà Tống lại sai Lý Giác sang . Khi đến chùa Sách Giang,Vua sai Pháp sư tên là Thuận giả làm người coi sông ra đón. Giác rất thích nói chuyện văn thơ. Lúc ấy nhân có hai con ngỗng lội trên mặt nước. Giác vui ngâm rằng:
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nhai.
Ngỗng ngỗng hai con ngỗng,
Ngưỡng mặt hướng chân trời.
Pháp sư đương cầm chèo theo vần làm nối đưa cho Giác xem:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba.
Lông trắng phơi dòng biếc,
Chân hồng đạp sóng khơi.
Từ ngàn xưa tới giờ, sứ thần phương Bắc sang nước ta là để sắc phong, ra oai, hạch sách, đâu phải vượt gió băng ngàn cốt chỉ làm thơ chơi. Tư tưởng của những kẻ ấy luôn luôn là tư tưởng của kẻ mạnh, kẻ thống trị, ngôn từ mà họ đã dùng để chỉ Nam Việt bấy giờ là Nam man, mà theo cách nói ngày nay là mọi Nam thì làm gì có chuyện có cảm tình như người ta nghĩ. Ngay sự kiện này cũng cho thấy Lý Giác hiểu rất rõ rằng những người đón ông ta trên chiếc thuyền này (ngày nay ta gọi là phái bộ ngoại giao) đều là những người được tuyển chọn của nước Nam nên ngay cuộc gặp gỡ chưa chính thức này, ông ta đã ra một đòn phủ đầu:
Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nhai.
Ngỗng ngỗng hai con ngỗng,
Ngưỡng mặt hướng chân trời.
Nếu Lý Giác có hứng khi thấy hai con ngỗng đang bơi trên sông mà làm thơ thì sao không làm luôn cả bài, hoặc giả nếu như mới chỉ làm hai câu thì sao không giữ đó mà tiếp tục suy nghĩ để hoàn thành bài thơ, sao lại viết hai câu đưa Pháp Thuận xem (qua sự kiện này ta biết rằng hồi ấy chỉ có bút đàm thôi. Do đó hành động này của Lý Giác xem như là lời nói vậy). Tại sao Lý Giác lại nói vậy? Nó có nghĩa là gì? Nên nhớ rằng trong ngoại giao không có chuyện nói chơi, nhất là sứ giả. Dĩ nhiên, Pháp Thuận hiểu ông ta muốn nói gì. Lý Giác sử dụng hình ảnh hai con ngỗng để ví cho vua, quan nước Việt phải luôn ngưỡng mặt chầu về thiên triều. Vì hiểu được ý của Lý Giác nên Pháp Thuận bèn trả lời ngay:
Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bão thanh ba.
Lông trắng phơi dòng biếc,
Chân hồng đạp sóng khơi.
Như thế là Pháp Thuận hoàn thành được cả hai mặt, văn chương và hàm ý. Về văn chương thì ai cũng biết rồi, cả bốn câu làm thành một bài thơ như một bức tranh, nhưng còn hàm ý thì sao? Màu TRẮNG là tượng trưng cho sự công khai, ngày nay ta vẫn thường dùng các từ như: Cáo bạch, thông bạch hay sách trắng, nói trắng ra, trắng đen rõ ràng v.v.. PHƠI là khoe ra, phô ra, trình ra, DÒNG BIẾC là chỗ rộng rãi, bằng phẳng hay nói khác là quốc tế, bình đẳng. CHÂN là biểu tượng cho bộ phận đẩy toàn bộ cơ thể chuyển động, màu hồng biểu tượng cho sức mạnh, ở đây chỉ cho nội lực vì chân ngỗng chìm trong nước… ĐẠP là vượt lên, bất chấp mọi trở ngại, SÓNG XANH nghĩa là sự cản trở, không cho vượt lên. Như thế ta có thể hiểu rằng: Về mặt ngoại giao (Bộ Ngoại giao là nơi công khai chính sách của một quốc gia trên trường quốc tế) thì chúng tôi trình ra trên trường quốc tế về nền tự chủ của nước chúng tôi, nhưng nếu như ai đó gây ra sóng gió để mà cản trở thì chúng tôi có đủ sức mạnh nội lực để đạp lên mà đi tới.
Như thế là đã quá rõ, đây là một trận chiến bằng ngôn từ, hai con người đại diện cho hai đất nước và hai lập trường. Lý Giác thì kiêu ngạo, kẻ cả. Pháp Thuận thì mềm dẻo mà kiên cường. Tinh thần này đã được phản ảnh suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.
Nên nhớ rằng chỉ cách đó một năm, chính Lý Giác đi sứ sang nước ta để bảo lãnh cho hai tướng Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân bị ta bắt trong trận hải chiến trên sông Bạch Đằng (981) về nước với tâm lý ê chề của kẻ cả bại trận và giờ đây lại bị Pháp Thuận đáp trả thâm hậu như thế thì làm gì có chuyện Lý Giác có cảm tình với Pháp Thuận và nước Việt. Chắc chắn, Lý Giác giận lắm nhưng đành nuốt giận, vì tình hình nước Việt lúc này đã hoàn toàn khác. Trong tinh thần đó, Lý Giác làm một bài thơ tặng Pháp Thuận và qua Pháp Thuận nhắn nhủ tới nước Nam.
Về bài thơ Lý Giác tặng Pháp Thuận:
Hạnh ngộ minh thì tán thạnh du
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu
Đông đô lưỡng biệt tâm vưu luyến
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu
“Thiên ngoại hữu thiên” ưng viễn chiếu
Khê đàm ba tỉnh kiến thiềm thu.
Tạm dịch thơ:
May gặp thời bình giúp ngoại du,
Một mình hai lượt sứ Giao Châu,
Đông đô đôi bận xa lưu luyến,
Nam Việt ngàn trùng nhớ chẳng nguôi,
Ngựa đạp khói mây băng đá lở,
Xe qua rừng rậm, vượt dòng sâu
“Thiên ngoại hữu thiên” nên biết rộng
Sóng khe đầm lặng thấy trăng thâu.
Rõ ràng bài thơ này không có bất kỳ một lời lẽ nào để cho rằng Lý Giác có cảm tình với nước Việt.
Trở lại với lời giải thích của Khuông Việt. Như ta biết nội dung bài thơ này rõ ràng như đã giải thích trên, vậy tại sao Khuông Việt trả lời Lê Hoàn “Đây nó muốn tôn kính Bệ hạ cùng với chúa nó không khác". Ông không hiểu ý của Lý Giác nói gì trong bài thơ chăng? Với những gì ghi lại trong lịch sử, ta biết rằng vị trí của Khuông Việt trong triều đình còn cao hơn cả Pháp Thuận. Chứng tỏ đối với Lê Hoàn, Khuông Việt là người có tài đức và dường như ông tuyệt đối tin tưởng vào sự tham mưu của Khuông Việt, chính vì vậy, khi Pháp Thuận trình bài thơ lên, Lê Hoàn mới cho gọi Khuông Việt để hỏi ý kiến. Qua cách trả lời của Khuông Việt, ta có thể hiểu rằng:
Ông không những hiểu được ý đồ của phương Bắc thông qua con người Lý Giác mà còn rất rõ về con người Lê Hoàn, đồng thời cách trả lời của ông cho dù không phản ảnh đúng những gì mà Lý Giác ngầm gởi, nhưng cũng chẳng phải hoàn toàn vô căn cứ.
Về bài từ “ Ngọc Lang quy hay Nguyễn Lang quy.
Sau một thời gian ở nước Việt, Lý Giác trở về Bắc, vua sai Khuông Việt làm bài từ tiễn Lý Giác. Nguyên văn như sau: (Ở đây chỉ chọn hai bản)
Bản Thiền Uyển tập anh.
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương
Thần tiên phục đế hương,
Thiên trùng vạn lí thiệp thương lãng
Cửu thiên quy lộ trường
Nhân tình thảm thiết đối li trường
Phan luyến tinh tinh lang
Nguyện tương thâm ý vị Nam cương
Phân minh báo ngã hoàng.
(Trời quang, gió thuận, giương buồm gấm,
Thần tiên về cố hương.
Vượt sóng xanh ngàn trùng vạn lí
Đường về xa chín tầng trời
Tình người thắm thiết, cùng cạn chén li bôi
Vin thuyền bịn rịn tiễn hai chàng (đẹp trai)
Mong cùng thầm hiểu vì nước Nam
Rõ ràng bẩm báo cho vua tôi.)
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương,
Dao vọng thần tiên phục đế hương.
Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang (lãng),
Cửu thiên quy lộ trường.
Tình thảm thiết đối ly trường!
Phan luyến sứ tinh lang.
Nguyện tương thâm ý vị biên cương,
Phân minh tấu ngã hoàng.
(Trời quang, gió thuận, giương buồm gấm,
Dõi theo thần tiên về cố hương.
Vượt sóng xanh ngàn trùng vạn lí
Đường về xa chín tầng trời
Tình thắm thiết, cùng cạn chén li bôi.
Vin thuyền bịn rịn tiễn chàng sứ đẹp trai
Mong cùng thầm hiểu vì nước Nam
Rõ ràng bẩm báo cho vua tôi).
Bài từ này lấy tích Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi lạc vào chốn thiên thai, thời gian sau nhớ quê nên trở về, các tiên nữ tiễn hai chàng về mà lòng đầy lưu luyến. Chủ đề của bài từ là vậy, nhưng ở hai câu cuối lại lạc đề sang chuyện nước Nam với ý là mong Lý Giác thương tình mà khéo tâu với vua Tống về hoàn cảnh vua nước Nam. Theo tôi, cả hai bản TUTA và ĐVSKTT đều chép trực tiếp từ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, nhưng căn cứ vào câu “Phan luyến tinh tinh lang” và “Phan luyến sứ tinh lang” thì rõ ràng bản TUTA trung thực hơn. Vì như đã nêu trên, bài này nói về hai chàng trai, nên ở đây người viết mới dùng “Tinh tinh lang” có nghĩa là “Tinh lang, tinh lang” hai chàng trai tinh khôi, đẹp trai. Nhưng đến khi Ngô sĩ Liên viết ĐVSKTT ông sửa lại thành “sứ tinh lang” chàng sứ đẹp trai. Điều này cốt để cho hợp với chuyện ca ngợi nịnh bợ Lý Giác, nhưng lại hoàn toàn không đúng với tích trên. Đó là chưa kể chữ “lang” mà đi với chữ “sứ” thì quá ư khiên cưỡng. Qua bài thơ Lý Giác tặng Pháp Thuận cho biết ông ta sang nước ta bằng đường bộ, vậy sao lại lấy chuyện sóng nước, buồm giăng mà tiễn. Nếu có bịa để nịnh chăng thì cũng vừa vừa, chứ nịnh quá người được nịnh cũng xấu hổ huống chỉ cả triều đình vua qua; hơn nữa một thiền sư được vua sai mà lại viết như vậy, thì chắc rằng triều đình ấy gặp Lý Giác như chuột gặp mèo, nhưng thực tế xảy ra hoàn toàn ngược lại. Vậy có phải Khuông Việt viết bài “ Ngọc Lang quy “ này không?
Kết luận:
1 – Sự kiện đầu tiên là khi Lý Giác gặp Pháp Thuận trên sông. Lý Giác ngạo mạn, tưởng rằng nước Việt sẽ khúm núm, khiếp sợ uy phong của thiên triều, nhưng đã bị Pháp Thuận giội cho một gáo nước lạnh. Sự việc như vậy làm sao Lý Giác có cảm tình với Pháp Thuận và nước Việt được?
2 – Vì bực bội trong lòng nhưng không thể làm gì nên Lý Giác làm một bài thơ ca ngợi nước Tống, bày tỏ lòng trung thành, rồi kể công vất vả đi sứ và cuối cùng đe dọa nước Việt hãy “Coi chừng”. Đây là thái độ chung của các sứ giả phương Bắc chứ chẳng riêng gì Lý Giác, điều ấy đã được Trần Hưng Đạo ghi lại trong Hịch Tướng Sĩ như sau: “Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ”. Thế thì làm sao mà bảo Lý Giác tử tế, có cảm tình với nước Việt được.
3 – Qua hai sự kiện trên cho thấy Lý Giác chưa từng có chút cảm tình nào với nước Việt, vậy mà trước khi về nước, vua sai Khuông Việt làm bài từ tiễn Lý Giác, ngôn từ lại ủy mị, nữ nhi, tự hạ mình xuống làm kẻ chư hầu, thuộc cấp. Cả ba sự kiện này cùng xảy ra đối với những con người cụ thể và trong cùng một chuyến đi của Lý Giác. Vậy sao chỉ trong một thời gian ngắn, sự kiện trước lại mâu thuẫn với sự kiện sau toàn diện như vậy? Liệu có thật không?
4 – Qua phân tích trên, ta thấy nội dung của bài từ bất nhất, rõ ràng hai câu cuối được sửa chữa để phù hợp với việc tiễn Lý Giác; đồng thời hạ thấp vị thế nước Việt như kẻ bề tôi. Điều này chứng tỏ toàn bộ nội dung bài từ này đã có đâu đó rồi, ai đó chỉ lấy ra rồi sửa hai câu cuối rồi đưa vào sử mà thôi, chứ lẽ nào với tư cách là một thiền sư tăng thống, quốc sư được vua sai mà lại viết một bài ủy mị, nữ nhi và hèn yếu và lủng củng như vậy.
5 – Việc vua sai Khuông Việt viết hay soạn một văn bản nào đó tiễn Lý Giác là có thật và chắc rằng Khuông Việt đã hoàn thành nhiệm vụ đó, đồng thời nội dung tác phẩm đó nhất định phải thống nhất với tinh thần mà Pháp Thuận đã trả lời Lý Giác trên sông Sách, nhằm trả lời lại những gì mà Lý Giác đe dọa nước Việt trong bài thơ tặng Pháp Thuận như đã phân tích trên.
6 – Chính vì có thể nội dung bài của Khuông Việt mạnh mẽ quá, nên về sau ai đó đã thay nó bằng bài từ Ngọc Lang quy này. Đây không phải là chuyện cá biệt, ngay cả bài thơ Vịnh nga cũng không ngoại lệ. Xem (http://viennhu.vnweblogs.com/post/11641/182965).
Với tất cả những gì trình bày trên, tôi cho rằng bài từ “Ngọc Lang quy” hay “Nguyễn Lang quy” được ghi trong lịch sử không phải do Khuông Việt viết. Bản của Khuông Việt chắc chắn phản ánh được tinh thần tự chủ, tự cường của nước Việt lúc bấy giờ, mà tiêu biểu như những gì Pháp Thuận đã trả lời Lý Giác. Còn bản Ngọc Lang quy là bản đã được ai đó đưa vào ĐVSKTT nhằm thủ tiêu nguyên bản của Khuông Việt với mục đích rằng chính người Việt đã chấp nhận phận bề tôi đã hạ mình như thế nào cho dù đó mới chỉ là một sứ thần phương Bắc. Điều đáng buồn là trong khi người ta dùng những từ ngữ miệt thị, khinh khi mình, thì mình lại cố uốn nắn lời nói của họ thành những lời đường mật để tự ru mình.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 17 – THÁNG 7 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
Bình luận bài viết