Thông tin

BẢN DỊCH KHOÁ HƯ LỤC CỦA CƯ SĨ THIỀU CHỬU

 

PGS PHAN VĂN CÁC
Nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm

 

Cư sĩ Thiều Chửu đã để lại một sự nghiệp trước tác Phật học đáng trân trọng, trong đó có ngót 50 dịch phẩm bao gồm một số kinh sách căn bản của nhà Phật.

Bài viết này sơ bộ khảo sát bản dịch Khoá hư lục1 của ông, qua đó tìm hiểu những đặc điểm và những cống hiến của ông trên lĩnh vực dịch thuật.

Khóa hư lục là tác phẩm đặc sắc của Trần Thái Tông làm ra khi truyền ngôi, xuất gia tu thiền, nghiên cứu đạo Phật mà Phan Huy Chú đã khái quát là "ý văn tỏ rõ niềm vui thích cảnh đẹp núi rừng, coi ngang lẽ sống chết, chí thú khoáng đạt2".

Khoá hư lục "là một bộ sách quan trọng và xưa nhất chúng ta còn giữ được" và "Trần Thái Tông không chỉ là một nhà tu hành đắc đạo, lại là một nhà triết học sâu sắc và một nhà thi sĩ trữ tình dào dạt, chủ trương thanh tĩnh một cách rất sôi nổi xúc động. Tất cả những bài kệ đều là thơ, thơ thất ngôn, ngũ ngôn hoặc tứ ngôn, tất cả những bài khác đều là văn biền ngẫu chặt chẽ và đầy hình tượng3".

Với Khoá hư diễn nghĩa, Thiều Chửu đã chọn dịch và giới thiệu đúng một tác phẩm có giá trị lớn cùng với Thiền Uyển tập anh, Tam tổ thực lục, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Thiền tông bản hạnh, Đạo giáo nguyên lưu, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh v.v... là những cột mốc quan trọng trong lịch sử Phật học Việt Nam. Ông nhận định "thực là bộ kinh cứu khổ cho đời", "quyển trên thuyết rõ cái sắc thân người ta là giả, là không, người ta ở đời phải chịu bốn nỗi sinh, già, ốm, chết như núi như bể, phải biết trông gương các bậc hiền triết mà tu, mới mong thoát khỏi; quyển giữa và quyển dưới thì dạy đủ các phép sám hối tu trì...", "trong kho sách Phật nước nhà có lẽ bộ này là hoàn toàn đặc sắc hơn cả, cho nên dịch giả định kêu là Kinh Khoá hư thì có lẽ hay hơn4".

Về nội dung, Khoá hư lục là một tập bài giảng về lẽ hư không, trình bày cái bản thể chân như, cái tự tính siêu việt và trạng thái tinh thần yên tĩnh không hề chấp trước để có thể thực hiện sự kiến tính. Tác giả Khoá hư lục đã kết hợp hài hoà phép đốn ngộ với phép tiệm ngộ, giữa con đường giải thoát tự lực với con đường giải thoát bằng tha lực, đã quan tâm không chỉ sự giải thoát của bậc thượng trí mà cả sự giải thoát của hạng hạ trí. Đó cũng là nét đặc sắc của Thiền tông thời Trần.

Nội dung sâu sắc và giá trị lớn lao như vậy đã khiến cho Khoá hư lục trên thực tế là một tác phẩm rất khó dịch.

Chính Thiều Chửu đã thành thật thừa nhận : "Trong bộ sách này có nhiều đoạn ý nghĩa cực kỳ sâu xa, ... dịch giả chưa dám quyết là đúng, dám xin các bậc cao minh sửa đổi lại cho, khi nào tái bản chúng tôi chữa vào ...5"

Không riêng Thiều Chửu, một học giả uyên bác như Đào Duy Anh cũng nói tương tự :"Khoá hư lục là một tài liệu khó phiên dịch và chú giải, chúng tôi đã cố gắng vận dụng hết sức hiểu biết của mình nhằm cung cấp tài liệu chính xác cho những người nghiên cứu trẻ tuổi, song như ếch ngồi đáy giếng, kiến thức còn nhiều phần chật hẹp, xin các nhà bát nhã, nhất là trong giới Phật học, thứ cho cái tội đánh trống qua cửa nhà sấm, mà lấy lượng khoan dung uốn nắn cho.6"

Để khắc phục khó khăn trong dịch thuật, mỗi dịch giả thường xác định cho mình một nguyên tắc làm việc nhằm giải quyết mối quan hệ giữa tín và nhã nhiều khi không thống nhất được, thậm chí mâu thuẫn gay gắt với nhau.

Cách làm của Thiều Chửu là :"Nguyên văn chữ Hán là thể văn biền ngẫu, cứ lối văn Hán mà bàn thì tụng đọc có vẻ tham thú, nhưng dịch sang quốc văn mà cứ theo thể văn Hán thì ý nghĩa không rõ ràng tách bạch. Cứ ý dịch giả thì mỗi lối chữ có một thể văn riêng, đọc sách cần phải hiểu nghĩa, nên dịch giả dịch theo lối tản văn cho dễ hiểu. Những câu nào có điển tích khó, có bài lược giải ở duới sách"7.

Còn Đào Duy Anh thì nói :"Về cách dịch thì chúng tôi cố gắng dịch sát nghĩa và ý, theo đúng thể thơ và biền ngẫu của nguyên văn."8

Như vậy theo tuyên ngôn của các vị thì dường như Thiều Chửu trọng tín hơn nhã. Tuy nhiên, đọc kỹ bản dịch của ông, đối chiếu với nguyên văn thì thấy nhìn chung đó là một bản dịch vừa tín vừa nhã, mặc dù có đôi chỗ ông tỏ ra không câu nệ tính biền ngẫu cân đối, nhưng trên tổng thể vẫn bảo đảm được chất lượng văn học rất cao của nguyên tác. Nhiều đoạn văn dịch còn truyền đạt được nhạc tính của câu văn. Xin nêu vài đoạn làm thí dụ :

Nguyên tác :

Nhất thiên minh mị, thôn thôn liễu lục hoa hồng;

Vạn lý phong quang, xứ xứ oanh đề điệp vũ.

Thiều Chửu dịch :

Một trời sáng đẹp, nơi nơi hoa thắm liễu xanh;

Muôn dặm phong quang, chốn chốn oanh kêu bướm liệng.

Hay nguyên tác :

Mật lâm mậu thụ, kim phong nhất phiến kỷ phù sơ;

Thanh tướng thuý phong, ngọc lộ sơ thuỳ tăng lãnh lạc.

Thiều Chửu dịch :

Cây xanh rừng rậm, gió vàng một trận thấy lơ thơ;

Ngàn biếc non xanh, móc ngọc vừa sa thêm lạnh lẽo.

Hay :

Điêu tường tuấn vũ dĩ hề vi,

tích ngọc đôi kim tri hà dụng.

Dạ đài u yểm, không văn sóc xuý sưu sưu;

Tuyền hộ trường quynh, đàn kiến sầu vân thảm thảm.

Thiều Chửu dịch :

Tường hoa nhà rộng có làm chi,

Kho ngọc đống vàng vô dụng hết.

Dạ đài khép kín, luống nghe gió bấc vì vèo,

Tuyền hộ đóng tràn, chỉ thấy mây sầu ngùn ngụt.

Và :

Lân kê báo ngọ, hi ngự đương dương,

Liêu thiên chi hồng thái phương trung;

Táp địa chi lục dương thuỷ chính,

Ảnh chiếu nhi đình hoa lộng ngọc,

Phong lai nhi đễ liễu dao kim,

Huy huy trước trước diệu dao đài,

Toái toái đoàn đoàn trùng ngọc thế.

Thú lư hương niểu, thiên tình nhật lệ bích tiêu trung;

Tiên chẩm thuỵ nùng, trú vĩnh lậu hi chu các thượng.

Thịnh hạ tắc kim lưu thạch thước;

Long đông tắc vụ liễm tuyết tiêu.

Phong trung nhi tạp ế toàn thu;

Li chính nhi quần âm tận tảo.

Đối cảnh tính thiên động triệt;

Đương thời tâm địa chiếu dung.

Đầu đầu tổng hữu quang minh;

Bộ bộ liễu vô hắc ám.

Dịch :

Vầng dương đứng bóng tròn xoe,

Tiếng gà láng giềng báo ngọ.

Vẻ hồng trời đang đứng giữa;

Màu xanh liễu mới thấy khoe.

Nắng giọi hoa sân như ngọc múa,

Gió đưa cành liễu tựa vàng tô.

Long lanh chói lói ánh dao đài,

Thấp thoáng chập chùng lồng bệ ngọc,

Thơm lừng lò thú, trời quang nhật tỏ chốn mây xanh;

Ngủ kỹ gối tiên, ngày vắng lậu thưa nơi góc tía.

Mùa hạ thì đá sôi vàng chảy,

Mùa đông thì sương lở tuyết tan.

Đứng bóng thì đám bụi thu quang,

Sáng tỏ thì mây mù quét sạch.

Đối cảnh tính trời sáng suốt,

Đang khi tâm địa soi thông.

Thảy đều sáng trưng

Sạch không đen tối.

Tôi muốn nói thêm rằng khi dịch lại Khoá hư lục năm 1974, Đào Duy Anh cũng rất coi trọng bản dịch của Thiều Chửu ở thập niên 30, bằng chứng là trong các chú thích của mình, học giả họ Đào đã hơn một lần nhắc đến Thiều Chửu.

Như trường hợp ở bài kệ Vô thường cuối quyển hạ, có cụm từ "phùng hoàng diện công", Đào Duy Anh đã ghi chú :"Phúc Điền hoà thượng giải là gặp Phật Di Đà, chúng tôi cũng theo nghĩa âý mà dịch. Thiều Chửu dịch là Phật đà" (PVC nhấn mạnh).

Hay ở bài Khải bạch đầu quyển trung, có hai câu :

Tiêu trung mộng lý kí hôn hôn,

Giác hậu tâm đầu do nhiễu nhiễu.

Đào Duy Anh dịch :

Nửa đêm giấc mộng đã mơ hồ,

Tỉnh dậy mối lòng đà vội vã.

và chú thích rằng "dịch theo Thiều Chửu và Nguyễn Trọng Thuật". (Bản dịch của Thiều Chửu là:

(Trong đêm hồn mộng đã mơ màng,

Tỉnh dậy tâm đầu còn bối rối.)

Đặc biệt ở bài Khuyến phát tâm văn trong quyển thượng, có điển tích "thực bính vong thê" (ăn bánh bỏ vợ), Đào Duy Anh đã chú thích rõ ràng :"Về điều này ông Thiều Chửu (tạp chí Đuốc Tuệ) có lời chú rằng theo kinh Bách Dụ thì có hai vợ chồng nhà nọ có một cái bánh, không ai chịu nhường ai, sau quyết định rằng hễ trong hai người ai nói trước thì mất ăn bánh. Hai người ngồi lặng im nhìn bánh cho đến đêm có đứa kẻ trộm vào ăn trộm, thấy hai vợ chồng ngồi yên như thế, lấy đồ xong bèn đến trêu người vợ. Thấy chồng ngồi yên, người vợ tức quá mắng chồng là đồ ngốc, người chồng thấy vợ nói liền vỗ tay đắc thắng lấy bánh ăn, để mặc cho kẻ trộm trêu vợ."

Chỉ một mẩu chú thích nhỏ này cho thấy thái độ tự học nghiêm túc, trung thực của học giả Đào Duy Anh khi kế thừa thành quả nghiên cứu của người khác, đồng thời cũng nói lên sự trọng thị của ông đối với bản dịch của Thiều Chửu.

Cũng như vậy, ở trường hợp dịch chữ "luỹ lí" (vốn nghĩa là cái sọt, cái giành để đựng đất) trong bài Phổ thuyết sắc thân, Đào Duy Anh đã dùng lại cách dịch "Lấy nong mà đậy" của Thiều Chửu và ghi chú rõ "dịch theo Thiều Chửu".

Tưởng không cần dẫn chứng rườm rà thêm cũng có thể kết luận rằng: Mặc dù từ năm 1974 đã ra đời bản dịch Khoá hư lục của Đào Duy Anh, một bản dịch chất lượng cao mà ưu điểm nổi trội tuyệt đối là công phu khảo cứu phiên âm sách Khoá hư giải âm của Phúc Điền Hoà thượng viết bằng chữ Nôm ở thế kỷ XIX, cùng với phần dịch thêm những bài luận và tự kèm 368 mục chú thích cực kỳ tỉ mỉ, uyên bác, mặc dù vậy bản dịch Thiều Chửu vẫn giữ nguyên giá trị của nó, xứng đáng là một bản dịch tín nhã đạt, là một cột mốc không thể nào quên trong lịch trình dịch chú Khoá hư lục, và cả trong lịch sử dịch thuật của nước nhà.

Đương nhiên bản dịch của Thiều Chửu chưa phải là toàn bích. Như trường hợp ông dịch chữ thác thược thành "cái túi" trong câu :

Bất luận thượng trí hạ ngu, tận thuộc phôi thai chi nội,

Khởi vấn nhất nhân triệu tính, hàm quy thác thược chi trung.

Dịch thành :

Chẳng kể chi bậc rất khôn hay bậc rất ngu, đều ở trong bào thai cả,

Chẳng kể chi một người hay cả muôn họ, đều về cái túi kiền khôn ráo.

Đúng ra, thác thược là cái ống bễ lò rèn, đây chỉ cái lò Tạo hoá.

Tuy nhiên, chỉ một lỗi nhỏ ấy không thể làm lu mờ công lao phiên dịch cả một bộ sách lớn và khó như Khoá hư lục.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 98
    • Số lượt truy cập : 6951991