Thông tin

BẢN SẮC KHOA HỌC TRONG ĐẠO PHẬT

LIÊN QUAN ĐẾN “THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN”

(Paticcasamuppàda)

 

TUỆ LẠC

 


 

Xưa nay, ít ai ngờ rằng “tư tưởng khoa học rất có thể đã bắt nguồn từ Phật học”. Hay nói cách khác, “nội dung giáo lý của bậc giác ngộ” (Sammà Sambuddha), đã là nền tảng tự nhiên của phẩm cách thấy đúng (chánh kiến) và suy nghĩ đúng (chánh tư duy), dẫn đến sự khám phá ra các thực tại sự sống, dựa trên liên quan lý hóa (= nhân quả) và những “biến hành tương duyên”, như khoa học đã và đang làm.

Nhưng khoa học chỉ chú trọng vào vật chất cụ thể, -trong khi đó thì Phật giáo lại thuyết minh đến cả hai phương diện là vật chất và tinh thần. Nhất là Phật học vô tư làm nổi bật các “liên quan tâm vật” của mọi hiện tượng, hữu hình lẫn vô hình (thấy được hay không thấy được), đang tuần tự vận hành, đồng thời biến hóa trong khung cảnh sống!

Theo Phật học thì từ lâu… sự phát minh của con người “rõ ràng đã là hiệu lực của sự kích thích viễn tượng (perspective) của những cái “thấy” do tâm thức an định (pleine conscience, esprit concentré), và trải nghiệm (expérience) đối trước các phương tiện mưu sinh, của hỗn hợp thể xác và tinh thần”. Từ đó, những khối óc xuất sắc đã khám phá ra nhiều thực trạng lý hóa hữu dụng, thiết lập rồi bổ túc, và hình thành toàn bộ những giai đoạn văn minh nổi bật, - đặc biệt là tiến bộ cơ khí”, thuần túy hướng động!

Đáng tiếc, đa số những chuyên gia phát minh, ít ai chịu đặt câu hỏi “viễn tượng nào có thể dẫn đến sáng tạo nhu cầu nào” (- đáp ứng vật chất hay đáp ứng tinh thần?), có năng lực đủ mạnh để “kích thích bộ óc con người” (!), để xác nhận chỉ nam cho những “khái niệm sơ khởi về khoa học” trong hỗn hợp tâm vật đang sinh hoạt nặng về sự sống?

Xin nói thẳng rằng, ấy không phải duy nhất là kích thích bởi “viễn tượng nhu cầu vật chất” (vật liệu, bản năng), mà ấy còn là kích thích của “viễn tượng nhu cầu tinh thần” (tạm đặt tên là “đáp ứng dòng điện tâm linh”), vừa thuận lẫn vừa nghịch, vận hành một cách tương dung lẫn tương phản, cần thiết cho mọi “mạch sống” trong thân thể sinh động vật, đặc biệt là con người.

Và hiển nhiên, “sự sống thanh tịnh, tỉnh giác”, là vận hành quân bình và lành mạnh sẽ biến hóa tốt nhất cho “dòng điện tâm”. Phẩm cách ấy đối với đạo Phật là “phương tiện chủ lực” để xác định các “nguồn gốc” của trí tuệ, của phát minh và của tiến hóa, vẫn chưa được nhiều khoa học gia nhìn nhận, và phổ biến đến nhân loại, như một nền tảng bình an hạnh phúc, để khuyến khích nhân loại thường xuyên sống thanh tịnh.

Cho đến nay, hai chữ “giác ngộ” vẫn chưa được “tìm hiểu” một cách chính xác, là “biết đúng mặt thật của sự vật”. - Hoặc đức “Phật” chưa được xác nhận là một “nhân vật toàn tịnh” có năng lực thấy biết tận cùng chiều sâu của mọi vấn đề, chứ ngài không phải là một “thần linh” để “ban phước xá tội”. “Phật là một con người thuần khiết”, không có tâm xung đột với bất kỳ ai. ngài sống bằng trọn vẹn tâm tỉnh thức, đầy nội lực nhận diện đúng mọi tiến trình đổi thay và biến thiên trong thực tại.

Hay Phật là hiện thân của “năng lực tuyệt sáng”, với “mắt tâm thấy rõ” vạn vật một cách vô ngăn ngại. Từ đó, Phật có thể minh sát (vipassati), biết tất cả những vận hành cực tiểu (micro) lẫn cực đại (nano) của mọi hiện hữu, giữa vũ trụ mênh mông. -Ví như trong khoa học ngày nay, người ta dùng “siêu kính hiển vi” hay “siêu viễn vọng kính” là để “thấy rõ” đối tượng (trong mọi hoàn cảnh) vậy!

Từ đó, “các pháp” Phật nói ra, vốn không phải là những diễn tả thường tình, chỉ căn cứ trên hình thức (tạm thời), mà ấy là “những thông điệp” của “siêu khoa học” và của “khám phá tuyệt vời” trong vũ trụ, cực đại cũng như cực tiểu.

Dĩ nhiên, dùng đôi mắt thịt và tư duy phàm phu, con người không thể thấu đáo được sự thật. Lý do, là khả năng con người tục lụy luôn luôn bị tham dục khống chế. Cái biết của con người chỉ là những “quy nạp trễ thời”, dựa trên bề mặt của vật chất hóa học, phối hợp với cảm giác tâm lý chật hẹp trong mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, kể từ khi khoa học điện tử (électronique) và lượng tử (quantique) ra đời đến nay, nhiều nhà khoa học đã ngẫu nhiên tìm thấy những tương đồng rất xứng đáng trong kinh điển nhà Phật, liên quan đến các khám phá khoa học. Tiêu biểu nhất là nguyên tắc “phản động vì có động” (action-réaction = kamma vipàka paccaya) trong khoa học, đối chiếu với qui trình “nhân duyên quả tương quan” (causes et effets interdépendants = paticca samuppàda) trong Phật giáo. Sự thật tương quan ấy đã thay đổi tư duy của con người, dù cho “thuần túy duy vật”, kể cả các nhà khoa học.

Và “hiện tượng” đó cũng làm cho hầu hết “trí thức” trên thế giới nói chung, và trí thức theo đạo Phật nói riêng, không thể không nhìn thấy “bản sắc khoa học” trong đạo Phật, để không những củng cố niềm tin, mà còn xác chứng là mình tin đạo Phật chẳng phải là mê tín.

(Còn các hình thức “cúng bái bí truyền”, đầy vẻ “cầu cứu quyền năng” nếu tìm thấy trong một số nhà chùa, thì đó là do những người sau nầy thêm vào, chứ không phải đức Phật để lại).

Khi cống hiến loạt bài nầy, chúng tôi hoàn toàn không muốn rơi vào “vết xe chủ quan”, mắc dính thiên kiến, để bồng bột dựa vào những “trích dẫn” vô căn cứ. Chúng tôi chỉ sưu tập những điều tương xứng, được kiểm chứng một cách vô tư, liên quan đến giáo lý nhà Phật, mà các nhà khoa học đã đề cập.

Có lẽ trước khi trình bày, các khoa học gia đã “nghiên cứu” qua kinh điển Phật giáo, và thẳng thắn qui nạp những “Phật ngôn căn bản”, dựa trên “thực hành” của đức Phật. Rồi họ so sánh với các diễn tiến khoa học, để thấy rằng, Phật luôn luôn khuyên các đệ tử áp dụng đúng giáo pháp giác ngộ, mới có thể đạt được mục đích. Đó chẳng khác nào công phu thực nghiệm trong khoa học.

Nghĩa là cách thức mà Phật cải thiện hành động con người, khá giống như “kỹ thuật sáng tạo, rèn luyện, và bổ khuyết” (creation, entrainement et perfection), đưa đến kết quả mỹ mãn trong khoa học.

Sau đây là một vài sưu tập khiêm nhượng, liên quan đến “bản sắc khoa học” của đạo Phật, mà chúng tôi đã thu lượm được, từ những tài liệu khám phá, trong văn minh nhân loại. Nhiều khoa học gia đã vô tư phát biểu (về Phật ngôn) rằng “bản sắc khoa học ấy, chẳng những có mặt trong lãnh vực phát triển tinh thần, mà còn đủ khả năng cải tạo vật chất nữa”, nhằm bổ khuyết cho sự sống không tránh được hai khuynh hướng “duy vật” và “duy tâm” trong xã hội hiện tại.

- Không như “khoa học” ngày nay, luôn luôn hướng về cung cầu đời sống, chỉ chú trọng đến “tối tân hóa vật dụng”, tuân theo tiếng gọi của đòi hỏi năm cảm quan. “Nó” đã trở thành đầy “quyền lực”, mỗi ngày một trở nên “ưu tiên” đào sâu vào sự “sáng tạo” và “chế biến vì lợi nhuận”, (nhiều khi còn “méo mó” cả công thức gốc, nhằm mục đích thương mại, thỏa mãn sự đầu tư, hơn là “khoa học phục vụ con người”! - Một tình trạng rất đáng buồn, hay biến “khoa học trở thành kỹ thuật giả mạo”, bất chấp lương tri, làm bạc nhược ánh sáng của dòng điện tâm, hay trí tuệ (Nàna)!

Nhưng thành quả (= cứu cánh) của đạo Phật thì hoàn toàn khác. “Khả năng chính” của giác ngộ (sammà sambuddha) là tâm linh cường tráng, sáng suốt, tinh khiết, vô cực, hóa giải hết vô minh (avijja), dẹp bỏ ngu si vì hưởng thụ. “Hoa trái đầu tiên” của hiệu lực đó là chánh kiến (sammà ditthi), một “tuyệt phẩm” (Agga parami) trong Bát Chánh Đạo (Atthangika magga) thuộc Phật học.

Với “Bản sắc khoa học”, Phật giáo nêu vấn đề và thuyết minh rằng:

- Mọi “hiện hữu” đều đến từ tình trạng “avijjà” = “vô-minh” (Pali).

Chữ “Avijjà” ở đây có nghĩa triết học đặc biệt, là “không rõ”, “chưa biết”. Danh từ Phạn ngữ “Avijjà” này, xưa nay cũng còn được dịch thông thường là “vô minh”. Nếu viết ra “dạng gốc”, thì chúng ta có “vijja” là trong sáng, ngược lại với “avijjà”, là mờ đục, không rõ, hay u-minh, tranh tối tranh sáng, không giúp phân biệt được thật giả chân ngụy. Hiệu lực của vô minh (Avijjà) là tạo ra toàn bộ lẫn lộn.

- Ngoài ra, vai trò của tiếp đầu ngữ “a” trong một số trường hợp chuyên chở cái nghĩa “phủ định”, còn ám chỉ “sự không thật có” hay “chẳng phải là”. Ví dụ “anattà” nên hiểu là “không thật có ngã” hay “chẳng phải là ngã”.

Xin phép nói về “NGÔ một chút:

Người ta lầm tưởng cho rằng, “một phần” hay “tất cả 5 uẩn” (= Panca khandhà gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức) là bản vị nhất định của cái tôi (= ngã). Nhưng trong chiều sâu, sắc thọ tưởng hành thức hợp thành “thân tâm” con người, chỉ là “hội đủ điều kiện” và tạm thời, vô thường, phù du, chẳng bền vững. “Năm uẩn” ấy xuôi theo chu kỳ sinh lão bệnh tử, hiện hữu rồi biến mất, sau cùng sẽ hoàn không. Cái bản vị “tôi” hay “ngã” trong sự hợp tan ấy, vốn không có (natthi).

Để nói lên sự thật rốt ráo, Phật học tiếng Phạn nêu ra chữ “anatta”, chúng tôi thiết nghĩ cần phải dịch “anatta = không phải ngã”. - Hay nói trọn câu “ngũ uẩn chẳng phải là ngã”, hoặc “trong ngũ uẩn, không có “ngã”, không có “cái tôi vĩnh viễn”. - Nhưng Phật học không xác định một cách cứng ngắc rằng “tuyệt đối không có gì tương xứng với “một phẩm giá”! Tức là Phật học chỉ nói về “ngũ uẩn” mà thôi!

* Theo Phật học, “đoạn diệt” cũng là một loại tà kiến (miccha ditthi). Cực đoan nầy hằng có thể triệt tiêu sự tiến hóa, giác ngộ! Trong chánh kiến không có đoạn diệt!

- Còn việc… ngoài ngũ uẩn ra, có phẩm cách gì xứng đáng với “tính siêu thoát” của một thánh nhân (ariya puggala) hay không (!), thì Phật học “không khẳng định một cách tuyệt đối”. Chúng ta cần “cẩn trọng” và minh bạch điều này, kẻo sự mâu thuẫn sẽ đưa đến “lẫn lộn”, khó “thông thoát” một cách toàn xả được!

Mâu thuẫn ở đây là chấp Có và chấp Không!

- Với câu nói được gạch dưới trên đây, chúng ta cũng có thể hiểu khác, rằng... Phật học “có thể khẳng định phẩm cách ấy, một cách tương đối”. -Vì sao “tương đối” ?

- Vì chúng ta còn luân hồi, đang tu tập, chưa toàn xả (=giải thoát), nên gọi là “tương đối”. Chúng ta chỉ tin vào kinh điển, dĩ nhiên càng gần với nguồn gốc Phật giáo càng tốt, và do niềm tin (chánh tín), mà chúng ta tự đặt “sự hiểu biết” của mình trong “tương đối”, chưa dám tuyên bố chắc chắn “cảnh Phật như thế nào” và “trạng thái Niết-bàn ra sao”.

- Chưa kể trong Phật học, mà chấp vào văn tự, hay vướng mắc vào sự sắc bén của “chơi chữ bóng bẩy”, của “lý luận uyên thâm”… thì vấn đề sẽ rắc rối và sai khớp, bế tắc và bất định.

- Ví như 2 nhóm từ “vật chất đen” và “vật chất trắng” mà chúng tôi sẽ nêu như “phương tiện” trong bài nầy, chỉ là những từ ngữ tục đế, tạm dùng để “tượng trưng” cho “bản thể sáng vô cực, nguyên tĩnh, không vọng động, không bận tâm, không giới hạn, đã tự nhiên kích thích bản thể tối hỗn độn, phải xáo trộn, “nổ lớn” (Big Bang), để tạo ra vô minh, xuyên qua khuynh đảo, lập vũ trụ huyền ảo (sáng lẫn tối), bộc lộ các tính hợp tan (tứ đại, kết và phân, hữu hình và vô hình), mâu thuẫn (thuận nghịch, hợp và phản), khứ hồi (đến rồi đi, xoay vòng), sinh tử (khởi và tận)… vốn đến từ cái “gốc chung hỗn độn”, phi pháp (adhammà).

Nói cách khác:

* Trong cái sáng mà tâm vọng, ấy là vô minh. - Mê thì tận ngôn cũng không xong!

* Trong cái tối mà tâm không vọng, thì ấy chính là minh, và tận lời vẫn chưa đủ!

Tóm lại, từ ngữ Pali “Avijjà”(vô minh) ám chỉ tình trạng “âm u”. Vì vô minh (avijjà), mà tâm thức “không thấy rõ” hay không biết rõ. - Và nếu “thấy” thì “thấy lờ mờ”, “biết lờ mờ”, “thấy không đúng”. Từ đó, vô minh luôn luôn bao phủ, kích thích, khuấy phá sự “an tĩnh”, làm cho tâm thức trở thành “vọng động”, có tật hướng đến cái gì không bao giờ chính xác, hằng biến… thúc đẩy phát sinh “tình trạng” gọi là vọng tưởng, mơ ước các “hiện hữu chỉ một thời, để về sau nó hoàn không… thì hụt hẫng, thất vọng!”.

Quay lại phẩm cách “nguyên tĩnh” chưa hướng động, thì hoàn toàn vắng lặng (tịch không). “Phẩm cách” nầy, trí óc thường xuyên chao đảo của người còn dục vọng, thì không thể biết được, kể cả các cá nhân “rất thông minh” được xếp và hàng “thượng hạng”.

Theo Phật học, “khả năng siêu việt” (abhinnà) khám phá được thực trạng “nguyên tĩnh” (= nirvana = nibbàna) nầy không có tên gọi, vì ngôn ngữ của loài người vốn hoàn toàn bị giới hạn bởi tham, sân, si. Ngôn ngữ ấy chỉ thích hợp để diễn tả tính hiếu động lẫn biến hóa vụ lợi không ngừng, bất định mà thôi. “Ngôn ngữ” ấy thiếu hẳn tính soi sáng, nên trong mọi trường hợp, nó không thể đúng đắn khi ám chỉ “sự thật”. Người ta vẫn cho rằng “ngôn ngữ là con dao 2 lưỡi - khi nó chỉ thuần túy là lý thuyết (= không bao giờ áp dụng)!

Thánh nhân đã nói “nguyên tĩnh thì vô biên, không thu hẹp, không bành trướng, bất khả thuyết, bất khả tư nghì” (= chẳng thể nói ra, chẳng thể nghĩ bàn). Nhưng hướng động (uddhacca) thì ngược lại, đầy tiềm lực biến đổi dây chuyền, trùng trùng duyên khởi, rất khó chấm dứt. Và chỉ có bậc tuyệt tịnh (hay Phật) mới minh sát được. Còn phàm nhân thì dù “học rộng đến đâu”, cũng không thể “nghĩ đúng” về “nguyên tĩnh”!

Khi đối chiếu “Phật học với Khoa học”, chúng ta lại nhận thấy rằng, “vô minh” (avijjà = âm-u hay không rõ) chính là duyên khởi của mọi tình trạng “sau sự nổ lớn” (Post-Big-Bang)… Từ đó lập thành vũ trụ mà khoa học gọi là “từ vô cực sang lưỡng cực, rồi đến đa cực”, trong mọi hỗn hợp tương đối ngày nay (!).

Như vậy, từ ngữ Pali có nghĩa ngược lại với vô minh (avijjà) là minh (vijjà), phải chăng là “biểu thị” của cái “thông số” (parametre), để tháo gỡ được tính phức tạp của cuộc “nổ lớn” (Big-Bang)!?. Nếu “minh” và “vô minh” hằng khắc chế nhau, thì “minh” cũng “đối lập hẳn” với vật chất đen. Tất nhiên là “nó” đã không “lộ ra” trước khi “nổ lớn”, vì “nó” nằm bên trong “vật chất đen” (matière nỏi). Người ta có thể tạm mệnh danh nó một cách quy ước, là “vật chất trắng” (Matière Blanc). Và vì “Minh” không “dung hòa” được với “hỗn độn” của vật chất đen, nên đã “gây ra” cuộc “nổ lớn”. người ta dù không bao giờ biết “xuất xứ” của “vật chất trắng ấy, nhưng người ta có thể biết thực tại của nó là tinh khiết...!

Trong bài Pháp đầu tiên, tên chuyển pháp luân (Dammacakkappavattana Sutta) của Đức Phật, chữ minh (vijjà) đã được nhắc đi nhắc trong nhiều đoạn, chứng tỏ rằng nó là “tiền đề” của giác ngộ giải thoát, hay của “Niết-bàn” (Nibbàna), xin trích một đoạn ngắn:

“…Cakkhum udapàdi, Nànam uadapàdi,

Pannà udapàdi, Vijjà udapàdi, Àloko udapàdi…”.

- Tạm dịch một cách “diễn giải”:

“Tứ diệu đế (gồm khổ - tập - diệt - đạo), nhất là đạo đế vốn trước đây “tam giới” (ám chỉ trời và người) chưa từng được nghe, nhưng bốn pháp ấy có khả năng làm phát sinh thần nhãn, làm phát sinh thiên thức, làm phát sinh tĩnh tuệ, làm phát sinh thánh minh, và làm phát sinh sự soi sáng…”

Còn nói về “nguyên nhân” của sự nổ lớn, thì các nhà khoa học không gian, đã tiết lộ một cách “còn phải kiểm chứng” rằng, “nổ lớn có thể đến từ sự va chạm toàn diện” (do hỗn độn), - vì chỉ có “va chạm toàn diện” mới “sinh ra vũ trụ” (muôn hình vạn trạng) như thế! cái “nguồn gốc” hay “tác giả của va chạm bí ẩn” ấy, cũng được tạm đặt tên là “huyền hoặc”(!), nói nôm na là “vật chất đen” (matière noire).

Và không nhà bác học nào nói rõ “vật chất đen” là gì (?) Họ dùng bổ túc từ “đen”, chỉ vì nó không thể bị “khám phá hay nhận diện” bởi bất cứ hệ thống “mắt điện tử” nào, dù cho tối tân nhất, - khoan nói đến khả năng đôi mắt thịt. Nghĩa là “vật chất đen” ấy là một “thực tại” không thể truy ra nguồn gốc!

Quay sang Phật học, chúng ta lại nhận thấy có điểm “tương quan” rằng, “vô minh (Avijjà) cũng không có xuất xứ”. Nhưng Phật ngôn còn nêu, “vô minh là khởi điểm của luân hồi” (samsàra). Còn khoa học thì quy nạp “Vũ trụ thành hình do cuộc nổ lớn” (Big Bang) của “vật chất đen”, hay “vạn vật tự tạo”, sau sự “va chạm toàn diện” (= “xung đột đa chiều”).

Từ đó suy ra, “vô minh chính là thực tại sau cuộc nổ lớn”.

Nếu đức Phật nhờ tuyệt tịnh mà biết được “nguồn gốc của vô minh”, thì khoa học nhờ qui nạp thực nghiệm mà tiết lộ “sự va chạm toàn diện” của “vật chất đen” là nguồn gốc của “tạo hóa”, do đó “vũ trụ xuất hiện”.

Tóm lại, “vô minh” chính là kết quả của “hậu khởi động” (= vọng tưởng), và là “khởi điểm của luân hồi” vạn vật (xoay vòng).

Để thoát khỏi bế tắc, Phật học đã tạm cho rằng “vật chất đen” là tình trạng “nguyên hỗn độn” kỳ quặc và huyền bí, mà “Bậc Toàn Giác” (Sammasambuddha) (hay Đức Phật) đã biết, nhưng sự “kỳ diệu đen” ấy nằm ngoài tầm tri thức của người phàm, nên nhất thời chúng ta hoàn toàn bất lực!

Muốn biết “vật chất đen” (matière noir) là gì, chúng ta phải tu tập và đạt tới cực tịnh (= viên tròn thanh lọc thân tâm), như khoa học vẫn ứng dụng từng công thức, đến nơi đến chốn, để trải nghiệm các kết quả một cách hợp lý và khách quan, (tương đương với chánh kiến (samma ditthi), và chánh tư duy (sammà sankappo), trong bát thánh đạo nhà Phật. Đồng thời, các nhà khoa học cũng như “người tin Phật” còn phải vô tư (toàn xả) nghiên cứu những gì đang vận hành “làm duyên” (hay môi trường), tức là nhận diện vạn vật đang thay đổi lý hóa... hiện ra rồi biến mất, biến mất rồi hiện ra… - xuyên qua vô số những chu kỳ hợp tan duyên hệ (luân hồi), thì may ra chúng ta mới có thể có khái niệm phần nào, cái gọi là “vật chất đen” (matière noir = Avijjà).

Mặt khác, tinh thần của chúng ta còn phải luôn luôn thuần thục cởi mở, bình đẳng, hỷ xả…để thường xuyên trải nghiệm và xác chứng, một cách thanh tịnh rằng, tính vô chấp vốn là “bản sắc khoa học đích thực”, hoàn toàn không còn “mắc dính” vào bất cứ sự gì kể cả văn tự, ngôn ngữ... Để có thể “thấy rõ” chữ “đen” không “luôn luôn” ám chỉ cái“tính thấp” (bất lành, cặn bã)… thường bị người phàm (nhiều thành kiến) xem là “xấu”. -Ví dụ “màu đen”, “xã hội đen”, “đêm đen”.v.v...

Nhóm chữ “vật chất đen” ở đây chỉ là một cái tên tạm gọi, để nói đến một “thực trạng hỗn độn huyền bí”, mà khả năng tri kiến của con người khó có thể “nắm bắt” được!

Theo Khoa học vật lý, vũ trụ đối với “tâm thức” là một “hiện tượng vô biên” chứa vô số “vi thể” (hay vật chất cực nhỏ), mệnh danh là “phân tử” (molecule). Và mỗi “vi thể” hay “phân tử” (kalàpa) ấy, lại chứa nhiều vi thể nhỏ hơn nữa, là “nguyên tử” (atomes). Rồi mỗi “nguyên tử” (atome) lại gồm những “âm điện tử” (électrons) di động vòng ngoài, và có những “dương điện tử” (protons) tự vận hành liên tục bên trong. Tất cả không ngừng xáo trộn theo chu kỳ, xoay vòng một cách “tự động”. Nhờ đó có “nhiệt năng” hay sức nóng…

* Với “hơi nóng” nơi thân tâm con người lúc còn sống, nếu được ghi nhận từng giây từng phút, thì “tâm thức” của chúng ta, khi cực tịnh (ekaggatà, định sinh tuệ), cũng có thể biết rằng, đó chỉ là sự “cháy ngầm” do “tiếp cận, kết hợp, và va chạm…của những phân tử hữu cơ trong thân thể, và thải ra năng lượng”, để “tiếp nối sự sống” của những “khối vật chất kếp hợp dây chuyền” (= quả của nghiệp). Từ đó, hơi ấm được “duy trì” có hệ thống trong cơ thể, dưới dạng một “giòng nhân điện” liên tục “phát tán”. “Hơi nóng” ấy luôn vận hành xoay chiều và “phản chiếu tương tác”.

Còn hiệu lực của nó thì có hai mặt, là tỏa sáng vào “bên trong nội tâm” gọi là tri kiến, và cảm ứng ra “bên ngoài” gọi là giác quan.

Rồi hiệu lực cũ tự nhiên trở thành “nền tảng” của hiệu lực mới, liên tục giúp cho các giác quan “kết nạp trần cảnh”, do ngoại trần không ngừng “dội vào 5 cửa” (= mắt, tai, mũi lưỡi và làn da)… suốt kiếp sống. - Nghĩa là xuyên qua các giác quan, những “dấu ấn từ xung quanh” lẫn “từ bên trong”, luôn luôn được tích tụ, để gọi là “tập ấm” hay “tập khí” (kho tâm cảnh “a-lại-da liên kiếp”), làm “yếu tố linh hoạt”, nuôi dưỡng sự sống (hiếu động) bao trùm vạn vật.

Như đã nói ở đoạn trên, các khoa học gia vật lý, sau nhiều năm khảo cứu, đã tiết lộ rằng, điện là “vật có sẵn trong vũ trụ”. Mỗi “đơn vị cơ bản” (nhỏ nhất) của điện, vốn là sự “phóng thích” từ tích hợp (fission) của 1 “âm điện tử” (électron) và 1 “dương điện tử” (proton). Chuyển vận nầy “xảy ra” trong “chiều sâu tận cùng” của “cấu kết vật chất”, phải ở dạng “nguyên tử”, không thể nhỏ hơn nữa. - Điện và thân nhiệt là 2 mặt của 1 vấn đề.

Khi chúng ta hỏi “điện là gì” và “giòng điện do đâu xuất hiện”, thì 2 câu trả lời tổng quát, gồm có “điện là năng lượng” (energie quantique); còn “giòng điện” là “chuỗi năng lượng” (chaine d’énegie quantique). Nhưng để “cụ thể hơn”, người ta phải “dựa vào phối hợp kim gọi Dynamo” để “chỉ ra” “nguồn xuất phát”. - Dynamo là một tích hợp, trong đó có “chuỗi lôi kéo khứ hồi của nam - châm thuận và nghịch, bị kết lại” (chaine d’énergie générée par 2 champs magnétiques opposés).

Còn nếu chúng ta hỏi tiếp về “nguồn gốc nguyên thủy” của “điện hay năng lượng énergie quantique”, thì câu trả lời lại “lơ lửng”: “Đó là sự va chạm toàn diện của vật chất đen” trong vũ trụ. Câu trả lời nầy “chạm đến” một bí ẩn năng lượng cực lạ, không cho phép chúng ta đi xa hơn! - Bởi vũ trụ là một “vấn đề” vừa cụ thể vừa huyền bí. - Mà “điện” hay “năng lượng thiên nhiên” là một hiệu lực của chuyển động vật chất đen hỗn độn, “tạo ra” cái “vũ trụ huyền bí”, vô biên nầy.

Sự “chuyển động huyền bí” ấy là “tình trạng cọ xát toàn diện và tạo nhiệt”. “Vũ trụ là một môi trường cháy ngầm ở mức độ vô cực”. Nghĩa là, “Nếu tất cả không chuyển động, không cọ xát, không đốt cháy, không phát nhiệt” thì vũ trụ đã không thành, mà đã không thành hình thì làm gì có điện, hay có năng lượng tự nhiên?!

Đến đây chúng ta chợt thấy rằng, vấn đề phải nêu ra... chính là  “nguyên nhân” (lý do gốc) của “chuyển động”, chứ không phải hậu quả của chuyển động (hay điện)! - Dù cho chúng ta có thể thí nghiệm biết rằng, “đó là hiệu lực của sự cọ xát cực vi, và xoay chiều liên tục, từ âm chuyển ra dương, rồi từ dương trở lại âm. Cả hai “đổi chỗ nhau”, do “mệnh lệnh” của vật chất đen (huyền biến = matière noir mystique).

- Như thế, hai nguyên lý “động” và “tĩnh”, tức là “hai bản thể cực vi” vốn là “mấu chốt” của chuyển động. - Hay “mấu chốt” của hai “nguyên lý” (âm dương đối nghịch), luôn “nằm trong sai biệt vận hành” của duyên khởi. Nhưng duyên khởi thì bất định... vì trong cực tịnh không có duyên khởi. Người ta chỉ tạm “khái niệm” rằng, duyên khởi (paticca samuppada paccaya) là hậu quả của “bản thể tịnh hỗn mang chuyển sang bản thể động” và ngược lại… để sau đó tĩnh và động tương quan vận hành kéo dài…

“Bản thể động” hay duyên khởi tiếp tục một cách dây chuyền theo những “độ sai biệt có chu kỳ”, tạo ra chiều lệch, để chuyển hướng tự quay lại, thì Phật học đã tiết lộ, và xem đó là khám phá kỳ diệu độc nhất vô nhị của Đức Phật, sau khi Ngài đắc quả “Chánh đẳng Chánh giác” (Samma sambuddha) dưới tàn cây Bồ-đề!

Nhưng khi ta thu hẹp vũ trụ mênh mông vào một “tinh tú”, như “thái dương hệ” chẳng hạn, - hay khi thu hẹp vũ trụ vô biên kia vào một “hành tinh”, như “địa cầu với bầu khí quyển” chẳng hạn, thì khoa học lại xác nghiệm “sự chuyển động” (movement) chính là hiệu lực đến từ “tính hút” (gravité) và “tính đẩy” (repulsion), của “tất cả những gì thuận lẫn nghịch, hợp thành cái “hệ thống liên hoàn tự nhiên xung đột ấy”. - Hỗn độn tánh.

Chắc chắn các nhà khoa học duy vật chỉ căn cứ vào chừng nầy mà thôi!

Do đó, nếu bảo “nguồn gốc” của “chuyển động” là “nguyên hành”, và tìm hiểu tận cùng cái “nguyên hành” (sankhàrà) kia, bằng câu hỏi “do đâu có sức kéo và sức đẩy”, thì vấn đề sẽ mở ra nhiều manh mối, có liên quan tới giáo lý “duyên khởi” trong nhà Phật.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 82
    • Số lượt truy cập : 6951934