Thông tin

BẢN SẮC KHOA HỌC TRONG ĐẠO PHẬT

LIÊN QUAN ĐẾN “THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN”

(Paticcasamuppàda)

(Tiếp theo Từ Quang 38)

 

TUỆ LẠC

 


 

* Nói về DUYÊN KHỞI (Paticcasamuppàda)

Hãy bắt đầu bằng tình trạng vô minh (= Hậu thân của - chuyển động vật chất đen).

- Vô minh (avijjà) là “không biết rõ thực trạng”. Đây phải chăng là nguồn gốc (hetu paccaya) của tất cả vọng động (sabbuddhacca) trong “điện tâm”, thúc đẩy tìm kiếm “một cái gì đó” hoàn toàn chẳng xác định?! - Phật học gọi ấy là “Vô minh duyên hành” (Avijjà paccaya sankhàrà).

- Rồi “hành” (sankhara) tức là “khuynh đảo chiều hướng”, - tự nó vốn chứa hai chiều bất kỳ và trái nghịch nhau, - như “đến” (hút) và “đi” (đẩy), hay “khứ” (atìta) và “lai” (paccuppanna), giao thoa không tránh được, để tạo ra “động cơ gốc” (mùlapaccaya) của sự xoay vòng, luân hồi (samsàra).

Về phương diện vật lý, nếu hướng đến và hướng đi của “cùng một động tử” mà “bị khuynh đảo” lệch chiều nhau, trên 1 chuỗi tiếp nối, thì cả 2 đặc tính “thuận và nghịch” kia, sẽ tạo ra một tiến trình cong, hấp dẫn lôi kéo… để “tự nhiên phải khứ hồi”.

- Tiến trình cong ấy khi tiếp tục, thì sinh ra nhiều vòng sai biệt đến bất tận. “Điểm chấm dứt vòng trước” đương nhiên là“điểm bắt đầu vòng sau”. “Đến” (đồng nghĩa với “chưa đến”) và “đi” (đồng nghĩa với không ngừng tạo duyên quay lại), rồi tiến tới trong u-minh, lăn trôi mãi, luân hồi bất tận!

Trong “vận hành chu kỳ liên tục”, không có “sự bắt đầu” (= sinh), cũng “không có sự chấm dứt” (= tử), - chỉ có đi và đến luân phiên!

Và hai điểm đi cũng như đến ấy, phải “trùng lên nhau” một cách không thể khác, vì “độ sai lệch” “vừa tách chúng ra, đã hợp chúng lại”. - Nghĩa là chúng sẽ tự động “hoán vị”, để cho quả biến thành nhân, sau biến thành trước, hai đầu gọi là “quá khứ” và “tương lai” của thời gian, trở thành dịch lý. - Quy tắc của “thay đổi duyên cơ”!

Đối với thân xác con người, thuộc về hình thức cấu kết hữu hạn cũng vậy, chỉ khác rằng… sự “sai biệt vật vận hành nơi vật thể”, khi quá nhỏ, thì bất lực cho định hướng tiến trình lý hóa trong tương lai.

- Nhưng như đối với tinh thần con người, thuộc về năng lượng vô hạn, thì sự “khởi vọng sai lệch” ngay từ đầu, đã định hướng sẵn cho tương lai suy đồi, phiêu lưu, rằng:

* “Tâm khởi tốt” (kusala citta), thì “tâm quả tốt” (kusala cetasika), sẽ đi vào “vùng sáng”. * Khi “tâm khởi xấu” thì “tâm quả xấu”, tất nhiên đi vào “vùng tối”, và dây chuyền...

Chưa kể hiệu lực của nhân (hetu) và của quả (vipaka) trong điện tâm (citta-cetasika), còn có “khả năng” tương dung lẫn tương phản, thành lập ra “bản sắc trong năng lượng sống dây chuyền sau này”, trong bản sắc ý thức lẫn trong bản sắc hành vi (bao gồm ngôn ngữ) mỗi người.

Rồi xuôi theo tiến trình hiếu động và tìm kiếm “đối tượng”, hễ thuận duyên thì tâm cơ hay “động tử” ấy, dù ở tình trạng “cực vi”, cũng vẫn đủ năng lượng để bám lấy, rồi sáp nhập “đối tượng”, tạo thành sơ uẩn (khởi tập khí mới = nava khanhdha) với những gì xung quanh, một cách ôm ấp.

Ngược lại, nếu nghịch duyên thì tâm dù ở tình trạng “cực vi”, cũng vẫn đủ năng lượng để “đố kỵ” (patigha), rồi tự động vừa hút đối tượng vào, vừa đẩy đối tượng ra, một cách xung đột vướng mắc (tanhà), trong suốt tiến trình đi tới, xuyên qua vô số chu kỳ, bất an và mất thăng bằng. Phật học gọi ấy là thủ (upàdàna), một “khoen tích cực” trong “12 khoen” thiết lập luân hồi (samsara).

Kết quả, 2 tình trạng thuận duyên và nghịch duyên đã luôn luôn tùy tiện cấu kết rồi tương tác, tạo thành “động cơ” sinh tử, lôi kéo từ vô thỉ đến vô chung, không có điểm khởi đầu cũng không có điểm chấm dứt. - Vì nhân (hetu) cũng là quả (vipaka), mà quả cũng là nhân. Cả hai không ngừng biến hóa (Rùpantaraparivattana) thay phiên nhau đóng vai “động cơ” trong “bản thể” thăng và đọa của tất cả sinh động vật!

“Bản thể” ở đây là thường xuyên quy nạp, hay “dựng nghiệp” (kamma sankhara). Theo Phật giáo, “dựng nghiệp” là “nhân duyên sinh khởi”. Rồi sau cái thời gian “sơ kết”, những “tâm cực vi” tự vận hành vô số lần, chồng chất “bản tính hút vào cùng đẩy ra” hay tích tụ dòng điện 2 chiều. Từ đó thành lập tiểu lẫn đại cho “vũ trụ vô biên”, chứa đầy “từ trường” (magnétique).

Còn “vũ trụ thu hẹp”, là con người (hay tất cả các động vật khác trên quả đất) thì đó là kết quả của hệ luận vô minh, xuất hiện rất lâu về sau, trước khi sự sống chứa đầy “xung đột” đã thành hình. Và “hiệu lực điện năng” kia trong mỗi con người, chính là “nguồn gốc” của sáu hệ thống giác quan. Trong đó, giác quan thứ sáu là linh động, và “kỳ diệu” nhất.

Để phân biệt, ta tạm đặt tên cho nó là “tinh thần” hay “tâm thức”. - Trên thực nghiệm,“giác quan thứ sáu” của các loài động vật, thì “sức phản chiếu” sự “khôn ngoan” nói chung kém hơn của con người!

(Mời quý vị xem thêm cuốn “Khoa học và sự tái sinh”, Tuệ Lạc biên soạn (chùa Xá Lợi, TP. Hồ Chí Minh phổ biến), trong đó có đoạn nói về “tiểu vũ trụ” là con người).

Rồi mỗi người, với nghiệp (karma) có sáu giác quan (5 cụ thể và 1 trừu tượng), được “vận hành” bằng máu thịt, gồm các chất dinh dưỡng hữu cơ (biến hóa) do tánh và tướng của “bốn đại hợp hành” (đất-nước-lửa-khí), “giao thoa” với điện từ (magnétique) trong vũ trụ mênh mông, đồng thời “liên kết” với giác quan thứ sáu (manindriya) trong mỗi “tổng hợp” (kalapa), tạo ra 3 nghiệp thân-khẩu-ý.

Tất nhiên, con người nói riêng, và động vật nói chung… phải xem “giác quan thứ sáu” là tinh thần (mana) của sự sống. Và “năm giác quan kia” là “cửa ngõ” (dvàras) để “tinh thần” biểu lộ… vận động.

Từ đó, cái gọi là “bản năng” (hay “tự tánh” = ahetuka kamma) được thành lập và củng cố, trong toàn thể  sáu giác quan (salayatana). Đồng thời “bản năng thú vật” (trong mỗi con người) sẽ luôn luôn “phản ứng” một cách bạo động, khi đối diện với những nguy hiểm đe dọa đến “mạng sống”.

Đây là lý do đầu tiên, làm xuất phát tính ngã mạn (màna) hay ích kỷ (issàmacchariyà), cho rằng “sinh mệnh của ta (atta) là ưu tiên, ta là trên hết”. Chính tình trạng “ưu tiên tuyệt đối cho mạng sống” ấy, đã “ươm mầm” cho sự thiên lệch si mê, vướng mắc vào cái giả tạm (còn gọi là vô minh lậu = Avijjàsava).

Từ đây, mạng sống và vô minh lậu có thể xem là “hai mặt đồng sinh” chẳng bao giờ tách rời trong một “bản thể” phàm tục (puthujjanajìvita). - Nghĩa là, lòng tham sống mãi, tự nó chính là si mê (moha) trong tác ý, trước một kiếp sống hữu hạn, nhiều khi rất ngắn ngủi. - Hay “vô minh lậu” nêu trên, chính là mầm mống ôm chặt sự sống bấp bênh, tưởng là “vững chắc”, và mù quáng xây dựng một mộng tưởng trường cửu. Đây chính là nguồn gốc xung đột sâu xa của những phiền não bất tận!

- Nói cách khác, vô minh lậu là “tạo hóa” của tất cả các pháp hành, gây ra cái gọi là “hạnh phúc” (sukha) lẫn “đau khổ” (dukkha), tạm thời trong ba cõi, dục giới (kàmaloka, cảnh trí có trọng lượng), sắc giới (rùpaloka, cảnh trí vô trọng lượng), và vô sắc giới (arùpaloka, cảnh trí trống không).

- Còn “vô minh căn” (moha) thì đã biến mất hoàn toàn khi cái “vọng tưởng thứ nhất” phát sinh, đưa tâm thức rơi vào tình trạng hiếu động, phân tán, vô định, mất thăng bằng, tách rời tính nguyên tịnh. Và tình trạng mất thăng bằng (hay “vọng tưởng” = uddhacca) ấy, chính là “tiền thân” của “vô minh lậu” vậy!

Sau cùng, xin nhắc lại theo Phật học* rằng, vô minh là tên chung của “2 mặt tâm thức vọng động”, là vô minh căn và vô minh lậu. Vô minh (avijjà) này, hằng “thay thế” cho cả “hai mặt động cơ” (căn và lậu), tự nó đóng vai “bước khởi hành” trong chuỗi 12 khoen của vòng thập nhị nhân duyên.

Nhân tiện, cần “hạn định” về ngữ nghĩa một cách tương đối rằng:

- Phật học là những hướng dẫn đạo đức, tìm thấy trong kinh điển Phật giáo, và cũng tìm thấy ngoài kinh điển Phật giáo, nhưng nó không nghịch với những gì Phật dạy.

- Phật giáo là những hướng dẫn đạo đức, chỉ tìm thấy trong kinh điển nhà Phật, còn gọi là Phật ngôn, đã được các thánh nhân đệ tử Phật trung thực thuật lại, kết tập có hệ thống, gọi là tam tạm (Tipitaka).

- Đạo Phật là sự thực hành Phật ngôn, sống đúng theo Bát Chánh Đạo, hay thực hành Phật học, và có tiến hóa an lạc.

** Kê khai vắn tắt Thập Nhị Nhân Duyên (luân hồi):

1/ Vô minh (avijjà), 2/ Hành (sankhàrà), 3/ Thức (vinnàna), 4/ Danh sắc (nàmarùpa), 5/ Lục nhập (salàyatana), 6/ Xúc (phassa), 7/ Thọ (vedanà), 8/ Ái (tanhà), 9/ Thủ (upàdàna), 10/ Hữu (bhava), 11/ Sinh (jàti) và 12/ Tử (marana).

- Tất nhiên, sau “khoen tử” (trong tối tăm)… sẽ là “khoen vô minh lậu” nối tiếp theo không rời. Vòng 12 khoen nhân duyên cứ thế, lặp lại triền miên… không bao giờ chấm dứt!

*** Đối với Thánh nhân đã “Hoàn toàn giải thoát”, “thập nhị duyên khởi” trở thành diệt

Khi tử (chết) trong anh minh (vijjà), toàn xả, thanh tịnh, không vọng tưởng, không vướng mắc… thì duyên khởi của vô minh lậu (avijjà) tự diệt hẳn (nirodho). (“Lậu” ở đây ám chỉ “kết quả do phẩm cách đi trước”). Tức là trong “tâm thức anh minh” của các Thánh giải thoát, toàn xả, không còn động cơ tái sinh vào bất cứ cảnh giới nào.

Cái vòng chấm dứt luân hồi có thể viết như sau:

1/ Vô minh lậu (si mê) diệt thì hành (vọng động, khuynh loạn) diệt.

2/ Hành diệt thì thức (biết đối tượng, thời gian và không gian) diệt.

3/ Thức diệt thì danh sắc (tinh thần và thể xác, tâm và vật, nội và ngoại) diệt.

4/ Danh sắc diệt thì lục nhập (sáu cửa vô ra, sáu căn đối đãi) diệt.

5/ Lục nhập diệt thì xúc (va chạm và tiếp thu, thuận hút và nghịch đẩy) diệt.

6/ Xúc diệt thì thọ (cảm giác dễ chịu và khó chịu, thương và ghét, hay trung tính) diệt.

7/ Thọ diệt thì ái (thiên lệch, hay vướng mắc mọi trạng thái thuận nghịch) diệt.

8/ Ái diệt thì thủ (ôm chặt, ghim gút, không bỏ qua) diệt.

9/ Thủ diệt thì hữu (có tài sản, quả báo, hay kết thành của việc làm) diệt.

10/ Hữu diệt thì sinh (cảnh giới để tái hiện thân) diệt.

11/ Sinh diệt thì tử (chấm dứt thực tại, hay kết thúc một kiếp) diệt.

12/ Tử diệt thì vô minh căn (tính hướng động trở thành vô minh lậu) diệt.

Phật khi nhập niết-bàn thì toàn xả, tinh khiết, không vướng vào cảnh giới nào cả, chẳng còn trong vòng thập nhị nhân duyên.

(Ghi lại tri kiến... phát sinh nhờ tu tập CHỈ-QUÁN)

 

- Chú thích ý nghĩa tổng quát

1/ Vô minh: “Không thấy” hay “chưa thấy”, không biết hay chưa biết, những gì gần nhất và những gì xa nhất, những gì nhỏ nhất và những gì lớn nhất…

2/ Hành: Hiếu động, ly tĩnh, tìm kiếm, nắm bắt, hướng thuận, chống nghịch, khao khát, phản ứng, mâu thuẫn, ẩn hiện, di chuyển…

3/ Thức: “Biết đối tượng”, phân biệt cảnh, thẩm xét hành, “phối hợp tánh”, nhìn nhận tật, “hướng tự ý”, quen với nghiệp, thích ứng pháp…

4/ Danh sắc: Tên và vật, tâm và thân, “hồn và xác”, hình thức và nội dung, hữu hình và vô hình, thô và tế, thực và giả…

5/ Lục nhập: “Sáu lối ra vào”, sáu giác quan, sáu môi giới, “sáu lưu thông”…

6/ Xúc: Chạm đến, tiếp cận, cọ xát, “dung nạp”, “kết giới”…

7/ Thọ: Cảm giác, nhận ảnh hưởng, gánh vác, “thưởng thức”, trải qua…

8/ Ái: Hút lấy, ưa thích, vướng mắc, ôm ấp, vấn vương…

9/ Thủ: Bám chặt, đeo mãi, nắm giữ, bất ly…

10/ Hữu: Làm chủ “biến thành”, “đồng hóa”, “tương thuộc”…

11/ Sinh: Tái xuất, hiện thân “tìm lại”, “hòa vào”, “nhập một”…

12/ Tử: Tận năng lượng, trả hết nghiệp, xong chu kỳ, chấm dứt kiếp…

- Kiến giải theo “dây chuyền” Thập Nhị Nhân Duyên

1/ Do vô minh khuynh đảo mà khởi hiếu động = vô minh duyên hành.

2/ Do hành động mà khởi biết thời gian, không gian = hành duyên thức.

3/ Do thức mà khởi tâm vật = thức duyên danh sắc (tâm = danh, sắc = vật).

4/ Do danh sắc mà khởi sáu liên hệ (ra vô tương giao) = danh sắc duyên lục nhập.

5/ Do lục nhập mà khởi tiếp xúc = lục nhập duyên xúc (qua 6 giác quan).

6/ Do xúc mà khởi thọ = xúc duyên thọ (thu nhận cảm giác thuận nghịch, trung tính).

7/ Do thọ mà khởi ái dục = thọ duyên ái dục (vướng mắc cảm giác).

8/ Do ái dục mà khởi thủ = ái dục duyên thủ (bám kết quả).

9/ Do thủ mà khởi có quả = thủ duyên hữu (làm chủ hậu quả báo).

10/ Do hữu mà khởi sinh = hữu duyên sinh (hiện thân theo quả báo, kết thành quả nghiệp).

11/ Do sinh mà khởi già bệnh để chết = sinh duyên tử (qua 4 giai đoạn).

12/ Do tử trong tối tăm mà khởi lậu vô minh = bắt đầu lại vòng Thập Nhị Nhân Duyên cũ, luân hồi bất tận.

***

Xem ra, đời người chỉ là một giai đoạn nằm giữa 2 khoen sinh và tử. Còn 10 khoen kia là vận hành một cách vô thủy vô chung, “nhào nặn” ra tất cả chúng sinh, vạn vật… với thời gian và không gian là duyên (môi trường).

Thập Nhị Nhân Duyên có thể xem là “văn hóa quan” của đạo Phật vậy!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6712995