BẢN SẮC KHOA HỌC TRONG PHẬT GIÁO
LIÊN QUAN ĐẾN TỨ DIỆU ĐẾ (Catu Ariya Saccāni)
(Tiếp theo Từ Quang 43)
TUỆ LẠC
Giáo lý Tứ đế là nền tảng của hệ thống giáo lý đạo Phật. Ngay sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài đến vườn Nai thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như, những bạn tu khổ hạnh với Ngài trước đây; nội dung bài thuyết giáo đầu tiên ấy là Tứ diệu đế.
Liên quan đến CHÂN LÝ hay SỰ THẬT THỨ IV:
ĐẠO ĐẾ (Dukkha Nirodhagāminī Ariya Sacca)
Nhìn theo góc cạnh tri thức, chúng ta thấy… ĐẠO ĐẾ hay Bát Chánh Đạo (Atthaṅgika magga) vừa là một “lý thuyết phạm hạnh”, vừa là một “khoa học giáo dục”, có nội dung rất xây dựng trong “văn minh nhân loại”, để “quản lý” xã hội vật chất một cách tiến bộ, và “quân bình” vận hành tinh thần một cách sáng suốt, tiến bộ… nhằm nâng cao tư cách con người, để thăng hoa mỗi bản thân, đồng thời phục vụ cộng đồng nói riêng, và nhân loại nói chung.
Phẩm cách đầu tiên của ĐẠO ĐẾ là CHÁNH KIẾN (sammā diṭṭhi). NÓ là ÁNH SÁNG của sự sống, hay NGUỒN GỐC của xây dựng xã hội nhân văn. Đức Phật đã nhấn mạnh nhiều lần rằng, tuy CHÁNH KIẾN chỉ có MỘT, nhưng TÀ KIẾN (micchā diṭṭhi) thì có khá NHIỀU. Các “tôn giáo cuồng tín” hay “chủ nghĩa cực đoan” là những DẠNG si mê khác nhau của TÀ KIẾN. Họ hằng sử dụng đường lối ĐỘC ĐOÁN để tồn tại, và xung đột lẫn nhau. Tất cả các DẠNG ấy hợp lại, tạo ra tình trạng xấu chung, là TÀ KIẾN (micchā diṭṭhi).
Nếu HOA TRÁI trổ ra từ CHÁNH KIẾN là sự AN LẠC, thì HẬU QUẢ của TÀ KIẾN là chịu đựng KHỔ ĐAU, để cho kiếp sống vận hành trong tối tăm, nghiền nát bình an xã hội, dưới dạng những chiến tranh hay tai họa, do chính con người tà kiến gây ra. - Rồi khi đối diện với tình trạng bế tắc, một đàng thì vì si mê mà quy cho “THẦN LINH TRỪNG PHẠT”, và đàng kia cũng vì si mê mà cho rằng, ấy là “VẬN HÀNH TỰ NHIÊN”… để cả 2 “củng cố” một “thực tại như nhau” vừa TÀ KIẾN, vừa NGU DÂN.
Đức Phật ra đời ở Ấn Độ cách nay hơn 26 thế kỷ, giữa lúc đất nước nầy đang bị nhận chìm trong “đa thần giáo” (Bà-la-môn), và phân biệt giai cấp trầm trọng. CHÁNH KIẾN đã được Đức Phật NÊU CAO như một ngọn đuốc giữa đêm đen. Ngài đã dùng NÓ để soi sáng trong các ngõ ngách của tinh thần, để chỉ rõ cái nhân xấu rất VÔ MINH của TÀ KIẾN.
Như trên đã nói, NHÂN XẤU nầy hằng làm cho TÀ KIẾN có 2 loại là thường kiến (sassatadiṭṭhi) và đoạn kiến” (micchedadiṭṭhi). THƯỜNG KIẾN thì nằm trong tôn giáo cuồng tín. Còn ĐOẠN KIẾN thì nằm trong chủ nghĩa cực đoan, giáo điều bưng bít. Cả hai đã trở thành dụng cụ nhồi sọ, ngu dân mạnh nhất, để một thiểu số cai trị và khai thác con người.
Khi những kẻ cầm quyền trong một nước mà có CHÁNH KIẾN, thì “thể chế” của họ sẽ đem lại đồng thuận, bình an và thịnh vượng cho người dân, tức là CHÍNH TRỊ (Kusala pālanā), hay QUẢN TRỊ nhà nước một cách CHÂN CHÍNH. Nhưng khi những kẻ cầm quyền trong một nước mà không có chánh kiến, hay TÀ KIẾN, thì “thể chế” của họ sẽ vô cùng độc tài, bóc lột người dân không nương tay, BẤT CÔNG xảy ra hằng ngày.
Và sau khi Bậc Toàn Giác (Sammā Sambuddha) nhắm mắt, nhất là trong giai đoạn ĐẠO PHẬT SUY ĐỒI, chánh kiến không còn nữa, thì các thể chế tà trị ấy, lại càng mạnh hơn, tha hồ mạo danh… tự xưng mình là “chính trị”, để lừa gạt muôn dân, đánh lừa nhân loại.
Nói cách khác, khi NGỌN ĐUỐC CHÁNH KIẾN đã tắt, thì bình an của người dân trong một nước nói riêng, và trên cả thế giới chung, sẽ bị đe dọa… nếu không muốn nói là suy vong, chẳng còn được tôn trọng nữa. Nhà nước TÀ KIẾN chỉ là một “tổ chức” dùng sức mạnh “xâu xé quyền lực”, và dùng tiền bạc “mua chuộc sự trung thành” của những phần tử xu thời, rồi áp đặt luật lệ chuyên chính để chà đạp công pháp. Từ đó, bất ổn liên tục xảy ra. Sự sống con người chìm sâu trong khổ cảnh, không ai đủ điều kiện để tố cáo và nói ra giải pháp. Họ cứ đổ bừa cho “thần quyền” hay “tự nhiên”, và gọi ấy là “TAI ÁCH”, để nuôi dưỡng “THỰC TẠI”.
Nhắc lại ĐẠO ĐẾ hay Bát Chánh Đạo (Atthaṅgika magga), là phần thứ tư của TỨ DIỆU ĐẾ trong kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana sutta), mà Đức Phật đã thuyết tại vườn Lộc Giả (Isipatanamigadāya), gồm 8 PHẨM CÁCH đưa đến sáng suốt GIÁC NGỘ, là:
1- CHÁNH KIẾN (Sammā diṭṭhi), thấy biết chân chánh.
2- CHÁNH TƯ DUY (Sammā saṅkappo), suy nghĩ chân chánh.
3- CHÁNH NGỮ (Sammā vācā), lời nói chân chánh.
4- CHÁNH NGHIỆP (Sammā kammanto), hành động chân chánh.
5- CHÁNH MẠNG (Sammā ājīvo), nuôi sống chân chánh.
6- CHÁNH TINH TẤN (Sammā vāyāmo), cố gắng hay chuyên cần chân chánh.
7- CHÁNH NIỆM (Sammā saṭi), nhớ biết chân chánh. (=Tỉnh thức)
8- CHÁNH ĐỊNH (Sammā samādhi), nhất tâm hay định thần chân chánh (thanh tịnh).
Lược giải:
1- Chánh kiến:
a/ Thấy biết THỰC TẠI đang chịu đựng các hiện tượng, các pháp hành (xuyên qua 6 giác quan) là biến đổi không ngừng (vô thường), nhị biên thuận nghịch, vui khổ lẫn lộn, liên hoàn hoán vị, vừa thỏa mãn vừa bất mãn. THỰC TẠI tạm gọi là HIỆN HỮU, chỉ vừa mới bắt đầu đã ngấm ngầm biến đổi, để trở thành KHÔNG (suññatā). “HIỆN HỮU” chẳng bao giờ kéo dài, theo ý muốn của bất kỳ ai. Chịu đựng thăng trầm như thế gọi là “DUKKHᾹ”.
b/ Thấy biết NGUYÊN NHÂN của chịu đựng THỰC TẠI, tức là các hiện tượng, các pháp hành (xuyên qua 6 giác quan) vốn có NGUỒN GỐC (Samudaya) từ xưa. Nguồn gốc ấy chính là ÁI DỤC (taṇhā), hay vô minh (avijjā), thèm khát (Rāga=tham=lobha), lôi kéo tràn ngập không ngừng nghỉ (DUKKHA SAMUDAYA) trong vận hành trước, xuyên qua bao nhiêu kiếp sống.
c/ Thấy biết CÓ thực trạng hết ái dục là Niết Bàn (Nibbāna), phẩm cách TOÀN XẢ (Upekkhā), giải thoát khỏi tất cả phiền não, triệt tiêu luân hồi, diệt khổ (DUKKHA NIRODHA).
d/ Thấy biết con đường chấm dứt ái dục (dukkha nirodha gāminī), với 8 CHI TIẾN HÓA (Atthaṅgika), đưa đến THANH TỊNH GIỚI (Sīla Visuddhi), THANH TỊNH TÂM (Citta Visuddhi), và THANH TỊNH TRI KIẾN (Diṭṭhi Visuddhi=Paññā). Ấy là BÁT CHÁNH ĐẠO (Atthaṅgika magga).
Tưởng cũng nên thật khách quan, mà nói thêm rằng “CHÁNH KIẾN không nhất thiết chỉ làm tín đồ đạo Phật là chắc chắn CÓ được”. Vì CHÁNH KIẾN trong nhà Phật vốn là nội dung của phẩm hạnh, là hoa trái của GIÁC NGỘ, và đồng thời cũng là HIỆU LỰC của TRUNG ĐẠO, do chư Phật thuyết minh, chứ không phải do thế gian “tấn phong”.
Mặc dù có nhiều kinh sách Phật học cho rằng “Thánh Nhân đã hoàn toàn giải thoát, thì luôn luôn có chánh kiến”, nhưng những tài liệu ấy không có chỗ nào ấn định “một người phàm, hễ gia nhập đạo Phật, hay nhận lễ quy y tam bảo là tự nhiên có chánh kiến”.
Nói cách khác, CHÁNH KIẾN, hay sự THANH TỊNH SÁNG SUỐT, rất có thể được phát hiện ở những danh nhân ngoài đạo Phật, hoặc cũng tìm thấy nơi một số NGƯỜI HIỀN thuộc các nguồn văn hóa (hay tôn giáo) khác. Và cụm từ “văn hóa” (hay tôn giáo) khác ở đây, dĩ nhiên ám chỉ một quan niệm sống có thần linh hướng dẫn, chứ không “ám chỉ” cái nguồn gốc lành mạnh của “anh minh tri thức” (=CHÁNH KIẾN), phát ra từ TÂM ĐỨC con người.
-Xem ra, trong giới các chuyên gia khoa học lý hóa TÂY PHƯƠNG, chúng ta có thể thỉnh thoảng, hay thường gặp những nhân vật sống theo “CHÁNH KIẾN”.
2- Chánh tư duy:
a/ Thường xuyên suy nghĩ về PHÁP HÀNH XA LÌA ÁI DỤC (Alobha kamma)
b/ Thường xuyên suy nghĩ về KHÔNG LÀM HẠI CHÚNG SANH (Adosa kamma=Avyākata).
c/ Thường xuyên suy nghĩ về THANH LỌC và SOI SÁNG TINH THẦN (Amoha kamma).
d/ Thường xuyên suy nghĩ về pháp KHÔNG DÍNH MẮC, vô chấp, XẢ (Upekkhā kamma).
3- Chánh ngữ:
a/ Luôn luôn nói thật, không nói dối, nói vô hại.
b/ Luôn luôn nói đoàn kết, không đâm thọc, không hai lưỡi.
c/ Luôn luôn nói nhã nhặn, không thô tục, không cộc cằn, không châm chích.
d/ Luôn luôn nói điều thực tế, không hoang đường, mê tín, dị đoan, vô ích.
4- Chánh nghiệp (hành động vô hại):
a/ Không trực tiếp hay gián tiếp tham gia sát sinh.
b/ Không trực tiếp hay gián tiếp tham gia trộm cắp.
c/ Không trực tiếp hay gián tiếp tham gia tà dâm.
d/ Không trực tiếp hay gián tiếp tham gia hành hạ sinh vật.
5- Chánh mạng (sinh kế lành mạnh):
a/ Không tà kiến, không chủ trương ngu dân, không núp bóng thần linh để nuôi mạng.
b/ Không trực tiếp hay gián tiếp buôn bán độc dược, võ khí, chất say, không tổ chức cá độ (đấu võ, đua ngựa, đá gà. v.v…) để nuôi mạng.
c/ Không mê tín, không xem bói, làm mai, nịnh bợ, bày mưu đấu tranh, đánh trận, gây thù hận và làm thầy kiện, làm trung gian chứa điếm, mở sòng bạc để nuôi mạng,
d/ Không làm và không khuyến khích (hay đồng lõa) trong việc chăn nuôi thú vật cung cấp trên thị trường, hay cho các lò sát sinh, để nuôi mạng.
6- Chánh tinh tấn (=chuyên cần):
a/ Cố gắng chế ngự ngũ căn (tức 5 giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân).
b/ Cố gắng triệt tiêu ác ý, phát sinh ở tư tưởng, khi 5 căn tiếp xúc với 5 trần.
c/ Cố gắng an trú trong chánh thiền. Thanh tịnh an chỉ rồi Quán (minh sát).
d/ Cố gắng gìn giữ giới hạnh của 1 trong 2 hạng người noi gương Phật (xuất gia hay cư sĩ).
7- Chánh niệm (sống theo Tứ Niệm Xứ):
a/ Nhớ biết thực tại THÂN trong thân, NIỆM THÂN.
b/ Nhớ biết thực tại THỌ trong thọ, NIỆM THỌ.
c/ Nhớ biết thực tại TÂM trong tâm, NIỆM TÂM.
d/ Nhớ biết thực tại PHÁP trong pháp, NIỆM PHÁP.
8- Chánh định (=nhất tâm an trú đề mục thanh tịnh):
a/ Nhất tâm (=toàn định) để ý thức vắng lặng, vượt tầm, tứ, hỉ, và lạc. Tâm chấm dứt lang thang trong vô minh (avijjā), cách ly TRẦN CẢNH (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp).
b/ Nhất tâm (=toàn định) để ý thức không vướng các quả thiền.
c/ Nhất tâm (=toàn định) để ý thức chỉ hướng đến pháp xả và thánh đạo.
d/ Nhất tâm (=toàn định) để ý thức “đồng nhất” với “Sát-Na Niết Bàn”.
Và nếu nói về “TÍNH HỢP LÝ” (takkasattha), thì Bát Chánh Đạo hay CHÂN LÝ THỨ IV nầy, có một tương quan “NHÂN QUẢ LIÊN HOÀN” rất khoa học. Và đó là sự soi sáng sâu sắc, giúp người học Phật “xác nhận được” Bát Chánh Đạo cũng là BÁT THÁNH ĐẠO.
TÍNH HỢP LÝ ấy là:
Khi một người “không thấy biết đúng” hay không CHÁNH KIẾN (chi thứ nhất), thì “không thể suy nghĩ đúng” hay có CHÁNH TƯ DUY (chi thứ hai) được. Và khi một người “không suy nghĩ đúng” hay không CHÁNH TƯ DUY (chi thứ hai), thì “không thể phát ngôn đúng” hay có CHÁNH NGỮ (chi thứ ba) được. Cứ thế tiếp tục cho đến “chi thứ bảy” và “chi thứ tám”, liên hệ đến phàm nhân. - Rằng khi một người phàm không có CHÁNH NIỆM (chi thứ bảy), thì không thể có CHÁNH ĐỊNH (chi thứ tám) được.
Còn nói về “NHÂN QUẢ LIÊN HOÀN” nêu ra ở đây, thì ám chỉ chi đạo thứ tám (CHÁNH ĐỊNH) vừa là HIỆU QUẢ của chi thứ bảy (CHÁNH NIỆM), vừa là TIỀN ĐỀ của chi thứ nhất (CHÁNH KIẾN). - Rằng “nếu một người không CHÁNH ĐỊNH, thì hoàn toàn chưa đủ CHÁNH NIỆM (chi thứ bảy) và tất nhiên cũng rất khó có CHÁNH KIẾN (chi thứ nhất).
Nhưng đối với THÁNH NHÂN, thì CHÁNH NIỆM (chi thứ bảy) và CHÁNH ĐỊNH (chi thứ tám) của các Ngài đã viên dung, hùng hậu, tức là đầy đủ BA-LA-MẬT (công phu tối thượng). Các Ngài sống hằng ngày trong BÁT-NHÃ hay CHÁNH KIẾN (chi thứ nhất), nên những phẩm cách thanh tịnh tiếp theo (trong Bát Chánh Đạo), như chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, và chánh tinh tấn… vốn luôn luôn đồng bộ.
Đến đây, chúng tôi xin mạn phép vắn tắt, không dài dòng, vì Bát Chánh Đạo đã có khá nhiều sách Phật học nói đến từ xưa đến nay, một cách rộng rãi.
-Vả lại, TRỌNG TÂM của “bài thứ 3” nầy là “Bản Sắc Khoa Học trong Phật giáo” liên quan đến TỨ DIỆU ĐẾ, vừa được chúng tôi cố gắng trình bày theo khả năng của mình. Nếu có gì sơ sót, kính mong chư thiện hữu trí thức bổ túc.
Nói tóm lại, nhờ “BẢN SẮC KHOA HỌC” hay nhờ phẩm cách linh động tuyệt vời của BÁT-NHÃ (Prajña) trong nhà Phật, mà “Bậc Toàn Giác” (Sammā Sambuddha) đã thấy rõ và đầy đủ CHIỀU SÂU của “bộ máy luân hồi” và tìm ra GIẢI PHÁP chấm dứt tử sinh, giúp chúng hữu tình tu thân thoát KHỔ.
Một mai rơi lại “luân hồi cũ”
Mới biết ngày xưa “pháp học lầm”!
(Ghi lại tri kiến phát sinh nhờ CHỈ và QUÁN
trong mùa “tịnh thất” 2021 tại Pháp)
Bình luận bài viết