Thông tin

BÀN VỀ TÍNH TẤT YẾU

CỦA PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM

 

NGUYÊN HUỆ*

 

Nếu không chấn hưng thì Phật giáo Việt Nam tất bị suy diệt, vì Phật giáo Việt Nam không thể tự tồn tại khi không còn Nội lực, tức không có Trí tuệ (Dốt) và không có Đạo đức (Hư).

Diễn biến của Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam dấy khởi khắp ba miền Nam Trung Bắc (1928-1945) là con đường đi tới tất yếu của Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại để tự tồn tại và phát triển, cũng là phù hợp với tiến trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc. Sau đây là những biện giải:

Nhìn lại lịch sử nước nhà, Phan Châu Trinh (1872-1926) đánh giá cao “Tinh thần tôn giáo”. Phan Châu Trinh cho rằng: “Không có tinh thần tôn giáo, chúng ta không biết cương cường xả thân vì nghĩa… Nay bà con thử xét, đời Trần, vì sao dân tộc ta hùng dũng như vậy! Quân Nguyên thắng cả Á cả Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu… Như thế chẳng phải là nhờ đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư? Nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?”1. Nhưng hết thịnh đến suy, Phật giáo Việt Nam đến lúc phải chấn hưng để tự tồn và phát triển, hoặc là bị suy diệt. Tính chất sống còn, tính chất tự tồn này có thể ghi nhận qua mấy chi tiết:

a. Tự tồn để phát huy nội lực: Giáo sư Trần Văn Giàu (1911-2011) trong bộ sách Sự Phát Triển Của Tư Tưởng Việt Nam Từ Thế Kỷ XIX Đến Cách Mạng Tháng Tám, phần điểm qua Phong trào chấn hưng Phật giáo, đã tóm kết về hiện trạng của Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ: “Phật tử phê phán Phật giáo suy đồi ở trên hai điểm chính đó là dốt và hư”2. Do vậy, nếu không chấn hưng thì Phật giáo Việt Nam tất bị suy diệt, vì Phật giáo Việt Nam không thể tự tồn tại khi không còn Nội lực, tức không có Trí tuệ (Dốt) và không có Đạo đức (Hư).

b. Tự tồn để có thể hiện rõ ánh sáng và sự thật: Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã có những gắn bó với lịch sử dân tộc, đã có những đóng góp tích cực cho quá trình giữ nước và dựng nước của dân tộc. Bấy giờ, nếu không chấn hưng thì ánh sáng cùng sự thật nơi Phật giáo và Phật giáo Việt Nam mãi mãi bị chìm lấp, chìm lấp trong sự suy diệt, lại bị phê phán, đả kích từ nhiều phía. Trước thời kỳ chấn hưng và song hành với thời kỳ chấn hưng, đã có 4 tác phẩm viết về Phật giáo và Phật giáo Việt Nam trong ý hướng phê phán, đả kích dựa theo những quan điểm khác nhau. Đó là những trang viết về Phật giáo và Phật giáo Việt Nam của Phan Kế Bính (1875-1921) trong sách Việt Nam phong tục, xuất bản năm 1915. Thiên khảo cứu khá dài: Phật giáo lược khảo của Phạm Quỳnh (1892-1945) đăng trên tạp chí Nam Phong số 40 tháng 10 năm 1920 (Sau in lại trong Thượng Chi văn tập, Tập 4. Nxb A Derhodes Hà Nội. Không ghi số năm. Trang 7-148). Sách Vì sao tôi cảm ơn Đạo Phật của sư Thiện Chiếu (1898-1974) xuất bản năm 1936 và tác phẩm Phê bình Phật giáo của Nguyễn An Ninh (1900-1943) xuất bản năm 1937.

* Phan Kế Bính (1875-1921) là tiêu biểu cho hạng Nho sĩ cựu học, mang nặng tư tưởng độc tôn lỗi thời về Nho giáo, cho rằng chỉ mỗi Nho giáo là đạo chính thống, còn các học thuyết khác, kể cả Phật giáo đều là ngoại lai, ngoại nhập. Trong sách Việt Nam phong tục (xuất bản năm 1915) Phan Kế Bính đã dùng năm trang sách để viết về Phật giáo và Phật giáo Việt Nam (xem: Việt Nam phong tục. Bản in năm 1999. trang 168-173), gồm:

+ Ghi nhận tổng quát về Phật giáo (trang 168-171).

+ Dựa theo sách Việt Sử Yếu Lược của Hoàng Cao Khải để dịch, nêu tóm tắt về đạo Phật từ Ấn Độ truyền sang Tàu, sang Việt Nam.

+ Xét ở Cựu sử để bàn về thời kỳ đạo Phật du nhập vào Việt Nam (trang 171-173).

+ Ghi nhận và phê phán về hiện trạng suy kém của Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ (1/2 trang 173).

Không rõ Phan Kế Bính đã dựa theo những tài liệu nào để viết, mà viết quá sai, hoàn toàn sai về đạo Phật. Chẳng hạn, tác giả viết về Tam Tạng Kinh Điển của Phật giáo như sau: “Ngài (chỉ Đức Phật) mất rồi, các học trò soạn nhặt các lời di ngôn tập hợp thành sách, cả thảy 42 chương (Sic), chia làm 3 quyển gọi là Kinh Tam Tạng” (Việt Nam Phong Tục. Sđd, trang 169). Hoặc: “Tục truyền ông ấy (chỉ Đức Phật) về sau ăn mỡ lợn, phát trướng mà chết ở nơi Câu Thi. Lúc gần mất, ông ấy nói rằng: Nay Ta đã lên cõi Niết bàn, nghĩa là lên đến chỗ Cực Lạc thế giới”. (Sđd, trang 1690). Đây không chỉ là viết sai mà còn là viết bậy nhằm xuyên tạc! Hoặc cho: “Mục đích của đạo Phật chỉ có hai chữ hư vô là kiêm hết” (Sđd, trang 170). Quy kết như thế chứng tỏ Phan Kế Bính có thể là nhà nghiên cứu người Việt Nam đầu tiên đã giẫm phải cái luận điểm cho Phật giáo là tôn giáo của hư vô, rồi gây ra phong trào chống đối Phật giáo của một số nhà triết học, văn sử học v.v… ở châu Âu vào thế kỷ XIX mà Học giả Roger Paul Droit đã biện rõ trong tác phẩm Tín Ngưỡng Hư Vô (Le Culte Du Néant) xuất bản năm 1997.

Tiếp sau Phan Kế Bính (1875-1921) là Phạm Quỳnh (1892-1945) rồi Đào Duy Anh (1904-1988), Đặng Thai Mai (1902-1984), Đinh Gia Khánh, cả đến một số vị dịch giải Thơ Văn Lý Trần (Tập 2, Nxb KHXH, 1989) đã tha hồ sử dụng hai chữ Hư vô để chỉ cho Phật giáo và tư tưởng của Phật giáo3.

* Năm năm sau ngày sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính xuất bản, trên tạp chí Nam Phong số 40, tháng 10 - 1920, Phạm Quỳnh (1892-1945) đã cho đăng Thiên khảo cứu Phật giáo lược khảo của mình (Xem: Thượng Chi văn tập, tập 4. Nhà xb A. Derhodes, Hà Nội, trang 7-148). Đây là tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên nghiên cứu về Phật giáo một cách tương đối đầy đủ và nghiêm túc, do một trí thức Việt Nam viết, ra đời trước phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam (1928-1945). Phạm Quỳnh đã không hề nhắc đến những trang viết về Phật giáo của Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục. Cũng không như Phan Kế Bính chỉ dựa theo những thứ tài liệu vớ vẩn nào đấy để viết bậy bạ về đạo Phật, Phạm Quỳnh đã có những tham khảo đúng đắn về các tài liệu chữ Hán, chữ Pháp liên hệ để khảo xét về Phật giáo, dẫn lời của một nhà làm sách ở Nhật Bản đã từng khẳng định: Phật giáo là một trong hai cái nguồn lớn của văn hóa Đông Á (Thượng Chi văn tập, Tập 4. Sđd, trang 7). Những luận điểm của Phạm Quỳnh khi ghi nhận, phê phán các vấn đề thuộc loại cơ bản của Phật học, như vấn đề diệt khổ, vấn đề vô ngã, sắc không, Niết bàn, giải thoát v.v… không chỉ là những kiến giải tự thân của nhà nghiên cứu họ Phạm, mà đấy còn là những kiến giải, những luận điểm được nối dài, được Việt hóa, từ luận điểm của một số nhà triết học, văn sử học Âu Tây thế kỷ XIX đã kích bác Phật giáo, như học giả Roger Paul Droit, trong tác phẩm Le Culte Du Neant (Tín ngưỡng hư vô) đã nêu dẫn và biện giải đầy đủ4.

* Theo học giả Đào Duy Anh (1904-1988), trong tác phẩm Hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, thì hai cuốn sách viết về Phật giáo: Vì sao tôi cảm ơn Đạo Phật của sư Thiện Chiếu (1898-1974) xuất bản năm 1936, và cuốn Phê bình Phật giáo của Nguyễn An Ninh (1900-1943) xuất bản năm 1937 đã tạo được những chú ý đáng kể đối với đám thanh niên cùng lớp với ông vào thời ấy. Sách “Vì sao tôi cảm ơn Đạo Phật” đã giúp ông “Thấy rõ những mâu thuẫn của đạo Phật, đặc biệt là của thuyết nhân quả, Niết bàn, nói lên những điều mà tôi vẫn thường nghĩ lờ mờ nhưng tự mình chưa biết nói ra như thế nào!”5. Còn tác phẩm Phê bình Phật giáo thì cho thấy Nguyễn An Ninh (1900-1943) đã đứng về lập trường Duy vật biện chứng mà phê bình Phật giáo. Đi xa hơn tác giả sách Vì sao tôi cảm ơn Đạo Phật, Nguyễn An Ninh đã phê bình mọi lý thuyết cơ bản của Phật giáo với con mắt của người đã thừa nhận các luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác6.

Như thế tức chỉ có chấn hưng thì Phật giáo Việt Nam mới có đủ Ánh sáng và sự thật để tự nhìn về chính mình, cùng nhìn rõ, nhìn đúng về những luận điểm đã phê phán, kích bác Phật giáo như đã nêu.

c. Tự tồn để phục hưng và phát huy văn hóa Phật giáo, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: Chỉ có mỗi một con đường chấn hưng thì Phật giáo Việt Nam mới có thể thực hiện được các sự việc vừa nêu. Xin đọc lại những dòng viết của nhà văn, nhà báo Phan Khôi (1887-1960) đã dựa theo lịch sử để nói về công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam: “Chúng tôi không chuyên về một tôn giáo nào hết. Có người lo nếu Phật giáo thịnh thì Việt Nam trở nên lười… Chúng tôi tưởng khi Phật giáo thịnh hành cũng chẳng có cái hiệu quả như thế. Vì chúng tôi lấy lịch sử để làm chứng… Phật giáo truyền sang Tàu từ thời Đông Hán, mà suốt trong đời ấy quốc gia của nhà Hán rất là cường thịnh… Rồi đến đời Đường Thái Tông, đời mà đạo Phật thịnh nhất ở Trung Quốc, thì thế nước lại lừng lẫy, vững vàng, tứ di đều thần phục… Ở nước ta cũng vậy. Vào thuở nhà Lý nhà Trần, đạo Phật tràn ngập cả nước, chùa chiền khắp nơi, thầy tu làm dân tráng, nhưng nước nhà chưa hề có cái vẻ tích nhược như hồi Lê trung hưng hay Nguyễn thống nhất, là cái thời đại Nho học thịnh hành. Trái lại, nhà Lý nhà Trần mạnh lắm, dân khí còn hăng lắm, mấy phen giặc Tàu sang chúng ta đuổi đi như đuổi vịt. Lịch sử là cái chứng mạnh lắm không ai cãi được. Nó đã làm bằng chứng cho Phật giáo: Không phải là một thứ như thuốc phiện làm mòn yếu con người”7.

Chính do chấn hưng mà Phật giáo Việt Nam thời kỳ 1935-1945 đã có thêm những cây bút nghiên cứu Phật học sáng giá như Trần Trọng Kim (1882-1953), Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940), Bùi Kỷ (1887-1960), Thiều Chửu (1902-1954). Chư vị đều là các nhà Nho có tân học, gồm thông cả Nho - Phật, hăng hái tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo, vì nhận thấy vào thời bấy giờ, đấy là con đường duy nhất để tạo sự hồi sinh cùng phát huy văn hóa Phật giáo, góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đối chiếu với bốn mục tiêu hoạt động của Hòa thượng Khánh Hòa

Bốn mục tiêu hoạt động do Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947) đề ra cho quá trình thực hiện công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, cụ thể là ở Nam Bộ, mà Hòa thượng là người khởi xướng, mở đường, đã được các nhà nghiên cứu ghi nhận, gồm:

1. Chỉnh đốn Tăng già, lập Hội Phật Giáo.

2. Kiến lập Phật Học Đường, đào tạo Tăng tài.

3. Thỉnh Đại Tạng Kinh, diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ.

4. Xuất bản báo, tạp chí, phổ biến giáo lý.

Nhìn chung, bốn mục tiêu hoạt động ấy đều có tính bao quát và triệt để.

* Nói bao quát, vì các mục tiêu hoạt động như đã nêu đều vừa gắn liền với hiện thực sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ, đồng thời mở ra những cái nhìn về lâu về dài, làm tiền đề cho sự thực hiện nối tiếp, giúp cho Phật giáo Việt Nam phát triển để vững bước đi tới. Có thể căn cứ theo mục tiêu hoạt động thứ 2 (Kiến lập Phật Học Đường, đào tạo Tăng tài) và thứ 4 (Xuất bản báo, tạp chí, phổ biến giáo lý) để ghi nhận cùng thấy rõ điều chúng tôi vừa nêu. Chẳng hạn, về lãnh vực Kiến lập Phật Học Đường, đào tạo Tăng tài, chúng ta đã thấy:

+ Những Phật Học Đường được kiến lập ở Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo (1928-1945) như Thích Học Đường8 của Hội Nam kỳ Nghiên Cứu Phật Học (1931), Phật Học Đường Lưỡng Xuyên của Hội Lưỡng Xuyên Phật Học (1934), Phật Học Đường Trúc Lâm, Phật Học Đường Tường Vân của Hội An Nam Phật Học (1932), Phật Học Đường Quán Sứ của Hội Bắc Kỳ Phật Giáo (1934)…

+ Tiếp theo, vào thời kỳ 1955-1975, Phật giáo Việt Nam ở miền Nam, nhiều Phật Học Đường, Phật Học Viện đã được kiến lập, nối tiếp sứ mạng đào tạo Tăng tài, như Phật Học Đường Ấn Quang, Phật Học Đường Huệ Nghiêm, Phật Học Đường Từ Nghiêm và Phật Học Đường Dược Sư (dành cho Ni sinh). Phật Học Viện Nha Trang, Phật Học Đường Báo Quốc, Viện Đại Học Vạn Hạnh (1973)…

+ Rồi đến thời kỳ đất nước thống nhất (1975), Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện tại được thành lập (11-1981), các Viện Nghiên cứu Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, tại Huế, tại Hà Nội đã được xây dựng, hoạt động, nhiều trường Trung cấp Phật học ở các tỉnh, thành đã được khai giảng, sinh hoạt đồng bộ v.v…

+ Còn về lãnh vực xuất bản báo, tạp chí, phổ biến giáo lý, có thể tham khảo bài viết của Hòa thượng Trung Hậu, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương, GHPG Việt Nam: Báo Chí Phật Giáo Việt Nam Trên Đà Phát Triển, Nhìn Từ Con Người (Đăng trên Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 260 – 1-11-2016) để thấy rõ hơn về những nét chính của sinh hoạt báo chí Phật giáo Việt Nam từ buổi đầu với các Tạp chí như Pháp âm (1929), Từ bi âm (1932), Viên âm (1933), Duy tâm (1935), Đuốc tuệ (1935), Tiếng chuông sớm (1935)… của phong trào chấn hưng Phật giáo (1928-1945) cho đến hiện tại là thời kỳ đất nước thống nhất (1975…), Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập (11-1981), sinh hoạt báo chí Phật giáo Việt Nam đã được nối tiếp và phát triển với các tờ báo, tạp chí như Tuần báo Giác ngộ, Nguyệt san Giác ngộ, bán nguyệt san Văn hóa Phật giáo, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, tạp chí Khuông Việt, tạp chí Phật giáo Nguyên Thủy… Gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của sinh hoạt báo chí Phật giáo Việt Nam như đã lược nêu ấy, là hình ảnh của chư vị Tôn đức, chư vị Cư sĩ có đủ tri thức và đạo tâm, đã dành gần hết cuộc đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu Phật học, biên dịch kinh luận, sáng tác thơ văn (viết sách, viết báo) góp phần đẩy sinh hoạt báo chí Phật giáo Việt Nam vững tiến lên phía trước, trong đó, đáng chú ý nhất là Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947), không chỉ được xem là người khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, mà còn là người Mở đầu, Mở đường cho sinh hoạt báo chí Phật giáo Việt Nam thời cận – hiện đại.

* Nói Triệt để, là vì bốn mục tiêu hoạt động như đã dẫn đều có tính tất yếu: Đó là những lãnh vực nền tảng mà Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ phải chấn hưng nếu không muốn Phật giáo Việt Nam mãi bị chìm mất trong sự suy diệt, vì Phật giáo Việt Nam lúc này không còn sự chọn lựa nào khác như trước đã nói. Nhìn theo hướng tiêu cực, Phật giáo Việt Nam thời kỳ tiền chấn hưng, đối chiếu với bốn mục tiêu hoạt động như đã thấy, là một thứ Phật giáo có đủ bốn không:

+ Không có Giáo hội Phật giáo Trung ương để lãnh đạo, quản lý hệ thống Giáo hội nơi các tỉnh thành. Không có Tăng bảo vì Tăng già vào thời ấy chưa đủ nội lực để thành một thứ bảo trong ba thứ bảo (Do vậy nên phải chỉnh đốn Tăng già, lập Hội Phật Giáo: Mục tiêu hoạt động thứ 1).

+ Không có Phật Học Đường, không có đường hướng đào tạo Tăng tài (Do vậy nên phải kiến lập Phật Học Đường, đào tạo Tăng tài: Mục tiêu hoạt động thứ 2).

+ Không có Đại Tạng Kinh, không có kinh sách bằng chữ Quốc Ngữ được xuất bản… (Do vậy nên phải: Thỉnh Đại Tạng Kinh, diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ: Mục tiêu hoạt động thứ 3).

+ Không có Báo chí, Tạp chí để phổ biến giáo lý (Do vậy nên phải xuất bản báo, tạp chí, phổ biến giáo lý: Mục tiêu hoạt động thứ 4).

Học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) nơi phần đầu của Thiên khảo cứu Phật Giáo Lược Khảo (1920) đã viết, như là lời than thở đối với Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ có đủ bốn không như vừa đối chiếu: “… Bởi vậy nên đã lâu nay, đạo Phật có nhiều người tin mà ít người biết, những bậc Cao Tăng danh thuyền đời xưa tuy cũng có, mà gần đây không đâu còn. Tới nay đến những nơi chùa chiền, đám Tăng chúng, cũng khó lòng tìm được người nào là còn giữ được chút tàn hồn của Phật giáo. Đạo Phật bây giờ chỉ có tên mà không có thực, chỉ có bóng mà không có hình, chỉ còn cái bã rã cúng bái mà không còn cái tinh thần tu niệm: Phật giáo đã vắng ngắt trong cõi tư tưởng ở nước ta lâu lắm vậy”9.

Thật ra, nói Phật giáo Việt Nam thời kỳ tiền chấn hưng có đủ bốn không như ở trên đã nêu là nhìn theo hướng tiêu cực, và những dòng viết đậm chất than thở của học giả Phạm Quỳnh, vì đứng từ bên ngoài nên không nhìn thấy hết sự việc. Thực sự thì Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ vẫn còn có một yếu tố vô cùng quý giá, bởi vì có yếu tố ấy thì những mục tiêu hoạt động kia mới được chấn hưng, mới được thực hiện, đúng như Nguyễn Lang đã viết: “Vào khoảng 1920, tuy tình trạng Phật giáo ở đất Việt không có gì sáng sủa, nhưng rải rác trong xứ vẫn còn những vị Cao Tăng duy trì mạng mạch của Phật pháp… (Tóm tắt: Ở Nam kỳ có chư vị Tôn đức: Từ Phong, Khánh Hòa, Chí Thành, Huệ Quang, Khánh Anh… Ở Trung kỳ: Tuệ Pháp, Thanh Thái, Đắc Ân, Tâm Tịnh, Phước Huệ, Phổ Tuệ… Ở Bắc kỳ: Thanh Hanh, Đỗ Văn Hỷ, Thanh Tường, Trí Hải, Tâm Ứng…)… Chư vị Tôn đức ấy “tuy không đủ để tạo nên cho Phật giáo một khuôn mặt sáng sủa, nhưng đã đủ sức để làm nền tảng cho một cuộc chấn hưng”10.

Chúng tôi xin một lần nữa được gọi chư vị Tôn đức kia, đáng chú ý nhất là Hòa thượng Khánh Hòa, là những khuôn mặt anh tài – chữ của học giả Lê Mạnh Thát11 – của Phật giáo Việt Nam thời cận – hiện đại.

 


* Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

1. Dẫn theo Việt Nam Phật giáo sử luận tập 3. Sđd, trang 16.

2. Xem Trần Văn Giàu. Sđd. Tập 2. Nxb KHXH. 1975. Trang 234.

3. Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Phật giáo và hư vô cùng chủ nghĩa hư vô. Nguyệt san Giác Ngộ số 202, 203. Tháng 1, 2 năm 2013.

4. Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Phật giáo và hư vô cùng chủ nghĩa hư vô. Nguyệt san Giác Ngộ số 202, 203. Tháng 1, 2 năm 2013.

5. Nhớ nghĩ chiều hôm. Hồi ký của Đào Duy Anh. Nhà xb Trẻ. 1989. Trang 189.

6. Nhớ nghĩ chiều hôm. Sđd. Trang 190. Gần đây, một tác phẩm của học giả Lữ Trừng (1896-1989) cuốn: Ấn Độ Phật học Nguyên Lưu Lược Giảng do Hòa thượng Phước Sơn Việt dịch, Nxb Phương Đông, 2011, cho thấy tác giả Lữ Trừng đã dựa trên quan điểm Duy vật biện chứng để trình bày về Phật giáo cùng phê phán các chủ thuyết cơ bản của Phật học. Xem thêm: Bài viết của Đào Nguyên: Lại bàn về tín ngưỡng Tịnh Độ theo quan điểm của học giả Lữ Trừng. Nguyệt san Giác ngộ số 243, tháng 6, năm 2016.

7. Dẫn theo Việt Nam Phật giáo sử luận tập 3. Sđd. Trang 29.

8. Theo Nguyễn Lang trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3 thì Thích Học Đường này chỉ mới xây dựng cơ sở vật chất mà không chiêu sinh để khai giảng các khóa học, do sự cố tình trì trệ của ông Trần Nguyên Chấn, bấy giờ là Phó nhì Hội trưởng Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học.

9. Xem: Thượng Chi văn tập, tập 4. Nxb A. De Rhodes, Hà Nội, trang 8.

10. Xem: Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3. Sđd. Trang 22-23.

11. Xem: Khương Tăng Hội Toàn tập 1 của Lê Mạnh Thát. Bản in 1994. Trang 9, 41.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6112553