BÀN VỀ Ý NIỆM TÂM VÀ TIM
BÀN VỀ Ý NIỆM TÂM VÀ TIM
TRÍ TÂM
Trong tiếng Việt, Tâm / Tim là những ý niệm rất gần gũi nhau nhưng không hoàn toàn đồng nhất về mặt nội hàm, ngoại diên, về mặt nghĩa đồng đại, lịch đại, về mặt ẩn dụ, hoán dụ, cũng như quan niệm về vị trí tồn tại của chúng. Điều thú vị là, theo cách mà dân gian Việt Nam hình dung, Tâm có thể là trái tim, Tâm cũng có thể là trí, Tâm cũng có thể là lòng, dạ, bụng, ruột, thậm chí cũng có thể là gan và chúng có sự phân công về mặt ngữ nghĩa rất khác nhau.
Thật ra, Tim/ Tâm và một số biểu đạt ẩn dụ liên quan đến lớp từ vựng chỉ bộ phận cơ thể con người xuất hiện khá nhiều trong các ngôn ngữ và ít nhiều liên quan đến những trải nghiệm có tính chất chủ quan của một cộng đồng ngôn ngữ nhất định. Nói một cách đơn giản, con người với tư cách là chủ thể giao tiếp, thường dùng những kinh nghiệm, những hiểu biết về chính cơ thể của mình làm xuất phát điểm để tri nhận thế giới, bao gồm thế giới hiện thực và thế giới tưởng tượng… Chẳng hạn, từ lòng người (một bộ phận cơ thể của con người) đến lòng sông, lòng đò, lòng đường, lòng chảo, lòng đất… lòng đô thị, lòng xã hội, lòng dân… tuy mối quan hệ đậm nhạt có khác nhau, mức độ cụ thể và trừu tượng có khác nhau, nhưng giữa chúng có chung một số đặc điểm nào đấy. Và mỗi bộ phận cơ thể con người với những thuộc tính hữu quan đều có giá trị biểu trưng như: ấm bụng, mát dạ, nóng lòng, sốt ruột, lạnh gáy…, rõ ràng nhiệt độ, chính xác hơn sự cảm nhận về thân nhiệt có giá trị biểu đạt cảm xúc.
Nhìn một cách khái quát, một số bộ phận cơ thể con người thường được dùng để biểu trưng một số phạm trù tinh thần, lý trí, nhận thức, tình cảm… như kiểu nói Phật tại tâm, phải lòng nhau, ý tưởng trong đầu, tình cảm chôn chặt trong lòng, tính không để bụng… Chúng, trước hết là một vật chứa và là một vật thể hữu hình, điều này đúng với cả những ý niệm thuộc về đức tin như hồn, vía trong đối lập với xác. Có lẽ đây là điểm tương đồng duy nhất về trường ý niệm có tính nhân loại đang khảo sát, còn với các chức năng khác lại hoàn toàn lệ thuộc sự hình dung của từng nền văn hóa, từng loại niềm tin mà con người với tư cách là một thành tố trong hệ thống đó.
Với Ki tô giáo, Tâm có thể là linh hồn, tâm hồn… trong thế đối lập với thân xác, thể xác, nhưng có lẽ dễ nhận diện nhất: “tâm là tính”. Những điều từ miệng nói ra đều xuất phát từ tâm (Kinh Thánh) cho nên, Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá; sự hận thù, đố kỵ có nguồn gốc từ Tâm ghen ghét; Tâm mà lệch lạc thì cuộc sống đảo điên, Tâm trong sáng thì cuộc sống vững chải bền chắc. Cho nên, đối với con người, việctịnh tâm, yên tâm (an tâm), bình tâm, tĩnh tâm… có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong cuộc sống, vì một lý do nào đó ta không làm chủ được mình, không kiểm soát hành vi của mình, lúc này cần phảiđịnh tâmthậm chí phải hồi tâm.
Với nhà Phật, Tâm là thức bao gồm cả ý thức và vô thức. Tâm là căn nguyên của mọi căn nguyên, là hạnh phúc, là khổ đau. Tất cả từ đó mà ra: “Nhất thiết duy tâm tạo” (Kinh Hoa Nghiêm) và do vậy, cần phải phân biệt đâu là vọng tâm, đâu là chân tâm. Truyền thuyết về cuộc đối thoại giữa Đức Phật với A–Nan, giữa Bồ Đề Đạt Ma và thiền sư Huệ Khả về Tâm, cho thấy tính chất khó định vị: nó vừa hiện thực, lại vừa hư ảo, có tính chất hướng nội, trực giác chứ không phải ngược lại; đòi hỏi con người một sự đốn ngộ không dễ dàng.
Trong văn học cổ Việt Nam, Tâm được nhận diện là trái tim - vật chứa, là tấm lòng với nghĩa tích cực, là thần trí như trong truyện Kiều: Tâm thành đã thấu đến trời… Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai… Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài… Dân gian dùng Tâm với nghĩa lòng, thực thể bên trong đối lập với phương tiện ngôn ngữ, cái thể hiện ra bên ngoài, theo hoặc cùng hướng như tâm Phật, khẩu Phật; tâm phục, khẩu phục; tâm thị khẩu phi… hoặc theo hướng trái ngược như Khẩu Phật, tâm xà… Một nghiên cứu Việt ngữ học gần đây cho biết trước thế kỷ XX chưa thấy xuất hiện ý niệm Tim, thậm chí không có một câu tục ngữ, thành ngữ (hoặc những dẫn liệu khách quan) nào liên quan đến Tim biểu trưng cho cơ quan trí tuệ hay tình cảm. Trái lại, để biểu lộ cảm xúc chủ yếu người ta dùng các cơ quan lục phủ, ngũ tạng, trong đó gan thường biểu trưng cho ý chí và lòng can đảm. Các bộ phận còn lại, lòng, bụng, dạ, ruột… vừa có thể tương đương với đầu mà cũng có thể tương ứng với tim hoặc cả với hồn / tâm hồn như cách tri nhận của phương Tây. Như vậy, sự lưỡng phân đầu: Lý trí, tim: Tình cảm trong tiếng Việt hiện nay là một hiện tượng mới xảy ra một vài thế kỷ? Tưởng cũng cần lưu ý, trước đây cách hình dung của phương Đông như thế thường được xếp vào hệ tri thức thơ ngộ, nhưng với một số công trình y học của phương Tây công bố gần đây, lòng ruột và nói rộng ra hệ tiêu hóa, được thừa nhận là cơ quan não bộ thứ hai tức bụng, dạ dày cũng có chức năng trí não (xem Michael D. Gershon, 1999 và Jacquelin Warnet, 2011). Điều đó cho thấy, nhận thức dân gian không hẳn là không có căn cứ.
Theo cách hình dung của triết học cổ đại Trung Quốc, Tâm - trái tim (xin) được định vị ở vị trí quan yếu về mặt địa hình cũng như về mặt cơ thể học. Nó được tri nhận là người chỉ huy quan trọng nhất của cơ thể, hơn thế nữa, người ta cho rằng: “vũ trụ là trái tim của tôi, trái tim của tôi là vũ trụ”. Hãy chú ý đến đoạn đối thoại sau:
“Zisi, cháu của Khổng Tử hỏi:
- Sự vật khác nhau về bản chất và hình dạng, con người nhìn nhận chúng có thể đúng mà cũng có thể sai, do vậy phải xem xét, nhưng cháu không biết phải thông qua cái gì?
Khổng Tử: Thông qua tim.”
Qua đó, có thể thấy, với người Trung Quốc xưa, Timđược coi là cơ quan suy nghĩ mà cũng là cơ quan của cảm xúc.
Trong văn hóa Ai Cập, tim có hình dáng như một chiếc bình cầm tay, và được hình dung là vật thể chứa đựng cảm xúc và cả lý trí. Khi tiến hành ướp xác, người ta thường bỏ ra ngoài lục phủ ngũ tạng, kể cả óc cũng được lấy ra hết đằng mũi, duy chỉ có trái tim thường là để nguyên trong lồng ngực. Về biểu tượng của trái tim đang sử dụng hiện nay với hai bán cầu, có thể khiến ta liên tưởng đến tâm thất và tâm nhĩ, nhưng nó không hoàn toàn mô phỏng từ hình dáng trái tim mà là lại được cách điệu từ cơ thể của người phụ nữ.
Trong tiếng Anh, ngoài dấu vết learn by heart (học thuộc lòng) ít nhiều liên quan đến trí nhớ, còn nhìn chung có sự lưỡng phân rất triệt để: (i), mind (hồn, tâm hồn) / body (xác, thể xác), rồi trong xác lại chia ra (ii), head (đầu), là cơ quan biểu trưng cho lý trí, trí tuệ, ý chí còn heart (tim), lại có giá trị như một cơ quan của cảm xúc, tình cảm và sự can đảm. Sự phân chia rạch ròi như vậy không lạ trong văn hóa phương Tây. Blaise Pascal (1623-1662) trong Pensées, đã từng khẳng định: Trái tim có những lý lẽ riêng mà lý trí không thể nào biết được. Thật ra, cách hình dung này đã xuất hiện khá sớm trong triết học Hy Lạp cổ đại với souma (vật chất, xác) và nous (tinh thần, hồn).
Ngày nay, các trạng thái vật chất cụ thể của con tim trong tiếng Anhlàm thành những dãy nghĩa biểu trưng đối lập: (i) tiêu cực (cứng, rắn, nặng) như broken heart, heart of stone, hard - hearted, heavy heart, britte heart…; (ii) tích cực (mềm, nhẹ, ấm) light heart, soft heart, tender heart, warm heart… Trong tiếng Việt hiện đại, ta thường diễn đạt các trạng thái cảm xúc thông qua hình ảnh hoạt động của Tim như: đứng tim, giựt thót tim, tim muốn nhảy khỏi lồng ngực, tim đập bấn loạn, nhịp tim không bình thường, tim đập loạn xạ, tim đập liên hồi, trái tim quặn thắt… hoặc dùng trái tim để biểu trưng những cung bậc tình cảm khác nhau: trái tim mềm yếu, trái tim sắt đá, trái tim chai lỳ, trái tim nhân từ, trái tim độc ác, trái tim nhân hậu…
Như vậy ở bình diện đồng đại, cách nhìn nhận thông qua những đặc điểm vật chất, cụ thể, hữu hình của Tim để xây dựng nên những biểu thức ẩn dụ là cách lập thức mang tính phổ quát. Bên cạnh sự phân lập trạng thái của Tim để tạo nên những dãy nghĩa đối lập trong tiếng Anh như dẫn chứng bên trên, còn có thể kể đến đặc điểm hình dáng lớn / nhỏ, kích thước rộng/ hẹp, trọng lượng nặng/nhẹ… cũng đều biểu đạt nghĩa theo hai hướng, có thể dễ dàng tìm thấy trong tiếng Việt và các ngôn ngữ khác. Mặt khác, tuy không thật rõ nét nhưng do ảnh hưởng của môi trường thảo mộc và cách hình dung đời người là cỏ cây, nên người Việt tri nhận tim là trái / quả (xem thêm cách định danh một số bộ phận cơ thể theo cách dịnh danh cây cỏ như buồng phổi, lá gan, lá phổi, trái / quả thận, bắp vế… nở nụ cười, trái tim héo úa, công việc đơm hoa kết quả, tình yêu nẩy nở, tình cảm đâm chồi nảy lộc…) và trái tim là vật chứa nước, sự hiện diện của loại chất lỏng này nhiều hay ít đều làm nên những giá trị biểu đạt rất khác nhau, ví dụ trái tim tràn ngập yêu thương, trái tim mênh mông, trái tim dâng đầy, trái tim dào dạt… trái tim khô không khốc, trái tim cạn kiệt, trái tim ngưng đọng mà về mặt sâu xa là bắt nguồn từ ẩn dụ rất quen thuộc cảm xúc là nước.
Trở lên là một số phân tích tản mạn chung quanh ý niệm Tâm/ Tim. Hiển nhiên không đơn thuần là chuyện chữ nghĩa mà nó liên quan rất nhiều đến văn hóa và nhiều vấn đề phức tạp khác. Chúng tôi hình dung đây chỉ là một phác thảo mặt ngôn ngữ, song tựu trung chỉ mong Phật tâm trong mỗi con người mãi rực sáng để chúng ta luôn thấy Niết bàn ở cõi Ta bà này.
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết