Thông tin

BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ

“PHẬT GIÁO VÙNG MÊ-KÔNG: LỊCH SỬ VÀ PHÁT TRIỂN”

 

TT.TS. THÍCH NHẬT TỪ(*)

 

Hội thảo quốc tế: “Phật Giáo vùng Mê-kông: lịch sử và phát triển” là sự hợp tác học thuật giữa Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Trường Đại học KHXH&NV, trong hai ngày 13-14/11/2015, thể hiện mối quan tâm của lãnh đạo hai trường về các vấn nạn đối với sông Mê-kông nói riêng và các nước tiểu vùng Mê-kông nói chung. Ngày thứ nhất, hội thảo bằng tiếng Việt, ngày thứ hai bằng tiếng Anh, có sự tham dự của hơn 100 học giả thuộc các đại học trong nước và trên 40 học giả nước ngoài, ngoài mục đích nghiên cứu về quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo vùng Mê-kông, còn hướng đến các hợp tác và giao lưu Phật giáo trong khu vực và trên thế giới.

Tại hội thảo khoa học quốc tế lần này, trong số hơn 130 tham luận gửi về, Ban tổ chức đã chọn gần 70 tham luận của các học giả Việt Nam và hơn 30 tham luận của các học giả nước ngoài để in trong hai Kỷ yếu tiếng Việt và tiếng Anh, xoay quanh 5 nhóm chủ đề chính: (i) Phật giáo vùng Mê-kông: Quá trình du nhập và phát triển, (ii) Phật giáo vùng Mê-kông: Giao lưu và hội nhập, (iii) Phật giáo vùng Mê- kông: Di sản và văn hóa, (iv) Phật giáo vùng Mê-kông: Bảo vệ môi trường và ứng xử môi trường, và (v) Phật giáo vùng Mê-kông: Toàn cầu hóa. Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, qua Đề dẫn này, tôi xin khái quát các nội dung chính của các nhóm chủ đề vừa nêu.

1. Phật giáo vùng Mê-kông: du nhập và phát triển

Sông Mê-kông là một trong những con sông dài nhất thế giới, tạo ra nền văn minh sông nước, chi phối đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo của nhiều quốc gia như Campuchia, Lào, Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam, Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu Phật học ngoài việc giới thiệu bối cảnh du nhập của Phật giáo các nước tiểu vùng Mê-kông, còn đề cao các hình thái phát triển Phật giáo trong vùng châu thổ này.

Từ việc nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam trên vùng đất Nam Bộ, các nhà nghiên cứu phát hiện mối liên hệ Phật giáo các nước tiểu vùng Mê-kông và địa danh Kim Địa (Suvarṇabhūmi) từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Bối cảnh quan hệ giữa Phù Nam với Ấn Độ và Trung Hoa đã được phân tích cặn kẽ trong giai đoạn thế kỷ I – VII. Sự phát triển của Phật giáo Phù Nam đã mở rộng biên giới sang vùng Nam Trung Hoa như một cầu nối giữa hai nền văn minh lớn của châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa.

Bằng sự tiếp biến văn hóa, các nước tiểu vùng Mê-kông không chỉ chia sẻ chung cơ tần văn hóa bản địa, mà còn chứng kiến và tiếp nhận những biến động của lịch sử. Sự tiếp biến văn hóa giữa Ấn Độ và các quốc gia vùng Mê-kông đã tạo nên sự phong phú về văn hóa và đời sống tinh thần của các cộng đồng tiểu vùng Mê-kông. Các học giả thừa nhận rằng sự du nhập và phát triển của Phật giáo trong khu vực đã góp phần hình thành nên những giá trị bản sắc văn hóa độc đáo từ ngàn xưa cho đến hôm nay.

2. Phật giáo vùng Mê-kông: giao lưu và hội nhập

Có 13 bài nghiên cứu đề cập đến tính toàn cầu hóa và hội nhập của các nền văn hóa các nước tiểu vùng Mê-kông. Các hình thức giao lưu và hội nhập được khảo cứu bao gồm các trường phái Phật giáo, các dòng thiền Nguyên thủy và Đại thừa, cơ cấu tổ chức của các cộng đồng… Một số nhà nghiên cứu đề cao mối quan hệ giữa Phật giáo với sự phát triển bền vững của tiểu vùng Mê-kông nói chung và đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng. Đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội của Phật giáo cũng là mối quan tâm của một số bài nghiên cứu trong hội thảo. Những đề xuất về sự giữ gìn và phát huy truyền thống của Phật giáo trong vùng Mê-kông… được phân tích dưới góc độ hội nhập tôn giáo, theo đó, tự viện Phật giáo không chỉ là nơi truyền bá đạo đức tâm linh, còn là môi trường tốt cho các hoạt động văn hóa, xã hội cho nhiều cộng đồng trong khu vực.

Mối quan hệ giữa Phật giáo Nam tông Khmer và Nam tông Khmer Campuchia được khảo cứu dưới góc độ dân tộc học, với mục tiêu duy trì quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia. Các nghiên cứu này cho thấy việc tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa Phật giáo Nam tông Khmer tại Việt Nam và Campuchia vốn có cùng bối cảnh tôn giáo chung, sẽ góp phần phát triển xã hội trên đường hội nhập. Các nghiên cứu về tiếp biến văn hóa trong cộng đồng người Khmer Nam bộ cho thấy tập tục, tín ngưỡng và tôn giáo giữa các dân tộc Việt, Hoa, Chăm, Khmer có nhiều điểm tương đồng, trở thành động cơ phát triển sự hợp tác và hội nhập của các quốc gia vùng sông Mê-kông. Trong quá trình hội nhập và phát triển, việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hóa dân tộc của các nước tiểu vùng Mê-kông là rất cần thiết để giữ gìn sự đa dạng và phong phú của các loại hình văn hóa.

Phát xuất từ nghiên cứu cấu trúc, có tác giả đã khảo sát ảnh hưởng của đạo Phật trong việc hình thành các tôn giáo nội sinh ở Nam bộ Việt Nam, gồm đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật giáo Hòa Hảo. Triết lý, phương pháp tu tập và đối tượng phụng thờ được phân tích để thấy được tính tương tác và hòa nhập Phật giáo tại Việt Nam. Nếu Phật giáo ở Thái Lan, Lào và Campuchia giữ vai trò quan trọng về chính trị và đạo đức xã hội thì Phật giáo Việt Nam và Trung Quốc có khuynh hướng tiếp biến phong tục tập quán và tín ngưỡng bản địa để tồn tại và phát triển. Bằng cách tiếp cận này, các nhà nghiên cứu giới thiệu những điểm tương đồng và dị biệt giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo ở các nước thuộc vùng Mê-kông. Ngoài sự hội nhập vào văn hóa dân gian, Phật giáo ở các nước vùng Mê- kông khẳng định vị trí xã hội trong đời sống văn hóa của các dân tộc. Những ảnh hưởng của Phật giáo trong ca dao tục ngữ, nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật tạo hình cho thấy vai trò văn hóa chủ đạo của Phật giáo trong sự sống vùng Mê-kông, vốn là những thực thể tương tác, không thể tách ly.

3. Phật giáo vùng Mê-kông: di sản và văn hóa

Đây là chuyên đề có 28 bài tham luận, chiếm đa số so với các chuyên đề còn lại. Các học giả trong diễn đàn này cho rằng, về bản chất, minh triết Phật giáo là một di sản văn hóa tinh thần của nhân loại, từ thời cổ đại đến hiện đại. Trong dòng chảy của triết học, tôn giáo và văn hóa phương Đông, Phật giáo là nền minh triết đồng hành, hòa quyện với văn hóa bản địa nhau như sữa và nước không thể tách ly. Nghiên cứu về tôn giáo địa phương với văn hóa địa phương cho phép chúng ta khẳng định rằng đời sống văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo đã được các cộng đồng dân cư trong vùng tiếp biến, nhằm làm phù hợp với điều kiện của các vùng đất mới được khai hóa.

Cũng như sông Mê-kông chảy xuyên qua 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam, dòng chảy Phật giáo đã ảnh hưởng đến các thể chế văn hóa, cấu trúc xã hội và đạo đức của nhân sinh. Bối cảnh địa lịch sử, địa văn hóa, mối giao lưu văn hóa, đặc biệt là văn hóa Phật giáo giữa các tộc người ở vùng Mê-kông cho thấy tính tiếp biến văn hóa, tính dung hợp và tính sáng tạo của các dân tộc. Các nhà nghiên cứu đồng thuận rằng, thông qua Phật giáo, ba quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, gắn kết keo sơn như kiềng ba chân, có khả năng đẩy mạnh việc bang giao với khu vực và toàn cầu. Ảnh hưởng của Phật giáo đối với các tộc người tiểu vùng Mê-kông về mặt tôn giáo và văn hóa là phong phú và đa dạng. Trong lịch sử 2000 năm qua, dòng chảy văn hóa của vùng Mê- kông không thể tách rời nguồn mạch minh triết của Phật giáo.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, con người chứng kiến sự thay đổi về xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế… kéo theo tính tương tác và hội nhập văn hóa vùng Mê-kông trong bối cảnh hiện đại. Cũng có nghiên cứu đề cập đến diện mạo Phật giáo Đông Dương trong thể tài văn học du ký Việt Nam với ba phương diện đời sống văn hóa tâm linh truyền thống, cảnh quan tự viện và bình luận của tác giả. Các nghiên cứu còn phân tích về các hình tượng văn hóa Phật giáo vùng Mê-kông, văn hóa tu hành, hoạt động của cộng đồng Phật giáo dưới góc độ văn hóa nhận thức và văn hóa ứng xử, nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại ấm no và hạnh phúc. Cũng có nghiên cứu đào sâu về ảnh hưởng đạo đức Phật giáo và triết lý Lục hòa trong bối cảnh đạo đức vì sự phát triển bền vững vùng Mê-kông.

4. Phật giáo vùng Mê-kông: vấn đề môi trường và ứng xử với môi trường

Bên cạnh các phân tích về cuộc đời Đức Phật gắn liền với môi trường, 14 bài trong nhóm chuyên đề này khảo cứu từ những lời dạy minh triết của đức Phật về ứng xử với môi trường tại các nước tiểu vùng Mê-kông.

Đứng trước thực trạng sông Mê-kông bị thay đổi dòng chảy tự nhiên, dẫn đến sự ô nhiễm môi trường sống của động thực vật cũng như sự tuyệt chủng của một số chủng loại sinh vật quý hiếm, các nhà nghiên cứu đã phân tích môi trường qua học thuyết duyên khởi, đồng thời, đề nghị ứng dụng lời Phật dạy trong việc nâng cao ý thức xã hội về bảo vệ môi trường ở khu vực sông Mê-kông và đồng bằng sông Cửu Long.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cần tiết giảm tình trạng khai thác lạm dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, để một mặt đảm bảo tính bền vững môi trường, mặt khác đáp ứng được các nhu cầu sử dụng của thế hệ tương lai theo chủ trương của Liên Hiệp Quốc. Một số nhà nghiên cứu phân tích về hiện trạng môi trường ở Đông Nam Á, đồng thời đề xuất tăng cường trách nhiệm phổ quát về bảo vệ môi trường bằng ý thức về môi trường để hướng đến các mục đích lợi ích lâu dài của quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Phát triển lòng từ bi phổ quát, con người hiện đại sẽ ý thức về việc giảm tiêu thụ các nguồn điện năng, nâng cao thái độ hài lòng và biết đủ, thu gom chất thải ô nhiễm và độc hại, tái chế rác thải thành các năng lượng... Thách thức về nạn ô nhiễm sông Mê-kông hiện nay không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thiên nhiên gồm hệ thực vật, động vật hoang dã, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của con người. Các nhà nghiên cứu đề nghị áp dụng các nguyên tắc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và năng lượng tái tạo nhằm hạn chế tối đa sự hủy hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng bị khai thác cạn kiệt.

Bên cạnh chủ trương giảm carbon bằng cơ chế phát triển sạch, các nhà nghiên cứu đề nghị các quốc gia công nghiệp, cộng đồng các ngành công nghiệp và các tổ chức tài chánh quốc tế… phải tuân thủ những quy định của LHQ về môi trường. Thực hành lời Phật dạy về môi trường trong bối cảnh này có khả năng góp phần hướng đến sự phát triển bền vững.

5. Phật giáo vùng Mê-kông: vấn đề toàn cầu hóa

Ở chủ đề này, Ban tổ chức chọn được 07 bài của các học giả Việt Nam và 05 bài của học giả nước ngoài. Những bài viết của các học giả nước ngoài đi sâu trình bày những vấn đề đặt ra đối với Phật giáo vùng Mê-kông, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh toàn cầu hóa, Phật giáo trong thời hiện đại chủ nghĩa, những biến đổi và đề xuất những giải pháp để làm cho Phật giáo nơi đây phát triển bền vững. Những bài viết của các học giả Việt Nam chủ yếu đi sâu tìm hiểu Phật giáo vùng đồng bằng sông Cửu Long, tức Phật giáo miền Tây Nam Bộ Việt Nam, tập trung ở hai hệ phái Phật giáo: Phật giáo Khất sĩ và Phật giáo Nam tông Khmer. Các tham luận này đã khẳng định những đóng góp cụ thể của Phật giáo Khất sĩ đối với đạo pháp, dân tộc và đất nước từ lúc khai đạo cho đến hôm nay; hay như những đóng góp của Phật giáo Nam tông Khmer qua tổ chức Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước đối với cư dân đồng bằng sông Cửu Long. Một số tham luận nêu lên thực trạng của đời sống tôn giáo vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là của bà con người Khmer có hiện tượng cải đạo, từ đó đề ra những giải pháp, nhất là cần củng cố tăng đoàn Nam tông Khmer thông qua Hội Đoàn kết sư sãi sao cho vững mạnh, làm thành một khối thống nhất, tạo niềm tin cho bà con quay trở lại với đức tin truyền thống. Có tham luận khảo cứu tập trung về sự chuyển đổi tôn giáo ở đồng bằng sông Cửu Long hoặc nêu lên những hiện tượng tôn giáo mới ở nơi này, với những lý giải nguyên nhân hình thành những hiện tượng tôn giáo mới đó. 

***

Kính thưa chư Tôn đức và các học giả,

Trong hội thảo hai ngày của chúng ta, ngay sau phiên khai mạc toàn thể, các học giả Việt Nam và các học giả quốc tế cùng chia sẻ các mối quan tâm chung về các vấn đề của khu vực sông Mê-kông.

Tôi tin tưởng rằng bằng trí tuệ tập thể và tiếng nói tập thể của cộng đồng các học giả quan tâm về các nước tiểu vùng Mê-kông, những nội dung được thảo luận trong các diễn đàn sẽ mở ra nền tảng lý thuyết cho các cơ hội hợp tác khu vực và quốc tế, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững và toàn diện tại khu vực sông Mê-kông.

Học hỏi các kinh nghiệm quá khứ, với cam kết tập thể trong hiện tại, các quốc gia, các cộng đồng và các cá nhân trong tiểu vùng Mê- kông cần tiến đến các hợp tác quốc tế một cách toàn diện về chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, tôn giáo, nhằm góp phần mang lại các giá trị tốt đẹp và phát triển bền vững.

 


*. Phó Viện trưởng kiêm Tổng thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 24
    • Số lượt truy cập : 6796027