BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC:
CHÙA THẦY VÀ CHƯ THÁNH TỔ SƯ
PGS,TS. NGUYỄN HỒNG DƯƠNG*
Kính bạch chư tôn đức
Kính thưa các vị khách quí, các vị đại biểu
Kính thưa các nhà khoa học
Thưa toàn thể các quí vị!
Phật giáo Việt Nam thời Lý cùng với Phật giáo Việt Nam thời Trần là đỉnh cao của Phật giáo thời kỳ Đại Việt. Ở đó, nhiều giá trị của Phật giáo đã tham góp cùng với dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam thời kỳ Đại Việt sáng chói trong Việt sử cũng như Phật sử. Một trong những điểm sáng tạo nên sự chói lọi của Phật giáo thời Lý là chùa Thầy với di sản kiến trúc tùng lâm gắn liền với vị Thánh tổ sư Từ Đạo Hạnh và các vị Thánh tổ truyền đăng hàng ngàn năm. Và một vị Tổ sư không thể không nhắc đến của thời đại Hồ Chí Minh, Cố Hòa thượng Thích Viên Thành (1950 - 2002). Chùa Thầy còn được nhắc đến như một nơi sản sinh ra lễ hội độc đáo với hang Cắc Cớ, với múa rối nước đặc sắc cùng với nhà Thủy đình độc nhất vô nhị, trường tồn với thời gian, tạo nên một lễ hội vùng, lễ hội miền. Dân gian vẫn còn lưu truyền từ ngàn xưa câu ca: “Nhất vui là hội chùa Thầy”. Nơi đất Phật, chùa thiêng còn là mảnh đất danh hương, tiêu biểu là dòng họ Phan Huy với nhà sử học, nhà văn hóa học Phan Huy Chú và con cháu ông nối tiếp sau này.
Chùa Thầy là một trong những trung tâm văn hóa Xứ Đoài, từ đây lan tỏa ra vùng Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ.
Cho đến nay, trải qua bao bể dâu, những dấu tích người xưa vẫn được trao truyền gìn giữ. Lễ hội chùa Thầy với múa rối nước vẫn tưng bừng rộn rã trong những ngày hội, không chỉ của làng quê mà là của một vùng. Những chư Thánh tổ sư vẫn rạng ngời trong sử sách. Nhưng cùng với thời gian, những giá trị văn hóa không khỏi bị bụi thời gian làm mờ nhiễu. Vả lại, cho đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào nghiên cứu một cách tổng thể về Chùa Thầy và Chư thánh tổ sư. Đây là điều mà Thượng tọa Thích Minh Hiền, vị trụ trì luôn đau đáu ngày đêm.
Xuất phát từ những nhu cầu trên, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Thành hội Phật giáo Hà Nội và Tổ đình chùa Thầy đồng tổ chức Hội thảo khoa học: “Chùa Thầy và Chư thánh tổ sư”. Trong diễn văn khai mạc, vị đại diện Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nêu ra 04 chủ đề mà cuộc hội thảo này cần tập trung. Cho đến nay, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được gần hơn bản báo cáo khoa học của các học giả trong và ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi đến. Nội dung các bản báo cáo khoa học tập trung vào 04 chủ đề và tất cả đã được in trong cuốn kỷ yếu.
Trong cuộc hội thảo khoa học hôm nay, thay mặt Ban tổ chức, chúng tôi thấy các học giả cần thiết tập trung thảo luận những vấn đề cơ bản sau đây.
Thứ nhất: Cần làm rõ quá trình ra đời và phát triển của Tổ đình chùa Thầy; chỉ ra dấu ấn Mật tông ở chùa Thầy nói riêng và dấu ấn Mật tông của Phật giáo thời Lý nói chung; chùa Thầy không chỉ với lối kiến trúc Phật điện mà còn là hình thức tiêu biểu thờ tự Tiền Phật hậu Thánh; Phải chăng Thánh tổ sư Từ Đạo Hạnh là người gắn liền với sự ra đời của loại hình kiến trúc và “mô hình” thờ tự này? Phải chăng đây là nơi đặt nền móng cho “mô hình Tiền Phật hậu Thánh”.
Thứ hai: Tiến trình của Thánh tổ Từ Đạo Hạnh, vị Thánh tổ sư, một nhân vật rất thực trong Việt sử cũng như Phật sử nhưng lại bị phủ lên nhiều yếu tố huyền thoại; Con đường nào dẫn ngài từ Sư đến Thánh. Đó có phải là tương tác của Đạo giáo với Phật giáo mang dấu ấn Mật tông? Hội thảo này nếu có thể được, chúng ta cũng nên bàn đến một trái chiều trong lịch sử, đó là trường hợp ngài Từ Đạo Hạnh và đức vua Trần Nhân Tông. Vị Thánh tổ sư này thoát kiếp để thành một vị vua nhà Lý, còn Trần Nhân Tông lại từ một vị vua trở thành Phật - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Thật là một điều thú vị và có lẽ là độc nhất vô nhị của Việt sử và Phật sử.
Thứ ba: Trong cuộc hội thảo khoa học này, cần đánh giá một cách nghiêm túc và khoa học hành trạng của Hòa thượng Thích Viên Thành; Những công lao của Hòa thượng trong việc làm sống dậy đất Phật - chùa Thầy. Với Phật pháp, Hòa thượng có vai trò trong việc đào tạo Tăng tài, hoằng dương đại nguyện Pháp thí nhân gian và truyền đăng dòng thừa Drukpa ở Việt Nam. Với Phật sự, Hòa thượng là người đặt nền móng cho sự thành lập và phát triển của Tỉnh hội Phật giáo Phú Thọ (1998 - 2002).
Thứ tư: Vấn đề đặt ra trong hội thảo khoa học này là trước hết khẳng định những giá trị về kiến trúc, về tượng Phật chùa Thầy trong kiến trúc và tiếu tượng Phật học Phật giáo Việt nam; Đồng thời cũng khẳng định những giá trị văn bia, thơ ca về chùa Thầy trong di sản văn học Việt Nam thời đại Lý - Trần; Hội thảo cũng cần thiết khẳng định những vai trò, vị trí văn hóa nơi đây trong văn hóa Xứ Đoài.
Hy vọng cuộc hội thảo khoa học này của chúng ta ngày hôm nay sẽ tập trung giải quyết tốt 04 vấn đề trên như một nén tâm hương dâng lên Chư thánh tổ sư và cũng là để tưởng niệm 10 năm ngày viên tịch của Cố Hòa thượng Thích Viên Thành (1950 - 2002).
Cuối cùng xin kính chúc toàn thể quý vị dồi dào sức khỏe, an khang, hạnh phúc.
Chúc Hội thảo khoa học của chúng ta thành công viên mãn.
Trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, tháng trọng xuân, năm Nhâm Thìn (2012)
Bình luận bài viết