BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC
PGS.TS. CHU VĂN TUẤN
Viện Nghiên cứu Tôn giáo
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Kính thưa Chư tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phậtgiáo Việt Nam!
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học!
Thưa toàn thể quý vị!
Cách nay gần 40 năm, ngày 7/11/1981, tại chùa Quán Sứ ở Thủ đô Hà Nội đã diễn ra sự kiện vô cùng trọng đại: thống nhất các hệ phái, tổ chức Phật giáo trên phạm vi cả nước để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong số 9 tổ chức, hệ phái1 tham gia Hội nghị thành lập GHPGVN năm 1981 có Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Đoàn do HT Thích Trí Tấn (1906-1995), nguyên là Tổng Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam làm Trưởng đoàn và HT Thích Trí Tâm (1934-2017), nguyên Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo, kiêm Chánh Đại diện Trung phần Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, nhiệm kỳ II làm phó đoàn. Tại hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiều thành viên của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã được suy tôn, suy cử vào những vị trí quan trọng trong Hội đồng Chứng minh (HĐCM), Hội đồng Trị sự (HĐTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam như: HT Thích Minh Nguyệt được suy tôn làm Phó Pháp chủ HĐCM; HT Thích Thiện Hào được suy cử làm Phó Chủ tịch HĐTS; HT Thích Bửu Ý được suy cử giữ chức vị Phó Chủ tịch HĐTS; HT Thích Trí Tấn: UV Hội đồng Chứng minh và UV HĐTS, Trưởng đoàn GHPGCTVN; HT Thích Trí Tâm suy cử Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điều đó đã nói lên uy tín, vị trí, vai trò và những đóng góp của các vị danh Tăng nói riêng, của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nói chung đối với đạo pháp và dân tộc.
Tuy nhiên, hiện nay khi nói đến Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam không có nhiều người quan tâm và không phải ai cũng có sự hiểu biết đầy đủ về Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (GHPGCTVN), thậm chí có người còn nhầm lẫn GHPGCTVN với Giáo hội Cổ Sơn Môn – một tổ chức do chính quyền Ngô Đình Diệm dựng lên, nhằm chia rẽ đoàn kết Phật giáo, chống lại cách mạng trong những giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Bên cạnh đó, do hạn chế về tư liệu, nên hiện vẫn có nhiều quan điểm chưa thống nhất về nguồn gốc hình thành, quá trình phát triển của GHPGCTVN.
Xuất phát từ lý do đó, để góp phần làm rõ quá trình hình thành, phát triển, hiểu thêm về vai trò những đóng góp của GHPGCTVN đối với đạo pháp và dân tộc, nhất là những đóng góp của GHPGCTVN đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời, nhằm góp phần cung cấp thêm tư liệu, góp phần làm rõ những điểm còn tranh luận, những điểm còn chưa rõ về GHPGCTVN, hôm nay Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc”.
Kính thưa Chư tôn đức!
Kính thưa toàn thể quý vị!
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 54 bài tham luận của các nhà nghiên cứu Phật giáo ở trong và ngoài giáo hội trên khắp cả nước, đặc biệt Hội thảo có những bài tham luận của chính các Chư tôn đức vốn là thành viên của GHPGCTVN. Có thể nói, các báo cáo tham luận mà Ban tổ chức nhận được có chất lượng tốt, đầy tâm huyết và có giá trị cao bởi nhiều tác giả chính là những người trong cuộc, đã trực tiếp tham dự, chứng kiến đối với các sự kiện, nhân vật, hay các hoạt động của GHPGCTVN. Các báo cáo tham luận đã làm rõ quá trình hình thành, phát triển, đặc biệt là đã làm rõ những đóng góp của GHPGCTVN đối với đạo pháp và dân tộc nói chung, nhất là đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nói riêng. Đồng thời, các báo cáo cũng nêu ra những bài học đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay. Qua nội dung các báo cáo tham luận gửi đến Hội thảo, chúng tôi có một số nhận xét khái quát như sau:
Thứ nhất, nhiều báo cáo tham luận cho rằng, GHPGCTVN ra đời năm 1969 trên cơ sở các tổ chức Phật giáo hình thành từ trước đó rất lâu như Lục Hoà Liên Xã (LHLX) ra đời khoảng năm 1922, tiếp đến là Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ ra đời vào năm 1947, sau đó là Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử hình thành vào năm 1952. Một số ý kiến cho rằng, LHLX là tổ chức tiền thân, là cơ sở đầu tiên của GHPGCTVN. Tuy nhiên, chính những nội dung liên quan đến LHLX hiện đang có nhiều quan điểm còn chưa thống nhất. Về thời điểm ra đời của LHLX, nhiều ý kiến đưa ra những thời điểm khác nhau. Chẳng hạn, tác giả Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng LHLX ra đời năm 1924, HT Huệ Thông và một số người khác cho rằng ra đời năm 1922, một số quan điểm cho rằng ra đời năm 1920, lại có quan điểm cho rằng ra đời năm 1923. Có quan điểm cho rằng, LHLX gắn với HT Từ Văn (như HT Huệ Thông, Nguyễn Văn Thuỷ..), nhưng cũng có quan điểm lại cho rằng liên quan đến các vị HT như Khánh Hoà, Khánh Anh, Thiện Chiếu. Trong bài viết của mình, tác giả Dương Thanh Mừng cho rằng Lục hoà do các phật tử cấp tiến lập ra; còn tác giả Nguyễn Thị Thảo, trong Luận án Tiến sĩ Ngữ văn của mình với đề tài “Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo trước năm 1945”, Trường Đại học KHXH&NV, Tp. HCM thì cho rằng LHLX thành lập năm 1923, trụ sở đặt tại chùa Long Hòa của Hòa thượng Huệ Quang.
Bên cạnh đó, vẫn còn có những ý kiến băn khoăn LHLX và LHLH là hai hay là một? Có tác giả thì cho rằng hai tổ chức này thực chất là một (Dương Thanh Mừng). Như vậy, hiện đang có hai nhóm quan điểm: nhóm thứ nhất, cho rằng Hội LHLX ra đời ở miền Đông Nam Bộ, gắn với Hoà thượng Từ Văn, hội này khác với LHLH; nhóm thứ hai, cho rằng Hội LHLX cũng chính là Lục Hoà Phật tử, ra đời ở miền Tây Nam Bộ, gắn với HT Khánh Hoà, Khánh Anh, Thiện Chiếu... Có thể nói, đây là vấn đề khá thú vị, nếu như được làm sáng tỏ, sẽ góp phần làm rõ hơn về lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung, phong trào chấn hưng Phật giáo ở khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ nói riêng.
Một điều đáng lưu ý nữa là, mặc dù rất nhiều bài viết đề cập đến Hội LHLX, nhưng những thông tin về LHLX như mục đích, tôn chỉ, cơ cấu tổ chức, hoạt động, những thành viên tham gia, những hoạt động tiêu biểu và mối liên hệ với các Hội Phật giáo khác vẫn còn rất hạn chế, do vậy, đây vẫn là vấn đề cần tiếp tục thu thập thêm tài liệu, thông tin để làm rõ.
Thứ hai, các bài tham luận Hội thảo đã cho thấy có rất nhiều tấm gương về các danh tăng của GHPGCTVN luôn giàu lòng yêu nước, vừa uyên thâm phật học, vừa hội tụ đầy đủ từ, bi, hỷ, xả, hết lòng vì đạo pháp vì dân tộc như HT Từ Văn, HT, Minh Nguyệt, HT Bửu Ý, HT Trí Tấn, HT Thiện Hương, HT Huệ Thành, HT Thiện Hào, HT Minh Đức, HT Trí Tâm, v.v... Các bài tham luận cũng đã trình bày khá rõ về các hoạt động của chư tôn đức GHPGCTVN, các vị không chỉ tích cực ủng hộ các hoạt động, chủ trương của cách mạng, nuôi giấu cán bộ, v.v.. mà còn trực tiếp đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau, tổ chức các cuộc biểu tình chống chính quyền Mỹ Diệm, tố cáo tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với dân tộc và Phật giáo trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, GHPGCTVN bị chính quyền Ngô Đình Diệm và sau này khủng bố, đàn áp dã man, nhiều vị đã bị giặc bắt giam, tra tấn, tù đày ra Côn Đảo, nhiều vị đã anh dũng hy sinh. Không chỉ vững vàng trước những thử thách, những đòn tra tấn, các hình thức đàn áp, đập phá chùa chiền, v.v.. mà các vị danh Tăng của GHPGCTVN còn vững vàng trước những cám dỗ, mua chuộc của chính quyền nhằm chia rẽ, lung lạc ý chí và tinh thần đấu tranh của Phật giáo.
Các báo cáo tham luận đã cho thấy, vai trò của các vị Tăng Ni nói riêng, vai trò của GHPGCTVN nói chung không chỉ là đồng hành cùng dân tộc, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như sự nghiệp xây dựng CNXH sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mà còn là đấu tranh, ngăn chặn những xu hướng ly khai khỏi con đường đạo pháp và dân tộc của một bộ phận không nhiều những tăng sỹ đã bị mua chuộc để đi ngược lại con đường chung của dân tộc. Chính GHPGCTVN với các vị danh tăng giàu lòng yêu nước đã cho thấy trí tuệ mẫn tiệp, bản lĩnh kiên định khi kiên quyết từ chối hợp tác với những thế lực muốn chia rẽ giáo hội, phá hoại giáo hội, từ đó góp phần định hướng cho tăng ni Phật tử đồng hành với cách mạng, với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thống nhất của Phật giáo Việt Nam.
Quá trình hình thành, phát triển của GHPGCTVN gắn liền với những giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Có thể nói, chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước, có công lao không nhỏ của Phật giáo Việt Nam nói chung, GHPGCTVN nói riêng. Và tiếp nữa, việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 cũng có sự đóng góp quan trọng của GHPGCTVN. Những sự đóng góp, hy sinh của GHPGCTVN đã tiếp tục khẳng định một CHÂN LÝ rằng, bất cứ khi nào đất nước gặp nguy nan, Phật giáo lại nhập thế mạnh mẽ, lại hoà quang đồng trần, lại cởi áo cà sa mặc chiến bào đúng như tinh thần của Phật giáo thời Trần – tinh thần của Phật giáo Việt Nam.
Thứ ba, các báo cáo tham luận tại Hội thảo không chỉ giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhất là Lịch sử Phật giáo Việt Nam cận hiện đại, bổ sung những khoảng trống về nhận thức đối với các tổ chức hệ phái Phật giáo nói chung, những đóng góp của GHPGCTVN nói riêng, mà còn rút ra những bài học và giá trị lịch sử của GHPGCTVN, rút ra những kinh nghiệm quý báu, nhằm phát huy tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam, phát huy nhưng tấm gương tài đức, hết lòng vì đạo pháp và dân tộc của các vị danh Tăng của GHPGCTVN nói riêng và của Phật giáo Việt Nam nói chung.
Nhiều báo cáo tham luận đã chỉ ra rằng, những đóng góp của GHPGCTVN là bài học có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay, đây là điều có ý nghĩa giáo dục quan trọng đối với các thế hệ tăng ni của Phật giáo Việt Nam hôm nay và mai sau về tinh thần nhập thế, về tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc của các vị Tăng Ni GHPGCTVN. Với tất cả những ý nghĩa như thế, Hội thảo khoa học: Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc cũng là dịp tri ân công lao của các bậc danh Tăng của GHPGCTVN đã góp phần vào thắng lợi của cách mạng dân tộc, chống thực dân đế quốc và thống nhất đất nước. Và chính GHPGCTVN đã góp phần tô đậm thêm bản sắc hoà quang đồng trần, gắn bó, đồng hành với dân tộc của Phật giáo Việt Nam.
Cuối cùng, xin kính chúc Chư Tôn Đức Tăng Ni và toàn thể Quý vị thật nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Hà Nội, tháng 3 năm 2020
1.Gồm: 1.Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; 2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; 3. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; 4.Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố Hồ Chí Minh; 5. Giáo hội Tăng già Nguyên thuỷ Việt Nam; 6. Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ; 7. Giáo hội Tăng già phái Khất sĩ Việt Nam; 8. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thiên Thai Giáo Quán Tông; 9. Hội Phật học Nam Việt.
Bình luận bài viết