Thông tin

BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ

DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO Ở NGHỆ AN

 

ANH TUẤN*

 

Đạo Phật tồn tại và phát triển ở Nghệ An lâu đời vì có giáo lý nhân văn, phương pháp thờ cúng đơn giản, gần với tín ngưỡng, phong tục của người Việt và được nhà nước phong kiến nâng đỡ. Triết lý và hoạt động của đạo Phật đã đi sâu vào tâm thức, đời sống của nhân dân và đồng hành cùng với đất nước qua các thời kỳ lịch sử. Thời Đinh, Lê, Phật giáo mới được du nhập vào nước ta, đã được cộng đồng thừa nhận, nhà nước tạo điều kiện để phát triển. Thời Lý, Trần, Phật giáo cực thịnh được coi là quốc giáo ở Việt Nam. Thời Lê Sơ, vương quyền mạnh hơn thần quyền nên Nho giáo được coi trọng hơn Phật giáo. Thời Hậu Lê, Phật giáo đã có sự phục hưng. Khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, đạo Phật suy yếu và mới được phát triển khi nước ta đã độc lập, thống nhất.

Di sản văn hóa của đạo Phật được hình thành, tồn tại trong cuộc sống đời thường của cộng đồng người Việt, thông qua các hoạt động sản xuất, tiêu thụ; giao lưu, học tập, thờ cúng. Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được lưu giữ ở chùa, đình, đền, kinh sách, tín ngưỡng, văn hóa dân gian.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trước năm 1945 Nghệ An có 273 ngôi chùa và nhiều Phật tử theo đạo Phật. Trong đó nổi tiếng là chùa Bà Bụt ở huyện Đô Lương có niên đại cách đây hàng ngàn năm do Uy Minh Vương Lý Nhật Quang khi làm tri châu Nghệ An vào thời Lý. Chùa Đại Tuệ ở Nam Đàn do Hồ Quý Ly xây dựng vào thế kỷ XV gắn với việc xây thành Hồ Vương chống quân Minh xâm lược. Chùa Gám, chùa Bảo Lâm, chùa Viên Quang, chùa Nậm Sơn ở huyện Yên Thành. Chùa Lô Sơn, chùa Đảo Ngư ở thị xã Cửa Lò, chùa Sư Nữ, chùa Diệc ở thành phố Vinh, chùa Chợ Hến, chùa Ông, chùa Mụ ở Hưng Nguyên cũng là những ngôi chùa nổi tiếng về phong cảnh, kiến trúc và sự linh thiêng của đức Phật.

Chùa Việt là được coi là một bộ phận không thể thiếu trong “thiết chế” văn hoá tâm linh: Đình, chùa, đền, miếu của người Việt. Chùa là nơi thờ Phật; Đình là nơi thờ thành hoàng làng và chư Phật; Đền là nơi thờ nhân thần, nhiên thần là các anh hùng, danh nhân có công “bảo quốc hộ dân”; Miếu là nơi thờ thần bản thổ.

Chùa Việt ở Nghệ An được xây dựng nhiều và được cộng đồng trân trọng, gìn giữ vì đây là công trình tôn giáo chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hóa. Các ngôi chùa thường xây dựng ở vùng đất cao ráo, yên tĩnh gắn với cảnh quan đẹp của làng mạc, đồng ruộng, sông núi, quê hương. Chùa là nơi thờ đức Phật, giáo dục con người biết sống lương thiện, đoàn kết, nhân ái. Chùa là nơi giải oan, cứu khổ của chúng sinh; nơi thực hiện nghi lễ cầu cho “quốc thái dân an”; nơi nương tựa của người nghèo, những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Chùa là nơi dạy chữ, mở mang kiến thức, hiểu biết cho Phật tử và nhân dân. Chùa là nơi bốc thuốc, chữa bệnh cứu người. Chùa là nơi lưu giữ được nhiều hiện vật, cổ vật quý bằng chất liệu gỗ, đá, đồng, gốm, sứ, giấy, vải…có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật; phản ánh bàn tay khéo léo, tài hoa của người Việt trong việc chế tác ra các đồ thờ, vật dụng phục vụ cho nghi lễ thờ cúng. Nhiều chùa có các vị tăng ni, Phật tử sống “tốt đời đẹp đạo”, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều chùa là chứng tích về tội ác chiến tranh, hành động phá hoại hòa bình của  các thế lực phong kiến, đế quốc, thực dân hiếu chiến. Chùa là nơi đón nhiều người đến vãn cảnh, tham quan, du lịch. Đặc biệt, ngôi chùa là nơi góp phần hướng thiện, gắn kết cộng đồng, xây dựng khối đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói rằng, đạo Phật, ngôi chùa ở Việt Nam đã đồng hành cùng với sự phát triển thăng trầm của đất nước, dân tộc.

Những năm vừa qua, khi đất nước đã độc lập, thống nhất và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước về tự do, tín ngưỡng, tôn giáo để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Nghệ An đã rất quan tâm đến việc bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Nhà nước đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để nghiên cứu, kiểm kê, xếp hạng, tu bổ phát huy di tích- danh thắng, trong đó có nhiều ngôi chùa cổ. Đã có 60 di tích chùa/1395 di tích- danh thắng được kiểm kê, phân cấp quản lý ở Nghệ An, trong đó có 3 chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và 6 ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Nhìn chung đạo Phật và hoạt động của Phật tử Nghệ An đang có sự khởi sắc. Thông qua cuộc vận động “sống tốt đời, đẹp đạo”, các hoạt động hướng thiện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh hoạn nạn, đoàn kết, cầu phúc, cầu an, cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ, người tử nạn vì chiến tranh… Phật giáo ở Nghệ An đang tích cực chung tay, góp sức cùng nhà nước, cộng đồng trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.

Bên cạnh những giá trị văn hoá tiêu biểu của đạo Phật, đóng góp tích cực của Phật tử Nghệ An, việc bảo vệ các di tích chùa, phát huy di sản văn hoá Phật giáo ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn:

- Phần lớn các ngôi chùa cổ bị tác động của thời gian, thời tiết, chiến tranh đã trở thành phế tích. Nhiều tượng phật, đồ thờ, kinh sách đã bị huỷ hoại hoặc thất tán trong cộng đồng.

- Nhiều vị trí, vùng đất xây dựng chùa trước đây không còn.

-  Ngân sách của tỉnh và nguồn công đức để tu bổ, phục hồi chùa còn rất khó khăn.

- Hội đồng trị sự của Giáo hội Phật giáo Nghệ An mới được thành lập nên sự phối hợp giữa Hội đồng trị sự với các ngành, địa phương tiến hành chưa được nhiều.

- Vẫn còn có hiện tượng một số Phật tử tự phát đòi đất, xin phục hồi lại chùa trong khi quỹ đất không còn do tác động của chiến tranh và các biến cố lịch sử. Điều này gây khó khăn cho chính quyền trong công tác quản lý, quy hoạch đất đai, môi trường, an ninh, trật tự ở địa phương.

-  Có chùa lớn, kiến trúc, cảnh quan đẹp, được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia nhưng các vị trụ trì chưa quan tâm, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan văn hoá trong việc tu bổ di tích, giới thiệu giá trị của di sản, phục vụ khách du lịch. Hoạt động còn nặng về sinh hoạt văn hoá tâm linh, chưa coi trọng đến việc phát huy giá trị di sản.

- Ở một số chùa khi tổ chức sinh hoạt văn hoá tâm linh, nhất là việc tổ chức các ngày lễ trọng, nội dung, hình thức tiến hành rườm rà, công tác vệ sinh môi trường chưa tốt.

- Một số chùa đã bị hư hỏng khi được nhà nước cho phục hồi, tôn tạo, việc lập quy hoạch tiến hành chậm, chưa đúng với thủ tục quy định của Nhà nước. Kiểu thức kiến trúc của các công trình được xây dựng chưa đẹp, hài hoà với cảnh quan và không kế thừa và phát huy vẻ đẹp của các yếu tố kiến trúc truyền thống của chùa Việt.

Từ khái quát về đạo Phật, di sản văn hoá đạo Phật và khó khăn trong việc bảo vệ, phát huy di tích chùa ở Nghệ An. Trong thời gian tới, muốn cho việc bảo vệ phát huy các di tích chùa được tốt, chúng ta cần quan tâm đến một số vấn đề như:

 - Tiếp tục tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tự do, tín ngưỡng tôn giáo. Thông qua đó giúp Phật tử, cộng đồng thấy được sự quan tâm, cởi mở của Đảng, Nhà nước trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

- Thực hiện nghiêm túc các Luật đã ban hành (Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Di sản văn hoá, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hoá, Quyết định số 1017/QĐ.UBND.VX ngày 01/4/2011 của UBND tỉnh Nghệ An, trong việc phân cấp quản lý các di tích, danh thắng ở Nghệ An, trong đó có các di tích chùa.

- Vận động Phật tử, cộng đồng, người dân trân trọng bảo vệ, phát huy những tinh hoa của đạo Phật và di sản văn hoá Phật giáo.

- Giữa Hội đồng trị sự Phật giáo Nghệ An với các địa phương, cơ quan liên quan cần có sự phối hợp tốt hơn trong việc quản lý, chỉ đạo, tổ chức hoạt động của Phật giáo ở Nghệ An. Nhất là việc bảo vệ các ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử, văn hoá.

- Việc phục hồi, xây dựng chùa phải được có sự đồng ý của chính quyền, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Có sự đồng thuận giữa Phật tử và cộng đồng; không tự phát đòi đất, xây dựng chùa, tổ chức các hoạt động trái với quy định của Luật pháp, tư tưởng nhân văn của đạo Phật và truyền thống đoàn kết, hoà hợp của dân tộc.

- Phật tử và cộng đồng cần quan tâm hơn đến việc bảo vệ di tích, gìn giữ cảnh quan môi trường của chùa thường xuyên được xanh, sạch, đẹp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân. Đồng thời có các hình thức khác nhau để giới thiệu về vẻ đẹp, giá trị của di tích, Di sản văn hoá Việt Nam, góp phần quảng bá tinh hoa của đất nước, con người Việt Nam phục vụ khách tham quan du lịch.

Chúng ta tin tưởng rằng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của Phật tử và cộng đồng, các di tích chùa ở Nghệ An sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển.



*  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 208
    • Số lượt truy cập : 6948053