Thông tin

BẤT BIẾN VÀ TÙY DUYÊN

BẤT BIẾN VÀ TÙY DUYÊN

MINH LẠC

(Trích tạp chí TỪ QUANG số 201 – 202, trang 45 -50)

Tháng 5 và tháng 6 năm 1969 (P.L.2513)

 

Đạo Phật phát sinh từ Ấn-Độ, lớn mạnh rồi truyền sang các nước lân cận như Tây-Tạng, Miến-Điện, Tích-Lan, Trung-Hoa, Cao-Ly, Nhật-Bản, Việt-Nam, Ai-Lao, Cam-Bốt, …  trải qua một thời gian dài trên hai ngàn năm, lại lan rộng trên nhiều quốc-gia với những phong tục và tập quán khác nhau, đạo Phật tuy vẫn giữ được những điểm căn bản quan trọng, nhưng đã chịu nhiều đổi thay tùy theo không gian và thời gian.

Những gì mà đạo Phật vẫn giữ được y nguyên từ thời nguyên thỉ, thí dụ: Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ, tu-sĩ phải cát ái ly gia, … đó là những điểm bất biến. Còn những gì mà được thay đổi tùy thời gian, tùy địa phương, tùy hoàn cảnh, đó là những điểm tùy duyên biến đổi cho hợp tình hợp cảnh.

Đạo Phật sở dĩ phát triển ra các nước ngoài được mạnh mẽ và rộng lớn, thích hợp với nhiều dân tộc, đó là nhờ hai điểm bất biến và tùy duyên. Bất biến để nắm giữ những căn bản của đạo Phật, giữ gìn đạo Phật không biến thành một đạo khác, và tùy duyên thay đổi những điều phụ thuộc để thích hợp với hoàn cảnh, với căn cơ chúng sinh từng địa phương, mà vẫn không làm phương hại đến những căn bản bất biến; như vậy, bất biến và tùy duyên không mâu thuẫn nhau, không chống đối làm hại nhau, mà trái lại còn giúp đỡ nhau để đưa đạo Phật tới chỗ phát triển tốt đẹp.

Duyên có nhiều thứ, nhưng nói tổng quát thì có hai thứ: thuận duyên và nghịch duyên.  Thuận duyên giúp đỡ cho công việc được dễ dàng mau chóng, có kết quả tốt đẹp, còn nghịch duyên là những yếu tố gây chướng ngại khó khăn. Thí dụ: thuyền đang chảy xuôi theo dòng nước, ta thêm người chèo, trương thêm buồm, gió lại thuận, cho nên mau tới đích. Người chèo, buồm, gió là những thuận duyên. Trồng lúa mà gặp thời kỳ hạn hán, lại bị sâu cắn phá thì số lúa thu hoạch sẽ kém. Hạn hán là những nghịch duyên. Nhưng đôi khi nghịch duyên cũng giúp chúng ta sớm đạt kết quả tốt, như một người tu hạnh nhẫn nhục mà có người cứ tới chọc phá hoài, sự chọc phá này chính là nghịch duyên giúp người nọ chóng đạt kết quả trong sự thực hành nhẫn nhục, Đề-bà-đạt-đa chính là nghịch duyên giúp Thái tử Tất-đạt-đa mau thành chánh quả.

Nhờ bất biến và tùy duyên nên trải qua nhiều thời gian và không gian, đạo Phật đã tỏ ra là một đạo sống động chứ không phải là một xác ướp hay hóa thạch, đạo Phật không gò bó trong một khuôn khổ cứng nhắc mà luôn luôn linh hoạt thích ứng với đời sống từng địa phương.

Các nhà sử học Phật giáo thường chia ra Phật giáo Nguyên thỉ, Phật giáo Nam tông hay Tiểu thừa, Phật giáo Bắc tông hay Đại thừa, đó là những danh từ được đặt ra sau này để phân biệt các hệ thống tư tưởng Phật giáo đã tùy duyên mà thay đổi, chứ thật ra tất cả vẫn là Phật giáo, tất cả đều tôn thờ Đức Thích-ca và tất cả vẫn chấp nhận Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ …  Tiểu thừa thích hợp với những dân tộc có đời sống cần cù mộc mạc giản dị, vì vậy đã phát triển tại các nước Tích-Lan, Miến-Điện, Thái-Lan, Ai-Lao, Căm-Bốt, trong khi đó Đại thừa lớn mạnh tại Trung-Hoa, Nhật-Bản, Việt-Nam là những quốc gia đã có một nền văn hóa cao siêu, có thể hiểu được giáo lý tuyệt vời của Đại thừa. Chúng ta có thể ví Phật giáo Nguyên thỉ như hột giống.  Tiểu thừa như thân cây và cành lá, Đại thừa như hoa và quả, tuy khác nhau nhưng vẫn chung một gốc. Cành lá hoa quả không thể rời hột giống mà có, nhưng cũng không thể mãi mãi là hột giống bé nhỏ được, chúng phải trưởng thành, phải phát triển để tạo ra những hoa thơm quả ngọt, giúp ích cho đời sống. Đại thừa và Tiểu thừa không thể rời Phật giáo Nguyên thỉ, nhưng biến đổi để hợp thời, hợp cơ, hợp trình độ của dân tộc, từng địa phương.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa luôn luôn đề cao sự phương tiện để tiến tới cứu cánh, lập Tam thừa rồi cũng quy về Nhất thừa, ông Trưởng giả hứa cho các con chạy ra khỏi nhà lửa thì được xe dê, xe hươu, xe nai, nhưng khi các con đã thoát khỏi nạn lửa thì đều được đồng một thứ xe thật tốt đẹp do bò trắng kéo; ông Trưởng giả không mắc tội nói dối vì ông đã tùy duyên mà cứu độ các con khỏi khổ, rồi lại cho các con hưởng lợi lạc lớn lao hơn nhiều. Trong Kinh Pháp-Hoa còn có biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu thí dụ để đề cao sự phương tiện tùy duyên mà cứu cánh bất biến vẫn không thay đổi. Trong phẩm Hóa Thành, vị đạo sĩ thấy những người đi tìm châu báu quá mệt mỏi muốn quay về, đã tùy duyên và phương tiện hóa hiện ra một tòa thành để cho mọi người nghỉ ngơi, rồi sau lại thu hóa thành lại khi mọi người đã nghỉ ngơi đủ sức tiếp tục đi tới chỗ có châu báu.


Trong phẩm Dược Thảo Dụ, mưa lớn đổ xuống tràn đầu rừng ruộng, các cây lớn nhỏ tùy sức tùy duyên mà hấp thụ, cây lớn hút nhiều nước, cây nhỏ hút ít nước; nước mưa đổ xuống chan hòa, không phân biệt núi rừng cây cỏ, các loài thảo mộc hấp thụ không đồng nên lớn nhỏ có sai khác, nhưng tất cả đều được xanh tươi, đâm chồi nẩy lộc. Nước trăm sông rộng hẹp dài ngắn khác nhau, khi đổ ra biển chỉ còn một vị mặn, giáo lý Phật giáo cũng vậy, chỉ có một mục đích là giải thoát chúng sinh hết khổ, nhưng vì căn tánh không đồng nên người nghe chia ra làm Tam thừa, Ngũ thừa. Đức Phật thấy căn cơ chúng sinh không đồng nên không thể nói ngay Phật thừa, mà Ngài bắt đầu bằng Nhân thừa, rồi Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, cuối cùng mới dạy Bồ-tát thừa tức là Phật thừa; tuy nói năm thừa nhưng trong đó đều có mầm mống, có hột giống Phật thừa cả. Mỗi khi có người tới hỏi pháp, Đức Phật tùy theo sự hiểu biết của người đó mà chỉ dẫn phương pháp tu hành cho vừa sức, nhưng lúc nào cũng hướng về chỗ cứu cánh là giác ngộ và giải thoát.  Phật tùy duyên mà thuyết pháp nhưng không rời mục đích là cứu khổ ban vui, đó là cứu cánh bất biến của Ngài.  Tùy trình độ văn hóa, tùy địa phương, Phật nói pháp chia thành 12 loại (thập nhị phần giáo), nhưng vẫn quy về một chữ TÂM.  Như vậy, về phần giáo lý, chúng ta thấy một sự đồng nhất mang nhiều dị biệt (I’unité dans Ia diversité), nhưng các dị biệt đó không bao giờ làm hại cho sự đồng nhất được vững bền sáng tỏ.

Về phần đời sống của các Phật tử, chúng ta thấy rõ nhiều tùy duyên trong bất biến.  Những vị tu sĩ Phật giáo ở Ấn Độ đắp y màu vàng hở vai, hằng ngày đi khất thực chứ không nấu ăn tại Tinh xá. Khi Phật giáo được truyền sang Trung Hoa, màu vàng là màu của Hoàng tộc cấm dân chúng không được dùng, các tu sĩ được vua quan và thứ dân hết lòng quý trọng, phong tục Trung Hoa không chấp nhận các tu sĩ mặc áo hở vai và đi khất thực nên dần dần các tu sĩ Phật giáo phải tùy duyên đổi sang dùng áo màu nâu (màu đà) kín vai và thọ trai tại chùa do các thí chủ cúng dường hoặc nấu tại bếp của chùa, chứ không đi khất thực nữa. Khi xưa, các tu sĩ Phật giáo đi chân đất chậm rãi, mắt nhìn xuống để tránh dẫm phải côn trùng và tránh nhìn những cảnh có thể làm rối loạn thân tâm, nhưng bây giờ các vị đó phải mang giày dép và dùng xe đạp, xe gắn máy hoặc xe hơi để di chuyển. Các ni cô xưa kia tu hành lặng lẽ trong các am thanh cảnh vắng, nay cũng đi học các trường, cũng vào các bệnh viện để an ủi chăm sóc bệnh nhân, làm công tác từ thiện xã hội để cứu giúp các cô nhi quả phụ nạn nhân chiến tranh hoặc thiên tai. Bây giờ chúng ta không thể thấy những cảnh tượng nên thơ như một vị tu sĩ đã già, bước chậm chạp trên con đường đất, tay cầm cây chổi quét sạch côn trùng trước khi đặt gót chân xuống đất, mà chỉ thấy những tu sĩ nhanh nhẹn cưỡi xe gắn máy hay lái xe hơi, di chuyển mau lẹ trong thành phố.  Các vị tu sĩ đã phải theo hoàn cảnh, theo thời gian mà tùy duyên cải cách lối sống cho thích hợp, nhưng các vị chân tu luôn luôn trì trai giữ giới, sớm tối công phu niệm Phật trì chú, học hiểu giáo lý và thực hành Lục độ, đó là những điểm bất biến của Phật giáo. Ăn cho vừa đủ no để duy trì mạng sống, mặc cho vừa đủ ấm để tránh lạnh lẽo bệnh tật, chứ không cầu kỳ món ngon, hàng tốt.  Di chuyển thì một chiếc xe nhỏ là được, cần gì phải sắm xe to đẹp cho phí tiền của các thí chủ thập phương.

Khi gặp những trường hợp đặc biệt, người tu hành sẵn sàng làm tất cả mọi việc để cứu giúp kẻ khác, dù mình phải phạm giới (nói dối, giết hại …), nhưng phải nhớ rằng những việc làm đó để cứu người, lợi người, giúp cho họ hết khổ, chứ không bao giờ vì mình hết, tâm Bồ tát luôn luôn mở rộng để lợi tha, tùy duyên thực hành vạn hạnh lục độ nhưng không rời hai chữ Từ Bi là mục tiêu bất biến của đạo Bồ-tát.

Nếu có người nào lạm dụng hai chữ tùy duyên để phạm giới, mưu cầu tư lợi, thụ hưởng lợi danh, thì họ không còn là tu sĩ Phật giáo chân chánh, và sự trả quả đớn đau sẽ không sao tránh khỏi.

Tùy duyên và bất biến là những điểm độc đáo và quan trọng, đã giúp Phật giáo chuyển mình cho hợp thời hợp cảnh, thích ứng với mọi biến chuyển của xã hội, nhưng cần phải sáng suốt để tránh hai cực đoan là cố chấp vì quá thiên về bất biến, và buông lung vì quá thiên về tùy duyên; luôn luôn theo trung đạo, phát huy trí tuệ để nhận rõ những trường hợp nào phải bất biến, những việc làm nào phải tùy duyên, đó là thái độ đúng đắn của người Phật tử chân chánh.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6116210