BÁT QUAN TRAI PHÁP
BÁT QUAN TRAI PHÁP
(Tục Tạng quyển 60 No.1130)
Ở Bảo Châu Lâm – Quảng Châu –
Sa môn HOẰNG TÁN soạn tập
MINH NGỌC dịch
I. Định nghĩa- Tổng quát:
Đức Như Lai ra đời, vốn vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh, nhưng vì căn tánh chúng sanh bất đồng, nên Phật cũng phải chỉ dạy nhiều cách. Tuy chỉ dạy nhiều nhưng không ngoài cốt lõi Tam học, đó là Giới Định Tuệ. Định Tuệ lại có nhiều pháp môn, Giới cũng phân ra bảy chúng. Chúng xuất gia có năm là: Tỳ-khưu Tăng thọ 250 đại giới, Tỳ-khưu Ni thọ 348 giới, Thức-xoa-ma-na thọ 6 pháp học, Sa-di, Sa-di Ni đều thọ 10 giới. Chúng tại gia có hai là: Thanh tín nam (Thiện nam) và Thanh tín nữ (Tín nữ), được phân ra 2 loại giới:
1. Thọ trì 5 giới trọn đời.
2. Thọ trì 8 giới, 6 ngày trai, 10 ngày trai, Tùy tự ý trai, (ngày nào thuận tiện đều có thể trì trai).
Nói về thọ trì 8 giới trai, tuy chỉ trong 1 ngày 1 đêm nhưng công đức lợi ích đạt được không phải là ít, không thể đo lường được. Ví như ngọc ma ni báu tuy là vật nhỏ nhưng lại hơn rất nhiều các báu.
Phật tử tụng kinh trong ngày thọ Bát Quan Trai
Lợi ích tốt đẹp như thế nhưng vẫn có người từ chối không làm, tựu trung có hai loại:
1. Không tin nhân quả, thiện ác ba đời, tức ở Nho giáo là hạng người không tu thân sửa ý theo Ngũ thường (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) thì làm sao tin được năm giới của Như Lai. Bởi thế, hạng người này cùng đường, tuyệt lối sinh trong loài Trời, người (Thiên đạo, Nhân đạo) và hẳn nhiên đạo quả không thể dự phần.
2. Ngang bướng, ngu si, không biết: Không có ý thức đạo đức luân lý hiếu để với cha mẹ, anh em, trung tín với quốc gia chỉ biết ăn ngủ không khác súc sinh thì làm sao biết cải ác tòng thiện!
Hai loại người này chỉ uổng được thân người, một đời không chút việc thiện đáng được ghi, buông ý chẳng làm được gì. Một mai, nghiệp quả trước mắt, hối hận nào kịp! Người có trí tuệ phải kíp nên thọ trì.
Kinh A Hàm, Phật dạy: “Như có người thiện nam thiện nữ nào muốn được Bát Quan Trai pháp lìa các khổ não, được đoạn sạch các lậu, bước vào thành trì Niết bàn thì nên tìm phương tiện để thành tựu tám pháp trai này. Người thọ tám pháp trai này, hạng sang trọng của người, mọi khoái lạc của Trời cũng đều không thể sánh bằng. Người muốn cầu phước báo vô thượng, nên cầu thọ trì giới trai này. Người muốn sinh lên sáu trời cõi Dục, trời cõi Sắc, trời cõi Vô sắc, thì nên trì tám pháp trai này. Người muốn cầu làm Vua một phương, hai phương, ba phương, bốn phương thiên hạ, hoặc ngôi vị Chuyển luân vương thì cũng được toại nguyện. Người muốn cầu quả vị Thanh Văn, Duyên Giác, Phật, đều được toại nguyện. Ta nay thành tựu đạo quả đều nhờ trì giới, tám giới, thập thiện, mà không có nguyện nào không được thành tựu”.
Nếu người muốn thọ tám pháp trai này đầu tiên phải sám hối tội lỗi trước đây, rồi sau mới thọ giới. Nên sinh tâm hổ thẹn, chí thành tha thiết, mà nói thế này:
Con tên là (pháp danh …) từ vô thỉ sinh tử đến ngày hôm nay, thân tạo nghiệp bất thiện: Sát sinh, trộm cướp, tà dâm; miệng tạo nghiệp bất thiện: nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều, nói ác độc; ý tạo nghiệp bất thiện: Tham dục, sân hận, ngu si, tà kiến, không tin nhân quả gây mười điều bất thiện này.
Ngày nay hướng về Tam bảo, chư Phật, Bồ tát, Tam thừa Thánh chúng ở khắp mười phương và hiện tiền Sư Tăng cầu xin sám hối
Xong, tiếp tục nói:
Con tên là (pháp danh …) quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, nguyện 1 ngày 1 đêm làm Ưu bà tắc (nếu là người nữ thì xưng là Ưu bà di) giới hạnh thanh tịnh. Như Lai Đẳng giác chí chân là đức Thế tôn của con (nói 3 lần).
Tiếp nói:
Con tên là (pháp danh …) quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi, nguyện 1 ngày 1 đêm làm Ưu bà tắc (nếu là người nữ thì xưng Ưu bà di) giới hạnh thanh tịnh. Như Lai đẳng giác chí chân là đức Thế tôn của con (nói 3 lần).
Rồi tiếp nhận giới tướng, đọc:
- Như chư Phật trọn đời không sát sinh, con tên là (pháp danh …) nguyện 1 ngày 1 đêm không sát sinh.
- Như chư Phật trọn đời không trộm cướp, con tên là (pháp danh …) nguyện 1 ngày 1 đêm không trộm cướp.
- Như chư Phật trọn đời không dâm dục, con tên là (pháp danh …) nguyện 1 ngày 1 đêm không dâm dục.
- Như chư Phật trọn đời không vọng ngữ, con tên là (pháp danh …) nguyện 1 ngày 1 đêm không vọng ngữ.
- Như chư Phật trọn đời không uống rượu, con tên là (pháp danh …) nguyện 1 ngày 1 đêm không uống rượu.
- Như chư Phật trọn đời không mang, đeo vòng hoa hương, không thoa xức hương thơm lên thân, con tên là (pháp danh …) nguyện 1 ngày 1 đêm không mang đeo vòng hoa hương, không thoa xức hương thơm lên thân.
- Như chư Phật trọn đời không ca múa đàn hát, con tên là (pháp danh …) nguyện 1 ngày 1 đêm không ca múa đàn hát.
- Như chư Phật trọn đời không ngồi nằm tòa giường cao lớn, con tên là (pháp danh …) nguyện 1 ngày 1 đêm không ngồi nằm tòa giường cao lớn.
- Như chư Phật trọn đời không ăn phi thời, con tên là (pháp danh …) nguyện 1 ngày 1 đêm không ăn phi thời.
Thứ tự như trên đã được nhận rồi, lại phải nên phát nguyện. Đại Luận nói: “Nên phát nguyện rằng: “Con tên là … nhận hành trì tám giới Trai học theo chư Phật gọi là Bố tát. Nguyện giữ gìn phước này khiến chẳng đọa vào tam đồ, bát nạn cũng chẳng mong làm Chuyển luân vương, Phạm vương, hưởng vui thú ở thế gian, chỉ nguyện đoạn trừ phiền não, mau được Nhất thiết trí thành tựu Phật đạo”. (Nếu muốn nguyện thêm để báo đáp tứ ân, cầu sinh Tịnh độ thì nên phát nguyện tiếp thế này): “Nay con đem công đức trì Bát quan trai giới này, tổng báo tứ ân, đồng giúp ba cõi, khắp cho chúng sanh đều sinh Tịnh độ”.
Tám Quan giới này cũng gọi là Tám Chi giới hay gọi là Tám pháp làm tăng trưởng công đức. Tám pháp trước gọi là tám Quan giới, một pháp sau: Không ăn phi thời gọi là Trai. Hợp chung gọi là Trai giới.
Quan nghĩa là đóng, đóng cửa tám điều ác xấu, không khởi các lỗi. Trai còn gọi là Tề, nghĩa là đều, đều chung cấm chỉ sáu tình không nhiễm sáu trần, đều chung đoạn trừ các ác, tu đủ các thiện, vì vậy gọi là Trai.
Kinh Đại Phương Tiện nói: “Ngài Ưu-ba-li bạch Phật: tám Trai pháp và quá ngọ không ăn là chín pháp vì sao chỉ gọi là tám?”
Phật dạy: “Trai pháp lấy quá ngọ không ăn làm thể, tám pháp kia hỗ trợ thành Giới thể này. Bởi cùng giữ gìn cho nhau, gọi là tám trai pháp không nói là chín vậy”.
- Không sát sinh: Đối với chúng sinh cho dù nhỏ như loài côn trùng sâu bọ, hễ có mạng sống đều không được cố giết.
- Không trộm cướp: Người khác không cho thì không được lấy, dù vật nhỏ như là cây kim sợi chỉ.
- Không được dâm dục: Tất cả trai gái (bao gồm cả súc sinh, phi nhân, phi thiên) và vợ chồng của mình, trong 1 ngày 1 đêm đều không được gần gũi.
- Không được vọng ngữ, gồm 4 loại: Nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều, nói ác độc. Tâm nghĩ 1 đàng, miệng cố nói 1 nẻo đều gọi là vọng ngữ.
- Không được uống rượu: Tất cả hoa, quả, trái, hạt ủ lên men mà thành, có thể làm cho người say, đều không được uống.
- Không được đeo mang vòng hoa, xức hương thơm lên thân nghĩa là không được dùng các hoa xâu lại thành tràng (chuỗi) để đeo, lấy các loại hương thơm quý làm bột để mà xoa, xức, ướp trang sức vào thân mình, cho đến tất cả y phục trang sức đẹp đẽ.
- Không được ca múa, đàn hát, không đi xem nghe. Tự mình không được tập ca khúc nhạc, nhảy múa thỏa các vui thú, hoặc đánh bài, đánh cờ… cho đến người khác chơi cũng không được đến đó xem nghe.
- Không ngồi nằm trên tòa, giường cao lớn: Giường cao không quá 1 thước 6 (thước Tàu; khoảng 0,5m), rộng không quá 4 thước (khoảng 1,2m), dài nhất không quá 8 thước (khoảng 2,5m) và tất cả các loại tòa, giường đẹp đẽ, lộng lẫy đều không được ngồi, nằm trên đó.
- Không ăn phi thời: Quá ngọ không được nhai nuốt ngũ cốc, trái quả… các thứ. Mặt trời ngả về Tây chỉ bằng 1 sợi chỉ cho đến sáng ngày mai mặt trời chưa mọc, đều gọi là phi thời. Thời gian này không được ăn.
Nghi thức Quá đường
Kinh nói, chư Thiên ăn vào buổi sáng, Phật ăn vào giữa trưa, súc sanh ăn về chiều, quỷ thần ăn vào ban đêm. Nay người thọ tám giới là đoạn tuyệt nhân trong 6 nẻo (Trời, người, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) học theo Phật ăn lúc giữa trưa cũng là tiêu biểu cho Trung đạo, lìa 2 lỗi biên chấp Đoạn-Thường. Ăn xong phải xỉa răng, súc miệng bằng nước sạch đưa những cặn thừa trong răng miệng ra, nếu không, thức ăn đọng lại, sau đó nhai nuốt tức phạm tội ăn phi thời. Ngoài ra, năm thứ có gia vị hôi nồng đều không được ăn. Tám giới trai này nếu người phạm 4 pháp đầu là thật ác, vì là tánh tội, 1 pháp uống rượu là cửa ngõ mở ra các điều ác; 4 pháp sau là nhân duyên dẫn đến buông lung tâm ý. Nếu người xa lìa 5 điều ác đầu tức tạo nhân duyên phước đức. Nếu người xa lìa 4 điều ác sau tức tạo nhân duyên vào đạo.
Kinh Báo Ân nói: “Nếu phá giới trọng trong 8 giới (4 giới đầu) sau đó lại thọ 5 giới, 8 giới, 10 giới, Đại giới, Thiền giới, Vô lậu giới tất cả đều không được”.
Hỏi: Thọ 8 giới trong 2 ngày, 3 ngày, cho đến 10 ngày, thọ trong một lần có được không?
Đáp: Phật vốn chế định 1 ngày 1 đêm giữ giới thì không được quá hạn. Nếu có khả năng thọ nhiều thì sau 1 ngày 1 đêm rồi tuần tự thọ tiếp lại, như thế tùy sức không kể số ngày. Phàm thọ Trai giới, phải thọ nhận từ người khác, tức là từ năm chúng xuất gia mà nhận. Cho nên Luận Bà sa có hỏi: Cận trụ thọ 8 giới như thế nào là đắc giới? Từ người khác giáo thọ mà đắc. Nghĩa là từ vị Thầy chỉ dạy, trao cho, rồi tự mình phát tâm thành miệng nói, cung kính mà nhận gọi là đắc giới. Lại nữa, người thọ giới cốt phải theo lời Thầy nói mà nói theo, mới gọi là nhận được giới, nếu nói trước Thầy, hoặc cùng Thầy nói đều không đắc giới. Lại hỏi: Phải mặc y phục thế nào mới nhận được giới này? Đáp: Y phục mặc thường ngày, sạch sẽ, tề chỉnh đều nhận được giới. Nếu vì tạm thời mà ăn mặc cho đẹp đẽ, ắt phải để lại không dùng trong lúc này. Thời gian thọ giới là 1 ngày 1 đêm, không hơn không kém, nghĩa là từ sáng hôm nay nhận giới từ Thầy, đến sáng hôm sau giới này liền được xả.
Hỏi: Như vậy, sau Ngọ mới thọ giới này, cũng được giới không?
Đáp: Lẽ ra không được. Nhưng trừ phi có định kỳ hạn trước thì được. Mỗi tháng 6 ngày thường thọ Trai giới, giả như có duyên sự khác, trước Ngọ không nhớ ăn, sau Ngọ mới ăn, ăn xong mới nhớ, thì phải khởi tâm thật hổ thẹn, liền thỉnh Giới sư như pháp mà thọ tiếp thì cũng được.
Luận Tát-bà-đa nói: “Biết chắc chắn chỗ ấy không có Giới sư (Thầy) để trao Trai giới, thì hễ tâm thành tưởng niệm, miệng nói thành lời thế này: “Con nguyện quy y Tam bảo, nguyện thọ trì 8 Trai giới” thì cũng được giới. Nếu gần chỗ mình ở có Giới sư nhưng vì tâm ngã mạn, lười nhác không đến xin nhận giới, mà tự ý thọ, thì không được giới.”
Luận Câu-xá nói: “Nếu không cung kính thọ, thì không phát Giới thể. Nếu không như pháp thọ thì chỉ là phát sinh một hạnh kiểm tốt mà thôi, chứ không phát được Giới thể”.
Cho nên Kinh Ưu-bà-tắc Giới nói: “Không được trước Phật (ban thờ Phật, tượng, tranh Phật… ) mà tự thọ, phải từ người khác mà thọ. Căn bản thanh tịnh thì đã thọ thanh tịnh, trang nghiêm thanh tịnh, giác quán thanh tịnh, tâm niệm thanh tịnh và cầu quả báo thanh tịnh, đó gọi là Tam quy thanh tịnh Trai pháp”.
(Còn tiếp)
Kỳ tới: Ý nghĩa và lợi ích của việc thọ Bát Quan Trai giới
Tin tức khác
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
Bình luận bài viết