Thông tin

BÍ ẨN CỦA THIỀN VÀ THẾ GIỚI TÂM LINH

BÍ ẨN CỦA THIỀN VÀ THẾ GIỚI TÂM LINH

 

NGUYỄN HẢI HOÀNH
lược dịch và ghi chú trong ngoặc vuông [  ].

 

 

Vừa qua, Thiền sư Giác Chân, một vị cao tăng cửa Phật, học giả văn hóa Phật giáo nổi tiếng Trung Quốc có nói chuyện về đề tài “Thiền và thế giới tâm linh” tại Trường Đại học Sư phạm Liêu Ninh. Buổi báo cáo do Giáo sư - Hiệu trưởng Khúc Khánh Bưu chủ trì. Đông đảo thầy trò nhà trường, văn nghệ sĩ, nhân sĩ giới tài chính kinh tế và giới doanh nhân đã tới dự và chân thành thán phục bài nói có tính chất học thuật rất cao này. 

Trong phần mở đầu, thiền sư Giác Chân dẫn lời đại học giả văn hóa Trung Quốc Quý Tiễn Lâm: “Không nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa Trung Quốc thì sẽ không thể nào viết được lịch sử văn hóa Trung Quốc đích thực, lịch sử triết học Trung Quốc đích thực, thậm chí lịch sử Trung Quốc”, qua đó có thể thấy được ý nghĩa quan trọng của việc nghiên cứu văn hóa Phật giáo. Thiền sư nói: Trong quá trình truyền bá ở Trung Quốc, Phật giáo đã sinh ra ba hình thái là Thượng tọa bộ Nam truyền, Phật giáo Tạng truyền và Phật giáo Hán truyền, trong đó Phật giáo Hán truyền lưu truyền trên lãnh thổ rộng nhất, số người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Đặc điểm chủ yếu nhất của Phật giáo Hán truyền là Thiền.

Thiền là tên gọi tắt của “Thiền na” trong Phạn ngữ, dịch ra Hán văn là “Tu Tư duy” hoặc “Tĩnh Lự [suy ngẫm trong trạng thái yên lặng]”, là trạng thái tư duy trong sự yên lặng, là một loại tâm cảnh trong suốt sáng láng, là một kiểu thể nghiệm; không phải ngôn ngữ văn tự nào cũng có thể diễn tả được ý nghĩa của Thiền. Thể nghiệm là thứ chỉ có trong lòng người chứ không ở trong ngôn ngữ, chỉ khi nào thể nghiệm được Thiền thì mới hiểu thế nào là Thiền. Bởi vậy, “Thiền” là thứ không thể nói ra; e rằng cái nói ra được thì không phải là “Thiền” nữa.

Phật giáo có một cặp khái niệm logic: Năng thuyết, Sở thuyết. Ở đây, Năng là cái có thể vận động. Sở là cái không thể động. Ví dụ, căn nhà ta ở là Năng trú, đất đai là Sở trú. Năng thuyết là có thể nói, đã nói rồi. Sở thuyết là chưa nói, cũng không thể nói, bởi lẽ chẳng có cách nói. Thực ra, thế giới ngôn ngữ và thế giới hiện thực xưa nay đều không phù hợp nhau. Thế giới ngôn ngữ không phản ánh được thế giới hiện thực. Các khái niệm đều là tương đối cả, lời đáp không phải là lời hỏi; lời hỏi không phải lời đáp, – tất cả đều là tình trạng thường thấy trong đời sống. Ngôn ngữ rất khó đại diện cho thứ gì ngoài ngôn ngữ, để thực sự hiểu ngôn ngữ thì phải tỉnh ngộ, phải thể nghiệm.

Thế giới tâm linh của con người vô cùng kỳ diệu; cho tới nay chỉ mới có Phật Đà vĩ đại vạch ra được sự bí ẩn của thế giới tâm linh.

Có người nói thế giới này rất phức tạp, xã hội này rất phức tạp. Thực ra, thế giới và xã hội đều không phức tạp mà là con người quá phức tạp. Thực ra, con người cũng chẳng phức tạp, mà nội tâm con người quá phức tạp. Đầu óc có quá nhiều ý nghĩ, người ta không làm chủ được bản thân, cũng là nói không làm chủ được các ý nghĩ của mình.

Thiền sư Giác Chân tổng kết ý nghĩ có 5 đặc điểm lớn: 1. Không mời mà tự đến;  2. Tự mình không thể làm chủ ý nghĩ của mình;  3. Ý nghĩ liên tục không đứt rời, trước nghĩ sau nghĩ, cái này nối tiếp cái kia, hết lớp này đến lớp khác, trừ khi ngủ ra, hễ bạn còn thức thì trong lòng còn có vô số ý nghĩ;  4. Ý nghĩ thường không hợp logic, không hợp tình lý, nằm ngoài dự kiến;  5. Ý nghĩ vừa là từ trường vừa là bộ lọc; là từ trường, nó có tính thấm hút [hấp phụ]; là bộ lọc, nó lọc bỏ tất cả những thứ gì không hợp với nó. Chẳng hạn, thầy giáo đang giảng bài trên lớp, không phải là toàn bộ học trò đều nghe lời giảng, có trò không nghe nên khi tan học chẳng biết hôm nay học gì, bởi lẽ ý nghĩ không ở đấy mà bị lọc bỏ mất rồi. Cho nên, nhà Phật nói Phật và kẻ phàm phu chỉ cách nhau một niệm. Người niệm mà tỉnh ngộ là Phật, người niệm mà vẫn mê muội là kẻ phàm phu.

Để làm rõ vấn đề này, thiền sư Giác Chân đã phân tích cốt truyện bộ phim điện ảnh “La Sinh môn” đã gợi ý cho người xem những gì, nguyên nhân các vụ nhà thơ Cố Thành giết vợ rồi tự tử, nhà văn Tam Mao và ngôi sao ca nhạc Trương Quốc Vinh tự tử… qua đó dẫn ra “Định lý nhân sinh bất tình nguyện”, tức con người thường hay sống trong trạng thái không tình nguyện, những điều nghĩ trong bụng thường không phải là lời mình nói ra; những gì miệng nói ra cũng thường không phải là điều mình nghĩ. Điều trong lòng bạn thích thì có thể trước mặt mọi người bạn lại tránh né. Rõ ràng, bạn biết thế là sai nhưng miệng bạn lại nói đúng, đúng, đúng – điều đó gọi là bên ngoài thì tiếp nhận nhưng nội tâm lại phản kháng. Trong lòng không tình nguyện, trước mặt lại bao giờ cũng không thể không đáp ứng, điều đó gọi là “Người trên sông nước [giang hồ], không kiểm soát được thân xác mình”. Thực ra, đều do tâm niệm không tự do, tự mình không làm chủ được ý nghĩ của mình. 

Giác Chân cho rằng loài người thực sự có một nhược điểm là trong khi luôn cố gắng tìm hiểu thế giới bên ngoài thì đối với thế giới bên trong bản thân mình, cũng tức là thế giới tâm linh lại luôn luôn lơ mơ, cho tới giờ vẫn chẳng biết gì hết. Các hiện tượng tâm lý của con người có lúc không hợp tình hợp lý, rất khó dùng logic, dùng lý trí để chuẩn hóa hiện tượng tâm lý, cũng chẳng thể dùng lý lẽ, dùng tình lý để giải quyết. Cũng vậy, nói “Thiền” là vượt thông lệ, “không xuất đầu lộ diện, chẳng biết tìm ở đâu”. “Thiền” không liên quan gì đến logic, khái niệm, định nghĩa, nhận thức, “tính không xác định” của nó đặc biệt lớn. Cái “tính không xác định” này hoàn toàn nhất trí với “tính không xác định” trong vật lý. Vậy rốt cuộc Thiền có quan hệ như thế nào với thế giới tâm linh?

Năm 2013 tại Hội thảo quốc tế (Hội thảo mừng Giáo sư Nhiễu Tôn Di 90 tuổi), Giáo sư Chu Thanh Thời, nhà vật lý nổi tiếng Trung Quốc, nay là Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc, có đọc bản báo cáo học thuật “Vật lý học bước vào Thiền cảnh: Duyên khởi Tính không”. Trong báo cáo, Giáo sư Chu đã bàn về một thành tựu khoa học tự nhiên mới nhất: Lý thuyết Dây [Huyền luận] – mối quan hệ với thuyết Duyên khởi của nhà Phật.

Quan điểm cơ bản của Lý thuyết Dây như sau: Các phần tử cơ bản của tự nhiên như electron, proton, neutron và quark xem ra như là hạt, trên thực tế là các mô hình giao động khác nhau của Dây một chiều [Nhất duy huyền, one-dimensional string] (còn gọi Dây vũ trụ) rất nhỏ, rất nhỏ. Tiêu chuẩn đo của mỗi một sợi dây vũ trụ là đơn vị cơ bản của độ dài, tức độ dài Planck [Planck length]. Nói cách khác, nếu chúng ta coi vũ trụ là một đại dương do các Dây vũ trụ làm thành, thế thì hạt cơ bản sẽ giống như bọt trong nước. Nó không ngừng sinh sôi cũng không ngừng bị vùi mất. Thế giới vật chất hiện thực thật ra là một bản giao hưởng tráng lệ do các Dây vũ trụ hợp tấu làm nên.

Theo quan điểm của Lý thuyết Dây, toàn bộ thế giới vật chất là một loại mô thức tổ hợp giao động của Dây vũ trụ, mà ý thức cũng là một mô thức tổ hợp của quần thể nguyên tử làm nên bộ óc con người. Điều đó mở ra một con đường mới cho sự hiểu rõ cái gọi là “Tâm vật nhất nguyên”, tức sự thống nhất ý thức và vật chất. Trước đây, người ta cho rằng có hơn một trăm loại nguyên tử hợp thành thế giới khách quan; hiện nay, người ta cho rằng thế giới đều là các loại “nốt nhạc [âm phù]” trên Dây vũ trụ. Thế giới vật chất đa nguyên thực sự trở thành điều nói trong “Kinh Kim cương”: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng hoan bào ảnh, như lộ diệc như điện, ứng tác như thị quán.” [Dịch nghĩa: Tất cả mọi Pháp hữu vi đều như mộng huyễn, như bọt bóng, như giọt sương, như chớp lóe. Hãy quán chiếu như thế].

Như vậy, vật chất không còn là thực tại khách quan nữa. Chỉ có sự tương tác và quan hệ tổ hợp giữa các sự vật mới là thực tại. Cùng một Nhân như nhau khi gặp Duyên khác nhau sẽ kết thành Quả khác nhau. Nói khác đi: “Nhân duyên hòa hợp nhi sinh, nhân duyên tán tận nhi diệt” [Dịch nghĩa: Nhân duyên hòa hợp thì sinh khởi; nhân duyên tán tận thì diệt vong]. Điều này thực ra, về cơ bản nhất trí với “Thuyết Duyên khởi” của Phật giáo. Xem ra, vật lý học hiện đại với đại diện là Lý thuyết Dây đã bước vào Thiền cảnh của Duyên khởi tính không rồi.

Thiền sư Giác Chân cho rằng thành tựu nghiên cứu nói trên đã giải thích ý thức một cách hoàn toàn rõ ràng; dùng thành quả nghiên cứu ấy để nghiên cứu đối chiếu thế giới tâm linh, trạng thái tâm lý hoặc hiện tượng tinh thần của loài người thì sẽ có nhiều điều kỳ thú và lĩnh ngộ.

Tâm lý học hiện đại chia ý thức của con người làm hai loại lớn: ý thức vô ý thức. Theo Freud, ý thức tỉnh táo và rõ ràng chỉ chiếm một phần nhỏ trong đời sống tâm linh của chúng ta, phần lớn số còn lại đều thuộc phạm trù Tiềm ý thức (hoặc Vô ý thức). Ví dụ, giấc mơ là sự đạt thành của nguyện vọng Tiềm ý thức. Các loại ham muốn của con người có thể bị ức chế và đi vào Tiềm ý thức, nhưng người ta lại không thể tiêu diệt nó. Vào một lúc nhất định, nó sẽ có thể tái hiện với hình thức ngụy trang, biến dạng, bệnh hoạn hoặc tượng trưng; đấy là tác dụng của Tiềm ý thức.

Theo đó, nhà tâm lý học Freud đã đưa ra lý thuyết Bản Ngã, Tự Ngã, Siêu Ngã. Bản Ngã là hoàn toàn vô ý thức, là bộ phận Tiềm ý thức, là đại bản doanh của mọi bản năng ban đầu, phi lý tính của con người. Bản Ngã có dục vọng vô cùng, đòi hỏi phải được thỏa mãn, khi xung động lên thì không từ mọi thủ đoạn, nguyên tắc hưởng lạc/hưởng thụ chi phối bản ngã; con người sống trong cảnh giới [cõi] tự nhiên.

Tự Ngã là một phần của Bản Ngã. Con người sau khi ra đời đều có nhu cầu sinh ra từ sự phát triển Bản Ngã trong thực tiễn; nếu nhu cầu đó không được thỏa mãn thì người đó ắt phải chấp nhận sự hạn chế của hiện thực và học được cách thích ứng với hiện thực. Bộ phận này là tầng nấc ý thức của cá thể, cái chi phối tự ngã là nguyên tắc hiện thực, nguyên tắc công lợi; con người sống trong cảnh giới công lợi.

Siêu Ngã là một phần của Tự Ngã. Con người đại để vào khoảng từ 4 đến 5 tuổi sẽ phát triển thành; nó tiếp thu [nội hóa, internalization] uy quyền của cha mẹ, sự giáo dục của nhà trường và đạo đức xã hội. Cũng tức là nói, phần lớn Siêu Ngã là Vô ý thức; bộ phận có ý thức là lương tâm, là quy phạm đạo đức, sẽ sinh ra lòng biết ơn và cảm giác xấu hổ. Cái chi phối Siêu Ngã là nguyên tắc đạo đức, nguyên tắc hoàn mỹ; con người sống trong cảnh giới đạo đức.

Phật giáo cho rằng ba cái “Ngã” nói trên thuộc vào thế giới hiện thực. Cái Phật giáo tuân theo là cái “Ngã” thứ tư, tức Chân Ngã. Đây là một cảnh giới giải thoát, cảnh giới vũ trụ.

Thiền sư Giác Chân nói nhà tâm lý học Thụy Sĩ Young đã phát triển học thuyết của Freud, tái phân chia ý thức ra làm Vô ý thức cá thể Vô ý thức tập thể. Phần bản năng tồn tại trong Vô ý thức chính là động lực tâm lý cơ bản của con người, có thể chi phối đời người, cũng là động lực khiến người ta có ảnh hưởng tới xã hội. Hoàn cảnh bên ngoài chỉ là một dạng tồn tại, nó tất phải thông qua nguyên nhân bên trong mà gây tác dụng, Vô ý thức cá thể và Vô ý thức tập thể chính là nguyên nhân bên trong cơ bản của một người.

Freud cho rằng Vô ý thức có hai tầng ý nghĩa: một là nói bản năng của con người, ham muốn của con người; một là nói loại bản năng ấy, ham muốn ấy thì bị ức chế. Ông đặc biệt nhấn mạnh loại bản năng và ham muốn ấy chủ yếu là nói tính dục. Sự ức chế dục vọng bản năng chủ yếu là ức chế về giới tính (sex), cho nên Vô ý thức do sự ức chế tính dục và sex cấu tạo nên sẽ xung đột với ý thức của con người, đó chính là sự xung đột có tính bi kịch muôn thủa của nhân loại. Nhưng, Young cho rằng Freud đã đơn giản hóa Vô ý thức. Vô ý thức không đồng nghĩa với sự ức chế tính dục, tính dục chỉ là một trong các ham muốn (dục vọng) của con người; người ta có nhiều loại ham muốn. Theo Freud, tính dục và bản năng được gọi là Libido. Young mượn từ đó để gọi chung các dục vọng của con người là Libido – sức sống [nguyên văn: sinh mệnh lực], về bản chất nó có thể chuyển hóa thành năng lượng tâm lý và năng lượng vật lý. Freud nói Vô ý thức là đại dương của tội ác, đen tối. Young cho rằng Vô ý thức là kho tàng tinh thần của loài người, là suối nguồn đích thực của trí tuệ con người.

Thiền sư Giác Chân nói, lý thuyết của Young và thuyết Bát thức của Phật giáo thì thông suốt với nhau. Ngày nay, lý thuyết Bát thức được gọi là Duy thức học Pháp tướng, là một kho báu văn hóa của chúng ta. Hệ thống lý luận sâu sắc rộng khắp của Phật giáo chia ý thức con người làm 4 trạng thái:

Một là ý thức hiểu biết [minh liễu ý thức], cũng gọi là Hiển ý thức. Trong lý thuyết Bát thức, 6 thức đầu tiên là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, mỗi thức có tác dụng nhận biết phân biệt sắc, thanh, hương, vị, pháp. Hiển ý thức là một trạng thái của Thức thứ sáu, cũng tức là sự nhận biết - phân biệt của con người đối với sự vật khách quan bên ngoài, thông qua các giác quan của mình. Nó có một đặc điểm nổi bật nhất là có thể cảm giác và tư duy, có nhiều chức năng lựa chọn, phán đoán, liên tưởng, suy nghĩ, là bộ óc tỉnh táo nhất, là trạng thái tư duy tốt nhất. Hiện tượng ý thức có nhiều. Trước cùng một sự vật khách quan, những người khác nhau sẽ có nhận thức khác nhau, cảm thụ khác nhau, đánh giá khác nhau, kết luận khác nhau – đó là sự khu biệt của “thức”.

Hai là ý thức tán loạn. Tức là tinh thần không tập trung, sức chú ý không tập trung, Phật giáo gọi là “Hôn trầm” [choáng váng/ mơ màng], “Điệu cử”. Khi mệt mỏi, khi có nhiều chuyện rắc rối, có những mắc mứu tư tưởng rất nặng nề, hoặc khi say mê với ý nghĩ nào đó, tư duy không hình thành tiêu điểm, người ta ở vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, thành phần logic, có lý trí bị giảm đi. Lúc đó, trong óc sẽ xuất hiện một linh cảm chớp nhoáng, một số người tư duy nhạy bén như nghệ sĩ hoặc nhà khoa học, nhà phát minh sáng chế thường chộp lấy cái linh cảm này. Đó là cái Phật giáo gọi là Thức thứ bảy, tức là Thức Mạt-na [chữ Phạn là Manas]; Hán ngữ dịch là “Tư lượng”, “Tư lượng hằng thẩm”, là gốc rễ của Ngã Chấp, Pháp Chấp. Thức thứ tám gọi là Thức A-lại-da [chữ Phạn là ālaya-vijñāna], cũng gọi là Tàng thức, bởi lẽ toàn bộ thông tin của vũ trụ đều ở chỗ này. Sở dĩ, con người được gọi là “vật linh thiêng của muôn vật” [Vạn vật chi linh], linh thiêng ở chỗ có Thức thứ tám. Thức này cũng gọi là Thức Hạt giống [Chủng tử thức]; thành tựu của mỗi người đều do hạt giống của người đó quyết định.

Ba là ý thức ngủ [Thùy miên ý thức]. Tác dụng của Thức thứ bảy bị giảm yếu khi con người ở vào hai thời điểm, thứ nhất là khi choáng váng mơ màng, thứ hai là khi ngủ. Giấc ngủ là sự nghỉ ngơi đối với con người sau một ngày làm việc mệt nhọc. Đối với người đang đau khổ thì giấc ngủ là một kiểu giải thoát tạm thời. Khi ngủ mà không có giấc mơ thì Ý thức bị chìm [tiềm trầm] xuống, gây ra tác dụng nghỉ dưỡng và bảo dưỡng. Nhưng ngủ có giấc mơ thì khác, ở đây có những điều đáng chú ý. Có giấc mơ nói lên ý thức của người trong giấc mơ đang hoạt động. Loại ý thức trong mơ này khác với ý thức tán loạn kể trên ở chỗ: thành phần logic của lý trí càng yếu hơn, Thức Mạt-na khống chế và ảnh hưởng hoạt động lý trí càng yếu, càng nới lỏng. Trong giấc mơ, Thức thứ tám tự do mở ra, những hạt giống tiềm tàng ở chỗ sâu của Thức A-lại-da sẽ có thể lặng lẽ tản ra bốn phía, lộ ra hiện lên. Những hạt giống đó là những thông tin về nghiệp lực ẩn sâu trong Thức A-lại-da, phần nhiều là sự việc cũ tái hiện, một số ít là sự hiện lên của hạt giống “vị lai” – đây là một kiểu hiển hiện siêu tiền [Advance appearance] của thông tin vị lai, thậm chí được kiểm chứng trong đời sống sau này. Vị lai còn chưa đến, thông tin vị lai xuất hiện như thế nào? Thiền sư Giác Chân giải thích: Thực ra thời gian không tồn tại; quá khứ, hiện tại và vị lai chỉ là sự phân chia do con người làm ra. Lý thuyết cơ học lượng tử và thuyết tương đối của Einstein có thể chứng minh thời gian là một cảm giác sai lầm của loài người. Giấc mơ do các hạt giống đó đem lại thường bạo gan, tự do, bình thường người ta không dám nghĩ đến, không dám làm, không thể làm. Nhiều sự việc không thể làm lại có thể được thực hiện trong giấc mơ. Ví dụ, trên lĩnh vực khoa học, trong giấc mơ của mình nhà hóa học Đức August Kekulé phát hiện ra kết cấu của phân tử Benzene, nhà khoa học Nga Mendeleev phát hiện Bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học.

Thứ tư là Ý thức định trung. Ý thức thứ tám của loài người có một kho báu phong phú, liệu có thể không dùng hôn trầm điệu cử, không dùng giấc mơ mà tự giác mở được kho báu này không? Có thể được, đó tức là Thiền. Rất khó nói về Thiền, nhưng định thì dễ giải thích. Đây là loại ý thức thứ tư trong Phật giáo, Ý thức định trung. Trong tất cả mọi năng lực của con người, cái quý nhất, khó làm được nhất là Định lực. Khi gặp việc lớn mà bình tâm suy xét, chỉ huy và hành xử kiên định là một phẩm chất tư duy tuyệt vời. Định là đóng kín tư duy, tập trung sức chú ý vào một điểm. Phật giáo dùng từ ngữ “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xử diệt” để thể hiện ý đó. “Ngôn ngữ đạo” tức là “Tâm hành xử”, tức là ý thức chảy, tư duy hoạt động. “Đoạn” và “Diệt” tức là dừng chúng lại. Khả năng đạt tới trạng thái này gọi là “Nhập định”. Trong Phật giáo có cách nói “Tứ thiền bát định” [4 cấp Thiền và 8 thứ định trong Thiền môn], thiền định có thể đem lại cho con người một loại năng lượng, con người ở trong định thì sẽ ở vào trạng thái tư duy tốt nhất.  

Thiền sư Giác Chân nói, Thiền là sự tư duy không có tư duy, là loài người tìm về tự ngã, nhận thức thế giới tâm linh của mình, trở về đầu nguồn sinh mệnh, trở về quê nhà của sinh mệnh, mở cái ổ khóa duy nhất của Thức thứ tám.

Trong buổi báo cáo, Thiền sư Giác Chân đã giao lưu với thính giả, dùng kiến thức Phật Pháp uyên thâm của mình giải đáp một cách tinh tế tuyệt vời các câu hỏi của họ. Bản báo cáo bao quát tri thức Á Âu, nói có sách mách có chứng của Thiền sư đã được các thầy trò và quan khách tới dự chân thành thán phục. 

Trong lời kết thúc buổi báo cáo, Hiệu trưởng Khúc Khánh Bưu nói, Thiền sư Giác Chân là một vị cao tăng đại đức hiếm thấy, có khả năng dung hợp văn hóa Trung Quốc, Phật học và văn hóa phương Tây. Bản báo cáo của Thiền sư là một sự siêu việt của Phật giáo thế tục. Nghe xong báo cáo này mọi người như nghe thấy một tiếng gọi thức tỉnh, như trải qua một lễ rửa tội, khiến người ta thoát khỏi sự nông nổi, thấy mình nhẹ bổng, bất giác nhớ tới “Quy y tụng” của Vương An Thạch…


Nguồn:《佛教文化》2010年第04期作者:曲庆彪; 毕传江;

揭开禅与心灵世界的奥秘——觉真法师辽宁师范大学学术报告侧记

[1] Thiền sư Giác Chân:  Quê Giang Tô, sinh năm 1933, môn sinh của đại đức cao tăng nổi tiếng Danh Sơn Thượng nhân, hiện là Tổng Biên tập Diễn đàn Phật giáo thế giới, từng làm Giám đốc Sự vụ tôn giáo Hội Phật giáo Hong Kong, Phó Viện trưởng Học viện Tăng già Phật giáo Hong Kong, Phó Viện trưởng Viện Phật học Lĩnh Đông, Triều Châu.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6919872