Thông tin

BÍCH HỌA VỀ ĐỀ TÀI PHẬT GIÁO

TRONG MIẾU NGƯỜI HOA Ở CHỢ LỚN

 

LÊ HẢI ĐĂNG - TỪ TRÂN

 


 

Bích họa là hình thức hội họa xuất hiện sớm nhất trong lịch sử mỹ thuật. Ban đầu, người ta tìm thấy bích họa trong hang động, mộ thất ở Pháp, rồi Trung Quốc… Riêng ở Trung Quốc, kho tàng bích họa lớn nhất được phát hiện là di chỉ hang động Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc. Tại đây, bích họa về đề tài Phật giáo được khai thác với quy mô đồ sộ, hàng trăm bức vẽ về Phật, kinh Phật, Phi thiên, nhạc cụ… Bích họa từ lâu đã trở thành truyền thống văn hóa Trung Hoa, đi vào nhiều công trình kiến trúc, đặc biệt là cơ sở tín ngưỡng.

Miếu người Hoa ở Chợ Lớn (nay thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh), chủ yếu xây dựng vào thế kỷ XVIII-XIX. Đáng chú ý có quần thể miếu kiêm Hội quán nằm rải rác ở quận 5, như: Miếu Ông Bổn (Hội quán Nhị Phủ), đường Hải Thượng Lãn Ông; miếu Hà Chương (Hội quán Hà Chương), đường Nguyễn Trãi; miếu Quan Âm (Hội quán Ôn Lăng), đường Lão Tử; miếu Thiên Hậu (Hội quán Tuệ Thành); miếu Quan Đế (Hội quán Nghĩa An, Hội quán Sùng Chính), đường Nguyễn Trãi; miếu Tam Sơn (Hội quán Tam Sơn), đường Triệu Quang Phục; miếu Thiên Hậu (Hội quán Quỳnh Phủ), đường Trần Hưng Đạo; miếu Thất Phủ (Hội quán Phước An) đường Hồng Bàng.

Theo ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong cuốn: “Gia Định thành thông chí” biên soạn cuối thế kỷ XVIII, viết: “Cách phía Nam trấn – Phiên An – mười hai dặm, đường hai bên tả hữu quan lộ, ấy là đường phố lớn thẳng suốt ba đường giáp đến bến sông, bề ngang một con đường giữa, và một con đường dọc theo sông… Đầu phía Bắc đường phố lớn có miếu Quan Thánh và ba hội quán Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu…, phía Tây đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía Tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía Nam đường phố lớn về phía Tây có Chương Châu hội quán. Gặp ngày tết, đêm trăng, tam nguyên, sóc vọng thì treo đèn đặt án, tranh đua kỹ xảo, trông như cây lửa, cầu sao, thành gấm vóc, như hội Quỳnh Dao, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu…”1. Qua đó cho thấy quần thể kiến trúc miếu Hoa đã hiện diện trên địa bàn Chợ Lớn mấy trăm năm nay. Trải qua thời gian dài, chúng trở thành khu bảo tàng di tích quý giá, ẩn chứa nhiều nội dung cần khám phá, tìm hiểu. Riêng về nghệ thuật bích họa, đa số cơ sở tín ngưỡng người Hoa ít nhiều vẫn bảo lưu, ngoại trừ miếu Thất Phủ (Hội quán Phước An). Qua đợt khảo sát gần đây nhất (tháng 3/2024) không phát hiện bất kỳ tác phẩm nào trong ngôi miếu này. Nếu so sánh với các ngôi miếu khác, đồng thời cảm nhận bằng trực giác, có thể nghi ngờ rằng bích họa từng hiện diện trong miếu Thất Phủ, nhưng sau nhiều đợt trùng tu đã không còn bảo lưu! Hiển nhiên, kết luận này cần thêm bằng chứng để xác thực. Đối với cơ sở tín ngưỡng khác, bích họa chiếm tỉ lệ nhất định, thậm chí dày đặc, như: Miếu Ông Bổn (Hội quán Nhị Phủ), miếu Hà Chương (Hội quán Hà Chương), miếu Quan Âm (Hội quán Ôn Lăng). Cả ba cơ sở tín ngưỡng này đều của người Phước Kiến.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, người Hoa gồm 5 thành phần: Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến, Hải Nam, Khách Gia (Hẹ). Người Quảng Đông chiếm nhân khẩu đông nhất, có miếu Thiên Hậu, kiêm Hội quán Tuệ Thành; người Triều Châu đứng thứ 2 về nhân khẩu, có miếu Quan Đế, kiêm Hội quán Nghĩa An; người Phước Kiến đứng thứ 3 về số dân, có miếu Ông Bổn (Hội quán Nhị Phủ), miếu Hà Chương (Hội quán Hà Chương), miếu Tam Sơn (Hội quán Tam Sơn), miếu Quan Âm (Hội quán Ôn Lăng, miếu Thất Phủ (Hội quán Phước An); tiếp đến người Hải Nam và Khách Gia chiếm thiểu số trong cộng đồng người Hoa. Người Hải Nam có Thiên Hậu cung hay miếu Thiên Hậu, kiêm Hội quán Quỳnh Phủ ở đường Trần Hưng Đạo, còn người Khách Gia (Hẹ) cũng đặt trụ sở Hội quán tại miếu Quan Đế (đường Nguyễn Trãi) của người Triều Châu, đồng thời có miếu Quần Tân ở đường Lý Thường Kiệt, sát chợ Gò Vấp, quận Gò Vấp.

Xét về số lượng, người Phước Kiến có di sản kiến trúc hơn hẳn so với các tộc người khác. Trong cơ sở tín ngưỡng người Phước Kiến, bích họa, phù điêu, gốm đắp nổi ngoài công trình kiến trúc ken đặc. Nó giống như một bảo tàng về nghệ thuật thị giác. Bên cạnh không gian thờ tự, từ tiền điện, thiên tỉnh, phương đình, tả vu, hữu vu… vào đến chánh điện đan xen các họa tiết trang trí dày đặc. Ví dụ, ở miếu Hà Chương đếm được 37 tác phẩm; miếu Nhị Phủ, tính từ ngoài cửa vào các gian thờ thống kê hơn 40 tác phẩm; miếu Thiên Hậu (Hội quán Tam Sơn) có 5 bức tập trung sát nóc mặt tiền cơ sở tín ngưỡng…

Người Việt quen gọi miếu Hoa là chùa. Trên thực tế, cơ sở tín ngưỡng này không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng không có tăng ni, Phật tử tu tập, sinh hoạt. Nó chính là cơ sở tín ngưỡng dân gian, thờ các vị thần cộng đồng, nổi bật có ba vị: Thiên Hậu, Quan Công và Bổn Đầu Công (hay Phước Đức Chánh Thần). Bên cạnh đó, do xuất phát từ cơ sở tín ngưỡng dân gian, mang tính chất đa thần, nên trong quá trình tồn tại ngoài chốn dân gian, miếu Hoa không ngừng tích hợp các vị thần từ tôn giáo khác, trong đó có Đạo giáo, Phật giáo. Về Phật giáo, miếu Hoa có thờ chư Phật, các vị Bồ tát, Tứ Thiên Vương, thậm chí Tề Thiên Đại Thánh vốn chịu ảnh hưởng bởi tác phẩm văn học, điện ảnh Tây du ký. Về Đạo giáo, miếu Hoa thờ các vị Ngọc Hoàng thượng đế, Tây Vương thánh mẫu, Bát Tiên… Nói chung, xuất phát từ tư tưởng Tam giáo đồng nguyên, nên cả Nho - Phật - Lão đều có nhiều cách khác nhau đi vào cơ sở tín ngưỡng người Hoa.

 


 

Cơ sở tín ngưỡng là một thiết chế văn hóa quan trọng. Trong hệ thống trường học, bệnh viện, cơ sở tín ngưỡng và nghĩa trang, thì cơ sở tín ngưỡng đứng vị trí số 1. Ở những địa phương thiếu trường học, cơ sở tín ngưỡng kiêm luôn chức năng truyền dạy chữ Hán, thư pháp, sinh hoạt văn hóa... Như vậy, cơ sở tín ngưỡng không đơn giản dùng để thờ tự mà còn đóng vai trò phức hợp, giống như một trung tâm văn hóa có sức hút hướng tâm đối với cộng đồng. Bởi vậy, nhìn vào sức mạnh vật chất có thể thấy mức độ đầu tư vào công trình kiến trúc này. Ngoài cách sắp xếp, bài trí không gian phân chia theo công năng, bao quanh công trình gồm tập hợp đa dạng các yếu tố tô đậm giá trị nội ngoại sinh của nó, như bao lam, câu đối, hoành phi, củng, đấu, xà, trính, phù điêu, tác phẩm hội họa, tranh bích họa… Riêng nghệ thuật bích họa đã là một tập thành đa dạng các hình ảnh thị giác nhằm trang sức cho công trình kiến trúc, trong đó có những tác phẩm sáng tác về đề tài Phật giáo, như: Bát bửu (hoa sen, bình nước, Phất chủ, cá, ốc, cờ…), Kỹ nhạc thiên, Pháp hội, chư Phật, chư vị Bồ tát, Tề Thiên Đại Thánh, Đường Tam Tạng, Tứ Thiên Vương…

Đề tài Phật giáo đi vào cơ sở tín ngưỡng người Hoa theo con đường dân gian, như nhóm tranh về Đường Tam Tạng, Tề Thiên Đại Thánh, Bồ tát… chẳng hạn. Chúng chịu ảnh hưởng bởi tác phẩm văn học, điện ảnh “Tây du ký”. Hình tượng Bồ Tát xuất hiện trong dáng vẻ nữ giới. Đường Tam Tạng thì khoác cà sa, ngồi trên lưng ngựa trắng cùng đoàn tùy tùng, gồm Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, Sa Tăng… (miếu Nhị Phủ) hay tác phẩm Phật ngự trên tòa sen, xung quanh có các vị La Hán (miếu Ôn Lăng)… Màu sắc sặc sỡ, tươi sáng, ngụ ý cát tường.

Bích họa thường có bố cục cân phương, đối xứng. Như chúng ta biết, bản thân công trình kiến trúc thờ tự người Hoa vốn đã triển khai trên cơ sở đăng đối, cân phương về kết cấu. Mỹ thuật trang trí tiếp tục cụ thể hóa bố cục này bằng những cách sắp xếp chi tiết, tỉ mỉ hơn, như: Đối diện bức vẽ bình hoa bên trái cửa ra vào miếu Nhị Phủ, thì phía bên phải cũng có một tác phẩm tương tự. Gian thờ cuối ngôi miếu này xuất hiện cặp chim công đối xứng nhau trên bệ cửa… Cửa ra vào miếu Thiên Hậu (Hội quán Quỳnh Phủ) có cặp tranh vẽ đứa trẻ cầm khánh đứng hai bên. Đối diện hai bức vách tường đều có tranh cây đàn và cuốn sách. Trong bố cục, có loại đơn nhất, như: Bình hoa, cành hoa, cây đàn, cuốn sách… có loại phức hợp, mang tính liên kết cao, như cảnh núi non mây phủ điệp trùng, Phật thuyết pháp hay Hải thần Thiên Hậu cứu người trên biển... Qua đó cho thấy, bích họa thể hiện tư duy hình học từ mặt phẳng hai chiều đến không gian đa chiều, chứa đựng các tầng, cảnh giới khác nhau về tâm thức.

Về chất liệu, bích họa có các loại: Khô, ướt, trứng màu, sáp, dầu, propynele… Bích họa khô sử dụng sét thô, sét mịn, vôi; bích họa ướt dùng nước vôi hòa màu; bích họa trứng màu sử dụng cả lòng đỏ, lòng trắng trứng; loại sáp vận dụng trên chất liệu gỗ, đá; dầu thích hợp với nguyên liệu vải lanh; cuối cùng là propynele chủ yếu ứng dụng trong bích họa hiện đại. Theo cuốn: “Văn hóa & nghệ thuật người Hoa Thành phố Hồ Chí Minh”, viết: “Việc trang trí và tạo hình sử dụng mọi thể loại, hoặc tượng tròn (linh thú, nhân vật) hoặc chạm nổi, chạm chìm, chạm lộng hay sơn vẽ những đồ án trang trí truyền thống (hoa điểu, ngư trùng, nhân vật, điển tích, cảnh tượng sinh hoặc; lại kết hợp “nhất thi nhì họa” tạo nên những bích họa”.

Nói chung, bích họa là một phần không tách rời không gian tín ngưỡng, đồng thời góp phần tô đậm ý nghĩa tôn giáo, các giá trị xoay quanh đối tượng thờ tự. Trong công trình kiến trúc thờ tự, bích họa một mặt nâng cao tính thẩm mỹ, mặt khác thể hiện bản sắc văn hóa. Đến với ngôi miếu Hoa, ngoài mục đích chiêm bái, người ta có thể thưởng lãm vẻ đẹp kiến trúc, trong đó, nghệ thuật bích họa trang trí về đề tài Phật giáo như nét chấm phá, một điểm nhấn trên toàn bộ công trình.

 


[1] Trịnh Hoài Đức: “Gia Định thành thông chí”, tập hạ, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách xuất bản 1972, trang 98 - 99.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 113
    • Số lượt truy cập : 6949836