Thông tin

BÌNH ĐẲNG VỀ SỰ TU HỌC TRONG PHẬT GIÁO

 

THÍCH NỮ NHUẬN ĐỊNH

 


 

Bình đẳng giai cấp, địa vị

Xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ tồn tại sự phân chia vô cùng nghiệt ngã về rất nhiều mặt, từ giai cấp, địa vị, giàu nghèo, từ đó đức Phật đã thể hiện những quan điểm, tư tưởng và hành động khẳng định sự bình đẳng giữa con người với nhau, Ngài không đồng ý sự phân chia giai cấp về chủng tộc, ý hệ, về sự phân biệt đối xử giữa nam giới và nữ giới. Đức Phật đã bãi bỏ chế độ giai cấp và thiết lập giáo hội Ni chúng để nêu cao tinh thần bình đẳng giữa con người. Tư tưởng cao cả của Ngài hướng đến sự bình đẳng giữa con người với nhau, ý thức về việc không phân biệt giai cấp, có thể đưa xã hội đến với sự công bằng ở mức độ cao nhất. Theo đức Phật, tính chất căn bản của con người là giống nhau ở sự bình đẳng về cơ hội tu tập để được giải thoát, bình đẳng trước pháp luật, về quy luật sinh học, bình đẳng trước quy luật sanh, lão, bệnh, tử. Con người bình đẳng về cái chết dù thuộc giai cấp nào của xã hội:

“Chẳng ai võ tướng, Bà la môn,

Nô lệ dân quê, hạng quét đường,

Hoặc có người nào nhờ đẳng cấp,

Không già, không chết, mãi trường tồn1.

Như vậy, đức Phật đã thật sự đánh đổ sự phân chia giai cấp với câu nói bất hủ của Ngài: “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong giọt nước mắt cùng mặn như nhau2. Đây là sự cải cách tư tưởng một cách vượt bậc của Đức Phật đối với xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Con người bị kèm kẹp, bị nghẹt thở, không thể ngoảnh mặt lên vì sự phân chia giai cấp này, nhất là đối với gi ai cấp Chiên Đà La. Ngài đã thay đổi, đã chấp nhận con người với lòng từ bi và bình đẳng, bởi đối với giáo lý Phật đà, con người cao thượng hay nhỏ bé không dựa trên giai cấp hay địa vị, bởi lẽ mọi con người đều có quyền sống, tự do, và tìm cầu hạnh phúc cho riêng mình. Bằng chứng hùng hồn nhất là trong tăng đoàn của ngài đã có những người xuất thân từ giai cấp hạ tiện như người gánh phân Nan-đề, thợ hớt tóc Ưu-ba-ly,... giúp cho họ tu hành và chứng được thánh quả. Đây là sự bình đẳng trên phương diện giải thoát giác ngộ, dù mọi người có ở giai cấp nào nếu bước vào con đường tu tập Phật pháp thì chỉ có một vị đó là vị giải thoát nếu người đó tu tập đến nơi đến chốn, “Phật đã từ bỏ giai cấp quyền quý đã thực hiện cuộc cách mạng xã hội, Phật không chấp nhận xã hội có phân chia giai cấp, vì Phật và chúng sanh đều bình đẳng3.

Sự phân biệt giai cấp là do xã hội tạo nên, mỗi con người đều có quyền bình đẳng như nhau về mọi quyền lợi trên tinh thần nhân quả, nghiệp báo. Không phải do anh thuộc dòng dõi cao sang thì anh mới sống, ăn, làm việc... và đặc biệt là ai cũng có thể giải thoát nếu tu tập: “... Tất cả mọi người trong trăm chủng tộc khác nhau ấy đều có thể mang bột tắm đến nước và tắm rửa, trừ khử các cáu bẩn cho thật sạch... tất cả những người trong trăm chủng tộc khác nhau kia đều có thể dùng bất cứ loại gỗ nào làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên4. Sự bần tiện, xấu xa không phải do giai cấp hay ngược lại sự tốt đẹp thiện lành cũng không phải sinh ra mà sẵn có, tất cả là do nơi hành động và sự tác ý của mỗi cá nhân:

Bần tiện không vì sanh,

Phạm chí không vì sanh,

Do hành thành bần tiện,

Do hành thành Phạm chí5

Với tấm lòng từ bi cao cả, tinh thần bình đẳng, trí tuệ tuyệt vời này đã xây nên một đặc tính vị tha nhân bản trong Phật giáo. Những người con của Phật mãi không bao giờ lạnh lùng trước nỗi đau thương của tha nhân, luôn mở lòng để mang lại hạnh phúc cho họ bằng sức mạnh của thông điệp thương yêu, an lạc. Đây cũng là nguồn sức mạnh tạo ra cơ hội phát triển ngang bằng cho mọi con người, mọi sắc tộc, mọi tôn giáo. Với việc xác định mọi người đều có thể trở thành người tốt, người sống thật hạnh phúc nếu mọi hành động đều tốt đẹp, từ đó đức Phật đã gạt bỏ đi những sự áp bức bất công trong cuộc sống, thay đổi mọi chướng ngại trên con đường tìm cầu an lạc giác ngộ cho mình và cho người.

Bình đẳng trong việc xuất gia tu học

Mọi giai cấp đều có sự chuyển hóa, sự tu tập và chứng được các quả vị giải thoát giác ngộ, cũng như lời Phật dạy: “Ví như, này Pahàràda, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông hằng, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù, Sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Pahàràda, có bốn giai cấp: Sát-đế-lỵ, Bàlamôn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố, họ từ bỏ tên và họ của họ từ trước, và họ trở thành những Sa-môn Thích tử.”, và “biển lớn chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật cũng chỉ có một vị là vị giải thoát6. Như vậy, mọi giai cấp dù ở địa vị nào nếu khi chấp nhận nỗ lực tu tập, sống an trú chánh niệm trong giáo pháp thì sẽ thoát được khổ đau và đạt đến niềm an vui thật sự.

Sự phân chia giai cấp được xóa bỏ khi mọi người gia nhập tăng đoàn, tu tập đạt Thánh quả: “Đoàn thể đặc biệt do Phật lập nên gọi là Thánh chúng (Àrya sangha), với chủ đích đó là cái nôi của những con ngườicao quý. Vì truyền thống Bà-la-môn đã được thiết lập kiên cố, nên giai cấp bấy giờ đã được phân chia thật rõ rệt. Bởi lẽ đó, đức Phật luôn xác nhận rằng trong hàng Tăng chúng của Ngài không có phân biệtgiữa Bà-la-môn (đạo sĩ) và võ tướng, hay giữa chủ và tớ. Ai đã được nhận vào hàng tăng chúng đều có cơ hội học hỏi và tu tập như nhau7. Thật ra “con người giống nhau, nhưng không phải là không khác nhau”. Bởi vì giống nhau về cơ hội nhưng khác nhau về việc lựa chọn sự hành động, con người vốn dĩ hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn hành động của mình. Khi đánh giá một con người chúng ta dựa vào sự cao quý, đạo đức và trí tuệ cao thấp của người ấy:

Chúng sanh tin giai cấp,

Sát đế lỵ tối thắng,

Ai đủ cả trí, đức,

Tối thắng giữa Nhân, Thiên8

Như vậy, khi thực hành theo các quy luật đạo đức thì mọi người khen ngợi, tán dương:

Nghiệp, minh và Chánh pháp,

Giới, tối thượng sanh mạng,

Khiến chúng sanh thanh thịnh,

Không phải do giai cấp,

Không phải do tài sản9

Đức Phật là vị Thầy cao cả đầu tiên trong chủ nghĩa bình đẳng vị tha của nhân loại: “Chính đức Phật lần đầu tiên đã cố hủy bỏ chế độ nô lệ và kịch liệt phản đối hệ thống giai cấp hủ lậu đã mọc rễ sâu xa trên mảnh đất Ấn Độ. Theo giáo lý đức Phật, người trở thành kẻ hạ tiện hay cao quý không phải do giòng dõi mà do hành vicủa mình. Giai cấp hay màu da không làm cản trở một người muốn trở thành một Phật tử hay gia nhập Tăng đoàn. Người chài lưới, kẻ đổ rác, gái giang hồ, cả đến những võ tướng và những người Bà la môn, đều tự do gia nhập tăng đoàn, được hưởng sự đối xử bình đẳng, và cũng được giao cho những địa vị tương xứng10.

Bằng tâm bình đẳng, không giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn, Đức phật đã không phân biệt khi thâu nhận đệ tử, tất cả người dẫu thuộc giai cấp tôn quý hay giai cấp thấp nhất như người thợ hớt tóc Ưu-ba-ly, người gánh phân, đều thâu nhận vào tăng đoàn. Tất cả các thành viên trong tăng đoàn đều sống trong tinh thần lục hòa, mọi giai cấp, chủng tộc đều biến mất ở đây, giống như trăm sông đổ về biển, chỉ có vị mặn. Tăng đoàn cũng vậy chỉ có sự thanh tịnh hòa hợp. Đức Phật là một biểu tượng chói sáng đức tánh từ bi, trí tuệ, dũng mãnh, bình đẳng, giải thoát khỏi ưu, bi, khổ, não.

Với việc cho tất cả các giai cấp được gia nhập giáo đoàn và trực tiếp học tập dưới sự hướng dẫn của đức Phật, các cá nhân dù trong giai cấp nào khi được tu tập theo một trình tự, đúng phương pháp đều có khả năng hiểu biết và giác ngộ: “Nghe pháp đúng thời, đàm luận về pháp đúng thời, chỉ đúng thời, quán đúng thời. Bốn thời gian này, này các Tỳ- kheo, nếu khéo tu tập, khéo vận chuyển, tuần tự đưa đến sự đoạn diệt các lậu hoặc11. Sau khi tự thân nỗ lực học tập và thực hành lời dạy của Phật các vị ở giai cấp thấp đã chứng được các Thánh quả như: “Tôn giả Ưu- ba- ly, vốn là thợ hớt tóc của các Hoàng thân, đã đắc A- la- hán quả và đã chủ trì Luật tạng của Giáo hội; Tôn ni Patacara (người không khố) điên cuồng vì đau khổ, sau khi đến với Thế Tôn và Tăng chúng, đã đắc A- la- hán quả, trở thành một vị thuyết pháp giỏi có tác dụng lớn, độ được hơn năm trăm tôn Ni khác đắc Alahán. Các kỹ nữ như Vimala và Ambapali đều được Thế Tôn cho xuất gia và đều chứng đắc quả vị tối thượng. Kẻ đã một thời làm tướng cướp như trường hợp Tôn giả Angulimala (Vô Não) cũng chứng Thánh quả12. Từ đó, chứng minh rằng chánh pháp của Phật đưa con người xích lại gần nhau hơn, xóa bỏ các vách ngăn về tôn giáo sắc tộc, hướng đến cùng chung sống trong mối quan hệ đoàn kết, từ bi, trao đổi xây dựng và cùng nhau phát triển trong đời sống giải thoát.

Ấn Độ là quốc gia không những bảo thủ về giai cấp mà còn bảo thủ chế độ trọng nam khinh nữ. Họ mặc định người phụ nữ như một con robot để làm việc nhà, là thú vui của nam giới, là một bộ máy có khả năng sinh sản để duy trì nòi giống. Phụ nữ từ khi sanh ra cho đến lúc lấy chồng, họ sống trong những nguyên tắc ước lệ của văn hóa Ấn Độ cổ đại. Phụ nữ chính là nô lệ trung thành, phục vụ mọi ý muốn của chồng, thậm chí bị tước quyền sống khi người chồng qua đời. Đó là một sự thật đau khổ của số phận người phụ   nữ lúc bấy giờ:

Theo triết lý Bà-la-môn giáo, nền tảng là bốn bộ Vệ-đà, xem phụ nữ là nguồn gốc của mọi sự rắc rối cho chính đấng sinh thành ra họ, chỉ là kẻ sinh con cho cha mẹ chồng, là vật sở hữu của nam giới, sinh ra là để tùy thuộc và phục tùng nam giới mà không có bất kỳ sự kính trọng hay danh dự nào13.

Trước cuộc sống đầy tủi nhục, người phụ nữ bị mất đi cái quyền tự do của một con người. Đức phật xuất hiện đã làm thay đổi được hệ tư tưởng phân biệt nam nữ. Cái quyền được làm mẹ, làm vợ của phụ nữ một lần nữa được trỗi dậy để khẳng định vị trí quan trọng của mình trong ngôi nhà và ngoài xã hội. Ngài còn dạy cách ứng xử của mọi thành viên trong gia đình, giữa người chồng đối với người vợ và ngược lại, để từ đó đem lại một mái ấm thật hạnh phúc ấm êm.

Khi đồng ý cho nữ giới xuất gia là đức Phật đã khẳng định quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Bởi Ngài nhận thấy người nữ vẫn có khả năng giác ngộ và chứng quả như nam giới. Đây thật sự là một cuộc cách mạng về giới tính đầy nhân văn của Phật, một việc làm thiêng liêng duy nhất và chưa từng thấy trong rất nhiều hệ thống tôn giáo, cũng như các trường phái tư tưởng được biết trước và trong thời Phật tại thế. Do vì thân phận người nữ ngày xưa không được coi trọng, luôn bị xem thường. Bà la môn giáo xem phụ nữ như là vật sở hữu của nam giới, sinh ra để phục tùng cho nam giới mà thôi và “cuối thời Veda và thời kỳ sử thi, phụ nữ phải chết theo chồng14. Đức Phật đã khẳng định các vị nữ giới khi xuất gia vẫn chứng được các quả vị giải thoát như nam giới được chứng minh qua việc Ni đoàn được thành lập có “thập đại đệ tử Ni”, lưu truyền những bài thuyết pháp và kệ ngôn chứng đắc trong “trưởng lão Ni kệ”. Về câu chuyện vua Pasenadi nước Kosala có con gái và vua không được hoan hỷ nên Phật đã dạy con gái vẫn sẽ tốt đẹp hơn con trai nếu người ấy đầy đủ trí tuệ và đức hạnh:

Này Nhân chủ, ở đời,

Có một số thiếu nữ,

Có thể tốt đẹp hơn,

So sánh với con trai,

Có trí tuệ, giới đức15.

 


1. Kinh Tiểu Bộ 2, Thích Minh Châu dịch (1999), Tp. HCM, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr. 301.

2. Thích Thiện Hoa (2003), Tám Quyển Sách Quý, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, tr. 413.

3. Thích Minh Tuệ (2009), Phật và thánh chúng, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, tr. 22.

4. Kinh Trung A Hàm, Kinh Phạm Chí A Nhiếp Hòa, Thích Minh Châu dịch (1992), Tp.HCM, VNCPHVN ấn hành, tr. 447.

5. Kinh Tiểu Bộ 1, Thích Minh Châu dịch (1999), Tp.HCM, Nxb. Tp. HCM,tr. 506.

6. Kinh Tăng Chi Bộ 3, Thích Minh Châu dịch (2005), Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, tr.562-563.

7. Junjiro Takakusu (2007), Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo, Tuệ Sỹ dịch, Tp.HCM, Nxb. Phương Đông, tr 34.

8. Kinh Trường Bộ II, Thích Minh Châu dịch (1991), Tp. HCM, VNCPH. Việt Nam, tr.413.

9. Kinh Trung Bộ II, Thích Minh Châu dịch (2012), Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, tr. 605.

10. Ban hoằng pháp trung ương (2001), Phật Học Cơ Bản, tập 4, Tp.HCM, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr 264-265.

11. Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, Thích Minh Châu dịch (1996), Tp.HCM, VNCPH. Việt Nam, tr. 81.

12. Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Cà Mau, Nxb. Phương Đông, tr. 81.

13. Thích Viên Trí (2006), Ấn Độ Phật giáo sử luận, Tp.HCM, Nxb. Phương Đông, tr. 133.

14. Hoàng Tâm Xuyên chủ biên (1999), Mười tôn giáo lớn trên thế giới, Tp.HCM, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, tr. 176.

15. Kinh Tương Ưng 1, Thích Minh Châu dịch (1991), Tp.HCM, VNCPH. Việt Nam, tr. 194.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6570484