Thông tin

BỒ TÁT QUAN ÂM - HIỆN THÂN CỦA LÒNG TỪ BI

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 


 

Trong hệ thống đối tượng thờ tự Phật giáo, Quan Âm chiếm vị trí hết sức đặc biệt, thậm chí trở thành một điểm nhấn quan trọng trong điện thờ tín ngưỡng này. Tiếng Phạn gọi Quan Âm là Avalo Kite’svara, dịch nghĩa: “Quan Thế Âm”, “Quán Thế Âm”, “Quan Tự Tại”, “Quan Thế Tự Tại”, tôn hiệu: “Đại từ Đại bi Cứu khổ Cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát”.

Theo “Kinh Bi hoa” (Karunapundarika-sutram), Phẩm thứ tư, Phần I “Bồ Tát thọ ký”, bản dịch Hán văn của Đàm Vô Sấm, bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Minh Tiến viết: “Bấy giờ, các cõi thế giới nhiều như số cát sông Hằng trong khắp mười phương đều chấn động đủ sáu cách, hết thảy các chốn núi rừng đều phát ra vô số đủ mọi âm nhạc. Chúng sinh nghe âm nhạc ấy rồi liền lìa khỏi mọi tham dục. Chư Phật trong tất cả các thế giới ấy đều phát ra lời thọ ký rằng: Tại thế giới San đề lam trong kiếp Thiện Trì, con người có tuổi thọ tám vạn năm, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng, có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Vô Lượng Thanh Tịnh, cai quản Bốn cõi thiên hạ. Thái tử của vua ấy nay tên là Quán Thế Âm”1.

Theo đó, Quan Âm vốn là một “thiện nam”, con vua Vô Lượng Thanh Tịnh, kiếp trước từng được thọ ký là Vô Lượng Thọ Phật ở Thế giới Tây phương An lạc, tức Thế giới Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà. Còn “Chú đỉnh dư văn”, quyển 4 viết: “Xưa Sư tử Kim Quang dạo chơi nước Như Lai. Trong nước ấy không có phụ nữ, vua Uy Đức nhập Tam muội trong vườn và từ hai bông hoa sen bên trái và bên phải của ngài sinh ra hai người con trai, người bên trái tên gọi Bảo Ý, tức Quan Thế Âm, người bên phải tên gọi Bảo Thượng, tức Đắc Đại Thế”2. Đoạn văn này dẫn từ “Kinh Quan Thế Âm Đắc Đại Thế thọ ký”, bản dịch của Đàm Mô Kiệt. Như vậy, Quan Âm và Đại Thế Chí chính là hóa thân của hoa sen.

Ngoài ra, truyền thuyết Nhật Bản kể rằng: “Tảo Ly và Cập Ly vốn là hai anh em, sau khi cha mẹ mất bị bọn người ác vứt lên một đảo hoang, lúc sắp chết đói, người em Cập Lý mở lời oán thán. Người anh Tảo Ly bèn nói rằng: chúng ta bị người đời lừa gạt, chịu cảnh đói khát, khổ đau cùng cực thật đáng thương. Trải qua hoàn cảnh này, anh em mình mới thấu hiểu đạo lý, nếu có thể đầu thai trở lại chúng ta nhất định phải cứu vớt những người có hoàn cảnh bất hạnh. Tâm niệm như thế trong lòng, hai anh em thanh thản rời xa thế gian, cuối cùng trở thành hai vị Bồ tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí.

Truyền thuyết về Quan Thế Âm còn xuất hiện trong kinh điển Bà la môn, các loại tuồng tích, truyện kể dân gian… Trong quá trình dân gian hóa Phật giáo, Quan Âm là một trong những đối tượng được chuyển hóa sâu sắc, mang nhiều yếu tố văn hóa bản địa. Nổi lên trên hết, Quan Âm có hai chức năng căn bản, đó là Từ và Bi. Từ nhằm chỉ việc đem niềm vui đến cho người khác, còn Bi là cứu giúp người trong cơn hoạn nạn. Bởi vậy, ở bất kỳ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, Bồ tát vẫn từng phút, từng giây thị hiện qua nhiều hình tướng khác nhau để giúp đời, giúp người.

Như trên đề cập, Bồ tát ban đầu vốn là một “thiện nam”, qua loại hình nghệ thuật thị giác, hình tượng Bồ tát bắt đầu chuyển hóa từ nam sang nữ. Bằng con đường dân gian hóa, đặc biệt với chức năng Từ bi, hình tượng Bồ tát dần dần định hình với thân thể phụ nữ. Cùng với sự phát triển của ngành Đồ tượng học Phật giáo, các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả thính giác, thị giác không ngừng tô đậm giới tính của Bồ tát. Ở nước ta, Bồ tát được gọi là Phật Bà. Tuồng tích “Quan Âm Thị Kính” kể về thân phận một người phụ nữ trải qua nhiều oan trái, sau hóa thân thành Quan Âm Thị Kính. Ở Trung Quốc, hình tượng Bồ tát chuyển hóa từ nam sang nữ bắt đầu xuất hiện từ thời Tùy (thế kỷ 6-7). Trong các tác phẩm điêu khắc hang động Đôn Hoàng, hình tượng Bồ tát vẫn chưa định hình thể thức thống nhất, như động Mạc Cao số 276, Bồ tát xuất hiện dưới dạng tráng sĩ, thân hình thô ráp, mặt vuông, tai rộng, tay phải cầm cành dương liễu, tay trái cầm bình nước. Động Khánh Dương, tỉnh Cam Túc, lại tạc tượng Quan Âm nữ giới, đầu đội mũ, hở vai, choàng khăn ôm lưng, mặc váy… Tất cả các bộ phận trên cơ thể đều cân đối, trang nhã, đẹp đẽ. Còn động Tàng Kinh số 217, Quan Âm có khuôn mặt bầu bĩnh, đầy đặn, tóc vấn cao, đội Phật quan, tay, chân, trước ngực đều mang đồ trang sức, điệu bộ đoan trang, thể hiện hình ảnh một thiếu phụ thiện lương… Hình tượng Bồ tát nữ giới tiếp tục được củng cố vào thời kỳ nhà Đường (thế kỷ 7-10), Tống (thế kỷ 12-13), thậm chí với sự sáng tạo của các loại hình nghệ thuật, hình tượng Bồ tát định hình qua những mô típ, như: “Quan Âm tống tử”, “Phật Bà cầm giỏ cá”, “Quan Âm cầm trên tay cành dương liễu và bình cam lộ”, “Quan Âm ngự trên tòa sen”, “Phật Bà và Thiện Tài Đồng Tử”, “Phật nghìn mắt nghìn tay”... Bên cạnh đó, cùng với những yếu tố tương đồng, Quân Âm còn bị đánh đồng với Thiên Hậu Thánh Mẫu, một vị hải thần được thờ tự phổ biến ở vùng duyên hải khu vực Đông Nam Á. Xuất phát bởi quyền năng của Bồ tát Quan Âm và Thiên Hậu Thánh Mẫu có những yếu tố tương đồng, nên hai đối tượng này vô hình trung trở thành hai khía cạnh của một hình tượng. Theo đó, Thiên Hậu Thánh Mẫu có hai đệ tử là Thuận Phong Nhĩ và Thiên Lý Nhãn tượng trưng cho pháp lực quan sát và lắng nghe. Hai pháp lực này cũng chính là sở trường của Quan Thế Âm - “Quan” sát và lắng nghe (Âm) những tiếng kêu than nơi thế gian.

Trên đường hướng phát triển của nghệ thuật thị giác, hình tượng Bồ tát không ngừng được mỹ hóa, thậm chí trở thành một trong những vị nữ thần trong tín ngưỡng đa thần của người Việt và người Hoa. Trong môi trường tín ngưỡng dân gian, Bồ tát Quan Âm vừa có khả năng thờ tự độc lập, vừa phối tự cùng nhiều vị thần bản địa khác, từ Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Động, Bà Thủy Long, Bà Thiên Y A Na, Thiện Tài Đồng Tử, Long Nữ, Thiên Hậu Thánh Mẫu, cho đến Vô Lượng Quang Phật, Hoan Hỷ Phật, Hồi Châu Đại Thánh, Lục Độ Mẫu…

Sự đa dạng trong các hình thức biểu hiện của Bồ tát Quan Âm xuất phát bởi tín lý của Phật giáo. Theo “Kinh Lăng nghiêm”, quyển 45 “Phẩm nhập pháp giới” nói về việc Bồ tát giáo hóa, viết: “Lúc hiện sắc tướng Thanh Văn, lúc hiện sắc tướng Phạm Thiên, lúc hiện bộ dạng khổ hạnh, lúc hiện hình dáng vẻ lương y, lúc hiện hình dạng thương nhân, lúc hiện sắc tướng Chính mệnh... hoặc hiện ra các loại sắc thân, âm thanh giáo hóa chúng sinh”3. Phật giáo lấy giáo hóa (chức năng giáo dục) làm trung tâm, trong đó giáo hóa chúng sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quan Âm Bồ tát. Trên cơ sở đó, hình tượng Quan Âm trở nên quyền biến, đa đoan, thiên biến vạn hóa với vô số ứng thân (như Kinh Lăng nghiêm đề cập). Song, dù xuất hiện bằng hình tướng nào, nhiệm vụ căn bản của Bồ tát vẫn không thay đổi. Đó là triển khai, thực thi đạo hạnh thông qua hai nhiệm vụ Từ và Bi. Xét về quyền năng, Bồ tát Quan Âm chính là vị thần bảo hộ, đặc biệt đối với nhóm người yếm thế. Từ hai nhiệm vụ từ và bi, Bồ tát Quan Âm thị hiện giữa cuộc đời qua nhiều hình tướng khác nhau, thậm chí ẩn vào thế giới vô hình để cứu độ chúng sanh nhằm đem lại sự bình yên cho cuộc sống. Nói về điều kỳ diệu này, cư sĩ Dương Ninh, người Trung Quốc từng nói, khi chúng ta niệm “Quan Thế Âm” thì Ngài xuất hiện ngay trong “âm lưu”, hiểu là sóng âm thanh đó. Bởi vậy, lúc hoảng sợ, niệm Quan Thế Âm giúp gia tăng lòng can đảm, khi tâm bấn loạn, niệm hồng danh Bồ tát khiến tâm dần bình an trở lại... Đó là một trong những cách đơn giản nhằm dẫn dắt tâm bị thất lạc trở về ngôi nhà thể xác của mình.

Theo quan niệm thế tục, đạo Phật là đạo từ bi, cửa Phật là cửa từ bi và đặc trưng ấy tập trung một cách đầy đủ ở bậc Bồ tát. Bồ tát đạo cũng là con đường duy nhất thông với cõi Tây phương Cực lạc. Trong khi đường về Tây phương xa xôi, Bồ tát hiện diện ngay giữa cuộc đời trở thành một chốn nương tựa cho chúng sinh. Mặc dù tu thành Chánh quả, nhưng Bồ Tát không nhận lấy quả Phật mà vẫn đi về chốn nhân gian để cứu giúp, hóa độ chúng sinh. Tinh thần từ bi, quả cảm ấy trở thành đức tính mẫu mực của đấng Bồ tát, một trong những vị sứ giả của nước Phật giữa cõi hồng trần.

 


1. https://phatphapungdung.com/phap-bao/kinh-bi-hoa-nguyen-minhtien-113482.html/3

2. 邢莉:“觀音信仰”學苑出版社,北京1995,第8頁.

3. 邢莉:“觀音信仰”學苑出版社,北京1995,第25頁.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 37
    • Số lượt truy cập : 6953309