Thông tin

BỒ TÁT TRONG NIKAYA

 

LƯƠNG THỊ THU

 


 

Qua hai nguồn tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa, thệ nguyện của Bồ tát đều: một mặt là cầu chân lý để hoàn thành lý tưởng giải thoát (thượng cầu Phật đạo), đồng thời phát nguyện cứu độ chúng sanh (hạ hóa chúng sanh). Với chí nguyện này, một vị Bồ tát phải có phương tiện, có ý chí, nhẫn nại, tinh tấn. Có phương tiện rồi làm được hay không thì phải có lực. Như vậy, trong nguyện đã có lực rồi và ngược lại trong lực cũng đã có nguyện. Mặc dù văn học Phật giáo Đại Thừa trong lục độ của Bồ tát không nói đến nguyện, lực, phương tiện, xuất gia, nhưng qua hạnh nguyện của Bồ tát Thanh văn thị hiện không khác gì Bồ tát trong Nikaya.

Khái niệm “nguyện”, “lực”, “phương tiện”, “xuất gia” đi theo sau đó là từ “Ba la mật”[1] được hiểu như thế nào? Nguyện, nói đầy đủ là phát nguyện, văn của thơ ca cách mạng Việt Nam cũng đã thệ nguyện nói thông dụng của thế tục là “thề” hay văn viết là “thệ nguyện”. Tố Hữu, con chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam đã thệ nguyện: “Tôi đã là con của mọi nhà, Là em của vạn kiếp phôi pha, Là anh của vạn đầu em nhỏ, Không áo cơm cù bất cù bơ” (Từ ấy). Trong Phật giáo, nguyện Ba la mật là lòng quyết tâm, là ý chí vượt thử thách để thực hiện hoài bão, ước mơ cho đến thành tựu, không một chút xao lãng, không một chút dao động.

Trong một tiền kiếp, khi đức Phật là Ngài Nemi trong Chuyện đại vương Nimi-541, Ngài thực hành hạnh chí nguyện xuất thế ly gia. Nguyên do là Thần Ðế Thích Sakkha sai Matali đánh xe đến đưa Ngài đi viếng các cảnh địa ngục và thiên đàng, thấy cảnh hai đường ác và thiện thì ngay lúc đó, ngài đã nhen nhóm chí nguyện giải thoát cảnh địa ngục. Sau bảy ngày ở trên cõi Tavatiṃsa, vua Nimi trở về thành Mithila và thuật lại cho dân chúng nghe những gì ông thấy. Một hôm, người thợ hớt tóc thấy sợi tóc bạc trên đầu ông, biết được sinh lão bệnh tử không thể thoát, ông liền nhường ngôi, xuất thế như các tiền nhơn của ông từng làm (tục lệ trong dòng tộc ông),
và đi tu khổ hạnh.

Bởi do chí nguyện dẫn đường

Biết nơi cứu cánh mà nương lối về

Bờ kia là đạo bồ đề

Tự lòng đã quyết bến mê phải lìa

Hy sinh ngoại vật tứ chi

Hoặc luôn mạng sống sá gì huyển thân

Phật xưa pháp độ vẹn toàn.

Chí nguyện mà không thành tựu thì không gọi là nguyện. Như vậy, trong yếu tố nguyện này, có cần và có lực trợ duyên không? Chí nguyện là dẫn đường, tự lòng thì phải quyết, tinh cần mới nuôi dưỡng thành tựu chí nguyện. Một vòng tròn khép kín, nhưng lại rộng đường xuất thế tục gia.

Nguyện là một động từ đơn, nhưng thường đi sau nó là lực. Nguyện thiếu lực thì nguyện không kết quả, vậy lực là gì? Hẳn là phương tiện của nguyện. Lực là sức, hay phàm nơi nào tinh thần tới được gọi là lực như “mục lực” là sức của con mắt; lực còn hàm nghĩa chăm chỉ như “lực điền” là chăm chỉ làm ruộng. Lực Ba la mật là sự toàn thiện của năng lực. Trong sự toàn thiện này phải có hai yếu tố trợ duyên cho nhau để dẫn đến thành tựu chí nguyện. Đó là tự lực, đó là tha lực. Trong công hạnh của Bồ tát không thể thiếu lực Ba la mật. Tự là mình, chính mình, như tự tu là tự sửa lấy mình. Tha là khác, lực có từ bên ngoài, tha là khác, là kẻ kia, như tha sự là việc khác. Trong đời sống thế tục, kết quả của sự phối hợp “tự” và “tha” này thường dẫn đến một công trình tập thể được vinh danh hoặc đơn giản là chỉ những yếu tố chủ quan hay khách quan tạo ra một thành quả tích cực hay sản sinh một hiện tượng tiêu cực.

Tự lực và tha lực của Bồ tát trong Jataka lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Chuyện Mũi tên - 265 (tiền thân Khurapa), do chính Đạo sư kể lại về một tì kheo mất hết mọi lực tinh tấn. Lực tinh tấn này chính là tự lực. Khi Đạo sư kể xong pháp thoại này, Ngài tuyên thuyết Tứ đế. Vị tì kheo đã mất hết lực tinh tấn nhưng có tha lực của Đạo sư, vị tì kheo ấy, ở phần kết thúc Tứ đế, vị ấy đã đắc thánh quả. Cụ thể hơn, vai trò của Bồ tát trong câu chuyện tiền thân này như thế nào? Bồ tát là con người kiểm lâm. Lớn lên đứng đầu một đoàn 500 người kiểm lâm, tự nhận dẫn mướn cho ai muốn đi qua khu rừng. Nhận 1.000 đồng con của vị thương gia, Bồ tát tự xem là đã hiến đời mình để phục vụ cho vị thương gia. Gặp 500 tên cướp giữa rừng ai cũng quỳ mọp, chỉ riêng Bồ tát la hét, đánh đuổi 500 tên cướp đó. Thương gia và đoàn tùy tùng cùng 500 xe hàng thoát nạn. Trước 500 tên cướp đầy đủ khí giới trên tay, bao vây dày đặc, vì sao Bồ tát không cảm chút sợ hãi? Ta thử suy ngẫm hai bài kệ của Người kiểm lâm:

Khi nhiều cung bắn vèo tên tới

Nhiều bàn tay đưa lưỡi thép gần

Trước hàng hung hãn tử thần

Hôm nay tôi thấy ngập tràn niềm vui

Niềm vui ấy cho tôi thắng lợi

Tôi liều thân nếu tới lúc cần

Hành vi dũng liệt muốn toàn

Làm anh hùng phải coi thường đời ta.

Đôi lúc, độc giả cũng không nên nhìn hành động Bồ tát dưới quan điểm hiện thực, vì như thế, Bồ tát sẽ có hành hoạt vụ lợi. Như việc Bồ tát nhận 1000 đồng con của vị thương gia, Bồ tát tự xem là đã hiến đời mình để phục vụ cho vị thương gia, chúng ta có thể có tư duy của người hiện đại chỉ là trách nhiệm của người nhận tiền. Nhưng, một tư duy khác tìm đến điểm xuất phát sức mạnh của vị Bồ tát này? Không có 1.000 đồng đó, Bồ tát này có tự hiến đời mình cho vị thương gia trẻ đó không? Chúng tôi nghĩ, lực ở đây không phải ở 1.000 đồng đó, mà lực ở đây, chính là sức mạnh khi đương đầu với cung tên và sự bao vây dày đặc. Nếu hèn nhát thì Bồ tát có thể tìm cách thoát thân hoặc quỳ mọp như mọi người. Ngược lại là niềm vui khi được hiến thân. Phải chăng đây chính là lực tác động dẫn đến chiến thắng. Khi mang lại hạnh phúc cho mọi người, ở đây là sự an toàn của mọi người, Bồ tát thấy vui. Niềm vui tạo nên sức mạnh cũng là điều dễ hiểu của hạnh Bồ tát, hạnh từ bi với muôn loài. Đạo sư chính là trưởng đoàn kiểm lâm, tiền thân là một vị Bồ tát. Khi Bồ tát cảm nhận sự thích thú và nhiệt tâm với thiện hạnh, đó cũng là tinh tấn Ba la mật. Tinh tấn này làm lợi lạc cho chúng sanh. Cho nên trong nguyện, có lực, có tinh tấn.

Từ quan điểm tự lực và tha lực, nhìn nhận câu chuyện Hiền giả Akitta - 480 (tiền thân Akitta), Đạo sư kể về một đại thí chủ ở Xá Vệ, cúng dường đạo sư và tăng chúng suốt 7 ngày và ngày cuối cùng là cúng cho thánh chúng. Sự kiện này có liên quan đến một vị Bồ tát tên Akitti và em gái tên Yavasati. Cả hai anh em sinh ra trong gia đình đại phú Bà la môn. Họ bỏ lại kho báu mà cả dòng tộc để lại, xin phép vua bố cáo và phân phát tài sản suốt 7 ngày mà kho báu vẫn còn để dấn thân vào con đường tu khổ hạnh. Cả hai chỉ muốn sống độc cư nên tiếp tục từ bỏ nơi hội chúng đông đảo và cúng dường hậu hỷ. Một mình Ngài đi đến đâu có cúng dường và ngưỡng mộ thì lập tức Ngài tiếp tục tìm kiếm nơi ẩn cư, sống thiểu dục bằng trái cây, lá, một ít nước lã. Chính nơi đảo của Rắn Rồng này là điểm dừng chân và Thiên chủ Sakka (Đế Thích) muốn thử ngài, nên giả dạng Bà la môn đến khất thực. Được Sakka ba lần xin bố thí, ngài nghĩ thầm: ta đã đạt được tâm nguyện bố thí. Ngài nói: “Đấy là vật cúng dường của ta, ước mong đây là phương tiện để ta đạt được chánh giác tối thượng”. Ngài dâng cúng hết phần lá luộc, cũng là phần ăn cuối cùng của mình. Sau khi Sakka đi, ngài cũng không nấu thêm món gì và ngồi an tịnh trong niềm hỷ lạc. Thiên chủ ban cho ngài sự hưởng thụ, ngài đều từ chối và chỉ nói từ lòng mình điều này:

Ban tặng cho ta một phước lành:

Mong giải thoát ngoài vòng ái dục,

........................................................

Ta chọn ước kia để hưởng phần.

Akitta đã tinh tấn từ bỏ những sự sang giàu để tu tập thiền định và thắng trí, an trú trong hỷ lạc tiếp tục bố thí, tu tập tứ vô lượng tâm và được sinh lên cõi Phạm thiên. Sự mong muốn đạt được bằng chính ý chí. Trong chí nguyện sống đời ẩn cư, Akitta đã chiến thắng mọi sự ràng buộc mà trước hết là tài sản, sau đó là hội chúng cúng dường đông. Chiến thắng cái ăn, mặc, ngủ nghỉ. Tinh tấn, lực, xuất gia đều có mặt trong mỗi chi tiết truyện. Bồ tát đạt được tự lực như vậy, còn có yếu tố nào bên ngoài tác động không?

Trong Phật giáo, tha lực của Đại thừa hiểu một cách trừu tượng tức là Phật lực, Thánh lực (Bồ tát), thế nhưng tha lực trong câu chuyện Bổn Sanh này là sự xuất hiện của Sakka, một vị Đế Thích như một thử thách nguyện lực của Bồ tát, cũng là rút ngắn con đường đến đạo quả. Lời nguyện ước của Bồ tát khi dâng phẩm cúng dường dù chỉ là lá luộc: “Đấy là vật cúng dường của ta, ước mong đây là phương tiện để ta đạt được chánh giác tối thượng”. Điều đó, ta thấy sự liên kết chặt chẽ giữa nguyện và lực. Nguyện càng sâu, lực càng lớn. Nỗ lực tự thân, sự hiện diện của Sakka làm cho lực càng phát huy hiệu quả hơn. Ngài nói với thiên chủ Sakka: “Thấy ngài, xao lãng điều tâm nguyện, Nguy hại là trông thấy Ngọc hoàng”. Theo Phật giáo Nguyên thủy là Bồ tát thấy quả thì tu nhân. Từ tư tưởng này, nguyện lực Ba la mật càng được đẩy lên cao hơn, và tha lực Jataka muôn hình muôn vẻ. Nhìn nhận tha lực trong Jataka có vẻ đặc thù là một trợ lực thì tự lực là tự đốt đuốc soi đường cho chính mình. Nếu như một vị Bồ tát có một lộ trình trước là có nguyện rồi mới phát bồ đề tâm, phát bồ đề tâm rồi mới thực hành Bồ tát đạo. Điều này, cho thấy tâm Bồ đề chính là lực. Có lực rồi mới độ thoát chúng sanh. Còn chưa có lực mà muốn độ người, đôi lúc mang tai họa cho người và cả chính mình. Tuy nhiên, tha lực trong Đại thừa đậm nét xã hội. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ môn là một điển hình rõ nét nhất về tha lực. Phật tử về chùa, ai cũng đã từng tụng phẩm Phổ Môn, và lễ lạy Ngũ Bách Danh Kinh. Ai đã từng gặp rối ren trong cuộc sống hoặc những tai họa bất ngờ ập xuống, đều tâm nguyện hướng tới Quán Thế Âm. Bản thân chúng tôi có trong số đó. Thậm chí, phát nguyện trì 5.000 biến Đại Bi Tâm Chú trước dung tượng của Ngài Quán Thế Âm. Tâm chí thành, nguyện thiết tha, mong cầu một điều không thể xảy ra, rồi người chồng ấy cũng qua đời khi còn rất trẻ. Đoạn đầu phẩm Kinh này ghi lại: “Phật bảo Bồ tát Vô Tận Ý: Thiện nam tử! Nếu có vô số trăm ngàn vạn ức chúng sanh đang chịu đựng các điều khổ não, hết lòng xưng danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, ngài liền tức thời lắng nghe theo âm thanh đó mà giải thoát cho hết thảy. Nếu có người trì niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, ví như có nhảy vào lửa dữ, lửa cũng không thiêu đốt được. Đó là do sức oai thần của Bồ Tát mà thành tựu”. Ở đây tha lực của Bồ tát Quán Thế Âm được nêu rõ, nhưng điều đáng chú ý là tha lực này chỉ phát sinh khi có người “hết lòng xưng danh hiệu Bồ tát”. Nói cách khác, tha lực phát sinh như một phản ứng kết nối giữa một bên là lòng từ bi, nguyện lực, sức oai thần của Bồ tát và một bên là tâm chân thành cầu khẩn của chúng sinh. Thiếu một trong hai điều này sẽ không có sự phát sinh tha lực. Tương tự như vậy, chúng ta thấy kinh điển còn đề cập đến nhiều tha lực khác như nguyện lực của đức Phật Dược Sư (Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật), nguyện lực của đức Phật A-di-đà (Kinh A-di-đà)... và rất nhiều vị Phật, Bồ tát khác. Tha lực ở một chừng mực nào đó, nó gần như là một phương tiện tâm linh mà xã hội hiện đại với mức độ sống thực dụng đầy bất trắc tìm đến. Bề mặt sự thể hiện của chân lý bao giờ cũng khó chấp nhận nếu tư duy đặt trên nền tảng vật chất.

 Khi Bồ tát đã rải lòng từ đến khắp chúng sanh thì ngay cả lòng từ cũng được xem vừa là nguyện vừa là một phương tiện, kể cả tự lực và tha lực cũng là phương tiện. Phương tiện không chỉ hiểu theo nghĩa hữu hình mà còn được hiểu theo nghĩa vô hình như thế. Chúng tôi cho rằng, sinh viên muốn đến học viện học giáo lý, cần thiết có rất nhiều phương tiện. Về vật chất có xe, xăng, tiền, có tài xế,... thậm chí lót đầy bao tử cũng được xem là phương tiện để hỗ trợ cho việc tiếp thu bài giảng của quý thầy. Về một ý nghĩa trừu tượng nào đó thì có quyết tâm, có đam mê, có ý chí học hành, có tin Phật Pháp, có sức khỏe,... đều là phương tiện để thực hiện việc đến học viện học Phật. Chưa kể đến giáo thọ sư, bài giảng, phấn bảng, máy chiếu, bàn ghế, phòng ốc... đều là phương tiện cả. Vậy phương tiện Ba la mật là gì? Tại sao Phật thị hiện làm Bồ tát để đi khắp dân gian để đáp ứng nhu cầu của chúng sinh? Câu chuyện từ thực tế dẫn đến đạo khá quen thuộc trong kinh A hàm, Kisagotami, một nữ thương gia giàu có, khi trưởng thành, cha mẹ mất sớm. Sinh con xong, chồng bà cũng qua đời. Đứa con rồi cũng chết. Tinh thần bà suy sụp, bà có ý muốn tự tử nếu đứa con này không còn ở bên cạnh bà nữa. Cho nên, bà cố tìm cách cho con sống lại! Bà mới đi khắp nơi hỏi han thầy thuốc giỏi để chữa cho đứa con đã chết. Tất nhiên, trên đời này có ai chữa bệnh cho một người đã chết bao giờ. Bà nghe Thế Tôn có thể cải tử hoàn sanh. Bà tìm đến và nói lên khát vọng đó. Gặp đức Phật, Ngài đồng ý cứu đứa con đã chết của người đàn bà khốn khổ này với một điều kiện là bà ấy phải đi tìm một ít tro của cái nhà mà không có người nào chết, không có người đau khổ. Tất nhiên, sau khi đã mỏi mệt tìm kiếm vô vọng, bà đã nghiệm ra rằng: Thế gian ai cũng khổ chứ không riêng mình khổ. Bà trở lại tìm đức Phật vì bà đã ngộ ra Phật muốn cứu bà chứ không phải cứu đứa con đã chết. Vấn đề đã đặt ra như sau: Đức Phật có vọng ngữ không? Nếu không là vọng ngữ thì là gì? Đó chính là phương tiện. Đức Phật đã dùng vọng ngữ để cứu một mạng sống. Câu trả lời là không, bởi vì khích lệ, bởi vì nhu cầu, bởi vì sự mê muội của chúng sanh đắm chìm trong ái dục mà đức Phật đã phương tiện trong hoàn cảnh này.

 Xuất gia có được xem là phương tiện hay không? Trong mười Ba la mật của Theraveda có xuất gia Ba la mật. Vậy xuất gia là gì? Xuất gia, tiếng Phạn là Pravrajya, là để chỉ người theo Phật giáo, từ bỏ gia đình, sống đời phạm hạnh, không màng danh lợi hay dục lạc, chỉ mong cầu giải thoát; họ ở trong rừng hay những nơi thanh tịnh, xa rời đời sống thế tục. Ở Ấn Độ thời cổ đại, cũng có những đạo sĩ Bà-la-môn tu theo hạnh xuất gia, tuy có hình thức tương tự, nhưng chính Đức Thích Ca Mâu Ni đã mang lại cho đời sống của người xuất gia theo đạo Phật một ý nghĩa đầy đủ và thực tiễn hơn[2]. Trong Anathapindikovada sutta[3], cư sĩ Cấp Cô Độc bị bệnh nặng, sau khi được Ananda giáo giới, ông nói: “Thưa tôn giả Ananda, con không gượng lên mà sống, con đang chìm xuống cõi chết. Dầu cho bậc Đạo sư được con hầu hạ đã lâu và dầu các tì kheo tu tập ý lực, con chưa từng được nghe một thời thuyết pháp như vậy”. Ananda nói: “Thuyết pháp như vậy không nói cho các hàng cư sĩ mặc áo trắng. Này cư sĩ, thuyết pháp như vậy nói cho các hàng xuất gia”. Như vậy cũng đồng nghĩa với xuất gia thì mới chứng được A la hán. Người cư sĩ muốn chứng tứ quả[4] thì phải xuất gia. Tức xa lìa cuộc sống thế tục bị cám dỗ và ràng buộc bởi những khoái lạc vật chất. Danh từ Nekkhamma có nghĩa là từ khước những lạc thú trần gian để chọn lấy cuộc sống của hàng tu sĩ. Ngoài ra, từ Nekkhamma còn có nghĩa là tạm thời vượt qua các pháp che lấp con đường Niết bàn (Nivarana) bằng cách thực nghiệm các tầng thiền (Jhanas).

 Trong Jakaka, đề tài này cũng là một mảng “Như Lai làm Đại sự Xuất thế”, tiền thân của Thế Tôn. Điểm chung về tiền thân là Bồ tát luôn được sinh ra trong gia đình quốc vương, hoặc gia đình giàu có, có hiếu, dũng cảm. Đó là Chuyện Đại vương Mahajanaka - 539, từ thực tế quan sát của nhà vua “Cây này giữ được màu xanh tươi vì nó không có quả, trong lúc cây bạn nó bị tan tành vì có quả. Vương quốc này cũng như cây có quả kia, còn đời người tu hành chẳng khác nào cây không trái. Chính người có của cải mới sợ hãi, chứ kẻ mình trần thân trụi thì chẳng phải sợ gì. Ta sẽ giống như cây không trái kia, chứ chẳng giống cây có trái nọ tý nào. Ta quyết sẽ từ bỏ tất cả cảnh huy hoàng lại, từ bỏ thế gian và trở thành vị khổ hạnh”. Ngài thấy cung vua chẳng khác nào một tầng địa ngục ở giữa các thế gian, và ba cõi sinh hữu[5] đang bốc cháy. Trong tâm trạng ấy, ngài bỗng phát họa cảnh kinh thành Mithilà cùng với ý tưởng: “Bao giờ thì đến lúc ta từ giã kinh thành Mithilà huy hoàng rực rỡ như cung trời Sakka (Ðế Thích) này để đi vào rừng Himavat (Tuyết Sơn) khoác áo khổ hạnh?”. Phát họa viễn cảnh ẩn tu là ngay lúc đó nhà vua đã phát nguyện. Chuyện Hiếu tử Sama - 540, kể về Bồ tát là con trai của một thương nhân giàu có tại Xá vệ, sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp nhận thức được quả ác do tham dục gây ra, quả phúc do đời sống tu hành mang lại và cậu xin thọ giới. Và cậu chỉ được xuất gia khi cha mẹ cho phép. Nhiều năm công hạnh, tì kheo trẻ này hành sâu thiền định 12 năm liền mà không định tĩnh. Đồng thời biết được cha mẹ đã khánh kiệt, sống khốn khổ, nên quyết định quay về làm gia chủ, phụng dưỡng cha mẹ. Tuy băn khoăn giữa hai sự lựa chọn nhưng ngay lúc đó bậc Đại sư đã chỉ dạy: “Một người con xuất gia có thể giúp đỡ cha mẹ mình”. Vì trước kia, rời thế tục mà không yết kiến đức Thế Tôn nên thất bại trong sự thọ giới không trọn vẹn. Cho nên bây giờ, vị tì kheo ấy có thể phụng dưỡng cha mẹ mà vẫn duy trì đời sống tu hành chứ không làm một người gia chủ. Nhưng cũng có chuyện Bồ tát vị kỷ quá lớn, Mugapakkha - 538, Vị thiên tử què câm, còn gọi là Temiya. Chuyện kể về một vị Bồ tát tái sanh đã làm cho mọi người khổ vì mình trong suốt 16 năm liền không động đậy, cho đến giây phút bị vua ra lệnh cho chôn sống ngoài nghĩa địa, lúc này Bồ tát mới có cơ hội thực hiện ước nguyện sống đời ẩn sĩ. Nguyện và lực Ba la mật quá lớn đã khiến đức vị tha vốn là hạnh căn bản của một vị Bồ tát bị khuất lấp. Điều này, chúng tôi thật băn khoăn về thời điểm ra đời của các câu chuyện Jataka. Bởi tinh thần Bồ tát dù là Phật giáo Nguyên thủy hay Đại thừa thì “Trong mọi hành động, một vị Bồ tát không bao giờ vị kỷ cũng không bao giờ dành để sở hữu nào cho riêng mình, mà luôn luôn vị tha. Bao giờ Ngài cũng hy sinh hạnh phúc của riêng mình để tạo hoàn cảnh an lành cho kẻ khác. Mặc dầu đôi khi, để tiện bề giúp đỡ người nào, Bồ tát có thể sống sung sướng và đầy đủ tiện nghi, nhưng luôn luôn các Ngài không mê đắm trong lạc thú phù du tạm bợ của trần gian[6]. Thật vậy, trong Makhàdeva - 9, chỉ những sợi tóc bạc đầu tiên cũng đủ nhắc nhở Bồ tát, làm cho Ngài từ bỏ không khí nhộn nhịp, bất tịnh, của đền đài cung điện, để sống đời vắng vẻ đơn độc và biết bao lần thuận tiện hơn cho sự tiến hóa trên đường giác ngộ. Tuy vậy, thấy sợi tóc bạc, Ngài cảm thấy xúc động mạnh, như thần chết đã đến đứng gần đó, như bị nhốt vào trong ngôi nhà lá đang bốc cháy. Nhà vua suy nghĩ: “Này Makhàdeva ngu si ơi, tóc bạc đã mọc lên, nhưng ngươi chưa có thể loại trừ những phiền não này”. Và khi nghĩ đến xuất hiện của sợi tóc bạc, nhà vua cảm thấy bị nung đốt nội tâm, từ thân mồ hôi toát ra, áo quần như đè nén nhà vua và trở thành không thể chịu nổi. Nhà vua nghĩ: “Hôm nay, ta phải ra đi xuất gia”.

Hòa thượng Thích Trí Quảng có nói: “Nói đến hạnh Bồ tát, bước đầu từ Thanh văn qua Bồ tát, lấy Kinh Bát Nhã làm chuẩn, vì Phật dạy tu Thanh Văn hay Duyên Giác đến đỉnh cao của Thanh Văn thừa, đắc A la hán, chúng ta có trí tuệ, bấy giờ mới nghĩ đến độ sanh”. Vậy phải chăng, theo suy nghĩ của chúng tôi, trên tinh thần này thì phải xuất gia. Chỉ có Bồ tát mới thực hành Bồ tát hạnh thành tựu đạo quả, còn cư sĩ thực hành theo các hạnh của Bồ tát như bố thí thì chỉ là làm thiện sự, cư sĩ chỉ kết duyên với thiện sự! Vì thế xuất gia Ba la mật, một phương tiện hoàn hảo để hành Bồ tát đạo.

Kinh Nguyên thủy nói rằng chúng sanh là Phật sẽ thành, đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Phật đã thành. Như vậy, chúng sanh nào có ý niệm thành Phật, tức có phát nguyện rồi thì tu theo con đường của Ngài và cũng sẽ thành tựu. Và Kinh Hoa Nghiêm đẩy lên cao hơn, người phát tâm là thành Phật rồi. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Sơ phát tâm thủy thành Chánh giác”, theo Đại thừa gọi là thị hiện Thanh Văn, tức đức Phật là Bồ tát thị hiện lại làm Thanh văn, tất nhiên khác với Thanh văn bình thường. Điển hình như đức Quán Thế Âm là Phật hiện tại nên Ngài có thể hiện đủ mọi loại hình, cần phải hiện thân ai thì tùy phương tiện mà hiện ra thân đó để độ chúng sanh. Một vị Bồ tát trong Kinh Hoa Nghiêm cũng vậy, Ngài có vô lượng phương tiện độ quần sanh, hoặc hiện Thanh văn, Độc giác, thành Phật, thành đồng nam, đồng nữ, Trời, Rồng, A tu la, Ma hầu La Già... Phật hiện tại là Thái tử Sĩ Đạt Ta, trong con người Ngài đã có Phật rồi. Trong Pháp Hoa, thị hiện Thanh Văn là A nan, La Hầu La. Các Ngài đã đắc A la hán, phát tâm bồ đề, tức tu Bồ tát đạo rồi. Trên tinh thần đó, khi các Ngài tái sinh vào một cõi kiếp nào đó, hoặc trong cuộc đời này mang thân ngũ ấm thì bị ngũ ấm ngăn che, cho nên khi mang thân phàm phu mới nghĩ mình là phàm phu. Kinh Nguyên thủy đã diễn tả ý này với ví dụ: Có một con sư tử con vừa sanh ra thì sư tử mẹ chết, nó được đàn cừu nuôi dưỡng, nó sống chung với cừu nên nghĩ mình là cừu. Cho đến khi thấy sư tử thật, nó mới nhận ra mình không phải là cừu. Điều này, tương tự như Bồ tát sanh lại nhân gian mang thân ngũ ấm, khi được khai ngộ thì liền phát tâm. Khi đã phát tâm Bồ tát thì lực tu cùng với chí nguyện sẽ thành tựu đạo quả rất lớn, điển hình Thái tử Sĩ Đạt Ta chỉ tu trong sáu năm là thành tựu quả vị Phật. Cùng diễn tả ý đó, chuyện Bà la môn Darimukha - 378 thuật rằng có vị Ðộc Giác Phật (Pacceka Buddha) một hôm, gặp một vị Bồ tát, nhận ra trước kia vị nầy là bạn mình và có lời khuyên: Này Brahmadatta, nay Ðại vương đã già đã đến lúc Ðại vương nên từ giã dục lạc và xuất gia.

Dục lạc chỉ là đám bùn dơ bẩn

“Nỗi kinh hoàng ba gốc” được gọi là,

Ta bảo rằng khói bụi với sương sa,

Hãy bỏ chúng, xuất gia lìa thế tục.

Những khoái lạc của nhục dục ngũ trần không khác nào bùn non, như hơi, như bụi. Tất cả đều tạm bợ, không bền vững, bởi nó bắt nguồn từ tham, sân, si. Và vị này khuyên bạn hãy từ bỏ tất cả. Tuy nhiên không phải tất cả chư vị Bồ Tát đều cũng phát tâm đi trên đường Phật quả như thế, có lúc Bồ tát ấy trả lời:

Trẫm say đắm, lún sâu bùn tham dục,

Bà-la-môn, dục lạc đáng kinh thay,

Song yêu đời, trẫm không thể bỏ ngay,

Trẫm xin nguyện suốt đời làm thiện sự.

Nhưng một thời gian sau, vua cũng đã từ bỏ dục lạc, trong lúc quần chúng đông đảo than khóc kêu gào, ngài đi đến vùng Tuyết Sơn dựng một lều lá và thọ giới làm ẩn sĩ. Chẳng bao lâu ngài thành đạt các Thắng trí và các Thiền chứng, rồi lúc mạng chung, Ngài được sinh lên cõi Phạm thiên.

Tuy nhiên, vẫn có một số người tuy là Phật tử nhưng chưa thể tin nhận những nguồn tha lực như vậy. Có lẽ họ cần đến những sự chứng minh cụ thể. Nhưng nếu chúng ta muốn dùng những nguyên lý vật chất để chứng minh sự hiện hữu và tác động của những tha lực này, thì điều đó cũng tương tự như muốn chứng minh nhân quả, nghiệp lực. Bởi những tác động này đều vô hình và vượt qua không gian, thời gian, nên ít nhất là hiện nay kiến thức khoa học của nhân loại chưa thể giải thích cụ thể được. Thế nhưng, có người Phật tử nào lại không tin vào nhân quả, vào sự tồn tại của nghiệp lực? Vậy nếu đã tin vào nghiệp lực, thì tại sao lại hoài nghi tha lực của chư Phật, Bồ tát? Chúng ta rất dễ dàng sa vào các quan điểm hiện đại nếu học Phật pháp mà chưa hiểu được nguyên lý duyên sinh[7]. Tại sao một vị Bồ tát sẵn sàng xả thân cho cọp ăn? Tại sao phóng sinh được các chùa khuyến khích? Theo quan điểm hiện đại thì chúng ta không dễ dàng chấp nhận những việc làm trên. Xét cho cùng, tạo nhân duyên tốt hơn là suy nghĩ có tính vật chất hóa. Với lý tưởng Bồ tát, Phật dạy các tì kheo làm việc gì cũng phải quán nhân duyên. Cho nên, hiểu theo cách này, thì Bồ tát xả thân cho cọp ăn. Mặc dù ăn rồi thì nó cũng chết. Nhưng khi nó ăn thịt Bồ tát, thì giữa Bồ tát và nó đã có nhân duyên, kiếp tái sinh nào đó, nó sẽ gặp lại và lúc đó, Bồ tát sẽ tiếp tục độ sanh. Cũng vậy, việc quý thầy quy y cho các con vật và tín chủ mang đến chùa để phóng sanh là tạo duyên cho nó gặp Phật pháp, rồi một kiếp nào đó, nó sẽ được thoát kiếp cầm thú. Tại sao đức Phật sau khi thành đạo, tức sau khi Ngài quán chiếu rõ ràng nhân duyên hóa độ, Ngài biết rõ năm anh em Kiều Trần Như là những nhà hiền triết chưa có lối thoát trên bước đường tìm cầu giải thoát. Đức Phật đến độ họ trước tiên, mặc dù Ngài đi rất xa mới đến Lộc Uyển trong khi những người chung quanh Phật không độ họ, vì Ngài biết họ chưa có duyên nghe theo. Tóm lại, khi nói về phẩm hạnh của Bồ tát, dù Nguyên thủy và Đại thừa không đồng trong cách thể hiện từ ngữ nhưng xét cho cùng cả hai đều cùng một ý ngữ. Và không có một Ba la mật nào là không hàm chứa các Ba la mật khác.

Mặc dù Jataka đã có nhiều bàn cãi về thời điểm ra đời cũng như về nội dung các câu chuyện[8] nhưng nó là một bộ sách luân lý, đồng thời cũng là một bộ sách tôn giáo mà nội dung đề cập đến những đức hạnh, những oai lực siêu nhiên của Bồ tát có giá trị định hướng cho việc xây dựng lý tưởng phục vụ. Đối với Phật tử, xây dựng lý tưởng Bồ tát gắn liền với trách nhiệm công việc tại cơ quan, gắn liền với việc ứng xử hàng ngày trong gia đình và xã hội phải xem là trách nhiệm thiêng liêng, cơ hội mở ra cho mọi người làm hạnh Bồ tát. Không chỉ trách nhiệm với cá nhân mà còn có trách nhiệm với một đoàn thể xã hội, với một tổ chức chính trị, với một địa bàn dân cư, với môi trường sinh hoạt và trên hết là đối với quốc gia dân tộc. Chỉ riêng có trách nhiệm với nghề nghiệp, làm cho tay nghề ngày càng hoàn hảo về kỹ năng cũng là một Ba la mật và khi sản phẩm lao động được đưa ra thật hoàn hảo về chất lượng, phục vụ cho lợi ích dân sinh thì cũng là gieo duyên với thiện sự. Thiết nghĩ, Bồ tát hạnh sẽ không giới hạn ở bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống. Có được lý tưởng Bồ tát thì nhân loại sẽ giảm bớt tai họa do chính con người tạo ra, chiến tranh bạo động vì thế mà giảm bớt. Con người vì thế mà an bình.



[1]. Thuật ngữ Paramita (Ba la mật hay Ba la mật đa hay độ) được T.W Rhys Davids và W. Stede cho rằng Paramita có gốc từ chữ Parama (mà không phải là para với căn gốc là i) và được dịch là sự toàn thiện, sự hoàn hảo, trạng thái cao nhất. Har Dayal giải thích hai học giả này kết hợp với hai chữ param có nghĩa là bờ bên kia, bờ xa hơn, và ita từ gốc i có nghĩa là vượt qua, đi tới. Theo Har Dayal, Trung Hoa và Tây Tạng dịch là độ và pha-rol-tu-phyin-pa với ý nghĩa tương ứng là vượt qua bờ bên kia, phương tiện để vượt qua, đến bờ bên kia.

D.T. Suzuki cho rằng Paramita có thể dịch là đạt đến bờ bên kia hay toàn thiện. Bách khoa tôn giáo (Encyclopeadia of Religion) định nghĩa Paramita (Pali và Sanskrit) với ý nghĩa là sự toàn thiện, có gốc từ Parama, có nghĩa là cao cả, hoàn hảo, toàn thiện. Truyền thống Đại Thừa phân tích Paramita bao gồm hai chữ Param+ ita với ý nghĩa đi đến bờ bên kia.

[2]. Thích - Thiện - Chánh. http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/giao-phap/giac-ngo-giai-thoat/9717-Y-Nghia-viec-Xuat-Gia.html

[3]. Hòa Thượng Thích - Minh - Châu dịch, Majjhima- nikaya, Kinh 143-Giáo giới Cấp Cô Độc, Hà Nội, NXB Tôn giáo, 2012, trang 601-606. Kinh Hán Tạng tương đương là Kinh Giáo Hóa Bệnh Trung A hàm số 28, Tăng Nhất A hàm 51.

[4]. Tứ quả Thanh văn bao gồm: Sơ quả Tu-đà-hoàn (Sotapatti); Nhị quả Tư-đà-hàm (Sakadagami); Tam quả A-na-hàm (Anagami); Tứ quả A-la-hán (Arahanta).

[5]. Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới.

[6]. (http://www.thiengiuadoithuong.org/2014/11/10-phap-ba-la-mat-3xuat-gia-nekkhamma.html)

[7]. Duyên khởi giải thích về sự hiện hữu của con người và thế giới. Công thức lý nhân duyên nêu rõ các pháp hữu vi đều do nhân duyên quyết định và do vậy chúng không có thực ngã hay thực thể. Duyên khởi là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo, giải thích lộ trình nhân quả của các pháp hiện tượng. Nguyên tắc duyên khởi có thể tóm tắt như sau:

Cái này có thì cái kia có (imasmim sati idam uppajjati)

Cái này sinh thì cái kia sinh (imassuppada idam uppajjati)

Cái này không thì cái kia không(imasmim asati idam nahoti)

Cái này diệt thì cái kia diệt(imasmim nirodha idam airujjhata)

[8]. Các nhà Nam Truyền thì cho Jataka là của Phật giáo. Còn các nhà nghiên cứu Tây Phương không bị tính tôn giáo ràng buộc. R.K.Norman cho rằng Jataka không phải hoàn toàn là của Phật giáo. Những phát biểu của B.C.Law cũng tương tự. Hòa Thượng Minh Châu nói có những chuyện Jataka không mang tinh thần Phật giáo nên Ngài không dịch. Sau này có giáo sư Trần- Phương- Lan dịch tiếp.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 201
    • Số lượt truy cập : 6947253