Thông tin

BỐI CẢNH PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX

VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI LỤC HÒA LIÊN XÃ

 

TS. DƯƠNG THANH MỪNG
Khoa Dân tộc và Tôn giáo
Học viện Chính trị khu vực III, Đà Nẵng

 

1. Bối cảnh Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX

Có thể nói rằng, cho đến nay đã có rất nhiều công trình, nhiều bài viết đề cập đến thực trạng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX. Các nghiên cứu này đã chỉ ra được những vấn nạn lớn mà Phật giáo Việt Nam đương thời gặp phải, như thực trạng “dốt và hư” trong công trình Việt Nam Phật giáo sử luận của tác giả Nguyễn Lang; hay là tình trạng Tăng Ni không giữ được quy củ chốn thiền môn trong công trình Tại sao tôi đã cảm ơn đạo Phật? của sư Thiện Chiếu1; rồi tình trạng biệt lập môn đình trong Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam và phát nguồn các giáo phái Phật giáo hiện đại, của Vân Thanh2 và Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, của Trần Văn Giàu3... Điều đáng bàn ở đây chính là nguyên nhân nào đã làm cho Phật giáo Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy yếu? Và các Tăng Ni, Phật tử đã có sự ứng phó với tình hình này như thế nào?

Xét về nguồn gốc sâu xa, sự khủng hoảng và suy yếu của Phật giáo Việt Nam bắt nguồn từ việc các triều đại phong kiến không còn sử dụng tôn giáo này để làm nền tảng tư tưởng chính thống cho việc cai trị đất nước. Từ sau thời kỳ hoàng kim Lý - Trần, các triều đại phong kiến Việt Nam vì muốn độc tôn tư tưởng Nho giáo nên đã tìm cách gạt bỏ dần những ảnh hưởng của Phật giáo ra khỏi hệ thống công quyền. Chính điều này đã làm cho Phật giáo mất dần vị thế đối với triều đình, với tầng lớp quan lại và quý tộc. Dù nhiều vị vua, nhiều quan lại vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ đúc chuông, dựng chùa, song Phật giáo lúc này cũng chỉ được xem như là một phương diện của đời sống tinh thần, một tôn giáo dân gian. Sau khi đánh mất địa vị chủ đạo, Phật giáo lại tiếp tục trượt dài trên những hạn chế của mình bằng việc dấn thân sâu hơn vào những hiện tượng cúng bái, những hiện tượng mê tín dị đoan, những hụ tục lạc hậu từ đời sống xã hội. Hệ lụy là uy tín của Phật giáo ngày càng bị suy giảm và quần chúng nhân dân cũng mất dần niềm tin vào tôn giáo này.

Một nguyên nhân tiếp theo bắt nguồn từ những biến động chung của tình hình đất nước. Từ cuối thế kỷ XVI trở đi, sự tranh quyền đoạt vị của các thế lực, tập đoàn phong kiến đã tạo nên rất nhiều biến động trong xã hội Việt Nam. Và đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu xô đẩy thể chế phong kiến Việt Nam đi vào giai đoạn thoái trào. Sự khủng hoảng của xã hội đã tạo nên sự đói nghèo và theo sau nó là hàng loạt các vấn đề nảy sinh như trộm cắp, cướp bóc, mê tín, dị đoan... Phật giáo lúc này cũng không thể thoát ra khỏi những ràng buộc của bối cảnh xã hội. Vì cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên nhiều Tăng Ni, Phật tử đã buộc phải chú trọng đến việc kiếm kế sinh nhai mà thiếu sự chuyên tâm tu hành. Thêm vào đó, điều kiện giao thông, giao lưu bất lợi cũng được xem như là một nguyên nhân làm gia tăng thêm những hạn chế của Phật giáo. Sự kiểm soát của các tập đoàn phong kiến Đàng Trong - Đàng Ngoài, rồi những khó khăn trong việc di chuyển qua lại giữa các vùng miền đã làm gia tăng khoảng cách giữa các chùa, các tín đồ nhà Phật. Và một hệ lụy tiếp theo là tình trạng biệt lập môn đình giữa các sơn môn, hệ phái cũng như sự thiếu nhất quán trong việc tu tập, rèn luyện và thực hiện các nghi lễ Phật sự... Quá trình đào tạo theo phương thức cũ với những hạn chế của nó cũng đã làm cho nhiều Tăng Ni, Phật tử rơi vào tình trạng thất học... Sự tác động song hành của tất cả những nhân tố nêu trên đã đặt Phật giáo trước những thách thức rất lớn. Để vượt qua được những khó khăn này nhiều vị danh Tăng, nhiều thiền sư đã đứng ra vận động cải cách hầu mong duy trì được vị trí của tông phái mình. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, điều kiện xã hội Việt Nam lúc này không tạo ra được những điều kiện thuận lợi để Phật giáo có thể phát triển một cách toàn diện như trước đây. Thêm vào đó, quá trình cải cách của các Tăng Ni, Phật tử lúc này cũng chỉ hướng đến sự hưng khởi trong từng sơn môn hệ phái chứ chưa phải là một cuộc cải cách có tính hệ thống và mang tính toàn diện. Do đó, bên cạnh sự hưng khởi của một số thiền phái thì rất nhiều thiền phái khác đã rơi vào tình trạng bị lãng quên hoặc lu mờ theo thời gian.

Đó là những căn nguyên gốc rễ, còn tại thời điểm đầu thế kỷ XX, Phật giáo đang phải đối phó với những thách thức gì? Có lẽ đầu tiên phải đề cập ngay là quá trình xâm lược và đặt ách thống trị của thực dân Pháp lên vai của quần chúng nhân dân Việt Nam. Để thuận tiện cho việc cai trị, chính sách nô dịch và đồng hóa về mặt văn hóa đã được chính quyền thuộc địa sử dụng như là một liệu pháp hữu hiệu. Thêm vào đó, đức tin mà những người Pháp đi xâm lược theo đuổi chính là Công giáo chứ không phải là Phật giáo. Do đó, chính quyền thực dân đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi để Công giáo mở rộng biên cương nước Chúa. Chính điều này đã tiếp tục đẩy lùi vị thế của Phật giáo trong xã hội. Schecter Jerrold trong một nghiên cứu của mình cũng đã cho rằng: “Dưới sự cai trị của Pháp, từ năm 1860 cho đến khi bắt đầu thế chiến thứ hai, Thiên Chúa giáo được khuyến khích còn Phật giáo thì bị hạn chế trong sự phát triển của nó. Phật giáo đã bị loại bỏ khỏi vị trí của bộ ba tôn giáo là Nho-Phật-Lão, là những hệ tư tưởng chủ đạo của các hoàng đế Việt Nam. Phật giáo đã không còn nhận được sự hỗ trợ và uy tín của triều đình”4. Đó là về phía chính quyền thực dân, còn đối với chính phủ Nam triều, sau khi đánh mất vai trò quản lý đất nước, mọi sự hỗ trợ, bảo lãnh của chính quyền phong kiến dành cho Phật giáo đến giai đoạn này gần như không còn hiệu lực. Điều này cũng đã gây nên ít nhiều những thiệt thòi đối với Phật giáo trong công cuộc cạnh tranh để khẳng định không gian sinh tồn. Thêm vào đó, là sự hình thành các tôn giáo nội sinh như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương,... cũng tạo nên những sự cạnh tranh nhất định đối với Phật giáo.

Một yếu tố tiếp theo là sự va chạm về văn hóa văn minh Đông-Tây. Trong một tập tiểu luận nghiên cứu về Đông phương và Tây phương, Phạm Quỳnh đã viết rằng: “Lý tưởng của phương Đông là lý tưởng về minh triết, thuận lợi cho một sự yên bình hạnh phúc. Lý tưởng của phương Tây luôn là lý tưởng về sức mạnh. Nhằm khuất phục các lực lượng của tự nhiên để phục vụ con người, nó đã phát minh ra khoa học. Khoa học làm ra ngày càng nhiều phương tiện, tạo nên các nhu cầu, kích thích các ham muốn, và đưa ý chí về quyền lực lên đến độ cao nhất của nó, làm cho con người phương Tây tràn ra khỏi môi trường tự nhiên của mình và ném họ vào cuộc chinh phục thế giới. Từ đây sự cân bằng bị phá vỡ, phương Tây lao về phương Đông với tất cả niềm hăng say của chủ nghĩa đế quốc và tất cả sức mạnh kỹ thuật của họ và cuộc va chạm dữ dội cho đến nỗi các quốc gia phương Đông một thời gian dài đã không gượng dậy được từ trạng thái bất ngờ và kinh ngạc của mình. Cuộc gặp gỡ ấy đã có thể là tốt đẹp cho nhân loại nếu nó xảy ra trong những điều kiện ít tàn nhẫn hơn, thông qua con đường của những người ưu tú và trên bình diện một sự thông lưu của các lý tưởng và các học thuyết5. Sự va chạm này đã tạo nên những cú sốc đối với các nước châu Á, nhất là về phương diện đời sống văn hóa và tinh thần. Và tất nhiên là sự phân hóa về mặt quan điểm, nhận thức đến việc thụ hưởng đã diễn ra. Một bộ phận trong xã hội xem văn hóa, văn minh Tây phương như là một hệ quy chiếu mới cho cuộc sống và họ hào hứng đón nhận bằng tất cả niềm hăng say và sự nhiệt tình. Một bộ phận khác thì xem đó là những yếu tố đã làm thay đổi những hệ giá trị truyền thống của dân tộc, của ông cha và quan trọng hơn là nó gắn liền với sự hiện diện của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Do đó, họ đấu tranh để phủ định những giá trị văn hóa này. Một bộ phận còn lại thì trung dung, lưỡng lự không phủ định nhưng cũng không phê phán. Trong trào lưu chung của xã hội ấy, Phật giáo vốn là một giá trị cốt lõi và căn bản của nền văn hóa Việt Nam cũng chịu những tác động mạnh mẽ. Sự hiện diện của những thành tựu tân tiến, những giá trị đạo đức và lối sống mới như một tấm gương và nó phản chiếu tất cả các hình ảnh của Phật giáo. Những yếu tố tích cực và tiêu cực của Phật giáo đều được đem ra luận bàn và đánh giá một cách sôi nổi. Và tất nhiên, người ta sẽ chú trọng nhiều hơn đến những phương diện tích cực của Phật giáo bởi nó được xuất phát từ ý thức và lòng tự tôn về những giá trị văn hóa mang bản sắc chủ lưu của dân tộc lúc này.

Sự thay đổi về chữ viết cũng là một trở lực rất lớn của Phật giáo lúc này. Ngày 22/2/1869, chính quyền Pháp thông qua nghị định bắt buộc việc ban hành các công văn ở Nam Kỳ phải dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán. Ngày 6/4/1878, Thống đốc Nam Kỳ là Lafont ký Nghị định Số 82 quy định: “Kể từ 1/1/1882, tất cả văn kiện chính thức, nghị định, quyết định, lệnh, án tòa, chỉ thị,... sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ Quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thư từ bằng chữ Quốc ngữ sẽ không được bổ nhiệm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện và tổng6. Đến năm 1910, chính phủ Pháp mở rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ, giao cho Nha Học chính ở Bắc Kỳ đảm nhận. Kỳ thi Hương cuối cùng diễn ra ở miền Bắc vào năm 1915 và miền Trung là năm 1918 (năm 1919 là kỳ thi Hội cuối cùng). Ngày 28/12/1918, vua Khải Định ban hành đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử Hán học. Như vậy, sau 844 năm tồn tại với 185 khoa thi, nền khoa cử Nho học Việt Nam chính thức chấm dứt vai trò lịch sử của mình. Điểm lại một vài mốc lịch sử ngắn gọn như vậy để thấy được rằng, từ đầu thế kỷ XX, việc sử dụng chữ Quốc ngữ đã trở nên phổ biến và dần dần trở thành một ngôn ngữ bắt buộc trong xã hội. Phật giáo lúc này cũng gặp phải những ảnh hưởng rất lớn từ sự thay đổi này bởi gần như hệ thống giáo lý, kinh sách đều được biên soạn bằng chữ Hán. Sự chuyển đổi ngôn ngữ buộc các Tăng Ni, Phật tử phải bắt đầu lại một quá trình mới. Đầu tiên là phải học cho thông thạo chữ để sử dụng nó làm phương tiện giao tiếp, biểu đạt chung. Rồi đến việc chuyển tải hệ thống giáo lý, kinh kệ bằng Hán văn sang chữ Quốc ngữ để phục vụ cho việc tu tập và rèn luyện. Đây là một quá trình rất vất vả và khó nhọc bởi thật khó để có được những cá nhân vừa thông thạo chữ Hán vừa thông thạo chữ Quốc ngữ, vừa am hiểu kinh sách Phật giáo. Thêm vào đó, việc dịch kinh, luật, luận cũng là cả một vấn đề lớn, không phải ai cũng làm được điều này. Phan Khôi trong bài viết “Bàn về việc dịch kinh Phật” cũng cho rằng: “Một người giỏi chữ Hán không phải là người dịch kinh Phật được đâu. Là vì kinh Phật không phải như những sách thường, nghĩa lý đã cao, lại thêm nhiều điều khó lắm nữa... Để dịch kinh điển của tôn giáo nào từ thứ tiếng nầy ra thứ tiếng khác, tất có người biết cả hai thứ tiếng đó cố nhiên, mà cốt nhứt lại là người ấy phải ở trong tôn giáo ấy mà ra. Bởi vì có ở trong tôn giáo ấy thì mới hiểu rõ được đạo lý để mà nói sang thứ tiếng khác. Nếu cái người ở trong tôn giáo đó không thạo lắm về nghề làm văn thì phải nhờ đến người thạo nghề ở ngoài; nhưng người ngoài chẳng qua là vai phụ, còn vai chánh bao giờ cũng phải lấy trong tôn giáo, vì trong kinh điển, phần đạo lý là phần trọng hơn vậy7. Do đó, nhiều Tăng Ni, Phật tử vốn chưa có điều kiện để học hành đầy đủ chữ Hán lại tiếp tục bị thất lạc trong chữ Quốc ngữ hoặc chữ Pháp nên không thể nắm bắt được một cách tường tận giáo lý của đức Phật. Hệ lụy tình trạng thất học ngày càng trở nên phổ biến trong Phật giáo.

Đứng trước thực trạng như vậy, Phật giáo đã có những phương cách ứng xử như thế nào? Ở đây chúng ta sẽ không đề cập đến một bộ phận được cho là đứng ngoài thời cuộc hay nói đúng hơn là bỏ mặc thế sự, hoặc một bộ phận trung lập mà sẽ tập trung vào đội ngũ Tăng Ni, Phật tử cấp tiến, luôn nhiệt tâm với sự thịnh suy của đạo pháp. Giải pháp mà đội ngũ này đưa ra là kêu gọi sửa đổi, cải cách, chấn hưng Phật giáo. Để làm được điều này, họ đã sử dụng rất nhiều phương pháp khác nhau. Đầu tiên, họ đứng ra vận động những người bạn đồng môn cùng tham gia chấn hưng Phật giáo. Tiếp đến là việc tuyên truyền những giá trị căn bản, cao quý của Phật giáo, những đóng góp của tôn giáo này cho đất nước, cho nhân loại, đồng thời, đi kèm là những bài viết đã kích các thói hư, tật xấu, những hủ tục lạc hậu đang còn tồn đọng bên trong mỗi ngôi chùa, mỗi Tổ đình. Chủ đích mà họ hướng đến là vạch rõ thực trạng Phật giáo Việt Nam đương thời, cũng như khích lệ trách nhiệm, lòng tự tôn của đội ngũ Tăng Ni, Phật tử trước vận mệnh của đạo pháp. Và cuối cùng là tranh thủ vai trò của đội ngũ các nhà trí thức cùng những người mến mộ đạo Phật. Phải nói đây là một chủ đích rất hợp thời, rất đúng đắn của các Tăng Ni Phật tử. Bởi những người trí thức ngoài việc đóng góp những kinh nghiệm, biện pháp, đường lối chấn hưng thì họ còn là những người có địa vị trong xã hội. Do đó, để đảm bảo tính hợp pháp cho các hoạt động chấn hưng thì việc tranh thủ vai trò của đội ngũ cư sĩ, trí thức, quan lại trong việc vận động hành lang để xin giấy phép hoạt động cũng là một điều cần thiết. Đó là về phương diện đạo, còn về phương diện đời, các Tăng, Ni, Phật tử đã tìm cách thích ứng với những biến động chung của xã hội. Việc tiếp biến các giá trị văn hóa, văn minh để làm phong phú hơn nhận thức, phong phú hơn các sinh hoạt của đời sống đã được các Tăng, Ni, Phật tử thực hiện một cách linh động. Bên cạnh đó, bằng nhiều hình thức khác nhau, các Tăng, Ni, Phật tử cũng đã có sự phản kháng lại chế độ cai trị và bóc lột của thực dân Pháp; rồi họ cũng tích cực tham gia luận bàn các vấn đề của thời cuộc để từ đó khẳng định vị trí của chính mình cũng như tôn giáo mình...

2. Sự ra đời của hội Lục Hòa Liên Xã

Tìm hiểu về tổ chức này chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác tín một cách toàn diện về phương diện nội dung, mục đích, phương châm hoạt động. Theo tác giả Nguyễn Lang, người có công trong việc thành lập tổ chức này là chư vị Hòa thượng Huệ Quang, Khánh Anh và Khánh Hòa, Thiện Chiếu... Tuy nhiên, Hội Lục Hòa Liên Xã vẫn không thể đi vào hoạt động do không nhận được sự ủng hộ của các Tăng, Ni, Phật tử đương thời. Lần theo dòng lịch sử, chúng tôi bắt đầu tiếp cận kỹ hơn về cuộc đời, hành trạng của những nhân vật này hầu mong tìm kiếm thêm các nguồn tư liệu để luận giải về một tổ chức sơ khai của công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam. chúng tôi bắt gặp một số tổ chức như: Hội Lục Hòa Liên Hiệp, Hội Lục Hòa Liên Xã, Lục Hòa Tịnh Lữ, Liên Đoàn Học Xã (năm 1952 có thêm Hội Lục Hòa Tăng). Vậy các tổ chức này là như thế nào?

Tại hội thảo về “Tiểu sử, thân thế và sự nghiệp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”, do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương tổ chức vào ngày 29/11/2015, đã đưa ra thông tin là vào thập niên 20 của thế kỷ XX, Hòa thượng Từ Văn thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã tại chùa Hội Khánh - Thủ Dầu Một. PGS.TS. Trần Hồng Liên trong công trình Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, cho là năm 1920, Hội Lục Hòa Liên Xã được thành lập8. Trần Tri Khách trong cuốn Niên biểu Phật giáo Việt Nam9 và Nguyễn Thị Thảo10 trong luận án đã cho rằng, năm 1923, tổ chức “Lục Hòa Liên Xã” ra đời, trụ sở đặt tại chùa Long Hòa của Hòa thượng Huệ Quang. Tổ chức này thành lập nhằm mục đích tạo điều kiện cho các vị có tâm huyết, lo lắng về sự thịnh suy của Phật giáo Việt Nam có cơ hội gặp gỡ nhau để bàn bạc việc chấn hưng Phật giáo, qua 3 nỗ lực chính là: Chỉnh đốn Tăng già, kiến lập Phật Học đường, diễn dịch và xuất bản kinh sách bằng chữ Quốc ngữ.

Về Hội Lục Hòa Liên Hiệp, tác giả Nguyễn Lang cho rằng, ngày 19/9/1923 (âm lịch), nhân ngày giỗ tổ tại chùa Long Hòa, quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, cư sĩ Huỳnh Thái Cửu đã đứng ra vận động và mời tất cả những vị tôn túc khắp miền Tiền Giang, Hậu Giang về dự lễ, đồng thời họp bàn chấn hưng Phật giáo. Kết quả là Hội Lục Hòa Liên Hiệp được thành lập và tất cả các thành viên có mặt trong buổi họp như Huệ Quang, Chí Thiền, Trí Thiền, Từ Phong, Chánh Quả, An Lạc, Huệ Định, Diệu Pháp,... đều đồng ý tham dự. Sự đóng góp của các vị lên đến 400 đồng, và một vị cư sĩ có tên Nguyễn Văn Nhiêu, làm cai tổng, được ủy nhiệm là thủ quỹ cho Hội. Mục đích ra đời của Hội là vận động thành lập một hội Phật giáo toàn quốc. Nhưng trong bốn năm bôn ba, Hòa thượng Khánh Hòa vẫn không thành lập được hội này dù ông đã đi mòn gót từ Tổ đình này tới Tổ đình khác11. Hòa thượng Thích Thanh Từ trong công trình “Thiền sư Việt Nam”, cho rằng: Năm 1920, Hòa thượng Từ Phong hợp cùng Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh) vận động thành lập “Hội Lục Hòa” hay “Lục Hòa Liên Hiệp” để đoàn kết chư Tăng trong những ngày giỗ Tổ ở các chùa và phát động phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ. Hội Lục hòa này không phải là “Lục Hòa Tăng”, được thành lập vào năm 1952 sau này12.

Như vậy ở đây chúng ta đã thấy có sự không tương đồng về lịch đại, địa điểm thành lập của Hội Lục Hòa Liên Xã hay Hội Lục Hòa Liên Hiệp. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát một số văn bản tài liệu của chính quyền Pháp đương thời như: Bulletin administratif de la Cochinchine, Annuaire général de l’Indo-Chine française, song vẫn không tìm thấy các quyết định về việc thành lập hai tổ chức này. Điều đó cho thấy, rất nhiều khả năng là Hội Lục Hòa Liên Xã hay Hội Lục Hòa Liên Hiệp vẫn chưa xin được giấy phép để đi vào hoạt động. Vấn đề tiếp theo được đặt ra là: Hội Lục Hòa Liên Xã hay Hội Lục Hòa Liên Hiệp là hai tổ chức hay chỉ là một? Căn cứ vào thành phần tham gia sáng lập chúng ta sẽ thấy rằng, Hội Lục Hòa Liên Xã và Hội Lục Hòa Liên Hiệp thực chất chỉ là một tổ chức mà theo như ý kiến của sư Thiện Chiếu là của những Phật tử cấp tiến sáng lập. Vấn đề còn lại là nên sử dụng danh xưng nào mới đúng? Và thời điểm thành lập chính xác là năm nào, ở đâu?

Trước khi trả lời cho những câu hỏi này, chúng ta sẽ tìm hiểu sự ra đời của Lục Hòa Tịnh Lữ do Hòa thượng Trí Hải thành lập tại Lý Nhân, Hà Nam vào năm 1925. Cụ thể, từ năm 1924, Hòa thượng Trí Hải cùng các cộng sự quyết chí tìm phương cách thành lập Hội Phật giáo. Khó khăn lớn nhất lúc đó là việc soạn thảo cho được một chương trình hoạt động cụ thể nếu không thì sẽ bị thực dân Pháp ghép vào tội hoạt động bất hợp pháp và sẽ bị cấm đoán tụ họp. Do đó, Hòa thượng Trí Hải đã có chủ trương là không xây dựng thành “Hội” mà tổ chức sinh hoạt đúng truyền thống liên xã ở trong sơn môn xưa nay. Theo hòa thượng, nếu dùng từ “Hội” thì nghe có vẻ to tát quá, nên các thành viên đã quyết định lấy tên là “Lục Hòa Tịnh Lữ”; có nghĩa là những người trong sạch làm bạn cùng nhau, tu theo sáu phép hòa thuận của Đức Phật: 1/Thân hòa đồng trụ: Thân hòa cùng ở (sống chung tập thể). 2/ Khẩu hòa vô tránh: Nói năng hòa nhã, không tranh cãi nhau. 3/Ý hòa đồng duyệt: Một lòng một dạ không trái ý nhau. 4/Kiến hòa đồng giải: Hiểu biết, thông cảm lẫn nhau. 5/Giới hòa đồng tu: Giữ chung một kỉ luật. 6/Lợi hòa đồng quân: Chia đều cùng nhau và cùng nhau chung hưởng. Mục đích là khuyến khích, giúp đỡ nhau về đường tu học; giúp đỡ nhau trong các công việc cần thiết như khi có sư trưởng, phụ mẫu mất, cùng giúp nhau trong việc làm chùa, tô tượng, đúc chuông... Mỗi khi đồng đạo có việc gì, người nào có việc gì thì tất cả mọi người đều coi như là việc của mình, có trách nhiệm trông coi, lo liệu về mọi phương diện, tận tâm, tận lực làm cho thành tựu mà không quản ngại nề hà gì. Về tổ chức, tùy theo địa phương như ở sơn môn hay địa phương nào có từ năm đến mười lăm người thì thành lập riêng một đoàn, nhiều nhất là hai mươi người. Nếu quá hai mươi người lại chia làm đôi để dễ dàng đi lại, liên lạc với nhau. Khi người nào có công việc gì thì tất cả những người trong địa phương ấy trực tiếp lo liệu giúp đỡ mọi việc, còn ở các nơi khác chỉ cử đại biểu đến tham gia. Về tài chính, mỗi người tham gia sẽ góp 5 đồng/năm, chia ra đóng làm bốn kỳ: Tháng giêng 2 đồng, tháng tư, tháng tám và tháng mười một, mỗi tháng 1 đồng. Ở đâu giữ riêng tài khoản ở đấy. Khi người  nào có việc thì trích ra 5 đồng để mua lễ vật và làm một đôi câu đối mừng hoặc viếng. Lạc khoản câu đối đề là “Lục Hòa Tịnh Lữ kính mừng (hay kính viếng)” để tượng trưng cho tổ chức. Số tiền còn lại chủ yếu dùng để mua kinh sách và giúp đỡ nhau trong việc học tập như giúp đỡ những người đi học xa mà không đủ kinh phí. Lúc đầu, hoạt động của Lục Hòa Tịnh Lữ chỉ quy tụ được sự tham gia của các Tăng, Ni, Phật tử trẻ tuổi từ 18-25 (ngài Trí Hải là lớn tuổi nhất). Tuy nhiên, khi thấy các thành viên hoạt động tích cực và có hiệu quả thực sự thì nhiều bậc trưởng lão đã tham gia hưởng ứng như Hòa thượng Thái Hòa, Hòa thượng Thông Thuận ở chùa Hà Mặc, Hòa thượng Thanh Lạc ở chùa Vị Hà, Bình Lục, Hòa thượng Thanh Lịch ở chùa Hải Trung, Hải Hậu, Nam Hà. Hòa thượng Phổ Hài, chùa Tế Cát, Hà Nam đã tham gia chứng minh cho tổ chức này. Không những riêng bên Tăng mà bên Ni giới cũng có rất nhiều vị tham gia tích cực. Do vậy mà phạm vi hoạt động của Lục Hòa Tịnh Lữ ngày càng được mở rộng ra các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định13.

Nếu căn cứ vào Nhật ký của Hòa thượng Trí Hải cho thấy, liên xã là một mô hình, hình thức sinh hoạt đã có từ trong truyền thống của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Điển hình là Hội Liên Xã Niệm Phật do Hòa thượng Nguyên Biểu thành lập từ năm 1887. Hòa thượng Khánh Hòa trong quá trình vận động thành lập Hội cũng đã khẳng định rằng, vị Tổ sư của các mô hình Liên Xã là ngài Huệ Viễn (trên thực tế, chính ông là người đã sáng lập ra mô hình Liên Xã niệm Phật ở Trung Hoa). Do đó, việc sử dụng danh xưng “Lục Hòa Liên Xã” sẽ phù hợp hơn so với “Lục Hòa Liên Hiệp”. Trong một cuộc hội đàm với Hòa thượng Liễu Quang (chùa Hải Tràng, Quảng Châu) và bà Lê Thị Ngởi (nghiệp chủ Bến Tre), Hòa thượng Thiện Ngọc (trụ trì chùa Lồ Ồ), cũng đã phát biểu rằng: “Nước Đại Nam từ hồi nào đến giờ chỉ có Hội Lục Hòa Liên Xã chứ không có hội nào nữa”14. Và một lý do tiếp theo để bổ sung cho nhận định này của chúng tôi là những ảnh hưởng từ các mô hình Liên xã niệm Phật và đặc biệt là công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Trung Hoa và Nhật Bản đối với các Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam đương thời. Điển hình là Hòa thượng Khánh Hòa, Thiện Chiếu. Sư Thiện Chiếu là một trong những trí thức cấp tiến, ông đã tham vấn rất nhiều loại hình sách vở khác nhau và tất nhiên trong đó có cả sách báo Trung Hoa, Nhật Bản và nhất là tờ Giác Xã Tùng Thư (sau đổi tên thành Hải Triều Âm) cùng tư tưởng của Tomomatsu và Thái Hư Đại sư. Do đó, mà quá trình vận động chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ thời kỳ này ít nhiều chịu ảnh hưởng từ các luồng tư tưởng nêu trên. Chúng tôi đưa ra một vài ví dụ về sự liên hệ như: Năm 1912, Hòa thượng Kính An, Ký Thuyền, Thái Hư, cùng một số Tăng, Ni, Phật tử của 2 tỉnh Giang Tô, Chiết Giang lập “Trung Hoa Phật giáo Tổng hội”. Đến năm 1951, chúng ta mới có Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chấn hưng, nhiều hoạt động đã có sự tương đồng như sự hình thành các mô hình của Phật Học Thư Xã, ngôi Duyệt Kinh thất, Phật Học đường... Năm 1917, Trần Độc Tú, Ngô Ngu, Thai Sảng Thu cho xuất bản Tạp chí Tân Thanh Niên. Đến năm 1925, sư Thiện Chiếu dự định thành lập “Phật giáo Thanh Niên Học Hội” và đến năm 1929, thì tờ Phật hóa Tân Thanh niên ra đời. Tiếp đến, trong một bài diễn thuyết nói về mục đích ra đời của Hội “Miếu Sản Hưng Học”, Thai Sảng Thu đã khẳng định rằng: “Cần phải đả phá giai cấp Tăng phiệt, hãy giải phóng cái khổ của Tăng lữ dưới chế độ Tăng phiệt, hãy tịch thu tất cả tài sản của tự viện để bổ sung vào sự nghiệp giáo dục15. Chủ trương thiết lập nền tải sản công trong Phật giáo chính là một chủ đích của Thiện Chiếu sau này khi ông thành lập Hội Phật học Kiêm Tế và xuất bản tờ Tiến Hóa. Hay đối với Hòa thượng Khánh Hòa, khi đọc được các bài viết đăng trên tờ Hải Triều Âm đã “bổng chốc mà thêm được cho chúng tôi vài cái vẻ hân hạnh nữa”.

Còn về thời gian, địa điểm ra đời của tổ chức này là vào ngày 19/9/1923 tại chùa Long Hòa, Tiều Cần, Trà Vinh chứ không phải là ở thời điểm năm 1920. Trong một bài viết nhằm biện minh những sự hiểu lầm của Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, Hòa thượng Khánh Hòa khẳng định rằng: Ở tỉnh Trà Vinh không có Hội Lục Hòa nào khác ngoài Hội Lục Hòa tổ chức tại chùa Long Hòa, Tiểu Cần mà thôi. Nguyên năm 1923, ngày 19 tháng 9, nhân ngày lễ kỵ chùa Long Hòa, Tiểu Cần mời hết chư sơn miền Tiền Giang, Hậu Giang về để bàn về Hội Lục hòa, đậu số tiền để cho người Hội chủ là Cai tổng Nguyễn Văn Nhiêu giữ giùm nhằm giúp cho các hội viên trong lúc lâm chung, hoặc lễ kỵ lạp mà ngồi lại cùng nhau giữ mối liên hệ thêm khăng khít, hầu nhắc nhở việc tu hành. Trong khi bàn luận xong rồi có mặt chư sơn đại đức lập điều lệ, đậu số tiền và hẹn ba năm thì đóng hết, ai đóng một lần cũng tốt. Các chùa đã tham gia đóng trong lần này là: Chùa Tiên Linh (Mỏ Cày) đóng 30$, Phước Sơn (Mỏ Cày) đóng 30$, chùa Vạn Cổ (Vĩnh Long) 30$, chùa Long Hòa (Tiểu Cần) 30$, chùa Phước Long (Bến Tre) 30$, chùa Long Khánh (Trà Vinh) 30$, chùa Long Phước (Bạc Liêu) 30$, chùa Viên Giác (Bến Tre) 20$, chùa Bình An (Long Xuyên) 20$, chùa Phước Thạnh (Cái Bè) 20$, chùa Long Phước (Sóc Trăng) 20$, chùa Khánh Hòa (Cao Một) 20$, chùa Long An (Sa Đéc) 20$, chùa An Phước (Sa Đéc) 20$, chùa Liên Trì (Bến Tre) 10$, chùa Bảo Lâm (Mĩ Tho) 10$, chùa Phủ Châu (Cái Bè) 10$, chùa Kim Tiên (Cai Lẫy) 10$, chùa Long Thiền (Vĩnh Long) 10$ (tổng cộng 400 đồng). Số tiền đóng góp được sẽ dựa theo điều lệ của Hội Lục Hòa để luân chuyển cho các chùa nhóm lễ kỵ Tổ (Liên Xã niệm Phật) là Tổ sư Huệ Viễn, nhằm ngày 6 tháng 8 âm lịch. Rồi bắt đầu từ ấy xuất ra cho mỗi chùa làm lễ kỵ Tổ: Chùa Khánh Hòa 20$, chùa Vạn Cổ 20$, chùa Tiên Linh 20$, chùa Bình An 20$. Trụ trì chùa Phước Châu viên tịch cũng được hội chi 20$. Theo quy định thì mỗi chùa tham gia sẽ phải đóng 30$ và trong vòng 3 năm phải đóng đủ. Đến năm thứ ba thì không ai đóng nữa, thành thử phải gửi thư mời các ngài tôn túc đến nhóm họp nhằm giải quyết. Số tiền còn dư lại lúc này là 270$ (có một vị hòa thượng đã rút lại 30$, một số vị khác thì mượn tiền của Hội nhưng không trả lại), chư sơn bằng lòng hiến cho các thành viên sáng lập Hội Nam Kỳ làm nhà Thư xã và ngôi Pháp Bảo Phương để chứa 3 tạng kinh ở chùa Linh Sơn. Hội Lục Hòa Liên Xã cũng từ đó mà giải tán16.

Vấn đề còn lại là Lục Hòa Liên Xã là một Hội hay chỉ là một tổ chức tự phát của các Tăng, Ni, Phật tử. Chúng ta có thể khẳng định ngay được rằng, ngay từ đầu, các thành viên sáng lập như Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Thiện Chiếu đã có chủ đích tổ chức Lục Hòa Liên Xã thành một Hội chứ không đơn thuần là một tổ chức hay một nhóm. Hòa thượng Khánh Hòa cũng đã gọi Lục Hòa Liên Xã là Hội và các thành viên cũng đã dự thảo điều lệ hoạt động cho tổ chức này. Tuy nhiên, chính vì việc “Lập hội” này mà đã làm cho Lục Hòa Liên Xã không thể đi vào hoạt động một cách hợp pháp. Chúng ta phải lưu ý rằng, ở thời điểm những năm 20 của thế kỷ XX, việc thành lập các hội, đoàn được thực dân Pháp quy định và kiểm soát rất gắt gao. Nếu như tổ chức nào có từ 20 người trở lên tham gia nhóm họp, sinh hoạt thì phải báo cáo và nhận được sự chấp thuận của chính quyền thực dân Pháp thì mới được xem là hợp pháp. Và tất nhiên để được xem là hợp pháp thì sẽ có những tiêu chuẩn và điều kiện đi kèm như mục đích, phương thức hoạt động, tư tưởng chủ đạo của tổ chức đó là như thế nào... Đối với Phật giáo, từ đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã ban hành quy định, những người tu hành phải có giấy chứng nhận “thầy chùa” mới được xem là tu hành hợp pháp. Bên cạnh đó, việc xây dựng, trùng tu chùa chiền hay tổ chức các sự kiện, các hoạt động có quy mô lớn phải có người bảo trợ mới được thực hiện. Nguyễn Vỹ trong công trình “Tuấn chàng trai nước Việt” cũng đã nói lên những khó khăn trong sinh hoạt của các tổ chức Phật giáo đương thời rằng: “Tuấn Tuấn không hiểu sao người ta lại đặt cho Hội một cái tên Pháp dài dòng như vậy: “Hội Khuyến học Phật giáo Trung Kỳ” (Thực chất là Hội Nghiên cứu và thực hành giáo lý Phật giáo và sau đó được sửa đổi thành Hội An Nam Phật học-TG). Tại sao không rút ngắn lại thành hội Phật học Trung Kỳ chẳng hạn, vừa giản dị vừa đầy đủ ý nghĩa hơn. Tuấn tò mò hỏi một vài người bạn làm Tham tá ở tòa Khâm sứ thì họ giải thích rằng: Nhà nước bảo hộ sợ có những người lợi dụng danh từ “Hội Phật họcquá rộng nghĩa để phát triển mạnh mẽ thành phong trào Phật giáo, cho nên bắt buộc những người sáng lập Hội rút hẹp phạm vi hoạt động. Mục đích của Hội chỉ là “khuyến học” Phật giáo mà thôi. Vì thế, cho nên Hội SEERBA chỉ được coi như là một hội khuyến học đặt dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, theo những luật pháp bó buộc của chánh thế bảo hộ. Tất cả mọi hoạt động của Hội, dù là có tính cách hoàn toàn tôn giáo đều bị hạn chế trong khuôn khổ học đạo và riêng trong lĩnh vực Trung Kỳ mà thôi17.

Và cũng từ sau khi Lục Hòa Liên Xã ra đời, trên các trang báo như “Đông Pháp thời báo”, “Khai hóa Nhật báo”, “Thực nghiệp Dân báo”,... xuất hiện rất nhiều bài viết kêu gọi chấn hưng, cải cách Phật giáo. Các bài viết này đã có những tác động rất lớn đến tâm thức của các Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước, cổ vũ, khích lệ họ tham gia vào công cuộc chấn hưng đạo pháp. Đọc bài viết “Tự trần” và “Hành trình đi cổ động cuộc sáng lập tòng lâm Phật giáo hội” của Hòa thượng Khánh Hòa đăng trên tờ Phật Hóa Tân Thanh Niên, chúng ta mới thấy được rằng, những nỗ lực để vận động chấn hưng Phật giáo Việt Nam của nhóm Tăng, Ni, Phật tử trong Lục Hòa Liên Xã là vô cùng to lớn. Chính đội ngũ này là những nhân tố có tác động trực tiếp cho sự hình thành phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX. Cụ thể, sau khi Lục Hòa Liên Xã được thành lập, một niềm hy vọng về việc “sửa đạo” đã được nhen nhóm trong Tăng chúng. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng thanh tương trợ nên tổ chức này gần như tự tan rã về mặt hình thức và chỉ còn lại các thành viên nòng cốt của Lục Hòa Liên Xã tiếp tục cuộc hành trình đi cổ động tòng lâm để chấn hưng Phật giáo. Trong “Tự trần”, Hòa thượng Khánh Hòa viết: “Độ trước tôi đã nghe Hòa thượng Giác Viên (Chợ Lớn), cùng các vị đại đức có quang giáng tại Cầu Ngang, có các vị đàn việt viên quan yêu cầu sửa đạo, đến nay đã hẹn lâu mà vẫn còn im lặng như tờ, chí như mình đây đạo thiện lực vi, lại ở nhằm bên địa chắc mà khó thi thố cái chủ nghĩa ấy. Thôi để tôi lui về thôn giã, tịnh thất tiểu am, đành chịu bề tiêu cực”. Tiếp đến, vào năm 1925, sư Thiện Chiếu dự định thành lập “Phật Giáo Thanh Niên Học Hội” ở chùa Chúc Thọ, Gò Vấp18. Mục đích là đào tạo nhân tài ra đảm đương Phật pháp. Để đạt được mục đích này, Phật giáo Thanh niên học Hội sẽ triển khai 8 hoạt động chủ yếu như sau: 1/Lập Phật học báo quán; 2/Lập Phật học viện; 3/Mở một cuộc điều tra về tình hình sinh hoạt của các chùa ở trong nước để thuận tiện trong việc liên lạc và phối hợp các hoạt động phật sự cho được thống nhất; 4/Loại bỏ các hoạt động không đúng với mục đích, tôn chỉ của đạo Phật; 5/Nghiên cứu lịch sử các vị cao Tăng trong nước để làm gương cho các thế hệ hậu bối; 6/Những người muốn ra làm trụ trì phải thông thảo quốc văn, Pháp văn, Hán văn và phải nắm bắt được các học thuyết Đông-Tây; 7/Phải chuyên về đường thực nghiệp; 8/Chọn các học Tăng xuất sắc cho du học các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Xiêm La, Tây Tạng... Tuy nhiên, cũng do không nhận được sự đồng tình ủng hộ của các Tăng, Ni, Phật tử đương thời nên sư Thiện Chiếu đã không lập được tổ chức này.

Tháng 2/1927, Hòa thượng Khánh Hòa đến chùa Long Khánh, Trà Vinh để tiếp tục bàn định công cuộc chấn hưng Phật giáo với ngài Huệ Quang, đồng thời, dự định cùng nhau ra Trung Kỳ để kiết hạ, rồi quan sát tình hình Phật giáo ở đây cũng như chiêu tập thêm những người có cùng chí hướng. Trong dịp này, Hòa thượng Khánh Hòa đã có sự gặp gỡ với sư Thiện Chiếu. Hai bên đã bày tỏ sự đồng tâm nhất trí trong việc chấn hưng Phật giáo. Đến tháng 4/1927, kỳ kiết hạ được tổ chức tại chùa Long Khánh (Quy Nhơn). Trường hạ này do Quốc sư Phước Huệ làm Chứng minh, Hòa thượng Huệ Quang (chùa Long Hòa, Trà Vinh) làm Thiền chủ, Hòa thượng Khánh Hòa làm giảng sư, bà Lê Thị Ngởi (Bến Tre) làm Đại thí chủ, Hòa thượng Thành Đạo làm Chánh quản chúng. Suốt ba tháng giảng dạy, Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang đã tích cực tìm kiếm bạn đồng môn cùng chí hướng tham gia cải cách Phật giáo. Tại đây, ý tưởng chấn hưng Phật giáo của các ngài đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo Tăng, Ni, Phật tử miền Trung và nhất là của Quốc sư Phước Huệ, Hòa thượng Bích Liên, Liên Tôn (sau này, Hòa thượng Khánh Hòa, Bích Liên, Liên Tôn chính là bộ ba tiêu biểu trong các hoạt động chấn hưng Phật giáo tại miền Nam).

Cuối tháng 5/1927 (âm lịch), sư Thiện Chiếu từ Hà Nội về mang theo một số báo Hải Triều Âm (trong đó có đăng tải các hoạt động chấn hưng Phật giáo của Thái Hư Đại sư cũng như bản điều lệ và quy tắc của Hội Phật giáo Trung Hoa) ghé qua Trường Hạ ở Qui Nhơn, đưa cho Hòa thượng Khánh Hòa xem và thúc giục phải nhanh chóng triển khai công việc. Sau khi kết thúc khóa giảng, Hòa thượng Khánh Hòa về lại Sài Gòn đã cùng sư Thiện Chiếu tích cực chuẩn bị các công tác cho công cuộc chấn hưng Phật giáo. Để có chi phí hoạt động, Hòa thượng Khánh Hòa đã lặn lội đến các tự viện ở Nam Bộ tuyên truyền, vận động, sau đó, ngài đáp tàu sang Phnom Penh (Campuchia) để nghiên cứu cách thức bảo tồn Phật giáo và đào tạo Tăng tài của “Viện Nghiên cứu Phật học” do các thành viên của Viện Viễn Đông Bác cổ sáng lập.

Sau khi vận động được cả về nhân sự tham gia lẫn kinh phí, tháng 12/1927, Hòa thượng Khánh Hòa gửi đơn lên chính quyền thuộc địa xin phép thành lập một tổ chức có tên là Hội Phật giáo Nam Kỳ, kèm theo một bản quy điều hoạt động với 11 chương, 38 điều. Mục đích của Hội tập trung vào những vấn đề chủ yếu nư sau: 1/Đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau trên con đường tu học; 2/Nâng cao hiểu biết về Phật giáo trên cơ sở nghiên cứu kinh kệ. giáo lý; 3/Bảo tồn các giá trị của Phật giáo, thiết lập trật tự và kỷ luật trong Tăng giới; 4/Cung cấp cho hội viên các tin tức liên quan đến Phật giáo; 5/Tổ chức các ngày lễ Phật tại Hội quán Trung ương cũng như tại các địa phương; 6/Thành lập Phật Học đường và thư viện; 7/Ấn hành kinh sách Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ; 8/Tổ chức các buổi giảng thuyết cho thiện tín thập phương; 9/Xuất bản báo chí làm cơ quan ngôn luận. Tờ báo mà Hội dự định xuất bản có tên là Từ Bi Âm. Tuy nhiên, chính quyền thuộc địa đã không chấp nhận vì một số điều khoản nêu ra trong bản quy điều hoạt động được cho là không phù hợp. Do đó, Hòa thượng Khánh Hòa cùng với các ông Trần Văn Hương (chủ chùa Chục Thọ), Lê Trí Chất (chủ chùa An Phước, làng Tân Phú Đông, Sa Đéc), Phạm Văn Khuê (chủ chùa Thạnh Lương, làng Mỹ Khánh, Biên Hòa), Thái Văn Cơ (chủ chùa Phước Long, Long Xuyên), Nguyễn Văn Tài (sư Thiện Chiếu, chùa Linh Sơn) và Trương Tấn Phát, đã tiến hành sửa đổi một số nội dung trong bản quy điều hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của chính quyền thuộc địa. Trên cơ sở đó, đến ngày 1/4/1928, Hòa thượng Khánh Hòa cùng chư vị trên tiếp tục gửi đơn và bản quy điều hoạt động mới với 6 chương, 41 điều khoản lên chính quyền thuộc địa để xem xét phê duyệt19. Lần này, thực dân Pháp lại tìm cách khước từ bằng cách chú ý đến các nhân sự tham gia ký tên, như ông Trương Tấn Phát được cho là có quan hệ với Đảng Lập Hiến của ông Bùi Quang Chiêu, ông Thái Văn Cơ là một tín đồ của đạo Cao Đài, sư Thiện Chiếu có tư tưởng chống Pháp qua việc tham gia cộng tác với tờ báo “Pháp - Việt Nhất gia” do Trần Huy Liệu sáng lập vào đầu năm 1927.

Ngày 16/7/1929, một cuộc hội nghị bàn về việc chấn hưng Phật giáo được tổ chức tại chùa Linh Sơn đã quy tụ đông đảo các Tăng, Ni, Phật tử cùng các cư sĩ, các nhà trí thức ở miền Nam tới tham dự như: Chư vị Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh), Từ Phong (chùa Giác Hải), Bửu Chung (chùa Phước Long), Thanh Ẩn (chùa Từ Ân), Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên, Phú Lâm), Pháp Ấn (chùa Phước Tường), Từ Văn (chùa Hội Khánh), Hoằng Ân (chùa Giác Lâm), Thiện Mĩ (chùa Phú Long), Từ Huệ (chùa Long Huê), Phước Tường (chùa Tập Phước), Hồng Hinh (chùa Giác Lâm), sư Thiện Chiếu (chùa Linh Sơn),... và ông Trần Nguyên Chấn làm việc ở Dinh Đốc lý Sài Gòn, bà Lê Thị Ngởi - nghiệp chủ Bến Tre. Sau bài phát biểu của ông Trần Nguyên Chấn, Sư Thiện Chiếu cũng đã đăng đàn kêu gọi các thành viên tham gia hội nghị nên tiến hành chấn hưng nhằm “xóa bỏ các hủ tục ở bên trong và tà thuyết ở bên ngoài bấy lâu nay làm cho lu mờ cái nhân nghĩa của Phật giáo, ngăn lấp cái đường sáng suốt của chúng sinh”20. Tại hội nghị này, các thành viên như Hòa thượng Khánh Hòa, sư Thiện Chiếu và Trần Nguyên Chấn đã đề nghị sửa đổi Hội Nam Kỳ Phật giáo thành Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Chủ đích là hướng các hoạt động của Hội thuần túy vào việc nghiên cứu giáo lý, kinh sách Phật giáo hầu mong thuận tiện trong việc xin giấy phép hoạt động. Cùng với việc sửa đổi danh xưng, một bản dự thảo điều lệ và quy tắc sinh hoạt mới với 84 điều khoản của Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học đã được giới thiệu đến các đại biểu tham dự. Bao gồm: Tôn chỉ 7 điều, cách tổ chức 4 điều, chức vụ và quyền hạn các thành viên 18 điều, chùa và tài sản của chùa 3 điều, quy ước (quy tắc) 52 điều21. Qua sự thảo luận và trao đổi về chương trình chấn hưng Phật giáo, hội nghị cũng đã bắt đầu nảy sinh nhiều xu hướng và quan điểm khác nhau. Một số thành viên đã tỏ ra không tán thành chương trình được đề xuất, một số khác biểu hiện sự lưỡng lự, lo ngại. Đơn cử như Hòa thượng Từ Văn (chùa Hội Khánh, Thủ Dầu Một) đã có ý kiến phát biểu rằng: “Các ngài có nhiệt tâm như thế, chúng tôi lấy làm hoan hỉ lắm, nhưng các ngài cứ lo tiến hành, còn phần chúng tôi thì xin để cho chúng tôi suy nghĩ lại”22. Đối với những người tán thành thì họ xem xét lại những điều kiện cần và đủ để chính quyền thuộc địa có thể cấp phép hoạt động.

Nhằm tạo thế hợp pháp, cụ Trần Nguyên Chấn đã liên lạc với bà Suzanne Karpeles để bàn định việc thành lập Ban Bảo trợ Phật giáo Nam Kỳ, một hoạt động nằm trong mục tiêu và nhiệm vụ của Viện Viễn Đông Bác cổ (École française d’Extrême-Orient, viết tắt EFEO). Và đây là một tổ chức hợp pháp được chính quyền thuộc địa cho phép thành lập trong ý định tìm hiểu về đặc trưng văn hóa, tính cách con người Đông Dương nhằm hỗ trợ cho các chính sách cai trị. Cùng thời gian này, Hòa thượng Khánh Hòa đã đứng ra xuất bản tờ tạp chí Pháp Âm (La Voix Bouddhique) nhằm hướng đến việc kêu gọi bảo trợ cho Phật giáo. Tuy nhiên, vì “tự ý” xuất bản nên tờ Pháp Âm cũng chỉ ấn hành được 1 số thì buộc phải đình bản. Tiếp nối tinh thần này, sư Thiện Chiếu cho xuất bản tờ Phật hóa Tân Thanh niên nhưng cũng như Pháp Âm, tờ báo này chỉ ra được 1 số duy nhất. Đến cuối năm 1929, nhờ sự hỗ trợ tích cực của một số Phật tử và cư sĩ hữu công mà tại chùa Linh Sơn đã xây dựng được Phật học Thư xã cũng như sưu tầm được Bộ Đại Tạng Kinh gồm 750 cuốn (Bộ kinh này do Chư Đoàn Việt cư sĩ ở Trà Vinh cúng tặng với giá tiền là 1.300$), cùng một số sách, báo, tạp chí khác,... về lưu trữ tại thư viện. Các thành viên cũng đã dự định tổ chức một buổi lễ khánh thành có quy mô lớn nhằm tạo được tiếng vang đối với chính quyền thuộc địa cũng như các Tăng, Ni, Phật tử đương thời. Báo L’Écho Annamite, số 1373, ra ngày 17/12/1929, đã đăng tải thông tin ở trang thứ hai rằng: Ủy ban Lâm thời nghiên cứu về Phật giáo Nam Kỳ vinh dự mời quần chúng nhân dân Sài Gòn, Châu Âu và An Nam đến tham quan Thư viện Phật giáo và phòng đọc sách vừa được thành lập tại chùa Linh Sơn, nằm ở đường Douaumont, Sài Gòn. Lễ khánh thành sẽ được diễn ra vào các ngày 20-22/12/1929. Nhân dịp lễ khánh thành này sẽ có 255 bức tượng Phật giáo với những kích thước khác nhau sẽ được trưng bài tại chùa Linh Sơn23. Tại buổi lễ này, ông Trần Nguyên Chấn đã có một bài phát biểu nhằm giải thích việc xây cất thư viện và phòng đọc. Theo ông, Phật giáo là một tôn giáo có truyền thống lâu đời ở Việt Nam và nó đã góp phần xây dựng nền tảng đạo đức cho xã hội. Tuy nhiên, vì sự biến động của thời cuộc mà ít người lui tới chùa, ít người quan tâm đến Phật giáo. Việc xây dựng thư viện và phòng đọc sẽ nằm trong ý định bảo tồn các giá trị của đạo Phật. Đồng thời, cũng tại buổi lễ này ông đã tiếp tục đề nghị với Toàn quyền Đông Dương và Thống đốc Nam Kỳ việc cấp phép xây dựng trường học, tiến hành công tác phiên dịch kinh sách Phật giáo và xuất bản một tờ tạp chí cho Phật giáo có tên là Từ Bi Âm24.

Buổi lễ tại chùa Linh Sơn cũng chính thức đánh dấu sự phân hóa trong nội bộ các nhà tiên phong chấn hưng Phật giáo. Chúng ta sẽ thấy nguyên do qua buổi nói chuyện của các chư vị như Chân Huệ, Thiện Chiếu, Tử Hư,... với ông Tomomatsu như sau: Chúng tôi vì bận công việc ở Phật học Thư xã nên xem việc xây dựng Phật học viện phần nhiều là nhờ công của ông Trần Nguyên Chấn. Mà không những công không mà thôi, kinh phí thiếu hụt ông cũng tự bỏ tiền túi mà hỗ trợ thêm nữa. Phải chăng mọi việc đều được thuận lợi như trước thì làm sao mà có đến ngày hôm nay. Khổ nỗi, đang lúc Phật học viện xây dựng gần xong, ông chủ chùa (Trần Nguyên Chấn - TG) lại tuyên bố cho chúng tôi rằng: Từ nay về sau, mọi việc ở chùa có liên quan tới Phật học viện và Thư xã thì đều phải được ông chấp thuận mới được thực hiện chứ không được tùy tiện mà không thông báo trước... Chúng tôi thật lấy làm hỗ thẹn, vì mình sức học còn ít, công tu chưa dày, nên không đủ tuệ nhãn mà soi đủ cái vọng tâm của ông chủ chùa, thành ra công việc đành phải bỏ dỡ. Xem xét tình hình thấy không tiện, chúng tôi lơ dần ra, duy chỉ có sư cụ Khánh Hòa và một hai ông nữa là còn đi lại với ông Chấn mà thôi. Đến tháng 12/1929, Thư xã và Phật học viện làm lễ khánh thành, chúng tôi cũng đến dự chẳng qua là để kết thúc cái công việc ấy cho rồi, chứ thật không còn hi vọng gì ở đó nữa. Hết lễ xong thì sư Thiện Chiếu đoạn tuyệt với chùa Linh Sơn. Song nhân đó mà chúng tôi cũng trải qua một giai đoạn nữa trong cuộc vận động chấn hưng. Số là ngày làm lễ khánh thành Phật học Thư xã và Phật học viện thì chúng tôi gặp lại các vị cư sĩ ở Trà Vinh là các ông Ngô Trung Tín, Trần Trí Giác, Nam Hoa (những người này đã cúng dường bộ Tục Tạng Kinh 750 cuốn, còn bộ Đại Tạng Kinh của hội cư sĩ Chợ Lớn) đến dự lễ, các ông ấy vì nhận thấy rõ cái chân tướng ở chung quanh chùa Linh Sơn đã như vậy nên đem lòng suy nghĩ bảo chúng tôi liệu ở đó không tiện hãy xuống Trà Vinh mà tổ chức lại thì ở đó có các ông giúp sức cho. Tháng 8/1930, chúng tôi xuống Trà Vinh gặp gỡ các ông ấy tại chùa Long Khánh để lo công việc tổ chức lần thứ nhì. Ở đó, về phương diện tài chính thì rất nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng tài trợ, lẽ ra phải có thành tích mới đúng; song vì một nỗi ý kiến của mọi người có đôi chỗ trái nhau, thành ra phương châm không quyết định, nên công việc phải đình lại ít lâu. Cái nguyên nhân thất bại ở trong lịch trình của chúng tôi đối với Phật giáo xứ này là vậy. Ngoài ra cũng có ngoại duyên khác như tăng già vì sợ mất tư lợi mà gián tiếp phản đối; cũng là vấn đề tự do tín ngưỡng nhưng ở phần chúng tôi đây không sung phần cho lắm. Mấy điều ấy cũng tạo nên trở ngại cho chúng tôi25.

Vì bất đồng chính kiến nên sư Thiện Chiếu và một số thành viên khác đã chọn con đường ra đi. Các thành viên ở lại thì vẫn tiếp tục kiên định với con đường mà mình đã chọn. Trong vòng hai năm 1930 - 1931, nhóm Phật tử ở chùa Linh Sơn mà trực tiếp là ông Trần Nguyên Chấn đã có rất nhiều buổi làm việc với văn phòng của Thống đốc Nam Kỳ để bổ sung, điều chỉnh bản quy tắc, điều lệ thành lập cho phù hợp với yêu cầu của chính quyền thuộc địa. Chính sự kiên trì và nhẫn nại như vậy đã mang lại thành công cho ý nguyện chấn hưng Phật giáo của các Phật tử Việt Nam. Ngày 26/8/1931, Thống đốc Nam Kỳ là Krautheimer ký Nghị định số 2062, chính thức cho phép Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học đi vào hoạt động. Trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn, đường Douaumont, Sài Gòn. Sau khi tổ chức này ra đời được một thời gian thì lại tiếp tục diễn ra sự phân hóa trong nội bộ. Kết quả là một số chư vị hòa thượng và cư sĩ đã rời bỏ tổ chức này để tham gia vận động thành lập những tổ chức Phật giáo mới.

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi muốn đề cập thêm về Liên Đoàn Học Xã, một đơn vị Phật giáo cũng được hình thành tương tự như Lục Hòa Liên Xã trước đó (không có tính chất của một Hội). Năm 1933, do không tán thành với chủ trương của Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học nên Hòa thượng Khánh Hòa đã cùng với các chư vị Huệ Quang, Chánh Tâm, Khánh An, Pháp Hải, Viên Giác, Thiện Chiếu... đứng ra thành lập Liên Đoàn Học Xã tại chùa Viên Giác (Bến Tre). Mục đích chính là đào tạo Tăng tài theo hình thức cứ mỗi chùa sẽ hỗ trợ chi phí trong vòng 3 tháng liên tiếp cho các buổi thuyết pháp và dạy học. Tổ chức này cũng nhanh chóng tan rã vì nhiều nguyên do. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là bị xem như là một “Hội” nhưng lại không có giấy phép hoạt động. Trong một bài viết đăng tải trên tờ Tiến Hóa, sư Thiện Chiếu đã viết rằng: Chúng tôi tính tổ chức làm trường gia giáo, mỗi chùa ba tháng, dạy mỗi năm ba chùa, đến lượt chùa nào chùa đó tự chịu kinh phí, trong vòng ít năm có lẽ sẽ đào tạo được một số nhân tài ra hoằng dương Phật pháp. Rồi chúng tôi nhóm lâm thời tại chùa Viên Giác, Bến Tre nhằm ngày 20/1/1933 (âm lịch) dự thảo chương trình Liên Đoàn Học Xã. Đầu tiên dạy học ba tháng tại chùa Long Hòa, Trà Vinh. Đến phiên thứ nhì, dạy ba tháng tại chùa Thiên Phước, Trà Ôn. Lần này, theo lời mời của Hòa thượng Thiện Quang (Nguyễn Chánh Tâm, trụ trì chùa Thiên Phước), ông Trần Nguyên Chấn đã đến tổ chức chiếu phim về cuộc đời và quá trình hành đạo của Đức Phật Thích Ca và có tham gia phát biểu trong buổi lễ khai trường (2/7/1933). Nhưng đến lần thứ ba, dạy tại chùa Viên Giác, Bến Tre, công cuộc làm gần hai tháng, ông Chấn suy nghĩ thế nào mà lại gửi đơn đầu cáo với chính quyền cấp trên. Trong đơn lại cho rằng Liên Đoàn Học Xã là một cái tổ chức lớn nhưng không xin phép, mà nhất là người đề xướng như chúng tôi và sư cụ Khánh Hòa, cụ Tâm Quang là những người chủ chòm. Khi ấy, quan chủ tỉnh Bến Tre có mời chúng tôi lên để giải thích về mục đích của Liên Đoàn Học Xã và làm bản tường trình về việc đã tổ chức giảng dạy những nội dung gì... Tuy không đến bước cùng nhưng công việc đang làm lở dỡ, các chùa không ai giám làm gia giáo nữa, các sư không ai chịu dạy nữa, thành thử nửa chừng phải giải tán.26 Sau sự giải thể này, tại miền Nam tiếp tục xuất hiện nhiều tổ chức Phật giáo mới, với đầy đủ tính chính danh của nó như Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Hội Thiên Thai Thiền giáo Tông Liên hữu, Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội, Hội Phật Học Kiêm Tế... Sự ra đời của các tổ chức này đã góp phần tạo ra những chuyển biến rất căn bản, đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo tại khu vực này.

Một vấn đề cần quan tâm tiếp theo là mối quan hệ giữa Lục Hòa Liên Xã với tổ Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam được thành lập vào năm 1952 diễn ra như thế nào? Nếu xem xét về mục đích, tôn chỉ thành lập thì có thể nói giữa hai tổ chức này có sự liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Trong đó, truyền thống tu tập dựa theo tinh thần Lục hòa của Phật giáo được xem yếu tổ giữ vai trò chủ đạo cho mối liên hệ này. Điểm khác biệt là một bên chỉ là một tổ chức hình thành một cách tự phát với một bên là đã trở nên chính danh bởi sự công nhận của chính quyền đương thời.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Thiện Chiếu (1929), “Chương trình của Phật hóa Tân Thanh niên sẽ lập”, Phật hóa Tân Thanh niên, số 1.

2. Thiện Chiếu (1936), Tại sao tôi đả cảm ơn đạo Phật, Nxb Nam Cường, Mĩ Tho.

3. Trần Văn Giàu (1993), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập 1, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.

4. Thích Trí Hải (2004), Hồi kí thành lập Hội Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

5. Khánh Hòa (1937), “Người mượn chữ lục hòa cách đây mười năm về trước”, Duy Tâm Phật học, số 16.

6. Hội Phật học Kiêm Tế (1938), “Muốn cho thực hiện được Phật giáo Tổng hội phải phải gỡ mặt nạ kẻ lợi dụng Phật giáo”, Tiến Hóa, số 10.

7. Đại Sư Thái Hư (2001), Luận Phật thừa Tông yếu, Nxb Tôn giáo, Hà Nội (bản dịch của Thích Nhật Quang).

8. Tử Hư (1931), “Một dịp may mắn cho phật học giới xứ ta sau này”, Hà Thành Ngọ báo, số 1103, ra ngày 17/4.

9. “Inauguration de la pagode Linh Son”, L’Écho annamite, No.1373, 17/12/1929.

10. Trần Tri Khách (2002), Niên biểu Phật giáo Việt Nam, bản thảo.

11. Phan Khôi, “Bàn về việc dịch Kinh Phật”, Phụ trương văn chương số 19, báo Trung Lập, số 6532, ngày 12/9/1931.

12. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội.

13. “Le discours de M Tran Nguyên Chan”, L’Écho annamite, No.1378, 23/12/1929.

14. Trần Hồng Liên (1995), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam bộ Việt Nam từ thế kỉ XVII đến 1975, Nxb Khoa học Xã hội, Tp. HCM.

15. Dương Thanh Mừng (2014), “Thực dân Pháp với vấn đề Phật giáo Việt Nam trong nửa đầu thế kỉ XX, Nghiên cứu châu Âu, số 11.

16. Hồng Nhân (Phạm Quỳnh), (1924 - 1925), “Đông phương và Tây phương”, Nam Phong Tạp chí, các số 89, 101, 143, 156.

17. Schecter Jerrold (1967), The New Face of Buddha: Buddhism and Political Power in Southeast Asia, Publisher: Coward-McCann, New York.

18. Huệ Thanh (1929), “Một buổi hội nghị tại chùa Linh Sơn”, Phật hóa Tân Thanh niên, số 1.

19. Vân Thanh (1974), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam và phát nguồn các giáo phái Phật giáo hiện đại, Phật học viện và các chùa xuất bản, Tp. Hồ Chí Minh.

20. Nguyễn Thị Thảo (2014), “Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo trước năm 1945”, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học KHXH&NV, Tp. HCM.

21. Lê Ngọc Trụ (1961), “Chữ Quốc ngữ từ thế kỉ XVII đến cuối thế kỉ XIX”, Việt Nam Khảo cổ Tập san, số 2.

22. Thích Thanh Từ (1992), Thiền sư Việt Nam, Nxb Tổng hợp Tp. HCM.

23. Nguyễn Vỹ (1969), Tuấn chàng trai nước Việt - chứng tích thời đại từ 1900 đến 1970, tập 2, tác giả xuất bản. 

 


1. Thiện Chiếu (1936), Tại sao tôi đã cảm ơn đạo Phật, Nxb Nam Cường, Mỹ Tho.

2. Vân Thanh (1974), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam và phát nguồn các giáo phái Phật giáo hiện đại, Phật học viện và các chùa xuất bản, Tp. Hồ Chí Minh.

3. Trần Văn Giàu (1993), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập 1, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.

4. Xem thêm Schecter Jerrold (1967), The New Face of Buddha: Buddhism and Political Power in Southeast Asia, Publisher: Coward-McCann, New York, pp.145-211. Hoặc qua bài viết Dương Thanh Mừng (2014), “Thực dân Pháp với vấn đề Phật giáo Việt Nam trong nửa đầu thế kỉ XX, Nghiên cứu châu Âu, số 11.

5. Xem thêm bài dịch của Hồng Nhân (Phạm Quỳnh), (1924 - 1925), “Đông phương và Tây phương”, Nam Phong Tạp chí, các số 89, 101, 143, 156.

6. Lê Ngọc Trụ (1961), “Chữ Quốc ngữ từ thế kỉ XVII đến cuối thế kỉ XIX”, Việt Nam Khảo cổ Tập san, số 2, tr.114-115.

7. Phan Khôi, “Bàn về việc dịch Kinh Phật”, Phụ trương văn chương số 19, báo Trung Lập, số 6532, ngày 12/9/1931.

8. Trần Hồng Liên (1995), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb Khoa học Xã hội, Tp. HCM, tr.49-50.

9. Trần Tri Khách (2002), Niên biểu Phật giáo Việt Nam, bản thảo.

10. Nguyễn Thị Thảo (2014), “Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo trước năm 1945”, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học KHXH&NV, Tp.HCM.

11. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.21.

12. Thích Thanh Từ (1992), Thiền sư Việt Nam, Nxb Tổng hợp Tp. HCM.

13. Thích Trí Hải (2004), Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

14. Phật giáo Cổ truyền (1970), Ánh sáng Lục Hòa Tăng Việt Nam, Khánh Hòa Phật học Tùng thư xuất bản, tr.33.

15. Thái Hư Đại sư (2001), Luận Phật thừa tông yếu, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội (bản dịch của Thích Nhật Quang), tr.195-206.

16. Khánh Hòa (1937), “Người mượn chữ lục hòa cách đây mười năm về trước”, Duy Tâm Phật học, số 16, tr.229-232.

17. Nguyễn Vỹ (1969), Tuấn chàng trai nước Việt - chứng tích thời đại từ 1900 đến 1970, tập 2, tác giả xuất bản, tr.132-139.

18. Huệ Thanh (1929), “Một buổi hội nghị tại chùa Linh Sơn”, Phật hóa Tân Thanh niên, số 1, tr.33-36.

19. Khánh Hòa (1937), “Người mượn chữ lục hòa cách đây mươi năm về trước”, Duy Tâm Phật học, số 16, tr.230.

20. Huệ Thanh (1929), “Một buổi hội nghị tại chùa Linh Sơn”, Sđd, tr.33-36.

21. Thiện Chiếu (1929), “Chương trình của Phật Hóa Tân Thanh Niên sẽ lập”, Phật Hóa Tân Thanh Niên, số 1, tr.37-48.

22. Huệ Thanh (1929), “Một buổi hội nghị tại chùa Linh Sơn”, Sđd, tr.33-36.

23. “Inauguration de la pagode Linh Son”, L’Écho annamite, No.1373, 17/12/1929, pp.2.

24. “Le discours de M Tran Nguyên Chan”, L’Écho annamite, No.1378, 23/12/1929, pp.1-2.

25. Tử Hư (1931), “Một dịp may mắn cho phật học giới xứ ta sau này”, Hà Thành Ngọ báo, số 1103, ra ngày 17/4, tr.1-2.

26. Hội Phật học Kiêm Tế (1938), “Muốn cho thực hiện được Phật giáo Tổng hội phải phải gỡ mặt nạ kẻ lợi dụng Phật giáo”, Tiến Hóa, số 10, tr.281-285.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6795770