Thông tin

BỐI CẢNH VÀ TÌNH HÌNH HỌC THUẬT VIỆT NAM

THỜI KHƯƠNG TĂNG HỘI

 

THÍCH NỮ HẠNH THIỆN

 


 

A. DẪN NHẬP

Trong nhịp sống của con người thời nay, Phật giáo không chỉ là một tôn giáo, mà còn được xem là một nghệ thuật sống; bởi lẽ giáo lý Phật giáo không đơn thuần nhằm mục đích chuẩn bị cho kiếp sống sau của một tín đồ, mà đó còn là một triết lý sống đem lại an lạc và hạnh phúc cho những ai thực hành nó ngay bây giờ và tại đây.

Nếu thời gian là thước đo của chân lý, thì bề dày của lịch sử hàng ngàn năm đó, đạo Phật đã khẳng định chân giá trị của mình trên mảnh đất này. Điều đó, được minh chứng qua các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, từ văn hóa học thuật cho đến những phạm trù tư tưởng như nhân đạo, hiếu nghĩa và nhân văn v.v..., tất cả đều thiết lập nên một trật tự xã hội lý tưởng. Bằng chức năng và những giá trị nhân văn sâu sắc, Phật giáo đã trở thành chỗ dựa vững chắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân Việt Nam thời bấy giờ.

Ngày nay, trên đà phát triển của thời đại công nghệ, trước xu hướng toàn cầu hóa của đất nước, đời sống văn hóa, giáo dục cũng có những bước chuyển mình phong phú, đa dạng, năng động và tích cực để thích nghi cùng thời đại. Từ những thành tựu đã đạt được của hiện tại cũng là cả một quá trình Phật giáo hội nhập và phát triển, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Phật giáo vẫn luôn đồng hành cùng vận mệnh của đất nước. Vì vậy, nếu muốn nghiên cứu về lịch sử dân tộc, thì phải quay về cội nguồn lịch sử cổ đại mà nghiên cứu về lịch sử Phật giáo. Trước tình hình nghiên cứu trên, việc tiến hành tìm hiểu “Bối cảnh xã hội và tình hình học thuật Việt Nam thời Khương Tăng Hội” trở nên cần thiết cho việc tìm hiểu về lịch sử khởi nguyên của nền Văn học dân tộc ta. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ trình bày bối cảnh xã hội, những thành tựu về mặt kinh tế xã hội, chính trị, những thành tựu về giáo dục và sau cùng tìm hiểu về tình hình học thuật Việt Nam thời Khương Tăng Hội. Đồng thời, cũng đánh dấu sự xuất hiện Phật giáo trên đất nước ta, với những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, phần nào cũng để hiểu hơn về bối cảnh xã hội đất nước và con người trong những năm tháng dưới gót giày của quân xâm lăng.

B. NỘI DUNG

1. Bối cảnh và tình hình học thuật Việt Nam thời Khương Tăng Hội

1.1. Bối cảnh xã hội

Ngay từ những buổi đầu du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước. Phật giáo vẫn luôn chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong tim của người con đất Việt, vậy có ai đó nói rằng đạo Phật là đạo của dân tộc thì chúng ta cũng không quá khó hiểu bởi “Đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt”. Thời ấy cũng chưa có kinh điển gì nhiều chỉ là những nghi lễ kỳ yên đơn sơ rất hợp với tín ngưỡng dân gian thờ cúng tổ tiên, ông bà của người Việt. Với tinh thần dân chủ, từ bi hỷ xả là cốt tủy của đạo Phật, Phật giáo đã nhanh chóng thấm sâu trong mạch sống vốn sẵn có những đức tính như thế, từ ngàn xưa cho đến ngày nay và được cộng đồng người Việt đón nhận một cách hài hòa và đi vào lòng người. Và như ngay trong thời kỳ Bắc thuộc, Phật giáo cũng đã cùng với quần chúng nhân dân đứng lên chống lại giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ bờ cõi đất nước.

Thời bấy giờ, chùa chiền không chỉ mang yếu tố tâm linh mà còn là nơi diễn ra việc chữa bệnh, là môi trường dạy chữ, sinh hoạt văn hóa của nhân dân làng xã và khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc trong mỗi người dân. Cũng vậy, với tinh thần Phật pháp bất ly thế gian pháp 佛法不罹世間法 đứng trước đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, như ngày 27/2/1947 Tăng Ni và Phật tử cả nước sẵn sàng hưởng ứng Lời Kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 27 tu sĩ chùa Cổ Pháp đã làm lễ: “Cởi áo Cà sa”:

“Cởi áo Cà sa khoác chiến bào

Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao

Ra đi quyết trả thù non nước

Vì nghĩa quên thân hiến máu đào”.

Phật giáo là vậy, dù ở bất cứ thời đại nào thì Phật giáo cũng cùng chung tay góp sức với đất nước trên mọi mặt trận. Trở lại vấn đề, từ sau thất bại của An Dương Vương trong cuộc kháng chiến chống Nam Việt, nước ta luôn bị các thế lực phương Bắc thi nhau đàn áp bóc lột, từ năm 179 kéo dài đến năm 905 mới chấm dứt. Trong một ngàn năm đó không một triều đại nào của phương Bắc không đặt ách đô hộ đất nước ta. Chúng ta có thể hệ thống một ngàn năm đó qua những triều đại lịch sử như sau:

- “Nam Việt: thành lập năm 206 TCN, tồn tại 95 năm (từ 206 TCN - 111 TCN), đô hộ nước ta 68 năm (từ 179 TCN - 111 TCN).

- Tiền Hán (cũng gọi là Tây Hán)1: thành lập năm 206 TCN, tồn tại 214 năm (từ 206 TCN - 08), đô hộ nước ta 119 năm (từ năm 111 TCN - 08).

- Nhà Tân2: thành lập năm 08, tồn tại 17 năm (từ năm 08 - 25), trong 17 năm ấy nhà Tân tự coi mình là thế lực có quyền thay thế nhà Tiền Hán đô hộ nhân dân ta.

- Hậu Hán (cũng gọi là nhà Đông Hán)3: đập tan nhà Tân, Hậu Hán tự coi mình là thế lực có quyền thay nhà Tân để trực tiếp đô hộ nước ta. Từ nửa sau thế kỷ thứ II, nhà hậu Hán bắt đầu đổ nát, nhưng trên danh nghĩa, Hậu Hán vẫn còn tồn tại đến năm 220. Hậu Hán đô hộ nước ta 195 năm.

- Đông Ngô4: là một trong ba nước thời Tam Quốc (gồm Ngô, Thục và Ngụy). Đông Ngô hình thành từ năm 220 nhưng vua Ngô chính thức xưng đế từ năm 229, tồn tại đến năm 280, thì bị nhà Tấn diệt. Trong khoảng thời gian 60 năm tồn tại đó, nhà Ngô liên tục đô hộ nước ta.

- Nhà Tấn: thành lập từ năm 265 nhưng đến năm 280 nhà Tấn mới thật sự xóa bỏ được cục diện Tam Quốc. Trong 155 tồn tại, lịch sử nhà Tấn gồm hai thời kỳ riêng, đó là thời kỳ Tây Tấn5 (265-316) và đến thời kỳ Đông Tấn6 (317-420), đô hộ dân tộc ta kéo dài 140 năm (từ năm 280-420).

- Nam Triều: từ năm 420, Trung Quốc lâm vào cục diện phân chia mới: cục diện Nam-Bắc Triều. Nam Triều gồm có Tống7(420-479), Tề8 (479-502), Lương9 (502-557) và Trần10 (557-589). Nam Triều thay nhà Tấn đô hộ nước ta. Trong 169 năm tồn tại (420-589), Nam Triều đã đô hộ nước ta 122 năm (420-542). Năm 542, sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa do Lý Bôn lãnh đạo, nước ta giành được độc lập trong 60 năm (542-602).

- Nhà Tùy11: Thành lập năm 581, tồn tại tổng cộng 37 năm (581-907), đô hộ nước ta 16 năm (602-618).

- Nhà Đường12: Thành lập từ năm 618, tồn tại 289 năm (618-907), đô hộ nước ta 287 năm (618-905), tức là gần trọn thời gian tồn tại của triều đại này. Nhà Đường là một trong những triều đại lịch sử lớn nhất của Trung Quốc”13.

Trong suốt quá trình thống trị nhân dân ta, các thế lực Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách bóc lột khác nhau, nhưng lại không được quy định rạch ròi, lại có nhiều kẽ hở lớn, khiến cho bọn quan lại đô hộ và có điều kiện vơ vét của cải của nhân dân ta mà bỏ túi riêng.

Tình hình đất nước, sau kháng chiến vệ quốc do hai Bà Trưng lãnh đạo đã anh dũng hy sinh tại Cấm Khê năm 43. Nhà Hậu Hán tiếp tục tái lập nền đô hộ trên đất nước ta, dưới sự chỉ huy của quân Mã Viện (17-44), với âm mưu đồng hóa và xóa sạch hệ thống văn minh văn hóa dân tộc Việt Nam, vĩnh viễn thành một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc, nếu chúng không xóa bỏ được thì chúng bắt dân ta phải bị nô dịch lâu dài.“Đến khoảng năm 187 Chu Phù tuyên bố “bỏ điển huấn của tiền thánh, vứt pháp luật của Hán gia” để đi theo Phật giáo và kết hợp với Sỹ Nhiếp củng cố lại chính quyền độc lập do anh hùng Khu Liên mở đầu”14. Tuy nhiên, chính quyền này thực chất thì cũng chưa xưng vương xưng đế gì nhưng lại là một chính quyền độc lập, có hệ thống cơ chế điển huấn và pháp luật của người Việt riêng. Như vậy, cuộc chiến không đọ sức đó, chiến thắng cũng đã thuộc về dân tộc ta.

Từ ngày dân tộc ta giành được chủ quyền, đồng thời tự chủ trên mọi mặt trận như: Kinh tế, chính trị, quân sự, văn học, nghệ thuật, đạo đức, tôn giáo... Trong những buổi đầu bang giao đó, đất nước cần khắc phục đổi mới, việc triều chính cần ổn định thì Phật giáo như một viên ngọc quý bị đánh mất nay tìm lại được, lại xuất hiện những khuôn mặt anh tài như: Khâu Đà La, Mâu Tử (160-230) với tác phẩm Lý Hoặc Luận, Khương Tăng Hội, Lý Miễu, Đạo Cao và Pháp Minh. Trong đó, Khương Tăng Hội là người để lại nhiều những dịch phẩm nhất.

1.2. Những thành tựu về kinh tế xã hội

Dù là thời đại nào đi chăng nữa, đất nước độc lập nền kinh tế ổn định, thì các lĩnh vực khác mới có thể phát triển một cách toàn vẹn, nền kinh tế của nước ta trong giai đoạn 180-230 khá phát triển. Nền kinh tế nông nghiệp cũng rất đa dạng, ngoài trồng lúa mỗi năm hai vụ, cây ăn trái, bên cạnh đó còn khai thác các nguồn lợi từ lâm hải sản như những lần Sỹ Nhiếp gởi cống phẩm về triều Ngô đều thuộc những đồ thượng hạng mà “Ngô chí 4 tờ 8b1-3 đã chép: “Nhiếp mỗi sai sứ đến Quyền đều dâng tạp hương, vải mỏng thường tới số ngàn. Món úy minh châu, sò lớn, lưu ly, lông thúy, đồi mồi, sừng tê, ngà voi, các thứ vật lạ quả kỳ như chuối, dừa, long nhãn, không năm nào không đưa đến”15. Và các ngành thủ công nghiệp, chủ yếu là ngành dệt rất được phát triển. Hoặc đến đời của Tiết Tôn, con trai của Tiết Tôn là Tiết Oánh, ông mất năm 383 khi viết Dị vật chí, nói: “Lúa Giao Chỉ mùa hè chín, nông dân trồng một năm hai lần”. Bởi vì nếu nghèo đói thì mọi kế hoạch định hướng không thể thực hiện được, nhất là lĩnh vực về giáo dục, vào khoảng những năm 163-212, tức từ năm 196 trở đi khi Viên Huy viết thư cho Tuân Húc có đoạn: “Sỹ phủ quận Giao Chỉ học vấn đã ưu bác, lai tùng chính thành công, ở trong đại loạn, bảo toàn một quận, hơn 20 năm, cương trường vô sự, dân không thất nghiệp, bọn đến trọ ở đều được nhờ ơn”16.

Như vậy, đất nước ta với một nền kinh tế phát triển cực thịnh như thế, cũng là một lợi thế đủ để chúng ta mở cửa thông thương, trao đổi giao lưu hàng hóa giữa các quốc gia với nhau. Chính nhờ sự mở cửa giao lưu văn hóa đó mà đã có rất nhiều các nhân sĩ đã đến để mua bán và tỵ nạn. Trong đó, có những vị đã làm nên lịch sử như Ngài Mâu Tử, thân sinh của Ngài Khương Tăng Hội, Sỹ Nhiếp, Hàn Lâm, Trần Tuệ v.v… Như vậy, Khương Tăng Hội được sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước khá phát triển, nền kinh tế vững mạnh. Khương Tăng Hội đã thừa hưởng một nền văn hóa giáo dục toàn vẹn dưới sự dìu dắt từ những vị thầy lỗi lạc, minh chứng cho hậu thế qua những tác phẩm kinh điển mà Khương Tăng Hội đã để lại, ta có thể đánh giá qua chính tác phẩm và chắc chắn rằng Khương Tăng Hội đã viết ở tại đất nước ta. Đó là An ban thủ ý kinh chú giải, Lục độ tập kinh Tạp thí dụ kinh. Chỉ cần đọc lời tựa thôi, ta đã nhận ngay văn từ rất gần gũi “điển nhã” góp phần tô điểm cho nền văn học dân tộc và Phật giáo bản địa cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

1.3. Tình hình chính trị

Đất nước hồi sinh chưa được bao lâu, sau cái chết của Sĩ Nhiếp năm 226, tình hình chính trị nước ta lại xảy ra nhiều biến động. Tôn Quyền âm mưu nhân cái chết của Sĩ Nhiếp muốn thôn tính vùng đất người Việt, Tôn Quyền đã chia vùng đất này thành hai châu, cử Lữ Đại làm thứ sử Quảng Châu, cử Tải Lương làm thứ sử Giao Châu. Bất bình trước hành động xấc xược của Tôn Quyền, con cháu Sĩ Nhiếp cương quyết không cam tâm đứng nhìn. Tuy nhiên, vì cả tin nhận giặc làm bạn, mà không có sự phòng bị lo toan, dẫn đến kết quả cả gia đình con cháu họ Sĩ đều bị giết dưới tay của Lữ Đại, chúng mang đầu gửi về Vũ Xương, Trung Quốc. Chiến thắng của Lữ Đại cũng nhanh chóng trôi qua, chưa đầy 18 năm sau tức năm 248, bà Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt phất cờ khởi nghĩa, đánh chiếm giành lại được Giao Châu. Tóm lại, quan hệ nước ta và Trung Quốc vào những năm 248 đến 264 rất phức tạp. Các vị lãnh đạo vì mưu cầu bảo vệ độc lập đất nước lâu dài, nên đã giao hảo với một số thế lực bên ngoài, bằng cách bắt tay với nhà Ngụy để chống chọi với nhà Ngô.“Chính trong khoảng thời gian có quan hệ cụ thể này mà Pháp hoa tam muội kinh do Chi Cương Lương Tiếp và Đạo Thanh dịch được đưa lên phía bắc Trung Quốc của nhà Ngụy và sau đó đã được Trúc Đạo Tổ liệt vào Ngụy thế mục lục, tức bản mục lục các kinh tìm thấy trong kho sách và vùng đất do nhà Ngụy quản lý”17.

Vì vậy, quan hệ văn hóa đôi khi cũng chỉ để phục vụ cho một số mưu cầu vì sự nghiệp chung nhất định nào đó. Phật giáo ở xứ ta ngày đó cũng vậy, vai trò trách nhiệm của mình là vận động hòa bình cho dân tộc, bằng nhiều phương tiện để truyền giáo. Qua đó, cho ta thấy rõ Phật giáo luôn sản sinh những anh tài xuất chúng, điển hình ở thế kỷ thứ II sự xuất hiện của ngài Mâu Tử với tác phẩm Lý hoặc luận, đến thế kỷ thứ III có sự hiện diện của ngài Khương Tăng Hội. Khi đất nước cần thì Phật giáo sẽ luôn đồng hành, đóng góp sức mình cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ cùng dân tộc trong mỗi quốc gia thời đại và hình thành mẫu người lý tưởng.

2. Tình hình học thuật thời Khương Tăng Hội

2.1. Tình hình học thuật cuối thế kỷ thứ II

Sự học được khai sinh từ lúc con người xuất hiện và có các hoạt động cơ bản để duy trì sự sống như hái lượm, săn bắt. Khi công cụ lao động được phát triển, xã hội nguyên thủy bước đầu đã thiết lập thành công phương thức phân công lao động nông nghiệp và tổ chức sản xuất nông nghiệp cơ bản, học cách tạo ra nguồn lương thực, truyền đạt kinh nghiệm, phản ánh thế giới tự nhiên cũng như cộng tác với những cá thể, cộng đồng khác.

Nhờ tiếng nói đạt đến mức độ tinh vi, sở hữu năng lực biểu đạt bằng tranh vẽ và chữ tượng hình, con người đã tạo nên một chặng đường phát triển cho sự học. Ngoài ra, kiến thức được tiếp thu và tiếp biến từ các luồng di cư (chủ yếu từ Trung Hoa) cũng góp phần định hình nền học thuật sơ khai trên đất nước ta. Vì vậy, “Sau vua Linh đế băng hà 189, Mâu tử nói:“Thiên hạ nhiễu loạn, chỉ Giao Châu tạm yên, người tài phương Bắc đều đến để ở”18, với một số lượng người đến tỵ nạn lên đến hàng trăm, hàng nghìn người, trong số người đến tỵ nạn và giao dịch buôn bán đó có thân phụ của ngài Khương Tăng Hội và tất nhiên không thể không có những biến động về nhiều mặt, tác động đến đời sống của nhân dân, từ kinh tế, chính trị và cho đến văn hóa học thuật.

2.2. Những thành tựu của nền giáo dục thời Khương Tăng Hội

Sau khi cha mẹ qua đời, thủ hiếu xong, Khương Tăng Hội bèn xin đi xuất gia, ngày đêm không ngừng học hỏi, siêng năng hết mực. “Là con người rộng rãi, nhã nhặn, có tầm hiểu biết, dốc chí hiếu học, rõ hiểu ba tạng, xem khắp sáu kinh, thiên văn đồ vĩ, phần lớn biết hết, giỏi việc ăn nói, rành việc viết văn. Bấy giờ Tôn Quyền xưng đế Giang Tả, mà Phật giáo chưa lưu hành”19. Việc xuất gia này của ngài chứng tỏ Phật giáo nước ta vào thế kỷ thứ III đã có hệ thống chùa chiền và Tăng Ni, Phật tử xuất gia tu học khá đông, cũng là nơi y cứ để ngài Khương Tăng Hội xuất gia tầm đạo giải thoát giác ngộ. Điều đó, cũng không khiến ta ngạc nhiên cho lắm, bởi vì ngay từ thời ngài Mâu Tử thế kỷ thứ II cũng đã xuất hiện thực trạng này, “nay sa môn thích rượu ngon, hoặc nuôi vợ con, giữ cái hèn mà bỏ chỗ cao quý, mua rẻ bán đắt, chuyên làm điều dối trá”20, như chính Khương Tăng Hội khi viết lời tựa cho An ban thủ ý kinh cũng đã thừa nhận điều đó: “Hội tôi, sinh ra tới tuổi vác củi thì cha mẹ đã qua đời. Các bậc tam sư cũng theo nhau khuất núi, mỗi khi ngước nhìn đất trời không khỏi cảm thấy xúc động, buồn thương rơi lệ...”21 và tình cảm này khi soạn Tạp thí dụ kinh, cứ sau một số câu truyện, Ngài đều có ghi lại những bình luận của thầy mình bằng câu mở đầu “Thầy nói”, đã chiếm 12 truyện trong toàn bộ những câu truyện trong Tạp thí dụ kinh, đã được ghi lại những bình luận nhận xét ấy, cũng có khả năng những nhận xét đó là những buổi thuyết giảng giáo lý do thầy của Khương Tăng Hội chủ trì. Vì vậy, với những nhận xét bình luận trong ba tác phẩm nêu trên của Ngài Khương Tăng Hội. Qua đó, ta có thể biết được tình hình Phật giáo và nền giáo dục nước ta trước thế kỷ thứ III phát triển khá rõ nét như thế nào và cụ thể ra sao thời Khương Tăng Hội.

Kế thừa nền học phong này, Ngài đã vận dụng những kiến thức, những tư tưởng mà bao năm tháng được học từ những vị thầy của mình. Ngài áp dụng vào công việc dịch thuật, trước tác và trong sự nghiệp hoằng pháp. Bốn năm sau đó, khi chấn tích Kiến Nghiệp thủ đô nước Ngô (nay là Nam Kinh), tức là năm Thái Nguyên thứ nhất (251) để thực hiện sứ mệnh hoằng pháp, Khương Tăng Hội đã dịch Lục độ tập kinh. Tác phẩm Lục độ tập kinh bằng tiếng Trung Quốc mà chúng ta được biết hiện nay không phải là một tác phẩm dịch từ Phạn bản, cũng chẳng phải là một tác phẩm do chính Khương Tăng Hội viết mà chính từ một bản tiếng Việt được dịch sang tiếng Trung Quốc. Việc Khương Tăng Hội chọn Lục độ tập kinh để dịch ra tiếng Trung Quốc chính là sự kế thừa từ một truyền thống văn hóa giáo dục nước nhà, nên khi dịch Lục độ tập kinh Cựu tạp thí dụ kinh, Ngài cũng không điều chỉnh một sự kiện quan trọng nào mang tính chất đặc thù của quê hương đã nuôi dưỡng tâm hồn ngài từ thơ bé đến trưởng thành, cho phù hợp với truyền thống văn hóa của Trung Quốc. Và “Ông cũng chính là người đầu tiên sử dụng các kinh sách Phật giáo tiếng Việt dịch sang tiếng Trung Quốc, mà hiện nay ta còn được hai bộ. Đó là Lục độ tập kinh và Cựu tạp thí dụ kinh”22.

Vì thế, có thể nói Khương Tăng Hội là một thành tựu cụ thể và sống động của nền giáo dục dân tộc, nhất là giáo dục Phật giáo thời bấy giờ. Ngài tự xác định cho mình một sứ mạng thiêng liêng cao quý về tình yêu quê hương đất nước, phải dốc chí một lòng với dân tộc để phục vụ cho dân và vì dân, và không bao giờ đi ngược lại sứ mệnh ấy. Ðiều đó được Ngài thể hiện rất rõ vào trong các tác dịch phẩm của mình, giữ gìn và bảo lưu những truyền thống văn hóa truyền thừa, đặc biệt là về truyền thuyết “Trăm trứng” trong Lục độ tập kinh. Ðó là những thông tin vô cùng có giá trị, chính nhờ những manh mối của truyền thuyết “Trăm trứng” đã cung cấp cho chúng ta biết về cội nguồn lịch sử của dân tộc, về sức mạnh của một nền văn hóa dân tộc vào giai đoạn những thế kỷ đầu kỷ nguyên dương lịch, mà Phật giáo là nhân tố nuôi dưỡng và gìn giữ làm nên những giá trị lịch sử đó.

Khương Tăng Hội là một vị cao tăng xuất gia tu học, kế thừa nền văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam, Ngài đã nói lên điều gì về tình hình Phật giáo nước ta thời bấy giờ? Về vấn đề này, được học giả Lê Mạnh Thát nhận định: “Phật giáo Việt Nam vào thời Khương Tăng Hội đã xây dựng thành công một cơ cấu giáo dục khá hoàn chỉnh và đa dạng, bao gồm toàn bộ tất cả các ngành tri thức có mặt ở thời đó, mà không đóng khung vào một giới hạn chật hẹp nào. Người ta không chỉ học ba tạng kinh điển, sáu kinh của Nho giáo, mà còn học tới cả khoa sấm vỹ thiên văn, thậm chí cả khoa ứng đối, và đặc biệt truyền thống dân tộc Việt Nam. Nền giáo dục ấy, vì vậy, có thể nói là đại diện cho nền giáo dục Việt Nam thế kỷ thứ II và thứ III đối lập lại với nền giáo dục nô dịch Trung Quốc đang tồn tại song song cùng nó. Nhờ thế, qua lịch sử nó đã đào tạo ra những thiên tài đáp ứng được yêu cầu của đất nước, và được tiếp nối cho đến ngày nay”23.

Như vậy, nền giáo dục Phật giáo ở nước ta vào thời của Khương Tăng Hội không thuần túy chỉ có Phật giáo hay tôn giáo mà là một nền giáo dục Phật giáo toàn diện, tự tin phóng khoáng, như thế chỉ có thể tồn tại trong một môi trường đất nước có sự độc lập về văn hóa, và ở đó Phật giáo phát triển một cách mạnh mẽ. Sự nghiệp và tư tưởng của Khương Tăng Hội là một thí dụ điển hình. Các học giả của Trung Quốc cũng nhận định rằng: “Nền giáo dục này không chỉ giới hạn trong chức năng truyền giáo, đào tạo ra những con người Phật giáo, mà trên hết và trước hết là đào tạo ra những trí thức dân tộc toàn diện có tính bách khoa am hiểu và lãnh hội được hết tinh hoa dân tộc và nhân loại của thời đại mình, rồi trở lại đóng góp bằng những thành quả của mình cho kho tàng hiểu biết của loài người”24.

Chính vì vậy, tình hình học thuật của nước ta thời Khương Tăng Hội, trải qua suốt một quãng thời gian dài hơn mười thế kỷ, bị giặc phương Bắc đô hộ, âm mưu đồng hóa lịch sử văn hóa dân tộc. Đành rằng trong suốt thời gian dài đằng đẵng đó, nhân dân ta phải sống cảnh “cá chậu chim lồng”, trong một cơ cấu văn minh ngoại lai, nhưng nhân dân ta luôn tiếp biến văn hóa Hán để làm giàu cho văn hóa dân tộc mình, có thể nói trong thời Bắc thuộc; người Việt mất nước chứ không mất làng hay khẩu hiệu “mất nước chứ không mất hạnh”. Bởi vậy, như một tác giả phương Tây đã nhận xét rằng: “Nước Việt như một tòa nhà chỉ bị thay đổi mặt tiền mà không thay đổi cấu trúc bên trong”, có lúc đất nước giành lại quyền tự chủ, với những tên tuổi Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, tuy còn ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để làm nên sự hồi sinh mạnh mẽ hệ thống điển huấn pháp luật nước nhà trên mặt trận văn hóa - học thuật. Nhất là trường hợp Chu Phù25 đã “vứt điển huấn của tiền thánh, bỏ pháp luật của Hán gia, mặc áo đỏ, bịt đầu, đánh đàn, đốt hương, đọc sách tà tục, bảo để trợ hóa”26. Một khi Chu Phù quyết định vứt bỏ điển huấn của nhà Hán, cũng đồng nghĩa việc Chu Phù không còn là đại diện cho chính quyền nhà Hán tại nước ta nữa. “Đọc sách tà tục” ở đây không đơn thuần chỉ là hành động đọc sách nghiên cứu về tôn giáo hay trau dồi kiến thức cá nhân, mà ở đây, nó mang một màu sắc của chính trị có sự toan tính. Đó là sự nghiên cứu những pháp luật mới để phục vụ trong công tác quản lý nhà nước mình.

Như vậy, Phật giáo nước ta thời Khương Tăng Hội đã xây dựng thành công một cơ cấu giáo dục tổng hợp, không bị đóng khung hay một giới hạn nào, không chỉ học ba tạng kinh điển Phật giáo, học cả sáu kinh của Nho giáo mà còn học tới khoa Sấm vỹ thiên văn. Nhờ vậy, qua lịch sử nó đào tạo ra những thiên tài đáp ứng được yêu cầu của đất nước và được tiếp nối mãi cho đến ngày nay.

C. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu bối cảnh xã hội và tình hình học thuật nước ta thời Khương Tăng Hội, ta thấy rằng Khương Tăng Hội đã thừa hưởng một nền giáo dục khá toàn vẹn phóng khoáng và vững chắc, nên đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên người Khương Tăng Hội. Vì thế, Khương Tăng Hội có thể nói là một thành tựu đầu tiên và xuất sắc của nền giáo dục nước nhà và Phật giáo nước nhà. Nền giáo dục này không chỉ giới hạn trong chức năng truyền giáo, đào tạo ra con người Phật giáo, mà trên hết và trước hết là đào tạo ra những trí thức dân tộc toàn diện có tính khoa học, am hiểu và lãnh hội được hết những tinh hoa dân tộc. Cũng chính từ nền giáo dục này đã đào tạo ra cho lịch sử dân tộc những thiên tài trong các lĩnh vực khác nhau.

Nền giáo dục Phật giáo này không chỉ tồn tại vào thời đại Khương Tăng Hội, mà nó còn tiếp tục kế thừa và tiếp nối cho đến ngày hôm nay. Và đặc biệt hơn hết, nếu không có yếu tố dân tộc thì chắc chắn nền giáo dục này và Phật giáo nước nhà đã không bao giờ thực hiện được công cuộc truyền bá giáo lý và đào tạo những con người trí thức Việt Nam biết gánh vác trách nhiệm cho dân tộc mình của đất nước mình.

Trải qua bao biến cố lịch sử, mỗi khoảnh khắc trôi qua theo thời gian và quy luật của chúng, mọi vật dường như cũng thay đổi ít nhiều. Thời kỳ Khương Tăng Hội là thời kỳ mở đầu dựng nước, mặc dù trình độ kinh tế, văn hóa và tổ chức xã hội còn ở mức sơ khai, nhưng trong quá trình phát triển của lịch sử đã tạo dựng nên những truyền thống quý báu của dân tộc ta: Cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; đoàn kết để chiến thắng thiên tai dịch họa và dũng cảm kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Những truyền thống quý báu đó là nguồn sức mạnh giúp dân tộc ta vượt lên mọi khó khăn thử thách trong mỗi thời đại, để chiến thắng kẻ thù xâm lược và xây dựng một đất nước ngày càng hùng mạnh.

 


1. Tiền Hán hay còn gọi là Tây Hán do Lưu Bang (tức Hán Cao Tổ) lập ra.

2. Nhà Tân do Vương Mãng cướp ngôi nhà Tiền Hán mà lập ra.

3. Hậu Hán hay Đông Hán do Lưu Tú (tức Hán Quang Võ) lập ra.

4. Đông Ngô do Tôn Quyền (tức Ngô Đại Đế) lập ra, tồn tại 58 năm, gồm 4 đời nối nhau trị vì.

5. Mở đầu là Tư Mã Viêm (Tấn Vũ Đế), truyền nối được 4 đời, kéo dài 51 năm.

6. Do Tư Mã Duệ (Tấn Nguyên Đế) lập nên, truyền nối được 11 đời, kéo dài 104 năm.

7. Nhà Tống thời Nam-Bắc Triều do Lưu Dục (Tống Vũ Đế) lập nên, tồn tại 59 năm (420-479) với 8 đời nối nhau trị vì.

8. Nhà Tề thời Nam-Bắc Triều do Tiêu Đạo Thành (Tề Cao Đế) lập nên, tồn tại 23 năm (479-502) với 7 đời nối nhau trị vì.

9. Nhà Lương thời Nam-Bắc Triều do Tiêu Diễn (Lương Vũ Đế) lập nên, tồn tại 55 năm (502-557) với 4 đời nối nhau trị vì.

10. Nhà Trần thời Nam-Bắc Triều do Trần Bá Tiên (Trần Vũ Đức) lập nên, tồn tại 32 năm (557-589) với 5 đời nối nhau trị vì.

11. Nhà Tùy do Dương Kiên (Tùy Văn Đế) lập nên ngay cục diện Nam-Bắc Triều chưa kết thúc. Nhà Tùy tồn tại 37 năm với 3 đời nối nhau trị vì.

12. Nhà Đường do Lý Uyên (Đường Cao Tổ) lập nên, tồn tại 289 năm với 21 đời nối nhau trị vì.

13. Nguyễn Khắc Thuần (2010), Lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục Việt Nam, tr 38-40.

14. Lê Mạnh Thát (1975), Khương Tăng Hội toàn tập, tập 1, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, S, tr. 9.

15. Lê Mạnh Thát (1975), Khương Tăng Hội toàn tập, tập 1, Sđd, tr. 64.

16. Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, Tập 1, Nxb. TP.HCM, tr. 309.

17. Lê Mạnh Thát (2006), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế, tập 1, Nxb. Tổng Hợp TP. HCM, tr. 388.

18. Lê Mạnh Thát (2008), Nghiên cứu về Mâu Tử, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr. 195.

19. Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế, tập 1, Sđd, tr. 295.

20. Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr. 275.

21. Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr. 275.

22. Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr. 250.

23. Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế, tập 1, Sđd, tr. 317-318.

24. Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế, tập 1, Sđd, tr. 314.

25. Chu Phù với tư cách là người đứng đầu chính quyền nhà Hán tại nước ta lúc bấy giờ.

26. Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế, tập 1, Sđd, tr. 269.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6116154