Thông tin

BỐI CẢNH XÃ HỘI

VÀ SỰ HÌNH THÀNH PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

 

Thượng tọa THÍCH THIỆN THỐNG
Phó Chủ tịch HĐTS

 

Khi nói đến Phật giáo, trong tâm thức của nhiều người dân Việt Nam luôn xem Phật giáo là đạo của Ông, Bà. Bởi vì, Phật giáo luôn thể hiện là một ý thức hệ trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, luôn là người bạn đồng hành với dân tộc trong mọi giai đoạn lịch sử, luôn là người bạn thân thiết nhất của nhân dân “vui cái vui của đồng bào, khổ cái khổ của nhân dân”. Phật giáo nửa đầu thế kỷ 20 cho đến trước khi bị phương Tây xâm lược đã trải qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm khác nhau; một đất nước trong trạng thái nửa phong kiến nửa thực dân. Có thể nói, Phật giáo giai đoạn này vẫn có những bậc cao Tăng, nhưng suy vi về mặt tổ chức nên hoạt động kém hiệu quả, một ít hiện tượng Tăng, Ni cá biệt tu học lệch chuẩn làm giảm sút niềm tin đối với Phật giáo của tín đồ và những người dân yêu mến đạo Phật. Song song đó còn có sự bất bình đẳng đối với tôn giáo tại Việt Nam lúc bấy giờ.

Đứng trước thực trạng của đất nước nói chung và Phật giáo nói riêng, các bậc cao Tăng tiền bối giai đoạn này đã vận dụng giải pháp nào để vừa hộ quốc an dân và chấn hưng nền Phật giáo nước nhà. Đây là một câu hỏi sẽ được phân tích một cách khoa học tại Hội thảo lần này. Trong phạm vi tham luận “Bối cảnh xã hội và sự hình hành Phật giáo Cổ truyền Việt Nam”, tôi xin chia sẻ một vài ý kiến đối với Phật giáo tại Nam Bộ: thứ nhất đặc điểm tình hình bối cảnh xã hội Việt Nam và Phật giáo Việt Nam; thứ hai giải pháp của các bậc cao Tăng chấn hưng Phật giáo.

Thứ nhất đặc điểm tình hình bối cảnh xã hội Việt Nam và Phật giáo Việt Nam: Người dân Nam Bộ có tư tưởng thoáng, kiến thức mở, ít chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, cộng với xã hội nông nghiệp theo lối cổ truyền không còn đủ năng lực lảm cho cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc. Sự phản ứng của xã hội hoặc là cải cách hoặc là làm một cuộc cách mạng và những tín ngưỡng của xã hội nông nghiệp cổ truyền không đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của các cư dân trước giai đoạn lịch sử mới. Lúc này, kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này bị khủng hoảng nghiêm trọng, chính trị thì rối ren, đạo đức xã hội thì suy thoái, nông dân thì lầm than cơ cực, dịch bịnh thì hoành hành dữ dội, nhiều cuộc nổi dậy của người dân liên tiếp xảy ra để chống lại sự áp bức bất công trong xã hội.

Thư hai giải pháp chấn hưng Phật giáo: Trong khi thực dân Pháp đang đặt ách đô hộ tại Việt Nam, tôn giáo ngoại sinh mới và nội sinh được hình thành, bắt đầu phát huy ảnh hưởng của mình đến một bộ phận người dân. Đến giai đoạn này, Phật giáo dù vẫn còn là chỗ dựa tinh thần của mọi người, nhưng tinh thần nhập thế tích cực không được phát huy mạnh mẽ, vì lý do chủ quan và khách quan nên chưa thực sự hòa mình để cùng nhân dân lo việc nước việc dân, an ủi họ trong những cơn khốn khó ngặt nghèo.

Mặc dù triều đình phong kiến nhà Nguyễn có lập nhiều chùa, nhưng họ vẫn bài xích Phật giáo, như Đức Phật dạy: “có duyên Phật độ, không duyên Phật chẳng độ” (một trong tam năng, tam bất năng), nhưng triều đình nhà Nguyễn đã sửa lại mang tính bài bác Phật giáo: “thờ cha mẹ chẳng ra gì, ăn chay niệm Phật cũng vô ích. Trung với vua đến thế dẫu không cúng Phật cũng không sao”1 . Giáo lý đạo Phật rất cao siêu và thâm thúy, nhưng trong bối cảnh suy thoái, thiếu tầng lớp trí thức Tăng Ni trẻ và một bộ phận Tăng Ni trẻ không được đào tạo chính quy, từ đó tạo nên sự mất cân đối trong đội ngũ Phật giáo. Do thiếu một đội ngũ trí thức trẻ, nên Phật giáo chỉ co cụm lại tại các vùng dân cư ổn định và đô thị, không tỏa rộng đến các vùng xa vùng sâu, cho nên Phật giáo không còn là người bạn đồng hành với nhân dân. Phật giáo giai đoạn này chưa đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân, đồng thời các nhà truyền giáo Phật giáo khi giảng đạo không dùng ngôn ngữ bình dân để thuyết giảng mà dùng toàn ngôn ngữ bác học của nhà Phật, dùng quá nhiều từ Hán - Việt, kinh kệ cũng toàn bằng âm Hán - Việt, trong khi đó trình độ dân trí bấy giờ chưa cao, nên họ không thể tiếp thu một cách đầy đủ hệ tư tưởng nhập thế tích cực của Phật giáo. Từ đó, dần dần Phật giáo không phát huy được ý thức hệ của mình là “Phụng đạo yêu nước - Hộ quốc an dân - Hoằng dương chánh pháp”. Cộng với môi trường mới đầy khổ ải, ý thức hệ Phật giáo trong một chừng mực nào đó không còn đủ sức thuyết phục được những người dân cùng khổ. Từ đó Phật giáo ít có điều kiện thâm nhập vào đời sống tinh thần của tuyệt đại đa số của người dân và phát huy tốt tinh thần nhập thế tích cực để hộ quốc an dân.

Vấn đề hệ ý thức hệ Phật giáo giai đoạn này có thể cho chúng ta thấy hai vấn đề: Một là, người dân Việt Nam và người dân đi khai hoang lập ấp ở vùng đất mới phương Nam với nhiều xa lạ, đầy nguy hiểm có nhu cầu rất lớn về niềm tin tôn giáo, nhất là đối với Phật giáo đòi hỏi sự phong phú trong nhu cầu tín ngưỡng tâm linh. Hai là, ý thức hệ Phật giáo trước đây, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau đã không đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân.

Bối cảnh xã hội như thế, vấn đề được đặt ra là các bậc cao Tăng tiền bối Phật giáo vận dụng giải pháp nào để phát huy truyền thống hộ quốc an dân, chấn hưng Phật giáo. Các bậc cao Tăng tiền bối đã nghiên cứu sâu, phân tích kỷ bối cảnh xã hội Việt Nam bấy giờ và giải pháp căn cơ là vận dụng pháp lục hòa làm nền tảng để tập hợp quần chúng, tập hợp Tăng Ni, tập hợp tín đồ. Từ đó, các bậc cao Tăng tiền bối lần lượt thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã, Hội Lục Hòa Tăng, Hội Lục Hòa Phật tử và sau này là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao các bậc cao Tăng tiền bối dùng thuật ngữ Lục hòa là tên gọi để lập hội. Theo tôi, các bậc cao Tăng tiền bối muốn gởi đến mọi người dân và Tăng Ni, tín đồ Phật giáo một thông điệp: muốn vượt qua những khó khăn và biến động bấy giờ là phải hòa hợp, đoàn kết cùng nhau chia sẻ những khó khăn, khắc phục một số khác biệt trong việc cứu nước và chấn hưng Phật giáo. Từ thông điệp Lục hòa được phát đi, những khác biệt trong việc chấn hưng Phật giáo từng bước được hóa giải và các hội đoàn Phật giáo tiếp nối được thành lập khắp ba miền, tinh thần yêu nước được nhân rộng bằng biện pháp đấu tranh vì dân sinh, dân chủ, vì sự tồn vong của đất nước.

Qua thông điệp Lục hòa, chúng ta dễ dàng nhận thấy các bậc cao Tăng tiền bối đã lồng ghép tinh thần lục hòa với tư tưởng tu hành “Biện tâm” hết sức thoáng của thiền học Lý - Trần. Tức là không phân biệt tại gia hay xuất gia, ở đâu tu hành cũng được, như Trần Thái Tông nói: “không phân biệt là sống giữa đời hay sống ẩn dật trong rừng, không phân biệt là tại gia hay xuất gia, Tăng hay tục, chỉ cốt biện tâm...”2. Có thể nói chính tinh thần nầy có ảnh hưởng đến sự ra đời của tôn giáo nội sinh tại Nam Bộ.

Với việc tìm hiểu tiến trình lịch sử dân tộc và vai trò của Phật giáo trong các giai đoạn lịch sử, trong đó có sự hình thành tổ chức Hội Lục Hòa Liên Xã, Lục Hòa Tăng, Lục Hòa Phật tử, nhất là việc ra đời Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ và tại một số tỉnh để thấy rằng Phật giáo là một trong những nhân tố cấu thành “văn hóa dân tộc” và đã trở thành “mạch sống dân tộc”. Qua đó để thấy rằng vai trò của Phật giáo là không thể thiếu đối với người dân Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử và ảnh hưởng của Phật giáo trong việc hộ quốc an dân. Từ ý nghĩa đó, chúng ta thấy rằng dân tộc hơn bốn ngàn năm văn hiến, lúc thăng hay trầm vẫn tiếp bước tiền nhân; đạo pháp trên hai ngàn năm lịch sử, dù thịnh hay suy luôn soi đường hậu thế.

Như vậy lời giải cho việc các bậc cao Tăng tiền bối dung tên gọi Lục hòa để lập Hội mang ý nghĩa thâm áo và vẫn còn đầy đủ giá trị thời đại cho đến hôm nay. Tuy Phật giáo Việt Nam có tam giáo đồng nguyên, nhưng đến giai đoạn này, chúng ta có thể thấy sự hạn chế của Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo. Do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, những người lưu dân đi tìm đất mới ở Nam Bộ chỉ biết lao động sản xuất để kiếm kế sinh nhai, họ chỉ chú trọng đến việc khai hoang lập ấp để dứt trừ sự đói nghèo mà nguyên nhân theo họ là không có ruộng đất để cày cấy, họ không được học hành và cũng không có điều kiện để học hành, nhà nước phong kiến cũng không quan tâm đến vấn đế này, họ chỉ lo động viên những người nông dân lo khai hoang, lo thu thuế… Lúc này, nhà nước phong kiến trên đà suy tàn, nho sĩ thì không còn giữ nổi địa vị độc tôn, sùng thượng như trước đây nữa, tài an bang tế thế của các nhà Nho không thể cứu nổi một chế độ phong kiến sắp suy tàn, họ cũng trở thành tầm thường như bao người khác. Việc trị nước an dân bằng tư tưởng Nho giáo đã lỗi thời, tài thao lược của các nhà Nho cũng không thay đổi được tình hình xã hội lúc bấy giờ, thậm chí có nhiều Nho sĩ khi ra làm quan đã trở thành những tham quan, nhiễu loạn dân tình, vì vậy niềm tin vào hệ tư tưởng của Nho giáo không còn mãnh liệt như trước, trong khi đó ngoại bang đang xâm lược Việt Nam. Riêng Nam Bộ là vùng đất mới, xa xôi, vai trò của Nho giáo càng trở nên mờ nhạt, không tạo được ảnh hưởng nhiều đến những lưu dân ở đây, ý thức hệ phong kiến cũng không vực dậy được sự suy tàn của triều đình nhà Nguyễn. Trước tình hình ngày một phát triển của xã hội, ý thức hệ Nho giáo không đáp ứng được sự đổi thay của xã hội và vấn đề này được tăng lên khi những biến động lịch sử dữ dội liên tiếp xảy ra ở thế kỷ 19 làm tác động đến sự tồn vong của chế độ phong kiến nhà Nguyễn.

Cũng như Nho giáo, Lão giáo vào nước ta theo chân của xâm lược phong kiến phương Bắc. Nho giáo bám rễ vào xã hội bằng con đường học vấn, còn Lão giáo (sau này đã biến dạng thành Đạo giáo có tính phù thủy) bám rễ vào xã hội bằng con đường nhân gian, có nghĩa là chỉ chú trọng đến việc luyện phù chú, trị bịnh bằng bùa ngãi, đánh ma đuổi tà, trấn yểm ... Lão giáo cũng có mặt trong hành trang của những lưu dân đi mở đất. Đối với một vùng đất xa lạ, bí hiểm, dẫy đầy lam sơn chướng khí, bịnh tật thì Đạo giáo phù thủy có điều kiện phát triển, trở thành tín ngưỡng dân gian, đáp ứng được một phần nào nhu cầu về đời sống tinh thần của những lưu dân. Vùng đất mới với những điều kiện về thiên nhiên và xã hội hết sức khắc nghiệt, Đạo giáo có điều kiện xâm nhập, phát triển tại đây, nhưng nó không phải là tư tưởng chủ đạo chi phối đến mọi mặt đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Nam Bộ.

Giáo lý đạo Phật rất cao siêu và thâm thúy, nhưng trong bối cảnh suy thoái, vẫn có các bậc chơn tu, như đã trình bày trên, từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan, Phật giáo đã không đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân bấy giờ tại Nam Bộ. Từ đó, dần dần Phật giáo như là một tôn giáo tín ngưỡng thuần tuý không phát huy được sức mạnh của mình là “Phụng đạo yêu nước - Hộ quốc an dân - Hoằng dương chánh pháp”. Cộng với môi trường mới đầy khổ ải, ý thức hệ Phật giáo mà các lưu dân mang theo trong một chừng mực nào đó không còn đủ sức thuyết phục được những người dân cùng khổ, vì thế Phật giáo ít có điều kiện thâm nhập vào đời sống tinh thần của tuyệt đại đa số của người dân Nam Bộ và phát huy tốt tinh thần nhập thế tích cực để hộ quốc an dân trong giai đoạn này. Để vượt ra khỏi những ràng buộc và gò bó của khuôn mẫu phong kiến, khắc phục đời sống của người dân trong tình trạng cùng cực của sự đói nghèo, tinh thần thì khủng hoảng tột độ, cho nên sự ra đời của tổ chức Hội Lục Hòa là điều tất yếu, cơ bản đã đáp ứng phần nào sự hòa hợp đoàn kết, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, hóa giải những khác biệt trong cứu nước và những khác biệt khác bằng tinh thần Lục hòa Phật giáo. Chính tổ chức mang tên gọi Lục hòa đã đã tạo nên sự kết nối, chia sẻ, hóa giải một số khác biệt trong cứu nước và chấn hưng Phật giáo.

Phong trào chấn hưng Phật giáo thành công, trong đó có sự đóng góp tích cực của Hội Lục Hòa Liên Xã, Lục Hòa Tăng, Lục Hòa Phật tử. Nhưng một câu hỏi khác được đặt ra là tên gọi Lục Hòa vẫn còn nguyên giá trị thời đại, vậy tại sao các bậc cao Tăng tiền bối lại đổi tên thành Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Mỗi một tên gọi đều mang trong nó một ý nghĩa thâm sâu của nó. Theo tôi, lúc này tuy đất nước bị tạm chia cắt, còn chìm trong khói lửa chiến tranh, nhưng cả nước có nhiều tổ chức Giáo hội được thành lập, các Phật học đường được hình thành, đời sống tu học của Tăng Ni, tín đồ được nâng cao. Bên cạnh đó, vào thập niên 60 của thế kỷ 20, văn hóa của một số quốc gia, vùng lãnh thổ được du nhập vào Việt Nam trong xu thế tiếp biến văn hóa. Từ đó văn hóa Việt Nam và văn hóa Phật giáo có sự biến tướng từ nội dung đến hình thức.

Trước xu thế đó, các bậc cao Tăng tiền bối đã nghiên cứu giải pháp giữ vững đạo đức xã hội đang bị lung lay trước nền văn minh vật chất phương Tây, bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam, văn hóa Phật giáo đậm đà bản sắc dân tộc. Từ mục đích và ý nghĩa đó, các bậc cao Tăng tiền bối đi đến thống nhất đổi tên Giáo hội Lục Hòa (Lục Hòa Tăng, Lục Hòa Phật tử) thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Như vậy, từ “Cổ truyền”3 có ý nghĩa giữ gìn những gì từ xưa truyền lại, vốn có từ lâu. Điều này không có nghĩa là Cao Tăng tiền bối bảo thủ, mà ở đây là tiếp thu có chọn lọc những văn minh thế giới, nhưng phải giữ gìn phong hóa nước nhà, văn hóa Phật giáo với những gì tinh túy nhất của tiền nhân để lại.

Mặt khác, các bậc Cao Tăng tiền bối đã vận dụng một cách linh hoạt trong của bối cảnh chính trị xã hội Việt Nam thời bấy giờ nói chung và của Phật giáo Việt Nam nói riêng. Đó là vào cuối năm 1960 đến năm 1963, Hòa thượng Thích Thiện Hào với tư cách là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng, Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật tử, Ngài đã nhân danh đồng bào miền Nam Việt Nam và Phật giáo Việt Nam tuyên bố trên Đài tiếng nói Bắc Kinh, lên án chế sự xâm lược của Mỹ, sự cai trị độc tài của chính quyền Ngô Đình Diệm đã đàn áp dã man các phong trào yêu nước của đồng bào và Phật giáo miền Nam, cũng như lên án các chính sách kỳ thị tôn giáo. Từ đó, chính quyền Sài Gòn xem Giáo hội Lục Hòa Tăng là một lực lượng chống đối nguy hiểm. Chúng ta thấy, ngay sau phát biểu công khai của Hòa thượng Thiện Hào trên diễn đàn quốc tế, các Tự viện thuộc Giáo hội Lục Hòa Tăng đều bị chính quyền Sài Gòn đàn áp, đập phá, tháo gỡ bảng hiệu. Vào tháng 8 năm 1963 được xem là đỉnh cao phong trào yêu nước, đấu tranh dành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc của Giáo hội Lục Hòa Tăng, chính quyền Sài Gòn áp dụng biện pháp khắc nghiệt là mạnh tay đàn áp, bắt giam, tra tấn, tù đày các nhà tu hành yêu nước, trong đó có quý Hòa thượng lãnh đạo cao cấp của phong trào đấu tranh và của Giáo hội Lục Hòa Tăng như quý Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thành Đạo...

Trong tình hình thực tế, chính quyền Sài Gòn xem Giáo hội Lục Hòa Tăng là một lực lượng chống đối, hoạt động công khai, do đó danh xưng Giáo hội Lục Hòa Tăng ở giai đoạn này không còn phù hợp cho các hoạt động đấu tranh chính nghĩa của Giáo hội Lục Hòa Tăng. Chính vì vậy mà các bậc Cao Tăng tiền bối đi đến thống nhất đổi tên Giáo hội Lục Hòa (Lục Hòa Tăng, Lục Hòa Phật tử) thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Theo tôi, đây là hai yếu tố cơ bản dẫn đến nguyên nhân đổi tên Lục Hòa thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Mục đích việc đổi tên như đã trình bày và một tư cách pháp nhân mới để thực hiện nhiệm vụ của những công dân yêu nước đối với vận mệnh của đất nước, của những nhà tu hành chân chính trong việc xương minh đạo pháp, hộ quốc an dân.

Từ thực tế trước năm 1975, Phật giáo Việt Nam có rất nhiều tổ chức Giáo hội cùng tồn tại và phát triển, nhưng tên gọi Phật giáo Cổ truyền vẫn giữ được sự hòa hợp, chia sẻ, giữ gìn những gì từ xưa truyền lại, vốn có từ lâu nên đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy những thế mạnh của văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo trước nền văn minh phương Tây đã, đang du nhập vào Việt Nam, truyền thống bất khuất, kiên cường để dành độc lập cho dân tộc. Chính vì thế mà Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam luôn được xã hội trân trọng, có một vị thế quan trọng tại khắp tại các tỉnh, thành miền Nam. Đơn cử trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các bậc cao Tăng tiền bối Lục Hòa Tăng, Lục Hòa Phật tử, đỉnh cao là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã thành lập Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ và tại một số tỉnh, các nhà tu hành Phật giáo trở thành những chí sĩ yêu nước như Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Thành Đạo, Hòa thượng Thích Pháp Thân, Hòa thượng Thích Pháp Long, Hòa thượng Thích Pháp Võng, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Hiển Pháp và nhiều bậc Tôn Đức khác.

Tóm lại, trong bối cảnh xã hội Việt Nam với nhiềm gam màu tối, các bậc cao Tăng tiền bối của Lục Hòa Tăng, Lục Hòa Phật tử, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã vận dụng giáo lý “Lục hòa” và “Phật giáo biện tâm” thời Lý – Trần đã đem đến cho cộng đồng xã hội, Tăng Ni, tín đồ Phật giáo có một đời sống nội tâm phong phú, thể hiện tinh thần yêu nước cao độ, làm chất xúc tác để đoàn kết toàn dân, khiến lòng dân quy về một mối, tạo thành sức mạnh phi thường của dân tộc. Lục Hòa Tăng, Lục Hòa Phật tử, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam không giương cao ngọn cờ nhân danh Phật giáo để chống ngoại xâm, mà đã tạo điều kiện đoàn kết để toàn dân thành một khối, dưới sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đây là sự đóng góp to lớn trong thầm lặng của Lục Hòa Tăng, Lục Hòa Phật tử, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam một cách tích cực nhất.

Như vậy, Lục Hòa Tăng, Lục Hòa Phật tử, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam gởi đến mọi người một thông điệp phải làm tròn bổn phận một con người đối với gia đình, đối với Tổ quốc, đối với mọi người (chúng sanh) và đối với Tam Bảo. Và điều này đã thổi vào tâm hồn nhân dân Việt Nam, Tăng Ni, tín đồ Phật giáo một sinh khí rất độc đáo là:” nói như vậy, làm như vậy, biết như vậy và sống đúng như vậy”, do đó Phật giáo Việt Nam đã cùng nhân dân Việt Nam đã viết nên khúc tráng ca, trang sử vàng của đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, là một trong các thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng tên gọi Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vẫn sống mãi trong lòng người dân Việt, vẫn còn nguyên giá trị thời đại. Bởi vì, tinh thần yêu nước, thương dân, tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tiếp tục được thể hiện như đúng tên gọi Cổ truyền của nó “Đạo là cứu độ từ bi, nước nghèo dân chết bỏ đi nỡ nào”. Điều này giống như Thiền sư Toàn Nhật viết trong Hứa Sử truyện:4

“Mật hạnh nghe luận từ bi,

Vốn nay vì nước vì nhà,

Cứu dân giúp nước sao mà chẳng nên.

Luật rằng phương tiện xảo quyền,

Tuỳ cơ lợi vật pháp truyền xưa nay”.

Từ tên gọi đầu tiên là “Lục Hòa” đến “Phật giáo Cổ truyền Việt Nam” đã tạo nên một tinh thần “anh em hòa mục, đoàn kết, chung sức xương minh đạo pháp; cả nước một lòng ra sức đánh giặc” và Phật giáo đã trở thành của mọi người, đã đi vào lòng người, mọi người đều sống nếp sống Phật giáo, tức là lấy ý muốn của toàn dân làm ý muốn của mình, lấy lòng của toàn dân làm lòng của mình.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. HT. Thích Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật giáo, 1970.

2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, 2019.

3. Thích Huệ Thông, Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa văn nghệ, 2019.

4. TS. Nguyễn Quốc Tuấn, TT. TS Thích Đồng Bổn, HT. Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb Hồng Đức, 2018.

5. Nguyễn Hiền Đức - Lịch sử Phật giáo đàng trong, Nxb Thuận Hóa, 1995.

6. Nguyễn Tài Thư - Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1998.

7. Trần Hồng Liên - Phật giáo Nam bộ, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1996.

8. Đinh Văn Hạnh - Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt ở Nam bộ Việt Nam - Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học lịch sử, Viện Khoa học Xã hội Tp. Hồ Chí Minh, 1996.

9. Minh Chi - Thiền học đời Trần, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xuất bản, 1995.

10. Sử quán triều Nguyễn - tập 3, Minh Mạng chính yếu (bản dịch), Sài Gòn, 1974.

11. Ban Tôn giáo của Chính phủ - Một số Tôn giáo ở Việt Nam, Hà Nội xuất bản năm 1995 (lưu hành nội bộ).

12. Trương Thanh Sơn, Lê Hoàng Lộc - Vài nét cơ bản về Tôn giáo ở tỉnh An Giang, Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang, 1993 (lưu hành nội bộ).

 


1. Đinh Văn Hạnh - Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt ở Nam bộ Việt Nam - Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học lịch sử, Viện Khoa học Xã hội Tp. Hồ Chí Minh 1996, trang 29.

2. Minh Chi - Thiền học đời Trần, 1995, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, trang 32, 33.

3. Nguồn Wiktionary Việt Nam.

4. Một truyện Nôm cuối thời Tây Sơn.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 35
    • Số lượt truy cập : 6953975