Thông tin

BỨC THÔNG ĐIỆP CHO HÀNH TINH

NHÂN ĐẠI LỄ VESAK 2019

 

Hòa thượng THÍCH THIỆN ĐẠO

 


 

Năm nay, PL.2563 - DL 2019, lần thứ 3, Việt Nam được Liên Hợp Quốc (LHQ) tin tưởng cho đăng cai tổ chức Đại Lễ Vesak, ngày lễ trọng đại của Phật giáo thế giới.

Đây là một vinh dự rất lớn đối với Chính phủ và Phật giáo Việt Nam trước một thế giới có quá nhiều bất an mâu thuẫn.

Tháng 12 năm 1999, Tổ chức Văn hóa Giáo dục của LHQ (UNESCO) đã công nhận Phật giáo là tôn giáo hòa bình, và đã chọn ngày Phật đản hằng năm làm Ngày Lễ hội Tôn giáo hòa bình thế giới.

Như vậy, chúng ta có quyền khẳng định rằng, suốt chiều dài lịch sử trên 2.500 năm có mặt trên hành tinh này, Phật giáo đã được công nhận là một tôn giáo hòa bình, vì lý tưởng hòa bình mà Phật giáo đã cống hiến cho nhân loại.

LHQ thừa nhận tức là nhân loại đã chính thức thừa nhận, nền văn minh nhân loại đã thừa nhận, lương tri loài người đã thừa nhận: “Đức Phật là một vĩ nhân trên các vĩ nhân, một nhà cách mạng vượt không gian thời gian, một nhà tâm linh không lệ thuộc vào giáo điều, một con người siêu việt về nhân cách và trí tuệ”.

Ngày nay, trước một cuộc sống quá nhiều biến động, bất an, con người không còn tự chủ trong các quyết định của mình, mà hoàn toàn lệ thuộc vào các biến động bên ngoài như phe nhóm, tranh chấp, bảo thủ, cực đoan, đã đẩy nhân loại vào một tình trạng không lối thoát. Đôi khi công lý không còn là niềm tin, là lẽ sống cho nhiều người, mà thuộc về kẻ mạnh.

Từ trong đại bi tâm, Đức Phật đã xuất hiện như một sứ giả, mang thông điệp hòa bình đến với cuộc đời, phổ biến hướng dẫn nhân loại thực hiện thông điệp đó bằng tinh thần giác ngộ và hóa giải.

Suốt chiều dài lịch sử phát triển, Phật giáo chưa bao giờ gây ra cuộc chiến tranh xung đột nào ở đâu do nhân danh Đức Phật hay nhân danh giáo pháp của Ngài. Tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha, hòa bình, hữu nghị là nét đặc trưng cao cả của đạo Phật. Trên nền tảng từ bi vô ngã, xuyên qua con đường hòa nhập cộng trú để cùng nhau tồn tại và phát triển, đạo Phật đã cống hiến cho nhân loại một nền hòa bình an lạc vững chắc hiệu quả.

Đã có nhiều quốc gia, nhiều thời đại, nhiều đế chế áp dụng tinh thần từ bi của chánh pháp mà đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no hạnh phúc, chính trị ngoại giao được ổn định, đạo đức văn hóa được thấm nhuần rộng rãi trong đời sống xã hội, lịch sử phát triển hòa bình hạnh phúc nhân loại đã chứng minh điều đó.

Tại Ấn Độ cổ đại, A Dục Vương (Asoka) được mệnh danh là người con yêu quý của thần linh, nhờ ảnh hưởng tinh thần từ bi, vị tha của chánh pháp, đã từ bỏ con đường chiến tranh đẫm máu, trở về con đường từ bi bất bạo động, bảo vệ thương yêu tất cả mọi sự sống, từ con người đến cỏ cây, muôn thú tạo nên một thời kỳ vàng son trong lịch sử tư tưởng, văn hóa, chính trị, không những có ảnh hưởng lớn tại Ấn Độ mà còn lan rộng cả các nước chung quanh. Thánh Gandhi, nhà lãnh tụ lỗi lạc thời cận đại, đã giành độc lập cho Ấn Độ từ đế quốc Anh, bằng phương pháp bất bạo động của chánh pháp.

Tại Việt Nam ta, các triều đại Lý, Trần là những dấu son thịnh trị của lịch sử đất nước nhờ áp dụng tinh thần chánh pháp vào sự nghiệp trị quốc an dân. Vua Trần Nhân Tông cũng là một thiền sư ngộ đạo, được tôn xưng là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đã đem lại thời kỳ cực thịnh cho đất nước qua các mặt chính trị, ngoại giao và văn hóa.

Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, thời đại nào, quốc gia nào, triều đại nào thấm nhuần sâu sắc tinh thần từ bi, vị tha của chánh pháp, thì thời đại đó, quốc gia đó thật sự có hòa bình thịnh trị, nhân dân ấm no hạnh phúc.

Đức Phật, con người siêu phàm xuất thế, bằng con mắt trí tuệ đã vượt ra ngoài vòng luân hồi sinh diệt, đã tháo gỡ từng mắc xích sanh tử, đã chặt đứt vòng vô minh hành nghiệp. Ngay từ khi vừa có mặt trên cuộc đời, Đức Phật đã long trọng tuyên bố: “Nếu cuộc đời không tối tăm đau khổ, thì ta đã không xuất hiện ở đời”.

Vâng! Nếu cuộc đời không đau khổ thì đạo Phật không có lý do tồn tại. Đạo Phật còn tồn tại vì cuộc đời còn nhiều đau khổ. Giáo pháp của Đức Phật có khả năng dứt trừ vô minh đau khổ. Chừng nào vô minh chưa bị bật gốc, phiền não đau khổ vẫn còn bám chặt chúng ta. Từ vô minh khởi lên các hành nghiệp bất thiện, từ hành nghiệp bất thiện dẫn đến các điên đảo đau khổ. Các mắc xích sinh tử tạo nên vòng luân hồi bất tận. Vòng luân hồi này hoạt động theo chiều đẩy của các tâm sở bất thiện, mà hậu quả là sự xuất hiện các đọa xứ.

Từ trong bản nguyện độ sanh, cũng như trong kho tàng giáo pháp, chưa bao giờ Đức Phật tự đề cao mình, cũng như không bắt buộc ai đề cao mình. Đức Phật không xem mình là một vị giáo chủ đầy quyền năng, đến để thống lãnh cuộc đời bằng một số giáo điều tự phán, mà Ngài chỉ xác định mình như là một sứ giả, có sứ mạng mang Thông Điệp Hòa Bình đến với cuộc đời, và hướng dẫn phương pháp thực hiện thông điệp đó trên tinh thần yêu thương, vô ngã vị tha một cách hữu ích thiết thực.

Sự kiện Đức Phật xuất hiện và tuyên bố: “Mọi chúng sanh đều có Phật tánh. Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, là thể hiện tinh thần bình đẳng giữa con người với con người, giữa con người với vạn loại chúng sanh. Dưới con mắt giác ngộ của Đức Phật, con người là tối thượng, là tâm điểm, là tác nhân của mọi thứ hạnh phúc và đau khổ: “Ngươi là hải đảo vững chắc nhất cho ngươi, có nơi nào khác, có ai khác nữa là nơi nương tựa vững chắc” (Pháp cú)

Chính từ quan điểm xác định con người là tối thượng, là tự chủ, cho nên không có vấn đề nào mà con người không giải quyết được bằng sự nỗ lực của chính mình. Giáo lý nhân bản này sẽ mãi mãi có giá trị và cần thiết cho một thế giới đầy bất an và nô lệ.

“Tâm bình thế giới bình” là bức thông điệp nhân bản mà Đức Phật đã long trọng nhắc nhở nhân loại trên 25 thế kỷ, nếu muốn có hòa bình an lạc thật sự cho cuộc sống. Thông điệp này có giá trị nhân văn sâu sắc, làm nền tảng vững chắc trong việc xây dựng nền hòa bình thiết thực lâu dài cho nhân loại.

Chúng ta đã biết rằng, dưới nhãn quan của đạo Phật, thế giới nhân sinh được hiện bày như là phản ánh từ tâm thức con người. Một đất nước mà mọi người dân, mọi thành phần xã hội thật sự đoàn kết, hòa hợp, tin yêu, cùng nhau chung lo xây dựng đời sống cộng đồng thì đất nước sẽ giàu mạnh, nhân dân ấm no hạnh phúc. Một thế giới được xây dựng trên tinh thần đối thoại, hợp tác hòa bình hữu nghị, tôn trọng bảo vệ lẫn nhau, thì thế giới đó sẽ không có chiến tranh bạo động, tranh chấp kỳ thị, mạnh được yếu thua.

Ngày nay, chúng ta rất vui mừng vì cuộc sống nhân loại đang được cải thiện tiến bộ rất nhiều từ lĩnh vực khoa học kỹ thuật, cho đến y tế, giao thông, thông tin liên lạc, con người đang hưởng thụ rất nhiều tiện nghi trong cuộc sống. Nhưng cũng thật đáng tiếc, bên cạnh những tiến bộ về vật chất, thì những di chứng về tinh thần vẫn tăng lên một cách chóng mặt. Hiện tượng tôn thờ vật chất, đam mê quyền lực, thích hưởng thụ, tha hóa, biến chất, hận thù chiến tranh càng lúc càng phổ biến và phức tạp.

Nền văn minh kỹ thuật vật chất mà nhân loại đã tốn rất nhiều thời gian công sức để phát triển, nếu không được điều khiển và sử dụng một cách khôn ngoan trên nền tảng lương tâm tiến bộ, sẽ trở lại hủy diệt nhân loại một cách không khoan nhượng. Lửa tham vọng, lửa hận thù, sự manh nha của trí óc, sự băng hoại của tâm hồn, thái độ xem thường các giá trị truyền thống văn hóa tâm linh sẽ đẩy nhân loại vào bế tắc không lối thoát, đã biến cuộc sống thành bãi chiến trường, đã biến môi trường thành bãi rác khổng lồ, và sự đen tối của hành tinh này chỉ còn là vấn đề thời gian, nếu lương tâm và ý thức con người vẫn còn mê ngủ trong đêm dài vô thức.

Để tâm phân tích sâu sắc, ta nhận thấy rằng chưa bao giờ an ninh nhân loại đang bị thử thách một cách gay gắt rất nguy hiểm như hiện nay. Nhân loại đang đối mặt thường xuyên với chiến tranh, bạo lực, khủng bố, bạo hành, thiên tai, bệnh tật và đói nghèo. Hàng ngày có trăm người bị tàn tật, chết chóc, phá sản và thật chua chát khi những thảm họa này do con người gây ra nhiều hơn do thiên nhiên. Các giá trị đạo đức, văn hóa đời sống tâm linh đang bị xem thường, bị thử thách, bị tấn công từ nhiều mặt, nhân loại đang ở trong nhà lửa do chính mình tạo ra, đang bị bao vây bởi bức màn vô minh tà kiến chấp thủ. Thảm trạng này không phải nhân loại không có khả năng ổn định, cải thiện, nhưng vì khả năng đó được sai khiến hướng dẫn bởi tham vọng cá nhân, lợi ích phe nhóm, thay vì cùng hướng đến lợi ích cộng đồng.

Đành rằng, chúng ta đang sống trong thời đại hoàng kim của nền văn minh tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhưng có gì đảm bảo rằng chúng ta không bị tụt hậu về mặt văn hóa đạo đức, và đây cũng là thời điểm có quá nhiều bóng đen bao phủ, tội phạm lộng hành.

Trong một chừng mực nào đó, chúng ta đang có hòa bình, nhưng chỉ là thứ hòa bình ngoại giao, hòa bình trong hiệp ước, hòa bình giới hạn khu vực chứ chưa phải nền hòa bình toàn cầu, hòa bình vững chắc lâu dài được phát xuất từ những nhà lãnh tụ, những tâm hồn thật sự tha thiết về an lạc hạnh phúc cho cộng đồng nhân loại, ở đó bóng dáng của kỳ thị, chia rẽ, hận thù, lừa đảo không còn hiện hữu. Ở đâu và lúc nào các hiện tượng phi đạo đức xuất hiện như tranh chấp, bảo thủ, vô cảm, tha hóa, lừa đảo, manh động thì ta biết rằng ở đó văn hóa đã xuống cấp, đã suy đồi, thậm chí còn bị tàn phá và hủy diệt nữa. Thiếu văn hóa, người ta đối xử với nhau thô lỗ, tàn nhẫn, mất lịch sự, mất tư cách, thậm chí còn chà đạp lẫn nhau vì những cái tham vọng tầm thường nhỏ bé.

Thời đại bây giờ, cuộc sống bây giờ, thế giới bây giờ đang đẩy nhân loại vào ngỏ cụt, chưa có lối thoát. Con người đang gồng mình gánh chịu bao nhiêu là tai họa: Thiên tai, hạn hán, lũ lụt, đói nghèo, bệnh tật, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, chiến tranh thù hận, sa đọa, biến chất, thác loạn, băng hoại, lừa đảo… Tất cả thảm trạng này đều do ác nghiệp con người tích tập và chiêu cảm nên.

Trong mọi sự phá sản, phá sản tâm hồn là nguy hại nhất. Trong mọi sự mất mát, mất đạo đức là tàn bạo nhất. Trong mọi cái đẹp, cái đẹp nào bền vững nhất, giá trị nhất, hữu ích nhất, được mọi người tôn trọng nhất, là cái đẹp nào? Xin mời câu trả lời của tất cả quý vị.

Hơn bao giờ hết, cuộc sống hôm nay đang rất cần những nhân tố tích cực, có tâm có tầm, có tư cách văn hóa, biết cách ứng xử vì một cuộc sống tiến bộ, văn minh, ấm no, hạnh phúc. Hãy can đảm đẩy lùi cái xấu cái ác ra khỏi cuộc sống cộng đồng và cá nhân.

Máu của nhân loại đã đổ và vẫn còn tiếp tục đổ vì những nhân danh không cần thiết. Tham vọng và hận thù vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức. Bao nhiêu nền văn minh do con người dày công xây dựng, đã và đang bị con người tàn phá hủy diệt một cách vô lương tâm.

Đức Phật cũng đã từng dạy: “Cuộc sống thế nào là do ý thức con người tác động vào”. Và Ngài cũng nhấn mạnh đến đầu mối của mọi tình trạng xã hội đều do con người tạo ra: “Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng hay hành động với tâm thanh tịnh thì an lạc sẽ theo sau như bóng không rời hình” (Pháp cú). Ý thức tốt thì cuộc sống an lạc hạnh phúc. Ý thức xấu thì cuộc sống tối tăm đau khổ. Nghiệp lực hay hành động của con người là tác nhân của mọi hiện tượng xã hội.

Đức Phật cũng đã từng xác định: “Chính ta là tác giả của nghiệp, và cũng chính ta là người thừa kế sản phẩm của nghiệp” (Kinh Pháp cú).

- Ai làm chủ hành tinh này, nếu không phải là con người?

- Ai hủy diệt hành tinh này, nếu không phải là con người?

- Ai làm cho cuộc sống quá nhiều mâu thuẫn bất an, nếu không phải con người?

- Ai cứu giúp, cải thiện nâng cấp cuộc sống, nếu không phải con người?

Vì thế, muốn có cuộc sống tốt đẹp, thì phải có con người tốt đẹp, tức là con người hoàn thiện. Thật ảo tưởng về một xã hội hòa bình, văn minh, hạnh phúc, trong khi chính mỗi thành viên có trách nhiệm với hành tinh này đang ra sức bành trướng chiếm đoạt, trục lợi, tranh bá đồ vương trên nền tảng tham vọng vô minh chấp thủ.

Sự thị hiện của Đức Phật ở hành tinh này và bức Thông Điệp Hòa Bình mà Ngài đã đem đến cho nhân loại suốt mấy ngàn năm lịch sử chính là tinh thần giác ngộ và tình yêu thương chân thật. Tinh thần giác ngộ giúp chúng ta sống hợp với chân lý, tôn trọng sự thật, yêu chuộng công lý, có nghị lực thoát ra ngoài vô minh tà kiến. Tình yêu thương nhằm xây dựng, bảo vệ một cuộc sống hòa bình an lạc, không hận thù chia rẽ. Con người sống với nhau bằng tình yêu thương chân thật, biết tôn trọng và bảo vệ hạnh phúc người khác như chính hạnh phúc của chính mình. Mỗi cá nhân chúng ta hãy gieo hạt giống từ bi trí tuệ vào mảnh đất nhân sinh để màu xanh hòa bình mãi mãi được xanh tươi tốt đẹp. Mỗi người chúng ta hãy nỗ lực bảo vệ hành tinh này trước khi quá muộn.

Đức Từ phụ Thích Ca, người của hòa bình, những lời dạy của Ngài có giá trị bất hủ về thời gian và không gian, là nền tảng vững chắc, là tấm gương sáng về hòa bình, an lạc, hạnh phúc cho nhân loại. Đạo đức trí tuệ, tình thương yêu bao la trên nền tảng chánh pháp, mãi mãi còn cần thiết cho một thế giới đầy bất an mâu thuẫn.

- Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù

- Không có giai cấp trong giọt nước mắt cùng mặn, trong giọt máu cùng đỏ.

- Ai cũng sợ gươm đao, ai cũng thích sống còn.

- Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất.

- Không phải cha mẹ hay bà con, mà chính tâm hồn thanh tịnh, hiền thiện là cho ta được cao thượng.

Những lời dạy cao cả đầy nhân bản của Đức Phật như là những bông hoa từ bi ngào ngạt, hương thơm hòa bình nhân ái, nêu cao tinh thần bình đẳng, giữa người với người, giữa người với muôn loài, xem an lạc hạnh phúc của người khác như hạnh phúc an lạc của chính mình.

Trong không khí trang nghiêm ý nghĩa của Đại Lễ Vesak 2019, lời cuối cùng của chúng tôi là tha thiết rằng tất cả chúng ta, những người con Phật yêu đạo mến đời, đang có mặt ở đây cũng như khắp nơi trên mặt đất thân yêu, hãy chung lòng chung sức, chung lời cầu nguyện, cùng nhau hành động vì một thế giới hòa bình an lạc, vì một cuộc sống ấm no hạnh phúc, người người sống với nhau bằng tất cả tấm lòng yêu thương chân thật, cảm thông chia sẻ, tôn trọng bảo vệ nhau.

Để kết thúc trang hội thoại này, tất cả những người con Phật khắp năm châu, hãy thành tâm dâng lời cầu nguyện:

- Đã đến lúc ánh sáng của ngọn đèn chánh pháp phải được vận dụng một cách hữu hiệu để xua tan bóng đêm tà kiến đang bao phủ nhân loại, để đưa nhân loại trở về con đường giác ngộ.

- Đã đến lúc tiếng chuông từ bi phải được lắng nghe một cách tha thiết, để mọi trái tim cùng đập nhịp đập yêu thương xây dựng tình người, để giữ cho thế giới khỏi biến thành biển lửa chiến tranh thù hận.

- Đã đến lúc bức Thông Điệp Hòa Bình mà Đức Phật đã đem đến cho nhân loại phải được trân trọng và phát huy môt cách hiệu quả trên tinh thần yêu thương hóa giải.

“Hận thù không dập tắt được hận thù

Chỉ có tình thương mới xóa bỏ được hận thù”.

Nguyện cầu bóng tối tiêu tan, tình thương thể hiện.

Nguyện cầu thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Nguyện cầu tất cả chúng sanh đều được an lành trong chánh pháp.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6294245