Thông tin

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU CÁC MÔ HÌNH TỔ CHỨC PHẬT GIÁO

Ở MIỀN BẮC THỜI KÌ TIỀN CHẤN HƯNG

 

TS. DƯƠNG THANH MỪNG*

 


Chùa Vũ Thạch (Võ Thạch) , Hà Nội

 

1. Hội Nghiên cứu Phật học

Tháng 9/1931, Nguyễn Gia Huy (Chủ nhiệm báo Thần Nông) và một số cộng sự đã đứng ra vận động chấn hưng Phật giáo. Theo ông: “Ngày xưa ở Việt Nam đạo Phật phát triển là thế mà ngày nay thì suy đồi, Phật pháp càng ngày càng mờ mịt, gương từ bi, bác ái cứu thế độ nhân kia hình như đã bị bụi mờ che lấp. Than ôi, chẳng qua là trong Phật giáo thiếu người tài đức hoàn toàn... Nay  vì cái tôn chỉ từ bi bác ái, cái mục đích khuyến thiện nên chẳng quản khó khăn và những lời dị nghị mà khởi xướng ra việc chấn hưng Phật giáo. Chấn hưng phật giáo là một vấn đề có quan hệ mật thiết đến tinh thần, đạo đức, hạnh phúc của quốc dân ta buổi hiện tại và tương lai1.

Vậy, chấn hưng Phật giáo bằng cách nào? Trước tiên, phải cùng nhau đóng góp công sức nghiên cứu, so sánh các học thuyết Đông - Tây, lấy những điểm tương đồng, tinh túy của hai nền văn minh để làm chính lí. Còn những điều dị đoan, phi lí phải quyết diệt trừ. Điểm nào sai thì phải thay thế, bổ sung cái đúng, cái mới vào. Tiếp đến, phải làm đơn xin phép chính phủ thành lập một thư viện Phật học, thỉnh đủ tam tạng kinh Phật cùng các loại sách báo bằng chữ Hán, chữ Pháp về lưu trữ. Các bậc cao tăng sẽ cùng với cư sĩ, các nhà trí thức đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu, phiên dịch kinh sách Đông - Tây sang chữ Quốc ngữ để phổ biến rộng rãi cho mọi người. Khi công việc phổ biến kinh sách đã thực hiện được rồi thì sẽ xin phép thành lập Phật học đường để dạy các tăng ni, Phật tử cho thông thạo ngũ giáo, tam thừa. Từ đó, mới phân bổ ra trụ trì ở các chùa. Làm được như vậy thì chư tăng mới có đủ tài năng, đức hạnh để giáo hóa đệ tử nơi mình trụ trì. Cuối cùng, phải xuất bản một tờ tạp chí Phật giáo để làm cơ quan ngôn luận cho việc chấn hưng2.

Sau khi đọc được bài viết của Nguyễn Gia Huy, Đàm Xuyên rất mực thích thú và cho rằng, “Phật giáo rất có lợi cho nhân quần, ai bảo tôn giáo này là chán đời, ru ngủ thì ta chẳng quyết nên tin. Học Phật phổ nguyện đồng nhân nên phải học Phật, ta muốn cách vật tất phải học Phật; ta muốn trí tri tất phải học Phật; ta muốn thành ý tất phải học Phật; ta muốn chính tâm tất phải học Phật; ta muốn tu thân tất phải học Phật; ta muốn trị quốc bình thiên hạ tất phải học Phật. Vậy thì không cứ phải là người xuất gia phải nên học Phật mà những người tại gia chúng ta lại càng nên học Phật3.

Hòa thượng Thanh Tường (Đinh Xuân Lạc) Chùa Võ Thạch, phố Gia Long, Hà Nội cũng bày tỏ sự đồng thuận với các nội dung công việc mà Nguyễn Gia Huy đã nêu ra. Đồng thời kêu gọi: “Xin phụng khuyến phái nhà thuyền ta nhủ tinh từ mẫu, xả tâm lòng riêng, chớ vì những sự bại hoại giới luật mà nén lòng xót thương, cũng chớ vì những thói mê hoặc ngu si đó mà quên lòng tế độ, cốt sao cùng nhau phát tâm hành nguyện, tinh tấn tu trì, lấy tâm Phật làm tâm mình, phụng việc Phật, làm việc mình, hoặc thị pháp để quần chúng noi giữ và làm cho đạo Phật ngày càng mở mang, đức Phật ngày càng rộng khắp4.

Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của nhiều cá nhân, ngày 14/3/1932, Nguyễn Gia Huy cùng với Trần Đức Tiến (Hội trưởng Hội Ái hữu Tương tế Đông Dương, Association Amicale de Secours mutuels des Fonctionnaires Indochinois, viết tắt là ASECOURFI) đã gửi đơn và bản dự thảo điều lệ lên chính quyền thuộc địa Pháp để xin được cấp phép thành lập một tổ chức nghiên cứu Phật học5. Đơn thư giải trình rằng, hiện tại chính quyền thuộc địa Pháp đang rất quan tâm đến đạo Phật. Nhờ sự quan tâm này mà các cơ quan nghiên cứu Phật giáo đã được thành lập tại Nam Kì cũng như tại Campuchia và Lào. Tuy nhiên, tại Bắc Kì và Trung Kì vẫn chưa có một tổ chức hay một tạp chí Phật giáo nào cả. Việc thành lập các tổ chức Phật giáo không những sẽ sẽ giúp cư dân bổn quốc hướng đến các giá trị chân thiện của đạo Phật mà còn mang đến nhiều giá trị tích cực cho công cuộc trị an. Và tất nhiên, để thuyết phục được chính quyền thuộc địa thì đơn thư phải nêu rõ mục đích thành lập Hội là để truyền bá sâu rộng Phật giáo vào trong đời sống xã hội và thực hành tôn chỉ từ bi cứu khổ của đức Phật Di Đà; đồng thời, các sinh hoạt của Hội chỉ giới hạn trong phạm vi giáo lí, tư tưởng của đạo Phật (khoản 2). Cách thức tổ chức, sinh hoạt của Hội sẽ mô phạm theo các tổ chức Phật giáo đương thời mà trực tiếp là Hội Nam Kì nghiên cứu Phật học. Điều đáng chú ý là nhu cầu thành lập Hội của hai ông không chỉ bó hẹp trong phạm vi Bắc Kì mà còn mở rộng ra cả Nam Kì và Trung Kì.

Dù việc lập hội chỉ thuần túy là để canh tân Phật giáo, nhưng khi phát hiện các vụ việc “lùm xùm” của hai nhà tiên phong sáng lập thì chính quyền thuộc địa đã không phê chuẩn6. Ngoài những nguyên nhân này chúng tôi cho rằng, một phần nguyên do còn bắt nguồn bởi những suy nghĩ giản đơn trong việc lập hội. Hai ông có lòng thành tâm muốn khắc phục những hạn chế mà Phật giáo đang vấp phải. Việc lập hội, lập Phật học đường, mở thư viện, phiên dịch kinh sách Phật giáo là những hướng đi đúng đắn và phù hợp yêu cầu của công cuộc chấn hưng đương thời. Tuy nhiên, bản dự thảo điều lệ được xây dựng còn quá đơn giản (9 điều khoản), chưa nêu bật được những vấn đề có tính trọng tâm như: Quy cách hoạt động của hội, cơ cấu tổ chức, chức năng, quyền hạn của các ban, các hội viên tham gia... Phạm vi hoạt động của Hội cũng quá rộng (cả nước), và đây là một điều rất khó để thuyết phục được sự đồng ý của thực dân Pháp. Hơn thế, quan điểm cải cách Phật giáo của hai ông và cả những thành viên ủng hộ vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự thỏa đáng. Chẳng hạn như Nguyễn Gia Huy cho rằng: “Muốn cùng nhau chấn chỉnh mà cũng là vì sự liên lạc của cái nhân quả chung, vì chẳng bao lâu nữa sẽ có đức Phật Maitreya (tức là đức Phật Di Lặc - TG) nối quyển đức Phật Thích Ca giáng thế mà làm chủ Hội Long Hoa (được hình thành khi đức Phật Di Lặc thành Phật) để phổ độ chúng sinh lần thứ ba. Lần thứ nhất là đức Thích Ca ra đời, lần thứ hai là đức Jésus Christ giáng sinh... Chúng ta có một nền tôn giáo vững vàng bền mĩ, ai cũng trở nên đạo đức, đến khi đức Phật (Di Lặc) ra đời có nhiều người trúng tuyển Hội Long Hoa thì đại phúc cho cả nhân loại ta vậy7. Hay như đối với Đàm Xuyên Nguyễn Phan Lãng lại có xu hướng muốn đưa các giá trị tinh túy của Nho giáo vào trong việc phát huy tầm ảnh hưởng của giáo lí Phật giáo: “Lấy Phật giáo phụ vào Nho giáo thì Nho giáo mới càng rõ mà Nho giáo hợp với Phật giáo thì càng tỏ vậy8.

2. Hội Phật giáo Lục hòa

Năm 1932, phong trào chấn hưng Phật giáo mở rộng quy mô ra các địa phương trong cả nước. Tin tức về các hoạt động chấn hưng Phật giáo được đăng tải rộng rãi trên báo chí đã thôi thúc sa môn Trí Hải tiếp tục thực hiện chí nguyện thành lập tổ chức của mình. Các hoạt động của Lục hòa Tịnh lữ được khơi lại nhằm minh định cho tính cấp thiết của việc lập hội và sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người. Tuy nhiên, ngay tại Hà Nội, trung tâm chính của các dự định thì sa môn Trí Hải lại không nhận được sự quan tâm của nhiều tăng sĩ, nhất là tại các chùa lớn như Bà Đá, Hòe Nhai, Liên Phái... Họ cho rằng: “Phật giáo vẫn hưng thịnh, chùa vẫn làm, tượng vẫn tô, chuông vẫn đúc, khách thập phương vẫn đi lại đông đúc, tấp nập vui vẻ, có gì sứt mẻ đâu mà phải chấn hưng?9. Trước tình hình như vậy, sa môn Trí Hải đã chuyển hướng sang cộng tác với các cư sĩ có nhiều nhiệt tâm chấn hưng Phật giáo như Lê Toại (làm việc tại Dinh Đốc lí, Hà Nội), Trần Văn Giác (làm việc tại Sở Thương chính Hà Nội), Nguyễn Hữu Kha (Thiều Chửu), Vũ Đình Chung (Hội trưởng Hội ái hữu Tương tế Đông Dương).

Để thành lập hội, thì việc soạn thảo điều lệ có vai trò rất quan trọng, thứ đến là phải thuyết phục được chính quyền thuộc địa Pháp chấp thuận. Đầu tháng 11/1932, các thành viên dự thảo xong bản điều lệ với tổng cộng 12 chương, 66 điều. Ông Vũ Đình Chung được bầu làm Hội trưởng lâm thời. Nhìn chung, các điều khoản được xây dựng có tính mô phạm theo bản điều lệ của Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học. Các nội dung chủ đạo được đề cập như tên gọi, mục đích, địa điểm hoạt động; cơ cấu tổ chức cũng như chức năng, quyền hạn của Ban Chứng minh, Ban Trị sự; điều kiện gia nhập hội hoặc bị trục xuất, các hạng hội viên và quyền lợi khi tham gia vào hội; cách thức nhóm họp thường lệ và thường niên; tài sản của hội; việc sửa đổi bổ sung điều lệ quy tắc, giải tán hội...

Tổ chức mà các thành viên dự định thành lập là “Bắc Kì Phật giáo Lục hòa hội”. Mục đích là để: Bảo tồn các giá trị truyền thống của đạo Phật; thống nhất các phương pháp tu tập và sinh hoạt trong tăng chúng; xóa bỏ các hình thức thờ phụng, cúng bái không đúng với giáo lí của đạo Phật; tuyên truyền, phổ biến cũng như phát huy tầm ảnh hưởng của Phật giáo vào trong đời sống xã hội; thành lập Phật học đường đào tạo tăng tài theo đúng phong cách của các trường Pháp - Việt; xây dựng nhà dưỡng lão, nhà nuôi dưỡng trẻ em mồ côi cũng như tăng cường các hoạt động từ thiện nhằm cứu giúp cho những người nghèo khổ. Hội viên của Hội cũng được phân định thành 5 hạng là Danh dự, tán trợ, thường trợ, sáng lập, ngoại hộ. Điểm khác biệt so với Hội Nam Kì nghiên cứu Phật học là Hội dự định sẽ suy tôn một vị tăng già có đủ đạo hạnh, tài năng lên ngôi Pháp chủ để quản lí, trong coi các việc chung trong toàn Hội.

Sau khi soạn thảo xong điều lệ, các thành viên dự định sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của Hòa thượng Thanh Tường - một nhân vật có nhiều ảnh hưởng trong giới Phật giáo ở miền Bắc cũng như có mối giao hảo tốt đối với giới chức chính quyền. Tuy nhiên, Hòa thượng Thanh Tường lại không tán thành chủ trương này. Trước tình hình như vậy, các thành viên sáng lập đã quyết định tự mình thực hiện. Giữa tháng 11/1932, đơn xin lập hội và dự thảo điều lệ đã được gửi lên văn phòng Thống sứ Bắc Kì. Nhân sự giới thiệu tham gia được mở rộng và có những sự điều chỉnh nhất định. Hội trưởng lâm thời đến thời điểm này được thay thế bằng Hòa thượng Nguyễn Văn Ất (Chùa Tây Thiên, Phúc Yên), phó Hội trưởng là Vũ Đình Chung, Thủ quỹ là Phạm Văn An (chùa Quốc sư, Hưng Yên), Thư kí là Đỗ Chân Bảo (chùa Tú Uyên, Hà Nam), phó Thư kí là Nguyễn Hoạch. Bốn cố vấn là Phạm Văn Gia (chùa Bồ Đề, Bắc Ninh), Phạm Văn Nhu (chùa Thanh Giang, Hà Nam), Trần Văn Giác (Phán sự Thương chính, Hà Nội), Nguyễn Tấn Khuê (thương gia). Kiểm soát là Hòa thượng Hải Châu (Vũ Đình Ứng, chùa Hải Linh, Hải Dương) và Nguyễn Xuân Hạnh (Thư kí Sở Kiểm toán, Hà Nội). Ngoài Ban Trị sự, các thành viên còn mời thêm ba vị cao tăng để lập nên Ban Chứng minh (Ban Cố vấn) và một số quan chức người Pháp, người Việt tham gia vào Ban Danh dự.

Chính quyền thuộc địa Pháp sau khi xem xét đơn thư và cho người điều tra đã không chấp thuận vấn đề này. Theo quan điểm của thực dân Pháp thì tại Nam Kì, nhiều tôn giáo mới xuất hiện và quy tụ ngày càng đông tín đồ tham gia nên sẽ đem đến những phiền toái nhất định cho công cuộc trị an. Việc cho phép thành lập các tổ chức Phật giáo ở vùng đất này sẽ phân định được tín đồ của các tôn giáo để từ đó có những cơ chế quản lí phù hợp. Trong khi ở Bắc Kì chưa thực sự cần đến việc lập hội thì sự xuất hiện một số thành viên trong ban sáng lập đã gây sự chú ý đối với chính quyền thuộc địa Pháp. Các nhân vật như Nguyễn Văn Ất, Lê Toại, Nguyễn Tấn Khuê,... bị liệt vào danh sách theo dõi do có tư tưởng chống Pháp. Bên cạnh đó, một số giáo sĩ ở Bắc Kì do lo ngại việc thống nhất Phật giáo sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình truyền đạo nên đã có những văn bản báo cáo gây bất lợi cho quá trình vận động thành lập Hội10.

Mặc dù chỉ mới xin phép thành lập nhưng ngay trong bản điều lệ các thành viên đã thể hiện nhiều “ý tưởng lớn lao” và điều này chắc chắn sẽ khó lòng thuyết phục được chính quyền Pháp. Chẳng hạn như thời gian tồn tại của hội là vĩnh viễn, hội cũng không giới hạn về số lượng người tham gia. Trong khi đó, từ tháng 2/1933, chính quyền thuộc địa Pháp đã ban hành Sắc lệnh để quản lí chặt chẽ hơn việc thành lập các tổ chức, các đoàn thể (dù 2-3 người cũng phải xin phép). Bất lợi tiếp theo là sự phản đối của các tăng sĩ trong phái Cổ sơn môn. Các vị tăng sĩ có uy tín và có tầm ảnh hưởng như Hòa thượng Đỗ Văn Hỉ, Đinh Xuân Lạc đã lên tiếng phản đối vì cho rằng, lực lượng cư sĩ không thể lãnh đạo các sơn môn, hệ phái mà họ chỉ có vai trò ngoại hộ; việc thành lập các tổ chức Phật giáo sẽ phá vỡ cấu trúc truyền thống của Phật giáo xưa nay... Đọc bức thư của Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc gửi các thành viên trong Hội Phật giáo Bắc Kì Cổ sơn môn chúng ta càng hiểu rõ hơn vấn đề này: “Ngay từ đầu chúng tôi hô hào những người đồng chí hoặc tăng, hoặc tục cùng nhau gia công, gắng sức để cho đạt tới các mục đích chung. Lúc ấy các sư ở chùa Bà Đá không biết vì lẽ gì không những không hợp sức với chúng tôi mà lại lập riêng ra một phái... Như thế thật là một việc trái với cái nghĩa lục hòa trong đạo Phật và lại không thích hợp với cái chủ đích của chúng tôi định vì tôn giáo mà tiến hành. Đã hay rằng, các ngài có quyền tự do hành động nhưng vì hai bên đã thành ra đối lập thì sự hợp tác không sao có được. Đạo Phật chỉ có một, không có hai, thì việc làm cũng phải thống nhất chứ không thể có phái nọ, đảng kia được. Nay chúng tôi thiết tưởng chỉ có hai con đường, một là hợp tác thì chỉ có một cơ quan chấn hưng Phật giáo mà thôi. Hai là cứ để vậy, ai theo con đường nào thì cứ con đường ấy mà đi. Việc phải trái xin để công luận phân xử”11.

Dù không được chính quyền thuộc địa Pháp cấp phép thành lập nhưng sự xuất hiện của hai tổ chức này đã tạo nên một làn sóng cải cách, chấn chỉnh Phật giáo mạnh mẽ ở miền Bắc. Quan trọng hơn, là việc đúc kết các kinh nghiệm thực sự cần thiết để chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho một tổ chức mới ra đời.

 


* Khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị khu vực III, Đà Nẵng.

1. Nguyễn Gia Huy (1931), “Bàn về chấn hưng Phật giáo”, Thần Nông báo, số 83, tr.27-28.

2. Nguyễn Gia Huy (1931), “Chấn hưng Phật giáo cách nào?”, Thần Nông báo, số 88, tr.24-28.

3. Đàm Xuyên (1931), “Biểu đồng ý về bài Thuyết minh Phật giáo”, Thần Nông báo, số 92, tr.25-29.

4. Thanh Tường (1932), “Đọc bài thuyết minh Phật giáo”, Thần Nông báo, số 97, tr.24-26.

5. Thần Nông báo (Revue Agricole Hebdomadaire) phát hành vào ngày chủ nhật, số ra đầu tiên ra mắt bạn đọc vào ngày 1/12/1929. Ngoài các tin tức về nông nghiệp, tờ báo này còn cho cho đăng tải rất nhiều bài viết về Phật giáo như: Du lịch xứ Phật, Truyện Phật Thích Ca của Đoàn Trung Còn (số 71, 75, 77, 79, 80, 82, 85...); Thuyết minh Phật giáo, Phê bình Phật giáo, Phật giáo nước ta ngày xưa và ngày nay, Bàn về chấn hưng Phật giáo (số 83); Nói về sự tu hành (số 86); Chấn hưng Phật giáo cách nào (số 88), Phật pháp (số 89); Làm thế nào mà Đông Pháp được thấy đạo Phật thịnh hành như xưa (số 90); Phật giáo cần phải xướng minh (số 92); Giải cái thuyết Cánh chí thành chính tu tề trị bình tất phải học Phật (số 98), Phật pháp vô vi (số 99); Giải cái thuyết Phật giáo không phải là yếm thế (số 100); Pháp môn niệm Phật (số 101).

6. Hội trưởng Trần Đức Tiến bị nhiều hội viên tố cáo là đã cắt giảm kinh phí của Hội để phục vụ cho các mục đích cá nhân. Ông Nguyễn Gia Huy sau khi bị chính quyền thuộc địa Pháp yêu cầu giải trình và làm rõ hơn các điều khoản trong bản quy tắc và điều lệ thì đã “bàn giao” hết mọi trách nhiệm cho ông Trần Đức Tiến. Báo Thần Nông từ số 101 trở đi cũng bỏ luôn chuyên mục về Phật giáo (báo đình bản năm 1933 với tổng cộng 120 số).

7. Nguyễn Gia Huy (1931), “Bàn về chấn hưng Phật giáo”, Thần Nông báo, số 83, tr.27-28.

8. Đàm Xuyên (1932), “Phật giáo cần phải xướng minh”, Thần Nông báo, số 98, tr.22-27.

9. Trí Hải (2004), Hồi kí thành lập Hội Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.14-17.

10. “Note from chief of police of Tonkin to résident supérieur of Tonkin and director of political affairs and sureté in Hanoi”, CAOM Fonds GGI, Series Faffaires Politiques, Dossier 65540, No.6268/S, 1935, pp.1-2.

  11. Nguyễn Năng Quốc (1935), “Kính phúc ông Chủ nhiệm tạp chí”, Tiếng Chuông sớm, số 3, tr.37-38.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6130287