Thông tin

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ GIÁO HỘI LỤC HOÀ TĂNG NAM VIỆT

 

TS. DƯƠNG THANH MỪNG
Học viện Chính trị Khu vực III, Đà Nẵng

 

1. Bối cảnh thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Nam Việt

Ngày 8/11/1951, chùa Giác Lâm (Phú Thọ, Sài Gòn) tổ chức ngày giỗ cho Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh. Tại buổi lễ này, vấn đề xây dựng, củng cố lại tinh thần Lục hòa trong Tăng giới Nam Việt đã được các vị Hòa thượng chùa Bình Hòa, Giác Ngộ, Hưng Long, Bảo Quốc và một số Tăng, Ni, Phật tử khác đưa ra bàn luận rất sôi nổi. Các vị đã bày tỏ sự trăn trở và ưu tư của mình rằng: “Chư sơn Phật giáo miền Nam thật là thờ ơ, lãnh đạm, rời rạc, chia phôi. Lớp thì riêng phần tông phái, nhân ngã tự hào, môn định biệt lập, địa vị tự tôn. Đối về phần hình thức hiện tại và dân trí xã hội thì những phần tử ấy đã trở thành những người lạc hậu. Vậy thì bọn lão thành ta đây đâu nỡ để nguy ngập nền Phật giáo tương lai của Nam Việt hay sao1. Hoà thượng Chánh Quang đã nêu ra hai khuyết điểm của Phật giáo Nam Bộ đương thời, đồng thời, cũng chính là hai nguyên do cần phải tiến đến thành lập một tổ chức giáo hội rằng: “Khuyết điểm thứ nhất, Tăng giới Việt Nam chưa có hệ thống chặt chẽ, chưa có sự đoàn kết Lục hòa. Tuy đã có những Hội Phật học ra đời như Từ Bi Âm ở Sài Gòn, Duy Tâm ở Trà Vinh, Bát Nhã Âm ở Bà Rịa, Tiến Hóa ở Rạch Giá, nhưng mỗi hội đều hoạt động trong phạm vi của mình, nên sự bành trướng của các Hội cũng chỉ ảnh hưởng một vài địa phương chứ chưa ảnh hưởng toàn xứ Nam Việt. Quý sư cụ đã từng kêu gọi Phật giáo đoàn kết, nhưng lời kêu gọi đó chưa đem lại kết quả thực sự. Hiện nay, thời thế đã thay đổi, nền tảng Phật giáo cần phải xây đắp lại, tăng giới cần phải đoàn kết đánh tan những sự chia rẽ nhỏ hẹp, bỏ những lối thành kiến ích kỷ để đạt đến mục đích dữ lạc, bạt khổ cho tất cả chúng sinh. Khuyết điểm thứ hai, mấy mươi năm qua Tăng giới chưa có một giáo hội chính thức, chưa có một vị Tăng trưởng tối cao để giữ vững môn phong. Do vậy trong Phật giáo thường xảy ra lắm điều lạm dụng phi pháp. Muốn khỏi bị lợi dụng thì Tăng giới cần phải đoàn kết lại2.

Ngày 25/11/1951, một lễ kỳ siêu được tổ chức tại chùa Giác Ngộ. Buổi lễ đã quy tụ đông đảo các bậc tôn túc cùng các Tăng Ni, Phật tử, các cư sĩ và giới trí thức Nam Việt tham gia. Trước cơ duyên thuận lợi như vậy, Chư vị hòa thượng chùa Bình Hòa, Giác Ngộ, Hưng Long, Bảo Quốc đứng ra kêu gọi các Tăng, Ni, Phật tử đồng tâm nhất trí thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng tại Nam Việt, đồng thời suy cử Hòa thượng chùa Trường Thạnh và chùa Phật Ấn làm Chứng minh cho Giáo hội. Và để có thể đi vào hoạt động một cách hợp pháp, các Tăng, Ni, Phật tử đã khởi thảo một bản điều lệ, quy tắc cùng một tờ trình gửi lên chính quyền đương thời. Trên cơ sở đó, ngày 25/1/1952, Thủ hiến Phủ Nam Việt cấp Giấy phép Số 270-VP/HCSV, cho phép Giáo hội Lục Hòa Tăng Nam Việt đi vào hoạt động. Hội quán lâm thời đặt tại chùa Phật Ấn, Đại lộ Trần Hưng Đạo, Sài Gòn và Văn phòng Thường Trực đặt tại chùa Thiên Tôn, số 9, đường An Bình, Chợ Lớn.

Ngày 15/2/1952 (Âm lịch), Giáo hội Lục Hòa Tăng Nam Việt tổ chức lễ suy tôn ngôi vị Đại Tăng trưởng. Mục đích là để làm đại biểu cho Phật giáo đồ miền Nam thực hiện công cuộc chỉnh đốn Tăng già, cải tổ cách thức tu tập và sinh hoạt cho phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại. Phát biểu tại buổi lễ suy tôn Đại Tăng trưởng, Hòa thượng Chánh Quang cho rằng: “Tăng giới trong xứ Nam Việt cần phải hợp tác nhau lại để sửa đổi quy điều gì cần sửa đổi cho thích hợp với trào lưu tiến hóa, bởi Phật pháp là bất định pháp. Nghĩa là Phật pháp là một phương pháp không nhất định, không cố thủ trong một thành kiến nào, tùy trình độ tiến hóa của nhân loại mà Phật pháp phải tùy cơ duyên hóa độ, trừ hết sự khổ đau và ban bố niềm vui cho tất cả chúng sinh. Muốn đạt được mục đích này thì trách nhiệm trừ khổ, ban vui phải do Tăng giới đảm nhận. Tăng giới muốn làm tròn trách nhiệm thì phải hợp tác nhau lại để thảo luận những quy điều cần thiết như: Sắc phục, giáo lý, nghi lễ, giới luật, đều phải tuân giữ như nhau, tự mình buộc lấy mình để làm mô phạm cho đồ chúng. Về khẩu giáo thì dạy tín đồ những việc nên làm, bỏ những việc sai trái. Về thân giáo, đi đứng, nằm, ngồi thì phải có uy nghi, phép tắc. Về ý giáo thì phải từ bỏ những tư tưởng xấu xa, quy nạp những tư tưởng tốt đẹp, cao siêu, trong sạch và sáng suốt3.

Ngày 9-10/3/1952 (14-15/2), Giáo hội Lục Hòa Tăng Nam Việt chính thức làm lễ ra mắt tại chùa Long An, Sài Gòn. Cơ cấu tổ chức của Giáo hội lúc này được chia làm 3 ban là Ban Chứng minh, Ban Chức sự và Ban Hoằng pháp. Hòa thượng Thiện Tòng trụ trì chùa Trường Thạnh (Sài Gòn) được bầu làm Đại Tăng trưởng, Hòa thượng Pháp Nhạc chùa Long An làm Phó Tăng trưởng, Hòa thượng Thành Đạo (Trần Văn Ước) chùa Phật Ấn làm Tăng giám, Hòa thượng Huệ Chí làm Tổng Thư ký, Thủ quỹ là Đoàn Trung Còn. Ban Chức sự gồm 17 vị đến từ các chùa: Hòa thượng chùa Trường Thạnh, chùa Giác Ngộ, chùa Bình Hòa, chùa Phật Ấn, Giác Hoàng, Long An, Thiên Bửu, Diệu Giác, Bửu Đà; Yết ma chùa Thiên Phước, Báo Quốc, Tứ Phước, Khánh Hưng, Từ Thoàn, Chưởng Thánh; Giáo thọ chùa Giác Lâm và giảng sư Huệ Chí4. Ban Hoằng pháp có Hoà thượng Pháp Lan chùa Khánh Hưng và Hòa thượng Huệ Thành chùa Long Thiền. Văn phòng Trung ương đặt tại chùa Trường Thạnh.

Ngay trong số ra đầu tiên, Phật học Tạp chí, cơ quan ngôn luận của Giáo hội đã khẳng định rằng: “Giáo hội Lục Hòa Tăng là của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng thỉ. Ngày nay Giáo hội Lục Hòa Tăng tiếp tục cũng là vâng theo cái sự tổ chức rộng rãi của Phật, không phân chia giàu, nghèo, sang hèn, xuất gia hay tại gia, không phân định ranh giới, không bó buộc trong một phạm vi hẹp hòi như các hội thế gian. Hễ ai là người biết niệm Phật và gìn giữ theo sáu phép Lục hòa tức là hội viên của Giáo hội Lục Hòa Tăng vậy5. Hòa thượng Thành Đạo cũng cho rằng: “Theo quan điểm bình đẳng duy nhất của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam (Cổ Sơn Môn) thì người Phật tử Việt Nam cần phải giữ vững lập trường của Phật tử Việt Nam. Cố gắng duy trì những cái hay, cái đẹp trong Phật giáo do tiền bối của chúng ta để lại; đừng hấp tấp bắt chước theo những hình thức không lợi ích gì cho phong tục tín ngưỡng Phật giáo nơi xứ sở của mình. Không vì lý do nào người Việt Nam muốn tu học Phật pháp buộc phải ăn cơm Ấn Độ và sống chung với người Ấn Độ mới được thành Phật6.

Trong không khí hân hoan từ sự ra đời của một tổ chức Phật giáo mới, Yết ma Phước Nguyên đã có bài thơ mừng rằng:

“Giáo hội tùy thời độ chúng ta,

Vang rền kêu gọi kẻ thiền na.

Mau chân trở lại con đường giác,

Lẹ bước quay về đạo Thích Ca.

Trước phải lo đền ơn Tổ đức,

Sau rồi báo bổ nghĩa ông cha.

Chơi vơi giữa biển, thuyền may gặp,

Quyết chí noi theo phép Lục hòa”.

Tôn chỉ của Giáo hội được xác định là: “Từ bi, bác ái, tự giác, giác tha”. Phương châm hoạt động của Giáo hội là xây dựng một quan niệm từ bi, bác ái cứu khổ đối với chúng sinh chung cho toàn thể Phật giáo đồ trên tinh thần hành động: 1/Không trừu tượng, viễn vông, ích kỷ; 2/Nâng cao sự đoàn kết, nhất trí của Phật giáo đồ trên nghĩa vụ “dữ lạc, bạc khổ”; 3/Phê phán những câu kinh, bài kệ từng bị chế độ phong kiến xuyên tạc, đồng thời, vạch rõ chân lý của đạo Phật; 4/Tăng cường ý chí bác ái, hòa bình của người Phật tử trên cơ sở lợi lạc quần sinh của Phật; 5/Xây dựng đời sống tự lực, tự chủ cho toàn thể Tăng Ni, hướng dẫn Tăng Ni có một nghề nghiệp thích ứng với xã hội7.

Về kế hoạch hoạt động được các thành viên nòng cốt của Giáo hội Lục Hòa Tăng Nam Việt xác định rằng: Trước tiên, phải xây dựng Hội quán chính thức để làm trung tâm cho Giáo hội Lục Hòa Tăng ở khắp 21 tỉnh thành Nam Việt. Tiếp theo là phải lập Phật học đường. Bởi theo Giáo hội, một quốc gia phú cường hay suy vong đều do nhân tài đảm nhận. Phật giáo suy đồi hay hưng thịnh cũng đều do Tăng tài gánh vác. Muốn có những thế hệ Tăng tài có khả năng đảm đang được các hoạt động Phật sự thì Giáo hội Lục Hòa Tăng Nam Việt cần phải lập Phật học đường, tổ chức cô nhi viện, nhà dưỡng lão, cứu tế xã hội nhằm hàn gắn những vết thương cho nhân loại.

Năm 1954, Giáo hội Lục Hoà Tăng Nam Việt tổ chức một cuộc họp nhằm để kiện toàn cơ cấu tổ chức của mình. Theo đó, nhân sự của Giáo hội trong năm này đã được bầu lại như sau: Ban Chứng minh với sự tham gia của các vị Hòa thượng chùa Giác Ngộ (Chợ Lớn), Bình Hòa (Bình Đông), Bửu Lâm (Mỹ Tho), Long Khánh (Trà Vinh). Ban Chức Sự gồm: Đại Tăng trưởng là Hòa thượng Thiện Tòng (Sài Gòn), Tăng giám là Hòa thượng Thành Đạo (Nancy), Phó Tăng giám là Hòa thượng Minh Đức (Chợ Lớn), Kiểm soát là Hòa thượng Huệ Thành (Biên Hòa) và Tâm Đồng (Thủ Dầu Một), Chánh Giáo sư là Hòa thượng Pháp Nhạc (Sài Gòn), Thủ quỹ là Đoàn Trung Còn (Sài Gòn), Tổng Thư ký là Giảng sư Huệ Chí (Bến Tre), Thư ký là Giáo thọ Huệ Sinh (Sài Gòn), Phó Thư ký là Cư sĩ Thanh Đạm. Ban Hoằng pháp do Giảng sư Huệ Chí làm Trưởng ban, phụ trách Ban là Yết ma Bửu Chánh (Thủ Đức), Giảng sư Chơn Như (Châu Đốc). Cũng trong năm này, Giáo hội đã thành lập thêm 4 Tiểu ban mới: Ban Nghiên cứu do Yết ma Bửu Ngọc (Thủ Đức) làm Trưởng Ban, phụ trách là Pháp Nhạc, Huệ Chí, Bửu Chánh; Ban Nghi lễ tổ chức do Hòa thượng Diệu Giác (Gia Định) làm Trưởng ban, phụ trách là Giáo thọ Thiện Xuân (Chợ Lớn) và Cư sĩ Thiện Trực (Sài Gòn); Ban Thông sự do Yết ma Quảng Đạt làm Trưởng ban, phụ trách là Giáo thọ Thiện Tâm (Phú Nhuận); Ban Giám đốc Trường Phật học là Hòa thượng Huệ Chí, Giám trường là Giáo thọ Thiện Phú, Quản sự là Giáo thọ Thiện Xuân, phụ trách tài chính là cô Tư Trung Hòa8.

Trên cơ sở của sự ổn định về mặt cơ cấu tổ chức, nhân lực tham gia cùng sự mở rộng về phạm vi ảnh hưởng, năm 1956, dưới sự chỉ đạo của các bậc cao Tăng trong chốn tòng lâm Cổ Sơn Môn Nam Việt mà tiêu biểu Hòa thượng Thiên Trường, Hoằng Đức, Đạt Thanh, 4 nhân vật là Hòa thượng Thiện Tòng, Thành Đạo, Minh Đức và Huệ Chí đã đứng ra hiệu chỉnh lại bản điều lệ, thành lập Ban chức sự lâm thời, đồng thời gửi đơn lên chính quyền đương thời để xin được phê duyệt. Đến ngày 1/10/1957, Bộ Nội Vụ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ký Nghị định số 93-BNV/NA-P5, về việc chấp thuận bản điều lệ, quy tắc cũng như việc cải tổ Giáo hội Lục Hòa Tăng Nam Việt thành Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam. Như vậy, đến đây phạm vi hoạt động của Giáo hội đã được mở rộng từ khu vực Nam Bộ sang cả nước. Đây là một thành công rất lớn của tổ chức này.

Theo thống kê thì đến tháng 10/1958, Giáo hội Lục Hoà Tăng Việt Nam đã có 12 chi nhánh ở các tỉnh thành là: Chi nhánh ở Sài Gòn do Hòa thượng Kiễn Phước làm Tăng trưởng, chi nhánh ở Gia Định do Hòa thượng Long Vân làm Tăng trưởng, chi nhánh ở Định Tường do Hòa thượng Linh Phước làm Tăng trưởng, ở Bình Dương do Hòa thượng Hội Khánh làm Tăng trưởng, ở Quảng Ngãi do Hòa thượng Trí Hưng làm Tăng trưởng, kiêm đại diện Giáo hội Trung phần và Cao Nguyên, ở Biên Hòa do Hòa thượng Huệ Thành (trụ trì chùa Long Thiền) làm Tăng trưởng, ở Vĩnh Long do Hòa thượng Hội Đức làm Tăng trưởng, ở Long An do Hòa thượng Hóa Sự làm Tăng Trưởng, ở Phước Tuy do Hòa thượng Pháp Trí làm Tăng trưởng, ở Tây Ninh do Hòa thượng Phước Lưu làm Tăng trưởng, ở Châu Đốc do Hòa thượng Chơn Niệm làm Tăng trưởng (lễ suy tôn được tổ chức vào ngày 6/3/1953, tại chùa Châu Viên) và 1 chi nhánh còn lại ở Cao Miên.

Bên cạnh việc xây dựng hệ thống tổ chức dành cho các Tăng sĩ, Giáo hội Lục Hoà Tăng Nam Việt cũng thành lập thêm một tổ chức để các cư sĩ Phật tử có cơ sở sinh hoạt. Tổ chức này được thành lập vào năm 1953, với tên gọi là Hội Lục Hòa Phật tử Nam Việt và trụ sở đặt tạm tại chùa Phật Ấn, gần ga Nancy, Sài Gòn. Ông Trần Văn Đính được bầu làm Hội trưởng (đến năm 1956, Hòa thượng được bầu Thành Đạo làm Hội trưởng), ông Đoàn Trung Còn làm Phó Hội trưởng. Mục đích chính của Hội là chăm lo tốt cho đời sống của các Tăng, Ni, Phật tử có tuổi, giúp đỡ họ cho được chu toàn khi qua đời9. Cơ cấu tổ chức của Hội được chia làm 4 cấp: Trung ương hội, Tỉnh hội, Quận/Huyện hội và Phân hội. Hội viên của Hội được phân chia làm 5 hạng gồm: Hội viên Danh dự, Sáng lập, Phước đức, Hành sự và Vĩnh viễn. Tháng 3/1954, Hội Lục hòa Phật tử Nam Việt được Thủ tướng Chính phủ ký nghị định chính thức công nhận tính chính danh và cho phép mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn quốc. Lý giải cho sự ra đời của tổ chức này, Ban Chức sự cho rằng: “Giáo hội Lục Hòa Tăng là một đoàn thể tinh tu phẩm hạnh của phái sơn môn, Hội Lục Hòa Phật tử là đoàn thể tín đồ để làm hậu thuẫn, ủng hộ Lục Hòa Tăng về mọi phương diện trên tinh thần hoạt động. Mong quý ngài hoan hỷ đoàn kết chặt chẽ với Hội Lục Hòa Phật tử để củng cố nền tảng đạo đức tương lai cho mỗi chùa trên địa hạt hoằng hóa tín đồ. Mỗi vị trụ trì đều có nghĩa vụ phải làm đại diện cho 2 đoàn thể Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử. Hai hội này cũng như thân thể con người, có 2 tay, 2 chân. Nếu thiếu một thì bất thành thân thể tốt đẹp của con người vậy10.

2. Một số hoạt động tiêu biểu của Giáo hội Lục Hoà Tăng Nam Việt

Cũng giống như nhiều tổ chức Phật học đương thời, sau khi được phép thành lập, Giáo hội Lục Hòa Tăng Nam Việt đã cho phát hành Tạp chí Phật học làm cơ quan ngôn luận. Tờ tạp chí này, được phép xuất bản theo Nghị định Số 54-NĐ/BTT, ngày 21/7/1952 của Bộ trưởng Bộ Thông tin Quốc gia Việt Nam. Tòa soạn và Ty Quản lý đặt tại chùa Phật Ấn, đường Galliéni (gần chợ Nancy, Sài Gòn). Chủ nhiệm Toà soạn là Hòa thượng Thành Đạo và Chủ bút là Thượng tọa Huệ Chí (từ số 20-21 là Hòa thượng Huệ Thành), Thư ký Tòa soạn là Trần Văn Đước (từ số 12 là Lê Minh Chánh). Tạp chí xuất bản 3 tháng 1 kỳ và có giá mỗi số là 6 đồng. Báo được in tại nhiều nhà in khác nhau như: Số 1-2 in tại nhà in Tín Đức Thư Xã, số 25 đường Sabourain, Sài Gòn (nay là đường Tạ Thu Thâu); từ số 3 thì in tại nhà in Tân Phát, số 62 đường Bảo Hộ Thoại, Sài Gòn; số 4 in tại nhà in Hồ Hữu Ý, số 11 in tại nhà in Đức Lưu Phương, số 12 tại nhà in Việt Nam... Tuy xin được giấy phép từ năm 1952, nhưng phải đến tháng 9/1953, Tạp chí Phật học mới chính thức cho ra mắt số đầu tiên.

Mục đích ra đời của Tạp chí Phật học là “Lấy ba tạng kinh điển làm tài liệu. Lấy việc phổ biến giáo lý chân chính của Đức Phật để đề cao gương đạo đức, giới hạnh trong giới Phật tử; cải thiện tư tưởng các hàng Phật tử; ôn hòa, thành thực, không bài xích môn phái nào. Phật học Tạp chí thể theo ý nghĩa lợi tha của Phật Tổ cố gắng tuyên dương chánh pháp cho thích hợp với xã hội hiện tại, mong cầu xa gần, lớn nhỏ đều theo Phật, lời nói, việc làm, trong ngoài đều như Phật11.

Nội dung của tạp chí gồm những mục như: Diễn đàn Phật học (đăng tải các quan niệm, ý kiến liên quan đến các hoạt động Phật sự đương thời), chuyện Phật pháp (nêu lên các câu chuyện trong nhà Phật), Đạo và đời (mới quan hệ giữa Phật giáo đối với các vấn đề thuộc về đời sống xã hội), Phật giáo ở thôn quê (tình hình Phật giáo ở các địa phương), Tin tức Phật sự (các tin tức về Phật giáo), Y dược thường thức (các phương thức, phương thuốc chữa bệnh), Nghiên cứu kinh văn, Thư cho đời... Các cây bút chủ lực như Hòa thượng Huệ Chí, Minh Trực, Phật Ấn, Huệ Thông, Cư sĩ Đoàn Trung Còn...

Cùng với việc xuất bản báo chí, Giáo hội Lục Hoà Tăng Nam Việt còn chú trọng đến công tác giáo dục. Ngày 26/3/1953, Nha Thông tin Nam Việt cấp Giấy phép số 268/TXB, cho phép Giáo hội Lục Hòa Tăng Nam Việt thành lập Phật Học Tùng Thư. Đến ngày 19/8/1953, Giáo hội tiếp tục xin được Giấy phép số 454 của chính phủ về việc thành lập Phật học đường cạnh chùa Giác Viên (Chợ Lớn) do Thượng tọa Huệ Chí làm Giám đốc kiêm giảng sư chính. Ông Trần Văn Đính được bầu làm Trưởng ban Hộ pháp kiến trúc xây dựng. Ngày 27/10/1953, Giáo hội Lục Hoà Tăng Nam Việt chính thức làm lễ đặt đá xây dựng. Đến ngày 15-17/2/1954 (âm lịch), lễ khánh thành Phật học đường đã được tổ chức với các phòng chức năng, như phòng Giám đốc, phòng của Ban Hoằng pháp, phòng đọc sách, phòng tiếp khách và các phòng học. Ban đầu, Giáo hội dự kiến sẽ tổ chức đạo tạo cho hai lớp, một lớp dạy cho đệ tử các sơn môn về kinh, luật, luận của nhà Phật và một lớp khác dạy các môn thường thức về khoa học, văn, sử, địa, toán cho con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tôn chỉ của Phật học đường là: Lấy tâm Phật làm việc Phật; Nỗ lực cùng chư Tăng để đào tạo Tăng tài; Đem hết sức người để xây dựng nền hòa bình cho nhân loại. Đến thời điểm này, chùa Giác Viên ngoài vai trò là trường học, còn là đạo tràng sinh hoạt của toàn thể hội viên và là nơi tổ chức các kì đại hội hay các ngày lễ lớn của Giáo hội. Còn chùa Phật Ấn (cơ sở lâm thời của Giáo hội) nay được dùng để đặt văn phòng làm việc của Tổng Thư ký cùng Tòa toạn của Tạp chí Phật học, cũng là nơi mà Giáo hội mở phòng thuốc Ấn Quang.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành Trường, đại diện Giáo hội Lục Hoà Tăng Nam Việt đã có những lời “phổ cáo” rằng: “Đạo Phật ngót trăm năm nay dần dần suy kém. Người đời coi như là một đạo dùng để cúng kiến và cầu nguyện. Chịu tủi nhục như thế cũng bởi các bậc Đại lão Pháp sư nối nhau quy tịch. Trong khi đó, trường Phật học lại không xây dựng lên được một ngôi nào để đào tạo tăng tài, hoặc dạy giúp con em của xã hội. Như thế trách gì các hàng Phật tử không bị liệt vào hạng người chán đời, trốn việc. Nay muốn không ai coi thường người bổn đạo, không ai chế nhạo chư sơn, Giáo hội Lục Hòa Tăng đứng ra xây dựng một ngôi Trường Phật học ở chùa Giác Viên, Chợ Lớn”12.

Hòa thượng Huệ Chí cũng cho rằng: Hiện nay, Tăng sĩ ở Việt Nam vẫn còn rất lộn xộn, không có trật tự lại thiếu kỷ cương. Nếu cứ để mặc tình trạng như vậy mà không chịu chung tay cải cách, chấn chỉnh thì Phật giáo cũng sẽ bị rơi vào quy luật đào thải của xã hội. Phật giáo nếu muốn tiếp tục được tồn tại và phát triển thì các vị Tăng sĩ cần phải trở thành những bậc thầy về mặt đức hạnh và kiến thức Phật học, nhà chùa phải trở thành những cơ quan hoằng pháp có uy tín, có trách nhiệm. Có làm được như vậy thì Phật giáo mới có một địa vị xứng đáng đối với quốc gia, dân tộc và quần chúng nhân dân cũng sẽ hết mực tôn trọng bởi họ đã hiểu được giáo lý và tư tưởng chân chính của đạo Phật. Muốn đạt đến những kết quả này, trước tiên các vị Tăng sĩ phải tự mình rèn luyện nhân cách, phẩm hạnh. Bởi các nhà luật sư họ có tư cách riêng của luật sư, y sư có tư cách của y sư, thì các Tăng sĩ cũng phải có tư cách của một vị giáo sư, một người thầy. Nếu không có được những nhân cách ấy thì không thể trở thành những người tu hành chân chính. Bởi vậy, cần phải có sự giáo dục đối với các vị Tăng sĩ để cứu lấy cái họa hoại bấy lâu nay và mai sau13. Đồng thuận với quan điểm này, Từ Sơn cũng đã đưa ra những nhận định rằng: Nói đến chấn hưng Phật giáo là nói đến sự giáo dục tinh thần giác ngộ, từ bi, bác ái cho quảng đại quần chúng. Nói đến bảo vệ Phật pháp tức là nói đến sự xây đắp lòng từ thiện, đạo đức chung cho người Phật tử. Giữa thế giới đau thương, nhân loại đang mãi xâu xé nhau bởi lòng dục vọng tham tàn thì sự giáo dục đạo đức, xây dựng nhân cách cho con người là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách của hàng Tăng lữ. Một khi đã giác ngộ, đã có đạo đức chân chính, đã biết xả thân vì lợi ích chung của nhân loại thì những cá nhân ấy đã trở thành một tấm gương trong sáng và không có chế độ nào hay thời đạo nào dám phủ nhận cái tốt đẹp và cao quý ấy14.

Chương trình giáo dục của Phật học đường được chia làm 3 cấp: Tiểu học 5 năm, Trung học 2 năm và Đại học 1 năm. Về nội dung đào tạo sẽ bao gồm hai phần Việt văn và Hán văn. Việt văn sẽ dạy đầy đủ các môn theo chương trình chung của nền giáo dục hiện hành, mỗi ngày sẽ có thêm nửa giờ dạy về đạo đức. Hán văn dạy các môn tân thư như: Tân quốc văn sơ tiểu và cao tiểu, sách Tân tu thân, Tác văn Tân, Học chế... Kinh điển thì dạy Phật học giáo khoa, Kinh Di giáo, Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Nhị Khóa Hợp Giải và dần dần sẽ tiến đến các bộ kinh khác. Các học Tăng sau khi tốt nghiệp nếu có thành tích tốt sẽ được Giáo hội chu cấp học bổng để đi học thêm các ngành nghề bên ngoài và khi ra trường sẽ được giữ lại làm giảng sư. Mỗi học Tăng mỗi ngày phải dành ra 2 giờ để lao động công ích cho trường. Trường sẽ đào tạo miễn phí cho cả học Tăng nội trú và ngoại trú. Về điều kiện theo học: Đối với các học Tăng ngoại trú, Ban Giáo dục chỉ nhận đủ số lượng đã quy định. Đối với các học Tăng nội trú, những người được trường bao ăn ở thì phải có cha mẹ hoặc bổn sự bảo lãnh. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thì phải ở lại giúp trường trong 3 năm. Nếu nghỉ học giữa chừng thì người bảo lãnh phải hoàn bồi lại tất cả các khoản chi phí về ăn uống và ngủ nghỉ trong thời gian theo học. Đối với những học Tăng đóng tiền ăn uống, sinh hoạt (mỗi tháng 200 đồng) thì phải có người giới thiệu vào học. Phải theo học ít nhất đến lớp thứ ba, còn nếu thôi học giữa chừng thì người giới thiệu cũng sẽ bị khiển trách. Các học Tăng xuất gia cũng như tại gia đều phải thực hiện đúng theo nội quy, quy định chung của nhà trường15.

Ngày 4/4/1954 (Âm lịch), Ban hoằng pháp và Ban giám đốc Phật học đường đã tổ chức kỳ thi đầu vào cho các Tăng Ni sinh. Đến ngày 9/4/1954 (Âm lịch), lễ khai giảng chính thức được tổ chức. Trong khóa đầu tiên, Phật học đường đã tổ chức được 1 lớp cho chư tăng với 20 người và 1 lớp Việt ngữ bình dân cho 20 em xung quanh trường. Trong năm học 1955-1956, Giáo hội Lục Hoà Tăng tiếp tục đào tạo được 22 vị Tăng và 45 em học lớp Việt ngữ. Bên cạnh đó, ngày 15/12/1953, được sự giúp đỡ của bà Hoàng Thị Mai - Giám đốc Hội Việt nữ công Học đường (Số 108-110 đường Frere Louis, nay là đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn), Giáo hội Lục Hòa Tăng Nam Việt còn tổ chức các khóa đào tạo nghề miễn phí cho các chư Ni như: Thêu thùa, đan lát, may...

Về quan điểm tu tập và sinh hoạt, Giáo hội Lục Hoà Tăng lấy tinh thần Lục hoà làm nền tảng căn bản. Sinh thời, Hoà thượng Khánh Hòa đã từng căn dặn các đệ tử của mình rằng: Phải nên hòa hợp với những người bổn đạo tốt mà giúp đỡ những người chưa được như mình, đó mới là tình thương yêu thực sự của người Phật tử. Người trong cùng đạo Phật phải thành thật hòa hợp, giúp đỡ nhau trong công việc tu hành: Dám bày tỏ tội lỗi của mình giữa đại chúng để nhờ huynh hệ chứng minh cho mình sám hối; dám mạnh dạn chỉ ra những lỗi lầm của huynh đệ một cách thân tình để nâng đỡ họ cùng tu tập tinh tấn; phải quan tâm chăm sóc cho đời sống tinh thần và vật chất của nhau, có thì giúp tiền, không thì giúp sức, khen chỗ hay, chê chỗ dỡ, thành thật khuyên bảo nhau, giúp nhau trở thành những người Phật tử chân chính. Chỉ bất đắc dĩ những huynh đệ nào mà mình đã khuyên răn, giúp đỡ nhiều lần nhưng vẫn không chịu cải đổi tâm thân thì chừng ấy mới đoạn tuyệt. Bởi vì muốn giữ vững đạo đức, muốn chấn hưng Phật giáo, muốn xây dựng một nền đạo lý chân chính cho chúng sinh ngày mai mà còn dung dưỡng những người phá đạo như thế thì không biết bao giờ hoàn thành được cái ý nguyện cứu người, cứu đời của đức Phật. Nhớ về những lời răn dạy của Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Huệ Chí cũng đã đưa ra những lời khuyên bảo đối với các Phật tử rằng: “Muốn xây dựng một nền đạo đức chân chính thì đi đôi với sự chỉnh đốn giáo lý, thì chúng ta phải rèn luyện một tinh thần thương yêu, tương trợ cho phù hợp với trào lưu mới của xã hội16.

Theo Tịnh Quang, để xây dựng được một tinh thần lục hoà, để các tín đồ nhà Phật thành tâm quy ngưỡng thì các thành viên Tăng già phải lo tu chỉnh đạo đức. Trách nhiệm hành đạo của người xuất gia là vô cùng khó khăn, nặng nhọc, không chỉ thông suốt giáo lý qua kinh điển mà còn phải nghiên cứu, áp dụng giáo lý cho đúng lúc, đúng nơi, phù hợp với nhu cầu nhân sinh hiện tại. Phải hành động cho gương mẫu để lời nói và việc làm của mình có tác dụng giáo dục tín đồ. Muốn cho các tín đồ quy phục thì ngoài việc thông hiểu kinh điển, giáo lý, người xuất gia còn phải trau dồi đạo đức riêng của cá nhân. Nếu không làm được như vậy thì dù có đăng đàn thuyết pháp bao nhiêu năm đi nữa, Tăng giới vẫn bị nhân dân hoài nghi, dị nghị vì họ thấy giảng kinh, tuyên truyền đạo đức cho người khác nhưng chính bản thân lại không làm được những điều ấy17. Đồng thuận với quan điểm này Thích Pháp Chiếu cho rằng: “Nếu đạo Phật chỉ xây dựng nền tảng dựa trên lý thuyết mà không chú trọng đến việc thực hành thì dù có ra sức luận thuyết với trí tuệ thông minh bậc nào cũng chỉ đi đến chỗ sụp đổ. Người xuất gia phải thực sự cày, cấy ở tâm điểm ruộng phước và tự mình gieo trồng các hạt giống lành như vậy mới đem ra giúp ích cho đời, mới mưu cầu được hạnh phúc cho xã hội nhân sinh đồng hưởng chung phước lạc ấy18.

Về trách nhiệm và bổn phận của người Phật tử, Minh Trực cho rằng: “Ở trong lãnh thổ quốc gia phải mang ơn quốc gia cho nên phải trung thành với đạo công dân, thọ công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ nên phải giữ tròn đạo hiếu; thọ giáo pháp của Phật, của chư Tổ, chư sư nên phải giữ đạo sư tôn và sùng kính Tam Bảo; sống chung với chúng sinh, nhờ sự giúp đỡ lẫn nhau trong mọi việc nên phải lo đền ơn, trả nghĩa cho chúng sinh19.

Một trong những vấn đề tiếp theo thu hút sự quan tâm của đông đảo các hội viên Giáo hội Lục Hoà Tăng là phải làm sao để Phật giáo Việt Nam đi đến thống nhất thật sự. Câu chuyện này được đặt ra ngay từ khi phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam được hình thành. Đến năm 1951, Tổng hội Phật giáo Việt Nam cũng đã được thành lập. Tuy nhiên, sự thống nhất Phật giáo thực sự với đầy đủ các sơn môn, hệ phái thì đó vẫn còn là một câu chuyện đầy nan giải. Trước thực trạng như vậy, Hải Quang đã lên tiếng rằng: “Đạo Phật ở nước ta, trong khi bị người Pháp thống trị, họ chia rẻ đất nước thành ba kỳ: Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ, mỗi nơi họ đặt một pháp luật cai trị riêng. Từ đó, hình thức đạo Phật cũng bị chia cắt từng phần và sự phát triển tổ chức đều bị hạn chế, đến trật tự, kỷ cương trong đạo bị xáo trộn rất nhiều do đó sự chia rẽ tông phái bắt đầu phát sinh. Vì vậy, sự thịnh suy của đạo Phật từ ấy đến nay, không phải do một giáo hội nào điều khiển mà sự thật việc quyết định sự thịnh suy đó đều do ông trụ trì mỗi chùa. Nơi nào ông trụ trì giới đức tinh nghiêm, tích cực hoạt động công việc từ thiện đạo đức thì nơi đó Phật pháp thịnh hành”20. Lý giải nguyên nhân Phật giáo chưa thể đi đến thống nhất thực sự, tác giả đã đưa ra 3 lý do rằng: 1/Do tính chất, hoàn cảnh và tư tưởng của chư Tăng không được xét đến vì vậy mà chương trình hoạt động chưa được thích ứng với nguyện vọng chung của toàn thể Tăng, Ni. Đời sống của chư Tăng, Ni hiện nay không phải ai cũng giống nhau. Quý thầy trụ trì các chùa danh lam hay các nơi Phật sự nguy nga ở các đô thị thì đời sống an nhàn, lại có đủ điều kiện trau dồi Phật lực, bồi dưỡng giáo dục và nâng cao trình độ trí thức của mình. Trái lại quý thầy các chùa ở hương thôn thì đời sống thường cơ cực, ngoài thì giờ tu niệm đều phải cố gắng trồng tỉa mới sống đủ. Như thế nếu chỉ nhắm vào chư tăng có trình độ trí thức mà vạch đường hướng thống nhất thì vô tình sẽ bỏ rơi đông đảo chư Tăng ở hương thôn. 2/Chưa đặt lý trí và tình cảm cho đúng mức nên nhiều khi có sự mâu thuẫn nhau. Chương trình vạch ra phần nhiều chỉ nhắm vào lý trí đặt cương vị của ông sư phải thi hành giới luật thế này, hoặc ngộ đạo thế kia, chứ không chú trọng đến hoàn cảnh sinh sống của ông sư đó như thế nào. Tình cảm và lý trí bao giờ cũng phải đi đôi với nhau, không có lý trí xét đoán phân minh thì tình cảm dễ sai lạc vào ý thức tự tư, tự lợi và lý trí mà không có tình cảm thường mắc phải bệnh hẹp hòi, máy móc, mệnh lệnh dần dần đi đến chỗ độc đoán. Như vậy, nếu những người lãnh đạo Phật giáo không hiểu hết mọi khúc chiết khó khăn cơ cực của chư Tăng thì không làm sao đề ra được phương pháp, kế hoạch cho xác đáng và cũng không sao động viên được tinh thần nhiệt liệt hưởng ứng của chư Tăng, thì việc xây dựng nền tảng thống nhất Phật giáo sẽ gặp nhiều trở ngại và chắc chắn sẽ không nhận được sự đóng góp của đại đa số chư sơn. 3/Các chương trình thống nhất Phật giáo bấy lâu nay mới chỉ dừng lại ở mức độ đại cương chứ chưa có sự chi tiết, cụ thể hóa. Những lời vận động thống nhất trên các tạp chí Phật học nhiều khi lại biểu lộ xu hướng bắt buộc nhiều hơn là động viên tinh thần tự giác của chư Tăng. Như vậy đã động chạm đến lòng hữu ngã của chư sơn thì làm sao quý thầy ấy nhận thức được quyền lợi tối cao của Phật pháp để tự mình hy sinh, góp sức xây dựng vào công cuộc thống nhất Phật giáo. Chúng tôi đồng ý với các lý do này của tác giả Hải Quang. Tuy nhiên, đó chỉ là những nguyên nhân nội tại, còn có rất nhiều nguyên nhân từ bên ngoài, nhất là bối cảnh thời cuộc đương thời chưa tạo ra những điều kiện cần và đủ để Phật giáo Việt Nam có thể đi đến thống nhất một cách toàn diện.

Như vậy, có thể thấy rằng, sự ra đời Giáo hội Lục Hòa Tăng Nam Việt chính là tiền đề để đi đến thành lập Giáo hội Lục Hoà Tăng Việt Nam. Hai tổ chức này vẫn lấy nền tảng “Lục hòa” của Phật giáo làm căn bản. Điều này cho thấy sự tương đồng giữa mục tiêu, lý tưởng của Hội Lục Hòa Liên Xã với Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam. Và cũng chính do vậy mà chúng ta có thể khẳng định rằng, Giáo hội Lục Hòa Tăng là sự tiếp nối về mặt tinh thần, tư tưởng của Hội Lục Hòa Liên Xã, trong chí hướng phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong tu tập, rèn luyện cũng như trong các sinh hoạt đời sống thường ngày của các Tăng, Ni, Phật tử.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Huệ Chí (1954) “Tổng quát chương trình giáo dục và cách thu nhận học sinh”, Phật Học Tạp Chí, số 3.

2. Huệ Chí (1954), “Vấn đề giáo dục nhà sư”, Phật Học Tạp Chí, số 3.

3. Huệ Chí (1954), “Tình thân yêu của người Phật tử”, Phật Học Tạp Chí, số 4.

4. Thích Pháp Chiếu (1956), “Nhiệm vụ và địa vị của Tăng bảo”, Phật Học Tạp Chí số 12.

5. Thành Đạo (1958), “Đừng phủ nhận những cái hay, cái đẹp của tiền bối Cổ Sơn Môn”, Phật Học Tạp Chí, số 20-21

6. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1953), “Phổ cáo”, Phật Học Tạp Chí, số 1.

7. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1953), “Thay lời phí lộ”, Phật Học Tạp Chí, số 1

8. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1954), “Bản quyết nghị bổ túc Ban Chức sự”, Phật Học Tạp Chí, số 3.

9. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1954), “Lễ Khánh thành trường Phật học”, Phật Học Tạp Chí, số 3.

10. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1954), “Mấy lời chân thành”, Phật Học Tạp Chí, số 4.

11. Giáo hội Lục hòa Tăng (1956), “Phổ cáo”, Phật Học Tạp Chí, số 12.

12.Trần Hồng Liên (1995), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb Khoa học Xã hội, Tp. HCM.

13. Phật giáo cổ truyền (1970), Ánh sáng Lục Hòa Tăng Việt Nam, Khánh Hòa Phật Học Tùng Thư xuất bản.

14.Phật học Tạp chí, số 1.

15. Chánh Quang (1956), “Sự lợi ích của Giáo hội Lục Hòa Tăng”, Phật Học Tạp Chí, số 11.

16. Hải Quang (1957), “Tìm xét vấn đề thống nhất Phật giáo”, Phật Học Tạp Chí, số 15.

17. Tịnh Quang (1954), “Đạo đức cần thiết cho nhà sư”, Phật Học Tạp Chí, số 4.

18. Từ Sơn (1955), “Nhìn về tương lai Phật giáo”, Phật Học Tạp Chí, số 7.

19. Minh Trực (1953), “Phật giáo phục hưng”, Phật Học Tạp Chí, số 1.

 


1. Phật giáo Cổ truyền (1970), Ánh sáng Lục Hòa Tăng Việt Nam, Khánh Hòa Phật học Tùng thư xuất bản, tr.23-24.

2. Chánh Quang (1956), “Sự lợi ích của Giáo hội Lục Hòa Tăng”, Phật học Tạp chí, số 11, tr.7-12.

3. Phật giáo Cổ truyền (1970), “Ánh sáng Lục Hòa Tăng Việt Nam”, Khánh Hòa Phật học Tùng thư xuất bản, tr.11-15.

4. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1954), “Lễ Khánh thành trường Phật học”, Phật học Tạp chí, số 3, tr.34-37.

5. Phật học Tạp chí, số 1, trang phụ bìa.

6. Thành Đạo (1958), “Đừng phủ nhận những cái hay, cái đẹp của tiền bối Cổ Sơn Môn”, Phật học Tạp chí, số 20-21, tr.14-16.

7. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1954), “Mấy lời chân thành”, Phật Học Tạp Chí, số 4, tr.1-2.

8. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1954), “Bản quyết nghị bổ túc Ban Chức sự”, Phật học Tạp chí, số 3, tr.39-40.

9. Trần Hồng Liên (1995), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb Khoa học Xã hội, Tp. HCM, tr.91-93.

10. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1956), “Phổ cáo”, Phật học Tạp chí, số 12, trang bìa cuối.

11. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1953), “Thay lời phí lộ”, Phật học Tạp chí, số 1, trang bìa trong.

12. Giáo hội Lục hòa Tăng (1953), “Phổ cáo”, Phật học Tạp chí, số 1, trang bìa cuối.

13. Huệ Chí (1954), “Vấn đề giáo dục nhà sư”, Phật học Tạp chí, số 3, tr.2-4.

14. Từ Sơn (1955), “Nhìn về tương lai Phật giáo”, Phật học Tạp chí, số 7, tr.5-7.

15. Huệ Chí (1954), “Tổng quát chương trình giáo dục và cách thu nhận học sinh”, Phật học Tạp chí, số 3, tr.40-41.

16. Huệ Chí (1954), “Tình thân yêu của người Phật tử”, Phật học Tạp chí, số 4, tr.10-11.

17. Tịnh Quang (1954), “Đạo đức cần thiết cho nhà sư”, Phật học Tạp chí, số 4, tr.12-13.

18. Thích Pháp Chiếu (1956), “Nhiệm vụ và địa vị của Tăng bảo”, Phật học Tạp chí số 12, tr.3-5.

19. Minh Trực (1953), “Phật giáo phục hưng”, Phật học Tạp chí, số 1, tr.7-11.

20. Hải Quang (1957), “Tìm xét vấn đề thống nhất Phật giáo”, Phật học Tạp chí, số 15, tr.6-10.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 48
    • Số lượt truy cập : 6450149