BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ HỘI KIM LIÊN XÃ CƯ SĨ LÂM
TS. DƯƠNG THANH MỪNG*
Chùa Kỳ Viên tọa lạc tại địa chỉ 440/71 Nguyễn Kiệm, phường 3,
quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được thành lập năm 1930
do Hòa thượng Thích Từ Phong kiến tạo.
1. Bối cảnh ra đời
Năm 1935, một số cư sĩ ở quận Phú Nhuận đã cùng nhau đóng góp công sức, tài chính để xây dựng chùa Kì Viên Tự. Lí giải cho sự ra đời của ngôi chùa này, các thành viên sáng lập đã viết: “Chúng tôi có lập ra một cảnh chùa do những người cư sĩ sáng tạo để thờ Phật, cùng nhau bầu bạn mà tu tập. Chúng tôi muốn làm cho mối đạo được mở mang, được đền đáp công ơn của đức Phật”1. Mặc dù đã xây dựng được chùa, nhưng để có thể quy tụ được đông đảo các cư sĩ cùng nhau tu tập thì đây quả là một vấn đề khá khó khăn. Bởi từ ngày 21/2/1933, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành Sắc lệnh về việc sửa đổi quy cách thành lập các đoàn thể. Theo đó, nếu muốn lập hội thì phải làm đơn gửi Thống sứ hay Thống đốc Nam Kì phê duyệt. Sau khi đã xin được giấy phép thì phải tồn tại được ít nhất 1 năm mới có đầy đủ các quyền như các tổ chức ở bên Pháp. Tất nhiên để có đầy đủ các quyền hành này thì phải có sự kiểm tra, soát xét của Toàn quyền Đông Dương thêm một lần nữa. Nếu như trước đây, chính quyền thuộc địa Pháp quy định muốn thành lập hội phải có từ 20 người trở lên. Đến Sắc lệnh này, số lượng hội viên nhiều hay ít hơn 20 người không thấy đề cập mà thay vào đó lại đưa ra giải nghị rằng, hội là do hai hoặc nhiều hơn hai người lập nên. Như vậy thì dù có 2-3 người cũng buộc phải xin giấy phép thành lập Hội.
Đến ngày 8/4/1933, Toàn quyền Đông Dương lại kí một Nghị định mới nhằm kiểm soát tư cách pháp nhân của các tổ chức. Ngoại trừ Nam Kì và các vùng đất nhượng địa của Pháp như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng thì các hiệp hội ở các địa phương này không được thừa hưởng đầy đủ các quyền pháp nhân giống như các tổ chức ở bên Pháp2. Ngày 3/5/1933, thực dân Pháp tiếp tục ban bố Sắc lệnh quy định, các đoàn thể có tính cách tôn giáo phải có những cam kết về hệ thống giáo lí, kinh sách, tư tưởng hoạt động không trái với đường lối cai trị và đặc biệt là không được bàn luận các vấn đề liên quan đến chính trị. Trước những động thái như vậy, các cư sĩ ở chùa Kì Viên muốn tổ chức các hoạt động Phật sự với sự tham gia của nhiều người thì buộc phải thành lập Hội.
Đầu năm 1937, một văn bản xin phép thành lập Hội đã được gửi lên Văn phòng việc nước và việc bản xứ ở Nam Kì. Sau gần 5 tháng xem xét, kiểm tra, chính quyền thực dân Pháp đã đồng ý cho Hội Kim Liên Xã Cư Sĩ Lâm được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Kì Viên Tự, Phú Nhuận, Sài Gòn. Chánh giám Viện là cư sĩ Bửu Thành, cùng sự tham gia tích cực của các Phật tử như Thành Đạo, Chánh Thiện, Chí Tín, Chơn Quả, Chơn Bửu, Như Đức, Diệu Thường, Diệu Phước, Võ Văn Huê, Phan Văn Trọng, Tạ Quang Huy, Lê Phát Bền3...
Hòa thượng Từ Phong, chùa Giác Hải, Chợ Lớn được Hội suy tôn làm bậc tôn sư. Điều này được minh chứng qua “Lời kính cáo” cùng các thành viên của Giám viện Bửu Thành rằng: “Thầy của chúng ta, ngài Giác Hải Hòa thượng (Hòa thượng Từ Phong – TG giải thích) thường dạy: Đạo quý ư tựa Lục hòa. Anh em chúng ta bạn cư sĩ, trong chỗ tu hành trau dồi thân tâm cùng đức tánh sẽ liên hiệp với nhau để thành lập Liên xã, cùng nhau chung một thầy, như thể con một cha, tình thân ái xem như cốt nhục, trong mọi việc cần noi theo sáu phép Lục hòa; so lường, châm chước, dung hòa nhau, nhất tâm, nhất bước chung lo trên con đường đạo”4. Lục hòa theo cách giải thích của Hội là: Cùng nhau sửa mình, sửa người sao cho đạt đến toàn năng, toàn trí (Giới hòa đồng tu); cùng nhau chia sẻ các nguồn tri thức đã tiếp thu, đã lĩnh hội được (Kiến hòa đồng giải); luôn bình đẳng trong cuộc sống, trong tu tập, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, quan dân (Thân hòa đồng trụ); cùng nhau san sẻ, chia đều các lợi ích và cả những khó khăn trong cuộc sống (Lợi hòa đồng quân); không bận tâm đến chuyện thị phi, không toan tính thiệt hơn (Khẩu hòa vô tránh nghĩa); luôn vui vẻ, nhiệt tình và chẳng phiền trách bất cứ ai (Ý hòa đồng duyệt).
Mục đích ra đời của Hội là nhằm giúp cho những người thành tâm tín ngưỡng Phật giáo thoát khỏi lầm lỗi, tránh xa được các tệ tục mê tín, dị đoan; đồng thời, phổ biến giáo lí chân chính của đức Phật để nhắc nhở cho đời, giúp ích cho người tránh khỏi mê lầm, hồi tâm hướng thiện, quy y Tam bảo. Nhiệm vụ của các hội viên là phải chăm chỉ tu hành, chăm lo bảo trợ cho Hội và đóng góp công sức để bồi đắp cho ngôi Tam bảo luôn được tỏ rạng.
Về quan điểm tu tập, Hội Kim Liên Xã Cư Sĩ Lâm cho rằng, hành trì theo giáo lí của đức Phật chính là một trong những phương pháp rất quan trọng để rèn luyện đạo đức, tinh thần và tư tưởng. Nó sẽ giúp cho mỗi người chế ngự được tâm thân, trau dồi đức hạnh để sớm khỏi cõi ta bà và đến với thế giới cực lạc A Di Đà. Muốn cho cuộc sống được an lạc, thanh tịnh thì mỗi người nên rèn luyện và thực hành theo các giáo pháp của đức Phật. Muốn mở rộng nguồn tri thức, muốn cho bản thân nắm bắt được những triết lí cao siêu, huyền diệu qua các lời răn dạy của đức Phật thì phải nghiên cứu kinh kệ. Bởi giáo lí, kinh sách nhà Phật chính là những chân lí đã được đúc kết qua bao thời kì và nó luôn đứng vững với thời gian. Tiếp cận về nó không những sẽ giúp ích cho bản thân mà còn góp phần xây dựng một xã hội đầy lòng từ bi, nhân đạo.
Trong số các pháp môn tu tập của Phật giáo, Hội Kim Liên Xã Cư Sĩ Lâm lựa chọn Tịnh độ tông làm nền tảng căn bản cho quá trình tu tập. Cốt lõi của pháp môn này được hội đúc kết thành 4 điều rằng: Kiêng cử các điều dữ, làm hết mọi điều lành, rửa sạch hết vọng niệm, tâm luôn niệm Phật và lòng hướng thiện. Theo Thành Đạo, pháp môn Tịnh độ có ảnh hưởng rất lớn trong giới Phật giáo. Từ xưa đến nay có rất nhiều bậc cao tăng, đại đức học vấn uyên thâm đã tu tập theo pháp môn này. Huống gì hàng cư sĩ, thiện tín hiện thời lòng trần chưa sạch, biển ái còn sâu, nếu không hành trì theo pháp môn Tịnh độ thì làm sao tránh khỏi biển khổ trầm luân mà mong có ngày chứng được địa vị niết bàn niết Phật. Giám viện Bửu Thành cũng đã có bài kệ khuyên các hội viên tu tập theo pháp môn này rằng: “Mấy tầng cửa pháp thấy mơ màng; Pháp môn Tịnh độ thật vẻ vang; Đã dễ tu hành nhanh đạt quả; Khuyên tu Tịnh độ chớ nghi nan”5. Để thuận tiện cho việc tu tập theo pháp môn Tịnh độ, Hội đã cho ấn hành một số công trình như: “Tịnh độ tông: Phật thuyết A Di Đà kinh”, “Cách tu Tịnh độ”, “Nghi thức tụng kinh Di Ðà, Hồng danh, Ðại bi Thập chú”...
Các ngày lễ vía được Hội quan tâm tổ chức là: Ngày đức Phật Thích Ca xuất gia (8/2), ngày đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn (15/2), ngày Quán Thế Âm đản sinh (19/2), ngày Phổ Hiền đản sinh (21/2), ngày vía Phật mẫu Chuẩn Đề (16/3), ngày đức Phật Thích Ca đản sinh (8/4), ngày vía đức Hộ Pháp (1/6), ngày Đại Thế Chí Bồ Tát đản sinh (13/7), ngày Đại nguyên Địa Tạng Bồ Tát hiển thánh và thành đạo (29/7), ngày Phật Nhiên Đăng đản sinh (22/8), ngày vía Quán Thế Âm xuất gia (19/9), Ngày lễ phóng sinh (8/10), ngày đức Phật A Di Đà đản sinh (17/11), ngày đức Phật Thích Ca thành đạo (8/12)6. Hội không đưa ra các quy định bắt buộc các hội viên phải ăn chay trường mà có thể ăn chay trong 2 ngày, 6 ngày hoặc 10 ngày.
2. Quy cách hoạt động
Ngày 15/5/1937, các thành viên của Hội Kim Liên Xã Cư Sĩ Lâm đã thông qua bản quy tắc hoạt động gồm 11 điều khoản. Điều 1, những người muốn tham gia vào Hội bất luận là nam hay nữ, giàu hay nghèo phải quy y Tam bảo, phải có giới đao độ điệp của một vị hòa thượng ban phát và phải có người giới thiệu. Sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện này thì phải làm đơn trình Giám viện xem xét. Điều 2, trong mỗi tháng Hội sẽ tổ chức hai ngày lễ sám hối là 14 và 30 (tháng thiếu thì 29). Sau mỗi buổi sám hối, các hội viên sẽ ở lại chùa hội quán để nghe thuyết giảng thêm về giáo lí, tư tưởng, đạo đức Phật giáo.
Điều 3-7, mỗi tháng Hội sẽ thu 1 cắc tiền điếu tang để có thêm nguồn lực giúp đỡ cho các hội viên và thiện tín lúc quá vãng. Khi có tang tế (hội viên, bố mẹ, anh chị em ruột của các hội viên qua đời), Hội sẽ cử người đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, đồng thời chi 1 đồng để phúng điếu. Các lễ hộ niệm bình thường được Hội lo liệu còn nếu ở xa hoặc muốn tổ chức với quy mô lớn hơn thì gia quyến phải chịu thêm các khoản chi phí phát sinh. Các hội viên nếu không có đủ tứ ân, phụ mẫu thì có thể cho người khác nhận thay lễ này. Điều kiện để Hội tổ chức các nghi lễ tang tế là các hội viên đã đóng góp tiền điếu tang được ba tháng.
Điều 8-9, những người đã đồng ý tham gia vào Hội thì mỗi tháng đóng từ 5 đến 10 cắc tiền bảo trợ (nếu đóng luôn 1 năm thì càng tốt). Số tiền này sẽ được dùng để mua sắm các loại sổ sách, tổ chức các lễ hiếu sự, tang tế trong phạm vi của Hội. Những người tham gia đóng góp đầy đủ các khoản kinh phí mà Hội quy định thì khi qua đời sẽ được hưởng thêm các quyền lợi như sau: Khi lâm chung, Hội sẽ tổ chức nghi lễ theo nghi thức Phật giáo. Tại chùa hội quán sẽ treo một cây phướn để báo hiệu với thập phương, bá tánh là trong Hội đang có hội viên từ trần. Đến giờ an táng, chùa hội quán Kì Viên sẽ đánh 21 tiếng chuông để cầu nguyện cho hương hồn của người đã mất được vãng sinh về miền Tịnh độ. Hội cũng sẽ cho lập bài vị của người đã mất và đưa về chùa hội quán để phụng thờ. Những người không phải là hội viên của Hội nếu muốn thực hiện các nghi thức này thì sẽ phải chịu thêm các khoản chi phí (tự mua bài vị và đóng góp thêm tiền hương hỏa hàng tháng).
Điều 10, mỗi tháng Hội sẽ tổ chức nhóm họp hai lần vào ngày chủ nhật của tuần thứ hai và chủ nhật của tuần thứ tư. Thời gian nhóm họp được quy định là từ 14 đến 16h. Mục đích là để lắng nghe ý kiến đóng góp và cả nguyện vọng của các hội viên; xem xét quá trình tu tập, quá trình tổ chức thuyết pháp của các giảng sư cũng như công tác nghiên cứu, phiên dịch kinh sách. Các hội viên nếu bận công việc cá nhân không tham gia được thì về sau không được bàn cãi. Mỗi năm sẽ có 2 kì đại hội thường niên vào tháng 7 và tháng 12 âm lịch nhằm đánh giá tổng kết lại các hoạt động của Hội trong năm qua cũng như xây dựng phương hướng và nhiệm vụ cho năm tới.
Điều 11, quyền tham gia hoặc thôi không tham gia của các hội viên sẽ được Hội tôn trọng. Nếu như đã quyết định rời Hội thì không được báng bổ hay công kích Phật pháp, các khoản kinh phí đã đóng góp trước đó sẽ không được hoàn trả7.
Như vậy có thể thấy rằng, Hội Kim Liên Xã Cư Sĩ Lâm chính là một trong hai tổ chức của các cư sĩ ra đời ở Nam Bộ ở thời điểm trước năm 1945. So với Tịnh độ Cư sĩ Phật hội thì Hội Kim Liên Xã Cư Sĩ Lâm có cơ cấu tổ chức tương đối lỏng lẻo hơn, quy mô và phạm vi ảnh hưởng cũng hẹp hơn rất nhiều. Trong khi các Cư Sĩ Lâm chỉ tập trung sinh hoạt tại chùa Kì Viên thì Tịnh độ Cư sĩ Phật hội còn mở rộng chi nhánh và phạm vi ảnh hưởng của mình đến nhiều tỉnh thành ở Nam Bộ. Quan điểm tu tập và thực hành đời sống đạo giữa hai tổ chức này cũng có nhiều điểm khác nhau. Ngoài việc lấy Tịnh độ tông làm pháp môn tu tập căn bản, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội còn chú trọng đến “phước hệ song tu” cũng như hành trì lễ bái lục phương. Tịnh độ Cư sĩ Phật hội chú trọng đến quá trình chấn hưng Phật giáo cũng như cố gắng kiện toàn hệ thống tổ chức, giáo lí, tư tưởng để phát triển còn Kim Liên Xã Cư Sĩ Lâm lại không chú trọng nhiều đến vấn đề này... Mặc dù có nhiều điểm khác biệt như vậy, song sự xuất hiện của Tịnh độ cư sĩ tại chùa Kì Viên cũng đã tạo nên được những sắc thái độc đáo cho phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam. Các chủ trương tu tập, thực hành đời sống đạo và đặc biệt là mục đích gìn giữ, mở mang mối đạo của Hội chính là một trong những tư tưởng tích cực, góp phần làm cho Phật giáo hưng khởi. Và đây cũng chính là một trong những chủ đích quan trọng mà phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam hướng đến.
* Khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị khu vực III, Đà Nẵng.
1. Kim Liên Xã Cư Sĩ Lâm (1937), Quy tắc, Nhà in Thanh Tân, Ða Kao, Sài Gòn, tr. 3-4.
2. Xem thêm Couzinet (1937), “Le régime des associations en Indochine”, Revue Indochinoise, Vol 4.
3. Ngoài tên gọi chính thức này, các thành viên cũng thường hay sử dụng danh xưng là Tịnh độ Cư sĩ Phú Nhuận trong các công trình do Hội phát hành. Do đó, cần tránh trường hợp nhầm lẫn với Tịnh độ Cư sĩ Phật hội ở chùa Hưng Long Tự, Sài Gòn.
4. Kim Liên Xã Cư Sĩ Lâm (1937), Quy tắc, Nhà in Thanh Tân, Ða Kao, Sài Gòn, tr. 8.
5. Ngoài ra, Cư sĩ Bửu Thành còn có các bài kệ, bài nguyện khác như:
Kì dư giáo pháp cần phải tin
Viên dẫn người đời khỏi lụy mình
Tự bởi mình tu nên quả Phật
Tịnh lòng vắng lặng thấy tâm linh
Độ mình dắt kẻ ngoài tam giới
Cư chẳng sơ chi tiếng nhục vinh
Sĩ nguyện giúp đời ra biển khổ
Hội nhau về đến cảnh quang minh
*
Kim cang vận chuyển độ người tu
Liên hiệp dắt nhau tránh ngục tù
Xả bỏ tham sân đừng vọng tưởng
Cư chuyên niệm Phật dứt lòng ngu
Sĩ nguyền dẫn kẻ li trần tục
Bửu độ khuyên người gắng chí tu
Thành tín nhất tâm noi đạo Thích
Nguyện cùng khắp hết ráng lo tu
Xem thêm: Kim Liên xã Cư sĩ Lâm (1937), Tịnh độ tông, Nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, tr. 47-51.
6. Kim Liên Xã Cư Sĩ Lâm (1940), Nghi thức tụng kinh Di Ðà, Hồng danh, Ðại bi Thập chú, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, trang bìa cuối.
7. Kim Liên Xã Cư Sĩ Lâm (1937), Quy tắc, Nhà in Thanh Tân, Ða Kao, Sài Gòn, tr. 4-7.
Bình luận bài viết