Thông tin

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ HỘI PHẬT DI ĐÀ

 

TS. DƯƠNG THANH MỪNG*

 

 

1. Bối cảnh ra đời

Năm 1931, Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học thành lập tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn, chính thức mở đầu cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Từ miền Nam, phong trào nhanh chóng lan ra miền Trung (1932), rồi miền Bắc (1934). Với tinh thần chung là chấn chỉnh các phương thức tu tập và sinh hoạt truyền thống đã làm cho Phật giáo suy yếu, các tăng ni, Phật tử, các nhà trí thức mến mộ đạo Phật đã tích cực hưởng ứng bằng nhiều phương cách khác nhau.

Xu hướng phổ biến nhất là lựa chọn các tổ chức Phật giáo có đường lối chấn hưng phù hợp với tâm nguyện, với hoàn cảnh địa lí để cùng tham gia thực hiện cải cách, sửa đổi. Các tổ chức Phật giáo quen thuộc, thường được các tăng ni, Phật tử lựa chọn và các công trình lâu nay cũng hay đề cập đến là Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học, Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Hội Thiên Thai thiền Giáo tông Liên hữu, Hội Phật học Kiêm Tế, Hội Phật học Tương Tế, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội ở miền Nam; Hội An Nam Phật học và Hội Phật học Đà Thành ở miền Trung; Hội Phật giáo Bắc Kì và Hội Phật giáo Bắc Kì Cổ sơn môn ở miền Bắc.

Xu hướng tiếp theo là ủng hộ tinh thần cải cách của tất cả các tổ chức Phật giáo. Những người này không thiên trọng về bất cứ tổ chức nào. Với họ, việc bóc tách những hạn chế mà Phật giáo đang gặp phải, đồng thời, xây dựng một tinh thần hòa hợp, thống nhất giữa các tăng ni, Phật tử chính là đích mà các nhà vận động chấn hưng cần phải hướng đến.

Xu hướng còn lại là không đồng tình với chủ trương chấn hưng của các tổ chức hoặc muốn khởi sự theo một phong cách riêng của mình. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của nhiều tổ chức Phật giáo mới như: Hội Phước thiện nhà Phật (1935, Sài Gòn), Hội Phật giáo Thiện hữu (1936, Long Xuyên), Kim Liên xã Cư sĩ lâm (1937, Sài Gòn), Hội Phật giáo Quan Âm Tịnh độ (1940, Long Xuyên), Hội Thiện sinh Trung Kì (1942)... Gần như các tổ chức Phật giáo mới này đều ra đời ở Nam Bộ. Duy chỉ có Hội Thiện sinh Trung Kì, một đoàn thể Phật giáo mang màu sắc tươi trẻ của các thế hệ thanh thiếu niên là được thành lập ở Nghệ An. Các tổ chức này thường có thời gian tồn tại tương đối ngắn và phạm vi hoạt động cũng tương đối hẹp. Tuy nhiên đây cũng chính là những thành quả khá quan trọng mà phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đã tạo nên. Và rất tiếc là cho đến hiện nay, các tổ chức Phật giáo này lại chưa được quan tâm nghiên cứu và đề cập một cách đầy đủ.

Riêng đối với Hội Phật Di Đà, đây cũng là một tổ chức khá mới mẻ đối với nhiều nhà nghiên cứu. Hội được thành lập vào ngày 5/9/1936, tại chùa Linh Nguyên, chợ Đũi, Sài Gòn. Chủ chùa kiêm Hội trưởng là ông Nguyễn Văn Ngọc. Cho đến hiện nay, tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa Linh Nguyên cũng như việc xác định vị trí chính xác của chợ Đũi cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Một số ý kiến cho rằng, trước năm 1945, do bom đạn của thực dân Pháp tàn phá nên chợ Đũi bị xóa sổ và ngôi chùa này cũng phải chịu chung số phận. Một số quan điểm khác lại cho rằng, trước sự tàn phá khốc liệt của bom đạn, ngôi chùa này đã được dời về quận 6, Sài Gòn. Trên các website, có đăng tải thông tin về một ngôi chùa cũng có tên là Linh Nguyên. Ngôi chùa này được Thiền sư Hải Tịnh khởi công xây dựng từ năm 1820, tại ấp Bình Tả 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Dù chưa có nhiều nguồn tài liệu để chứng minh, song nếu căn cứ vào việc các thành viên đăng kí địa điểm sinh hoạt của Hội thì quả đúng là đã có sự tồn tại của chùa Linh Nguyên ở Chợ Đũi. Đây cũng là một thông tin khá thú vị và rất cần được các nhà khoa học và các Phật tử tiếp tục quan tâm, làm rõ để làm phong phú hơn bức tranh Phật giáo Gia Định - Sài Gòn trong nửa đầu thế kỉ XX.

2. Cách thức tổ chức và hoạt động của Hội Phật Di Đà

Rất tiếc cho đến hiện nay, các tài liệu liên quan đến tổ chức này còn rất hạn chế, do đó, chỉ có thể tìm hiểu cách thức tổ chức và hoạt động thông qua bản Điều lệ tạm thời mà Hội đã ban hành. Bản Điều lệ này dù chưa được chính quyền thực dân Pháp công nhận nhưng đã được các thành viên biểu quyết thông qua vào ngày 9/10/1936, với 10 điều khoản.

Điều 1, tại chùa Linh Nguyên sẽ thành lập một tổ chức sinh hoạt theo đúng tôn chỉ của đạo Phật, lấy tên là Hội Phật Di Đà. Những người muốn tham gia vào Hội phải thành tâm tin tưởng trời Phật, trau dồi đức hạnh, giữ gìn mối đạo. Những người ăn nói tùy tiện, lỗ mãng hoặc đã vi phạm hình sự sẽ không được Hội nhận làm hội viên. Vào các dịp rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, rằm tháng mười và các ngày lễ vía như: Vía Thập Điện (ngày 22/4 âm lịch), vía Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (6/4), vía Địa Tạng (30/7), vía Quán Thế Âm Bồ Tát (19/9), vía Đức Phật A Di Đà (17/11) thì tất cả các hội viên phải tập trung về chùa hội quán Linh Nguyên sắm sửa hương hoa, nhang đèn để cùng nhau lễ Phật.

Điều 2, Hội sẽ thành lập một Ban Trị sự 12 người để quản lí và theo dõi các công việc chung trong toàn Hội, gồm: 1 Chánh Chủ trưởng cùng 1 Phó Chủ trưởng, 1 Chánh Chủ hội cùng 1 Phó Chủ hội, 1 Chánh Chủ sự cùng 1 Phó Chủ sự, 1 Thư kí, 1 Thủ quỹ cùng 4 Nghị viên. Hội được thành lập dựa trên lòng thành tâm tín ngưỡng của các hội viên, mục đích là để gìn giữ tâm tính cho trong sạch, phát huy được các hạnh từ bi, hỉ xả giống như Đức Phật A Di Đà. Các hội viên lúc mới tham gia sẽ phải đóng 6 cắc tiền nhập Hội.

Điều 3, những người có lòng thành kính đức Phật thì đều có quyền tham gia vào Hội trên tinh thần tự nguyện chứ không phải là bắt buộc. Để trở thành hội viên thì phải làm đơn gửi Hội trưởng và trong đó nêu rõ là sẽ chấp thuận các điều khoản mà bản Điều lệ đã quy định. Trên cơ sở xem xét lí lịch cá nhân, Hội sẽ chấp thuận hay bác bỏ việc tham gia. Sau khi vào Hội thì mỗi hội viên sẽ phải đóng tiền hội phí hàng tháng là 3 cắc. Tiền hội phí chỉ thu trong năm đầu, các năm còn lại sẽ không thu. Các trường hợp vi phạm điều lệ, trễ hạn đóng tiền hội phí trong ba tháng liên tiếp hoặc làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của Hội sẽ bị gạch tên và trục xuất.

Điều 4, số tiền 6 cắc nhập Hội là tiền dự phòng. Để tránh trường hợp mất quá nhiều thời gian bàn luận, chờ đợi các hội viên đóng góp (làm trễ ngày) hoặc các hội viên vì bận công việc không thể đến chùa hội quán tổ chức các ngày lễ vía Phật hay ngày rằm theo đúng thời hạn đã quy định thì Hội sẽ sử dụng số tiền phòng bị này. Mục đích là để mua hương, hoa, trái cây, đồ chay,... làm lễ. Tùy theo quy mô của ngày lễ mà mức kinh phí có thể chi nhiều ít khác nhau. Sau khi buổi lễ kết thúc, Ban Trị sự sẽ cân đối các khoản thu chi rồi báo cáo cho các hội viên được biết. Các hội viên sẽ tham gia đóng góp để bù lại khoản tiền mà Hội đã ứng trước đó.

Điều 5, số tiền 3 cắc hội phí được Hội dùng để chuẩn bị các lễ dâng lên tứ ân, phụ mẫu của các hội viên khi họ ốm đau, già yếu hay qua đời. “Bởi Hội Di Đà cũng muốn làm cho tròn bổn phận hai mối giềng là thờ trời Phật và trong nhà thì phải thờ kính mẹ cha nên Hội lo gom góp số tiền ít ỏi này để lo lắng đền đáp lễ hiếu thảo”1. Các hội viên nào có đủ điều kiện về mặt vật chất để chăm lo cho bố mẹ thì Hội sẽ chuẩn bị lễ theo nghi thức thông thường của Phật giáo. Còn hội viên nào có hoàn cảnh khó khăn thì ngoài lễ thông thường Hội sẽ hỗ trợ, chu cấp thêm một khoản kinh phí khác. Muốn có đầy đủ các quyền lợi này thì các hội viên phải đóng đầy đủ tiền hội phí một năm là 3,6 đồng. Người nào đóng không đủ thì chỉ được hưởng ¼ quyền lợi. Đối với các trường hợp vi phạm một trong mười điều khoản mà bản Điều lệ đã quy định thì sẽ không được hưởng bất cứ quyền lợi nào.

Điều 6, liên quan đến vấn đề tổ chức nghi lễ hiếu sự hoặc tang tế cho các hội viên, Hội quy định như sau: 1/Không được cho người khác thay thế mình nhận lễ của Hội; 2/Những người hai vợ thì chỉ một trong hai người được hưởng lễ; 3/Những người có vợ nhưng không tổ chức cưới hỏi thì phải báo cho Hội và sau một năm mới được hưởng lễ; 4/Hội không cho phép nhận lễ khi tên họ của người đó không đúng với danh sách đã đăng kí (từ ban đầu) hoặc không đúng với giấy báo tử; 5/Những người ở xa phải gọi điện thông báo tên họ của người mất trực tiếp với Hội và tên họ của người đó phải đúng với danh sách đã đăng kí (không được chuyển lời hay gửi thư); 6/Những người vào Hội nếu làm trái điều lệ, trễ nại việc đóng tiền hội phí được Ban Trị sự nhắc nhở nhiều lần nhưng không thay đổi thì sẽ không được nhận lễ.

Điều 7, các hội viên nếu gây rối tại các kì họp, gây mất đoàn kết trong nội bộ Hội, ăn nói thô lỗ, làm mất lòng chủ chùa thì sẽ bị Ban Trị sự nhắc nhở và nếu tiếp tục vi phạm thì Hội sẽ giao cho các cơ quan chức năng xử lí. Ban Trị sự sẽ không chịu trách nhiệm với các vi phạm của hội viên, dù đó là các vi phạm bên trong hay bên ngoài Hội. Ý nghĩa của bản Điều lệ mà Hội muốn hướng đến chính là: Dạy người ăn ở hiếu thảo, thuận thành với mẹ cha; dạy người thành tâm mộ đạo; dạy người hiền đức, thuần lương, biết sợ nhân quả, tội phước; dạy người biết cách thờ phụng, cúng bái trời Phật; dạy người biết quý trọng thể xác lẫn tâm hồn; dạy người biết kính trên nhường dưới; dạy người có trách nhiệm với các hoạt động của Hội và luôn tuân thủ pháp luật của chính quyền.

Điều 8, hàng tháng các hội viên phải đến chùa hội quán vào ngày mồng một và ngày rằm để tham gia các hoạt động Phật sự do Hội tổ chức. Tất cả các hội viên của Hội đều phải có trách nhiệm thờ phụng đức Phật. Tùy theo khả năng của mình mà tổ chức các ngày lễ (chủ yếu là ở tấm lòng thành, không quan trọng lớn hay bé). Những người bỏ bê việc thờ cúng, lơ là việc thực hành đời sống đạo, lơ là các công việc chung của Hội thì sẽ không còn được xem là hội viên.

Điều 9, Ban Trị sự của Hội muốn bàn luận các công việc thì phải có mặt ít nhất là 6 thành viên trong Ban mới được tổ chức nhóm họp. Cuối mỗi năm, Hội sẽ tổ chức đại hội thường niên. Các thành viên tham gia phải giữ gìn trật tự, nếu có ý kiến thắc mắc hoặc góp ý thì sẽ dong tay phát biểu theo sự điều phối của chủ tọa. Hội sẽ thông qua các quyết nghị, các kế hoạch hoạt động bằng hình thức biểu quyết. Nếu được số đông chấp thuận thì xem như đã thông qua. Cuối mỗi kì họp, thư kí phải có trách nhiệm lập thành các biên bản để lưu trữ và báo cáo với chính quyền sở tại. Ngoài ra, Hội còn phải chuẩn bị các loại sổ sách để ghi chép lại quá trình hoạt động, danh sách hội viên, những người qua đời, tài sản của Hội... Khi được yêu cầu thì Hội phải trình tất cả các loại giấy tờ, sổ sách liên quan để chính quyền thuộc địa kiểm tra, xem xét.

Điều 10, trước khi nhận được sự công nhận chính thức từ phía chính quyền thuộc địa, Hội sẽ in cuốn điều lệ tạm thời này để phổ biến trước cho các hội viên tìm hiểu và thực hiện. Sau khi sinh hoạt của Hội lẫn các hội viên đi vào quy củ thì Ban Trị sự sẽ trình Thống đốc Nam Kì phê duyệt và công nhận tính chính danh cho Hội2.

Như vậy, có thể thấy rằng, Hội Phật Di Đà ra đời, với mục đích chính là quy tụ các hội viên để cùng nhau sinh hoạt đời sống đạo và thực hiện một số nghi lễ Phật sự. Hội không hướng nhiều đến các hoạt động chấn hưng, cải cách cũng như không thể hiện rõ quan điểm, lập trường của mình đối với đường hướng hoạt động của các tổ chức Phật giáo đương thời. Thay vào đó, các hoạt động chủ đạo mà Hội hướng đến là giáo dục nhân cách cho các tín đồ dựa trên những nền tảng giáo lí căn bản của đức Phật; giúp cho các tín đồ thành thạo hơn trong việc tổ chức các nghi lễ; đồng thời, giúp họ hoàn thành tốt trách nhiệm, bổn phận của một người Phật tử lẫn một người công dân trong xã hội. Bên cạnh việc bày tỏ sự tín ngưỡng đối với đức Phật, Hội còn xem “Trời” là một đối tượng thờ phụng khác. Và đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất của Hội so với các tổ chức Phật giáo đương thời. Dù chưa có nhiều đóng góp thực sự cụ thể, song sự ra đời của Hội Phật Di Đà đã góp phần tạo nên những màu sắc mới cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam.

 


* Học viện Chính trị Khu vực III, Đà Nẵng.

1. Hội Phật Di Đà (1936), Điều lệ tạm thời, Nhà in Chân Thành, Sài Gòn, tr. 1-8.

2. Hội Phật Di Đà (1936), Điều lệ tạm thời, Nhà in Chân Thành, Sài Gòn, tr. 1-8.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6794753