Thông tin

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO Ở NGHỆ AN

 

ThS. TRẦN THỊ MỸ HẠNH*

                                             

1. Đôi nét về bước đi của Phật giáo trên đất Việt

Đạo Phật ra đời là một sự kiện tất yếu lịch sử của nhân loại, nhằm dung hoà những nỗi bất công của con người trước một xã hội đã phân hoá làm nhiều đẳng cấp thời bấy giờ. Với đạo Phật thì mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội đều tìm được chỗ đứng cho mình, vì trước hết, đó là một hệ triết học mở, không cực đoan, không đấu tranh để giành một cương vị nào trong thế giới nhân sinh. Đạo Phật đã đi sâu vào nhiều mặt thế giới quan và nhân sinh quan để hướng tới cái tâm “như như tự tại”. Trong ứng xử với cuộc đời thế tục, tín đồ Phật giáo nương theo lời dạy của đấng Như Lai mà gắng thực hiện tứ đại vô lượng tâm, coi mọi trở ngại trên cõi đời, suy cho cùng, chỉ do Nghiệp…

Trên thực tế chưa có một hệ triết học hoặc tôn giáo nào có thể dễ thích nghi một cách mềm dẻo để nhập mình vào mọi xã hội có hoàn cảnh khác nhau như đạo Phật. Một đặc điểm khác rất đáng tôn trọng là đạo Phật tuỳ duyên mà hoá độ, tự dung hội với các dòng tư tưởng và tín ngưỡng nơi nó tiếp cận, không làm biến dạng truyền thống nền văn hoá nơi Phật pháp được hoằng dương. Nó chỉ vì nỗi khổ đau của chúng sinh. Bởi vậy, hàng ngàn năm đã qua, nhà tu hành đạo Phật không phải là đối tượng gạt bỏ của các chính thể, họ dễ dàng đi vào quần chúng một cách ôn hoà, để rồi đẩy nhanh hơn sự phát triển của nền văn hoá bản địa.

Có thể tin được rằng, ngay từ những năm đầu Công nguyên, người Việt đã được tiếp xúc với đạo Phật. Từ đó đến nay, lúc thăng, lúc trầm, nhiều dấu ấn của đạo Phật đã để lại trên đất Việt, đã tác động tới phong tục tập quán, tình cảm, tư tưởng của mọi tầng lớp xã hội. Vào giai đoạn đầu, cơ tầng Phật giáo Ấn Độ được xác lập một cách rõ nét với sự hiện diện của trung tâm Phật giáo Luy Lâu – Dâu và thiền phái Tì ni đa lưu chi (Vinitaruci) thế kỷ VI. Ít lâu sau, thế kỷ VII, thiền phái Vô Ngô Thông từ Trung Quốc vào nước ta, với sự hiện diện của sơn môn Kiến Sơ, cơ tầng Phật giáo Trung Quốc cũng dần được xác lập. Cho đến thời Lý, lại xuất hiện "một cách ngẫu nhiên) thiền phái Thảo Đường. Cả ba thiền phái này đều có sự truyền thừa khá rõ ràng, và cả ba thiền phái này góp phần tạo lập một thiền phái của người Việt trong thời Trần, đó là Thiền phái Trúc Lâm, mang đậm tính dân tộc, là một nền tảng cá tính Việt. Nhưng cuối thời Trần, đạo Phật bị suy thoái dần và bị hạn chế vào thời Hồ Quý Ly và đặc biệt trong thời Lê sơ (thế kỷ XV). Đến thời Mạc, Phật giáo được phục hồi, kéo nền nghệ thuật tạo hình tương ứng chuyển sang một bước phát triển khác, như tạo tiền đề cho sự đa dạng hóa của phật điện từ thế kỷ XVII về sau. Tuy nhiên, đạo Phật cũng không đủ sức cứu vớt được sự khủng hoảng xã hội, người dân thôn dã đã ít tập trung vào chùa mà dồn sức đẩy ngôi đình lên tới địa vị trung tâm của làng xã. Sang thế kỷ XVIII, mặc dù đây đó vẫn có một số chùa mới được xây, nhưng phải tới thế kỷ, dưới thời Tây Sơn, đạo Phật mới được phục hồi trong sự ủng hộ của nhiều trí thức Nho học và một số quan lại tân triều, từ đó tạo điều kiện cho một số chùa đặc biệt ra đời. Sang thế kỷ XIX, xã hội Việt đầy biến động, đạo Phật với nhiều tông phái, nhưng không phân định rõ ràng và thăng trầm bởi nhiều lý do khác nhau. Vua Gia Long đã bắt đình thần xét các chùa, ghi tên tất cả sư dưới 50 tuổi đều phải lao dịch như dân. Đời Minh Mệnh và Thiệu Trị, đạo Phật có được sự quan tâm hơn nhưng không phát triển mạnh mẽ nữa. Tuy nhiên, tinh thần phật giáo đã thấm đượm vào tâm hồn Việt để góp phần giữ cân bằng cho xã hội.

Suy cho cùng, bước đi của Phật giáo trên đất Việt và hoàn cảnh lịch sử chung đã chi phối tới bước đi của ngôi chùa Việt. Ngược lại, chính ngôi chùa Việt nhiều khi đã bước ra ngoài phạm trù Phật giáo để phản ánh rõ rệt một số vấn đề của lịch sử và xã hội.

2. Vài nét về ngôi chùa Việt

Xưa nay, các bậc trí giả thường nhận ra rằng, ngôi chùa không chỉ là nơi để con người gửi gắm mối liên hệ với thần linh bằng các nghi lễ đậm chất huyền bí trang nghiêm. Trong quá trình tồn tại, ở nhiều nơi, ngôi chùa đã có địa vị “vàng son” để trở thành trung tâm văn hoá của làng xã. Nơi đó, khách hành hương được thấy khoảng trời cực lạc, ngẫm lẽ vô thường của cuộc đời, về cội nguồn mà “kiến tính”, nhằm xây dựng lòng yêu quý con người và yêu quê hương xứ sở. Song, cũng nhiều thời cảnh chùa trở nên tiêu điều, để rồi tàn phai với thời gian. Điều đó, khiến cho biết bao tài sản văn hoá quý giá như tượng thờ, tự khí đã trở thành vật hiến tế cho thuỷ thần hoặc thổ địa và khá nhiều kiến trúc cổ truyền bị mai một, trong đó có nhiều mảng chạm đẹp cũng bị hư nát.

Nghệ thuật thời Lý (1010 – 1225) hiện tồn cho đến ngày nay còn dấu vết có thể xác định được niên đại một cách tương đối cụ thể là một số hiện vật ở chùa Phật Tích (Hà Bắc). Di tích “cuối cùng” của thời này có niên đại được xác nhận vào năm 1226, với tấm bia đá ở chùa Linh Xứng – Thanh Hoá. Các di tích kiến trúc mỹ thuật thời Trần đã được nhận biết qua hai dòng khác biệt hẳn nhau. Một dòng phục vụ yêu cầu của quý tộc thì ngày càng có xu hướng ảnh hưởng Trung Hoa, cùng với sự phát triển của tầng lớp Nho sỹ. Một dòng được hình thành theo yêu cầu của làng xã có nhiều nét trở về bản thể cội nguồn. Sang thời Lê Sơ, mọi sự nới lỏng ở cuối thời Trần như bị chặn lại. Triều đình đã khẳng định địa vị của Nho giáo, trật tự xã hội dựa hẳn vào hệ ý thức mới. Những quy định khắt khe lại được đặt ra. Không một di tích nào của làng xã được xác định cụ thể, trừ đôi ba tấm bia, chúng ta chỉ có thể thông qua nghệ thuật mà xếp một số nhang án vào thời kỳ này, còn tất cả là di tích cung đình, chủ yếu gắn với vua. Đó là những cung điện, là lăng mộ. Vào thời Mạc, thế kỷ XVI, sau giai đoạn dồn nén ở thời Lê Sơ, thì đây là thời kỳ bùng nổ của kiến trúc mỹ thuật. Trước đây kiến trúc mỹ thuật Mạc chưa được chấp nhận. Tới nay thì vấn đề này không còn phải đặt ra nữa. Chúng ta đã xác định được một nền kiến trúc mỹ thuật cụ thể đậm màu dân dã. Và, qua đó chúng ta nhìn thấy sự phát triển về thương nghiệp, sự “giàu có” về kinh tế của xã hội, nhiều biểu hiện của nghệ thuật với các yếu tố Mã Lai đa đảo, Môn, Hán, Tạng Miến, rồi các hình thức trang trí dậm tính chất cầu phúc của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Những gì tiềm tàng lắng đọng được khơi dậy để cho một nền kiến trúc mỹ thuật dân dã bừng tỉnh, mà qua đó chúng ta như nghe được tiếng nói đương thời. Phải nói rằng đây là một nền kiến trúc mỹ thuật mà chúng ta chưa xác định hết được hiệu quả. Tuy nhiên cũng như các thời trước, ngôi chùa thời Mạc không rải đều trong suốt cả thể kỷ XVI, thời Mạc Đăng Dung khá hiếm, thời kế tiếp cũng không hơn gì. Phải chăng đó là quy luật, là lẽ tất yếu với mọi dòng họ đã có những tác động khác nhau với bộ mặt xã hội, khiến cho chúng ta thấy ở mỗi thời nền kiến trúc - mỹ thuật nổi lên một tính chất riêng. Vào khoảng giữa thế kỷ này, họ Mạc như một lệ thường cũng quay về xây dựng ở quê hương (Kiến An - Hải Phòng) để làm chỗ dựa cho ngai vàng ở Thăng Long. Chúng ta đã gặp nhiều di tích gắn với vua và công chúa Mạc ở vùng này. Song, không còn quy mô to lớn như các triều trước.

Vào nửa sau thế kỷ XVI, nhất là các thời Diên Thành, Sùng Khang, các công trình được nở rộ. Phải chăng chính sách của nhà Mạc phần nào đã giúp cho sự hưng thịnh của nền kinh tế làng xã và tầng lớp thương nhân được nâng đỡ, tạo điều kiện kích thích nền sản xuất phát triển. Và, từ đó hàng loạt kiến trúc với nhiều chùa, cùng đồ gốm lớn mang tính chất thương mại ra đời. Cuối thời Mạc, cuộc nội chiến của thống trị đã ít nhiều cản trở tới con đường đi của kiến trúc khiến cho các di tích vắng bóng khoảng hơn mười năm. Tuy vậy, những cơ sở kinh tế được tạo ra dưới thời Mạc không phải vì chiến tranh và sự thay đổi triều đại mà bị tàn phá ngay. Ảnh hưởng của nó lúc thăng, lúc trầm trong suốt thế kỷ XVII, đã khoét sâu sự suy yếu của ý thức chính thống như tạo thành một tiền đề cho nền kiến trúc mỹ thuật dân dã phát triển tới đỉnh cao ở cuối thể kỷ này, ngôi chùa tạm thời lùi bước. Thực tế, từ thế kỷ XVIII trở đi các khoảng lõm về thời gian đối với kiến trúc - mỹ thuật như không còn nữa, về mật độ của di tích không phải lúc nào cũng như nhau, và tuỳ theo điều kiện lịch sử mọi loại hình của di tích cũng phù hợp theo.

3. Kiến trúc chùa ở Nghệ An

3.1. Sự phân bố ngôi chùa qua các thời ở Nghệ An

Theo tài liệu kiểm kê chưa đầy đủ, trước 1945, ở Nghệ An có 261 ngôi chùa[1]. Hiện nay, hầu hết các ngôi chùa Nghệ đã bị phá bỏ, nay chỉ còn lại một số chùa như: Chùa Phượng ở Ngọc Lâm – Quỳnh Lưu, chùa Vạn Lộc ở Thị xã Cửa Lò, chùa Cần Linh ở Thành phố Vinh, chùa Nậm sơn ở Vân Diên – Nam Đàn, chùa Hiến Sơn ở Hưng Trung – Hưng Nguyên, chùa Bảo Lâm ở Hoa Thành – Yên Thành, chùa Bà Bụt – Đô Lương, chùa Gám – Yên Thành...

Chúng ta chỉ có thể tìm hiểu về các ngôi chùa xưa ở xứ Nghệ qua bia ký và các tài liệu lịch sử cũng như lời kể của dân gian. Từ đó có thể rút ra những suy luận, những kiến giải cho sự tồn vong của ngôi chùa trong lịch sử. Phật giáo được truyền vào Nghệ An từ thế kỷ nào, năm nào thì chưa rõ. Chỉ biết, hơn ngàn năm Bắc thuộc ở Nghệ An có nhiều chùa cổ. Tại Quỳnh Lưu, theo lời nhân dân truyền lại thì có đến 20 chùa cổ[2], và tại các huyện khác cũng tương tự. Các chùa này, nhân dân đều cho rằng chúng xuất hiện từ thời Bắc thuộc. Bên cạnh đó, văn bia chùa Viên Quang ở Nam Đàn cho biết, đời Đường (VII – VIII) trên địa bàn có chùa Phúc Quang, đời Tống (X – XIII) có chùa Kiến Long.

Các kiến trúc chùa thời Bắc thuộc, đến nay, chưa có một điều kiện nào để xác định. Chúng ta chỉ có thể ước đoán rằng Phật điện cũng tương tự như những am miếu đương thời, sự khác nhau cơ bản chỉ ở vị thần linh được thờ bên trong. Từ thời Lý, đạo Phật phát triển, nhiều ngôi chùa được xây dựng vào thời kỳ này. Vào khoảng năm 1060, Lý Đạo Thành vào làm Tri châu Nghệ An đã cho dựng chùa Già tại núi Già, gần nơi trấn trị thuộc xã Đà Sơn bây giờ để thờ Phật. Ông lại rước bộ kinh Địa tạng về chùa để ngày đêm tụng niệm, tu dưỡng. Ông còn cho xây dựng chùa Bà Bụt ở Bạch Ngọc để tưởng nhớ người đã có công giúp Lý Nhật Quang. Vùng này vào thời đó, chắc là sùng Phật nên nhiều làng mang tên có gắn với chữ nghĩa của nhà Phật như: Đà Lam, Phật Kệ, Bụt Đà thuộc xã Đà Sơn, rồi có núi Già, chợ Già... Vùng các xã Hồng Thành, Phú Thành (Yên Thành) cũng vậy. Ở đây có các làng Tường Lai, Lạc Thiện, Tiên Bồng, Thanh Đạt, Triệu Cảnh, Phúc Trạch... rồi xa hơn tý chút là các làng Đại Độ, Tích Phúc, Phúc Tăng, Chân Cảm... Bên cạnh đó, căn cứ vào văn bia chùa Bảo Lâm (Hoa Thành, Yên Thành), thì chùa cũng được xây dựng vào thời Lý (1061). Và có thể là còn nhiều ngôi chùa nữa được xây dựng vào thời kỳ này mà đến nay dấu tích không còn nữa.

Thời Trần đã có sự chú ý nhiều hơn tới miền núi xa xôi, nhất là vùng biên viễn. Ở Nghệ An, nhiều chùa xuất hiện vào thời kỳ này như chùa Thông ở Yên Thành, chùa Mụ Nghểnh, chùa Càn, chùa Đế Thích, chùa Ốc, chùa Nở, chùa Cù... ở Quỳnh Lưu, chùa An Quốc, chùa Am Hà... ở Hưng Nguyên[3].

Theo tục truyền ở Nghệ An, triều Hồ, chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ do Hồ Quý Ly xây dựng để thờ Phật bà Đại Tuệ, người có công giúp Hồ Quý Ly xây dựng thành Đại Huệ hay còn gọi là thành Hồ Vương làm căn cứ chống giặc giữ nước kho ông là Quốc công nhà Trần.

Thời Lê Sơ, Phật giáo bị chính quyền hạn chế. Ngôi chùa không có điều kiện để phát triển. Trước đó, trong cuộc chiến tranh xâm lược, giặc Minh đã tàn phá khá nhiều chùa ở nước ta. Nhưng tới nay, tầng lớp địa chủ mới nắm ngọn cờ dân tộc, thực hiện cuộc chiến tranh giải phóng thắng lợi, đã lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống, Phật giáo lui về nơi thôn dã.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của PGS. Ninh Viết Giao cho biết, tại xứ Nghệ, vào thời gian này một số ngôi chùa vẫn được xây dựng như: Chùa Hiến Sơn, Bảo Quang, Long Khánh, Quang Phúc... ở Hưng Nguyên, chùa Viên Quang, chùa Hoa Bảo, chùa Bi, chùa Múc, chùa Hương Lâm, chùa Ơi, chùa Dạ ở Nam Đàn...

 Sang thế kỷ XVI, thời Mạc, là thời kỳ thương nghiệp có điều kiện phát triển. Các triền sông chạy lên vùng trung du, miền núi cũng như ven biển… đã là con đường thương thuyền đi lại. Liền với sự kiện này, rất nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật được ra đời. Các di tích thời Mạc đã phát triển ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng ở Nghệ An thì dấu vết của ngôi chùa thời Mạc lại chưa được nghiên cứu.

Sang thế kỷ thứ XVII, XVIII di tích của người Kinh được phát triển mạnh trên địa bàn cũ của triều Mạc đồng thời cũng phát triển theo hướng Nam chạy dọc vùng ven biển. Chúng ta đã gặp kiến trúc - mỹ thuật của người Kinh cả ở Huế có niên đại vào khoảng giữa thế kỷ XVII. Tới hết thế kỷ XVIII vẫn hiếm thấy di tích của người Kinh xuất hiện trên miền núi. Phải chăng đó là một biểu hiện của tâm lý, hay phải chăng sự phát triển ra hướng biển và Nam tiến là xu hướng thường trực hơn. Theo bia ký, ở Nghệ An vào thời gian này có rất nhiều ngôi chùa được tu bổ lại và hiện nay các chùa còn các mảng chạm vào thế kỷ thứ XVII đó là chùa Gám và chùa Bảo Lâm ở Yên Thành.

 Tới thời Nguyễn, nhất là từ sau đời Tự Đức (cuối thể kỷ XIX) thì di tích thuộc văn hoá của người Kinh được mở rộng ra hầu khắp đất nước, cả trong Nam, ngoài Bắc. Ở Nghệ An, có nhiều ngôi chùa được xây dựng như: Chùa Vòng (Quỳnh Lưu), chùa Phúc Long (Diễn Châu),... và nhiều ngôi chùa được tu bổ lại với quy mô lớn.

Tóm lại, qua sự phân bố của ngôi chùa và di tích nói chung, có thể hình dung được ở mặt nào đó những chặng đường đi của dân tộc ở thời quá khứ, trong quá trình tiến tới thống nhất cả cộng đồng Việt như ngày nay.

3.2. Bố cục mặt bằng

Cũng như nhiều ngôi chùa ở các địa phương khác, chùa ở Nghệ An  thường có kết cấu kiến trúc như sau: Từ bên ngoài vào, đi qua cổng chùa. Cổng chùa thường được làm theo kiểu tam quan (như chùa Diệc, thành phố Vinh). Tầng trên của tam quan có thể làm gác chuông.

Qua cổng chùa, ta bước vào sân chùa. Sân chùa thường được đặt các chậu cây cảnh, hòn non bộ. Diện tích của sân chùa tùy thuộc vào những điều kiện và đặc điểm riêng của mỗi chùa. Trong khu vực sân chùa hay vườn chùa có thể gặp mộ tháp hay tháp Phật như ở chùa Viên Quang (Nam Đàn).

Từ dưới sân chùa, để lên lớp kiến trúc đầu tiên của ngôi chùa là nhà bái đường (hay còn gọi là tiền đường). Ở nhà bái đường bày một số tượng, có thể đặt bia đá ghi sự tích ngôi chùa.

Qua nhà bái đường là đến chính điện (còn gọi là thượng điện), đây là phần kiến trúc quan trọng nhất của ngôi chùa, bài trí tượng Phật để thờ phụng.

Chạy song song với chính điện, ở hai bên là hai nhà hành lang nối thông chính điện với hậu đường. Qua nhà chính điện, theo đường nhà hành lang, ta ra đến nhà tăng đường (nhà hậu đường) và nhà tổ.

Như vậy, các kiểu bố cục điển hình thường thấy trong các công trình kiến trúc chùa ở Nghệ An có bố cục điển hình dễ nhận thấy là: Chữ Nhất, chữ Nhị, chữ Công, chữ Đinh… và một số loại hỗn hợp có thể xem như là các biến thể của các bố cục thường thấy như “tiền nhất, hậu đinh”, “tiền nhất hậu công” hoặc các dạng kiến trúc kiểu đặc biệt như “tứ thuỷ quy đường”. Tuy nhiên,  thực tế cũng là những lớp kiến trúc sau này được trùng tu, không sớm hơn thế kỷ XIX, với nhiều phong cách, đôi khi chắp vá rất khiên cưỡng.

3.3. Bố cục của một số ngôi chùa hiện nay ở Nghệ An

Bố cục chữ Nhất  xuất hiện sớm, có dạng thức kiến trúc bố trí trên một nét ngang, thường chỉ là duy nhất một toà đại điện. Qua khảo sát cho thấy một số chùa còn kết cấu này như: Chùa Song Ngư (Đảo Ngư, thị xã Cửa Lò), chùa làng Trung Kiên (Nghi Thiết, Nghi Lộc), Chùa Lô Sơn (Phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò), chùa Bà Bụt (Đô Lương)...

Bố cục chữ Nhị có các chùa: Chùa Bảo Lâm (Hoa Thành, Yên Thành), chùa Bùi Ngọa (Hưng Trung, Hưng Nguyên), chùa Xuân Nguyên (xã Xuân Thành, huyện Yên Thành)...

Bố cục chữ Tam có các chùa như: Chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ (dựa vào vết tích còn lại để đoán định), chùa Gám ở Yên Thành...

Bố cục chữ Đinh có nhà chính điện hay nhà thượng điện, tức ngôi nhà đặt các ban thờ Phật nối thẳng góc với nhà bái đường hay nhà tiền đường ở phía trước. Bố cục theo kiểu này có các chùa: Chùa Đức Sơn (Nam Đàn), chùa Hiến Sơn (xã Hưng yên, huyện Hưng Nguyên)...

Tên những kiểu chùa này chỉ dựa vào cụm kiến trúc chính. Trong các chùa, ngoài bố cục kiến trúc này, còn có những ngôi nhà khác như nhà tổ, nơi thờ các vị sư từng trụ trì ở chùa nay đã tịch, hoặc nhà tăng, nơi ở của các nhà sư, và một số kiến trúc khác như gác chuông, tháp và tam quan...

3.4. Bộ khung

Kiến trúc ngôi chùa ở Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng, thời Bắc thuộc, Đinh, Tiền Lê Lý và đầu Trần có lẽ chủ yếu chỉ được làm đơn giản bằng bưng tre nứa lá, gần gũi với ngôi chùa Mường hiện nay. Điều không may mắn cho xứ Nghệ đó là hầu hết các ngôi chùa cổ đã bị phá hủy chỉ còn lại rất ít. Tuy nhiên, qua một số công trình kiến trúc ít ỏi đó, chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào kết cấu của bộ khung ngôi chùa còn lại ở Nghệ An như sau:

Bộ vì giá chiêng. Hiện nay, một số ngôi chùa còn có kết cấu kiểu vì này như: Chùa Song Ngư (Đảo Ngư), Chùa Xuân Nguyên (Yên Thành), chùa Trung Kiên (Nghi Lộc), Chùa Lô Sơn (Cửa Lò)... Bộ vì giá chiêng dựa trên kết cấu 4 hàng chân cột. Trên đỉnh là một Thượng lương (xà nóc) tỳ lực lên một đấu hình thuyền, đấu này tỳ lực lên một con rường ngắn mập. Hai đầu rường tỳ lực lên cột trốn qua hai đấu vuông thót đáy. Chân 2 cột trốn cùng đứng trên câu đầu qua hai đấu vuông thót đáy. Phần không gian giới hạn giữa hai cột trốn thường lồng một tấm ván hình lá đề có chạm khắc trang trí. Phía ngoài cột trốn là hai phần hình tam giác dưới dạng ván bưng dày, đủ tư cách chịu lực đỡ hoành mái. Toàn bộ hệ thống trên được tỳ trên một câu đầu to – khỏe  - ngắn. Câu đầu tỳ lực lên hai đầu cột cái qua hai đấu. Hiện tượng xẻ đầu cột để ăn mộng với câu đầu chưa xuất hiện. Phần liên kết giữa cột cái và cột quân bao giờ cũng là một cốn tam giác được làm kiểu chồng giường hoặc kẻ cổ ngỗng. Thông thường, chiếc đuôi của đầu dư là rường thứ nhất, còn rường thứ hai ăn mộng vào cột cái, chạy ra tỳ lực trên đầu cột trốn nhỏ. Xà nách cũng ăn mộng vào cột cái rồi chạy ra tỳ lực trên đầu cột quân qua một đấu vuông thót đáy. Cột quân khá thấp, khiến bờ mái giọt gianh càng thấp hơn. Trong kiến trúc cổ, mái hiên hầu như hoàn toàn tỳ lực trên bẩy, và độ mở lại khá lớn nên bẩy thường mập và dài.

Bộ vì kèo. Hiện này, một số ngôi chùa còn lại trên đất Nghệ khá phổ biến với kết cấu kiểu vì này như: Chùa Bùi Ngọa, chùa Phổ Am, chùa Cần Linh, chùa Đức Sơn... Niên đại của kết cấu vì này ở Nghệ An khá muộn, chỉ khoảng thế kỷ XIX. Trước đây, kiều vì này ít được đưa vào tòa nhà chính nhưng vào thế kỷ XIX, ở Nghệ An, Bình Trị Thiên... đã đưa kết cấu kiều vì này vào tòa thượng điện. Kết cấu vì kèo với hai kẻ cùng gian đặt chéo nhau, ăn mộng đỡ thượng lương rồi chạy xuống đầu cột cái. Chỗ tiếp giáp giữa hai kẻ là nơi đặt của một trụ trốn. Với kết cấu vì nóc là vì kèo thì vì nách cũng chỉ là một kẻ, ăn mộng qua đầu cột cái, chạy xuống ăn mộng khác vào đầu xà nách. Kẻ này hơi cong lên để dồn lực vào đầu cột. Kết cấu này đơn giản, ít được chú ý trang trí, nhiều khi không cần cả xà nách. 

Bộ vì ván mê.Đây là một kết cấu khá đơn giản, thực tế chỉ là những tấm ván dày kê lên nhau, nẹp bởi hai kẻ cùng quá giang. Trong các bộ vì ván mê của các ngôi chùa còn lại thì vì ván mê chùa Xuân Nguyên (Yên Thành) khá đặc sắc. Chính giữa vì có chạm đầu con hổ phù lồi hẳn ra như một chiếc đấu để đỡ thượng lương. Hổ phù được nhìn chính diên, có mắt qủy tròn, mũi sư tử, miệng ngậm nhe, tóc xoắn đuôi nheo, sừng nai, tai thú, má bạnh, hàm mở rộng ngậm chữ thọ. Hổ phù có hai chân bành ra hai bên bám chặt ván mê, được tạc với các bộ phận như hằn khối để biểu hiện sự hung dữ và sức mạnh.

3.5 Tháp chùa

Đạo Phật cũng như bất kỳ một tôn giáo nào lan tỏa đến đâu đều kéo theo những giáo đường của nó. Sự hóa thân của cây tháp bát úp như dạng tháp Sanchi thành tháp nhiều tầng là một hiện tượng phản ánh về một khía cạnh phát triển của đạo phật sang phương Đông. Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn viết: Tháp là những tòa cao, nhiều tầng, dưới lớn, trên nhỏ, để thờ xá lỵ (tro tàn) của chư Phật hoặc của các nhà thành Đạo: Bồ tát, Duyên – giác, La hán, hoặc để chôn di cốt của các vị thượng tọa các ngôi chùa. Phần nhiều tháp được cất trong vòng rào nhà chùa.

Các tháp chùa hiện nay ở Nghệ An không còn nhiều, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, trong số các chùa cổ ở đất Nghệ, chùa xưa nhất và lớn nhất là chùa Nhạn Tháp (Yên Thành). Chùa được xây dựng trên một núi đất rộng 10 mẫu. Quy mô xây dựng chùa với các điện thờ thế nào chưa rõ song chắc là rất lớn vì có Tháp Nhạn cao tới 12 tầng. Ngọn tháp đã đỗ, song trước đây dưới chân ngọn tháp còn ngổn ngang những viên gạch cổ, cỡ gạch không đều nhau, độ nung cũng không đều nhau, phần lớn đều được chạm trổ, một số viên khắc 4 chữ “Trinh quán nguyên niên”. Có người căn cứ vào 4 chữ này, cho rằng chùa Nhạn Tháp được xây vào đời vua Đường Thái Tông (627 – 650), nhưng có người lại cho rằng Nhạn Tháp xây dựng vào đời Trần (cuối thế kỷ XIV) vì nó tương tự như tháp Bình Sơn ở Vĩnh Phú.

3.6. Thế đất, cây cỏ

Người ta thường gán cho những ngôi chùa cổ có một sức linh nhất định, mà rất ít ngôi chùa làm mới có được. Nói như vậy không có nghĩa là sự linh thiêng được đọng trong tâm thức con người đã trôi chảy theo thời gian mà mạnh dần. Trước hết, nơi địa linh là vùng tươi tốt, cao ráo, sáng sủa, đẹp đẽ... ở đây sức sống dồi dào, con người cảm thấy sảng khoái yên ổn... vì đó là chỗ hút được sinh lực của tầng trên. Ngoài những chi tiết nêu trên do gắn với tư duy nông nghiệp nên hầu như mọi kiến trúc tôn giáo phải có liên quan tới yếu tố nước, có thể là một dòng chảy từ phải qua trái ở trước mặt, dòng chảy ở bên cũng có khi chủ nhân của di tích đào hồ hoặc giếng. Người ta tin rằng nước là nguồn hạnh phúc nông nghiệp, và do nước ở thấp nên thường được coi như mang yếu tố âm, còn di tích nổi cao, được coi như yếu tố dương. Cả hợp thể trở thành một cặp âm dương đối đãi. Đó là ước vọng và nhằm thông qua thần linh để thành một gợi ý cho muôn loài sinh sôi phát triển. Ngoài ra, thông thường trước mặt chùa phải quang quẻ và nếu có các gò đống chầu về thì đó là một biểu hiện được coi như quy tụ phật pháp của mọi lực lượng thế gian. Để địa thế tăng thêm chất linh, người ta còn theo hình thể mà quy ra chùa nằm trên linh vật nào, ở đầu hay lưng... từ đó đoán định về vận mệnh và một số vấn đề nào đó có khi của cả làng, cả vùng.

Trong hệ thống chùa cổ ở Nghệ An, hiếm có ngôi chùa nào có vị trí địa lý và cảnh quan đẹp và linh thiêng như chùa Đại Tuệ. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết: “Ở làng Nộn Liễu thuộc huyện Nam Đàn, phía Bắc trông sang núi Đại Vạc, phía Đông liền với các núi Đại Bàn, Đại Tứ, Đại Hải. Trên đỉnh núi có động Thăng Thiên, trong động có chùa Đại Tuệ, bên tả chùa có suối đọng thành như giếng đá, sườn núi chè mọc xanh tốt, trông rất vui mắt, Cúi nhìn Nộn Hồ thì có núi Hùng Lĩnh chót vót ở bên mặt, núi Lam Thành ở bên trái, Rào Gang, Bàu Nón vòng quanh cả phía tây đông. Thẳng ngắm sông lam thì phía nam có sông, có núi Thiên Nhẫn phô vẻ xanh tươi gần như ôm giữ, thực là một nơi danh thắng nhất của tỉnh Nghệ An vậy”. 

Ngoài ra, các ngôi chùa khác hầu hết đều có thế  địa linh như chùa Già nằm nơi chân núi Già ở Đô Lương, chùa Bụt Đà nằm bên bờ sông Lam là Ngôi Chùa cổ kính và có quy mô lớn  được văn bia phản ánh, mô tả một cách chân thực: “Châu Thiên Nam, từ xưa có Chùa Bụt Đà là một danh lam, phía bên trái có các ngôi Tháp đứng thành hàng, phía bên phải chùa có dòng nước uốn khúc. Trước sông là chợ, bên suối là cầu, đây thật là một cõi Phật vào bậc nhất” [4]...

Cùng với thế đất và các vấn đề liên quan khác, người Việt còn quan tâm nhiều tới cây cổ thụ, trong đó nổi lên là một số cây theo quan niệm hiện còn trong dân chúng đã mang yếu tố Phật giáo. Trước hết là cây Bồ Đề mang biểu tượng về sự giác ngộ phật pháp. Cây thứ hai thường là cây Đại, là một loại cây thiên mệnh. Loại thứ 3 là cây Muỗm, cao to, um tùm, ở một chừng mực nào đó thuộc cõi tâm linh, nó mang tư cách là nơi mà các linh hồn thường trú ngụ, để nghe kinh mà siêu sinh tịnh độ. Loại cây thứ 4 là cây mít, chủ yếu trồng phía sau chùa. Tiếng Phạn có nghĩa là Paramita có nghĩa “cứu cánh đáo bỉ ngạn”, là độ, tức giáo hóa chúng sinh đưa sang bên bờ của giác ngộ, đó cũng là giải thoát...

4. Thay lời kết

Từ lâu tiếng kêu cứu của các kiến trúc cổ truyền mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc đã đòi được trả lại những giá trị tự thân đích thực của chúng, bởi rõ ràng bước đi của di tích, mà nổi lên là ngôi chùa, đã gắn  chặt với quá trình phát triển về mọi mặt của lịch sử Việt Nam nói chung, xứ Nghệ nói riêng. Trong chừng mực nào đó, chúng phản ánh rõ rệt và cụ thể về bước thăng trầm của lịch sử văn hoá. Chúng khẳng định bộ mặt Việt riêng, không phải là một biến tướng hoặc sự trộn pha mang “dạng thuộc địa” của các dòng văn hoá lớn như trước đây đã có thời có người nhận định.

Ngôi chùa Việt đã bị tàn phá nhiều dưới bàn tay cả vô thức, cả hữu thức và sự khắc nghiệt của thời tiết, dù vậy tới nay vẫn còn đủ để nhấn mạnh về một khía cạnh sáng tạo của tổ tiên chúng ta. Song, như một thông lệ, sự huỷ hoại ngôi chùa cũng còn do nhận thức tu bổ chung của người dân quá thấp, họ luôn có ý nghĩ làm mới để gây công quả … Chính điều này đã làm cho ngôi chùa bị mất đi khá nhiều ý nghĩa khởi nguyên, khiến chúng ta dễ bị khó khăn khi nhận định về các giá trị của nó.

Suy cho cùng, kiến trúc cổ truyền, nhất là ngôi chùa đã đủ sức phản ánh, trong một chừng mực có giới hạn, về quá khứ văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, nghiên cứu về nó, không có nghĩa đơn thuần dừng lại ở bộ mặt của một hệ tôn giáo với lý thuyết huyền vi “xuất thế gian” hay lhình thức dân dã “thế gian trụ trì phật pháp” mà ở đó còn mang nét cơ bản về tâm hồn, truyền thống ngàn năm… đang còn tác dụng trong hiện tại và có lẽ ảnh hưởng tới cả tương lai dâu dài nữa.



*Ban Quản lý di tích và Danh thắng Nghệ An 

[1] Nam Đàn (20), Hưng Nguyên (25), Quỳnh Lưu (72), Diễn Châu (35), Yên Thành (33), Nghi Lộc (34), Thanh Chương(10), Đô Lương(11), Thành phố Vinh(13), Thị xã Cửa Lò (5).

[2] như chùa Trả (Quỳnh Dị), chùa Bình An (Quỳnh Thiện), chùa Đồng Bạc (Quỳnh Vinh), chùa Kim Lung (Mai Hùng), chùa Nổ (Quỳnh Lộc), chùa Am(Quỳnh Hoa), chùa Luốc(Quỳnh Văn), chùa Sưởi (Quỳnh Châu)... Tại Diễn Châu có chùa Đống, chùa Am (Diễn Đoài), chùa Lăng, chùa Cồn Sim (Diễn Lâm)... Tại Yên Thành có chùa Tháp ở Đức Hậu, chùa Ná(Đồng Thành), chùa Lụi (Mã Thành)...

[3] Ninh Viết Giao, Kỷ yếu hội thảo khoa học về chùa Đại Tuệ, Nam Đàn

[4] Trích Hoan Châu ký, NXB Thế giới, HN, 2004, tr 32

- Châu Thiên Nam: ở đây theo nghĩa hẹp chỉ vùng: Thanh, Nghệ, Tĩnh theo Hoan Châu ký

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 274
    • Số lượt truy cập : 6948562