Thông tin

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ QUÁ TRÌNH RA ĐỜI

VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU CỦA

HỘI THIỆN SINH TRUNG KÌ (1942 - 1945)

 

TS. DƯƠNG THANH MỪNG*

 

 

Ban Thiện sinh Trung Kì với các Gia đình Phật tử Việt Nam sau này,
có rất nhiều điểm tương đồng. Ảnh: Sinh hoạt chiều Chủ nhật hàng tuần của GĐPT Xá Lợi
tại chùa Phật họcXá Lợi (Q.3, TP.HCM)

 

Hội Thiện sinh Trung Kì được thành lập tại Nghệ An từ năm 1942 và hoạt động dựa trên nền tảng tinh thần của Phật pháp. Cách thức tổ chức, sinh hoạt của Hội tương tự như các Ban Đồng ấu, Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục, Gia đình Phật hóa phổ ở Huế hay muộn hơn sau này là Gia đình Phật tử Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, rất tiếc là chưa có một công trình nào đề cập đến. Do đó, bài viết sẽ tập trung phân tích và giới thiệu thêm về tổ chức này. Qua đó, hi vọng sẽ góp phần cung cấp thêm các nguồn tài liệu để luận giải và làm sáng tỏ mối tương quan giữa Hội Thiện sinh Trung Kì với các đoàn thể thanh thiếu niên Phật giáo được hình thành trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

1. Một số nét khái quát về Hội Thiện sinh Trung Kì

Trong xu thế chung của phong trào Hướng đạo và đặc biệt là chủ trương đưa đạo Phật vào đời sống trẻ của các đoàn thể chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, từ năm 1942, các Phật tử ở Trung Kì đã đứng ra vận động thành lập một tổ chức mới tại chùa Diệc (Diệc Cổ, Diệc Cổ Tùng Lâm, nay nằm ở số 49, đường Quang Trung, Tp. Vinh). Ngôi chùa này vốn là một ngôi cổ tự của Phật giáo Nghệ An, được xây dựng từ năm 1742. Đến năm 1914, chùa được các Phật tử chung sức trùng tu tôn tạo và trở thành một trung tâm sinh hoạt Phật giáo lớn ở Nghệ An lúc bấy giờ. Năm 1938, sau khi xin được giấy phép thành lập chi nhánh tại Nghệ An, Hội An Nam Phật học đã chọn chùa Diệc Cổ làm nơi đặt Tỉnh hội tạm thời. Trong quá trình này, Tỉnh hội Nghệ An đã tích cực vận động để xây dựng hội quán và thành lập Phật học đường đào tạo học tăng. Đến ngày 11/5/1943 (nhằm ngày lễ Phật đản 8/4), Tỉnh hội Nghệ An chính thức làm lễ khánh thành hội quán Diệc Cổ.

Ngày 3/6/1942, Giám đốc Thanh niên Đông Pháp là Ducoroy kí Nghị định Số 1184-CGSJ, công nhận Hội Thiện sinh Trung Kì (Groupe des Enfants Bouddhistes en Annam, viết tắt là GEBA) là một chi nhánh của Hiệp hội Thanh niên Pháp. Đến ngày 8/6/1943, Khâm Sứ Trung Kì là François Grandjean phê chuẩn Nghị định Số 1972, cho phép Hội Thiện sinh Trung Kì đi vào hoạt động. Chùa Diệc Cổ tiếp tục được lựa chọn làm trụ sở hoạt động của Hội. Hội trưởng là sư cụ Kim Chương (trụ trì chùa). Chứng minh là Hòa thượng Ái Liên, cùng sự tham gia tích cực của cư sĩ Trừng Mẫn và bà Huỳnh Bá Dưỡng (Thủ quỹ và tên thật là Tôn nữ Thị Giàu).

Mục đích ra đời của Hội là để giáo dục cho các tín đồ nhà Phật sinh hoạt theo đúng những lời giáo huấn trong kinh, luật, luận; từ đó, giúp họ làm tròn bổn phận của một người con, người cha, người mẹ, vợ chồng, anh chị, bạn bè, chủ tớ, thầy trò; đồng thời, phát triển thêm các kĩ năng về thể dục, trí dục, nghệ dục, đức dục lẫn tín dục. Thể dục là rèn luyện thân thể cường tráng, có đủ sức khỏe để học tập, lao động. Nghệ dục là định hướng các nghề nghiệp nhằm giúp cho các thiện sinh duy trì, phát triển cuộc sống cũng như báo đáp tứ ân. Trí dục là khai sáng trí tuệ cho mình, cho người. Đức dục là hình thành một nhân cách, một lối sống cao đẹp, biết từ bỏ những ham muốn đời thường, biết phá bỏ những chướng ngại, rào cản trên con đường tu tập để giữ vững tâm thân. Tín dục là quyết tâm một lòng đi theo con đường chánh đạo.

Sống đúng theo giới luật chính là gốc rễ của Thiện sinh vừa là phương châm hành động của Hội.

Bản điều lệ hoạt động của Hội được Khâm sứ Trung Kì thông qua vào năm 1943, với tổng cộng 15 điều khoản, bao gồm các nội dung chủ yếu như sau: Điều 1, các Phật tử ở Trung Kì được phép thành lập một hội có tên là Hội Thiện sinh. Hội quán đóng tại chùa Diệc Cổ, phố Ga, Vinh. Thời gian được cấp phép hoạt động của Hội là vĩnh viễn. Điều 2, Hội được phép mở các lớp diễn giảng cho hội viên, tổ chức các ngày lễ hội trong phạm vi của Phật giáo; trùng tu các chùa tháp đã hư hỏng; xây dựng phòng thuyết pháp, phòng đọc sách và lưu trữ các loại kinh sách nói về đạo Phật; Hội được phép xuất bản các kinh, sách do hội viên soạn thảo liên quan đến Phật pháp, triết lí, khoa học; xây dựng nhà từ thiện và tổ chức các hoạt động từ thiện. Điều 3, chương trình giáo dục thiện sinh của Hội sẽ được triển khai dựa theo hệ thống giáo lí, kinh sách của Phật giáo như: Kinh Lăng nghiêm, Hoa nghiêm, Pháp hoa, Báo ân, A Hàm... Điều 4, các hội viên không được bàn luận các vấn đề chính trị cũng như không được công kích các tôn giáo khác. Các hội viên phải tự chịu trách nhiệm về lời nói và việc làm của mình. Các trường hợp vi phạm pháp luật nhà nước, vi phạm giới luật nhà Phật sẽ không được xem là hội viên của Hội. Điều 5, hội viên của Hội gồm: 1/Hội viên Danh dự là những người quyền cao, đức trọng hoặc có điều kiện về kinh tế, có thể giúp cho Hội được hưng thịnh. 2/Hội viên Giới tử là hàng tứ chúng đã thọ Tam quy, Ngũ giới. Những người này muốn tham gia vào Hội phải làm đơn và được hai vị Giới tử (đã vào Hội) giới thiệu. Hội sẽ không thu tiền hội phí nhưng phải giúp đỡ (không lương) cho Hội trong các công việc chung. 3/Hội viên Ân nghĩa là những người mỗi năm đóng góp 20 đồng hội phí. 4/Hội viên Bảo trợ là những người mỗi năm đóng góp 5 đồng hội phí hoặc có 10 năm giảng dạy công ích cho Hội. 5/Hội viên Hành động là những người học tập và thực hành các chương trình giáo dục thiện sinh mà Hội đã quy định. Các hội viên này mỗi năm sẽ đóng 1 đồng tiền bảo hiểm (những người dưới 15 tuổi thì chỉ đóng 5 cắc). 6/Hội viên Hỉ nguyện là những người chỉ tham gia một số chương trình đào tạo của Hội và cũng phải đóng tiền bảo hiểm như các hội viên hành động.

Điều 6, muốn tham gia vào các dạng hội viên nêu trên thì phải làm đơn gửi Hội trưởng, trong đó nêu rõ cam kết là sẽ tuân thủ pháp luật nhà nước, giới luật nhà Phật và các điều khoản mà bản điều lệ đã quy định. Riêng đối với trẻ em và phụ nữ thì phải có thêm sự đồng ý của cha, mẹ (hoặc người đỡ đầu) hay chồng. Điều 7, muốn thôi không tham gia nữa thì phải làm đơn gửi Hội trưởng và phải hoàn trả đầy đủ các khoản kinh phí còn thiếu. Các khoản tiền đã đóng góp không được đòi lại. Các trường hợp vi phạm điều 4 (nêu trên) hoặc không đóng góp đầy đủ các khoản tiền mà Hội đã quy định thì sẽ bị xóa tên ra khỏi danh sách hội viên. Điều 8, những người tham gia vào Hội sẽ được hưởng các quyền lợi như: Được Hội cử người đến nhà tụng kinh trong các ngày lễ hiếu, kị, tang tế mà không phải đóng tiền lệ phí; được tham gia học tập miễn phí, được tự do ra vào thư viện đọc kinh sách. Nếu các hội viên hoặc người thân (bố mẹ, anh chị, con cái cả nội lẫn ngoại) của hội viên qua đời thì Hội sẽ cử người đến tổ chức tang lễ. Điều 9-15, đề cập đến việc thiết lập chi nhánh của Hội đến các tỉnh thành và các huyện xã khác1.

Theo Hội, Thiện là tiếng Phật thường dùng để gọi các đệ tử trong kinh chữ Hán (thiện lai tỉ kheo, thiện nam tín nữ, thiện hữu...), thiện còn là tên gọi của các pháp môn (thiện tập, thiện hành, thiện sư, thiện pháp, thiện đạo...). Sinh nghĩa là quả còn tươi, chưa chín mà khi quả đã chín tức là đã thành Phật. Thiện sinh có nghĩa là tất cả các hàng đệ tử Phật, là thập phương đại chúng2. Hội Phật giáo Bắc Kì giải thích thêm rằng: “Thiện sinh nghĩa là sống ở đời luôn được tốt lành nên nhà Phật đã lấy chữ ấy mà đặt tên cho người con của ông trưởng giả và lấy làm nhan đề cho quyển kinh chuyên nói về luân lí, thực hành, dạy con người cách ở đời như thế nào là phải đạo. Nửa trên nói về bản thân luân lí, định rõ cái phương pháp người ta phải theo mà giữ mình và sửa mình cho thành người tốt, người lành ở đời. Nửa dưới nói về xã hội luân lí, định rõ cái đạo làm cha con, làm thầy trò, làm vợ chồng, làm người tôi tớ và đối với những bậc đạo đức tôn quý trong xã hội”3.

Bước vào năm 1945, do những biến động chung của thời cuộc nên Hội Thiện sinh Trung Kì đã buộc phải chấm dứt các chương trình hành động của mình. Thời gian này, rất nhiều Phật tử trẻ tuổi có tên trong Hội Thiện sinh Trung Kì đã tham gia vào các phong trào đấu tranh giành chính quyền. Ngoài vai trò là địa chỉ đỏ cho các Phật tử, trí thức yêu nước tham gia sinh hoạt thì chùa Diệc Cổ còn là nơi cứu trợ các đồng bào, chiến sĩ bị thương do bom đạn4.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 22/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh Số 52 về việc tổ chức các đoàn thể. Trên tinh thần đó, ngày 3/7/1946, Bộ trưởng Bộ nội vụ là Huỳnh Thúc Kháng đã kí Nghị định cho phép Hội đi vào hoạt động trở lại. Trụ sở của Hội vẫn đặt tại chùa Diệc Cổ, số 240, Quang Trung, thành phố Vinh. Lần này Hội đổi tên thành Hội Thiện sinh Trung Bộ Việt Nam5.

Rất tiếc là chúng tôi chưa có đủ các nguồn tài liệu để đề cập đầy đủ hơn về các thông tin hoạt động của Hội từ sau năm 1945. Tuy nhiên có thể thấy rằng, Hội Thiện sinh Trung Kì chịu ảnh hưởng bởi các tổ chức Hướng đạo và nhất là chủ trương đưa đạo Phật vào đời sống trẻ do Hội An Nam Phật học phát động. Bên cạnh đó, quá trình hoạt động của Hội còn chịu ảnh hưởng bởi các tổ chức Phật giáo đương thời. Chẳng hạn như bản “Kinh Thiện sinh” của Hội Phật giáo Bắc Kì (ấn hành vào năm 1935) đã được Hội xem là kim chỉ nam trong quá  trình đào tạo kiến thức Phật học cho các thiện sinh. Hay đối với Hội Nam Kì nghiên cứu Phật học, các tác phẩm dịch thuật của Hòa thượng Bích Liên, Liên Tôn đăng trên tạp chí Từ Bi Âm đã được Hội khai thác nhằm đào tạo và huấn luyện cho các thiện sinh.

2. Quá trình hoạt động của Hội Thiện sinh Trung Kì

Hội Thiện sinh Trung Kì ra đời ngoài vai trò là chăm lo đời sống tinh thần cho các hội viên, giúp họ trở thành những người Phật tử chân chính thì còn có một vai trò rất quan trọng là giáo dục và đào tạo cho các thế hệ trẻ. Và để đạt đến mục tiêu này, Hội đã thành lập các Ban Thiện sinh, xây dựng các chương trình đào tạo và phát hành rộng rãi các kinh sách nói về đạo Phật. Đây cũng chính là những hoạt động giữ vai trò chủ đạo mà Hội đã triển khai trong suốt quảng thời gian từ năm 1943 đến năm 1945.

Theo đó, các Ban Thiện sinh được Hội tổ chức như sau: Trên hết là các bậc Thiện sư (chư Phật cùng các Pháp bảo) và Thiện sĩ (Bồ Tát) họ là các bậc chí tôn mà Ban Thiện sinh cũng như Hội Thiện sinh Trung Kì sẽ tôn thờ. Còn bên trong mỗi Ban Thiện sinh sẽ được tổ chức gồm: 1/ Thượng Thiện nhân là các chư tăng, đại đức, cư sĩ có đủ tài trí, đức hạnh để tham gia gánh vác các công việc trong Ban và trong Hội. Thượng Thiện nhân giữ vai trò là chứng minh, bảo trợ hậu học và đạo học ở các lớp, đồng thời, tham gia diễn giảng, khảo cứu và phiên dịch kinh sách. 2/ Bỏ và Trưởng đứng đầu các nhóm thiện sinh. Dưới sự định hướng của Thượng Thiện nhân, các Bỏ và Trưởng sẽ tổ chức các khóa huấn luyện, nghiên cứu và diễn giảng kinh sách cho các em. Bỏ phải là những người đủ tài, đủ trí, đủ tâm để làm gương cho các thiện sinh. Muốn giữ được cương vị Bỏ thì phải trải qua một quá trình tập sự để hoàn thiện các kĩ năng cần thiết. Phải làm phó Bỏ ở các Hồ, Môn, Phái một thời gian. Sau đó, các phó Bỏ sẽ tách ra để thành lập các Ban Thiện sinh nhỏ rồi từ đó, tùy theo năng lực của mình để gây dựng lên thành các ban lớn. Các Bỏ sẽ có quyền lựa chọn các vị phó phù hợp với yêu cầu của mình. Cứ đủ 30 thiện sinh thì phải có 1 Bỏ cùng 2 phó. “Bỏ và phó phải thương yêu, quý trọng nhau trong công việc. Bỏ tôn quý phó, phó tôn quý bỏ, tự khắc các em sẽ thương mến và đoàn kết lẫn nhau. Bỏ và phó phải thường xuyên thay mặt nhau đi thăm hỏi phụ huynh, thầy cô để nắm bắt thêm thông tin và từ đó xây dựng được các chương trình hành động phù hợp với tâm lí, lứa tuổi của các thiện sinh”6.

Trưởng là các thiện sinh có tính cách hòa đồng, luôn làm tròn bổn phận và các công việc được giao. Trưởng sẽ đứng trung gian giữa Bỏ và các thiện sinh. Có trách nhiệm hướng dẫn cho các thiện sinh trong các hoạt động học tập lẫn thực hành. Cứ đủ 10 thiện sinh sẽ có một Trưởng và một Thứ. Thứ là người hỗ trợ cho Trưởng trong các công việc và có đủ khả năng thay thế vị trí của Trưởng trong tương lai. 3/ Hậu thiện là các thiện sinh có độ tuổi từ 21 đến 30. 4/ Trung thiện là các thiện sinh có độ tuổi từ 16 đến 20. 5/ Sơ thiện là các thiện sinh có độ tuổi từ 7 đến 15. 6/ Hạ thiện là từ lúc còn trong bụng mẹ đến 6 tuổi. Các bậc Sơ, Trung, Hậu thiện sẽ phải tham gia vào tất cả các lớp học và các khóa huấn luyện do Hội tổ chức. 7/ Hỉ nguyện là những người không tham gia sinh hoạt toàn thời gian mà chỉ thực hiện một số chương trình nào đó của Hội. 8/ Tùy hỉ là những người đồng thuận với chương trình hoạt động của Hội nhưng không tham gia. 9/ Thế gian, bao gồm tất cả các chúng sinh. Hội cho rằng, bất kì ai cũng có Phật tính nên đều được xem là thiện sinh cả. 10/ Đẳng loại là các loại động vật, cỏ cây có tâm tính7.

Ở các địa phương nếu có đủ người tham gia sẽ thành lập một Ban Thiện sinh. Ban này gồm có: Tứ chúng tức là chư tăng (các vị sư), các giới tử, chư vị ân nhân, bảo trợ, tùy hỉ. Mỗi ban có thể chia làm nhiều Phái, Môn, Hồ. Mỗi Phái sẽ có 30 thiện sinh thuộc bậc Hậu thiện (nếu nhiều hơn thì phải lập Phái mới). Trong Phái có ba Chi. Mỗi Môn sẽ có 30 thiện sinh thuộc bậc Trung thiện (nếu nhiều hơn thì phải lập Môn mới). Trong mỗi Môn sẽ có 3 Liêu (Môn tức là sơn môn, Liêu tức là tăng phòng, mỗi Liêu gồm có 10 người). Mỗi Hồ sẽ có 30 thiện sinh thuộc bậc Sơ thiện (nhiều người hơn cũng phải lập Hồ mới). Trong mỗi Hồ có ba Bầu là xanh, trắng, đỏ. Muốn lập một Ban Thiện sinh thì phải căn cứ dựa theo các điều khoản đã quy định trong bản điều lệ. Muốn lập các Phái, Môn, Hồ hay Chi thì phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của Ban Thiện sinh ở các địa phương.

Về châm ngôn của Ban thiện sinh là “Lạc”, có nghĩa là vui vẻ. Lạc cả trong tâm trí lẫn thể xác, lạc cả chúng sinh lẫn muôn loài. Bậc Sơ thiện sử dụng châm ngôn là “Vui”, bậc Trung thiện là “Tận tâm”, còn bậc Hậu thiện là “Giúp ích”. “Bổn phận của bậc Sơ thiện là luôn luôn kính yêu cha mẹ, làm cho cha mẹ vui lòng, bớt các mối lo lắng về con cái. Bổn phận của Trung thiện là phải cố gắng học hành để thành con ngoan trò giỏi, sẵn sàng giúp ích cho gia đình, xã hội và thỏa lòng ước vọng của thầy cô, bạn bè, mẹ cha. Bổn phận của Hậu thiện là phải phát huy tài đức để gây dựng công danh cho gia đình, xã tắc. Chung quy lại, làm tròn bổn phận tức là con đường thiện sinh mà đức Phật Thích Ca đã dạy”8.

Về điều luật: Đã là một thiện sinh thì phải nghiêm trì giới luật; biết vâng lời, luôn từ bi, hỉ xả; luôn bác ái, đơn sơ, mộc mạc trong mọi việc; luôn biết cách xây dựng môi trường sống thân thiện, không ngại khó, ngại khổ; luôn lễ phép, lịch sự và thật thà trong lời nói, việc làm; luôn luôn cần kiệm. Riêng đối với các bậc Thượng Thiện nhân sẽ thực hành theo đúng giáo pháp của nhà Phật. Bậc Trung và Hậu thiện phải hành trì thêm giới luật tì ni (Tam quy, ngũ giới, lục độ, bát chánh...).

Đối với bậc Hỉ nguyện thì phải biết quý trọng tình đoàn kết, trung thành với Phật pháp; luôn biết cách giúp đỡ mọi người, mọi loài; trong cuộc sống thì cần kiệm, lễ phép, lịch sự, tinh tấn, nỗ lực và vững chí. Các thiện sinh bậc Hỉ nguyện sẽ tùy theo công sức, thời gian của mình để tham gia giúp đỡ cho Hội trong các công việc như: Giữ gìn an ninh trật tự, bố thí cho những người khó khăn, thúc đẩy công cuộc hoằng dương Phật pháp, tổ chức các buổi giảng thuyết về đạo Phật9.

Về cách thức chào hỏi: Khi chào những người ngoài Hội, ngoài Ban thì các thiện sinh phải chắp hai tay lại trước ngực (hợp chưởng cung kính) để biểu thị hạnh Phổ Hiền viên mãn (viên mãn mọi tâm nguyện nhờ thực hành hạnh Phổ Hiền). Mười ngón tay thẳng đứng để biểu thị cho Thập thiện (ba điều lành về thân, bốn điều lành về khẩu và ba điều lành về ý). Tâm luôn mật niệm Nam mô A Di Đà Phật. Nếu người được chào chìa tay ra thì các thiện sinh sẽ bắt tay theo phong cách Âu Tây. Còn nếu không thì không được chủ động bắt tay mà chào theo thể thức đã quy định. Nếu trên tay có cầm kinh sách thì chỉ cần niệm Mô Phật. Đối với trong Ban, trong Hội, khi chào nhau, các Thiện sinh dùng tay phải tạo thành ấn bố thí (Ấn Bát nhã Ba La mật đa) trước ngực để chào nhau, còn tay trái để xuôi theo thân thể. Ba ngón tay thẳng đứng tượng trưng cho ngôi Tam bảo: Ngón giữa là Phật, ngón trỏ là Pháp, ngón út là Tăng.

Về huy hiệu của Hội là bông hoa sen. Ba cánh bên trong tượng trưng cho ngôi Tam bảo, Tam hiền, Tam quy, Tam tâm, Tam đức, Tam học, Tam thế, Tam thân... Còn 5 cánh ở ngoài là Ngũ giới, Ngũ minh, Ngũ tâm... Cộng lại thành tám cánh, tức là Bát chánh, Bát giác. Bậc Sơ, Trung, Hậu và Hỉ nguyện mang phù hiệu bằng vải thêu, còn bậc Tùy hỉ thì mang phù hiệu bằng đồng mạ bạc (tự mình chuẩn bị). Lúc các thiện sinh không mang đồng phục thì phải mang phù hiệu giống Tùy hỉ. Phù hiệu này cũng được làm bằng đồng nhưng không mạ bạc.

Toàn Hội sẽ dùng Tràng phan để biểu thị cho sự kiên định, định tĩnh, tự lập. Trên chóp Tràng phan là Bảo cái, tiếp đến là Ba thân, đài sen với 6 cánh (tượng trưng cho Lục độ)10 và bốn giải (Tứ ân, Tứ đế, Tứ niệm xứ). Trong Ba thân sẽ có dòng chữ “Phật giáo Thiện sinh”, tên địa phương và tên các Ban, các Phái, Môn. Bậc Sơ, Trung, Hậu là những người hăng hái hoạt động, phất theo gió pháp nên sẽ dùng thêm cờ cánh xéo.

Đồng phục của Ban Thiện sinh được quy định là áo trắng, quần đen. Trưởng ban Thiện sinh và Trưởng các nhóm sẽ mang áo dài tay. Bậc Sơ, Trung, Hậu và Hỉ nguyện mặc quần tây ngắn, màu đen (quần lửng) và áo trắng ngắn tay. Riêng đối với bậc Tùy hỉ thì không có đồng phục riêng.

Về cách thức giáo dục: Từ 6-15 tuổi, đây là độ tuổi chuyên chơi mà tập, do đó các chương trình của Hội sẽ hướng đến việc tạo cho các thiện sinh niềm vui và sự yêu thích. Từ 16-20 là lứa tuổi lớn nhanh cả về thể xác lẫn tâm hồn do đó, chương trình giáo dục của Hội sẽ hướng đến việc giúp các thiện sinh giữ được thăng bằng cả hai yếu tố này. Lứa tuổi này cũng rất nhạy cảm với những lời nói, việc làm của bố mẹ, thầy cô, anh chị em trong nhà nên cần giúp cho các thiện sinh có những người bạn thân để tâm sự, giải bày nỗi niềm. Từ 21-30 là lứa tuổi sẽ vấp váp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống mà các thiện sinh chưa từng trải qua. Do đó, cần giúp cho các thiện sinh trì địa, thực hành ngũ minh, lục độ, bát chánh, hòa mình vào môi trường thiên nhiên để hiểu được vạn vật, cỏ cây, yêu mến chúng sinh, từ bỏ tham, sân, si để xây dựng một cuộc sống tự lập. Ngoài 30 tuổi thì sẽ chuyển sang làm các giới tử, nếu có duyên lành xuất gia thì đã có sẵn những điều kiện thuận lợi (quá trình đào tạo của Hội) để đạt đến bậc thượng tọa, đại đức lên ngôi chánh giác11.

Chương trình giáo dục của Ban Thiện sinh được Hội chia làm hai phần là phần thực hành và phần chuyên môn.

Bậc Sơ thiện gồm ba cấp theo thứ tự từ thấp tới cao là Sen búp, Sen nở và Sen gương. Phần thực hành của bậc này được Hội cụ thể hóa như sau:

Đối với cấp Sen búp là các thiện sinh mới vào Hồ, như sen vừa mới mọc, mới trổ hoa nên học được điều gì sẽ giúp ích điều đó. Chương trình của Sen búp sẽ kéo dài trong 6 tháng. Các thiện sinh phải đi họp Hồ ít nhất là 6 lần; hiểu được ý nghĩa của tên gọi hoa sen và cách chào các anh chị thiện sinh, sư trưởng, ân nhân, bảo trợ, tùy hỉ; biết luật của bậc hoa sen; biết được châm ngôn vui, lạc; biết một bài hát (chèo thuyền bát nhã) và kinh thiện sinh; biết xem giờ giấc, giặt khăn và gấp quần áo; biết nhảy dây, nhảy lò cò; biết tuân thủ các còi hiệu; biết ăn mặc chỉnh tề.

Đối với cấp Sen nở, những người tham gia vào cấp này phải hoàn thiện được chương trình Sen búp. Sau đó, lại qua một quá trình đào tạo, huấn luyện trong vòng 6 tháng và phải đạt được các điều kiện như:

Biết lí giải ý nghĩa của các câu châm ngôn cho cấp Sen búp; hiểu được giá trị của lời hứa và đã thực hành giữ lời hứa; hát được 1 ca khúc (Tứ ân) và kể được các câu chuyện về kinh nhân sinh (thuộc phẩm Đối trị); biết vệ sinh chân tay sạch sẽ; biết được 5 cách thắt nút dây và cách sử dụng; biết đun lửa và bày biện thức ăn lên bàn; biết cách may khuy áo; biết nhảy cao, nhảy xa, chạy nhanh, nhào lộn, đi cầu tre (theo điệu Hébert, ngày nay gọi là Parkour)12; biết được các phương hướng (đông tây, nam bắc); biết được sử kí và một số câu chuyện về đức Phật.

Đối với cấp Sen gương sẽ phải trải qua chương trình đào tạo 1 năm. Trong thời gian này, các thiện sinh phải giúp cho các bạn mới vào hiểu được luật hoa sen, cũng như châm ngôn và lợi ích của sự sống; phải biết cách nhóm lửa, nấu cơm; biết cách nhận dạng và đánh được kiểu chữ Morse; biết thêm 10 cách buộc nút; làm được một việc thủ công có ích; biết gửi điện tín, gửi hàng, gửi thư từ và dùng điện thoại; biết cách dạy các môn thể thao cho các thiện sinh mới vào Hồ; biết 10 loài vật và 10 loài cây có giá trị để làm thuốc; nắm vững được sự tích Phật tổ; hiểu được ý nghĩa kinh sám và cách thức niệm Phật.

Về phần chuyên môn của bậc Sơ thiện được Hội quy định như sau: Mỗi tháng, cứ vào ngày chủ nhật các Nhóm trưởng và Trưởng ban Thiện sinh sẽ tổ chức cho các em họp Hồ một lần, thăm quan ngoại cảnh một lần, nghỉ ở nhà hai lần (trong những ngày nghỉ này, các thiện sinh tự họp bàn, tập làm quen với các ngành nghề thủ công, tập nghiên cứu dần các học phần chuyên môn). Sau khi đã trải qua chương trình Sen gương thì các thiện sinh sẽ tiếp tục được lựa chọn các khoa chuyên môn phù hợp với năng lực và sở trường của mình để học.

Bậc Trung thiện gồm ba cấp theo thứ tự là Tập sự, Hứa nguyện và Thực hành. Các nội dung thực hành của bậc này được Hội quy định như sau:

Đối với cấp Tập sự sẽ phải trải qua thời gian đào tạo là 6 tháng. Trong thời gian này, các thiện sinh phải hoàn thành các điều kiện là: Có đi họp Môn một lần và tham gia cắm trại hai lần; hiểu được ý nghĩa của cách thức chào hỏi; hiểu được ý nghĩa của châm ngôn và các điều luật hoa sen; thuộc kinh thiện sinh, kinh nhân sinh; hát được hai bài (chèo thuyền bát nhã và tứ ân); buộc được 5 loại nút của bậc Sen nở và biết cách nhóm lửa ngoài trời; biết làm theo các còi hiệu; biết các hoạt động nhảy cao, nhảy xa, chạy bền theo điệu Hébert; biết được các phù hiệu của Ban Thiện sinh; biết làm những việc có ích cho gia đình; biết được cách thức trao đổi, mua bán và tổ chức các lễ kị bằng thức ăn chay; phải có giấy chứng nhận của phụ huynh khẳng định sự tiến bộ về tính cách, đạo đức.

Cấp Hứa Nguyện có thời gian đào tạo 1 năm. Điều kiện của cấp này là: Biết cách giải thích ý nghĩa của luật hoa sen và châm ngôn cho các thiện sinh lúc mới vào cấp Trung thiện; hiểu được lời hứa và cách thực hành giữ lời hứa; hát được 3 bài là “Lục độ”, “Tự tín” và “10 hạnh Phổ hiền”; kể được các câu chuyện về đức Phật, thuộc được kinh trì địa bổn hạnh và bài sám hối niệm Phật; hiểu được ý nghĩa, giá trị của chùa, đền, cờ, tràng phan; nhận biết  được dấu hiệu đi đường và các phương hướng (10 hướng); biết đánh Morse và cách dùng các nút của Sen gương; có trí nhớ tốt và nắm vững được đường sá của một thôn xóm sau khi đã đi qua; có khả năng đứng bếp để tự nấu ăn và làm được một việc thủ công có ích; biết ghi chép (cách trồng, cách thu hoạch, cách dùng) thông tin về 10 loại cây dược liệu để làm thuốc cũng như 10 loài vật; có giấy chứng nhận của phụ huynh về sự tiến bộ của đức hạnh lúc ở cùng gia đình.

Đối với cấp Thực hành, có thời gian đào tạo ít nhất là 2 năm. Điều kiện của cấp này là: Hướng dẫn thành công một thiện sinh mới vào ban biết được luật hoa sen, châm ngôn cùng giá trị của việc giữ lời; chia sẻ được các kinh nghiệm của bản thân trong những năm sinh hoạt ở Ban Thiện sinh; thuộc kinh thập ân phụ mẫu, luật báo ân và luận 6 tiếng Nam mô A Di Đà Phật; sáng tác được một ca khúc cho các thiện sinh; biết cách tính toán, quan sát khi đường đi (ngắn dài, rộng hẹp) và vẽ được sơ đồ về một đoạn đường mà mình đã đi qua; biết cách sơ cứu người và vật; rèn luyện thành thạo các điệu Hébert; làm được một đồ vật có giá trị; biết sử kí, địa dư phổ thông của đất nước; biết cách giúp cho các bạn trong Hồ tham gia các hoạt động giải trí; tham gia giúp đỡ cho xã hội để xứng danh là 1 thiện sinh.

Về chuyên môn của Bậc Trung thiện: Sau ba năm rưỡi thực hành, các thiện sinh sẽ được học các kiến thức chuyên môn về Ngũ minh. Ngũ minh tức là các môn khoa học ở trên thế giới và các ngành nghề trong dân gian. Các thiện sinh có quyền tự do lựa chọn cho mình các bộ môn khoa học cũng như các ngành nghề thích hợp để học tập và theo đuổi.

Bậc Hậu thiện cũng gồm ba cấp là Tập sự, Hứa nguyện và Thực hành. Đối với cấp Tập sự, thời gian đào tạo nhanh nhất có thể là 1 năm. Ở cấp này, các thiện sinh sẽ tiếp tục luyện tập theo chương trình của Bậc Trung thiện và bổ sung thêm các điều kiện như: Lí giải được một vấn đề thuộc về nhân sinh; đã xem hết hai quyển kinh, luận của Phật giáo và sách giáo dục công dân. Đối với cấp Hứa nguyện (ít nhất hai năm) thì phải: Hiểu được ý nghĩa sâu xa của lời hứa  và luôn tuân thủ việc giữ lời; biết cách tổ chức một Ban Thiện sinh; hiểu được Tứ diệu đế, Kinh Bát nhã, hiểu được nhân quả, luân hồi; tự mình cắm trại được một ngày; đã đi thăm quan ở một địa điểm mới (phải có giấy xác nhận); đã hoàn thành được tất cả các yêu cầu của chương trình Hébert; biết cách làm vườn và trồng được 10 loại cây có giá trị; biết được cách chăm sóc các loại động vật thông thường; biết được một số nghề thủ công (đan lát, thêu dệt...); giới thiệu được hai người thuộc bậc Trung thiện và Hậu thiện vào ban và giúp họ làm quen được với chương trình tập sự. Cấp Thực hành (nhanh nhất là 3 năm) thì phải: Biết được ý nghĩa của thập nhị nhân duyên; đã thực hành các công việc như vét giếng, làm cầu, đắp đường, sơ cứu, nhạc họa, làm sách...; biết được các ngành nghề như thợ mộc, thợ may, thợ xây, thợ máy, thợ điện...; biết cách nghiên cứu một vấn đề của đời sống xã hội; biết được các công việc của nhà nông; biết cách tự lập; lập được một Bàu sen, một Liêu, một Chi; đã tham gia giữ trọng trách trong một lần trại hè hoặc tổ chức được một việc thiện lớn; biết cách làm trọng tài trong các hoạt động thể dục, thể thao; sống đúng với tinh thần gia đình, Tổ quốc.

Kết luận

Có thể thấy rằng, Hội Thiện sinh Trung Kì ra đời và tồn tại trong một quãng thời gian tương đối ngắn (tương tự như Hội Phật học Đà Thành ở Đà Nẵng). Song tổ chức này cũng đã tạo nên cho mình một dấu ấn khá đặc trưng đó chính là việc thành lập được các Ban Thiện sinh. Thông qua vai trò của các Ban Thiện sinh, Hội Thiện sinh Trung Kì đã đẩy mạnh các chương trình giáo dục và đào tạo để từ đó, bồi đắp kinh nghiệm, vốn sống và giúp các em trở thành những người công dân có ích trong xã hội. Nhìn vào cách thức tổ chức và sinh hoạt giữa Ban Thiện sinh Trung Kì với các Gia đình Phật tử Việt Nam sau này, chúng ta sẽ thấy được rất nhiều điểm tương đồng đến kì lạ. Nếu như Gia đình Phật tử có các bậc cao tăng, đại đức làm chứng minh (Gia trưởng) và các Huynh trưởng thì Ban Thiện sinh cũng có các Thượng thiện nhân và các Bỏ. Nếu như Gia đình Phật tử có đoàn, đội, chúng thì Ban Thiện sinh có các bậc Sơ, Trung, Thiện. Nếu như Gia đình Phật tử có các ngành thì Ban Thiện sinh có các cấp Sen búp, Sen nở, Sen gương... Các Ban Thiện sinh, hay Gia đình Phật tử cũng đều sinh hoạt dựa trên nền tảng chủ đạo là tư tưởng Phật giáo cùng các châm ngôn, điều luật; cũng đều chú trọng đến việc thực hành và tổ chức các buổi ngoại khóa để hoàn thiện kĩ năng cho các em (các trại hè, các khóa huấn luyện). Hoa sen cũng chính là biểu tượng chung của hai tổ chức này và cách lí giải về ý nghĩa hoa sen giữa Gia đình Phật tử và Các Ban Thiện sinh tương đối giống nhau... Một điều đáng lưu ý nữa là Hội An Nam Phật học - tổ chức giữ vai trò nòng cốt của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung đã cho thành lập hội quán ở chùa Diệc Cổ. Đây cũng chính là trụ sở hoạt động của Hội Thiện sinh và Ban Thiện sinh Trung Kì. Nguyễn Khoa Toàn một nhân vật nòng cốt của Hội An Nam Phật học (đã từng giữ chức Hội trưởng, Cố vấn, Thư kí) cũng đã tán trợ cho Hội Thiện sinh Trung Kì và các Ban Thiện sinh trong việc in ấn, phát hành kinh sách... Dù chưa có đủ các nguồn tài liệu để chứng minh, song thông qua các phép so sánh và đối chiếu như đã nêu trên thì rất nhiều khả năng các Gia đình Phật tử Việt Nam sau này ít nhiều chịu sự ảnh hưởng của Ban Thiện sinh Trung Kì.

 


* Học viện Chính trị khu vực III, Đà Nẵng.

1. Hội thiện sinh Trung Kì (1943), Sách đại lược về khoa giáo dục và quy

tắc của Hội, Nhà in Vương Đình Châu, Vinh, tr.1-10.

2. Hội Thiện sinh Trung Kì (1944), Phật giáo thực hành, Nhà in Á Châu, Hà Nội, tr.113-114.

3. Xem thêm Hội Phật giáo Bắc Kì (1935), Thiện sinh Kinh, Nhà in Đông Kinh Ấn Quán, Hà Nội, tr.2-3.

4. Xem thêm Báo Sai Gòn, số 16529, ra ngày 29/12/1943, tr.2.

5. Việt Nam Dân quốc Công báo, số 28, ra ngày 13/7/1946, tr.368.

6. Hội Thiện sinh Trung Kì (1944), Phật giáo thực hành, Nhà in Á Châu, Hà Nội, tr.166-168.

7. Hội Thiện sinh Trung Kì (1944), Phật giáo thực hành, Nhà in Á Châu, Hà Nội, tr.115-120.

8. Hội Thiện sinh Trung Kì (1942), Phụ mẫu báo ân trọng kinh, Sinh Minh Thư quán phát hành, Vinh, tr.4-5.

9. Xem thêm Hội Thiện sinh Trung Kì (1942), Giảng nghĩa về Nam mô A Di Đà Phật, Sinh Minh Thư quán phát hành, Vinh, tr.35-40.

10. Lục độ là 6 hạnh có thể đưa nhà tu hành và chúng sinh vượt qua khỏi ranh giới của sự đau khổ để tiến thẳng tới cảnh giới an vui thanh tịnh. Sáu hạnh là: Bố thí Ba La Mật, trì giới Ba La Mật, nhẫn nhục Ba La Mật, tinh tấn Ba La Mật, thiền định Ba La Mật và trí tuệ Ba La Mật.

11. Hội Thiện sinh Trung Kì (1944), Phật giáo thực hành, Nhà in Á Châu, Hà Nội, tr.117-120.

12. Georges Hébert (1875-1957) là một huấn luyện viên quân sự người Pháp. Lấy cảm hứng từ kĩ năng phản xạ khéo léo của những người bản địa ở châu Phi, Hébert đã xây dựng thành công bộ môn vượt chướng ngại vật để giảng dạy trong các trường học. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ I trở đi, các bài giảng về kĩ năng đi, chạy, nhảy qua các vật cản, leo trèo, thăng bằng,... của Hébert được phát triển rộng và trở thành hệ thống giáo dục thể chất chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quân sự Pháp.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 84
    • Số lượt truy cập : 6951957