Tin tức

BUỔI THUYẾT PHÁP CỦA TT GIÁC NGUYÊN

 

Tin ảnh: NGỌC SALA
Video: TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO

 


Sư Giác Nguyên

 

Sáng ngày 7/10/2023, tại Giảng đường Chánh Trí, Chùa Phật học Xá Lợi, Sư Giác Nguyên (Toại Khanh) đã có một buổi thuyết pháp. Trong buổi này, Sư nhấn mạnh hai vấn đề: Thứ nhất, Chùa Phật học Xá Lợi tuy là Bắc truyền nhưng đã tiếp nhận rất nhiều chư Tôn đức Nam truyền đến thuyết pháp. Đây là cơ hội để các Phật tử tiếp xúc với nền tảng giáo lý của nhiều hệ phái. Thứ hai, chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số nên cần phải có kiến thức để phân biệt đúng sai.

 

Đông đảo Chư Ni và Phật tử đến nghe pháp

 

 

NGƯỜI TU HỌC PHẢI CÓ CẶP MẮT PHÁP NHÃN

 

Ngọc Sa La (Phước Tuệ) ghi lại bài giảng Sư Giác Nguyên sáng 07.10.2023 tại Chùa Phật học Xá Lợi, Quận 3, TPHCM

  

Hơn 40 năm trước, tôi rất nhiều lần đi ngang qua ngôi Chùa Xá Lợi này, và chỉ nghĩ đó là kim tự tháp cao vời vợi không có dịp nào ghé vào. 40 năm sau tôi lại có duyên gặp gỡ bà con.

Kính thưa đại chúng, trong một đạo tràng đặc biệt như Chùa Xá Lợi này, căn bản là Bắc truyền nhưng theo tôi được biết, Ngài Hòa thượng viện chủ có nhiều pháp hội, thuyết pháp cho nhiều hội chúng kể cả Nam truyền.

Hôm nay tất cả chúng ta đang có mặt ở thời đại số, kỹ thuật số. Chúng ta ghét thương nhau trên mặt phẳng, của phone, màn hình internet. Nói là phẳng, nhưng mà nó còn kỳ khôi, rắc rối, rậm rạp hơn cả một khu rừng ngoài đời.

Cho nên, bài giảng hôm nay Tôi tập trung vào hai điểm:

1. Điều thứ nhất, đây là điểm hẹn các hệ phái.

2. Điều thứ hai, chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số. Có nghĩa là sao? Thứ nhất, mỗi ngày tại pháp hội này, tại ngôi chùa này chúng ta có cơ hội để làm quen, tiếp xúc với nền tảng giáo lý của nhiều hệ phái Phật giáo. Rời chùa hoặc trong sân chùa này, cầm cái phone lên chúng ta lại có cơ hội làm quen với vô vàn kiến thức nhân loại.

Vậy thì bắt đầu bài giảng, tôi nói hai chuyện đó để tôi muốn nói đến cái gì?

Thưa đại chúng, Việt Nam mình có chữ ngon lành, “ngon lành”, ăn uống ngon lành. Tôi không biết bà con có bao giờ để ý chỗ này không? Ăn NGON khác, ăn LÀNH khác. Nhiều khi nó “ngon” mà không có “lành”. Nhiều khi nó “lành” mà không có “ngon” có đúng vậy không?

Nó ngon mà không lành, như đồ vỉa hè đem chiên nhiều lần thì dứt khoát nó ngon. Dầu cũ, dầu mỡ tuần trước mà tuần này đem chiên vẫn giòn như thường, vẫn “ngon”. Mà “lành” hay không lại là chuyện khác. Một ngày như vậy, cái miệng của mình, cái đầu của mình có rất là nhiều thứ chúng ta đưa vào trong đó. Cái đầu có nghĩa là kiến thức, là tư duy chíng ta đọc, chúng ta đưa vào bao nhiêu kiến thức vào đầu của mình, chúng ta đưa vào miệng mình biết bao nhiêu đồ ăn thức uống. Nhưng mà có bao giờ chúng ta nghĩ nhìn lại thêm có những thứ mình đọc, mình nghe, mình suy tư ấy. Cái nào thực sự là “ngon”, cái nào thực sự là “lành”?

Nhớ hồi tôi bé xíu tôi còn ở Sài Gòn, tôi thấy xe nước mía để chữ “ngon, bổ, rẻ”. Mình thấy nó hay lắm, nhưng già rồi mình nghĩ: ngon, bổ làm sao mà rẻ? Cẩn thận chỗ đó! Người ta nói, của cho là của ôi, nhiều khi cái gì ngon, rẻ chưa chắc là lành. Cái gì lành chưa chắc là ngon!

Và trong đời sống của mình nếu quý vị hỏi tôi thu gọn Phật pháp lại trong một hai câu nói, người thiếu trí nhớ nên bỏ túi tu học những gì? Tôi có nhiều cách nói trong trường hợp đó, nhưng cách mà tôi hay sử dụng đó là: chỉ cần đọc câu chú này mỗi ngày cũng là một pháp tu là phân biệt những gì mình thích, và phân biệt những gì mình cần, đặc biệt là nữ giới. Các vị suy nghĩ phần lớn số tiền quý vị sử dụng cho cái mình THÍCH hay sử dụng cho cái mình CẦN. Đó là mình sống nhiều cho cái mình thích hay cho cái mình cần?

Thứ hai, cái mình thích với cái mình cần, cái nào làm cho mình khổ mình nhiều hơn? Chỉ cần trả lời hai câu này sẽ thấy mức ngu mình tới đâu. Cái mình cần ít hơn cái mình thích, nhưng mà cái mình thích lại làm mình khổ hơn cái mình cần. Như vậy, tự mình đi tìm khổ cho mình. Vậy mà cứ tưởng mình có tiền, mình là dân tri thức, đẳng cấp tiêu tiền thông minh, nhưng thực ra mình ngu có một cỡ à. Bởi vì một ngày, một tuần như vậy mình xài tiền bạc, thời gian, tâm tư, công sức cho cái mình Thích nhiều hơn cái mình Cần và đồng thời cái mình thích làm khổ mình nhiều hơn. Và nói thiệt, tôi không có gia đình, nhưng tôi có biết cuộc hôn nhân an toàn không có vui bằng cuộc hôn nhân có phòng nhì, ngon thì nó không có lành, mà cái gì lành là không có ngon. Thức ăn an toàn, hôn nhân an toàn, cái giống gì an toàn thì nó không có tính ly kỳ, kịch tính trong đó. Mà mình thì mê cái ly kỳ, cái kịch tính thế là mình bỏ hết tâm tư, thời gian, công sức và thậm chí bán mạng cho cái ly kỳ đó.

Quay lại chuyện đạo, có bao giờ chúng ta nghĩ rằng, liệu mấy cuốn kinh, bài giảng, mấy gương mặt vị Sư mà mình muốn nghe là gương mặt mình muốn hay cần. Trong kinh Phật dạy, tất cả chúng sinh tìm đến đối tượng nào đó, đặc biệt là cư sĩ tìm đến Tăng Ni thường gặp một trong bốn trường hợp sau đây:

1. Chỉ vì vị đó có hảo tướng, giọng nói du dương truyền cảm và truyền nhiễm. Tôi biết những người có giọng tụng kinh hay, họ có thể cất chùa. Những người này họ tìm đến với Tăng Ni bằng ân tình như khán giả tìm đến diễn viên, ca sĩ. Anh đến với tôi bằng con đường nào thì sau này sẽ bằng con đường đó mà anh xa tôi, thay vì thương nhau đến già thì chỉ đủ tha nhau đến giường rồi thôi. Cho nên, hãy cẩn thận cái đó. Thật ra Anh đến với tăng ni thay vì nghe pháp thì anh chỉ nhắm vào hảo tướng và giọng nói thôi. Tôi nói như vậy không hề khích bác ai.

2. Đến với Tăng Ni vì tiếng tăm của vị đó. Nếu đến với nhau bằng con đường này thì mai này cũng sẽ vì tiếng tăm nào đó mà thay đổi đối tượng hoặc thay một cái đạo khác không chừng. Lý do đến với nhau rẻ tiền như vậy.

3. Đến với nhau dựa trên hình thức tu hành miên mật tinh tấn.

Cả 3 cái này không đủ và không nên là chuẩn mực để tìm đến người thầy, người bạn.

4. Xem người đó có nói đúng pháp hay không, có hành đúng pháp hay không, tư duy đúng pháp hay không. Đây là điều rất quan trọng.

Quay lại nội dung bài pháp hôm nay chỉ có vài điều quan trọng nên nhớ:

- Thích ăn ngon không ai cấm, nhưng phải nhớ thỉnh thoảng ăn ngon và liên tục ĂN LÀNH.

- Mến mộ Tăng Ni không ai cấm nhưng phải lấy pháp làm trọng. Mến mộ Tăng Ni, thỉnh thoảng tưởng nhớ đến người mình mến mộ nhưng luôn nghĩ đến SỰ THANH TỊNH CỦA TĂNG GIÀ, của Tăng Bảo nói chung.

- Muốn tụng kinh gì tụng, nhưng phải thường xuyên NỘI QUÁN BẢN THÂN. Một ngày có thể tụng 2 thời kinh, nhưng quán nội thân thì phải liên tục, suốt ngày.

- Xức dầu thơm có thể 2 lần 1 ngày nhưng DƯỠNG KHÍ phải suốt ngày

- Nằm võng, nằm ghế bố không ai cấm, nhưng thời gian vận động nhiều hơn nằm võng, ghế bố.

- Muốn ăn chè cháo không ai cấm nhưng phải nhớ uống nước lạnh nhiều.

- Muốn ăn đồ chiên xào không ai cấm, nhưng phải ăn rau cải nhiều hơn.

- Thần chú, bái sám muốn tụng bao nhiêu tụng, nhưng nhớ phải nội quán.

Tôi tin tất cả các hệ phái đều đồng ý điểm này. Và có một hiểu làm rất lớn mà Phật tử đã mắc phải đó là khi nói về Phật giáo Tây tạng, họ nói mật tông, kim cang thừa,... chỉ biết bùa chú, phù phép. Sai! Phật giáo Tây tạng là thiên địa hạ đệ nhất nội quán. Coi kỹ đi, Phật giáo Tây tạng họ miên mật lắm mà tại vì người nước ngoài tìm đến Phật giáo Tây tạng (PGTT) chỉ tìm đến cái rìa của người ta thôi. PGTT họ nói về nội quán rất sâu, sâu lắm. Tôi chứng minh từng cái cho nghe:

+ Quý vị thấy người Tây tạng họ lạy chưa? Họ trải người trên sàn chưa? Mỗi năm người Tây Tạng ở các phương họ đổ về Potala ở Lhasa hành hương, nhà họ ở đâu không cần biết mà cứ trên đường đi tam bộ nhất bái. Lấy mắt thường mà nhìn không suy tư, không dùng trí thì mình cứ tưởng là người ta đang cuồng tín. Không, mỗi lần mà họ thả mình, trải người xuống là họ phải dốc lòng chí tâm, họ mới có tư cách đọc “chí tâm đảnh lễ”. Còn mình chỉ quỳ trên tấm kê sướng quá không có “chí” nổi chỉ có rận thôi, còn họ mới chí. Họ trải người trên đất, trên sạn sỏi, họ tu miên mật như vậy đấy. Và pháp môn Tuệ quán ở đây ai có biết trường phái ứng thành, họ miên mật suy tư về đời sống duyên khởi thường nhật: mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi,... họ biết đây là lục nhập. Có buồn có vui họ biết đây là thọ, có thích có ghét họ biết đây là ái, có dính mắc họ biết đây là thủ, họ được đào tạo huấn luyện rất bài bản như người Miến Điện vậy. Bắc truyền có Phật giáo Tây Tạng, Nam truyền có Miến Điện tu học rất căn bản.

Tại sao Tôi phải đánh một vòng như vậy Tôi muốn nói cái gì? Đó là lúc nào cũng phải luôn song hành, có này có kia. Có chòm xóm bạn bè nhưng đừng quên gia đình, có bang giao quốc tế nhưng không thể bỏ quên lòng yêu nước. Nha! Yêu cả mọi người nhưng phải có lòng yêu dân tộc. Có đúng không? Yah! Đi du lịch nhưng cũng phải biết mình yêu cái gì, mình đi Âu Á Mỹ Úc nhưng trong lòng mình vẫn dành một góc riêng cho những cây đa, bến nước, cầu khỉ... Ăn uống cũng vậy, ăn bao nhiêu món sơn hào hải vị nhưng mà cũng dành một góc riêng cho những bông điên điển, đọt bầu, đọt mướp, so đũa,... Ăn NGON cách mấy cũng phải chừa chỗ cho cái LÀNH, yêu nước nhưng cũng phải chừa chỗ cho tỉnh lị mà mình ở. Đóng góp hy hiến được thì cũng nên. Nếu tôi không lầm, các vị lãnh đạo ở Việt Nam, các vị ở địa phương nào thì khi các vị lên, địa phương đó được chăm sóc đầu tiên có đúng không?

Mình lo cho đất nước phải thương mình trước chứ, mình thương chòm xóm phải lo cho gia đình mình trước. Rồi đi sâu vô, dù có thương gia đình vẫn phải nghĩ đến cha mẹ, vợ chồng, con cái, dòng họ,... nhưng mình cũng PHẢI LO CHO MÌNH. Lo cho mình cũng phải chia hai, phần xác và phần hồn. Phần xác lại chia hai: niềm tin và trí tuệ. Cảm xúc và lý tính. Lúc nào cũng phải có hai: chánh - phụ. Mình có hai cánh tay thuận và không thuận. Nguyên tắc âm dương, lưỡng nghi, chánh phụ, trên dưới, xa gần, trong ngoài, trắng đen, mập ốm, cao thấp... nguyên tắc vận hành âm dương phải có cái đó. Vấn đề là trong cái âm dương anh mạnh cái nào, trong tĩnh và động anh mạnh cái nào???

+ Bây giờ mới vô bài giảng sáng nay: Chúng ta luôn luôn sống trong sự vận hành và sự trao đổi giữa hai cực, quân bình giữa hai cực ấy thì cuộc sống mình mới hoàn chỉnh, hoàn hảo. Có một điều, dù muốn dù không, dù có quân bình cách mấy quý vị cũng phải nghiêng về một cực. Các vị đồng ý với tôi đúng không? Có nghĩa là có bi thì phải có trí, có cứng phải có mềm. Vấn đề là cái nào nó nhỉnh hơn một chút. Cái nào 49, cái nào 51. Hiểu không? Có cái sai của chúng ta là 7-3, 6-4. Có nghe nổi không? Đời sống các vị có vấn đề là các vị không biết phải chia đôi cuộc sống này ra làm sao. Có người nói chia đôi mà họ chia 9-1. Có ông kia ổng thích nhậu thịt rừng lắm, có bữa ông vô quán nhậu ổng gọi món thỏ rôti, ông thấy dai quá gọi phục vụ ra hỏi thì phục vụ nói dạo này thỏ ít nên pha nửa trâu nửa thỏ. Thì cũng là 50-50, tính trên toán học thì 50, nhưng nửa con trâu pha nửa con thỏ thì sao? Cho nên đời sống là sự quân bình giữa hai cực. Đương nhiên mỗi người vẫn có cái nào 49 cái nào là 51 nhưng đừng để 19-10, 8-20, 30-70 tệ nhất vẫn phải là 6-4, tứ lục, nha.

Theo giáo lý kinh điển Pali, mỗi người có 5 cuộc đạo lực đó là tín, tấn, niệm, định, tuệ. Tín đây là chánh tín. Chánh tín đây là niềm tin mà y cứ trên trí tuệ. Niềm tin dựa trên trí tuệ là sao? Nghe kỹ chỗ này: thánh nhân hiểu rõ điều mình tin cho nên tin chết bỏ điều mình hiểu, như vậy cái trí của thánh nhân gọi là chánh trí và niềm tin của thánh nhân gọi là chánh tín. Hai cái này phải gắn chặt vào nhau không rời. Còn phàm phu mình thì sao? Phàm phu mình không hiểu lắm cái điều mà mình tin, nên không tin lắm cái điều mình hiểu.

Tôi nói cái này các vị nghe mới sốc nè. Đa phần chúng ta mua cái nhà hoặc cưới một người là do mình không hiểu hết về nó đúng không? Tại sao mình phải hối hận sau những quyết định của mình? Là tại vì mình không tìm hiểu kỹ lắm chuyện mình muốn làm, không tìm hiểu kỹ lắm món mình muốn mua và đau lòng là không tìm hiểu kỹ lắm người mình muốn cưới. Tại sao trong hàng tỷ người, mình đến với người này mà không đến với người kia? Coi chừng là do cảm xúc nhất thời dẫn dắt, chỉ đạo, tư vấn phương hướng hành động. Nếu lý trí mình tỉnh táo một chút sẽ cưới con Lan không cưới con Cúc, tỉnh một chút nữa cưới chị con Lan chứ không cưới con Lan, tỉnh nữa thì theo thầy con Lan, mà tỉnh nữa thì đi xuất gia chứ không lấy con nào hết. Nhưng mà không, tôi nhớ có người cháu đích tôn con nhà khá giả lắm, nhậu nhẹt riết. Bố mẹ chạy kiếm cho anh cô gái ngoan, biết kiếm tiền. Cưới về ông chồng vẫn nhậu. Sau thời gian chịu đựng, cô vợ khóc và nói “ngày xưa chưa cưới em anh nhậu, tưởng cưới về anh sẽ bỏ nhậu” anh ta mới trả lời một câu mà đáng ghi vào bìa sau của cuốn kinh: “anh nói thiệt khi lấy em vì anh say nếu anh tỉnh là mình phải bỏ nhau thôi, anh lấy em trong tình trạng nào thì mình phải sống với nhau trong tình trạng đó, chứ thằng say cưới mà bắt thằng tỉnh sống là không sống nổi em à!”

Ví dụ nữa, như có hai thằng ăn trộm phân công nhau có 2 phương án: 1 là phương án hổ tương, 2 là mạnh ai nấy chạy. Khi tên trộm vướng vào bụi tre không ra được thì tên còn lại bảo “vào bằng tâm gì thì ra bằng tâm đó”. Cho nên, người thanh niên cưới vợ bằng đầu của người say thì không thể nào sống bằng đầu của người tỉnh được.

Cho nên hành giả có ông sư “ngồi thiền” và ông sư “ngồi thừ” là như thế. Mình đến với đạo có nhiều mục đích, nhiều lý do như đầu bài giảng Tôi có nói đến với nhau bằng một lựa chọn nào đó, mình đến với nhau bằng ngả nào thì sau này cũng vì ngả đó mà ra đi, đến với chánh pháp, Phật pháp là lựa chọn cuối cùng thì không có lý do mình rời bỏ.

Trong kinh Tăng Chi Đức Phật dạy rất rõ: Này Chư Tỳ kheo, sau đây là trường hợp đáng ngại của nam nữ cư sĩ là đặt niềm tin và tình cảm cá nhân vào đối tượng Tăng Ni, mai này vị đó hoàn tục là niềm tin đó bị lung lay, khi vị đó qua đời, khi vị đó bị tai tiếng thị phi mình lại bỏ đạo thì điều đó có đáng không? Đến với Phật pháp để học Phật, nghe lời Phật mà lại bỏ Phật pháp bởi một người phàm thì điều đó uổng quá. Như vậy, cách mình đến với Phật pháp đã thông minh chưa?

+ Như vậy nội dung cốt lõi của bài giảng hôm nay là gì? Cầu nguyện cách mấy cũng phải biết quay về với nội quán, nội tịnh. Chúng ta tuyệt đối không thể nhắm mắt, nhắm mũi bài xích, phủ nhận, chê bai, dè bỉu một pháp môn nào mà mình không thích. Sai! Ví dụ người Tây tạng họ có cách họ đến với Phật giáo có thể xem ra nó không giống với cách của người Miến Điện, nhưng mình có thể nói họ sai hay không? Không! Vì nền tảng tâm thức, nền tảng văn hóa, nền tảng xã hội và chưa kể những thứ tâm linh mà họ nhận được không giống với người Miến Điện và những gì người Miến Điện nhận được không giống người Tích Lan, Người Tích Lan không giống người Thái, người Thái không giống người Lào, người Lào không giống người Campuchia, người Campuchia không giống người Việt Nam,... Cho nên, phải cẩn thận cái đó. Đương nhiên có những câu nói hay nhưng mình phải thông minh chứ không thì chết nhăn răng. Đó là “con đường nào cũng về La Mã” nghe nó hay, nó kêu gọi tinh thần hòa giải, đoàn kết. Chúng ta phải suy nghĩ là con đường đó phải là con đường đi về một hướng, chứ đứa đi về đông, đứa đi về tây làm sao về La Mã được. Đạo nào cũng tốt, Đạo nào cũng kêu gọi tinh thần đoàn kết, làm lành lánh dữ. Phải biết là nó kêu gọi sự hòa giải, tương thân tương ái giữa các tôn giáo. Chứ còn đạo học thì câu này dùng không được, không thể bưng bê nguyên cái đó đem xài tùm lum, phải xài đúng trường hợp.

Mình không có lý do nào để bài xích người khác, đặc biệt không nên dựa vào một hai công thức mà hiểu chưa có tới.

Đừng có nghĩ rằng tôi giảng ở đây làm vừa lòng mọi người, tôi giảng ở Nam - Bắc truyền cũng bằng một giọng nói thôi, ở đâu chúng ta cũng là một đám phàm phu, ở đâu nhu cầu đạo học và tâm linh cũng y chang như nhau. Giữa Phật giáo Nam truyền tôi vẫn nói: Một điều đại kỵ là một số không nhỏ Phật tử Việt Nam khi sang Miến Điện, do nhân duyên tình cờ, có kẻ đi vào ghi danh trong Thiền viện Pa-Auk, và các thiền viện khác... do nhân duyên người ta dắt mình ghé vào nơi nào bèn xem đó là điểm dừng, điểm ghé chưa phải là điểm dừng “tình đầu là tình cuối”. Có những cái chung thủy là hay, nhưng có những cái phải xét lại, phải xét lại! Vì sao?

Vì cuộc đời và một cuộc tu nó là hành trình, mà đã là hành trình thì nhiều nhà ga, nhiều phi trường. Đã là nhà ga, là phi trường chỉ là chỗ ghé chứ không phải chỗ ở lại. Ấy vậy mà không ít Phật tử chúng ta muốn vào nhà ga ở luôn, muốn mua sổ đỏ ở phi trường. Sai! Phi trường dùng để bay, để ghé, để đổi chuyến.

Trong kinh dạy rất rõ “Này các Tỳ kheo, cho đến bao giờ đệ tử của Ta không dừng lại nửa chừng trên hành trình giải thoát thì khi ấy Phật giáo này mới phát triển” Phật tử chúng ta được ba mớ thì cho là tới rồi, mà chỉ tới ga thôi, mà chúng ta còn chưa đến cứu cánh giác ngộ thì ngày đó Ta còn xa lắm, phải xét lại là mình đang ở ga nào, mà cho tình đầu là tình cuối? Làm ơn nghĩ lại đi, chưa có chắc đâu. Vì tình đầu là tình dại, tình đầu là tình ngu. Hiếm ai trên đời này lấy được tình đầu lắm. Tin tôi đi, mặc dù rổ rá gặp lại thì hơi ngán. Người ta nói rằng: Lấy vợ là ngu si, ly dị là thông minh, tái hôn là ngu thêm lần nữa. Để tránh hiểu lầm, tôi không nói chung về hôn nhân, tôi đang nói về lầm lỗi của chúng ta. Lầm lỗi lần đầu là do ngu, lặp lại lầm lỗi là ngu thêm lần nữa. Một hai lần đầu lầm lỗi là ngẫu nhiên, nhưng khi lầm lỗi đó lặp đi lặp lại là sự cố ý, là sự đầu tư. Hiểu không? Là sự đầu tư có ý thức, lầm lỗi mà được đầu tư có ý thức là chết rồi.

Tu tịnh độ, niệm Phật Di đà nhưng đừng quên trường hợp đơn giản và buông bỏ của thiền tông, đừng quên niềm tin của người tu tịnh độ.

Tu tứ niệm xứ không có Ta, không có Người, không bị thử, không thọ giả chúng sinh nhưng không thể thiếu khả năng từ bi, có đúng không?

Quán chiếu cuối cùng không thấy ai nên không động lòng trắc ẩn để thương ai hết, có nên không? Hoặc cả đời đi làm từ thiện, thương tùm lum nhưng không có khả năng ngồi quán. Đến khi trên giường bệnh cận tử hấp hối thì run bân người lên, có nên không?

Phải có 49, phải có 51. Vấn đề là cái nào 49, cái nào 51? Có tịnh độ, có thiền tông, có trí tuệ, có niềm tin, có nội quán nhưng phải có từ tâm, biết lo cho đại cuộc nhưng phải có một góc riêng cho đời mình. Chỉ biết mình mà không nghĩ đến đại cuộc được không? Nghĩ đến chùa mình, nghĩ đến quần thể chúng sinh, nghĩ đến vô lượng vũ trụ đời này và kiếp khác chứ không lý nào khoanh tròn bên cục thịt mấy chục ký lô này, hèn quá. Nhưng chỉ nghĩ đến đại cuộc mà quên mình là đại loạn, vì sao? Tất cả những manh động của thế giới đều khởi đi từ việc mọi người không biết nhìn lại mình, thế giới này cũng loạn vì mọi người không nghĩ đến đại cuộc, tất cả là mầm loạn hết, mỗi cá nhân không kiểm soát những vấn đề của bản thân, thế giới này khổ là vì có ai đó thiếu từ bi và ai đó thiếu trí tuệ, có đúng không?

Thương nhau bằng mười phụ nhau, chỉ biết thương mà không có trí là phá nhau nhiều hơn. Nhiệt tình cộng ngu dốt là phá hoại. Có nhiều người muốn đi hoằng pháp, truyền bá đạo Phật nhưng kiểu truyền bá của họ chỉ làm hại đạo thôi. Thương mẹ mà cho mẹ ăn toàn thứ mẹ muốn thì mẹ chết. Thương mẹ, bắt mẹ ăn kiêng không, mẹ cũng chết. Thương mẹ phải có kiến thức, đừng vì chữ hiếu mà nhắm mắt nhắm mũi bất chấp mọi giải pháp làm cho bằng được.

Cái vấn đề chúng ta là không biết vấn đề nằm ở đâu, biết vấn đề nằm ở đâu mà không tìm được giải pháp cho phù hợp. Biết vấn đề của mình là nửa đường, nửa đường còn lại là giải pháp.

Trong kinh nói, có những người sau đây xuất hiện trên đời:

1. Hạng người thứ nhất, không biết mình bị khát nước, cứ thấy khó chịu nằm ngửa mà khóc. Chỉ biết khóc vì cái khổ của khát nước.

2. Biết rằng mình khát nước mà không biết giải quyết cơn khát bằng cách nào.

3. Biết rằng nước là giải pháp tốt nhất cho cơ thể nhưng không biết nước nằm ở đâu.

4. Biết nước nằm ở đâu nhưng không biết làm sao lấy.

Ở đây cũng vậy, có những chúng sinh trong đời này vật vã với bao thứ mình phải chịu đựng về thân, về tâm, về hồn, về xác. Chỉ biết vật vã than khóc mà không biết mình đang chịu khổ. Vì cái khổ nó hiểu nó lờ mờ lắm, nó chỉ 1/3 thôi. Trong kinh có đề cập 3 loại khổ:

1. Khổ khổ: là sự có mặt của những gì làm cho ta khó chịu như đau nhức, tê buốt, thương phải xa, ghét phải gần,...

2. Hoại khổ: là sự vắng mặt của những gì làm cho ta dễ chịu

3. Cái khổ thứ ba này, ai có dùng cái đầu mới thấy ghê, còn đa phần là để đội nón, đeo mắt kiếng, tính chất lệ thuộc. Để có được ly nước, cái khăn nó cần có rất nhiều điều kiện. Nói thật, tôi nhìn cái đám ma không rùng mình bằng cái đám cưới, vì cái đám ma đi đến sự chấm hết, sang trang. Còn cái đám cưới là sự bắt đầu, họ quen nhau bằng cách nào, họ lấy gì nuôi nhau,... không ghê bằng họ giữ nhau bằng cách nào? Chiếm thành thì dễ, giữ thành mới khó. Bao nhiêu ngày tháng máu lệ, than thở... ở với nhau là cả một vấn đề, lấy nhau vui 3 tháng, buồn 3 năm, khổ suốt đời. Một nụ cười, đóa hoa cần bao nhiêu yếu tố: văn hóa, tâm lý, cảm xúc, sức khỏe,... tài chánh có vấn đề

Ái tình sẽ hóa cơn đau

Khi thơ mộng gặp cọng rau mỗi ngày

Chứ còn nói, “một túp lều tranh, hai quả tim vàng” là nói dóc

Thà khóc trong chiếc BMW hơn là cười sau yên xe đạp.

Cho nên mọi thứ trên đời này nó luôn luôn xuất hiện, có mặt, vận hành trên đời này trên nhiều thành tố hỗ trợ. Nó giống như cái nhà sàn mà có triệu cột chống, mà thiếu một cây là nhà sàn đó có vấn đề. Mà tất cả những niềm vui của chúng ta, những cái mà chúng ta hạnh phúc, nó được thiết lập, được gắn kết trên vô vàn điều kiện. Chúng ta nặng mấy chục ký lô mà cái răng có một tí vấn đề thôi, thì mấy chục ký lô đó lập tức có vấn đề. Có nhiều khi con người mình rất ok nhưng đọc một tin nhắn làm mình buồn cả ngày, có không? Đừng chối. Tôi mới buồn hôm qua nè, một tin nhắn thôi sau đó người ta xin lỗi, gửi nhầm, “và con tim đã vui trở lại”. Dễ sợ chưa? Nội quán một chút, chánh niệm một chút thì ta thấy niềm vui, nỗi buồn nó trẻ con hơn là ta nghĩ.

Trong kinh có nói thế này: chỉ cần con hiểu được, con thao thức, con trăn trở được 2 câu hỏi này thôi, con đã đi hết nửa đường giác ngộ rồi. Hạnh phúc là gì? Đau khổ là gì? Đừng có thao thức trăn trở đi tìm những định đề triết học cao siêu, hãy tự tìm hiểu và trả lời hai câu hỏi này thôi là đã nửa đường giác ngộ rồi. Tôi trả lời giùm cho: Hạnh phúc là có được thứ mình thích, và đau khổ là chịu đựng cái mình ghét. Nhưng chưa có sâu, cái phía sau mới sâu: Hạnh phúc và đau khổ từ cái thích ghét mà ra, mà thích ghét từ đâu mà ra? Nó do 3 cái mà Tôi hay nói đến mòn miệng trong loạt bài giảng ở Việt Nam lần này:

1. Tiền nghiệp quá khứ

2. Khuynh hướng tâm lý

3. Môi trường sống hiện tại

Do 3 cái này nó làm nền tảng tâm thức, nền tảng nhận thức, nền tảng cảm xúc, nền tảng tư duy, nền tảng mọi thứ. Nó quyết định mình thích cái gì, ghét cái gì, từ chỗ đó nó kiến tạo hạnh phúc và đau khổ của mỗi người khác nhau. Tôi ví dụ:

Do tiền nghiệp phải sinh ra làm loài thích ăn thịt sống hay đồ chín.

Do tiền nghiệp đầu thai làm người Việt Nam, ở thành thị hay nông thôn, giàu hay nghèo, có học hay không có học, khỏe mạnh hay không? Những sở thích và cái ghét sẽ khác nhau.

Các yếu tố trên quyết định anh thích cái gì, và khi anh thích cái gì thì anh ghét cái ngược lại. Khi anh ghét cái gì thì anh sẽ thích cái ngược lại. Do cái thích cái ghét này đẩy vấn đề đi xa hơn đó là HẠNH PHÚC và ĐAU KHỔ. Và vì trốn khổ tìm vui cho nên chúng ta vận dụng vô lượng phương tiện, vô lượng giải pháp để mà trốn cái khổ, tìm cái vui, thỏa mãn điều mình thích, mình muốn.

Và trong cái gọi là giải pháp ấy, đa phần là bất thiện, ngay cả Tăng Ni nếu không có lý tưởng sống. Vì sướng hay khổ chỉ là cái mình nhìn thấy chứ không phải là thứ mình tìm đến. Khi chúng ta tự tìm đến thứ mình thích, mình ghét là tự giam chúng ta vào một góc tù rồi đó. Tin tôi đi. Đi đâu thích mang đồ lưu niệm về để đầy nhà rồi lau dọn, Việt Nam thích xài cửa sổ bằng song sắt cố định, khi xảy ra cháy là “thơm phức”. Vì sợ mất của, thương/ ghét ai đó mà tự nhốt tù mình.

Cho nên cẩn thận, bản thân chữ khổ là do mình quyết định. Chuyện đời chỉ có 5-10%, 85-90% còn lại là do yếu tố tâm lý quyết định. Có người hỏi Ngài Anan về mùi vị, sắc hương, vị ngọt nào là tối thượng? Ngài trả lời “Thông qua trần cảnh nào mà ta đạt được trí tuệ giải thoát thì trần cảnh ấy là tối thượng”.

Cho nên, chỉ cần hiểu hạnh phúc và đau khổ là gì thì thấy được nửa đường giải thoát, hãy cẩn trọng với những gì mình thích và ghét mỗi ngày. Đời sống là sự quân bình giữa các cực. Chỉ biết một cái gọi là cực đoan, phải biết quân bình tùy căn cơ mỗi người. Cuộc đời chúng ta là hai đường thẳng song song giữa 2 cực: thương - thích, ghét - sợ, buồn - vui, thiện - ác, đạo - đời, từ bi - trí tuệ, lý tính - cảm xúc. Vấn đề ở chỗ là mình đừng lệch bên nào nhiều quá, đương nhiên không bao giờ 100%, phải có 49- 51, nhưng chúng ta phải nhìn lại mình và nên học giáo lý để biết tham là gì, sân là gì, ngã mạn là gì,… để khi nó đến mình biết chính xác nó là gì. Cái biết càng nhiều thì càng tốt.

Lời kết: Làm gì làm, chúng ta phải biết chia sẻ tâm tư tình cảm cuộc sống cho đa cực. Người tu học phải có cặp mắt pháp nhãn là có khả năng ở trên nhìn xuống để bao dung, ở dưới nhìn lên để học hỏi, ở trong nhìn ra để tương quan, ở ngoài nhìn vào để cảm thông, chia sẻ.

 

Kính mời quý vị xem clip bài thuyết pháp của Sư Giác Nguyên

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6305714