Thông tin

BỤT VÀ PHẬT

BỤT VÀ PHẬT

 

BÙI MINH ĐỨC

 

 

 

Thế nào là Bụt và Phật?

Liên hệ giữa hai từ Bụt và Phật như thế nào?

Trong kinh Sâdhânamâlâ, một kinh rất xưa của Phật giáo, có câu thần chú như sau:

OM OM OM Sarva buddha - dâkiniye vajra varnaniye.

Vajra-vairocaniye  HUM HUM HUM  PHAT PHAT PHAT Svâha.

Câu thần chú có hai từ Buddha và Phat. Hai từ này là tiếng Phạn (Sanskrit) được âm ra tiếng Việt là Bụt và Phật. Như vậy Bụt và Phật có gốc từ tiếng Phạn chứ không phải từ tiếng Hán. Bụt và Phật là hai từ riêng biệt. Từ Phật có thuyết cho là do từ Bụt phát âm sai trại ra thành Phật. Bụt và Phật hai từ riêng biệt có ý nghĩa khác nhau nhưng có liên hệ mật thiết với nhau.

Bụt và Phật là danh hiệu tôn xưng dành cho một nhân vật có thật trong lịch sử cách nay hơn 2.500 năm. Nhân vật đó đã được lịch sử ghi danh dưới tên thường được biết, đó là Thích Ca (Sakyà).

Thích Ca từ bỏ gia đình với chí nguyện tìm một giải pháp giải thoát khỏi vòng sinh tử. Sau nhiều năm không nhà không cửa, học thầy, học bạn, tự tập, tự tu, tự luyện đã đạt được trạng thái cao độ của cái Giác biết thẳng trở thành Bụt đồng thời hóa giải, chấm dứt, giải thoát khỏi liên hệ Tái sinh đương nhiên thành Phật, tức giải thoát. Giải thoát khỏi những dính mắc đưa đến khổ đau của cuộc đời.

THÍCH CA

Theo truyền thuyết, kinh sách, các lưu tích từ thời Hoàng đế Ấn Độ A Dục (Ashoka 273 – 236 TCN) hiện nay còn tồn tại, tiểu sử của Thích Ca, tiến trình tu chứng qua các giai đoạn tầm đạo, đạt đạo và truyền đạo có thể biết được.

 Thích Ca chào đời cách nay hơn 2.500 năm tại Lâm Tì Ni (Lumbini) thuộc xứ Népal giáp ranh với miền Bắc xứ Ấn Độ thuộc lưu vực sông Hằng (Ganga).

Thích Ca có tên là Siddhàrtha họ Gotama. Tên Thích Ca là tên của bộ tộc. Thích Ca nguyên là thái tử con đầu lòng của Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng hậu Ma da (Màyà).

Thái tử người cao lớn, khỏe mạnh, có biết văn hóa và võ thuật, có khả năng đầy đủ về quyền lực và vật chất chỉ thiếu là thiếu tình mẹ con. Mẹ của Thái tử mất sớm khi Thái tử chào đời không lâu. Cuộc đời của Thái tử bình thường sẽ tiếp nối như Vua cha, nhưng không! Một khúc quanh của cuộc đời đã đưa Thái tử từ địa vị một vị vua một nước nhỏ vô danh thành một nhân vật lịch sử. Khúc quanh đời Thái tử Thích Ca bắt đầu bằng một chí nguyện.

Chí nguyện.

Thái tử có thể nói là người nhạy cảm khác người. Nhạy cảm có thể bắt nguồn từ sự thiếu tình mẹ. Năm đó, Thái tử khoảng 29 tuổi được chứng kiến cảnh đau thương thiểu não tiều tụy của người già, người bệnh và người chết. Từ cảnh già, bệnh, chết những mối ưu tư, bứt rứt mãnh liệt khác người đã trổi dậy trong lòng Thái  tử. Trước cảnh đau thương thay vì bỏ qua, lại là một bận tâm lớn ám ảnh Thái tử. Bận tâm thôi thúc Thái tử muốn cứu người, ý nguyện giải thoát khỏi đau thương. Từ ý nguyện giải thoát nung nấu, một lập chí, quyết tâm đi tìm con đường giải thoát khỏi sinh tử khổ đau đã hình thành trong đầu Thái tử. Thái tử quyết ra đi tầm Đạo.

Tầm Đạo

Đêm đó, có lẽ sau buổi yến tiệc trong hoàng cung khoảng nửa đêm, không lời từ biệt, Thái tử âm thầm cùng người hầu cận, Xa nặc (Sanna) lấy ngựa ra đi. Ngựa phi suốt đêm chạy về hướng sông Anoma thuộc xứ  Ma Kiệt Đà (Magadha), nơi có thị trấn đông dân cư hy vọng tìm được Thầy dạy Đạo. Đến gần sáng, ngựa đến sông, ngựa đã chạy nửa ngày, tính ra trên dưới 100 km. Đây là lúc chia tay, không hẹn ngày về. Thái tử trao đồ trang sức cho người hầu cận và dặn về tâu lại với vua cha Thái tử đã quyết ra đi tầm Đạo, tìm đường giải thoát khỏi khổ đau, chỉ trở về khi đã đạt được giải thoát. Đây là một hành trình ra đi không mang theo hành lý tiền bạc. Hành trình chỉ có chí nguyện vững chắc. Thích Ca từ nay từ bỏ địa vị, chiếc áo Thái tử chỉ còn là một Hành giả đi tầm Đạo. Hành giả Thích Ca bắt đầu học Đạo An Tâm bằng phương pháp tu Thiền Yoga.

 An Tâm: Thiền Yoga.

Bấy giờ ở Ma Kiệt Đà có nhiều Đạo sư dạy Thiền Yoga nổi tiếng có nhiều đồ chúng như Thầy Àjàrà Kàlàma ở Vệ Xá (Vaisàli), Thầy Uddaka Ràmaputta ở Vương Xá (Ràjagaha).

Hành giả đến Vệ Xá học pháp An Tâm với Thiền Vô Sắc (Arùpa Jhàna). Không lâu, Hành giả đạt được từng định thứ ba Vô Sở Hữu Xứ của Thiền Vô Sắc. Trình Thầy kết quả, Thầy rất đắc ý nhưng không có Pháp cao hơn để truyền lại, Thầy muốn Hành giả lưu lại để phụ Thầy chỉ dạy người mới đến học. Hành giả không nhận lời và xin từ giã. Lý do pháp An Tâm vừa học không đáp ứng với chí nguyện của Hành giả.

Hành giả đi Vương Xá tiếp tục học pháp An Tâm với Đạo sư Thiền Uddaka Ràmaputta. Sau thời gian ngắn nỗ lực, Hành giả đã thành tựu trạng thái Phi tưởng Phi phi tưởng, tầng đính thứ tư của Thiền Yoga. Thầy rất vừa ý với thành quả của Hành giả. Học thêm một Pháp An Tâm cao hơn, nhưng Hành giả vẫn chưa toại nguyện với chí nguyện của mình đành từ giã Thầy ra đi. Ra đi nhưng không nản chí, hy vọng sẽ học được Pháp khác có thể đáp ứng với chí nguyện của mình. Dịp đã đến, Hành giả học thêm Pháp An Thân với lối thực hành Khổ Hạnh.

 An Thân: Khổ Hạnh.

Chưa định đi đâu, Hành giả gặp nhóm 5 người đạo sỉ tu theo Khổ Hạnh đứng đầu là  Trưởng lão Kiều Trần Như (Koọdanna) và bốn người khác. Những người quen biết trong triều vua Tịnh Phạn. Đạo sĩ chỉ dạy Hành giả cách An Thân bằng Khổ Hạnh. Giới hạn tối đa các nhu cầu, tiện nghi các giao tiếp. Người tu Khổ Hạnh tin rằng Thân được an tuyệt đối giúp người tu khi chết không tái sinh vào cõi người được lên cõi trời, ngoài ra người tu có khả năng siêu nhân, tri kiến lỗi lạc. Hành giả tin tưởng thực hành.

Mấy mùa hoa nở trôi qua, tu Khổ Hạnh, giới hạn nhu cầu khá tiến triển Hành giả không còn khất thực đi đến vùng núi rừng Mahàkàla. Núi ở đây thuộc dải núi khá dài, phần lớn gồm loại đá phiến cẩm thạch non, đá dễ vỡ có chỗ gặp nước để lại hang động hẹp nhỏ. Hành giả chọn một hang làm nơi trú mưa sống một mình, độc cư không giao tiếp với ai, ngay cả với nhóm  người tu Khổ hạnh. Hành giả tích cực tu tập giới hạn nhu cầu tối đa ngay cả hơi thở, tập nín thở. Bây giờ, Hành giả rất ốm gầy chỉ còn da bọc xương.

Mùa xuân lại đến, có lẽ là Xuân thứ sáu khi tu Khổ hạnh. Một hôm, Hành giả rời vùng núi đi về phía sông Phalgu. Khi đến bờ sông có lẽ vì kiệt sức nên té xỉu, bất tỉnh nằm thoi thóp. May lúc đó có cô bé chăn dê sẵn có bình sữa dê cho Hành giả uống hồi sức lại.

Khi tỉnh lại, một linh tính đến với Hành giả. Linh cảm cho biết sắp đến phải làm gì, chí nguyện sắp đạt được.

Đạt Đạo

Hành giả khất thực trở lại bồi dưỡng cơ thể. Từ giã nhóm người tu Khổ hạnh, từ giã vùng núi rừng. Qua  sông tiến về vùng đồng bằng đông dân cư. Hằng ngày, Hành giả vào làng Senànigama khất thực.Khất thực xong về ngồi thiền dưới gốc cây bàng (Ajapàla) to mọc trên ụ đất cao. Vùng này đất thấp trũng nước, có nhiều cây bàng và cây me. Cây bàng lá tròn lớn hơn bàn tay, thân không cao lắm, cành tương đối ngắn nhỏ, cây me lá le the nhỏ tàn lá cũng không rộng hơn cây bàng.

Một hôm, đương ngồi thiền dưới gốc cây bàng có hai thiếu phụ đến xá lạy dâng bánh, bánh Kheer. Một loại bánh làm bằng bột nếp có trộn mật. Nguyên do dâng bánh vì thiếu phụ Sujàta, con gái của ông nhà giàu Senàni cùng người gái giúp việc đã có lần đến đây xin Thần cầu tự. Được toại nguyện với bé trai đầy tháng nhân dịp thấy có ông thần dưới gốc cây nên dâng bánh đáp ơn.

Đã đến lúc khẩn trương thực hành phương pháp mới về tu tập, ngồi Thiền. (Phương pháp tu tập sau này được gọi là Trung Đạo), Hành giả thấy không ổn để tiến tu, bèn rời nơi cây bàng thuộc phía bờ phải sông Ni Liên Thiền (Nilàjanà) qua bờ trái đối diện bên kia sông có cồn đất cao có nhiều cây to.

Bụt và Phật: Trực giác Liên hệ Tái sinh.

Bấy giờ là mùa khô, khoảng tháng 4-5, lòng sông đầy cát, rộng khoảng 1 km nhưng nước sông thu nhỏ hẹp thành nhiều lạch nước, chỗ rộng khoảng hơn 10m, chỗ sâu nước tới đầu gối, chỗ cạn nước lấp xấp tới mắt cá. Nước trong, chảy tương đối mạnh kéo theo cát long lanh li ti hạt vàng luôn luôn di động theo chiều nước chảy. Khúc sông khoảng cây bàng không có cầu, mùa khô vì cạn nước thành đường lội bộ qua lại hai bờ sông.

Nắng đã lên cao, Hành giả vẫn còn da bọc xương, tay cặp bó cỏ lội bộ qua bờ bên kia, leo lên triền dốc có nhiều cây to. Cây to hơn cả ôm, cành lớn như thân người, tàn lá tỏa rất rộng. Cành không có rễ phụ tỏa xuống như cây đa. Thân cây tròn phía gần mặt đất thân rễ không lồi ra quá gồ ghề. Lá cây hình tim, đuôi nhọn to hơn lá cây đề nhưng to không hơn bàn tay. Trái nhỏ bằng đầu ngón tay mọc ở đầu cành. Cây này thuộc họ cây sung (Ficus) có tên là cây bồ đề (Pipphala hay Pipal). Cây bồ đề mọc rất nhiều thành cụm nhưng mỗi cây cách khoảng xa nhau tại hố trũng. Nơi hố trũng, cây bồ đề mọc rất sum sê đầy sinh khí có lẽ vì thích hợp với đất cồn, đất cát phần lớn, có chứa đất sét phía dưới trữ nước có độ ẩm cao.

 Hố trũng cách bờ sông non 1km, hố có lẽ được tạo thành vì do nước xoáy nơi có đá ngầm khi cồn cát được hình thành. Hố có đường kính khoảng trên 200m, chiều sâu khoảng trên 7m. Bờ hố không làm thành vòng khép kín nhưng mở rộng ra phía sông. Phía trên hố đất phẳng có người qua lại để xuống sông nhưng trũng hố vắng vẻ yên tịnh. Vùng này có tên là BodhGaya.

Hành giả chọn cây bồ đề ở dưới thấp đáy trũng trải cỏ để ngồi. Ngồi xếp bằng, mặt hướng về phía sông, lưng quay sát thân cây lấy thân cành che nắng mưa, triền vòng hố xa phía sau ngăn gió.

Nắng đã tắt, đêm đến tối đen không trăng, Hành giả đã quen với màn đen, đêm dài tĩnh lặng. Cứ thế ngồi yên, tâm thân đều vững an, kinh qua bao năm học tập. Đêm ngày trôi qua, trăng thật sáng rồi tối dần, Hành giả vẫn yên ngồi đó. Ngồi yên như pho tượng nên sau này được tôn xưng là Thich Ca mu ni.

Đêm đó, trời tối như mực, đã khuya bỗng phía sau đỉnh đầu cảm giác rưng rứt, trước mặt Hành giả bỗng hiện một vùng sáng như bạc xung quanh đầy tia, hiện rõ trước mắt các liên hệ Tái sinh của Hành giả trong quá khứ từ Kiếp mới qua đến nhiều Kiếp xa hơn nữa. Liên hệ đã tạo nên nguyên do của chí nguyện khác người. Thân hiện tại là tiếp nối sinh hoạt, cư xử, đức hạnh của thân nhiều Kiếp trước. Có Thân là có thọ nhận phải chịu diệt vong không thoát khỏi vòng dính mắc để trở lại dưới dạng thân khác. Người đời ít ai hiểu biết rõ được. Giác biết thẳng, Trực giác cao độ mới thấu biết.

Đêm lặng lẽ trôi qua, vẫn ngồi yên hào quang vẫn còn, Hành giả hướng về người khác.Tùy địa vị của từng người liên hệ Tái sinh của họ với quá khứ lại hiện rõ ra.

Đêm đã gần sáng, hào quang lại sáng rực lên, Trực giác chấm dứt liên hệ Tái sinh hiện rõ ra. Chính Trực giác và Thọ nhận viện dẫn của hiện tại và quá khứ, cái lậu hoặc, là đầu mối của sự cắt đứt liên hệ Tái sinh. Hết Tái sinh thế là Giải thoát. Giải thoát là Phật.

Trời đã sáng tỏ, Hành giả đã chứng ngộ được Trực giác trở thành bậc Giác ngộ hay Bụt, đồng thời tự hóa giải, giải thoát khỏi Tái sinh thành Phật.

Từ năng từ thân ngườì của Phật như tỏa rộng hòa đồng cùng trời đất, cây cỏ, vạn vật. Phật rời chỗ ngồi đi qua phía trái, rảo bộ leo lên triền hố chỗ cao về hướng mặt trời đương lên. Nhìn thẳng về cây bồ đề. Thân như bay bổng hòa nhập vào yên lặng rỗng không. Phật trực giác về hiện tượng thế gian, thấu triệt bốn liên hệ dính mắc Thân, Thọ, Tâm, Pháp, bốn yếu tố tạo nên cuộc đời.

Từ năng như có sức lôi cuốn, một vị Bà la môn đến gặp, hai người lái buôn Miến Điện đến cúng dường Phật.

Đêm đó, trời giông mưa lớn, một con rắn to cũng đến như che chở Phật.

Sau này, ngay cả đến ngày nay, nơi cây Bồ Đề chỗ Thích Ca ngồi Thiền đạt Đạo còn lôi cuốn hàng vạn người thuộc nhiều quốc gia đến lễ bái chiêm ngưỡng.

Đã đạt Đạo, mai này Phật sẽ ra đi giải cứu, giúp mọi người thoát khổ.

Bồ Tát: Cứu độ

Đi cứu độ, Phật là một Bồ tát. Bồ tát cứu độ cái gì? Cứu độ ai? Phương tiện cứu độ ra sao?

Cứu độ những dính mắc đưa tới trở ngại, vấn đề, sanh già bệnh chết, phiền não, những khổ đau về thân, về tâm. Nói chung là giải thoát khỏi Khổ. Cái Khổ triền miên do Tái sinh.

Ai được cứu độ? Tất cả chúng sinh.

Gíác ngộ và chấm dứt cái Thọ đưa tới Tái sinh, Giải thoát,  là phương tiện để cứu độ.

Giác ngộ và Giải thoát như Thích Ca sau nhiều năm tu tập là chuyện hiếm có không phải ai cũng đạt được. Mặc dầu ai cũng có tánh Giác, linh tính, trực giác, linh cảm. Do đó, Thích Ca Bồ tát trước tiên phải tìm người có thể hiểu được phương tiện cứu độ.

Hai Đạo sư Thiền Yoga là những người có thể hấp thu phương tiện. Chẳng may, hai thầy vừa mới qua đời. Bồ tát nghĩ đến nhóm người tu Khổ hạnh. Với mắt thần Bồ tát biết họ đương ở khu vườn Nai tại Isipatana không xa Ba la nại (Vàrànasi). Sau mấy ngày đường đi bộ, hoan hỉ gặp lại nhóm đồng tu. Đây là dịp để giải thích lý do không tu Khổ hạnh, đồng thời trình bày Pháp tu mới đưa tới Giác ngộ và Giải thoát. Chăm chú theo dõi, Họ rất tán thưởng và tỉnh ngộ. Sau đó, tiếp tục được nghe Phật thuyết giảng về Bốn Sự Thật Vi Diệu và Vô ngã tướng. Trưởng lão đứng đầu nhóm đạt được Giải thoát đầu tiên, kế đến là mấy người còn lại.

Cuộc đời mới rộng mở với Thich Ca Bồ tát. Một đời đi Giáo hóa Đạo Giải thoát, con đường đưa đến giải thoát khỏi Khổ.

Bồ tát hằng ngày đi khất thực, ngồi Thiền, sống với Vô ngã, Trực giác và giáo hóa nếu thuận tiện. Giáo hóa qua thuyết giảng, đàm thoại vấn đáp.

Bồ tát đi Giáo hóa nhiều nơi có lần về lại quê hương cũ thuyết giảng cho Vua cha nghe. Có người trong Hoàng tộc, ông Anan ra đi theo học với Bồ tát. Đồ chúng theo học càng ngày càng đông. Lớp học ngoài trời. May có người nhà giàu biệt hiệu Cấp Cô Độc cúng dường cho Bồ tát một khu đất rộng ở Kushinagar. Khu đất được dùng làm nơi tu tập, an cư lúc tháng mưa, mùa hạ.

Thấm thoát ngày tháng trôi qua, mùa Xuân lại đến đã hơn 40 năm Bồ tát đi Giáo hóa. Năm đó, khoảng 80 tuổi, Bồ tát linh cảm sắp đến ngày tịch diệt, vĩnh viễn ra đi không còn Tái sinh. Nằm giữa hai cây Sala tại Kushinagar, Bồ tát nhắm mắt dứt hơi cuối cùng.

Được hỏa táng, Xá lợi của Thích Ca Phật được tám nước thời đó tranh nhau đem về thờ phụng. Cuối cùng, Xá lợi được chia đều ra 8 phần, mỗi nước được một phần.

Về Xá lợi tinh thần, Giáo hóa của Thích Ca Phật đã đánh dấu một giai đoạn mới về tư tưởng, triết lý, tâm linh. Nhiều quốc gia sau đó đã dùng Giáo pháp như một chánh sách để trị nước. Một phương tiện để giáo dục quần chúng.

Sau khi Thích Ca Phật qua đời. Thích Ca Phật và Giáo pháp được tôn thờ và biến thành một thứ tôn giáo: Đạo Phật.

Đạo Phật qua tín ngưỡng ngoài Phật Thích Ca lại phụ thêm nhiều Phật khác. Phật A Di Đà chủ trì cõi Tịnh; Phật Quán Thế Âm thuộc cõi Động, Ta bà; Phật Di Lặc cõi tương lai.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6799552