Thông tin

CÁC BÀI GIẢNG LIÊN QUAN ĐẾN THẾ GIỚI

 

HOANG PHONG

 

 

Trong chương 1 phần II, vài bài thuyết giảng của Đức Phật đã được trích dẫn nêu lên quan điểm của Phật giáo về thế giới. Trong chương 2 tiếp theo dưới đây, một số bài thuyềt giảng khác của Đức Phật sẽ được tiếp tục trích dẫn hầu giúp chúng ta tìm hiểu sâu xa và chi tiết hơn về thế giới. Ngoài ra cũng xin mạn phép nhắc lại là “vũ trụ”, như đã được trình bày trong phần I, gồm có ba thế giới: Thế giới vật lý, thế giới của sự sống và thế giới tạo tác (saṅkhāraloka) do mỗi cá thể tự tạo ra cho mình bên trong tâm thức mình, xuyên qua sáu cơ quan giác cảm của mình - gồm ngũ giác và tâm thần của mình - và thế giới này mới thật sự là thế giới quan trọng hơn cả đối với một người tu tập Phật giáo. Dưới đây là bài trích dẫn thứ nhất:

Bài giảng về sự ám ảnh tâm thần

Cittapariyādāna Vagga - AN 1.1-10

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Bhikkhu Sujato và bản dịch tiếng Pháp của Bhikkhu Sekka)

Chữ thứ nhất Cittapariyādāna của tiêu đề của bài giảng, là một từ rút ngắn từ một câu gồm ba chữ: Cittaṃ-pariyādāya-tiṭṭhati, nguyên nghĩa là ‘xâm chiếm và lưu lại trong tâm thần’, và thật ra thì câu này cũng đã được rút gọn từ một câu dài hơn: Citta+pari+yadaya+tiṭṭhati (citta=tâm thần, tâm trí ; pari=bao trùm, daya=cảm nhận ; titthati=xâm chiếm và lưu lại), do vậy có thể hiểu chữ này là sự ám ảnh trong tâm thần của một cá thể. Chữ thứ hai Vagga nơi tựa bài giảng có nghĩa là “phẩm” hay “tiết mục”, và phẩm này là phẩm đầu tiên của Chương mục gọi là Ekaka Nipāta, kinh sách Hán ngữ gọi là Chương Một Pháp, gồm 159 câu đầu tiên trong số 9.557 câu thuyết giảng, gộp chung trong 2.300 bài giảng trong toàn bộ Aṅguttara Nikāya / Tăng Chi Bộ Kinh.

Bài giảng trên đây gồm mười câu đầu tiên trong số 159 câu thuộc Chương thứ nhất là Ekaka Nipāta (Chương Một Pháp), và cũng là mười câu đầu tiên trong số hơn chín ngàn câu giảng trong Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh). Vậy những gì ám ảnh tâm trí con người? Những gì chiếm giữ và lưu lại trong tâm thần của một cá thể?

Tôi từng được nghe như vầy. Hôm đó, Đấng Thế Tôn đang ngụ gần kinh thành Sāvatthī (Xá Vệ), trong khu rừng thưa Jeta (Kỳ Thọ / Kỳ Hoàn), nơi tu viện (tịnh xá) của vị Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Đấng Thế Tôn nói với các tỳ-kheo như sau: “Này các tỳ-kheo”. Các tỳ-kheo đáp lại: “Vâng Thưa Thế Tôn”. Đấng Thế Tôn bèn thuyết giảng như sau:

1.1. “Ta chưa hề thấy bất cứ một thứ bóng dáng nào ám ảnh tâm trí người đàn ông bằng bóng dáng của người đàn bà. Bóng dáng của người đàn bà xâm chiếm tâm trí người đàn ông”.

1.2. “Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một âm thanh (tiếng nói, âm giọng) nào ám ảnh tâm trí người đàn ông bằng âm thanh của người đàn bà. Âm thanh của người đàn bà xâm chiếm tâm trí người đàn ông”.

1.3. “Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một thứ mùi (hơi hám) nào ám ảnh tâm trí người đàn ông bằng mùi của người đàn bà. Mùi của người đàn bà xâm chiếm tâm trí người đàn ông”.

1.4. “Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một thứ vị (hương vị, sự ngọt ngào) nào ám ảnh tâm trí người đàn ông bằng vị của người đàn bà. Vị của người đàn bà xâm chiếm tâm trí người đàn ông”.

1.5. “Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một sự đụng chạm (cọ xát) nào ám ảnh tâm trí người đàn ông bằng sự đụng chạm với người đàn bà. Sự đụng chạm với người đàn bà xâm chiếm tâm trí người đàn ông”.

1.6. “Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một bóng dáng nào ám ảnh tâm trí người đàn bà bằng bóng dáng của người đàn ông. Bóng dáng người đàn ông xâm chiếm tâm trí người đàn bà”.

1.7. “Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một âm thanh nào ám ảnh tâm trí người đàn bà bằng âm thanh của người đàn ông. Âm thanh của người đàn ông xâm chiếm tâm trí người đàn bà”.

1.8. “Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một thứ mùi nào ám ảnh tâm trí người đàn bà bằng mùi của người đàn ông. Mùi của người đàn ông xâm chiếm tâm trí người đàn bà”.

1.9. “Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một thứ vị nào ám ảnh tâm trí người đàn bà bằng vị của người đàn ông. Vị của người đàn ông xâm chiếm tâm trí người đàn bà”.

1.10. “Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một sự đụng chạm nào ám ảnh tâm trí người đàn bà bằng sự đụng chạm với người đàn ông. Sự đụng chạm với người đàn ông xâm chiếm tâm trí người đàn bà”.

Vài lời ghi chú

Thoạt đọc qua, thì các câu này không có gì gọi là sâu sắc hay khó hiểu cả. Chẳng qua là vì đôi khi chúng ta có thể xem các “chuyện ấy” là bình thường, là bản chất tự nhiên của con người, là bản năng truyền giống giữa nam và nữ, giữa giống đực và giống cái. Thế nhưng xem thường các “chuyện ấy” chính là nguyên nhân khiến chúng ta không trông thấy được ý nghĩa sâu sắc và sự mạch lạc trong tư tưởng siêu việt trong Giáo huấn của Đức Phật, lý do là vì chúng ta không đặt các câu có vẻ đơn giản và bình thường trên đây vào khung cảnh sâu sắc trong Dhamma của Đức Phật.

Ngài thuyết giảng về một vũ trụ gồm ba thế giới, và “thế giới tạo tác” (saṅkhāraloka), như đã được nói đến trên đây, là thế giới quan trọng hơn cả, bởi vì trong thế giới đó mỗi cá thể tự tạo ra các kamma (hành động / nghiệp) cho mình, xuyên qua lục giác của mình. Các sự ám ảnh tính dục giữa người đàn ông và người đàn bà là các kamma đó, tức là các “hành động tâm thần”, gồm các “tác ý”, các xúc cảm, các sự bám víu trong lãnh vực tính dục. Các kamma đó sẽ tạo ra các hiệu ứng liên hệ và tương quan với chúng trong tương lai.

Chúng ta hãy nêu lên một thí dụ cụ thể, trong Bài giảng về các thảm họa trong thế giới (Lokavipatti - AN 8.6) đã được nói đến trong Phần II chương I, nêu lên tám mối lo toan thế tục, làm phát sinh ra hai thứ xúc cảm: “thích thú” và “bực tức”. Nếu hai thứ xúc cảm đó - “thích thú” và “bực tức” - khiến con người cuồng quay với thế giới và thế giới cuồng quay với con người, thì hai thứ xúc cảm “sung sướng” hay “bất toại nguyện” nêu lên trong Bài giảng về sự ám ảnh tâm thần (Cittapariyādāna Vagga - AN 1.1-10) trên đây khiến người đàn ông cuồng quay với người đàn bà, và người đàn bà cuồng quay với người đàn ông.

Các sự ám ảnh giữa người đàn ông và người đàn bà là một trong các nguyên nhân chủ yếu nhất và cũng gần gũi nhất đối với con ngưòi, đưa đến mọi thứ rắc rối và phức tạp từ trong gia đình cho đến bên ngoài xã hội. Nào là phấn son, nước hoa, quần áo, các thứ phụ tùng trên người… Nào là phim ảnh, âm nhạc, văn chương, thi phú trữ tình… Nào là ghen tuông, say đắm, thất tình, tự tử… Các ám ảnh tính dục đó đôi khi còn dính líu đến cả tín ngưỡng và luật pháp: nào là các phép hôn phối trong khung cảnh tôn giáo, nào là các nghi thức cưới hỏi, ly dị, nào là các cảnh xâm phạm tính dục, hành hung, đâm chém, tù tội, v.v...

Sự rắc rối và phức tạp đó trong gia đình và xã hội thật ra cũng chỉ phát sinh từ những gì thật đơn giản, đó là bản năng truyền giống tạo ra các sự ám ảnh tính dục nơi người đàn ông và người đàn bà. Và đấy là ý nghĩa của mười câu đầu tiên trong Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh). Các câu tiếp theo sau đó là để giải thích và hóa giải các sự ám ảnh đó cùng các sự ám ảnh khác trong tâm thức phức tạp của con người. Chúng ta hãy nêu lên một trường hợp cụ thể, chẳng hạn như Bài thuyết giảng cho hai vị đạo sĩ Bà-la-môn (Brāhmaa Sutta – AN 9.38), cũng đã được nêu lên trong phần II chương 1. Trong bài giảng này có một phân đoạn giải thích về sự tạo tác của ngũ giác như sau:

“Đối với việc tu tập của các đệ tử cao quý thì năm mối dây [trói buộc] của dục tính sẽ được gọi là vũ trụ. Năm mối dây trói buộc ấy là những gì?

1- Đấy là hình tướng nhận biết bởi mắt - mang tính cách khả ái, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến, khơi động sự thèm khát dục tính;

2- Đấy là âm thanh nhận biết bởi tai - mang tính cách ngọt ngào, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến, khơi động sự thèm khát dục tính;

3- Đấy là mùi nhận biết được bởi mũi - mang tính cách thơm tho, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến, khơi động sự thèm khát dục tính;

4- Đấy là vị nhận biết được bởi lưỡi - mang tính cách dịu ngọt, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến, khơi động sự thèm khát dục tính;

5- Đấy là sự đụng chạm nhận biết được bởi thân thể - mang tính cách êm ái, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến - khơi động sự thèm khát dục tính.

Đối với việc tu tập của các đệ tử cao quý thì năm mối dây [trói buộc] ấy của dục tính sẽ được gọi là vũ trụ.

Năm mối dây trói buộc đó chẳng phải là nguyên nhân đưa đến các sự ám ảnh nơi người đàn ông và người đàn bà hay sao? Trở lại với Bài giảng về sự ám ảnh tâm thần (Cittapariyādāna Vagga – AN 1.1-10) trên đây, thì chúng ta sẽ thấy nếu bóng dáng của người đàn bà, âm giọng của người đàn bà, mùi của người đàn bà, vị của người đàn bà, sự đụng chạm trên thân thể của người đàn bà ám ảnh người đàn ông như thế nào, thì các thứ ấy nơi người đàn ông cũng ám ảnh người đàn bà như thế ấy.

Hai thí dụ nhỏ nêu lên trên đây, thiết nghĩ cũng đủ giúp chúng ta nhận thấy sự mạch lạc thật chặt chẽ và tính cách ứng dụng trong Dhamma của Đức Phật. Mở rộng hơn, đối với hơn mười ngàn bài thuyết giảng của Đức Phật còn lưu giữ đến nay - không những dành cho những người tu hành rời bỏ khung cảnh gia đình mà còn dành cho mọi thành phần khác trong xã hội, từ vua chúa đến dân gian, từ những kẻ chất phác đến các vị thông thái - thì sự mạch lạc và tính cách ứng dụng đó lại càng là cả một sự khâm phục và kinh ngạc.

Hơn thế nữa, Đức Phật thuyết giảng suốt năm-mươi-mốt năm không ngưng nghỉ, các đệ tử thì có người nhớ nhiều, có người nhớ ít, và họ lập lại cho nhau qua những khoảng thời gian thật dài, thế nhưng Giáo huấn của Đức Phật vẫn giữ được sự quán thấy sâu sắc, thực dụng và mạch lạc. Vì thế, ngoài các nghi thức lễ lạc màu mè, các buổi thuyết giảng và nghe giảng mang tính cách tín ngưỡng và đại chúng ngày nay, thiết nghĩ đôi khi chúng ta cũng nên tìm hiểu Dhamma của Đức Phật một cách sâu sắc và nghiêm chỉnh hơn, nhất là để ý thức được những gì Đức Phật đã giảng và những gì Đức Phật không hề giảng.

Sau đây chúng ta lại trích dẫn thêm một bài giảng khác về thế giới:

Bài thuyết giảng về Thế giới

Loka Sutta - AN 4.23

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhukkhu, Bhikkhu Bodhi, Bikkhu Suddhaso, John Ireland, Piya Tan và bản dịch tiếng Pháp của Rémy.
Bài giảng này cũng được ghi chép trong 
tập Iṭivuttaka (Như Thị Ngữ Kinh) và được đánh số Iti 112).

“Bài giảng này là do chính Đấng Thế Tôn thuyết giảng, do một vị Arahant (A-la-hán) thuyết giảng (vị Arahant ở đây là Đức Phật), và tôi đã từng được nghe vầy:

“Này các [bạn] tỳ-kheo (người tỳ-kheo thuật lại với các tỳ-kheo khác về bài giảng này mà mình đã từng được nghe), đối với thế giới này thì vị Tathāgata / Như Lai ấy đã hoàn toàn thức tỉnh (xin nhắc lại Tathāgata / Như Lai có nghĩa là một người chỉ đơn giản là ‘Như Thế’ / ‘Không từ đâu đến nhưng cũng không đi về một nơi nào khác cả’. Đức Phật tự nhận mình và tự xưng là một người chỉ là ‘Như Thế’, chỉ là ‘Như vậy’, và mọi người cũng xem Ngài và gọi Ngài là một người ‘Như Thế’, một người ‘Như vậy’ / Tathāgata). Vị Tathāgata ấy đã tách ra khỏi thế giới. Vị Tathāgata ấy đã hoàn toàn thấu triệt nguyên nhân làm phát sinh ra thế giới. Vị Tathāgata ấy đã buông bỏ được nguyên nhân làm phát sinh ra thế giới. Vị Tathāgata ấy đã hoàn toàn thấu triệt được sự chấm dứt của thế giới. Vị Tathāgata ấy đã thực hiện được sự chấm dứt của thế giới. Vị Tathāgata ấy đã triển khai được Con Đường đưa đến sự chấm dứt của thế giới.

“Này các [bạn] tỳ-kheo, đối với thế giới này - trong đó gồm có các Thiên nhân (Deva), Ma vương (Mara), Phạm thiên (Brahmā / các vị Trời trong Ấn giáo), các người tu hành cùng các vị Bà-la-môn (là những người thuộc đẳng cấp thứ tư và cũng là đẳng cấp cao nhất trong xã hội), kể cả vua chúa lẫn dân gian - thì vị Tathāgata ấy đều hiểu được tất cả những gì mà vị Tathāgata ấy trông thấy, nghe thấy, cảm thấy, nhận biết, đạt được, thăm dò được, truy tìm và suy ngẫm được xuyên qua tâm thức mình. Chính vì thế nên người ta gọi vị ấy là Tathāgata / Như Lai.

“Này các [bạn] tỳ-kheo, tất cả những gì mà vị Tathāgata ấy trong đêm giác ngộ, đã đạt được một cách đích thật, tuyệt đối (tối thượng), không một chút tàn dư (sơ sót), chính là thể dạng Chấm dứt [hoàn toàn] (thể dạng Dừng lại, Tắt nghỉ / Unbinding / Nibbana property / còn gọi là cõi Niết-bàn. Chữ Niết-bàn có nghĩa là một thể dạng trong đó không có bất cứ gì hiển hiện cũng không có bất cứ gì biến mất), và kể từ lúc ấy, thì những gì mà vị ấy nói ra, vị ấy khẳng định, vị ấy giảng dạy, luôn là như thế, không một mảy may thay đổi. Vì thế, nên người ta gọi vị ấy là Tathāgata / Như Lai. Vị Tathāgata ấy là người làm những gì mà mình giảng dạy, và giảng dạy những gì mà mình làm. Chính vì thế, nên người ta gọi vị ấy là Tathāgata / Như Lai.

“Này các [bạn] tỳ-kheo, đối với thế giới này - trong đó gồm có các Thiên nhân, Ma vương, Phạm thiên, các người tu hành cùng các vị Bà-la-môn, kể cả vua chúa lẫn dân gian - thì vị ấy là vị chiến thắng vô địch, nắm giữ một quyền uy [tối thượng]. Chính vì thế nên người ta gọi vị ấy là Tathāgata / Như Lai.

“Thấu triệt được toàn thể thế giới:

Đúng thật với nó là như vậy,

Thoát ra khỏi toàn thể thế giới,

Vị ấy không còn vướng mắc trong thế giới.

Chinh phục được mọi đường hướng (mọi chủ trương, mọi quan điểm…),

Thoát ra khỏi mọi sự trói buộc,

Vị ấy thực hiện được sự an bình tối thượng là Nibbana (Niết-bàn),

Nơi đó không còn bất cứ một sự sợ hãi nào nữa cả.

Tẩy xóa được mọi thứ ô nhiễm, đạt được sự tỉnh thức,

Loại bỏ được mọi sự dao động, đập tan được mọi sự hoang mang,

Làm xong tất cả những gì cần phải làm,

Vị ấy đã hoàn toàn vượt thoát sức tàn phá của mọi sự bám víu.

Vị ấy là Đấng Thế Tôn, là vị Giác ngộ,

Một con sư tử, không một ai sánh kịp.

Trong toàn thể thế giới, trong đó gồm có các Thiên nhân,

[Thế nhưng] duy nhất chỉ có vị ấy là làm chuyển động được chiếc bánh xe Brahma (bánh xe Phạm thiên, bánh xe của các vị Trời trong Ấn giáo).

Vì thế, toàn thể Thiên nhân và con người,

Đều tìm đến cạnh vị Phật ấy để nương tựa,

Và để cùng nhau tôn vinh vị ấy,

Một Vị tối thượng đã vượt thoát mọi sự hoang mang.

Chủ động được chính mình, vị ấy là vị chủ động tối thượng,

Thực hiện được sự thanh thoát, vị ấy là vị thanh thoát tối thượng,

Đạt được sự giải thoát, vị ấy là vị giải thoát tối thượng,

Vượt thoát tất cả, vị ấy là vị vượt thoát tối thượng.

Do vậy, tất cả mọi người đều tôn vinh vị ấy,

Một vị tối thượng vượt thoát khỏi mọi sự hoang mang:

“Trong thế giới này, thưa Ngài, trong đó kể cả các thiên nhân,

Không một ai sánh kịp với Ngài”

(Câu cuối cùng trên đây cho thấy người tỳ-kheo vụt thoát ra khỏi cách thuật chuyện, hướng thẳng vào Đức Phật để trực tiếp thốt lên những lời tôn vinh Ngài)

“Trên đây là ý nghĩa trong những lời mà Đấng Thế Tôn nêu lên mà tôi từng được nghe”.

(Câu kết luận trên đây, thêm một lần nữa, cho thấy bài giảng là một câu chuyện thuật lại, không phải là những lời giảng trực tiếp của Đức Phật. Trong bài giảng Đức Phật được đặt vào ngôi thứ ba. Ngoài ra Đức Phật luôn thuyết giảng thật khiêm tốn, không hề tự tôn hay khoa trương. Đức Phật luôn tự nhận mình chỉ là một con người ‘Như Thế’. Ví mình với một con sư tử, một vị vô địch, là lời tán tụng của người tỳ-kheo thuật chuyện).

Vài lời ghi chú

Điểm đáng lưu ý trước nhất là bài giảng trên đây có thể được xem như là một ngoại lệ, bởi vì những lời trong bài giảng là những lời thuật chuyện và tán tụng Đức Phật của một người tỳ-kheo trong Tăng đoàn. Thế nhưng trong khi đó thì các bản dịch tiếng Việt được tham khảo thì lại cho rằng các lời trong bài giảng là những lời thuyết giảng của chính Đức Phật. Nguyên nhân phải chăng là vì các bản dịch tiếng Việt dựa vào các bản tiếng Hán, và ngữ pháp cũng như văn phạm trong tiếng Hán thì lại thiếu chính xác. Ngoài ra, câu mở đầu của bài giảng “Tôi từng được nghe như vầy” có thể khiến người đọc nghĩ rằng bài giảng là những lời của Đức Phật, thế nhưng các câu mở đầu cũng như các câu cuối trong các bài giảng chỉ là các câu công thức.

Điểm đáng lưu ý thứ hai quan trọng hơn nhiều, đó là sự mạch lạc và trung thực, trước sau như một, trong toàn bộ Giáo huấn của Đức Phật:

“Những gì mà vị Thathagata ấy nói ra, vị ấy khẳng định, vị ấy giảng dạy, luôn là như thế, không một mảy may thay đổi”.

“Vị Tathāgata ấy là người làm những gì mà mình giảng dạy, và giảng dạy những gì mà mình làm”.

Sự chân chính, mạch lạc và trung thực trong hơn mười ngàn câu giảng và bài giảng của Đức Phật quả là một điều đáng kinh ngạc và khâm phục, không có một câu giảng nào, một bài giảng nào, một ý niệm nào, một hành động nào tương phản hay đối nghịch với nhau. Rời khỏi gia đình lúc hai-mươi-chín tuổi, cắt tóc, cạo râu, ăn mặc rách rưới, ôm bình bát, sống cách ly trong những nơi cô quạnh, thuyết giảng cho tất cả mọi người, không ngưng nghỉ, không phân biệt một ai. Năm tám-mươi tuổi, buông bình bát, nằm xuống bên lề một con đường mòn giữa hai gốc cây trong một khu rừng. Trong suốt năm-mươi-mốt năm sau khi đạt được sự tỉnh thức trước thế giới này, thì từ lời nói đến hành động của vị Phật ấy lúc nào cũng chỉ là một, cũng chỉ đơn giản là “Như Thế”.

(Còn nữa)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6793251